Chương 4

       Nhưng khổ nỗi, đẹp trai thì có ích gì, khi cả tuổi thơ tôi phải vật lộn với tên này.

Hồi mẫu giáo, nó từng dí con gián chết vào hộp bút của tôi chỉ vì… tôi không chịu nhường chỗ ngồi trên xích đu. Lên tiểu học, nó dắt tôi vào vườn chuối sau trường để… đào giun làm “thí nghiệm khoa học”. Kết quả là về nhà tôi bị mẹ rửa tai bằng cả lít nước muối sinh lý vì lỡ ngồi trong đất cả chiều. Lên lớp 6, nó từng dám dán hình tôi đang ngủ gật giữa lớp rồi photoshop cho tôi mọc râu như bác bảo vệ, in ra phát cho cả bàn cuối đọc "truyện tranh minh họa".

Mà nghịch kiểu gì cũng không ghét nó được. Lạ thế.

Và bây giờ, khi tôi chỉ vừa mới ngủ được một chút sau đêm dài vật vờ vì cốc cà phê dở hơi kia, thì giọng nói oang oang quen thuộc lại vang lên từ cửa sổ đối diện:

“Đinh Nhã Phương Anh, dậy mau! Tao đếm đến ba không thấy mày thò đầu ra là tao đạp cửa sang, gỡ luôn cái rèm cửa nhé!”   
                                                      Đấy, thân nhau từ bé, mà cứ mỗi sáng là y như rằng mở mắt ra đã muốn cho nó bay một cái gối vào mặt.

Nhưng mà thôi, nếu không có nó chắc tôi cũng chẳng thức nổi để đi học đâu.

Tôi vẫn nằm dài trên giường, cuộn tròn trong chiếc chăn mỏng như một con mèo lười. Ánh sáng nhạt buổi sớm len qua rèm cửa, rải nhẹ lên gò má, dịu dàng như một cái chạm tay đánh thức. Nhưng tôi vẫn chưa muốn tỉnh. Đầu óc cứ trôi bồng bềnh đâu đó giữa giấc mơ dở dang từ đêm qua.

Tôi xoay người, rúc mặt vào gối thêm chút nữa, thầm mong hôm nay là Chủ nhật. Thế nhưng, một góc nào đó trong đầu lại lấn cấn như có tiếng chuông nhỏ vang lên:
“Phương Anh… có gì đó sai sai.”

Tôi lờ đờ vươn tay lần mò lấy điện thoại. Đôi mắt chưa mở hẳn, nheo nheo nhìn vào màn hình... và rồi con số sáng rực giữa trung tâm khiến tôi gần như cứng đờ.

6 giờ 43.

Trong một khoảnh khắc, mọi giác quan tôi như bật công tắc. Mí mắt bật mở, nhịp tim đập thình thịch như trống lệnh báo động.

“Sáu bốn ba???”

Tôi bật dậy như cái lò xo, tóc tai rối bù, đầu óc vẫn còn chưa kịp xếp hàng cho ngay ngắn. Chưa muộn hẳn, nhưng với một đứa đang giữ sổ điểm danh của lớp như tôi, thì đây là tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”.

Chân vừa chạm đất đã vướng vào mép chăn, tôi loạng choạng suýt nữa đâm thẳng vào cửa. Vừa xỏ dép, tôi vừa lao vào nhà tắm như bị ma đuổi.

Vòi nước chưa kịp chảy, tôi đã rít lên trong đầu:

“Không thể tin được! Còn mười lăm phút nữa là điểm danh… Mà tao là người ký sổ?! Phương Anh ơi là Phương Anh, mày muốn cả lớp bị ghi trễ hả???”

Tôi rửa mặt, thay đồng phục, chải đầu, nhét sách vào cặp, tìm thẻ học sinh… tất cả cùng một lúc, chẳng khác gì đang thi đấu đa nhiệm Olympic. Trong lúc kéo vội khóa balo, tôi vẫn không quên làu bàu:

“Đúng là lỗi tại cốc cà phê chết tiệt tối qua…”

Gương mặt phản chiếu trong gương là một đứa con gái với mái tóc hơi rối, quầng mắt thâm nhè nhẹ, thần sắc thiếu ngủ trầm trọng, nhưng vẫn cố vờ như mình ổn.

Chưa muộn.
Vẫn còn kịp.
Miễn là… tôi không vấp cầu thang mà ngã lăn xuống dưới.

Tôi lao xuống nhà như cơn gió, vừa kịp bắt gặp Tuấn Anh đang đứng tựa xe trước cổng, tay đút túi quần, mặt tỉnh bơ như thể người đang suýt trễ học không phải là tôi.  Ánh mắt lười biếng ngước lên nhìn tôi, rồi khẽ nhướng mày, khoé môi cong nhẹ thành một nụ cười nửa miệng trêu chọc.

Tôi chẳng buồn đáp lại, chỉ nhét vội miếng bánh vào túi rồi thở hổn hển:
“Chạy thôi, đứng đấy nữa là đi điểm danh muộn đấy!”             
                                                   Tuấn Anh phì cười, nghiêng người vỗ nhẹ yên sau:
“Lên đi, cô thủ thư điểm danh. Hôm nay đặc cách đấy.”

Không cần thêm một lời nào nữa, tôi leo vội lên sau yên, tay ôm nhẹ cặp sách, chân còn chưa đặt hẳn lên gác thì xe đã vút đi. Gió sớm mát rượi quét qua mặt, tà áo đồng phục phấp phới phía sau. Hai đứa lao đi trên con đường quen thuộc dẫn tới cổng trường, nhịp xe đều đều như chính hơi thở của những buổi sáng đi học đã thành thói quen bao năm. Bước chân gần như đồng nhịp, vai chạm vai.Phía trước, Tuấn Anh nghiêng đầu nói lớn, tiếng cười cũng khe khẽ :

“Lần thứ mấy rồi đấy, cô thủ thư điểm danh?”

Tôi nhăn mặt, giơ tay đập nhẹ vào lưng cậu ta:

“Im đi, lần sau tao tự đi bộ đấy! **** thèm mày chở.”

Quay ngược thời gian về những ngày còn bé xíu, nếu tính từ lúc còn đỏ hỏn nằm trong nôi, thì Tuấn Anh đã "đặt chân" đến thế giới này trước tôi đúng một tháng. Chỉ một tháng thôi mà đủ để cậu ta tự phong cho mình cái quyền làm “anh”, rồi từ đó, suốt cả quãng tuổi thơ dài lê thê, không ít lần nghiêm giọng dạy đời tôi như một ông cụ non thực thụ.

Hai gia đình chúng tôi thì thân tới mức gần như “dính” vào nhau trong mọi dịp, từ giỗ chạp cho đến lễ Tết. Chẳng rõ từ bao giờ, cái tên “Phương Anh” và “Tuấn Anh” cứ như thể luôn phải đi liền, không thể tách. Người lớn thì lúc nào cũng gọi kiểu: “Gọi hai đứa Anh dậy ăn đi!” hay “Tuấn Anh – Phương Anh, tụi nhỏ lại đi đâu nữa rồi?”

Mọi thứ cứ thế tự nhiên mà gắn bó, như thể ông trời đã viết tên hai đứa lên cùng một trang giấy, rồi gập đôi lại cẩn thận, không để rời nhau nửa bước. Tuổi thơ của tôi, đi đâu, làm gì, cũng có dấu vết của Tuấn Anh, từ vết xước đầu gối do bị đẩy ngã khi chơi xe ba bánh, cho tới những buổi chiều tranh nhau cái điều khiển tivi mà giận dỗi suýt khóc cả hai đứa.

Nhưng cũng là cậu ta, mỗi lần tôi bị mắng, sẽ lặng lẽ dúi vào tay tôi một que kẹo mút, miệng gãi đầu cười: “Tại tao mà…”

Tuấn Anh và tôi lớn lên theo kiểu thân thuộc chẳng cần lý do. Như bóng với hình, như nắng với gió, có lúc ghét nhau ồn ào, có lúc lại chẳng thể thiếu nhau nửa ngày. Nhưng nếu có ai hỏi rằng: “Thế hai đứa có ưa nhau không?” thì chắc chắn, chúng tôi sẽ đồng thanh trả lời:
“Không!”
________________________

Cho tui viết thêm một ít ở chương 4 nhá cả nhà!!

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro