Chap 4: Kế hoạch thâu tóm quyền lực
Ai Cập cổ đại, vào khoảng những năm 1335 TCN
Cuối cùng sau hai ngày thân chinh đi tìm kiếm cật lực, Pharaoh Nephenmaat cũng tìm được con gái đầu lòng của mình quay về, đồng thời kẻ chài lưới đem công chúa trở lại trước cổng thành được thưởng một túi bạc lớn và miễn thuế 2 năm.
Vị công chúa quay về, trông lạnh lùng biết bao, không biết có phải nước sông Nile mùa này lạnh lẽo ảm vào hay do lòng người sớm đã nguội tàn. Sau khi hồi cung, vừa ở chính điện giải trình nguyên nhân xong, công chúa Asisu nhỏ tuổi liền đến thần điện. Vốn dĩ mấy cung nữ nhiều chuyện cho rằng công chúa định cảm tạ thần linh hoặc có ý định tự tử lại lần nữa không chừng, thế nhưng Asisu không ở lại lâu, thậm chí có thể nói đến và đi như cơn gió. Tiếp đến, công chúa qua tẩm cung cố Vương Hậu rồi mới về điện riêng của mình.
Người chị gái Nym, lúc này là Asisu, đã rất cẩn thận khi giấu phiên đá hashawi trong người và đem về cất giấu trong điện riêng của mình. Vì đã biết đây không phải giấc mơ, cô quyết định ghé qua cung cố Vương Hậu để dò tìm một chút về thân phận hiện tại của mình. Đành rằng cô không có chút ký ức nào, nhưng cũng không thể giả ngơ mãi.
Vừa về đến điện, lấy lý do mệt mỏi muốn nghỉ ngơi để đuổi hết đám cung nữ ra ngoài, khi chắc chắn chỉ còn một mình trong phòng, cô liền tạm giấu tấm bia nguyền vào một góc kín ngay giường ngủ. Tiếp đến, cô lặng lẽ tìm tòi những thứ để trong chiếc rương được mang từ phòng cố Vương Hậu về. Thông thường, trong vòng 30 ngày kể từ khi một người có địa vị trong cung tạ thế, thì các vật dụng trong cung sẽ được dọn dẹp và bài trí lại, từ đó đợi chủ nhân mới đến. Chính vì vậy, tranh thủ trước lúc mọi thứ bị đem đi, Asisu đã dùng quyền lực của đại công chúa, con gái ruột của cố Vương Hậu để mang một số thứ cô cho là sẽ giúp ích về điện riêng.
Trong chiếc rương cô lệnh mang về này có rất nhiều mảng đất nung có chữ trên đó, điều đó chứng tỏ, cố Vương Hậu đã nhận được nền giáo dục đặc biệt. Ngoài ra, còn có một chiếc hộp được làm từ sứ thô, (ngay từ trước thời kỳ Cổ Vương quốc, người Ai Cập cổ đại đã tạo ra một loại vật liệu thủy tinh được gọi là sứ, và họ coi đó là một loại đá bán quý nhân tạo. Sứ là một loại đồ gốm được làm từ sillica , một lượng nhỏ vôi và natri oxit, cùng với một chất tạo màu), bên trong đựng món quà dành cho sinh thần năm nay của đứa con gái duy nhất của mình. Asisu bắt đầu đọc một lượt những nội dung trong các mảnh đất nung, do cô chỉ học lóm nên có nhiều chữ cô không đọc được, tuy nhiên vẫn có thể hiểu được sơ sơ đại ý.
Những văn tự trên dường như là nhật ký của cố Vương Hậu. Bà có lẽ đã trải qua cuộc đời đau buồn hơn nhiều người nghĩ, với những trách nhiệm mà bà gánh vác ở hậu cung, thần điện cùng sự cô đơn khi người chồng chăm lo cho nhiều việc khác thay vì quan tâm đến bà. Mặc dù Pharaoh tôn trọng bà và dành cho bà nhiều sự tôn nghiêm, nhưng có lẽ chúng chỉ xuất phát từ tình thân hoặc sự nể phục, ông đã xem bà như người bạn, người cố vấn hơn là tình yêu. Tâm lý bà bị đè nén khi không sinh được đích hoàng tử cho Pharaoh. Đứa em gái cùng cha khác mẹ của bà đã sinh được cho chồng bà một đứa con trai, sau đó người phi tần ấy đã chết vì hậu sản chỉ sau 2 tuần, từ đó bà nhận chăm sóc đứa trẻ - đứa cháu ấy như một người kế vị, nó được đặt tên Menfuisu. Bà đã yêu thương nó như con ruột mình, nguyện vọng của bà là cho đứa con gái của bà lấy vị hoàng tử duy nhất này rồi cùng lên ngôi, bảo vệ quyền lực của dòng dõi giống như bà. Có lẽ, bà đã mất do bị trầm cảm.
Asisu lại mở hộp sứ ra nhìn món quà bên trong, cô trầm ngâm một hồi, chẳng hiểu sao lại cất vào và để nó chung chỗ với tấm bia hashawi của mình. Cô có rất nhiều thắc mắc về món quà này, chắc có lẽ những điều liên quan đến nó nằm trong những câu chữ mà cô không biết đọc. Lát sau, ánh mắt cô trở nên thâm sâu lạ thường, cô như thì thầm với chiếc rương :"Xin lỗi bà, tôi không thể thực hiện nguyện vọng của bà được rồi."
Trời chuyển sang quá chiều, cô gọi mấy thị nữ vào, sai họ dời chiếc rương sang một bên phòng và cho người chuẩn bị bữa tối, chỉ để lại một mình người cung nữ hầu cận mà cô cho là thân thuộc nhất kể từ khi cô đến đây, Ari. Asisu quay sang nhìn Ari đăm chiêu làm cung nữ này có chút giật mình.
_ Thưa công chúa, người cần gì xin cứ sai bảo nô tỳ.
_ Ngươi hãy báo với phụ vương, ta muốn dùng bữa với tên chài lưới đã cứu ta, xem như bày tỏ lòng biết ơn.
_ Nhưng hoàng đế đã thưởng cho hắn ta rồi!
_ Phụ vương có lòng của phụ vương, ta muốn thể hiện sự biết ơn của ta. Ngươi mau đi đi.
_ Nhưng thưa...
_ Nếu ngươi không đi, ta sai người khác đi.
_ Nô tỳ không dám, nô tỳ đi ngay thưa công chúa!
Ari quả nhiên là một người hầu biết việc. Đúng lý ra, phải đích thân công chúa đến thưa chuyện này với hoàng đế, tuy nhiên việc người chỉ kêu bà đi chuyển lời cho thấy, bà cần phải lựa lời sao đó để Pharaoh không nghĩ rằng cô công chúa này quá coi thường mình. Thông thường, một đứa trẻ sáu tuổi sẽ không hiểu quá nhiều quy tắc trong cung, nhưng đây là đại công chúa, là người đã lớn lên trong 6 năm trời bằng những nguyên tắc khắt khe của cố Vương Hậu và chốn cung đình. Không hiểu tại sao trong lòng người thị nữ này cảm thấy khác lạ, đặc biệt là từ sau buổi cầu nguyện tiễn đưa cố Vương Hậu.
Dĩ nhiên, cái miệng khéo ăn khéo nói của Ari đã thành công mang về cái gật đầu đồng ý của Pharaoh, nhưng ông cũng hạ lệnh rằng đích thân mình cùng hoàng tử Menfuisu sẽ dùng bữa chung. Ari cứ ngỡ công chúa sẽ thích điều này nên nhanh chóng quay về báo tin, nhưng người thị nữ này chỉ đoán trúng một nửa. Khi nghe việc Pharaoh đã đồng ý thì nét mặt Asisu có vẻ vui mừng, nhưng vừa nghe đến cái tên hoàng tử Menfuisu thì nét mặt bỗng đanh lại.
_ Nó...à không tên hoàng tử này cũng tham dự nữa sao?
_ Thưa công chúa, Pharaoh đã bảo thế, nhưng có chuyện gì sao thưa công chúa?
_ À, không có gì.
Asisu suýt chút đã vụt ra khỏi miệng, rằng nhìn gương mặt tên nhóc đó rất giống một người hồi bé, người mà cô có mối hận không phai. Cô không rõ bây giờ lớn lên người đó có hình dáng ra sao, nhưng từng đường nét của người đó lúc nhỏ, cả đời này cô không bao giờ quên.
_ Thứ cho nô tỳ mạo muội, nô tỳ chỉ là quan tâm người. Công chúa, sao lại ghét hoàng tử đến thế? Trước đây hai người rất hoà thuận kia mà. Nếu là vì hoàng tử đã đụng phải người và tỏ ý muốn cãi nhau với người hôm cầu nguyện cho cố Vương Hậu thì chắc là do hoàng tử quá đau buồn vì xem cố Vương Hậu là mẹ ruột của...
Ari đang thao thao bất tuyệt bỗng im bặt khi nhìn thấy ánh mắt lúc đó của Asisu, người thị nữ này tưởng chừng mình sắp bị giết...Mãi về sau, khi Ari đã lên hàng nữ quan, trải qua nhiều sóng gió trong đời, thì mới biết được câu nói ngày hôm nay suýt chút khiến bà mất mạng. Từ khi Menfuisu chào đời, phi tần về cùng nữ thần Isis, thì thị nữ tâm phúc của cố Vương Hậu là Nafutera chuyển sang chăm sóc cho đứa trẻ đỏ hõn này, đồng thời Ari được chuyển từ phòng may vá sang điện lớn để thế chỗ. Dù gì cũng phục vụ được một thời gian khá dài, đây là lần đầu tiên bà thấy công chúa đáng sợ đến vậy.
_ Được rồi, ngươi lui ra đi, nhớ chuẩn bị thật tốt cho bữa thiết đãi ân nhân của ta.
_ Vâng!
-----o0o-----
Ngay buổi trưa hôm sau, tên đánh cá được vời vào cung và dùng ngự thiện chung với những thành viên hoàng tộc có địa vị cao nhất, điều đó khiến một số viên quan ganh tỵ, khó chịu, nhưng cũng chứng minh trước toàn thể mọi người tình cảm mà Pharaoh giành cho công chúa. Trái ngược với thái độ muốn thưởng công cho ân nhân của mình từ công chúa, vị hoàng tử trẻ tỏ ra chán ghét, nhưng nhờ có lời khuyên từ phụ vương, rằng một người trị vì tốt cần nhớ ơn người đã có công phò tá mình, nên nếu hắn đi sẽ chứng tỏ tương lai là một vị vua đáng tin cậy, thế là hắn đồng ý đi.
Bên cạnh đó, khỏi phải bàn cãi, nhìn gương mặt tên đó hớn hở, nụ cười toác đến tận mang tai, hàm răng lổm nhổm vàng khè khoe trọn ra ngoài khiến mấy cung nữ quay mặt đi kinh tởm. Lát sau, khi bữa tiệc chuẩn bị tàn, công chúa Asisu rút một chiếc vòng bằng vàng ra, tận tay trao cho kẻ hèn mọn này. Ngay khi vừa nhận xong, ánh mắt hắn loé lên một tia ranh mãnh, nhưng rồi hắn lập tức quay trở về trạng thái "được lên mây" của mình.
Buổi tiệc kết thúc, Asisu đã kiềm chế thành công, không để mình lồng lộn lên khi gặp tên nhóc Menfuisu như lần đầu nữa, chỉ là cô vẫn không thể tỏ thái độ thân thiện với Menfuisu được. Sau khi Pharaoh xoa đầu cô rồi về chính điện, cô và Menfuisu cũng ai nấy lo việc mình. Trước khi đi, tên nhóc này vẫn không quên quay lại nhíu mày than thở một câu :
_ Con gái đúng là đồ phiền phức! Ta ghét con gái!
Suy cho cùng, đây cũng chỉ là đứa trẻ mới lên bốn, còn rất ngây thơ và chưa hiểu gì. Có lẽ thời điểm khi ấy, trong tư tưởng của nó chỉ nói ngoài miệng vậy thôi, chứ nếu đối phương gặp nạn nó sẽ không ngần ngại ra tay giúp đỡ, vì tâm hồn lương thiện ấy vẫn chưa bị vấy bẩn.
Từ sau khi về điện riêng, Asisu liền đuổi tất cả ra ngoài, lấy cớ muốn nghỉ ngơi, buổi chiều cũng chỉ ăn chút ít và nói buồn ngủ. Mọi người ai cũng nghĩ do còn đau buồn về chuyện mới xảy ra với cố Vương Hậu nên công chúa còn buồn, không ai muốn vào làm phiền để mà chuốc hoạ vào thân. Duy chỉ có Ari cẩn thận thổi tắt nến cho công chúa rồi mới đóng cửa ra ngoài.
Màn đêm buông xuống, những ngôi sao trải dài như cánh tay ôm gọn con dân Ai Cập vào lòng. Bỗng, một bóng người chuyển động nhịp nhàng giữa bức tranh tịch mịch ấy. Cái bóng nhanh nhẹn trèo qua khỏi cửa sổ từ phòng ngủ của công chúa, sau đó lấm la lấm lét chạy qua hành lang không người canh đang được chiếu sáng lờ mờ bằng mấy chiếc đuốc đính trên cột nhà, đến kế bậc thềm thì liền nhảy xuống, mất hút trong không gian âm u này.
Khoảng một khắc sau (tương đường 15 phút ngày nay), cái bóng đen ấy lại xuất hiện ở cửa sau điện thờ Sobek (nữ thần sông Nile, có hình đầu cá sấu, một trong những nữ thần được sùng kính bậc nhất tại Ai Cập). Phía xa xa, có ai đó dường như đang đợi cái bóng đến nôn nao ruột gan. Khi cái bóng đó đến gần, người kia cung kính cúi đầu từ rất lâu chào đón.
Dưới sự soi sáng của trăng và mấy ngọn đuốc từ điện thờ, hai con người ấy dần dần hiện rõ lên. Một kẻ có làn da đen dạm vì nắng gió, thân hình gầy guộc và hàm răng vàng úa, trang phục rách rưới bằng vải thô. Người còn lại mang dáng dấp của hoàng gia, chiếc áo lụa mềm mịn cùng mái tóc đen óng dịu dàng, chỉ có điều, người này dường như vẫn còn là trẻ con. Trong màn đêm, họ đã tiến hành cuộc giao dịch đầu tiên.
_ Thưa công chúa, người đã đến rồi! Kẻ hèn mọn này xin sấp mình trước người.
_ Sao người biết chắc kẻ ta đến đây tìm là ngươi
_ Thưa công chúa, chẳng phải lúc đưa chiếc vòng cho kẻ hèn mọn này, người đã nói " Nữ thần Sobek sẽ phù hộ cho ngươi dẫu không phải ban ngày", rồi gõ vào tay tôi một cái. Ý người là, vào một giờ khuya, hãy đến điện thờ thần Sobek. Kẻ dân hèn này đã canh giờ theo clepsydres và đến đúng giờ.
(Chú thích : người Ai Cập gặp phải nhiều điều bất tiện khi sử dụng đồng hồ mặt trời, chẳng hạn như không thể cho biết thời giờ vào những ngày mưa hay vào ban đêm. Vì vậy người Ai Cập lại nghĩ ra các đồng hồ nước (clepsydres) căn cứ vào mực nước trong một chiếc bình trong suốt. Đồng hồ nước tuy được phát minh sau đồng hồ mặt trời nhưng lại được dùng đồng thời với loại đồng hồ mặt trời. Trên bức tường trong ngôi nhà mồ tại một nghĩa địa của tỉnh Thèbes, Ai Cập, người ta còn tìm thấy chiếc đồng hồ nước của tu sĩ kiêm nhà thiên văn tên là Amenenhet, khoảng niên đại thời kỳ Tân Vương Quốc)
_ Ngươi thông minh lắm! Nếu ngươi hiểu được dụng ý của ta, thì đoán được ta kêu ngươi đến để làm gì rồi chứ?
_ Người muốn ta làm tay sai cho người! Xin công chúa cứ sai bảo kẻ hèn mọn này, dù là chuyện khó khăn gì thì kẻ...
_Không cần phải nói nhiều, ngươi cũng biết ta là người giữ lời hứa. Khi ngươi đưa ta quay về hoàng cung, ngươi đã được nhiều gấp bội đúng không?
_ Thưa vâng!
_ Giờ hãy giúp ta một việc, và ngươi sẽ không còn là kẻ chài lưới bị khinh thường nữa. Ta tin rằng ngươi không chỉ muốn của cải mà còn cả quyền lực nữa đúng chứ?
_ Công chúa...
_ Hôm nay ở chính điện ngươi đã thấy bức phù điêu lớn khắc chân dung mẫu hậu quá cố của ta rồi chứ?
_ Thưa công chúa, kẻ thấp hèn này vốn tôn kính cố Vương Hậu nên chỉ dám nhìn sơ qua chứ không dám ngắm trực diện.
_ Không sao, hãy tìm một cô gái đến tuổi cập kê có nét giống với mẫu hậu quá cố của ta, đặc biệt cô ta phải là người không có khả năng sinh con. Sau khi tìm được hãy làm cách nào đó để cô ta trở thành con nuôi của ngươi, rồi đeo chiếc vòng vàng ta ban sáng nay cho cô ta. Hãy để cô ta xuất hiện trên đường ta hay đi kiệu dạo chơi trong thành Thebe, ta sẽ biết phải làm gì tiếp theo. Làm càng nhanh càng tốt
_ Kẻ hèn mọn này xin tuân lệnh.
Mặc dù lờ mờ đoán đoán được điều công chúa sắp làm, nhưng tên này vẫn không đủ thông minh để hiểu được thâm ý ẩn sâu bên trong đó. Dĩ nhiên, muốn bảo toàn mạng sống thì đừng chứng tỏ mình hiểu được quá nhiều.
Hắn ta lặng lẽ cúi chào, đôi mắt nheo lại trong khi cái bóng rời đi.
---------
Phần giải đáp thắc mắc của Fia
*IcyLilyFlower :
Chào bạn - xin được phép xưng hô là bạn thay vì dùng từ độc giả cho thân thiện hơn nhé. Đầu tiên cám ơn bạn đã theo dõi và góp ý cho truyện của Fia. Về vấn đề vào thời điểm Tân Vương Quốc đã sử dụng tiền đúc (đồng bạc, quan tiền, nén bạc...) hay chưa, Fia cũng đã có tham khảo 1 số tài liệu. Có tài liệu cho rằng vào thời kì này đã có tiền đúc rồi, do Kỹ thuật bên Ai Cập phát triển từ rất sớm, thậm chí từ giai đoạn Cổ Vương Quốc, cộng thêm liên hệ với nghệ thuật đúc, trạm, khắc đỉnh cao từ bức tượng bán thân của nữ hoàng Nefertiti cùng sự giàu có thời đó, một số nhà Ai Cập học cho là thời đó đã từng đó tiền đúc. Tuy nhiên, do những di tích về thời kỳ này bị huỷ hoại nhiều bởi "sự trả thù của người đi sau", cũng như chiến tranh, nên hầu như thông tin lịch sử khá ít, không có bằng chứng tiền đúc xuất hiện, cũng như không đủ bằng chứng khẳng định thời đó không có tiền đúc. Thậm chí có nhà Ai Cập học cho là thời đó đã có dạng "chi phiếu" thời nguyên sơ khi giá trị tiền được thay thế bằng văn tự có dấu ấn hoàng gia trên giấy cói (papyrut), những "chi phiếu" này được quy đổi bằng vàng và chỉ sử dụng trong hoàng gia hoặc giới thượng lưu- Tuy nhiên cá nhân Fia theo trường phái loại trừ khả năng này nên không cho xuất hiện trong tác phẩm. Dù cho về sau đã tìm được lăng mộ vua Tut nhưng các nhà khảo cổ vẫn chưa dám khẳng định mà chỉ nêu các giả thiết trên những căn cứ ít ỏi đó.
Những bằng chứng về tiền đúc rõ ràng hơn vào thời Hậu Nguyên, tức thời nối liền ngay sau Tân Vương Quốc (Wiki). Fia ban đầu cũng đắn đo, và cuối cùng quyết định để bối cảnh tác phẩm của mình đã có tiền đúc hoặc nén bạc sử dụng, để đánh bật sự phồn vinh và nền văn minh Ai Cập lúc đó hơn. Bên cạnh đó, 2 tác phẩm trước của mình là "Tìm lại nụ cười" và " Đối mặt" cũng theo mạch tác giả gốc sử dụng quan tiền, nên mình cũng dùng ở tác phẩm này cho có sự thống nhất giữa 3 bộ truyện cùng 1 tác giả Fia.
Vì đây chỉ là những câu chuyện thêm mắm muối dựa trên những thông tin lịch sự bị gián đoạn theo thời gian, Fia cũng chẳng phải là nhà khảo cổ học hay Ai Cập học, nên Fia không dám khẳng định bạn đúng hay Fia đúng, nhưng Fia rất vui vì bạn đã theo dõi và quan tâm đến tác phẩm của Fia. Cám ơn những góp ý và thắc mắc của bạn nhiều nhé, mong bạn luôn ủng hộ tác phẩm của Fia! Fia chúc bạn luôn thành công với những tác phẩm của mình.
Fia!
Con người ấy mà, dù cho có bị người khác phản bội, vẫn muốn gặp kẻ thù của mình một lần để hỏi xem vì sao lại đối xử như thế với mình. Nhưng nhiều khi sự đời không như ý người, đôi khi đến cơ hội gặp lại cũng hiếm hoi. Vào những năm còn đói nghèo và kỹ thuật điện tử chưa phát triển, thử hỏi ở cái nhà trẻ mồ côi toạ tại làng quê nghèo năm ấy lấy đâu ra hình ảnh hay giấy tờ minh chứng thân phận cho từng đứa trẻ. Trêu ngươi ở chỗ, khi lũ trẻ được ai đó nhận nuôi, mấy bà vú chỉ biết nhận được tiền là xong - mà thực ra mấy bà ấy hầu như còn không biết mặt đứa trẻ ấy nữa. Chẳng có một thủ tục ghi chú nào rõ ràng. Với những người nhiều tiền lắm của, chỉ cần khai báo đứa bé được nhận nuôi đó là trẻ lang thang là có thể thực hiện được giấy nhận nuôi hay khai sinh lại rồi. Hồi ấy ở Ai Cập, mà không, đa phần các nước Trung Đông, trẻ em cơ nhỡ, lang thang vô số, nên các cơ quan chính quyền cũng ít để tâm đến. Vì vậy khi ba đứa trẻ bị tách ra, chúng cũng không còn cách nào tìm lại nhau trừ phi được thần linh giúp đỡ.
Nếu như được gặp lại, cô rất muốn nghe lời giải thích từ chính miệng cậu bé đó.
Những tưởng mọi chuyện đã trôi vào quên lãng, rằng sau ngần ấy năm trời, cô cũng đã nguôi ngoai. Nhưng từ khi nhìn thấy bản mặt tên hoàng tử Menfuisu đó, những ký ức năm xưa bỗng trỗi dậy mạnh mẽ và điều đó khiến cô phiền lòng.
_ Thưa công chúa, đã đến giờ dùng trưa, xin người di giá vào trong.
Tiếng gọi của thị nữ Ari đã kéo Asisu ra khỏi những suy nghĩ mông lung, cô gật đầu rồi quay vào trong. Sau khi dùng bữa xong, công chúa liền lệnh xuống muốn đi dạo ngoài thành, Ari liền lập tức kêu kiệu đến và dàn cung nữ đi theo phía sau hầu. Bởi vì trong kỳ tang chế, nên có lẽ những bài học cung đình được tạm hoãn, bởi vậy đa phần thời gian cô công chúa nhỏ giam mình trong những gian điện thờ, phòng ngủ hay đi dạo ngoài cung cũng không có ai lấy làm lạ.
Asisu nôn nóng, đã năm ngày trôi qua, từ tối hôm đó đến nay cô vẫn đi dạo đều đặn trên cung đường này nhưng vẫn chưa thấy tín hiệu gì. Hôm nay không biết tên tay sai kia đã tìm được người cho cô hay chưa, bởi nếu qua kỳ tang thì cô sẽ không thể dễ dàng tới tui thế này được. Asisu cố gắng quan sát thật kỹ, cái nắng nóng không làm cô mất đi tính nhẫn nại của mình. Vì kiệu ở Ai Cập rất đặc trưng, không có màn quây quanh mà chỉ có lọng đi kèm để che nắng, nên tầm nhìn cũng được rộng mở hơn.
Chuyến đi hôm nay cũng không khác những ngày trước là bao, Asisu đang định bụng ôm nỗi thất vọng và hồi cung, thì bất ngờ nghe có tiếng ẩu đả từ phía xa, cô bèn phẩy tay ý muốn kiệu tiến về chỗ đó. Thì ra, đó là một nữ nô lệ tuổi đôi mươi, ăn mặc rách rưới, mặt mũi lem luốc muội than, đang quỳ chắp tay cầu xin một cường hào, nghe đâu cô ta đã phạm tội ăn cắp bánh mỳ. Chuyện này cũng không có gì là lạ, đối với người đã thường xuyên trải qua như cô thì tâm hồn chai sạn đã không còn mấy xúc động. Thứ gọi là mủi lòng vốn dĩ chẳng tồn tại trong cô từ lâu rồi. Nhưng đang lúc Asisu cho kiệu quay đi, thì cô chợt nhận ra chiếc vòng vàng lấp ló sau tay áo rách kia.
_Dừng lại, có chuyện gì ở đây mà ồn ào vậy? - Ari thay lời chủ nhân mình lên tiếng.
_ Đứa nào dám hỗn láo với ta vậy? Có biết ta là quan hầu cận được Pharaoh yêu quý không hả?
_Là đại công chúa Asisu đây! Còn không mau hành lễ với công chúa! - Ari tức bực lên tiếng phản bác lại, còn Asisu thì vẫn ngồi im thin thít trên kiệu với đôi mắt lạnh lùng.
Tên quan kia nom đã vào tầm tuổi trung niên, trang phục cùng cây gậy có đầu hình cá sấu bằng vàng hắn mang theo chứng tỏ cho mọi người thấy đây là quan tư tế cấp cao. Đôi mắt lươn của hắn liếc nhìn lên cô công chúa nhỏ. Cuối cùng, hắn miễn cưỡng cúi đầu hời hợt và thu cái roi da lại. Đến lúc này, Asisu mới lên tiếng :
_ Xin ngài bớt nóng, do nô tỳ của ta lo sợ ta bị kinh động thôi. Ngài vui lòng cho ta biết có chuyện gì xảy ra ở đây vậy?
_ Chỉ là con nô lệ này dám ăn cắp bánh mì của thần, đây không phải là chuyện của công chúa đâu, người đừng can thiệp vào! Á, mày còn dám ăn cắp vòng vàng nữa sao! Chết này!
_Á! Xin tha mạng! Không phải vậy đâu, đây là vật cha tôi được ban tặng mà! Tôi không có ăn cắp - Cô nô lệ đó đang hoảng sợ khóc thét dưới đòn roi.
Asisu vẫn giữ vững bộ mặt nhẹ nhàng, hết sức kìm chế bản thân trong lời ăn tiếng nói. Cô hiểu rằng dù cô là đứa con gái được cố Vương Hậu cùng Pharaoh yêu thương, nhưng bản thân chỉ mới 6 tuổi, không hề có thực quyền. Hơn nữa, người quyền lực nhất - Pharaoh đã quá bận rộn lo việc nước thay vì chống lưng cho cô vào mấy chuyện cỏn con. Tên quan tư tế như thế này đã là nể mặt cô lắm rồi. Asisu ra lệnh hạ kiệu, cô đích thân bước xuống và hạ giọng :
_ Xin ngài bớt nóng, ngài là quan cao chức trọng, dù sao thì đánh chết người phụ nữ này ngài cũng không được ích gì. Hay là thế này, dù sao trong cung điện ta cũng đang thiếu tỳ nữ, một mình gửi đến ngài chiếc vòng cổ vàng ròng ta đang đeo này thay cho tiền bánh mì và tiền chuộc cô gái này nhé!
Tên quan ngẫm nghĩ một hồi, dù sao hắn cũng có lợi, sợi dây chuyền đính hồng ngọc lấp lánh thế kia chắc rất đắt giá, và hắn cũng không thể vì chuyện bé xíu này mà kình nhau ra mặt với đại công chúa được, nên đành gật đầu đồng ý. Asisu mỉm cười hiền hoà với viên quan nọ, rồi dịu dàng dìu người nô lệ đứng lên, phủi bụi cho cô ta và an ủi :
_ Không sao đâu, theo ta nào!
Asisu đánh giá sơ qua cô gái này, dù mặt khá lấm lem nhưng góc nhìn nghiêng vẫn có vài phần giống với mẫu hậu quá cố. Đặc biệt, trong ánh mắt cô gái này có một sự căm hận và tham vọng bất tận. Điều này rất đúng ý cô, tên chài lưới kia đã làm rất tốt.
-----o0o-----
Về đến điện công chúa, Asisu lệnh cho người đi tắm gội cho cô ta và ngầm sắp xếp những váy áo tương tự như cố Vương Hậu cho cô ta mặc - dĩ nhiên là chỉ na ná, chất liệu thì không bằng, cũng không có những trang sức lộng lẫy. Thế nhưng, theo một khía cạnh nào đó, chính cái đơn giản lại làm nên nét thu hút cho cô gái này. Trong lúc chờ đợi, Ari bỗng tỏ ra khó chịu và bẩm tấu :
_ Thưa công chúa, sao người lại cứu con nô lệ đó chứ? Lại còn đem cô ta vào cung nữa.
_ Bình tĩnh nào Ari, và đừng có to tiếng với ta. Dù sao thì cô ta cũng đeo chiếc vòng vàng ta đã ban cho ân nhân cứu mạng ta trên sông, có lẽ cô ta là con gái của ông ta, ta cũng muốn đền đáp đôi chút.
_ Nô tỳ không dám thưa công chúa! Nhưng rõ ràng nô tỳ cảm thấy cô ta có gì đó rất lạ. Lúc trước, tại thời điểm cứu công chúa rồi lãnh thưởng, sao không thấy cô ả xuất hiện chứ! Và công chúa cũng không biết người đàn ông đó có con gái trước đó mà.
_Ừ, đúng là ta không biết, nhưng giờ thì biết rồi, ta không thể làm ngơ được.
Khi Ari đang định nói tiếp, thì đám nô tỳ dẫn cô gái kia vào, khiến cuộc nói chuyện giữa đôi bên tạm ngưng. Ngay sau khi nhìn cô gái, Ari đã phải thốt lên :
_Trời ơi! Thật giống Vương Hậu! À, không phi tần Kiya (niên hiệu của xác ướp được cho là mẹ Menfuisu)! Không, không phải...Suýt chút nữa thì ta nhận lầm rồi!
Asisu cười thầm trong lòng, nhưng ngoài mặt tỏ vẻ bình thản. Cô lại gần người giống mẫu hậu đang quỳ phía dưới, chăm chú nhìn khiến người này ngượng ngùng. Bằng giọng trẻ con non nớt vốn có, cô mở đầu cuộc trò chuyện :
_ Đừng sợ, ngươi xinh đẹp lắm, ngươi giống mẫu hậu ta lắm. Tuyệt thật, đúng không Ari. À, ngươi tên gì?
_ Bẩm...tôi tên là Tadukhipa.
_ Ngươi nói cha ngươi đã cho ngươi chiếc vòng này sao?
_ Thưa vâng, tôi không có ăn cắp mà! Thật mà, xin công chúa tin tôi. Dù ông ấy chỉ là cha nuôi, nhưng cách đây vài ngày, ông ấy đã cứu tôi, đem tôi về thuyền và còn đưa chiếc vòng này cho tôi, nói rằng do đích thân Pharaoh ban tặng, nếu tôi đeo nó như tín vật thì sẽ không bị kẻ khác ức hiếp nữa. Nhưng hôm nay, rõ ràng tôi không ăn cắp mà quan tư tế đã...
Rõ ràng tên chài lưới kia đã không hề cho cô gái này biết về việc chính đại công chúa mới là người tìm cô. Hắn quyết định diễn màn kịch đến cùng, đảm bảo cô gái hắn tìm về sẽ mang cho hắn một món lợi còn lớn hơn, hắn muốn cô ngỡ mình đang mang ơn người cha nuôi này và thật tâm cung phụng hắn khi cô được công chúa ban thưởng, chứ không phải biết đến hắn như tay sai của công chúa. Nhưng chính lòng tham này của hắn đã khiến hắn phải trả một cái giá thật đắt về sau.
Asisu chỉ mỉm cười, tiếp tục nói giọng líu lo :
_ Được rồi, đừng sợ, ta đã cứu ngươi rồi. Ta sẽ xử lí việc này và triệu nghĩa phụ ngươi vào gặp. Để cho ngươi làm quen với hoàng cung, bây giờ ngươi cùng ta đi dạo ở vườn nho gần chính điện nhé!
_Tâu vâng!
Nói rồi, cô gái khúm núm chắp tay trước eo và đi phía sau công chúa, còn thị nữ Ari đi hầu phía trước trong sự nghi ngờ. Rõ ràng, Ari là một thị nữ nhạy bén, nhưng có lẽ trong giai đoạn này lòng trung thành của cô sẽ bị phí hoài, vì tâm tư sâu không đáy của chủ nhân lúc này.
Vườn nho hôm nay đẹp lạ thường, những chùm nho xanh mọng nước đang rũ xuống từ giàn leo. Vì không khí ở Thượng Ai Cập rất nóng, bởi vị trí nó gần xích đạo, nên sự tươi mát của thiên nhiên sẽ là liệu pháp xoa dịu lòng người hiệu quả. Vườn nho này vốn dĩ cũng là nơi yêu thích của cố Vương Hậu và phi tần, khi còn tại thế, họ cũng thường xuyên tổ chức những bữa tiệc tại đây. Giờ đây, khi đại công chúa di giá đến thăm, đem theo nhiều thị nữ cho việc hái nho và dọn bữa ăn thì cũng không có gì là lạ. Asisu vừa đi vừa nhìn ngắm, sau khi chọn được một vài chùm ưng ý, cô sai Ari và một cung nữ quen thuộc hái, sau đó vờ lại gần Tadukhipa nói ngây ngô :
_Nè, Tadukhipa, ta thích chùm đó nhất, nhưng nó hơi cao, mọi người lại bận rộn, ngươi hái thử xem sao, nhớ cẩn thận nhé! Hái như thị nữ Ari đã làm ấy!
_ Dạ vâng!
Asisu cố tình chọn chùm nho ở giàn leo cao hơn nhiều so với thân người Tadukhipa để cô phải nhảy lên. Với tâm tình muốn hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên thật xuất sắc, Tadu đã nhiều lần nhướn người và bật lên nhưng vẫn không được. Cô đành hít một hơi thật sâu, chạy lấy đà và vươn mình bật lên.
Dưới những giàn nho gương mặt cô như một bức tranh nghệ thuật, mùi thơm chín mơn man làn da mịn, mái tóc ngang vai hoà theo một cơn gió nhẹ thổi ngang qua, thân hình đầy đặn mang đậm phong thái mãnh liệt đặc trưng của mỹ nhân Ai Cập. Ngay khi cô hái được chùm nho, nụ cười rạng rỡ nở trên môi thật hút hồn.
_Công chúa ơi! Tôi hái được rồi!
Á! Cô quên mất mình vừa mới nhảy lên nên suýt té.
Ngay lúc này, có một vòng tay rắn chắc đón lấy cô, lồng ngực người ấy ấm áp và bờ vai rộng khiến cô có cảm giác an toàn ngay tức thì. Ánh nắng mặt trời lúc này cũng không đủ sức át đi sự tinh anh trong đôi mắt đang nhìn cô. Từ giây phút đó, Tadukhipa đã bị dẫn dụ vào một mê cung không lối thoát.
_ Akenkeres? Không! Không, là Kiya (niên hiệu của xác ướp được cho là mẹ Menfuisu) sao?
Akenkeres (danh hiệu được cho là của cố Vương Hậu) và Kiya (niên hiệu của xác ướp được cho là mẹ Menfuisu) là hai người phụ nữ quyền lực nhất trong lòng Pharaoh cho đến thời điểm hiện tại.
Tiếng nói của Pharaoh đã đẩy Tadukhipa ra khỏi cơn mê, cô vội vàng rút khỏi vòng tay của ngài ấy và bẽn lẽn đỏ mặt run rẩy không dám nhìn thẳng. May sao lúc này, Asisu đã kịp thời phá vỡ không khí ngượng ngùng này.
_ Xin chào phụ vương. Cô gái này không phải mẫu hậu hay nhị phi tần đâu ạ! Đây chỉ là người con cứu được trên đường đi dạo hôm nay. Vừa hay cô ấy lại là con gái của tên chài lưới đã cứu con, nên con định giữ cô ấy lại chơi vài ngày.
_ À! Ừ! Được rồi, con cũng ở đây sao?
_ Thưa phụ vương con nhớ mẫu hậu nên muốn ra thăm vườn nho để nhớ đến người. Con có sai thị nữ hái nho rồi. Phụ vương lại dùng một chút với con đi.
_ Được rồi công chúa của ta!
Trong suốt lúc ăn nho, Pharaoh đã có đôi lần lén nhìn cô gái có tên Tadukhipa. Mặc dù Asisu biết tất, bởi đây là kế hoạch của cô. Bản thân cô biết rõ người cha này của mình vẫn chưa quen với sự ra đi của người vợ quá cố nên mấy ngày nay vẫn hay ra vườn nho ưu sầu. Nhưng cô rất khôn ngoan khi vẫn tỏ ra là một đứa trẻ chưa biết gì.
Sau khi trò chuyện đôi câu, có lẽ tình cha con giữa họ đã tăng thêm được phần nào. Họ ngồi ở vườn nho rất lâu và quay về sau khi dùng xong bữa tối. Ngay khi về đến điện công chúa, Asisu đã sai thị nữ đi làm mấy công chuyện lặt vặt khiến ai nấy chạy tối mắt tối mũi, ngay cả Ari cũng không ở yên. Khi biết chắc tất cả đều có công việc của riêng mình, cô liền giả vờ nhờ Tadukhipa mang một chén canh giải rượu đến cho Pharaoh thay cô vì không còn thị nữ nào ở đây. Tadukhipa đồng ý và nhanh chóng mang chén canh rời đi ngay sau đó.
Một khắc sau, Ari quay về và báo với công chúa rằng nước tắm đã chuẩn bị xong, Asisu vui vẻ xuống bồn tắm rải đầy hoa và tinh dầu đặc chế.
_ Nước tắm thoải mái lắm Ari.
_ Nô tỳ rất vui khi công chúa thích! Nhưng mà, sao nô tỳ không thấy Tadukhipa đâu? Thần đang định hỏi công chúa nên cho cô ta ngủ ở đâu? Phòng cung nữ hay phòng khách của công chúa?
_ À, cứ cho cô ấy ngủ ở phòng khách của ta đi. Lúc nãy ta vừa định mang canh giải rượu sang cho phụ vương, nhưng cô ấy bảo ta nên nghỉ ngơi và nằng nặc giúp ta đưa sang điện chính. Mà thôi kệ cô ấy đi, chắc cô ấy chỉ hiếu kì trong cung thôi chứ gì.
_ Dạ vâng.
Ari mặc dù có đôi chút khó hiểu nhưng vẫn không dám làm phiền lòng chủ nhân mình trong lúc thư giãn. Ari đã đứng trầm mặc một lúc bên ngoài, cuối cùng chịu không nổi mà nói ra :
_ Công chúa, sao thần vẫn thấy Tadukhipa có âm mưu gì đó. Hình như cô ta muốn quyến rũ Pharaoh...
_ Chắc không phải vậy đâu! Ngươi nghĩ nhiều quá rồi Ari!
_ Ngay lúc trong vườn nho, nô tỳ gần như đã tỏ tường được âm mưu của cô ta. Nếu như không, thì sao một kẻ thấp hèn như cô ta, lại chưa biết hết đường đi nước bước trong cung, mà sao lại dám làm vậy. Cô ta nghĩ công chúa còn bé nên ngây thơ. Chắc chắn, cô ta sẽ...
_ Này, ngươi nói như vậy làm ta có chút lo. Hay ngươi đi sang bên chính điện nghe ngóng tình hình đi. Chắc sẽ không có gì xảy ra chứ?
_ Thần sẽ đi ngay, công chúa yên tâm, dù cho cô ta có vài nét giống với cố Vương Hậu thì cũng không thể quyến rũ được hoàng đế đâu.
Thị nữ Ari nhanh chóng rời đi dưới ngọn đèn dầu leo lét. Còn Asisu ngước nhìn ánh trăng mềm mại trên cao và tận hưởng giây phút thư giãn. Ari ơi Ari! Ngươi sai rồi. Pharaoh sẽ rơi vào sự quyến rũ của cô ả thôi. Cố Vương Hậu và phi tần là chị em khác mẹ, nên họ có nét giống nhau, số phận họ cũng giống nốt khi phải ra đi quá sớm. Chắc chắn Pharaoh đã tiếc nuối khôn nguôi khi ông chưa cho họ được tình yêu trọn vẹn khi họ còn tại thế, nên vừa nhìn thấy Tadukhipa, ngài ấy chắc chắn sẽ giữ lại ngay, sẽ để cô ấy sống trong vai trò vốn có của hai người phụ nữ quan trọng nhất với ông, và rồi sủng ái cô ấy thật nhiều như một sự bù đắp. Hơn nữa, cô ấy không có dịu dàng giống hai người kia mà sẽ đem đến một cảm giác mới lạ cho Pharaoh, vì vậy, sớm thôi, sẽ có một tỳ thiếp mới trụ vững trên ngai. Ari à, phụ vương ta chỉ mới xấp xỉ ba mươi, ông ấy còn rất tuấn tú và đang ở độ tuổi phong trần không thể thiếu người phụ nữ kế bên. Tuy ta sẽ có chút thiệt thòi. Nhưng mà Ari, chỉ khi phụ vương đi đúng kế hoạch này thì ta mới có được thứ ta muốn.
Đúng như Asisu dự đoán, sáng hôm sau trong điện chính truyền ra tin tức : Pharaoh đã ở cùng với một cô gái có xuất thân thấp hèn là Tapukhipa và đang có ý định lập cô ta làm phi tần.
Không cần phải nói, trong một tuần sau đó, hoàng cung náo loạn chưa từng thấy. Các quan thần phản đối kịch liệt vì xuất thân nghèo hèn của Tadukhipa và cho rằng cô đang lợi dụng lòng nhung nhớ của vua để bước chân vào hoàng tộc, nhưng sâu xa hơn thì có thể hiểu, họ sợ một khi cô gái này được sủng ái, thì quyền lực sẽ lại bị phân chia nhiều hơn. Bên cạnh đó, các cung nữ trong cung thì tức tối vì họ vốn dĩ đẳng cấp cao hơn ả nô lệ này nhưng lại không có được cơ hội. Ầm ỹ hơn cả là phía hoàng tử Menfuisu, đứa trẻ bốn tuổi này ghét Tadukhipa ra mặt vì dám cướp vị trí của mẫu hậu nó khi bà chỉ vừa mới được thuẫn táng chưa đầy nửa tháng. Đối với bất kì ai, thì địa vị của người mẹ là mãi mãi, không ai có thể thay thế hay đánh đổ được vị trí đó. Menfuisu cũng vậy, cố Vương Hậu - người nó xem như mẹ ruột - vĩnh viễn không ai được đụng đến bà. Duy chỉ có điện công chúa là đóng cửa yên tĩnh đến lạ thường, chẳng ai biết được đứa con gái vừa mới mất mẹ và bị ả nô lệ kia lợi dụng đang có suy nghĩ gì.
Sau một tuần lễ, Asisu lệnh cho Ari mời các quan cận thần cao cấp vào bàn luận gì đó không rõ. Ngay chiều ngày hôm đó, Pharaoh ban ra hai thánh chỉ, một thánh chỉ phong Tadukhipa làm phi nhưng không có quyền thừa kế tại Ai Cập hay ở hậu cung. Còn một thánh chỉ nữa công nhận quyền thừa kế của đại công chúa Asisu, bắt đầu từ hôm nay, đại công chúa Asisu sẽ tiếp quản vị trí đứng đầu nội cung và đồng thời theo kề bên Pharaoh để phụ các công việc trị quốc thay vì phi tần Tadukhipa sắp được lập. Vì đại công chúa còn nhỏ nên Pharaoh cho người tự chọn các nữ quan để giúp đỡ trong việc nội cung. Các quan đại thần không ai phản đối với quyết định này và sau đó không còn ai có ý kiến gì về việc lập phi, dĩ nhiên trừ Menfuisu.
Như vậy, quyền lực và vị trí kế vị chính thức rơi vào tay một cô công chúa chỉ mới 6 tuổi.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro