Chương 11 🫂
Rời khỏi trà lâu, tay Thạch Đầu vẫn ôm khư khư gói điểm tâm Vương chưởng quỹ cho. Nó quay sang hỏi Tô Thanh có muốn ăn không, Tô Thanh bèn lắc đầu, kêu Thạch Đầu mang về cho Tư Nhi và Trụ Tử.
Tô Thanh bảo với Thạch Đầu rằng trà lâu sẽ tiếp tục thu mua trà, có bao nhiêu cũng lấy hết. Thạch Đầu nghe xong vui mừng khôn xiết, rồi nó chợt thấy sốt ruột, chỉ muốn tức tốc về nhà hái trà ngay.
Nhưng nghĩ lại, cha và *đại ca đều đang ở trấn trên, không biết họ đã tìm được việc làm chưa. Nếu vẫn chưa tìm được thì tốt nhất là cứ về nhà hái trà vẫn hơn. Nghĩ đến chuyện hôm qua kiếm được ngần ấy bạc, cả nhà ai nấy đều vui mừng khôn tả.
*đại ca: anh cả
Nay ráng kiếm thêm chút nữa, ngày mai chắc cũng còn kiếm thêm được một bữa. Ngày kia thì không biết trên núi còn trà không. Nhưng chỉ cần hai ngày này thôi cũng đã kiếm được không ít rồi. Thạch Đầu càng nghĩ càng thấy vui, nó không nhịn được mà cười toe toét.
Tô Thanh dẫn Thạch Đầu đến khu chợ sầm uất ở phố Đông. Những hán tử trên phố đều nhìn chằm chằm vào cậu. Tô Thanh cũng chỉ còn cách cắn răng đi đến chỗ lần trước.
Phương đại gia và nhị gia không có ở đây, nghe đâu nói là đã tìm được việc, đi phụ một tiệm vải chuyển hàng. Mấy người còn lại vẫn ở nguyên chỗ cũ, đợi gia chủ đến thuê người làm việc. Thạch Đầu nhỏ giọng nói với cha nhỏ và ca ca rằng trà lâu vẫn tiếp tục thu mua lá trà, họ vẫn có thể lên núi hái trà như trước. Nghe xong, cả ba người đều mừng rơn.
Công việc đó vừa không vất vả lại kiếm được tiền, đương nhiên ai cũng muốn quay lại làm rồi. Nhưng Phương đại gia và nhị gia đã tìm được việc rồi, giờ tính sao đây? Không thể bỏ dở giữa chừng mà quay về được, như vậy chẳng những không được trả công mà còn ảnh hưởng đến uy tín, lần sau ai còn dám thuê họ làm nữa?
Tô Thanh bèn nảy ra một ý, đề nghị tìm người khác làm thay. Tiền công cũng để người đó nhận, không biết liệu có được không. Tuy là làm không công nửa ngày, không nhận được tiền thì có hơi tiếc, nhưng hái trà nửa ngày kiếm được nhiều hơn thì cũng đáng. Hơn nữa, tìm người quen, còn có thể để người ta nợ mình một ân tình, không phải cũng tốt sao?
Mọi người suy nghĩ một hồi cũng cảm thấy ý kiến này không tồi. Thế là tìm hai người bình thường quan hệ khá tốt. Không biết đã nói chuyện thế nào, cuối cùng Phương tiểu gia dẫn hai người họ đến tiệm vải nơi đại gia và nhị gia đang làm việc.
Tô Thanh không đi theo. Một lát sau, Phương đại gi và nhị gia cùng nhau trở về. Dù làm nửa ngày mà không được trả công, nhưng Phương đại gia chẳng tỏ vẻ khó chịu, ngược lại ông còn rất phấn khởi.
Tô Thanh lại ghé đến tiệm bánh bao lần trước, mua hai mươi chiếc. Cậu vẫn chừa lại hai chiếc cho mình, phần còn lại đưa hết cho Phương đại gia, bảo họ tự chia nhau. Sau đó, tất cả vừa ăn bánh bao nhân thịt, vừa lên đường trở về nhà.
Lần này, Tô Thanh dặn trước với mọi người, cứ hái được vài cân thì mang về trước, để cậu ở nhà sao trước một ít. Tránh tối muộn làm quá nhiều sẽ kiệt sức. Mọi người đều gật gù kêu đã rõ.
Nguyên a mỗ vừa hay cũng ở Phương gia, đang tám chuyện cùng Phương a mỗ. Nghe nói vẫn còn thu mua trà tươi, hắn vội chào hỏi Tô Thanh một tiếng, bày tỏ ý nói nhà mình cũng muốn đi hái trà. Tô Thanh cũng vui vẻ đồng ý, nhưng cậu nhấn mạnh rằng nhất định phải hái theo đúng yêu cầu.
Nguyên a mỗ vội vàng đáp lời, miệng liên tục nói: "Nhất định, nhất định." Rồi hắn tất tả về nhà gọi mấy hán tử và bọn trẻ trong nhà, cùng nhau lên núi.
Hắn đã nếm được miếng ngon rồi. Hôm qua mới có nửa buổi mà kiếm được tận một trăm đồng. Trong khi đó, mấy hán tử trong nhà làm việc cả ngày cũng chẳng được bao nhiêu. Tối qua, gia đình hiếm khi có dịp vui vẻ như thế. Không ngờ hôm nay chuyện tốt lại rơi vào nhà mình.
Vốn dĩ thấy mọi người đi lên trấn tìm việc, Nguyên a mỗ còn hơi thất vọng. Nhưng vừa hay nhà có việc, mấy hán tử vừa vặn ở nhà, vậy là tự nhiên cơ hội tới tay rồi còn gì.
Ăn trưa xong xuôi, Tô Thanh nghỉ ngơi một lát rồi đem quần áo đã thay hôm qua ra giặt. Hoá ra, trong nhà vốn có sẵn bột bồ kết, đồ dùng để tắm rửa gội đầu đều có cả, cũng đỡ tốn công đi mua. Có điều, những thứ này đều là đồ rời, không được tiện cho lắm. Nhưng vì cậu cũng đâu biết cách làm xà phòng, đành chấp nhận dùng tạm vậy.
Khoảng hơn ba tiếng sau, Thạch Đầu và Tư Nhi quay về, trên lưng mỗi đứa cõng theo hai bao trà lớn. Phía sau chúng còn có hai đứa trẻ trạc tuổi Thạch Đầu, mỗi đứa cũng vác theo một bao trà. Đây là số trà được chuyển về trước.
Tô Thanh vội bảo Thạch Đầu về nhà lấy cân để cân trà. Nhà Thạch Đầu được hơn 39 cân, nhà Nguyên a mỗ lại còn nhiều hơn, tận 53 cân. Tô Thanh không khỏi ngạc nhiên, tốc độ này thật sự quá nhanh. Cậu báo lại số cân cho họ, rồi lấy một mẩu than viết lên tấm ván gỗ, đợi đến tối sẽ cùng tính.
Nghĩ đến việc lát nữa cần người nhóm lửa, Tô Thanh liền muốn giữ Tư Nhi ở lại. Thằng bé nhỏ như vậy, leo trèo trên núi thật sự không an toàn, chưa kể Tư Nhi vẫn còn là một tiểu ca nhi. Cậu dặn Thạch Đầu đi bảo với Phương a mỗ để Tư Nhi ở lại giúp nhóm lửa, cậu sẽ trả cho Tư Nhi 20 đồng bù công.
Tư Nhi nghĩ thầm Tô ca nhi đã giúp đỡ nhà mình quá nhiều rồi, hơn nữa việc nhóm lửa cũng đâu có nặng nhọc gì, sao có thể nhận tiền chứ. Thế là nó bĩu môi nói mình có thể giúp, nhưng không cần tiền.
Nhìn Tư Nhi bĩu môi, đáng yêu không chịu nổi, nhìn thế nào cũng thấy cưng.
Kiếp trước vì lý do thân thể, Tô Thanh chưa từng yêu đương, đúng hơn là cậu không dám yêu ai. Thật lòng mà nói, cậu cảm thấy mình có cảm tình với đàn ông hơn, chỉ đàn ông mới có thể cho cậu cảm giác an toàn, cũng mới có thể bảo vệ cậu.
Nhưng Tô Thanh cũng hiểu rằng đó là chuyện không thể, hơn nữa cậu cũng chưa từng làm gì cả, chỉ là thầm nghĩ trong lòng vậy thôi. Kiếp này tuy bề ngoài cậu là ca nhi, có thể lấy đàn ông, hơn nữa còn có thể quang minh chính đại tìm vài người, điều này khiến cậu cảm thấy rất vui, nhưng cậu vẫn không chắc chắn, cơ thể của những ca nhi khác có giống mình hay không. Tô Thanh không dám mạo hiểm.
Thế nên tốt nhất là kiếm thật nhiều tiền, đến khi lớn tuổi thì nhận nuôi một đứa trẻ, để có người nương tựa lúc về già. Nhưng như vậy cũng không thực tế lắm. Chẳng phải Phương a mỗ đã nói rồi sao, nếu không tự tìm thì quan phủ cũng sẽ gán cho, không biết đến lúc đó nếu thật sự không tìm được ai thì họ sẽ sắp xếp thế nào nữa. Haizz thật là phiền phức, thôi không nghĩ nữa.
Nắn nắn khuôn mặt nhỏ của Tư Nhi, cậu nhẹ tay lật mớ trà đang phơi trên tấm phên, tránh cho trà bị ép quá dày sẽ bị cháy.
À phải rồi, cái phên đó vừa mới được đưa đến. Người thợ đan đó khi nghe Tô Thanh nói là dùng những thanh mao trúc để đan, anh ta còn cất công lặn lội đến tận Hoàng Nê Lĩnh xa xôi để chặt mấy cây mao trúc lớn, làm theo đúng yêu cầu của Tô Thanh để đan ra một cái mẫu.
Anh ta vốn dĩ đã khéo tay, cái phên đan vừa phẳng vừa chắc chắn, các mối đan cũng rất kín. Khi Tô Thanh hỏi anh ta bao nhiêu tiền, anh ta nhất thời chưa thể nói rõ, nhưng món đồ này là lần đầu anh ta đan, tay còn hơi vụng, hơn nữa dùng tre để đan cũng tốn khá nhiều thời gian.
Thường thì dùng dây mây mềm đan một cái giỏ lưng tốt cũng chỉ mất có nửa ngày, cái phên này vậy mà ngốn gần một ngày trời.
Nghe anh ta nói vậy, Tô Thanh liền trả cho mỗi cái 45 đồng, cậu còn dặn năm cái còn lại cố gắng giao sớm cho cậu vì cậu đang cần dùng gấp. Người thợ nghe vậy thì mừng rơn, thế này thì kiếm lời hơn đan giỏ rất nhiều.
Một cái giỏ tốt nhất cũng chỉ có 15 đồng, bản thân lại sức khỏe không tốt, đi tìm việc làm cũng chẳng ai nhận, chỉ có thể ở nhà đan sọt, đan rá,... kiếm chút tiền lẻ tiêu xài.
Thấy Tô Thanh trả công hậu hĩnh, còn lại 5 cái nữa tức là hơn hai trăm đồng rồi, người thợ vui vẻ vội vàng chạy về nhà đan tiếp.
Tư Nhi dù mới năm tuổi, nhưng thật sự rất hiểu chuyện. Tuy rằng hơi nhút nhát, nhưng với Tô Thanh đã quen thân thì nó rất thoải mái. Tô Thanh bảo Tư Nhi nhóm lửa, nó liền hết sức cẩn thận, hơn nữa còn tuân thủ nghiêm ngặt những gì Tô Thanh đã dặn, thậm chí còn làm tốt hơn cả Thạch Đầu.
Mấy chục cân trà, Tô Thanh và Tư Nhi cũng sao suốt một buổi trời. Thấy trời sắp tối, nghĩ đến việc mấy người Phương gia cũng sắp về. Tô Thanh tranh thủ lúc nồi còn nóng nấu một nồi lớn *bánh bột mì, đến lúc đó mọi người cùng ăn.
*bánh bột mì hoặc mỳ vằn thắn tuỳ theo cách gọi của mỗi nơi.
Khi bánh bột mì chín tới, Tô Thanh và Tư Nhi mỗi người múc một bát, hai người cùng ăn ngay trong bếp. Tư Nhi rất thích ăn món này, bởi đây chính là bột mì trắng mà, nhà nó chỉ có đến Tết mới được ăn một chút.
Nghĩ đến số tiền nhà mình kiếm được mấy ngày nay, Tư Nhi càng thêm vui mừng khôn xiết. Có lẽ năm nay nhà nó cũng có thể được ăn nhiều bột mì trắng và cơm gạo hơn rồi. Thật mong là Tô ca nhi có thể ngày nào cũng thu mua trà.
Sau khi ăn xong một bát bánh bột mì, Tô Thanh thấy mọi người hái trà cũng đã về. Cậu bận rộn cân trọng lượng. Tính cả số trà đã cân trước đó, nhà Phương a mỗ được tổng cộng 115 cân, còn nhà Nguyên a mỗ do có thêm ba người hái nên nhiều hơn, tổng cộng là 158 cân.
Sau khi đưa tiền công cho cả hai nhà, nhà Nguyên a mỗ mừng rỡ nói sang ngày mai sẽ cố hái thêm. Thấy trời cũng đã muộn, Tô Thanh liền mời họ ở lại ăn chút bánh bột mì, nhưng nhà Nguyên a mỗ từ chối. Nhà họ có tới mười miệng ăn, mỗi người một bát cũng chẳng đủ, vả lại hôm nay họ đã kiếm được một lượng rưỡi bạc rồi, ai nấy đều phấn khởi nên vẫn quyết định là về nhà ăn. Sau khi chắc chắn Tô Thanh sẽ tiếp tục thu mua trà vào ngày mai, họ liền nhanh chóng trở về.
Sau khi Phương a mỗ và mọi người ra về, Tô Thanh múc chỗ bánh bột mì còn lại vào một chậu gốm lớn, bảo Thạch Đầu mang về. Thạch Đầu cũng vui vẻ ôm chậu về nhà. Nó biết phần này đều là Tô ca nhi cố ý để lại cho nhà nó.
Tư Nhi vẫn tiếp tục ở lại, Tô Thanh đã trao đổi với Phương a mỗ, mỗi ngày sẽ trả cho Tư Nhi 50 đồng, để nó giúp cậu nhóm lửa. Buổi tối sau khi sao trà thì ở lại nhà cậu ngủ, dù sao hai người đều là ca nhi, còn có thể bầu bạn với nhau.
Phương a mỗ vốn dĩ không muốn nhận tiền, nhưng Tô Thanh nói, nếu như không nhận thì sẽ không để Tư Nhi giúp nữa, nếu tìm người khác thì cậu lại không quen, còn nói với vẻ rất đáng thương. Cuối cùng, Phương a mỗ cũng đành phải đồng ý.
Ngày hôm sau, Tô Thanh phát hiện có thêm mấy người không quen biết mang trà đến nhà cậu. Tô Thanh đương nhiên rất vui, bởi mùa trà xuân sắp kết thúc, nếu không hái nhanh lá trà sẽ già hết.
Sau khi xem qua trà, Tô Thanh thấy tất cả đều được hái rất chuẩn. Cậu ghi lại tên và trọng lượng của từng người, hẹn tối sẽ tính toán tổng số lượng.
Tư Nhi làm việc rất hăng say, Tô Thanh cũng ngày càng sao trà thuần thục. Dù mệt nhừ người, nhưng nghĩ cứ đà này thì chẳng mấy chốc, chỉ ba bốn ngày nữa là xong xuôi. Đúng lúc Tô Thanh đang mơ mộng về khoản tiền lớn sắp kiếm được thì lại có mấy vị khách không mời mà tới.
Sao trà cả một buổi sáng, Tô Thanh mệt đến mức cánh tay cũng không nhấc lên nổi, Tư Nhi liền giúp cậu xoa bóp. Hai người đang trò chuyện vui vẻ thì bất ngờ có mấy hán tử khoảng bốn mươi tuổi bước vào. Thấy vậy, Tư Nhi vội nói nhỏ với Tô Thanh rằng đó là trưởng thôn và các vị *tộc lão của thôn Đông Đầu.
*tộc lão: Già làng
Vừa nghe nói là trưởng thôn và tộc lão, Tô Thanh vội vàng niềm nở mời khách vào nhà. Sau đó, cậu pha một ấm trà, lần lượt rót cho mỗi người một chén, lập tức cả căn phòng tràn ngập hương trà. Tuy có chút tiếc rẻ số trà, thứ có giá đến năm lượng bạc một cân, nhưng người ta là quan của thôn Đông Đầu mà, tục ngữ nói rất đúng: "Ăn của người thì mềm môi, cầm của người thì mềm tay".
Mấy vị này tuy là tiểu BOSS, nhưng cũng có thể quản mình chứ sao. Nhỡ người ta không đồng ý cho mình thu trà, vậy chẳng phải lỗ nặng à?. "Vô sự bất đăng tam bảo điện", cứ xem họ đến đây có việc gì rồi tính tiếp.
* Vô sự bất đăng tam bảo điện: Không có việc gì thì không đến tòa tam bảo (chùa)
Trưởng thôn thấy Tô Thanh pha trà tiếp đãi, ấn tượng về Tô Thanh lập tức tốt hơn hẳn. Ông ta nghe mấy đứa con trai kể, trà của trà lâu Minh Hiên trong trấn có giá tới 10 lượng bạc một lạng, mà trà đó lại chính là do ca nhi trước mặt này mang đi bán.
Ai mà ngờ được những lá cây đầy trên núi kia, qua tay tiểu ca nhi này lại trở thành thứ đáng giá như vậy chứ. Nghĩ đến thứ này quý giá như vậy, ông ta vội uống một ngụm, hương thơm lan tỏa khắp khoang miệng, vị trà lúc đầu hơi chát, sau đó ngọt dịu, dư âm kéo dài thật lâu.
Mấy vị tộc lão khác cũng không ngớt lời khen ngợi, tấm tắc xuýt xoa gọi là *hảo phẩm. Tô Thanh cười cười, trà này đương nhiên là hảo hạng rồi, ở thời hiện đại cũng rất được lòng các bậc cao niên.
*hảo phẩm: đồ hảo hạng
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro