Chương 4 - Nên làm thế nào?

Chương 4 - Nên làm thế nào?

"Mẹ, chủ nhật này con dậy sớm phụ mẹ đám giỗ"

"Ủa chứ con tính không phụ mẹ hay sao? Con lo đãi khách, xếp bàn ghế được rồi" mẹ cứ thích trêu tôi, thường thì ở nhà ngủ nướng đến trưa, hôm nay bày đặt xông xáo hứa hẹn, chả trách mẹ ngạc nhiên.

"Không phải, chỉ là lời hứa cho mẹ yên tâm, con trai sẽ không ngủ nướng mà ra phụ mẹ"

"Mừng ghê nơi, lâu lâu nghe được câu thấy vui. Mà có bận deadline công việc gì không?"

Dĩ nhiên là tôi đã thu xếp rồi mới dám hứa chắc. Thật ra, hôm thứ năm sếp (phó tổng biên tập) có lên tận phòng bảo tôi chủ nhật này đi khu du lịch sinh thái cùng sếp để viết bài, nhưng tôi cáo nhà có đám giỗ, kể ra tôi cũng gan cùng mình dám từ chối sếp. Nhân tiện cũng mời anh, chị, em trong phòng tới nhà dự đám, nhưng nhà tôi nằm ở ngoại thành khá xa trung tâm thành phố, nơi đa số đồng nghiệp tôi sinh sống, nên nếu họ ngại xa từ chối, tôi cũng không buồn gì.

Sáng chủ nhật, sắp bàn ghế một lúc đã ướt đẫm mồ hôi, mùa này Sài Gòn nóng kinh điển, trưa nào cũng phải phè phè máy lạnh mới chịu thấu. Các dì tôi sang phụ mẹ chuẩn bị, nhà rất đông vui, nhưng quanh qua quẩn lại cũng chỉ toàn đàn bà phụ nữ lui cui dưới bếp. Tôi cùng mấy thằng em họ chỉ sắp bàn ghế một lúc, lại ngồi nhìn mẹ và các dì nấu ăn, năm món đãi và tráng miệng. Một mình mẹ tôi đi chợ năm nào cũng vậy, ai nấy đều có công việc của mình, mỗi người lo một, hai món. Thói ở đời người biết làm phải làm, người không biết không ai nhờ tới.

Bởi vậy, người biết làm nhiều thứ thường cực nhọc, vất vả nhưng nếu được chọn lựa, tôi muốn trở thành người làm được tất cả, để mẹ tôi không phải nhọc công trong khi tôi ngồi rảnh rỗi trông theo.. bất lực, chả biết nấu gì ngoài chiên trứng. Và đám đàn ông đang ngồi nói chuyện râm ran, xem ti vi trên phòng khách kia cũng không khác là mấy, bất lực, vâng từ đó nghe rất "nhột". Họ sinh ra dĩ nhiên không bất lực, nhưng theo lề thói xã hội, họ tự gán cho mình nhiệm vụ kiếm tiền và có quyền phè phỡn trong khi những người phụ nữ của họ đang toát mồ hôi dưới nhà bếp kia, và biện hộ bằng việc "lực bất tòng tâm". Họ đúng không biết nấu nướng gì thật, nhưng phải chăng không cần học, vì nhận thấy không cần dùng tới. Nhưng thời nay đâu chỉ có đàn ông mới biết kiếm tiền, phụ nữ ra xã hội thì đàn ông cũng nên ghé vào bếp đi chứ!?

Tôi không gom đũa cả nắm, đa số các đầu bếp nổi tiếng đều là nam, và một số đàn ông hăng hái làm việc nhà nhưng mặc kệ đi, cảnh tượng phản chiếu vào mắt tôi như nào, thì tôi diễn tả lại như thế. Liệu rồi tôi sẽ trở thành một trong số họ..? Sung sướng mà, sao tôi lại phải quan tâm phụ nữ cảm thấy thế nào? Có vẻ phụ nữ chấp nhận hy sinh mà không cần đến một lí do thuyết phục, vì những người mẹ, người bà họ từng như thế nên họ phải theo đó mà làm??

Bản thân là đàn ông nhưng tôi không thể phớt lờ, bởi vì mẹ tôi và mẹ bạn đang là nạn nhân của ý thức hệ lạc hậu, cổ hủ này, và biết đâu cả vợ tôi, vợ bạn nữa. Chính tôi là một thằng con trai, nhưng cảm thấy điều đó cực kỳ ngớ ngẩn và vô lý, tại sao phụ nữ thế hệ mẹ tôi và trước nữa lại có thể bao dung và rộng lượng như thế? Câu trả lời đơn giản chỉ vì họ không muốn khác người, các đấng sinh thành từ bao thế hệ vẫn sống như vậy, người ta làm sao thì mình làm vậy, mẹ tôi từng nói như thế. Tôi vẫn ấm ức thay cho mẹ và vô số những người phụ nữ phải chịu đựng cảnh khổ sở vô lý này, thân là phái yếu nhưng phải è lưng ra làm, nào nóng, nào nặng nhọc, cần sự tỉ mỉ, vất vả vô vàn, việc một thằng đàn ông như tôi, ngồi công sở ăn lương không thể đem ra so sánh.

Nhưng làm sao để dừng sự bất công dị hợm này lại? Câu trả lời nằm ở tôi và bạn, đàn ông chúng ta phải hành động vì những người phụ nữ thân yêu của chúng ta. Nếu bạn thương yêu họ chân thành, hãy giúp đỡ họ nhiều hơn, với sức lực trai tráng của bạn, bạn có thể dừng sự bất công này lại. Tất cả phụ thuộc vào ý thức của bạn, bạn yêu họ bao nhiêu, hãy giúp họ bấy nhiêu, phụ nữ là phái đẹp, phái yếu, không phải là cái máy đẻ và làm việc nhà. Đàn ông chúng ta có thể ngồi đó trò chuyện vui vẻ, xem ti vi tán dóc trong khi những người vợ, bạn gái của mình đang vật lộn với sức nóng hừng hực dưới bếp, rồi nai lưng ra rửa hết đống chén dơ bẩn mà chúng ta ăn. Có bất công không chứ?

Các bạn thấy được điều đó phải không? Sự biện hộ không làm cho người phụ nữ của bạn vui vẻ và bớt mệt mỏi, sự giúp đỡ, sẻ chia từ bạn sẽ làm họ vui hơn cả khi nhận được quà sinh nhật. Bạn nghĩ sao? Sẽ cùng tôi thay đổi sự bất công tàn nhẫn này chứ? Hỡi những người đàn ông có trái tim, nếu bạn làm được điều đó bạn sẽ trở thành người đẹp trai và đáng yêu nhất trong mắt cô ấy.

Chấm, hoàn thành bài viết, phía trên là một số ý tôi vừa khai triển được, chắc chắn không đả kích ai nhé vì chính tôi cũng thuộc số người nên cảm thấy xấu hổ. Này, tôi không chỉ biết nói thôi đâu, tôi đã giúp mẹ lau nhà, thu gom rác, rửa chén cả buổi chiều, mệt nhoài càng thêm thấm thía. Sếp à, tôi phải cảm ơn anh vì đã đưa cho tôi viết đề tài này, thực tế và đúng lúc, hy vọng anh không vì thấy "bất ngờ liên quan" mà giếm luôn bài viết của tôi. Tự hỏi không biết sếp của tôi là người đàn ông thế nào? Ở tòa soạn, anh có vẻ kính trên, nhường dưới, thỉnh thoảng bắt nạt cấp dưới nhưng rốt cùng cũng chỉ là muốn họ làm việc tốt lên. Tôi có cảm giác anh rất thương vợ, chiều con, là một người đàn ông của gia đình.. Cho nên tốt nhất, đăng bài này của tôi đi, nhé sếp.

Cảm giác của tôi về sếp cũng có nguyên do của nó, là vì sáng này, sếp đã không quản ngại đường xa đến nhà nhân viên dự đám giỗ. Tôi mời khoảng chục người, chỉ một nửa có mặt, nhưng có sếp là tôi vui mừng khôn xiết rồi, đây là dịp tốt để lấy lòng cấp trên, sau một năm làm việc tôi giờ cũng như bao người, đã mang tư tưởng bợ đỡ trong đầu!? Phải tự kiểm điểm bản thân. Nhưng quả thực, không hiểu sao tôi luôn muốn làm sếp hài lòng, không chỉ riêng quá trình làm việc mà còn tất tần tật việc giao thiệp liên quan, tôi thề tôi không không nghĩ tới thăng tiến gì cả, tôi làm vì nhận thấy con người này xứng đáng được đối xử một cách chân thành. Bình thường sếp nhậu nhẹt thả ga, nhưng khi ở nhà tôi, sếp giữ chừng mực, uống vài lon với tôi và đồng nghiệp, không say xỉn tới bến, lúc tới nhà sếp lịch sự chào hỏi cha mẹ tôi và các dì, một con người lịch thiệp và lễ độ.

Thứ hai đầu tuần, tôi đưa bài viết cho sếp, không có việc gì làm thì phải, sếp mở ra đọc ngay, vừa đọc, vừa làm mặt nghiêm trọng. Đọc xong, gấp lại, sếp tiến tới chỗ tôi đang đứng, làm tim tôi muốn nhảy bổ ra khỏi lồng ngực, nghĩ mình sắp bị mắng vì nói quá chuẩn, trúng ngay tim đen..

"Với tư cách là một người đàn ông, tôi đồng ý"

Bấy giờ, tôi mới thôi nhắm tịt mắt, nhận ra sếp chỉ muốn bắt tay với tôi, trên môi nở một nụ cười, nhẹ cả người..

"Tay em lạnh vậy? Bệnh à?"

"Hơ không có.. Vì em hồi hộp thôi. Tại thấy mặt anh.. nghiêm trọng quá"

"Vậy sao? Chắc là bệnh nghề nghiệp. Em viết cứ như xoáy vào tâm can người ta vậy, không thể không thừa nhận. Ở nhà thú thật anh cũng lười giúp vợ, bị cằn nhằn suốt"

"Giờ thì anh sẽ giúp chị í nhiều hơn phải không?"

"..Hên xui. Nếu có thời gian, có vợ rồi em sẽ hiều, vợ bây giờ không giống như vợ ngày xưa nữa. Nhưng đàn ông muôn đời vẫn vậy, cho nên việc nhà cứ để đó, thuê osin"

Tôi bật cười, tự dưng thấy mình vô duyên trước mặt sếp mà ha ha cười, nín ngay lại, gãi đầu, nói vài câu nữa rồi xin phép trở về phòng làm việc. Ngoài là một nhà lãnh đạo mẫu mực, sếp tôi còn vui tính, tôi biết sếp hay pha trò khi say xỉn, không biết bình thường sếp cũng có óc khôi hài. Gác lại tất cả định nói đi, tôi vui như ngày đầu được nhận vào làm ấy, lần đầu tiên bài viết về đề tài xã hội của tôi được đăng, dù là báo mạng nhưng cũng vui rồi, sếp bảo cứ tiếp tục phát huy. Buổi trưa vì vui quá mà mất ngủ, tôi thường ngày hay đánh một giấc tại ngay tòa soạn, hôm nay không ngủ được đành đi lang thang trong tòa soạn, đi đến đâu cũng trưng bộ mặt hớn hở ra.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro