1. Cậu Khuê
Không yêu em cũng bỏ bùa cho yêu
Cả cái làng Hạ này, tính từ đầu cổng làng bên miếu cổ cho chí cuối bờ ao nhà ông từ trưởng, đâu đâu cũng in dấu chân người làm công cho nhà phú ông Kim. Làng không rộng, nhưng trải dọc theo triền đê, đất đai màu mỡ, mưa thuận gió hòa, bởi vậy người dân tuy lam lũ nhưng chẳng đến nỗi đói kém. Thế mà giàu nứt đố đổ vách, giàu nhất vùng, thì chỉ có mỗi một nhà: nhà phú ông Kim. Của cải nhà ấy tích tụ từ đời ông cố, truyền ba đời mà vẫn như thác lũ đổ về. Người ta bảo, nếu đem tiền trong kho nhà ông ra mà may áo, thì cả làng Hạ mặc cũng không hết lượt; đem ra đắp thay chăn mùa đông thì người người ấm bụng, lũ trẻ không còn co ro nằm sát vào mẹ mà run như cầy sấy nữa.
Ruộng nhà ông chạy dài tới tận bờ sông, nơi có bãi ngô xanh um mát rượi, trâu bò đi đến đâu là cỏ lún xuống tới đó. Người làm công cho nhà ông, kể sơ sơ cũng phải tới gần nửa dân trong làng. Kẻ gánh nước, người dọn sân, kẻ giữ vườn, người lo bếp núc, chẳng ai bảo ai mà cứ tự khép nép trước cổng lớn nhà họ Kim, như thể cửa ấy không mở ra là người ta không biết lối mà sống nữa.
Thế mà ông trời cũng công bằng đôi phần, nhà phú ông Kim dù của ăn của để chật kho đầy chĩnh, nhưng rốt lại cũng chỉ có độc một người con trai: cậu Kim Hách Khuê. Ấy là người con duy nhất, là ngọn đèn hương khói, là trông mong nối dõi tông đường. Từ thuở còn để chỏm, cậu đã được nuôi dưỡng trong khuê phòng, chữ nghĩa vỡ lòng chưa xong mà tay đã quen bút lông hơn cuốc đất, quen giấy mực hơn đất bùn. Phú ông bà thương cậu như vàng như ngọc, bát cơm cậu ăn cũng là gạo tám thơm, bát canh cậu uống cũng là nước hầm xương gà ác, mỗi bước cậu đi đều có người hầu kẻ hạ lót dép dọn đường.
Lớn lên một chút, ông bà lại cho cậu sang tận bên Tây du học, bảo rằng phải cho cậu biết đời, biết người, biết nghĩa lớn ngoài việc nhà. Hôm cậu về nước, trời như sáng hơn, hoa trong vườn như cũng nở rộ hơn lệ thường. Ông bà sai mổ liền bốn con lợn to, nồi bánh chưng, nồi chè, người tới ăn đông như hội làng tháng giêng, ai cũng tấm tắc:
"Con nhà giàu học rộng, về làng lại không hống hách, thế mới thật quý nhân."
Cậu Hách Khuê, người ta bảo, dung mạo phương phi, mắt đen như mực Tàu, giọng nói thì như nước suối mùa thu, chảy chầm chậm mà êm tai.
Cậu chẳng vướng bụi trần, ăn nói từ tốn, bước đi nhẹ nhàng, có người ví cậu như tiên đồng giáng thế. Vậy mà, cậu lại chẳng biết gì ngoài chữ nghĩa và phép lễ, bởi từ thuở thiếu niên đã bị gò ép trong sách vở, gia pháp nhà họ Kim nghiêm lắm, đến kẻ ở người làm cũng chẳng dám nói lớn, nói chi đến chuyện cậu sinh lòng trắc ẩn hay vấn vương ái tình.
Nhưng trời sinh cậu Hách Khuê, thì cũng sinh ra Vương _____.
_____ là tiểu thư nhà họ Vương, dòng dõi vọng tộc lâu đời, nhà ấy không sống trong làng Hạ mà ở tận bên làng Đông, nhưng cha nàng lại có đến năm sáu cánh đồng nối dài sang tận đất phú ông Kim.
Người ta truyền nhau:
“Ấy là tiểu thư nhà quan, con của ông Tổng Vương - người từng đứng chầu bên hữu trong triều.”
Và rồi thì thầm tan vào mùi hương hoa mộc, tan vào tiếng bước chân nhẹ như sương, như thể nàng chưa từng thực sự đi qua, chỉ là một bóng dáng vẽ tạm bởi trời chiều.
Cái giàu của nhà nàng là cái giàu lặng lẽ, không phô trương bày biện, nhưng đâu đâu cũng ngửi được mùi trầm hương, thấy được dấu son trên khăn gấm, nhà ấy nuôi cả thư đồng để đọc sách cùng tiểu thư, thầy thuốc để chăm mạch khi trái gió trở trời.
_____, tên đẹp như hoa lê đầu mùa, dáng đi thướt tha như liễu rủ bên hồ. Người con gái ấy, đôi mắt sâu thẳm như mặt nước giếng cổ, nhìn vào tưởng như yên ả nhưng lại đầy những ẩn ý chẳng thể gọi thành lời. Nàng không giống những tiểu thư khác chỉ thích ngồi bên khung thêu hoặc ngắm trăng chờ người mà nàng ham học lắm.
Nàng đọc cả thơ Đường lẫn phú Tống, sách vỡ lòng với nàng chỉ như món đồ chơi thuở nhỏ. _____ từng theo cha sang Nam Kinh buôn tơ, từng ở kinh kỳ nghe giảng thi thư, lòng nàng cũng cao như mây đầu núi, chẳng dễ gì rung động.
Buồng nàng, nằm ở mé tây phủ họ Vương, là một gian gác nhỏ cất lên bằng gỗ hoàng đàn, mái lợp ngói lưu ly đã hơi trổ rêu. Phía trước có hiên dài rũ xuống một tấm rèm the mỏng, mỗi khi gió thu thổi ngang thì bay phần phật như cánh áo tiên. Gian trong không rộng, chỉ vừa đủ kê một chiếc giường gỗ mít chạm mai hóa, một án thư bằng gỗ tử đàn, hai cái kệ nhỏ để sách, và một chiếc gương đồng cũ vát khung khảm trai. Thứ ánh sáng nơi đây luôn dịu nhẹ, không bao giờ gay gắt như ngoài sân hay chói lòa như ngoài trời, dường như chính gỗ vách và gió hiên cũng học được cách tiết chế hơi thở để gìn giữ sự yên lặng đang ngự trị.
Chính giữa vách gỗ sau giường nàng, trên một mảnh lụa điều mềm đã ngả sang sắc rượu vang nhạt, có viết tay hai câu thơ
"Người về tựa bóng trăng xa
Ta còn đứng đó, nhạt nhòa chiều tan."
Nét chữ ấy là thư pháp, không phải nét phóng bút của bậc tiên sinh, cũng không phải kiểu nắn nót của thư sinh nhà học. Nó mềm mà thẳng, uốn mà thanh, như mạch nước ngầm chảy qua lòng đá, như hơi thở người ta ngắt quãng giữa cơn mộng lớn. Dưới hai câu ấy là một dấu triện nhỏ hình trăng non, khắc bằng mực son đã hơi phai, chữ mờ không rõ, chỉ biết chủ nhân của đôi câu ấy từng là một người, hoặc mộng, hoặc thật đã qua trong đời nàng như một cơn gió.
Không ai rõ nàng treo tấm thơ ấy từ bao giờ, chỉ biết một hôm, sau một trận mưa thu, người hầu bước vào phòng, thấy nàng đang ngồi trầm mặc trước chiếc khung lụa, kim chỉ vẫn còn lửng lơ trên tay, mắt thì nhìn về phía xa mù. Từ hôm ấy, tấm thơ hiện diện trong buồng như một vết bóng khói không ai hỏi, nàng cũng không nhắc. Chỉ có đêm về, mỗi khi gió chướng nổi, rèm lay, ánh trăng nghiêng rọi qua cửa sổ mà hắt vào nét chữ, người hầu đi ngang cửa mới giật mình như thấy đôi mắt ai đó đang dõi nhìn về xa xăm.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro