Chương 12 🫂
Cuối cùng thì trưởng thôn cũng mở lời trước: "Tô ca nhi này, nghe người ta nói mấy hôm nay ngươi cho người lên núi hái chồi non, rồi chế biến thành trà bán cho trà lâu trên trấn, có thật vậy không?"
Tô Thanh thật muốn bĩu môi, biết rồi còn hỏi, nhưng ngoài mặt vẫn kính cẩn đáp: "Vâng, thưa trưởng thôn, trà mà ngài vừa thưởng thức chính là nó đấy ạ, ta thấy trên núi mấy chồi non đó không ai lấy, nên nảy ra ý định làm thử để pha trà uống chơi, ai ngờ hương vị cũng khá, ta bèn nghĩ đến trên trấn không phải có trà lâu sao. Liền đi hỏi thử người ta có thu mua không. Không ngờ ông chủ tốt bụng, thấy ta tuổi còn nhỏ liền nhận, còn dặn ta làm thêm nữa.
Thế là ta bèn nhờ Phương a mỗ và mọi người trong thôn phụ hái một ít, mà cũng không thể lấy không được, nên cũng trả chút tiền công. Ta cũng không ngờ lại có nhiều người đến giúp như vậy. Ban đầu ta cũng không muốn nhận đâu, ta dù sao cũng còn nhỏ, một mình sao làm xuể. Nhưng mọi người đã cất công đến tận nhà rồi, nếu không nhận, chẳng phải họ mất công vô ích sao? Ta nghĩ, mọi người cũng không dễ dàng gì, với lại công việc này cũng chỉ kéo dài vài ngày thôi, có mệt nhọc chút cũng chẳng sao, ít nhiều cũng giúp đỡ được chút cho người trong thôn. Ta nhận chỗ chồi non mà mọi người hái được, thứ nhất là giúp ta đỡ phải ngày nào cũng lên núi, hai là cũng có thể giúp mọi người kiếm thêm chút tiền."
Tô Thanh không nhắc đến việc mình làm vậy là để kiếm tiền.
Trưởng thôn là người sinh ra và lớn lên tại thôn Đông Đầu, còn người bạn đời của ông là ca nhi thanh mai trúc mã từ nhỏ. Người có thể đảm đương vị trí trưởng thôn đương nhiên phải là người có bản lĩnh, nhưng suốt bao năm qua, chẳng ai nghĩ những chồi non trên núi lại có thể trở thành thứ trà quý giá đến thế. Tiểu ca nhi trước mắt này quả thật đã khiến cho mọi người phải mở mang tầm mắt.
Hơn nửa tháng trước, khi cậu ta mới đến đây, ông vẫn còn nhớ rất rõ, cậu ta là một người khờ khạo, nghe nói là đến đây dưỡng bệnh. Việc mua lại căn nhà của *đại nhi tử cũng chính do một tay ông đứng ra lo liệu. Vậy mà bây giờ, cậu ta không những đã khỏi bệnh mà còn nghĩ ra cách dùng chồi non để chế biến thành trà, rồi cả rau dương xỉ với măng nữa. Bao đời nay người dân thôn Đông Đầu này chưa từng ai biết những thứ đó lại có thể dùng làm thức ăn, huống chi là pha trà uống.
*đại nhi tử: con trai cả
Nhưng dù sao với cương vị là trưởng thôn, trong lòng ông vẫn cảm thấy có chút không thoải mái. Ở cái thôn Đông Đầu này, nhà nào mà chẳng nể mặt ông. Có việc gì mà lại không tìm đến ông để bàn bạc trước một tiếng.
Tô ca nhi này, rốt cuộc vẫn còn trẻ người non dạ, nếu không cẩn thận thì sớm muộn gì cũng sẽ chịu thiệt cho xem.
"Tô ca nhi à, ta biết ngươi làm vậy cũng là muốn giúp đỡ cho cả thôn, tuy nói chồi non trên núi ai muốn hái thì hái, nhưng xét cho cùng thì nó vẫn là vật sở hữu của thôn Đông Đầu. Ngươi làm vậy mà không bàn bạc với mọi người trong thôn, đến lúc đó trong thôn chắc chắn sẽ có người dị nghị. Ngươi có nghĩ đến điều đó chưa?"
Trưởng thôn vừa dứt lời, mấy vị tộc lão khác cũng phụ họa theo, nói thẳng Tô Thanh không hiểu quy củ gì đó.
Nghe lời trưởng thôn nói, Tô Thanh nghĩ bụng, quả thật là vậy, con người vốn dĩ là như thế. Dù nói là bao năm nay vẫn ở trên núi chẳng ai thèm hái, nhưng một khi có người kiếm ra tiền từ đó thì thế nào cũng có người đỏ mắt, không cam tâm nhìn người khác hưởng lợi.
Thế là Tô Thanh thành khẩn nói với trưởng thôn: "Trưởng thôn đại bá, ngài cũng biết là ta vừa mới đến thôn Đông Đầu, tuổi còn nhỏ, rất nhiều chuyện còn chưa hiểu, sau này còn phải nhờ các vị chỉ bảo. Nhưng ngài cũng thấy đấy, sau này ta đều phải tự lo liệu sinh kế, mà trà này cũng chỉ hái được vài hôm nữa thôi, rồi cũng hết mùa."
Vốn dĩ Phương a mỗ thấy ta một thân một mình lên núi thì không an tâm, nên đã kêu con của hắn là Thạch Đầu phụ ta hái một ít. Ai ngờ đâu ông chủ trà lâu trên trấn thấy ta là người thôn Đông Đầu nên chiếu cố, trả giá khá hời. Ta liền nghĩ, dù sao nhà Phương a mỗ cũng đang rảnh, nên nhận lời trả công cho họ hái giúp. Ai dè lại có nhiều người đi đến vậy, đúng là ta đã suy nghĩ chưa chu toàn".
Trưởng thôn thấy lời Tô Thanh nói cũng có lý, ông ta lại sợ Tô Thanh đổi ý không thu mua chồi non nữa. Bây giờ người ta đổ xô lên núi hái chồi non cả rồi, những ai hái được và kiếm được tiền thì không nói làm gì, nhưng những ai không hái được thì lại bất bình, dựa vào cái gì người khác kiếm được tiền, mà mình thì không, như vậy chẳng phải là thiệt thòi sao? Đã là đồ của thôn thì bọn họ cũng có phần. Chính vì nghe không ít người than phiền với mình nên ông ta mới đến đây, thế là ông ta đem kể lại một số lời đồn cho Tô Thanh nghe.
"Nhưng ta cũng đâu có nói là không thu mua chồi non của họ đâu, ai hái ta cũng trả tiền như nhau cả, ngài trưởng thôn cũng đã nói rồi, đây là đồ của thôn, ai muốn hái thì cứ hái, chẳng lẽ họ muốn không làm mà cũng có ăn sao?"
Tuy có hơi tức giận, nhưng nghĩ ngợi một hồi Tô Thanh vẫn nói với trưởng thôn: "Hay là thế này, ta đưa cho thôn năm lượng bạc, coi như là dùng để mua chồi non trên núi. Ngài cũng biết rồi đấy, trước giờ có ai thèm ngó ngàng gì đến mấy thứ này đâu. Nếu không được thì ta cũng hết cách, cùng lắm ta không thu mua của ai nữa, đành tự mình lên núi hái vậy, chắc lúc đó chẳng ai nói gì nữa đâu."
Trưởng thôn vừa nghe nói có thể nhận được năm lượng bạc, tất nhiên mừng rỡ không thôi. Như vậy vừa dẹp được những lời xì xào bàn tán, lại vừa không làm dân làng mất đi một khoản thu nhập, quả là không còn gì tốt hơn.
Vậy nên ông ta vui vẻ nói: "Như vậy cũng tốt, đến lúc đó nếu có ai nhắc đến chuyện này, ta cũng không phải khó xử, đúng không nào?"
Thấy trưởng thôn đồng ý, Tô Thanh tuy có chút xót năm lượng bạc, nhưng bỏ chút tiền để đổi lấy sự yên ổn thì cũng đáng.
Tô Thanh chia cho mỗi người một ít trà, đây chính là thứ năm lượng bạc một cân đó, nhưng không cho thì không ổn. Sau đó cậu lại đưa thêm năm lạng bạc cho trưởng thôn. Mấy người kia vui vẻ cầm trà rời đi. Ngược lại Tư Nhi đứng một bên thì đỏ hoe cả mắt, Tô Thanh hỏi nó sao vậy, Tư Nhi sụt sịt mũi nói: "Bọn họ thật quá đáng, không những lấy trà của Tô ca nhi, còn lấy đi nhiều tiền như vậy. Năm lượng bạc lận đó! Tô ca nhi vất vả biết bao nhiêu, bọn họ không thấy sao? Tay ngươi cũng chẳng nhấc lên nổi nữa rồi. Lại còn cả một đêm không ngủ!"
Nhìn Tư Nhi trước mắt đang bất bình thay mình, còn đau lòng cho mình, Tô Thanh cảm động mà ôm chặt Tư Nhi một cái, ai ngờ lại làm Tư Nhi đỏ bừng cả mặt.
Hai người tranh thủ lúc rảnh rỗi ăn chút cơm, vì biết lát nữa sẽ có người lục tục trở về. Đợi đến khi trời tối, người cũng gần như đã về hết, Tô Thanh lấy cuốn sổ ghi tên và trọng lượng trà, lần lượt gọi tên từng người để đối chiếu. Sau khi đọc số cân và xác nhận không có sai sót, thì cậu phát tiền công cho họ.
Có người hỏi Tô Thanh có biết chữ không, Tô Thanh lắc đầu đỏ mặt nói, mình chỉ vẽ ký hiệu để tránh nhầm lẫn. Khung cảnh trước cổng vốn ồn ào náo nhiệt cũng dần trở nên yên tĩnh.
Tô Thanh bảo Tư Nhi đi ngủ một lát, trong lúc đó cậu nhờ Thạch Đầu nhóm lửa giúp. Đợi đến lúc gần xong việc thì gọi Tư Nhi dậy.
Bận rộn suốt bốn ngày, trà trên núi cũng đã hái gần hết. Dân thôn Đông Đầu tuy có chút tiếc nuối nhanh như vậy đã hái xong, nhưng vẫn rất vui mừng. Chỉ trong vài ngày, số tiền họ kiếm được còn nhiều hơn cả một hai tháng bình thường, làm sao mà không vui cho được.
Tô Thanh bán hết số trà cho trà lâu Minh Hiên, thu được 538 lượng bạc, khiến Tô Thanh vô cùng mừng rỡ. Vốn dĩ bên kia định trả bằng ngân phiếu, nhưng Tô Thanh cảm thấy vẫn là bạc tốt hơn, Vương chưởng quỹ cũng không nói gì, trực tiếp đưa mười nén bạc lớn, mỗi nén năm mươi lượng, cùng với ba nén mười lượng và một ít bạc lẻ. Lo lắng cho sự an toàn của Tô Thanh trên đường về, ông còn cử một cỗ xe ngựa đưa Tô Thanh về thôn, điều này làm Thạch Đầu vô cùng thích thú, vì đây là lần đầu nó được ngồi xe ngựa.
Nhân tiện có xe ngựa, Tô Thanh còn ở trấn trên mua sắm rất nhiều đồ ăn và vật dụng. Về tới nơi, cậu chia cho Thạch Đầu một ít mang về nhà. Sau đó, Tô Thanh ở trong nhà loay hoay khắp nơi tìm chỗ giấu nguyên bảo, cảm giác giấu chỗ nào cũng không an toàn. Cuối cùng cậu quyết định đào một cái hố dưới gầm giường, bỏ mười nén bạc vào một cái bình gốm rồi chôn xuống.
Với việc thu hoạch trà kết thúc, mùa vụ nông nghiệp cũng bắt đầu. Người trong thôn đều tất bật với việc gặt lúa mì, thu hoạch cải dầu, rồi lại bắt tay vào cày cấy, chuẩn bị cho vụ lúa nước.
Tô Thanh cũng có hai mẫu ruộng nước, hiện đang trồng lúa mì, ngoài ra còn hai mẫu đất khô ở thung lũng bên kia Bình Sơn Ao, nhưng do chưa ghé thăm lần nào nên cậu cũng không biết hiện giờ trồng cây gì.
Tô Thanh tìm mãi không thấy liềm, mà nhà Phương đại gia cũng đang bận gặt, nên cậu đành lấy dao chặt củi trong bếp tự ra đồng làm. Dao vừa to vừa nặng, rất khó dùng. Cuối cùng nhờ có Thạch Đầu và anh trai là Trụ Tử đến giúp nên hai mẫu lúa mì cũng được thu hoạch xong nhanh chóng.
Thực ra, Tô Thanh thích trồng cải dầu ép lấy dầu ăn hơn. Do kiếp trước là người phương Nam nên cậu không thích ăn mì, thỉnh thoảng ăn một chút cũng chỉ để đổi khẩu vị, chứ cậu vẫn thích cơm trắng hơn.
Nhà Phương a mỗ cũng có hai mẫu ruộng nước, ngoài ra còn thuê thêm ba mẫu nước, cộng với năm mẫu đất khô. May mà ngoài Thạch Đầu và Tư Nhi ra, những người còn lại đều là lao động khỏe mạnh, không mất hai ngày là đã làm xong hết.
Những nhà có trâu thì bắt đầu cày ruộng, nhà nào không có thì đành dùng cuốc xới đất. Nhà Phương đại gia cũng không có trâu, nhưng bù lại đông người, hơn nữa họ cũng quen với việc này rồi, nên sau khi chuẩn bị xong đất liền bắt tay vào gieo trồng.
Tô Thanh không khỏi lấy làm lạ, vì sao bọn họ không ươm mạ, mà lại trực tiếp rải thẳng hạt giống xuống. Như vậy chẳng phải rất phí phạm lúa giống sao?
Tô Thanh nhớ lại kiếp trước khi giúp mẹ làm ruộng, rõ ràng là phải ươm mạ trước, rồi mới nhổ mạ đem cấy.
Ôm theo nghi hoặc Tô Thanh bèn hỏi Phương đại gia. Ông nghe xong thì ngơ ngác, chỉ bảo từ trước đến giờ họ vẫn làm như vậy, các bậc trưởng bối dạy thế nào thì làm thế ấy.
Tô Thanh nghĩ rằng gieo thẳng hạt giống chắc chắn không tốt bằng cấy mạ, đó là kết quả của rất nhiều nghiên cứu. Thế nên, Tô Thanh không vội rải giống, mà đem phân bón và tro bếp trong nhà ra ruộng để ủ làm phân.
Đợi đến khi Phương đại gia lo xong việc nhà mình, Tô Thanh nhờ ông giúp chia một khoảnh nhỏ trong hai mẫu ruộng của mình ra để ươm mạ. Lẽ ra việc ươm mạ phải được tiến hành sớm hơn, để khi thu hoạch xong lúa mì và cải dầu là có thể trồng ngay, nhưng vì bận rộn với việc sao trà nên Tô Thanh hoàn toàn không để ý đến chuyện này.
Sau khi mua lúa giống về, trước tiên Tô Thanh đem ngâm trong nước ấm cho nảy mầm, đợi đến khi mọc rễ trắng thì cậu mới đem gieo lên những luống ruộng đã được chuẩn bị sẵn. Mặc dù gieo muộn hơn so với những nhà khác vài ngày, nhưng mạ nhà cậu lên rất tốt, lớn nhanh, phần vì đất ở đây cũng rất màu mỡ.
Thoạt đầu, có một số người không hiểu tại sao Tô Thanh chỉ trồng có một chút như vậy, những chỗ khác đều bỏ không, nhưng cũng không có ai đến hỏi cậu. Dù sao thì họ cũng không thân quen lắm.
Đúng là Phương đại gia đã từng hỏi Tô Thanh vì sao lại làm như vậy, cậu giải thích rằng mình muốn thử nghiệm một cách trồng mới, xem có hiệu quả hơn không. Nếu thành công, nó không những giúp tăng sản lượng, mà còn tiết kiệm được rất nhiều lúa giống.
Phương đại gia rất muốn nói với cậu rằng cách làm đó không ổn. Ông ấy đã trồng lúa bao nhiêu năm rồi, cả cha ông nữa, và hầu hết người dân trong thôn đều gieo mạ như vậy.
Nhưng ông vẫn kìm lại không tiếp tục khuyên can nữa. Tuy Tô ca nhi tuổi còn nhỏ nhưng đầu óc rất lanh lợi, biết nhiều thứ mới mẻ, nào là trà, rau dương xỉ và măng, chẳng phải đều là những thứ tốt sao? Biết đâu lần này cậu ấy cũng thành công thì sao, đến lúc đó cả nhà mình cũng được nhờ.
Nếu chẳng may không được, thì vẫn còn kịp thời cứu vãn. Thế nên khi mạ nhà Tô Thanh xanh tốt um tùm thì mạ những nhà khác vẫn còi cọc, thưa thớt.
Người trong thôn đều hâm mộ muốn chết, cho rằng Tô ca nhi là một tay trồng lúa giỏi. Nhưng nghĩ lại nhà cậu chỉ có một chút ruộng như vậy, còn chen chúc nhau, sợ cũng sẽ không có bao nhiêu sản lượng.
Đúng lúc dân làng vừa lo lắng vừa chờ xem trò vui, Tô Thanh nhờ Phương đại gia và những người khác giúp nhổ mạ, rồi cấy sang một thửa ruộng lớn hơn. Thấy vậy, rất nhiều người trong làng đã kéo nhau đến xem, thậm chí có vài người từng hái trà còn xuống tận ruộng, nhờ Tô Thanh chỉ cho cách cấy.
Tô Thanh cũng tận tình chỉ dạy từng người một. Vốn là những người lão luyện trong nghề nông, họ tiếp thu rất nhanh và chẳng mấy chốc đã cấy rất thuần thục và đẹp mắt, khiến ngay cả Tô Thanh cũng phải tự thấy mình không bằng.
Nhờ mọi người giúp sức, hai mẫu ruộng nước đã được cấy xong chỉ trong một buổi sáng. Để cảm ơn, Tô Thanh mời họ đến nhà dùng bữa, nhưng tất cả đều từ chối. Thực ra, ai nấy cũng đều có tính toán riêng.
Bọn họ đều cảm thấy Tô Thanh là một người rất thông minh, kết giao với cậu chắc chắn không thiệt.
Cậu chẳng những giúp mọi người biết thêm hai món ăn mới, mà còn giúp họ kiếm thêm thu nhập. Do đó họ nghĩ rằng cách làm ruộng này biết đâu sẽ cho năng suất cao hơn. Nếu vậy, sau khi nộp thuế tô, lượng lương thực còn lại của gia đình sẽ nhiều hơn, mọi người cũng sẽ được ăn no bụng hơn.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro