Phần 3 - Tử biệt sinh ly (2)


Tỉnh say, mặc kệ trăng tròn khuyết
Nhớ người, chấp bút truyện Lược gương

Đã lại dăm mùa đông nữa trôi qua. Hoa nở lại tàn, tre già măng mọc, thời thế cũng thay đổi liên miên không ngớt bên ngoài ngôi làng Thanh Nê. Cuối cùng nhà Lê hay nhà Trịnh rồi thì Tây Sơn cũng đều dần dần đi vào dĩ vãng. Hiện giờ đất nước Nam Việt này đã được thống nhất, không còn nội chiến liên miên, và được đổi tên thành Việt Nam theo ý chỉ của vua Gia Khánh bên Tàu. Vua hiện tại là Gia Long, tuy có tàn ác với những kẻ đi theo Tây Sơn ngày xưa nhưng ít ra cũng dễ hiểu vì là người khai sinh ra một triều đại mới, xét ra Gia Long diệt nhà Tây Sơn so với Trần thái sư tru di họ nhà Lý ngày xưa cũng một chín một mười. Phong vân bão bùng liên miên mấy đợt rồi cũng trở về yên lặng.

Đối với người dân mà nói, mấy sự biến động này thật ra cũng chẳng có gì là nghiêm trọng. Tổ chức lại hành chính, bố trí lại các chức quan coi sóc từng địa phương ư, thì đã sao, cũng chỉ thay đổi tên gọi những kẻ cha mẹ dân mà thôi. Đằng nào cuộc sống vẫn diễn ra như thế, làm đồng, ăn ngủ, nộp thuế, cưới hỏi, tang ma, tuần tự nhi tiến mà trôi qua.

Thái ấp của Kiến Xuyên hầu giờ càng quạnh quẽ bóng dáng một ông lão lụ khụ thơ thẩn ra vào, cũng may ít nhiều còn đứa cháu nội ê a cho điền trang có thêm sức sống. Cái khoảng thời gian mấy năm liên tục tang ma ấy nghĩ lại mà kinh. Con trai mất, con dâu suýt tự tử theo chồng, con gái thắt cổ tự vận, Kiến Xuyên phu nhân đau lòng bệnh nặng cũng nhanh chóng đi theo. Kiến Xuyên hầu chỉ qua vài năm mà trông như già đi hàng chục tuổi, còn đâu vẻ tráng kiện dạo quanh vườn thưởng hoa nhấm rượu, vào trong nhà dạy cháu bảo con ngày nào. Vợ con đều đã mất, chỉ còn lại thân già lủi thủi một mình nương tựa vào cô con dâu hiền lành và đứa cháu nội thông minh.

Lâu lâu, Kiến Xuyên hầu lại chống gậy bước ra khỏi cửa sau khi nhận được một lá thư nào đó. Hầu chậm rãi lọc cọc đôi guốc gỗ trên con đường đất quen thuộc, rồi đẩy cửa bước vào một căn nhà nhỏ. Không khí bên trong khá lạnh lùng, hoàn toàn không có chút hơi ấm con người nào, như thể đã bị hoang phế từ lâu. Chỉ có điều bàn trà thư án, giường chiếu tủ trà lại sạch bong không một vết bụi, cho thấy chúng vẫn được lau dọn thường xuyên.

Bên cửa sổ, một bóng người áo nâu chàm đứng khoanh tay, thẫn thờ nhìn ra gốc ngọc lan ngoài sân. Khi nghe thấy tiếng động ngoài cửa, người đó chừng như giật mình quay đầu lại.

« Kìa tướng công, vãn sinh đã nói bao lần rằng tướng công không cần tới hàn xá làm chi, vãn sinh sẽ đích thân sang nhà chào tướng công kia mà... »

Người đàn ông có gương mặt vàng vọt mệt mỏi, không còn chút dáng vẻ nào của một thày đồ Nho tiêu sái khi xưa. Chàng vội vã lại gần đỡ lấy Kiến Xuyên hầu dìu lại ghế ngồi xuống, rồi chàng nhấc ấm trà lên áng chừng định rót nước mời khác, nhưng sờ đến mới thấy ấm trà lạnh tanh, khiến chàng không khỏi ngượng ngùng.

Khóe mắt nhăn nheo của Kiến Xuyên hầu hằn đậm vết chân chim khi hầu mỉm cười. Ông khẽ kéo tay người đàn ông kia ý bảo chàng ngồi xuống cạnh mình, rồi nắm chặt lấy bàn tay rắn rỏi ấy.

« Anh Lỳ, ta đã bảo anh đừng có tướng công với vãn sinh gì với ta nữa kia mà. Ta đã coi anh như rể hiền từ lâu. Không phải anh ghét bỏ con Như sớm mất nên không thèm nhận ông bố vợ già cả này nữa rồi đấy chứ ? »

« Ấy chết, tướng công sao lại nói thế... » Phạm Thái giật mình lúng túng phân bua, nhưng lại im bặt khi thấy tia nhìn mong mỏi trong đôi mắt đang trở nên mờ đục của ông lão trước mặt.

« Cha... »

« Đấy, gọi thế mới là phải đạo. Tuy anh chưa thành thân với con bé Như nhà ta, nhưng trong lòng nó đã coi anh là chồng, trong lòng ta đã coi anh là rể, mà trong lòng anh đã coi nó là vợ nên mới khóc nó một câu Nương tử. Hai chữ nương tử ấy đâu phải gọi ai cũng được. Anh gọi nó là nương tử mà lại không gọi ta một tiếng cha thì cũng bất hiếu lắm đấy ! »

Kiến Xuyên hầu mỉm cười, nụ cười mãn nguyện, nụ cười hiền hòa của một bậc trưởng thượng từ ái với cháu con trong nhà. Phạm Thái cho tới giờ thật sự vẫn khó lòng tin nổi cha của Quỳnh Như đã không những tha thứ cho chàng mà còn thật sự coi chàng như con cháu trong nhà. Nỗi mặc cảm, nỗi đau đớn, nỗi ăn năn trước ba cái tang liên tục của nhà họ Trương ngày ấy khiến chàng càng thêm ngại ngần mỗi khi bước vào cổng Trương phủ. Tuy tiết Thanh minh hàng năm đều về qua đây viếng mộ, và đều tới phủ Trương chào Kiến Xuyên hầu, nhưng thủy chung chàng vẫn khó lòng thốt lên nổi tiếng cha. Cho tới ngày hôm nay, khi chàng thật sự nhận ra người đàn ông trước mặt giờ đã vào tuổi bóng xế, rất cần sự an ủi tuổi già sau những mất mát đau thương...

« Anh Lỳ, ta nghe nói mấy năm nay anh vẫn thật lông bông, rượu chè be bét say say tỉnh tỉnh. Ta biết, những việc trong quá khứ quả thật rất khó vượt qua, nhưng không phải không thể vượt qua. Anh còn trẻ, âu cũng phải có ngày thành gia thất, sao lại cứ phải ôm mối hận đời vào lòng làm gì cho khổ người ? »

Kiến Xuyên hầu từ tốn lên tiếng với giọng nghiêm khắc mà không kém phần thân thiết của mình. Đôi mắt Phạm Thái bỗng nóng lên. Đã lâu lắm rồi không có ai nói chuyện với chàng như thế. Từ khi thân phụ chàng qua đời, quanh chàng chỉ toàn bạn bè đồng chí, những người lớn tuổi hơn thì lại không đủ gần gũi để răn dạy chàng như thế, mà bản tính tâm cao khí ngạo của chàng cũng khó lòng để cho ai răn dạy mình như thế. Nhưng quả thật, chàng kính trọng Kiến Xuyên hầu không khác gì cha mình, chàng đã từng rất mừng rỡ khi biết hầu có ý đồng lòng muốn chàng làm rể, không chỉ vì Quỳnh Như, mà còn vì chàng sẽ lại có một người cha.

« Cha... con... con bất hiếu... làm cha lo lắng... Nhưng quả thật con không quên được em Như, con chỉ có thể nhờ khi say để tìm lại bóng hình em Như. Con... e là con sẽ khó lòng cưới ai khác được... » Phạm Thái run run cất lời. Mấy năm nay, chỉ có trước mặt ông, chàng mới có cảm giác tin cậy, gần gũi, thậm chí yếu ớt, khiến chàng luôn có thể bộc lộ thật sự nỗi lòng mình.

« Nói bậy nào. Cái Như đi cũng được ba năm có lẻ rồi. Anh để tang cho nó từng đó năm âu cũng là quá đủ. Phải nghĩ đến tương lai nữa chứ... Anh xem anh kìa, làm trai cho đáng nên trai, bi lụy vì tình thế còn gì là thân nam nhi chí ở bốn phương nữa chứ ! » Kiến Xuyên hầu chau mày trách móc.

Phạm Thái nở nụ cười buồn. « Chí ở bốn phương ư ? Cha cũng biết giờ đâu còn nhà Lê, Đức Vua thì tàn nhẫn hà khắc với những người đi theo Tây Sơn, huống gì đám cựu thần nhà Lê chúng ta. Đức Vua cố tình giết gà dọa khỉ, cả tộc họ Nguyễn Tây Sơn lẫn đám bề tôi còn bị voi giày không tha đàn bà con trẻ, nhà Lê càng không có hi vọng phục hồi. Cha bảo chí nên ở đâu đây ? Quỳnh Như từng là lẽ sống cuối cùng của con, mà khi lẽ sống đã mất, con còn biết làm sao ? »

Kiến Xuyên hầu nhăn trán định lên tiếng phản bác, nhưng Phạm Thái đã vỗ bàn tay gày guộc của ông mà rằng.

« Thôi thôi không nói chuyện không vui này nữa. Lần này con về đây ngoài thăm mộ em Như, còn muốn mời cha xem thứ này. »

Nói rồi, Phạm Thái đứng lên bước lại gần án thư lấy một cuốn sách đặt riêng chìa ra đưa cho người gần như cha vợ của mình. Kiến Xuyên hầu nhận lấy nhìn, bên trên có bốn chữ thảo đầy phóng túng : 'Sơ kính tân trang', ở góc dưới bên trái có một hàng chữ nhỏ 'Phạm Thái chấp bút'. Hầu khẽ lật vài trang, rồi giật mình nhìn Phạm Thái đầy kinh ngạc.

« Đây là... »

« Con ngứa tay viết mỗi khi nhớ nàng ấy mà. Cha đừng chê... Có gì cha góp ý cho con một chút. Và cũng mong cha chớ trách con tội dám mơ về em Như. » Phạm Thái cười cười, nét cười chưa hề lên tới ánh mắt. Từng chữ chàng thốt ra tưởng như nhẹ bẫng, nhưng lại dường như nặng trĩu trong lòng.

Kiến Xuyên hầu được Phạm Thái dìu chầm chậm bước về nhà. Trên đường đi hai người rất ít trò chuyện cùng nhau. Chàng có chút e ngại khi bước về ngôi nhà ấy, ông hiểu điều đó, nên đã từ chối rất nhiều lần. Có điều chàng luôn cứng rắn nói không cho chàng tiễn ông về tận nơi chính là không coi chàng là con rể, khiến ông cũng đành phải chịu, nhưng sự im lặng vẫn cứ đè nặng chung quanh. Lần nào cũng vậy, chàng không bước vào mà chỉ gọi anh Cả Tâm ra đỡ ông vào nhà, rồi lập tức quay lưng. Và lần nào cái bóng cô độc như đang lê bước trong buổi chiều tà ấy cũng khiến ông lo lắng.

Sớm hôm sau, Kiến Xuyên hầu còn đang bưng bát chè hoa cau thả nhúm xôi vò nhẩn nha ăn sáng, bụng bảo dạ ăn xong sẽ đọc cuốn Sơ kính tân trang kia, thì bỗng anh Cả Tâm bước vào.

« Bẩm cụ lớn, cậu Lỳ vừa tới gửi cụ lớn lá thư rồi lại đi rồi. »

Hầu ngẩn ngơ, ô hay, nó còn nói sẽ tới thăm ta kia mà. Lần nào nó quay về cũng chỉ gặp ta một lần rồi lại dứt áo ra đi. Không lẽ nó còn giận ta năm đó đã không bảo vệ nổi cái Như ? Đôi bàn tay già nua nhưng vẫn còn gân guốc run run cầm lấy phong thư, rồi rút tờ giấy hoa tiên bên trong ra. Ông đọc một lượt, đôi mắt đầy những vết chân chim dần dần rướm lệ đục mờ.

« Vậy là... cả nó cũng bỏ ta mà đi sao. »

Một làn gió mạnh lùa vào căn phòng trống trải lạnh lẽo, lướt qua búi tóc sợi bạc nhiều hơn đen của người đàn ông lặng người ngồi đó, lướt qua đôi hàng nước mắt như có như không lăn trên hai gò má nhăn nheo, lướt qua đôi bàn tay gày gò gân guốc. Và làn gió khẽ loạt xoạt lật giở cuốn sách được hững hờ đặt trên chiếc bàn gỗ mun đen bóng nước sơn, dừng lại ở một trang trong đó.

'Đèn nguyệt trong xanh mây chẳng bợn,

Xin soi xét đến tấm lòng ai.' (2)

Hai câu cuối trong bài thơ Gửi Trương Quỳnh Như của Phạm Thái, được cho vào Sơ kính tân trang. Thật ra thơ từ của Phạm Thái và Trương Quỳnh Như còn tới ngày nay đều nằm trong Sơ kính tân trang là nhiều nhất, còn lại đều được truyền miệng hoặc trong vài tập thơ dưới tên Phổ Chiêu Thiền Sư.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro