06. Quan Lại Làng Thạch Hào (6)
☼☃♨︎
Khương Ương không thể không thừa nhận, Tiêu Lan Yên là một người rất thú vị.
Cậu ta hoàn toàn không tỏ ra sợ hãi dù rất có khả năng sẽ là người tiếp theo chết đi, mà lại vô cùng bình tĩnh. Trường bào trên người sạch sẽ không vướng chút bụi, tóc cũng được cắt tỉa gọn gàng, những ngón tay thon dài trắng trẻo cầm lấy bút lông màu đen, tựa như một bức tranh thủy mặc do trời đất họa nên.
Rõ ràng biết có người tới, vậy mà cậu ta vẫn không ngừng bút, chỉ tiếp tục cúi đầu vẽ tranh.
Khương Ương bước lên, phát hiện Tiêu Lan Yên đang vẽ một bức tranh hoa sen. Rõ ràng chỉ là mực đen giấy trắng, vậy mà Khương Ương lại nhìn ra được vẻ rực rỡ chói lòa như trăm hoa đua nở từ nét mực nước ấy.
Từng đóa từng đóa sen đua nhau nở rộ, chỉ nhìn thoáng qua đã biết là cảnh sen hồng nở rộ trên hồ Hồng Liên.
Đợi Tiêu Lan Yên hạ bút, Khương Ương mới lên tiếng: “Mực đậm mực nhạt đều vừa phải, cốt cách cứng cỏi, là bức tranh tốt.”
Tiêu Lan Yên hơi ngạc nhiên ngẩng đầu lên, nhìn Khương Ương một cái, trong mắt là sự kinh ngạc không hề che giấu. Một lúc sau, Tiêu Lan Yên mới nói: “Tôi vẽ vẫn chưa đủ hay, không vẽ ra được một phần phong thần của nàng.”
Khương Ương lại nói: “Nếu như nàng nhìn thấy, nhất định sẽ rất vui.”
Một lúc lâu sau Triệu Đình Liêu mới phản ứng lại được bọn họ đang nói gì. Hắn trừng mắt, khó tin nhìn bức tranh, lại ngẩng đầu nhìn Tiêu Lan Yên, rồi lại cúi đầu nhìn tranh. Cái cổ suýt thì vặn gãy, vậy mà hắn vẫn không tài nào nhìn ra, bức tranh này thì có liên quan gì đến Nữ thần Hồng Liên?
Không phải, chẳng phải chỉ là một bức tranh hoa sen thôi sao?
Khương Ương làm sao nhìn ra được cốt cách cứng cỏi? Còn làm sao mà liên tưởng được đến Nữ thần Hồng Liên?
Hình như nhận ra động tác của Triệu Đình Liêu, Tiêu Lan Yên không vui quay đầu sang, nói: “Ý vị của tranh thủy mặc vốn huyền ảo mông lung, anh đã xem không hiểu thì đừng miễn cưỡng.”
Triệu Đình Liêu: “???”
Triệu Đình Liêu cảm thấy ngứa tay thật rồi.
Khương Ương vội vàng cản Triệu Đình Liêu đang định động thủ, rồi quay sang hỏi Tiêu Lan Yên, giọng vô cùng thẳng thắn: “Cậu biết mình sắp chết chưa?”
Câu này đúng là quá mức trực tiếp, đến mức Tiêu Lan Yên nhất thời không kịp phản ứng.
Khương Ương chăm chú quan sát từng biểu cảm nhỏ trên mặt Tiêu Lan Yên —
Cậu chắc chắn và hoàn toàn khẳng định, ngay khoảnh khắc ấy, biểu cảm trên mặt Tiêu Lan Yên là kinh ngạc và bất ngờ.
Cậu ta ngạc nhiên vì điều gì?
Kinh ngạc vì mình sắp chết sao?
Không thể nào — với chuyện này, Tiêu Lan Yên nhất định đã sớm biết rồi.
Vậy nên, điều khiến Tiêu Lan Yên kinh ngạc không phải là cái chết sắp đến, mà là việc Khương Ương lại thẳng thừng nhắc đến chuyện này như vậy.
Đối diện với một tin tức như thế, cậu ta chỉ kinh ngạc, chứ không hề có chút sợ hãi nào, dù đã có ba người chết trong tình trạng kỳ dị như thế, Tiêu Lan Yên lại hoàn toàn không hề tỏ ra khiếp đảm?
Đúng là loài người kỳ lạ.
Khương Ương hỏi thẳng: “Cậu không sợ à?”
Tiêu Lan Yên khẽ cười, ngược lại hỏi: “Tôi sợ thì sao? Lẽ nào sợ rồi, thì sẽ không phải chết nữa à?”
Cậu ta cúi đầu, ánh mắt dịu dàng nhìn về bức họa của mình, nói: “Thứ tôi sợ xưa nay chưa từng là cái chết.”
Khương Ương hỏi cậu ta: “Vậy cậu sợ điều gì?”
Tiêu Lan Yên không trả lời, mà ngược lại hỏi: “Trưởng trấn, vậy ngài có sợ chết không?”
Ngay khoảnh khắc ấy, Khương Ương chợt cảm thấy một luồng ác ý đậm đặc ập đến, như thể không khí xung quanh đều bị ác ý bao trùm. Mỗi lỗ chân lông trên người cậu đều ngập trong thứ ác ý đó, khiến một luồng hàn khí xuyên thấu xương sống bò dọc lên cổ.
Nhưng khi Khương Ương nhìn kỹ lại, thì lại thấy Tiêu Lan Yên vẫn là dáng vẻ thư sinh như ngọc, như công tử bước ra từ trang sách, chỉ chuyên chú vào ý cảnh trong bức tranh thủy mặc của mình.
Khương Ương nheo mắt lại.
*****
Sau khi quay về trụ sở Ủy ban trấn Hồng Liên, Khương Ương lập tức trở lại phòng lưu trữ hồ sơ, bắt đầu lật tung từng hộc tủ. Triệu Đình Liêu đứng bên cạnh giúp cậu cùng tìm, cuối cùng là nhờ vào việc cao hơn Khương Ương cả một cái đầu, nên hắn đã tìm thấy thứ mà Khương Ương cần ở tầng trên cùng của tủ hồ sơ—
Hồ sơ của Tiêu Lan Yên.
Khương Ương không kìm được vội vàng xé niêm phong hồ sơ của Tiêu Lan Yên, lật từng tờ tài liệu ra xem.
Trang đầu tiên là giấy khai sinh, ghi rõ cha của Tiêu Lan Yên là Tiêu Tái Tuyết, tên mẹ không được lưu lại, nhưng trong hồ sơ lại gọi là “Chương thị nữ”.
Mẹ của Tiêu Lan Yên họ Chương sao?
Khương Ương cảm thấy thú vị.
Dân Quốc mới chỉ năm thứ ba, Tiêu Lan Yên năm nay hai mươi tuổi, vậy năm sinh của cậu ta hẳn còn thuộc về thời kỳ cuối nhà Thanh. Tính toán một chút, đó là vào cuối thế kỷ XIX – khi các thành phố lớn đã dần bước vào quá trình hiện đại hóa do ảnh hưởng từ ngoại quốc xâm nhập, thì các thị trấn nhỏ như trấn Hồng Liên vẫn giữ nguyên những tập tục phong kiến cổ hủ và lạc hậu.
Thậm chí đừng nói là mười mấy năm trước, ngay cả hiện tại, trấn Hồng Liên vẫn duy trì tục lệ “một làng chỉ hai họ, đời đời kết thông gia”, hai họ Tề và Tiêu đời đời thông hôn, thanh niên trong trấn đều mang hai họ này.
Thế nhưng mẹ của Tiêu Lan Yên lại không mang họ Tề, mà lại là họ Chương?
Khương Ương và Triệu Đình Liêu liếc mắt nhìn nhau, Triệu Đình Liêu lập tức hiểu ý, quay sang lục tìm thông tin về mẹ của Tiêu Lan Yên trong kho hồ sơ.
Khương Ương thì tiếp tục đọc hồ sơ của Tiêu Lan Yên.
Trong hồ sơ ghi rõ, Tiêu Lan Yên từ nhỏ đã vô cùng thông minh, từng theo học tứ thư ngũ kinh ở học đường do lão tiên sinh trong trấn mở, lần nào cũng được khen ngợi, nói cậu ta có tư chất làm trạng nguyên, sau này nhất định có thể phong hầu bái tướng, giúp trấn Hồng Liên thoát khỏi tình cảnh khốn cùng hiện tại.
Khương Ương không biết Tiêu Lan Yên có thật sự mang “tư chất trạng nguyên” hay không, nhưng có một điều là thật — bánh xe lịch sử lăn về phía trước, không ai có thể ngăn cản.
Năm Tiêu Lan Yên mười một tuổi là năm 1905, tháng Chín, chế độ khoa cử tồn tại nghìn năm ở Hoa Hạ chính thức chấm dứt, từ đó về sau, trên thế gian không còn trạng nguyên nào xuất hiện nữa.
Thế nên năm sau đó, khi mười hai tuổi, Tiêu Lan Yên đã bỏ qua mọi lời phản đối từ dân trong trấn, dưới sự ủng hộ mạnh mẽ của mẹ là Chương thị nữ, rời khỏi tư thục đã hoang tàn của trấn Hồng Liên, đến học đường do người Tây mở để tiếp tục học tập.
Thế nhưng hai năm trước, khi mười tám tuổi và đã lấy được bằng trung học, Tiêu Lan Yên lại từ bỏ việc thi lên đại học, mà chọn quay trở về trấn Hồng Liên — theo lời cậu ta thì, là để dùng tư tưởng và kỹ thuật hiện đại xây dựng quê hương.
Nhưng lời nói đó nghe chẳng khác gì một câu sáo rỗng, bởi sau khi trở về trấn Hồng Liên, Tiêu Lan Yên dường như chẳng làm gì cả. Tư liệu chỉ ghi lại rằng cậu ta suốt ngày chỉ ở trong sân nhà mình vẽ tranh. Còn cha mẹ cậu—cha là Tiêu Tái Tuyết, mẹ họ Chương—đều đã qua đời vào năm thứ hai khi cậu ra ngoài học hành. Một đứa trẻ mồ côi cha mẹ vốn đã khiến người ta thương cảm, vậy nên cũng chẳng ai để ý đến chuyện Tiêu Lan Yên lười biếng, không làm việc gì.
Tư liệu ghi chép chỉ có chừng đó, nhưng Khương Ương vẫn cảm thấy có điều gì đó không ổn—
Trước hết, trấn Hồng Liên từ ba mươi năm trước đã suy sụp vì mất đi lụa sen đỏ, dù mỗi nhà còn chút tiền dư thừa từ tổ tiên truyền lại, nhưng cũng chẳng thể cầm cự mãi được. Trải qua từng ấy năm sống dần ăn mòn vốn liếng, mấy năm gần đây trấn Hồng Liên đã túng thiếu đến mức không còn khả năng nộp tiền miễn trừ lao dịch, đành phải cử con cháu trong nhà đi làm phu dịch thay.
Nghèo đến mức ấy rồi, vậy mà vẫn có thể dung túng một thanh niên trai tráng hơn hai mươi tuổi suốt ngày chẳng chịu làm việc, chỉ biết lo chuyện viển vông?
Thứ hai, trong hồ sơ này ghi nguyên nhân cha mẹ Tiêu Lan Yên qua đời là trượt chân rơi xuống nước, mà nơi họ ngã xuống lại chính là hồ Hồng Liên.
Nhưng vấn đề là, nếu cha của Tiêu Lan Yên,Tiêu Tái Tuyết còn sống, thì giờ ông ta hẳn đã ngoài bốn mươi. Trong khi đó, hồ sen Hồng Liên chỉ bắt đầu cạn sen từ ba mươi năm trước. Nói cách khác, Tiêu Tái Tuyết sinh ra vào thời điểm hồ Hồng Liên vẫn còn nở sen đỏ.
Mà trước đó từng có tư liệu nhắc đến, khi hồ Hồng Liên còn sen, thì nhà nào nhà nấy, trẻ con đều biết hái sen từ nhỏ.
Nói cách khác, Tiêu Tái Tuyết biết bơi.
Chẳng lẽ đây chính là cái gọi là “người chết đuối đều là kẻ biết bơi”?
Khương Ương theo bản năng cảm thấy chuyện này có vấn đề.
Đúng lúc ấy, Triệu Đình Liêu cũng bước tới, nói: “Trong hồ sơ không có thông tin gì liên quan đến Chương thị, nhưng tôi phát hiện một tin khác.”
Triệu Đình Liêu giơ tập hồ sơ trong tay lên, nói: “Trên này ghi rằng, cha của Tiêu Lan Yên – Tiêu Tái Tuyết – lúc nhỏ từng có một vị hôn thê tên là Tề Niệm Niệm. Nhưng sau này, trong một lần lên núi săn bắn, Tiêu Tái Tuyết nhặt được một thiếu nữ xinh đẹp, rồi chẳng bao lâu sau liền qua lại với cô ta, rồi hủy hôn với vị hôn thê cũ.”
Nghe xong lời của Triệu Đình Liêu, mắt Khương Ương sáng rực lên: “Chắc chắn Tề Niệm Niệm có ấn tượng rất sâu về Chương thị!”
Triệu Đình Liêu đưa tài liệu cho Khương Ương: “Còn trùng hợp hơn, sau khi Tề Niệm Niệm lấy chồng, bà ấy sinh được một đứa con trai, tên là Tiêu Trừng Chỉ.”
Tiêu Trừng Chỉ — người thứ ba thiệt mạng ở trấn Hồng Liên, sau cặp vợ chồng Tề Đại Trụ và Tiêu Thiến Thiến.
Khương Ương lập tức nói: “Chúng ta đi tìm Tề Niệm Niệm.”
Triệu Đình Liêu lại kéo cậu lại: “Mai hãy đi, trời sắp tối rồi.”
Khương Ương theo phản xạ ngẩng đầu nhìn trời. Qua cánh cửa gỗ xưa cũ, bầu trời đang dần tối, từng mảng mây xám lững lờ trôi. Ánh mặt trời đã hoàn toàn biến mất, trong khoảnh khắc mơ hồ ấy, Khương Ương dường như ngửi thấy mùi hơi nước trong không khí.
Khương Ương nói: “Sao tôi cứ cảm thấy sắp mưa rồi nhỉ?”
“Mưa à?” Triệu Đình Liêu nhíu mày, “Cậu chắc chứ?”
Khương Ương khẽ nhăn mũi lại, tuy có chút không dám chắc, nhưng vẫn nói: “Tôi ngửi thấy mùi nước trong gió… nếu không có gì bất ngờ, tối nay chắc sẽ có mưa.”
Nghe xong lời Khương Ương, Triệu Đình Liêu nói: “Dù có mưa hay không, tối nay chúng ta cũng đừng ra ngoài. Có chuyện gì thì để mai rồi tính.”
Khương Ương suy nghĩ một lát, cũng không phản đối, liền ôm tập hồ sơ đi theo sau Triệu Đình Liêu. Triệu Đình Liêu dẫn Khương Ương tới căn phòng phía tây — nơi này là một gian nghỉ ngơi.
Phòng nghỉ không lớn, bên trong chỉ có một chiếc giường. Triệu Đình Liêu bảo Khương Ương cứ nghỉ ngơi trước, còn mình thì ra ngoài một chuyến, mang hành lý của cả hai về.
Khương Ương ngồi một bên đọc tài liệu, còn Triệu Đình Liêu lại lần nữa mở va-li ra kiểm tra. Khương Ương tò mò nhìn sang, chỉ thấy lần này Triệu Đình Liêu không đơn thuần lật tìm đồ đạc bên trong, mà đang mò mẫm quanh lớp lót ẩn của hành lý.
Khương Ương đặt tài liệu xuống, mắt sáng rỡ, len lén mon men lại gần, chờ “đại ca” moi ra được món gì hay. Vừa khéo, cậu mới tới nơi thì tay Triệu Đình Liêu đã khựng lại ở một góc vali.
Thật sự có đồ sao?
Lại nằm trong vali của cậu ấm Khương Ương?
Mắt Khương Ương càng thêm sáng, vội vã nịnh nọt đưa cho hắn một con dao—
Cậu chỉ ngoan ngoãn như vậy khi có chuyện phải nhờ người ta.
Triệu Đình Liêu liếc cậu một cái, không nói gì, nhận dao, cẩn thận rạch một đường trong lớp lót vali, rồi rút ra một tờ giấy mỏng.
Khương Ương tò mò ngẩng đầu, ghé sát lại xem. Triệu Đình Liêu mở tờ giấy được gấp gọn, rồi ngay lập tức bị nội dung trên đó làm chói cả mắt.
Đó là một bức thư — kiểu trình bày theo chiều dọc, chữ phồn thể viết bằng bút máy, từng nét từng nét rõ ràng, lộ ra khí chất tu dưỡng văn chương cực tốt của người viết.
Nhưng điều khiến Khương Ương trợn mắt há mồm là: đây lại là một bức thư tình! Một bức thư tình do “cậu ấm Khương Ương” viết cho “đồng nghiệp Triệu Đình Liêu”!
Khương Ương: “???”
Cậu không thể tin nổi, giật lấy tờ giấy xem kỹ lại, rồi phát hiện—chữ viết trên đó rõ ràng là nét bút của cậu! Nếu không phải cậu dám chắc mình không bị mất trí và chưa từng viết lá thư nào như vậy, thì e là chính cậu cũng phải nghi ngờ liệu đây có thật sự là “tác phẩm” của mình không.
Thế nhưng chỉ nhìn mấy giây, Khương Ương đã không chịu nổi nữa mà dời mắt đi.
Không phải chứ, cái gì mà “Khương Ương có phúc, mới gặp được tiên sinh”*?
Cái gì mà “trằn trọc trở mình, chỉ nhớ đến tiên sinh”?
“姜央何幸,竟遇先生” (Khương Ương hà hạnh, cánh ngộ tiên sinh): Câu văn cổ mang sắc thái ngôn tình, nghĩa là "Khương Ương ta có phúc phận gì, lại có thể gặp được tiên sinh" – thể hiện sự cảm kích, si tình.
“辗转反侧,空忆先生” (Triển chuyển phản trắc, không ức tiên sinh): Thành ngữ “辗转反侧” chỉ thao thức, trằn trọc; cả câu dịch thoát là “trằn trọc suốt đêm, chỉ hoài niệm tiên sinh trong vô vọng.”
Cái gì mà “Sao có thể hái ánh trăng, để an ủi nỗi bối rối trong lòng ta” chứ?
Cứu mạng với!
“何掇明月,慰我彷徨” (Hà đoạt minh nguyệt, uý ngã bàng hoàng): Dịch sát nghĩa là “Sao có thể hái ánh trăng, để an ủi nỗi bối rối trong lòng ta”.
Đây là kiểu lời văn lãng mạn cổ điển, thường dùng trong thư tình: ví von người kia như ánh trăng sáng, là sự dịu dàng duy nhất giữa trần thế hỗn loạn.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro