Ngày đầu gặp mặt
Mẹ tôi mất năm tôi và Vũ Tiến Hi nhận ra tấm chân tình của nhau.
Tôi sống trong một gia đình có người mẹ lạnh nhạt và một người cha nhu nhược. Tuy sống trong môi trường thiếu tình thương của mẹ, tôi vẫn cảm thấy may mắn hơn những đứa trẻ khác vì tôi có được sự chăm sóc đầy đủ của tình phụ tử. Mẹ tôi là người đàn bà không bao giờ để tâm đến con cái và kể cả chồng mình. Bà suốt ngày đi ra ngoài để lại tôi - một đứa trẻ chưa biết đi ở nhà tự sinh tự diệt. Tôi tự hỏi tại sao cha lại yêu mẹ say đắm như vậy. Dường như cả trái tim của ông sinh ra chỉ để cống hiến cho mẹ. Ngày tôi lớn lên, tần suất mẹ đi ra ngoài ngày càng nhiều. Bà luôn đi sớm về khuya, thường xuyên tới mức tôi cũng đã dần trở nên quen thuộc với điều đó. Một tối, tiếng mở kẽo kẹt của cửa gỗ đánh thức, tôi lảo đảo bước ra căn phòng khách còn bật đèn sáng chưng chờ mẹ quay về. Mẹ xuất hiện với dáng vẻ yêu kiều nhất. Bà hay thích mặc chiếc váy đỏ ren bó sát chiếc eo thon dài trắng nõn của mình. Mẹ rất đẹp, đẹp như đoá hoa hồng đỏ rực nhưng lại lạnh lùng như bị bao phủ bởi băng tuyết. Bà liếc tôi một cái, chẳng thèm nói thêm câu nào mà bước vào phòng. Khoảng cách của tôi và mẹ trở nên xa cách hơn, không khác gì người dưng nước lã. Cứ tiếp tục từ tiểu học cho đến trung học, chương trình học tập ngày càng khó khăn. Sáng sớm, tôi bị đánh thức bởi mùi hương thơm ngát của canh bò hầm trong bếp. Cha tôi đang loay hoay gắp miếng thịt cho vào bát mẹ. Phần của mẹ là phần ngon nhất, xong đến tôi rồi cuối cùng mới là ông. Mới đầu tôi hỏi cha lí do ông luôn dành dụm cho mẹ từng miếng thịt to và ngon nhất. Ông chỉ mỉm cười rồi xoa đầu tôi:
-Vì mẹ con ra ngoài mệt nên ta phải phần cho mẹ những bữa ăn ngon chứ?
Tôi cầm theo hộp cơm cha chuẩn bị, ngồi lên chiếc xe đạp đã cũ mèm từ lâu. Tôi ôm chặt eo cha, vi vu trên những đoạn đường làng thưa thớt người qua lại. Thỉnh thoảng lại nghe vài tin đồn về mẹ tôi. Họ chê mẹ tôi là một người phụ nữ dâm đãng, ngày ngày đi quyến rũ chồng người ta, khuyên cha tôi nên ly hôn với mẹ. Những lời đàm tiếu ấy ngày một nặng hơn, đặc biệt là bà Chu hàng xóm sát vách nhà tôi.Bà ta nói mẹ tôi là con điếm lăng loàng. Tôi không phản bác mà ngầm đồng tình với những lời độc địa từ miệng đời. Đến trường, những lời đồn đại ấy vẫn còn tiếp diễn. Tôi bị bạn bè chế giễu, hẹn ra ngoài cổng trường, dựt tóc, trêu ghẹo. Tất cả mọi thứ xấu xí nhất đều được tôi hưởng hết. Không chỉ có tôi mà còn có một học sinh khác, tên cô ấy là Vi Vi. Cô ấy xinh đẹp, thanh thoát nhưng sinh ra trong một gia đình trọng nam khinh nữ. Vi Vi đến trường với bộ quần áo cũ rích, chật chội. Vì thế, cô bị hội bạn gắn mác cho cái biệt danh là "con búp bê khờ". Bởi sự đồng cảm hay chung hoàn cảnh, tôi kiếm cớ tới bắt chuyện với cô ấy. Vi Vi thông minh lắm! Lúc nào cũng đứng trong top 10 của trường. Tôi và Vi Vi dần dần thân thiết với nhau. Tôi cho cô một chiếc kẹo ngọt, mai cô lại cho tôi một mẩu chocolate cô trộm được của em trai. Chúng tôi như tri kỉ, gắn bó với nhau suốt năm học lớp 6. Cho đến ngày nọ, đó là một ngày nắng đẹp, chim chóc ríu rít trên những hàng cây xanh. Tôi hớn hở nhìn món quà tôi tặng cho Vi Vi vào ngày sinh nhật. Một chiếc nơ xinh xắn điểm thêm vài viên ngọc trai lấp lánh. Tôi dùng hết tiền tiết kiệm cả 3 năm qua để mua cho cô ấy, chỉ mong cô ấy nở một nụ cười thật tươi. Chuông bắt đầu reo, cô giáo bước vào lớp. Tôi ngơ ngác không thấy Vi Vi đâu thì một tin động trời ập xuống đầu tôi, khiến tôi không thể nào đứng vững:
-" Xin chia buồn với các em, Vi Vi đã mất rồi."
Nghe thấy cô nói câu đó, đầu tôi chợt ong ong lên. Tôi không cần đoán cũng biết lí do cô ấy mất là gì? Những giọt nước ấm nóng chảy từ khoé mắt đến cằm rồi rơi xuống bàn học. Tôi cầm chặt chiếc nơ hồng trong tay, lòng nghẹn ngào đau đớn. Tôi căm hận cha mẹ của Vi Vi, thắc mắc với ông Trời trớ trêu tại sao lại cho tôi một viên kẹo ngọt rồi lại giáng một cú tát đau điếng. Tội nghiệp cho cô bạn đáng thương của tôi đã phải chịu những lời đổ lỗi oan uổng, những trận đòn roi cứa sâu vào da thịt. Không còn Vi Vi, tôi mất đi một niềm an ủi to lớn. Những vụ bạo lực trong trường học làm tôi trầm cảm. Tôi không dám nói với cha vì sợ ông lo lắng, thưa với mẹ cũng chỉ như gió thổi qua tai. Vết bầm tím chằng chịt trên cơ thể tôi. Tôi nhìn vào gương, cảm thấy ghê tởm chính mình. Lúc đó, pháp luật, trường học chưa nhận thức được hậu quả của bạo lực học đường. Nhiều bạn trẻ đã phải gánh chịu ấm ức cả về thể chất lẫn tinh thần, trong đó có tôi. Kéo dài hết 2-3 năm học, khi tôi vào lớp 9, bị bạn bè trấn lột tiền còn nghe tin cha mất do tai nạn giao thông. Tôi lúc đó chẳng còn thiết sống nữa. Mất đi người thân duy nhất, tôi lang thang dọc theo con đường Hạnh Phúc, muốn tìm thấy nơi mình thuộc về. Mùi bánh mì vừa ra lò thoang thoảng làm tôi đói bụng. Tôi bước càng nhanh hơn, ngẩng đầu lại thấy mình đang đứng trước một sạp bánh mì. Nhìn nó xập xệ nhưng trông vô cùng ấm cúng. Bụng kêu cồn cào, tôi ngất đi giữa mùi bột mì cùng vẻ mặt lo lắng của bà chủ.
Chẳng còn mùi bánh mì nữa mà là mùi canh thơm ngát bao phủ khắp người tôi. Mắt tôi lim dim, nghe cuộc trò chuyện của một ngườ phụ nữ trung niên và một cậu thanh niên hơn tôi chừng cả chục tuổi. Nghe thấy tiếng động, bà chủ liền nhanh kêu con trai xuống lấy khăn lạnh. Tôi dễ chịu, lại thiếp đi trong hương hoa nhài hoà vào sự ấm áp mà bà ấy đem lại. Đến tối, tôi bật dậy trên chiếc giường êm. Loáy hoáy nhìn đồng hồ:
-19h rồi á!
Tôi lật đật xách dép chạy xuống dưới nhà. Thấy một cậu thanh niên vạm vỡ đang nướng nốt mẻ bánh cuối. Anh ta có hàng lông mi dài dày đen nhánh. Đôi tay thon dài uyển chuyển nướng bánh. Vũ Tiến Hi rất đẹp trai làm bao nhiêu người phụ nữ say mê mà mua bánh. Tôi đang đắm chìm trong cái vẻ đẹp ngời ngời ấy thì bỗng một giọng nữ dịu dàng vang lên:
-Con dậy rồi sao? Xuống mà uống canh này!
Tôi ngơ ngác, như một con robot tuân theo mệnh lệnh mà xuống dưới nhà, ngồi vào bàn ăn, húp một ngụm canh nóng hổi làm bỏng cả lưỡi. Tôi ngồi trước người phụ nữ đang vừa nhìn tôi chăm chú vừa nghiêm nghị mắng yêu cậu thanh niên sẽ khiến vận mệnh tôi xoay chuyển sau này.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro