Khổ thơ đầu

Phong trào thơ mới là một cuộc cách tân sâu sắc về nội dung và nghệ thuật mà theo như Hoài Thanh nhận xét đây chính là "cuộc cách mạng". Cùng với những đóng góp quan trọng của các nhà thơ như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận,.... Hàn Mạc Tử xuất hiện tựa như một ngôi sao chói lọi. Thơ ông vừa thể hiện cuộc sống tha thiết, vừa hướng đến những miền thanh khí thần tiên. Bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" là một sáng tác tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ của Hàn Mạc Tử. Và bốn câu thơ đầu tiên của tác phẩm đã thể hiện rõ nhất tình yêu, những nổi niềm thầm kính mà nhà thơ dành cho Vĩ Dạ.
"Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền"
Mở đầu khổ thơ ta bắt gặp câu hỏi tu từ:
"Sao anh không về chơi thôn Vĩ ? ".
Đây là một câu hỏi không cần lời giải đáp, không cần trả lời. Nó là câu hỏi nhưng lại gợi cảm giác như là lời trách móc nhẹ nhàng, lời mời gọi tha thiết của cô gái nơi thôn Vĩ Dạ. Cũng có thể hiểu câu thơ là lời mà nhà thơ tự trách bản thân mình sao lâu rồi không về thôn Vĩ? Và phải chăng đây chính là niềm ước ao thầm kính của người đi xa mong ước một lần về thăm Vĩ Dạ, về thăm chốn cũ, nơi gắn bó biết bao kỹ niệm của một thời đáng nhớ. Câu thơ còn đặc sắc khi sử dụng thành công hai từ " về chơi". Tác giả không dùng từ "về thăm" thay cho từ "về chơi", bởi vì "vè thăm" mang sắc thái xa cách, xa lạ, chỉ mang tính xả giao. Còn từ về chơi lại mang sắc thái thân mật, gần gũi và chân tình. Thực ra, câu hỏi như vọng lên từ một phương trời xa xôi nào đó, như là một duyên cớ để khơi dậy trong tâm hồn nhà thơ những kỷ niệm sâu sắc. Những hình ảnh đẹp, đáng yêu về Huế, về Vĩ Dạ, nơi mà có người con gái mà nhà thơ thương nhớ. Và hình ảnh đẹp nhất vè Vĩ Dạ chính là: "Thôn Vĩ trong ánh bình minh".
"Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên"
Vĩ Dạ được thể hiện qua dòng hồi tưởng của nhà thơ nên hình ảnh chỉ được gợi chứ không tả, gợi những gì đẹp nhất, sâu sắc nhất trong tâm trí của nhà thơ. Do đó, câu thơ "Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên" như được phát họa cái nhìn từ xa tới. Chưa đến thôn Vĩ nhưng đã thấy từng hàng cau thẳng tấp vượt lên những cây khác để đón lấy ánh mặt trời buổi sớm. Nhà thơ còn quan sát rất tinh tế: cái đẹp của Thôn Vĩ không phải do "nắng" hay "hàng cau" mà là "nắng hàng cau", do sự hài hòa của ánh nắng vàng rực rỡ trên những hàng cau xanh tươi. Cũng có thể những lá cau sau một đêm tắm gội trong sương, lá cau vẫn còn xanh mướt, vẫn còn đọng lại vài giọt sương nên khi nắng hàng cau chiếu vào nó lấp lánh, tinh khôi và thuần khiết. Đặt biệt, câu thơ này chỉ có bảy chữ mà từ nắng được lặp lại hai lần vô tình gợi lên đúng đặt điểm của nắng miền Trung: thật nhiều nắng ngay từ lúc bình minh. Nhà thơ còn gợi lên được vẻ đẹp của nắng nơi đây: nắng mới lên thật trong trẻo, thật tinh khiết chứ không phải những tia nắng chói chang của mùa hè, hay tia nắng quái của chiều hôm. Chính cái đẹp của "nắng hàng cau", "nắng mới lên" đã làm bừng dậy khoảng trời hồi tưởng của nhà thơ.
Nếu như câu thơ thứ hai, Vĩ Dạ được nhìn ở góc độ từ xa tới thì ở câu thơ thứ ba, Vĩ Dạ được nhìn ở góc độ gần và như đang đi trong những khu vườn tươi đẹp nhất của Vĩ Dạ. Nắng mai rót vào vườn, cứ đầy dần, đầy dần theo từng đốt cau. Đến khi tràn đầy thì nó biến cả khu vườn thành một viên ngọc lớn. Nhà thơ đã phải trầm trồ khi đứng trước một màu xanh vườn tược thôn Vĩ:
"Vườn ai mướt quá xanh như ngọc?"
Vườn ai? Câu thơ lại tiếp tục sử dụng một câu hỏi tu từ, ý thơ không xác định rõ. Chỉ biết khu vườn ai đó "mướt quá xanh như ngọc". Chữ "mướt" được hiểu theo nghĩa cách điệu hóa. Còn "xanh như ngọc" là màu xanh ánh lên, màu xanh non tơ giàu sức sống. Chữ "quá" giản dị mà hay. Trong bao nhiêu từ ngữ chỉ mức độ như rất, lắm,... nhà thơ lại chọn "quá". "Quá" vừa có ý chỉ mức độ, vừa biểu thị thái độ trầm trồ đến ngạc nhiên trước vẻ đẹp của Thôn Vĩ mà các từ khác không có khả năng để biểu đạt. Đọc câu thơ ta thấy một bức tranh thiên nhiên rạo rực sức sống. Cũng nói về màu xanh ấy, nhà thơ Xuân Diệu đã từng viết :" Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá" càng làm cho ta thấy rõ nét đặc sắc trong cách sử dụng ngôn từ của mỗi nhà thơ.
Vẫn là cảnh cũ, người xưa, nhưng có vẻ đã lâu rồi không về nên hai từ " vườn ai " được thốt lên gợi cho ta một nỗi buồn man mác, bâng khuâng xuất phát từ nội tâm sâu thẳm của nhà thơ. Vườn tược Vĩ Dạ xum xuê bốn mùa, lá xanh mỡ màng ướt đẫm sương đêm, ánh ngời lên một màu xanh ngọc bích , dưới anh nắng bình minh. Hai tiếng "mướt quá" và hình ảnh so sánh "xanh như ngọc" là những nét vẽ thân tình, tô đậm cái hồn của cây lá trong "vườn ai". Tưởng chừng như ta nghe thấy tiếng nhựa sống đang chuyển lên cành lá xôn xao. Tất cả đều bừng bừng, rạo rực sức sống. Phải là người yêu thiên nhiên tha thiết, yêu con người, cuộc sống Vĩ Dạ sâu đậm, có ân tình sâu nặng với nơi này mới có thể gợi lên Vĩ Dạ đặc sắc đến như vậy.
Sau cảnh đẹp Thôn Vĩ chính là hình bóng của một người thiếu nữ" Lá trúc che ngang mặt chữ điền"
Gương mặt cô gái Huế thường gắn liền với chiếc nón bài thơ. "Lá trúc che ngang" như là một nét vẽ tài hoa, gợi tả thấp thoáng gương mặt của thiếu nữ. Một nét vẽ rất đẹp, vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng của thiếu nữa thôn Vĩ. Lá trúc thanh mảnh biếc xanh đã làm tôn lên vẻ đẹp phúc hậu của gương mặt chữ điền. Ba chữ "mặt chữ điền" cũng được hiểu theo nghĩa cách điệu hóa. Đó là gương mặt dịu dàng, phúc hậu của một thiếu nữ chứ không phải khuôn mặt vuôn vứt của người đàn ông. Thôn Vĩ đẹp, con người thôn Vĩ đẹp là thế, càng làm cho nhà thơ thêm tiếc nuối, bâng khuâng bởi vì đối với nhà thơ, Thôi Vĩ giờ đây chỉ còn là những hoài niệm mà thôi, không còn cơ hội về lại nơi đây để ngắm nhìn một Vĩ Dạ thơ mộng, sống động và để ngắm nhìn khuôn mặt chữ điền mà nhà thơ hằng nhớ mong.
Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ có nhiều cách hiểu và cách lí giải khác nhau. Song những vần thơ ấy vẫn luôn hứng tới cái đẹp mà người thi sĩ hằng khao khát hướng tới, hằng tôn vinh và thờ phụng. Bằng cách sử dụng thành công các câu hỏi tu từ, sử dụng thành công từ "về chơi", các từ ngữ có sức gợi hình cao,... Hàn Mạc Tử đã làm sống dậy bức tranh thôn Vĩ đẹp, chữ tình chỉ vỏn vẹn trong bốn câu thơ đầu của bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ". Điều đó càng cho ta thấy được tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống tha thiết mà nhà nhơ gửi gắm vào tác phẩm.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro

Tags: #thơ-ca