Bài làm
Đề bài: Thuyết minh về di tích lịch sử ở thành phố Hồ Chí Minh: địa đạo Củ Chi.
ㅡ
Dàn bài chi tiết:
I/ Mở bài:
Giới thiệu đối tượng thuyết minh:
- Địa đạo Củ Chi giờ là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trên mảnh đất Củ Chi trong các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc vĩ đại. Song, đây còn là một địa danh nổi tiếng trên thế giới và là di tích lịch sử nổi tiếng của thành phố mang tên Bác.
(Bên cạnh đó có thể dẫn dắt bằng thơ chẳng hạn...)
II/ Thân bài:
1) Vị trí địa lý & Lịch sử hình thành:
- Trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương, địa đạo dần dần được xây dựng và hình thành.
- Sớm thất là vào năm 1948, địa đạo ở Củ Chi do quân dân hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An.
- Sau đó, hệ thống này phát triển ra sáu xã phía Bắc Củ Chi và rộng ra nhiều nơi khác.
2) Cảnh quan, kiến trúc:
- Ðịa đạo Củ Chi quả là một kỳ quan độc nhất vô nhị với toàn bộ hệ thống địa đạo dài khoảng hai trăm năm mươi ki-lô-mét chạy quanh co, uốn lượn, tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất.
- Do nhu cầu liên kết, chuyển thu và hỗ trợ nhau khi chiến đấu, những căn hầm trú ẩn có phạm vi không đáng kể, đơn lẻ đã được đào thông với nhau tạo thành một chuỗi đường hầm đồ sộ.
- Để tránh va vấp khi di chuyển trong bóng tối mù mịt của hầm, bốn bên phía trong được mài nhẵn, bớt phần thô ráp, gồ ghề.
- Một số cửa đường hầm thường xuyên hướng ra bờ sông nhưng luôn luôn được ngụy trang rất kỹ và kín đáo nhằm tránh sự phát hiện của quân địch.
(Để bài văn chi tiết, kỹ lưỡng thể hiện sự công phu của người viết thì có thể giới thiệu thêm về các tầng của địa đạo Củ Chi. Dưới bài viết hoàn chỉnh có.)
3) Công dụng:
- Có các hầm rộng để nghỉ ngơi, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực.
- Có giếng nước, có hầm chỉ huy, hầm giải phẫu, hầm nhà may quân trang, quân dụng, chiến hào, ổ chiến đấu, quân y,... và vô số cửa sập để tạo thêm yếu tố bất ngờ.
- Có cả hầm lớn, mái lợp thoáng mát, nguỵ trang khéo léo để xem phim, văn nghệ phục vụ đời sống tinh thần cho các chiến sĩ du kích.
⇨ Một cách chính xác, có thể nói kéo dài suốt các đoạn đường hầm của hệ thống địa đạo Củ Chi là cả một thành phố trong lòng đất.
4) Ý nghĩa lịch sử & Giá trị văn hóa (được công nhận):
- Những đường hầm kéo dài hun hút được đào sâu trong lòng đất thể hiện cái khôn, cái khéo, cái tài của thế hệ ông cha ta.
-Trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thế kỉ hai mươi.
- Địa đạo Củ Chi được xem là đường ngầm dài nhất trên thế giới, là kì quan độc đáo có một không hai mang chiều sâu của tinh thần yêu nước.
- Đây là địa đạo đạt được vị trí thứ năm trong top mười công trình ngầm ngoạn mục nhất thế giới được bảo tồn cho đến ngày nay.
- Kênh truyền hình National Geographic bầu chọn, hệ thống địa đạo này là một trong những đường hầm vĩ đại nhất thế giới của con người xây dựng.
5) Ngày nay và trải nghiệm:
- Du khách sẽ được len lỏi, thực sự trải nghiệm vào các đường hầm để cảm nhận được không khí năm xưa.
- Ngoài ra, khách du lịch còn được nghe giới thiệu, được xem những đoạn phim tư liệu về thời chiến đấu oanh liệt của du kích Củ Chi, được thưởng thức món khoai mì chấm muối mè dân dã.
III/ Kết bài:
Tình cảm của người viết đối với di tích lịch sử này.
- "Công trình của những bàn tay thép" chứng minh rằng cuộc sống thái bình ngày hôm nay được đánh đổi biết bao sự hy sinh của những con người hăng hái, tâm huyết năm xưa.
- Vì vậy, mỗi con người đều cần phải học hỏi, noi gương, không ngừng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo thế hệ cha ông để địa đạo Củ Chi nói riêng ngày càng nổi danh và đất nước ta ngày càng tươi đẹp.
Lưu ý:
- Lời văn và thông tin cần chuẩn xác và mạch lạc, tuyệt đối không hư cấu, tưởng tượng.
- Cần có tri thức thông qua việc sưu tầm, tra cứu, đọc sách, quan sát, hỏi han và đặc biệt là tham quan/trải nghiệm thực tế!
- Có những chi tiết trong bài văn hoàn chỉnh phía dưới là để giới thiệu tường tận, rõ ràng và để người đọc hình dung nhiều hơn. Mọi người có thể lược bỏ nếu giáo viên yêu cầu viết dưới 1000 từ.
- Viết văn thuyết minh vốn dĩ là để người đọc hiểu sâu hiểu kỹ và vẽ trong trí óc họ hình ảnh đại khái của sự vật (sự việc) mình giới thiệu. Do đó, cần diễn đạt trôi chảy, chặt chẽ, lượng thông tin cung cấp rõ ràng, hấp dẫn để người đọc khi kết thúc bài viết sẽ cảm thấy rằng: "À, thì ra là như vậy. Mình cũng muốn đi (làm/mặc/chơi...) thử một lần cho biết."
ㅡ
Bài viết:
"Tam giác sắt của một thời
Mưa bom bão đạn vẫn ngời niềm tin
Đất chở che, đất giữ gìn
Mấy tầng địa đạo muôn nghìn chiến công"
(Đỗ Xuân Thu)
Ngày nay khi đất nước Việt Nam ta đã sạch bóng quân thù, vùng đất thiêng liêng được mệnh danh là "đất thép thành đồng" vẫn còn vang vọng mãi trong tiềm thức của mỗi con người. Địa đạo Củ Chi giờ đây đã trở thành nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trên mảnh đất Củ Chi này trong các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc vĩ đại.Song, đây còn là một địa danh nổi tiếng trên thế giới và là di tích lịch sử nổi tiếng của thành phố mang tên Bác.
Địa đạo là hệ thống đường hầm đào sâu trong lòng đất, dùng để trú ẩn và cơ động chiến đấu. Và địa đạo này là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất thuộc bộ phận của huyện Củ Chi nên được gọi là địa đạo Củ Chi. Trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương, địa đạo dần dần được xây dựng và hình thành. Sớm thất là vào năm 1948, địa đạo ở Củ Chi do quân dân hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An đào đã tạo ra những đoạn hầm ngắn, cấu trúc đơn giản dùng để ẩn nấp, cất giấu tài liệu, vũ khí. Địa đạo biệt lập ở mỗi làng để tránh các cuộc bố ráp càn quét của quân đội Pháp và để cung cấp nơi trú ẩn cho quân Việt Minh được nối liền nhau tạo thành một hệ thống địa đạo liên hoàn, phức tạp do nhu cầu đi lại giữa địa đạo các làng xã. Sau đó, hệ thống này phát triển ra sáu xã phía Bắc Củ Chi và rộng ra nhiều nơi khác. Cấu trúc các đoạn hầm, địa đạo được sửa đổi để tiến bộ hơn trở thành nơi che giấu lực lượng, khi chiến đấu có thể truyền tin, liên lạc, tương trợ lẫn nhau. Vào khoảng những năm từ 1961-1965, các cơ quan, đơn vị phát triển địa đạo nhánh ăn thông với đường "xương sống", hình thành hệ thống địa đạo Củ Chi liên hoàn. Lúc này, tuyến địa đạo chiến đấu cũng được đào chia thành nhiều tầng, nhiều ngõ ngách hóc búa. Bên cạnh đó, phía trên địa đạo còn có rất nhiều mô chiến đấu, bãi thuốc nổ có sức công phá cao, hầm chông hố đinh,... được bố trí thành các cụm liên kết nối tiếp nhau thành một chuỗi thống nhất tạo ra trận địa vững chắc trong thế trận chiến tranh du kích, gọi là xã chiến đấu. Từ lúc bắt đầu hình thành cho đến giai đoạn cuối thời kì kháng chiến chống Mỹ, hệ thống địa đạo Củ Chi liên tục được xây dựng và củng cố. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ giành thắng lợi năm 1975, địa đạo Củ Chi mới ngừng hẳn xây dựng. Cho đến thời điểm này, địa đạo đã luôn luôn được giữ gìn, bảo tồn, trở thành niềm tự hào của đông đảo những người dân của nước ta.
Ðịa đạo Củ Chi quả là một kỳ quan độc nhất vô nhị với toàn bộ hệ thống địa đạo dài khoảng hai trăm năm mươi ki-lô-mét chạy quanh co, uốn lượn, tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, được đào bằng các dụng cụ thô sơ như lưỡi cuốc và chiếc ki xúc đất. Cũng bởi vì hệ thống địa đạo nằm sâu dưới lòng đất nên có thể chịu được sức công phá và sát thương mạnh của các loại bom tấn lớn nhất của quân đội Mỹ thời ấy. Nhờ có không khí được lấy vào địa đạo thông qua các lỗ thông hơi, thông gió nên dù sâu dưới mặt đất nhưng địa đạo Củ Chi luôn đảm bảo về ánh sáng tự nhiên và thông thoáng về không khí. Các hệ thống thông hơi này có tại vị trí các bụi cây chằng chịt, chen sát nhau được đào giống như hang chuột, hang cua trong bụi rậm. Do nhu cầu liên kết, chuyển thu và hỗ trợ nhau khi chiến đấu, những căn hầm trú ẩn có phạm vi không đáng kể, đơn lẻ đã được đào thông với nhau tạo thành một chuỗi đường hầm đồ sộ. Cấu trúc hệ thống địa đạo chính là công trình quân sự chiến đấu ngầm bí hiểm quan trọng ở dưới lòng đất được nghiên cứu và suy tính rất kỹ lưỡng để có thể tấn công tiêu diệt đối phương từ mọi phía.
Nóc hầm hình cong cong mái vòm. Với đặc thù vùng đất sét pha đá ong nên ít bị sụt lở, lún, sập và có độ bển bỉ cao để phục vụ những người đã cất công xây dựng lên tạo nên một địa thế hiểm trở cho cách mạng. "Công trình của những bàn tay thép" - địa đạo Củ Chi đã biểu lộ, thể hiện rõ rệt trí thông minh khôn ngoan, sự quyết liệt, niềm tự hào vô độ của người dân Củ Chi cũng như là của quân dân Việt Nam. Quân đội Mỹ đã mở rất nhiều cuộc ném bom, càn quét quy mô lớn có tổ chức với âm mưa hiểm sâu kéo dài qua bao nhiêu tháng năm nhưng đều phải khiếp sợ và kinh hoàng trước sự kháng cự kiên cường từ cạm bẫy của "vùng đất chết" và vùng căn cứ trọng yếu này. Để tránh va vấp khi di chuyển trong bóng tối mù mịt của hầm, bốn bên phía trong được mài nhẵn, bớt phần thô ráp, gồ ghề. Các khu vực khác nhau của địa đạo có thể được cô lập khi cần nhờ các cồn đất hoặc rãnh nước mà ta đã chuẩn bị sẵn. Đó là sáng tạo độc đáo của quân dân Củ Chi rút kinh nghiệm từ nhiều lần quân địch phát hiện và hủy hoại nặng nề đường hầm của ta nhưng chỉ làm tổn hại một phần. Vào khoảng thời gian chỉ có một căn hầm duy nhất cũng là đầu tiên ở ngay bìa rừng, để cung cấp nguồn nước uống và sinh hoạt cho toàn khu vực địa đạo, người ta đã xây giếng ngầm sâu xuống bên dưới.
Đường hầm và những con đường dẫn đến được bố trí sẵn vô vàn những cạm bẫy chết người thông minh và khéo léo kết hợp với những chướng ngại vật nguy hiểm khác như hầm chông sắc nhọn. Một số cửa đường hầm thường xuyên hướng ra bờ sông nhưng luôn luôn được ngụy trang rất kỹ và kín đáo nhằm tránh sự phát hiện của quân địch. Ðường lên xuống giữa các tầng hầm được che giấu bằng các nắp hầm vô cùng bí ẩn, kín đáo cùng với cỏ khô hoặc búi cỏ tươi ở phía trên nhìn như những ụ mối. Đường hầm bí mật có thể bắt đầu từ đáy của những con kênh rạch hoặc hồ nước và đây cũng là đường thoát hiểm bí mật khi cấp thiết. Chiều cao của hầm khoảng từ không phẩy tám đến một mét, chiều rộng khoảng không phẩy sáu mét, vừa đủ để một người đi khom. Thiết kế cửa hầm địa đạo kiểu nhỏ và hẹp này chỉ phù hợp với người Việt Nam, lính Mỹ có vóc dáng cao to xuống thường gặp rất nhiều khó khăn. Các hệ thống công sự được ngụy trang rất sâu và kỹ lưỡng trong rừng rậm nhiệt đới này gồm ba tầng. Mạng lưới rắc rối, phức tạp của những đường hầm dích dắc đã phân tán ra mọi hướng từ trục địa đạo chính vô kể những nhánh dài, nhánh ngắn ăn thông với nhau. Có nhánh kéo dài tỏa ra tận sông Sài Gòn. Có những nhánh là các hầm bí mật trú ẩn, cũng có những nhánh đột ngột trở thành ngõ cụt do điều kiện đặc biệt của địa hình.
Cách mặt đất ba mét, tầng một chống được đạn pháo và sức nặng của xe bọc thép, xe tăng và xe cơ giới hạng nặng. Tầng này dùng để di chuyển linh hoạt, tốc độ, thực hiện ẩn nấp kẻ địch hoặc tổ chức tấn công nhanh trên mặt đất. Đó cũng là tầng hình thành đầu tiên, tạo cơ sở, nền tảng cơ bản để gây dựng nên tầng hai. Tầng hai cách mặt đất năm mét, nối liền với tầng một, có thể chống được, gây cản trở các loại bom cỡ nhỏ. Đây là tầng chuyển tiếp dùng làm nơi nghỉ ngơi, bệnh viện dã chiến dành cho thương binh, người già và trẻ em, thường bố trí lối đi và các phòng như nhà bếp, phòng học, phòng nghỉ ngơi, phòng họp... Vì tầng này an toàn và có nhiều không khí để thở, có thể thực hiện tấn công hoặc di chuyển nhanh nhạy khi cần nên hầu hết sinh hoạt, hội họp, kho lưu trữ đều được sắp xếp hợp lý ở đây. Tầng ba là tầng cuối cùng cách mặt đất tám đến mười mét. Kết cấu tầng ba có thể chống lại được các loại bom hạng nặng phóng xuyên sâu xuống. Đây là tầng trú ẩn khi kẻ thù càn quét mạnh, tiến đánh một cách dữ dội. Do nằm sâu nhất trong đất, thiếu dưỡng khí và ánh sáng, các lối đi quanh co bất lợi cho việc ở trong thời gian dài và chuyển động tăng tốc nên tầng này chỉ được sử dụng như một nơi để trú ẩn tạm thời.
Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, có giếng nước, có hầm chỉ huy, hầm giải phẫu, hầm nhà may quân trang, quân dụng, chiến hào, ổ chiến đấu, quân y,... và vô số cửa sập để tạo thêm yếu tố bất ngờ. Ấn tượng hơn cả là bếp không có khói - bếp Hoàng Cầm với hệ thống giấu khói đơn giản, những lỗ thoát khói nho nhỏ được đào xung quanh địa đạo và những dụng cụ nấu nướng thô sơ. Nhưng chính những thứ đơn giản, không tinh vi ấy đã nuôi sống biết bao con người tiếp tục mãnh liệt tồn tại và hy sinh chiến đấu hết mình. Còn có cả hầm lớn, mái lợp thoáng mát, nguỵ trang khéo léo để xem phim, văn nghệ phục vụ đời sống tinh thần cho các chiến sĩ du kích. Một cách chính xác, có thể nói kéo dài suốt các đoạn đường hầm của hệ thống địa đạo Củ Chi là cả một thành phố trong lòng đất.
Trong thời kỳ đánh chiến ác liệt và điều kiện nguy khó, mọi hoạt động của lực lượng chiến đấu và sinh hoạt của nhân dân đều diễn ra bình thường dưới lòng Địa đạo Củ Chi. Cuộc sống dưới địa đạo ngột ngạt, nóng bức, hoang sơ, thiếu ánh sáng, chỉ le lói ánh đèn cầy hoặc đèn pin và điều kiện vệ sinh kém nên hầu như đa số những người sống ở địa đạo đều bị ký sinh trùng, bị các côn trùng độc hại hay rắn, rết cắn, bị bệnh da liễu và các bệnh về xương. Từ bên ngoài chui vào một đường hầm nhỏ hẹp, tối mịt mù, ẩm thấp, vô cùng tĩnh lặng và chật chội, đủ làm toát mồ hôi lạnh của bất kỳ chiến binh nào can đảm nhất. Chỉ có người Việt Nam, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất thân thuộc này, hiểu rõ với từng ngóc ngách mới có thể sống và chịu đựng được. Ngoài ra, việc thiếu thốn lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cũng là vấn đề lớn nhất của cư dân địa đạo. Song, hàng trăm người di chuyển lên xuống qua miệng hầm mà vẫn bảo đảm giữ bí mật địa đạo Củ Chi cũng là một vấn đề vô cùng phức tạp. Dù là vậy, tất cả mọi bí mật của đường hầm này đã được giữ thật kỹ lưỡng cho đến sau giải phóng. Đó là thành tựu thứ hai mà quân và dân Củ Chi đã bền chí thực hiện trong suốt hai cuộc kháng chiến. Những chiến sĩ du kích Củ Chi rất khôn khéo đối phó lại những con chó nghiệp vụ của Mỹ lùng sục bằng cách sử dụng xà phòng Mỹ hay hạt tiêu xay nhỏ đặt ở cửa hầm và cửa thông gió để vô hiệu hóa khứu giác của chúng.
Ngày xưa, địa đạo Củ Chi là một chiến trường khốc liệt, đã chiến đấu trường kỳ gian khổ trong suốt ba mươi năm chống kẻ thù xâm lược. Cuộc sống của các chiến sĩ cách mạng trong những năm kháng chiến gian khổ, nước Việt Nam nhỏ bé lại có thể lật ngược tình thế, chiến thắng một nước lớn và giàu có bậc nhất thế giới. Củ Chi - mảnh đất nghèo khó xứng danh "đất thép thánh đồng" đã đương đầu ròng rã với một đội quân được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân để cuối cùng dành giắng thắng lợi. Những đường hầm kéo dài hun hút được đào sâu trong lòng đất không chỉ thể hiện cái khôn, cái khéo, cái tài của thế hệ ông cha ta mà còn thể hiện nghị lực phi thường, ý chí kiên cường chiến đấu, quả cảm đến không ngừng trước tội ác của kẻ thù đang ngày đêm oanh tạc, đày đọa trên quê hương, đất nước ta.
Người dân Củ Chi với lòng tràn đầy dũng khí, mưu trí và nhiệt huyết sôi sục của tinh thần yêu nước, đã tạo cho mình một sức sống bền bỉ trước những làn mưa bom đạn đầy khủng hoảng của kẻ thù. Toàn bộ quân và dân nơi đây đã làm nên những điều kỳ diệu cả trong chiến đấu và xây dựng hòa bình. Máu, mồ hôi và nước mắt đã đổ đầy thẫm đẫm trên mảnh đất thần kỳ, oai hùng này. Bằng chính những vũ khí thô sơ tự chế, chúng ta đã chiến đấu, đối mặt với hàng loạt xe tăng, đại bác của kẻ thù chính là niềm tự hào lớn lao nhất. Chính nơi hiểm hóc này chúng ta đã thực hiện những nhiệm vụ cao cả, quan trọng làm nên bao chiến công hiển hách chính là niềm anh dũng rực rỡ nhất.
Địa đạo Củ Chi được xem là đường ngầm dài nhất trên thế giới, là kì quan độc đáo có một không hai, vừa mang chiều sâu thăm thẳm của tinh thần yêu nước, lòng căm thù và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thế kỉ hai mươi. Đây là địa đạo đạt được vị trí thứ năm trong top mười công trình ngầm ngoạn mục nhất thế giới được bảo tồn cho đến ngày nay. Kênh truyền hình National Geographic bầu chọn, hệ thống địa đạo này là một trong những đường hầm vĩ đại nhất thế giới của con người xây dựng. Hiện nay, hệ thống địa đạo Củ Chi đã thay đổi nhiều, mảnh đất trở nên lành lặn, những vết tích đã phần nào được xóa nhòa. Và địa đạo chỉ cách thành phố Hồ Chí Minh một trăm hai mươi ki-lô-mét được canh giữ nghiêm ngặt và trở thành một địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng đầy hấp dẫn cho cả du khách ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Địa đạo Củ Chi đã không ngừng được giới thiệu với bạn bè trên thế giới và nhận được rất nhiều tình yêu, sự trân trọng bằng cả trái tim và sự ngưỡng mộ.
Du khách sẽ được len lỏi, thực sự trải nghiệm vào các đường hầm để cảm nhận được không khí năm xưa. Ngoài ra, khách du lịch còn được nghe giới thiệu, được xem những đoạn phim tư liệu về thời chiến đấu oanh liệt của du kích Củ Chi, được thưởng thức món khoai mì chấm muối mè dân dã. Với bầu không khí trong lành bao quanh là những rừng cây xanh ngút ngàn, chúng ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn và hiểu hơn về cái tình chiến sĩ, cái tình người, tình yêu quê hương, Tổ quốc. Cuộc sống hơn bốn mươi năm về trước được tái hiện lại một cách rõ rệt nhất ở địa đạo Củ Chi hiện tại đã khơi dậy nhiều cảm xúc khó tả và niềm tự hào hân hoan mãnh liệt.
Địa đạo Củ Chi đã trở thành địa điểm tham quan, giáo dục về lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất hơn bao giờ hết của dân tộc Việt Nam, giáo dục tinh thần yêu nước và ý chí bảo vệ đất nước cho nhiều thế hệ trẻ. "Công trình của những bàn tay thép" chứng minh rằng cuộc sống thái bình ngày hôm nay được đánh đổi biết bao sự hy sinh của những con người hăng hái, tâm huyết năm xưa. Vì vậy, mỗi con người đều cần phải học hỏi, noi gương, không ngừng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo thế hệ cha ông để địa đạo Củ Chi nói riêng ngày càng nổi danh và đất nước ta ngày càng tươi đẹp.
Hết.
Chúc mọi người học và làm bài tốt ❤
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro