Chương 3 - Bất công tồn tại ngay bên cạnh bạn

Chương 3 - Bất công tồn tại ngay bên cạnh bạn

Trở lại với đề tài được giao, quá rộng để gói gọn trong vài trang giấy, phó tổng có ý gì khi giao tôi đề tài loại này, lại bảo thư thả mà làm, lo việc chính cho tạp chí trước, website không cần gấp. Sự bất công.. tôi suy nghĩ, xung quanh đây, xã hội này, tồn tại đầy rẫy bất công tới nỗi muốn chọn một trong số đó để viết cũng phải phân vân hồi lâu. Đặt bút viết về sự bất công trong xã hội, khởi đầu bằng quá trình xin việc gian nan của sinh viên, người lao động, mà không quen thân hay được gửi gắm. Đến khi bước vào được nơi làm việc, họ lại phải tiếp tục chịu đựng bất công, điển hình là tôi, bị cấp trên hằn học, bị chuyển công tác vì dám nói thẳng, nói thật. Hơ.. viết đến đây, là người can trường tôi cũng có hơi nhục chí, bài viết này chắc chắn sẽ chịu chung số phận, làm thú tiêu khiển cho cha phó tổng biên tập. Mất hứng, tôi gác bút, đi ra ngoài phòng khách.

Không thấy mẹ ngồi xem tivi vào mỗi tối như thường lệ, mẹ đang ở dưới bếp. Mẹ tôi là người phụ nữ của gia đình, nói vậy không có nghĩa mẹ là nội trợ, ba mươi năm làm giáo viên và giờ mẹ đã về hưu. Trước giờ dù đi làm hay ở nhà mẹ luôn chu toàn nhà cửa và công việc ở trường, mẹ tôi là siêu nhân mạnh hơn hẳn siêu nhân gao mà trẻ nít khoái xem nhé. Đùa thôi, buổi sáng mẹ là người dậy sớm nhất nhà, đi chợ và nấu nướng, dọn dẹp,... tóm gọn một cụm từ "chăm lo cho gia đình", hàng tá công việc không tên mẹ vẫn hằng ngày cán đáng khiến tôi khâm phục và thương mẹ nhiều. À, phải rồi, chủ nhật này là đám giỗ bà Cố, thảo nào mẹ tất bật công việc lớn nhỏ, mẹ tôi là người lo xa, đám giỗ vài bàn mời họ hàng, phải chuẩn bị trước đến cả ba bốn ngày là ít. Sao mẹ không bảo tôi ra giúp, tôi mãi đâm đầu vào laptop từ khi về từ tòa soạn, vô tâm chẳng để ý đến mẹ đang hì hục dưới bếp.

Tôi sinh ra ở Việt Nam, sống dưới ý thức hệ trọng nam khinh nữ, tôi phần nào bị ảnh hưởng tư tưởng phụ nữ quanh quẩn ở bếp, đàn ông mới làm đại sự. Tôi thừa biết nó là sai, hoàn toàn không ủng hộ, hết mực lên tiếng bênh vực phái yếu nhưng đó là việc xã hội. Lời nói dễ hơn hành động rất nhiều, tôi tự nhận bản thân lười làm việc nhà, thụ động trong việc phụ giúp mẹ, tự trách bản thân và cảm thấy tội lỗi, tuy nhiên vẫn thấy khó mà sửa đổi. Lề thói đó ăn sâu vào đầu óc những người xung quanh tôi, kể cả mẹ tôi cũng nghĩ bếp núc là việc của phụ nữ, dường như nó là một phần của văn hóa xã hội Việt.

Tôi không đang biện hộ, tìm lí do thoái thác trách nhiệm, nhưng là con trai từ nhỏ trong nhà tôi đã không phải động tay vào thứ gì, mọi việc đều có mẹ lo từng li từng tí. Nếu một đứa trẻ được giáo dục phải tự lập từ nhỏ giống bên phương Tây, nó sẽ lớn lên một cách độc lập và dễ dàng tách khỏi gia đình khi đủ tuổi. Và trường hợp của tôi và rất nhiều đứa trẻ khác, được nuôi dưỡng trong môi trường không phải động móng tay vào bất kỳ thứ gì ngoài bút viết để học, thì việc trở thành "người đàn ông hoàn hảo" trong mắt các cô gái để hồi đáp câu hỏi "sao các anh không học theo Tây? Tây nó bình đẳng, đàn ông cũng phải nấu nướng, chăm con" là chuyện khó như lên núi bằng mỗi đôi chân. Nhưng không phải không làm được, con trai bọn tôi chỉ cần các em gái biết rằng chúng tôi cũng có nỗi khổ, cái gì cũng cần thời gian, kiên nhẫn, và không phải ai cũng sẵn sàng chịu khó, nên việc đột biến thành con người đến từ một nền văn hóa khác là cực, cực kỳ khó.

Không có đứa trẻ nào được cưng chiều, sung sướng từ nhỏ, đùng một cái bị quẳng ra đường khi đủ tuổi mà cảm thấy ổn cả, nó dễ phải khóc thét lên giữa đường trước ấy chứ, đùa, nó sẽ cần thời gian để thích nghi, và tôi vẫn đang trong quá trình tập thích nghi từ lúc lĩnh hội được tư tưởng tiến bộ - nam nữ bình quyền.

Và cũng đừng mang tôi và những đứa trẻ may mắn giống tôi ra thuyết giáo, so sánh với những mảnh đời éo le, đáng thương chiếu trên ti vi, như cách cha tôi vẫn thường làm, rất khập khiễng. Dù đấu tranh sứt đầu mẻ trán, sự thật vẫn là cuộc sống vốn có bao giờ công bằng? Mỗi người, mỗi cảnh, không ai không gặp trắc trở, không ai cả đời bước trên con đường trải toàn cánh hoa hồng, chỉ là nỗi thống khổ nhiều, ít khác nhau. Dựa trên hoàn cảnh mà bạn sống, sẽ cho ra những nhận thức khác nhau về sự sướng, cái khổ, có người đơn giản ăn no mỗi ngày đã là sướng, bị đói là khổ, có người phải thắng chứng khoán, trúng thầu mới cảm thấy sướng, bị thua là khổ.

Không ai tạo ra được thước đo sự đau đớn về tâm hồn, để biết được ai trong số họ đau hơn, khổ hơn, nó cũng giống như việc người ở các nước phát triển tiêu tiền gấp nhiều lần người ở nước đang phát triển, đâu phải họ tiêu nhiều tiền là họ luôn sung sướng và hạnh phúc hơn ta? Bởi vì mỗi nước có mặt bằng, tiêu chuẩn sống khác nhau, hàng hóa, dịch vụ bên họ cũng đắt đỏ hơn bên đây. Việc so sánh này giống như ban đầu tôi nói, khập khiễng, đối với những người có nhận thức, có trái tim, thì việc thuyết giáo, so sánh đó là không cần thiết.

Hình như đi khá xa vấn đề đang đề cập rồi, bệnh nghề nghiệp, viết nhiều quá rồi lậm, cứ hay lảm nhảm, vấn đề sinh ra vấn đề. Đầu óc lóe sáng, sao không lấy mấy điều trên để làm bài viết đề tài sự bất công, đáp ứng tiêu chí không động chạm cấp trên, duyệt.

"Thiên, mẹ lu bu vụ đám giỗ chưa nấu đồ ăn, để mẹ chiên trứng cho con ăn đỡ"

"Mẹ lên nghỉ ngơi đi, để con, chiên trứng thì có gì đâu, con làm loáng là xong"

"Được không đó?"

"Mẹ này, chiên trứng thôi mà, con làm suốt khi ở trọ, mẹ khéo lo"

"Ừm nhớ đừng cho nước mắm nhiều, mặn đó"

"Rồi, rồi con biết hết mà, mẹ lên nghỉ đi, làm cả ngày rồi"

Tôi xua mẹ lên phòng khách, qua cuộc đối thoại cũng biết mức độ chăm sóc con cái của mẹ tôi nằm ở cấp độ nào. Mẹ cứ thế này thì thằng con mẹ bao giờ mới tự lập được? 24 tuổi đầu, mà mẹ lo cả đến việc chiên trứng, tôi thở dài, mẹ thương tôi, thương vô cùng, tôi cũng thương mẹ nhưng cũng phải nhẹ nhàng chỉ ra cách giáo dục và cưng chiều con của mẹ và một số bà mẹ ở Việt Nam là chưa phải, chưa hay.. Nói sao nhỉ, tất nhiên tôi không phải đang đề cao phương pháp thương cho roi, cho vọt, nên chăng thương cho con "một cần câu", đừng mãi dọn cá đến tận miệng cho chúng ăn đến khi chúng trưởng thành, sẽ ỷ lại mất.. Nhất là con trai, thế hệ của tôi không thiếu những thằng như tôi, không làm gì ra hồn ngoại trừ việc học tập, làm việc. Việc chấn chỉnh tôi đã làm từ vài năm trước, khi học đại học và phải ở trọ, tự làm tất cả và càng thương mẹ hơn, lúc ấy chỉ mong mỏi một điều được về nhà với mẹ, được mẹ nấu cho ăn, được "mang cá" tới miệng, tôi biết sau này càng lớn rời xa vòng tay của mẹ, sẽ khó mà có lại được cảm giác hạnh phúc ấy..

"Cái thằng, chiên trứng nát ngấu vậy mà coi được"

"Hì, ăn vào bụng hết mà mẹ"

"Mốt lấy vợ, nó làm cho ăn đàng hoàng, mẹ lớn tuổi yếu rồi, tới đám giỗ kỳ này oải quá" (oải: từ địa phương, nghĩa là mệt)

"Con ở vậy với mẹ, vợ con gì. Nhưng mà mẹ này, nếu có vợ, vợ con chắc sẽ không đảm đang, giỏi giang giống mẹ đâu"

"Nịnh tui nữa, lấy về tự khắc nó biết làm, thương chồng con phải làm chứ biết sao giờ"

"Vậy chồng thì không thương vợ hả mẹ? Nếu thương sao không biết làm phụ vợ mình..?"

"Tùy đứa, con gái lấy chồng như đánh bạc, gặp đứa tốt biết lo thì đỡ khổ, còn gặp như ba mày cũng phải chịu, chứ không mày mất ba sao.."

Nói tới đây, tôi nuốt cơm nghe nghèn nghẹn trong cổ họng, cha tôi làm công chức nhà nước, ăn ngay nói thẳng không sợ mất lòng ai nên ì ạch từ khi vào làm, không thăng chức là mấy. Có lẽ tôi thừa hưởng đức tính ấy từ ông, chỉ là quan tốt ở công đường chứ không đủ tốt ở gia đình. Cha tôi sinh trưởng trong gia đình nhà nho, theo kháng chiến ở miền Trung, từ nhỏ gia đình đã sống theo lệ "chồng chúa vợ tôi", nghe mẹ kể hồi xưa mẹ mới về nhà chồng, phụ nữ thậm chí không được ăn chung mâm với đàn ông trong nhà. Cha tôi vì thế bị ảnh hưởng ít nhiều, khá gia trưởng, quan niệm đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm, nhưng mẹ tôi làm cả hai việc, ông không lấy làm trân trọng mà xem đó như một bổn phận.

Tôi nhiều lần gây nhau với cha tôi cũng chung quanh mấy chuyện đó, mẹ bảo thôi đi, nhưng tôi thấy cảnh bất công như vậy làm sao im hơi lặng tiếng được. Mỗi lần cha con cãi nhau, ông một câu cửa miệng dội thẳng vào mặt tôi "mày ra ngoài tự làm mà ăn, cúp, cúp hết, không tiền bạc gì sất", tôi không sao làm quen được dù đã phải chịu đựng tính khí nóng nảy, dị kỳ của ông từ nhỏ, mỗi lần như vậy tôi nhốt mình trong phòng và.. khóc. Nói ra điều này không hề xấu hổ, con trai vốn cũng có cảm xúc, chỉ là họ giỏi che giấu mà thôi, khi thất vọng họ vẫn cần được rơi lệ. Tôi cảm thấy mẹ thương tôi bao nhiêu thì cha lấy đi bấy nhiêu, tôi vẫn sống với người đàn ông này nhường ấy năm, đôi khi thấy ông vô hại, trung thực, lương thiện, tôi cũng thương, nhưng sóng gió ập đến khi nào thì không lường trước được.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro