Đính hôn

Một năm,

Hai năm,

Ba năm có lẻ...

Ông Lý lững thững đi từ cổng làng tới gần cửa đình, ông vẫy thằng sai vặt, dặn dò nó vài câu:

- Tao vào đình vái Thành hoàng làng, mày quẹo trái đoạn này, đến giữa ao sen thấy 3 cái ngõ, đi vào ngõ giữa một đoạn sẽ thấy căn nhà to nhất, nằm cuối đường, mày vào đó dặn có cụ Lý chuẩn bị ghé chơi nhà ông Ngũ, xong việc ra đây đón tao vào.

Đứa nhỏ dạ vâng rồi chạy mất hút. Theo lời ông Lý, nó mò vào được dinh trang nhà Ngũ Điều, cửa đóng, nó gọi với:

- Bẩm ông Ngũ, có ông Lý ghé thăm.

Không thấy tiếng đáp, nó lại gần cánh cửa, ngó qua 2 cái ô tròn đặt trên ổ khoá, hét:

- Bẩm ông Ngũ, ông Lý nhà con ghé chơi.

Mãi lúc sau mới thấy tiếng đôi guốc gỗ loẹt xoẹt từ đằng xa chạy lại.

- Đứa nào đó? Đứa nào mới sáng sớm làm ồn không cho ai nghỉ ngơi đó.

Nó dòm vào trong tìm chủ nhân của giọng nói đấy, thấy một bà trạc tuổi 50 mặc chiếc áo lụa đen quần đụp hớt hải tiến lại gần, nó phấn khởi:

- Dạ chào bà, con nghe lời ông Lý vào đây báo nhà bà là chủ con sắp qua thăm.

Mở được cánh cổng, bà Sáng ngờ vực nhìn 1 lượt từ đầu tới chân thằng chả, ánh mắt nghi hoặc:

- Ông Lý xóm 6 à?

- Dạ vâng.

- Ông ta đâu?

- Dạ chủ con đang lễ Thánh ở đình, ông bảo con vào báo trước 1 lời ạ.

- Biết rồi, mày ra đón ông về, tao vào báo ông Ngũ.

Thằng nhỏ lại vâng vâng dạ dạ rồi biến mất dạng. Dăm ba phút sau, ông Lý chống cây gậy từ tốn bước vào, trông thấy bóng người bạn già, ông cúi đầu vái 1 lạy. Ông Ngũ từ trong phòng pha ấm trà nóng, nghe thấy tiếng con Lợn hầm hè đoán bạn mình qua tới nơi. Ngóng lên thấy đúng thật, vội vội vàng vàng lao ra đón, cũng cúi đầu vái lấy một lạy cho phải phép.

- Lâu lắm mới thấy ông Lý qua đây, tôi nhớ ông da diết.

- Kêu nhớ mà được mấy lần ông sang chơi nhà tôi.

- Kìa ông, ông cũng biết sức khỏe tôi không cho phép. Chứ sức tôi mà lại với ông, chắc ngày nào anh em ta cũng gặp.

Ông Lý nghe vậy thì vui lắm. Hai bên nhà sớm đã quen biết từ lâu, nói đùa chứ ông Lý chẳng trách móc gì. Sau khi đôi bên yên vị cùng thưởng trà ngắm hoa, ông Ngũ lúc này mới mạnh dạn đem hết cái sự tò mò của mình ra hỏi:

- Biết chỗ anh em lâu ngày không chạm mặt, nay được gặp thật quý hóa quá, nhưng vì chỗ thân thiết nên tôi thực lòng với ông Lý, phải chăng ngoài việc gặp gỡ vui vẻ còn có gì khác?

Lúc này ông Lý mới cười khà khà, tay ông nâng chén trà mạn, uống một ngụm, vừa tấm tắc khen trà sao mà thơm thế, không uổng công ông tới hôm nay, vừa tặng cho ông Ngũ cái nhìn nửa đùa cợt, nửa thần bí. Ông Ngũ ngờ vực, lúc này chủ 10 mẫu đất cấy cày phía bên kia mới thôi trêu chọc, ông đặt chén trà xuống khay:

- Tôi có chuyện quan trọng muốn thưa với cả bác trai lẫn bác gái. Ông có lòng thì gọi chị nhà lên cùng trò chuyện với chúng ta.

Chẳng để bạn đợi lâu, dăm phút sau trên bàn trà đã đủ 3 chén, ông Ngũ nhanh tay rót cho đầy nửa phần cốc rồi gọi đứa gia nhân đi đun thêm siêu nước nữa, đợi tới lúc trong phòng khách chỉ còn 3 người, ông Lý mở lời trước:

- Hai bác cũng biết duyên hai nhà ta gặp nhau cũng nhờ các cụ ngày xưa xây đắp, tình cảm dù xa hay gần vẫn rất khăng khít. Tôi nghĩ chẳng gì trên đời có thể ngăn được tình thân của chúng ta. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, thân nhau tới vậy suy cho cùng vẫn "khác máu". Các cụ nói rồi "Một giọt máu đào hơn ao nước lã", tôi yêu quý nhà anh chị biết bao, càng yêu quý càng muốn gắn bó, bà nhà tôi cũng chung sự cấn ấy, thế nên chúng tôi đã bàn với nhau, giờ muốn cho mối quan hệ hai bên tăng bậc, hai bác nghĩ sao nếu chúng ta kết làm thông gia, trao cho Lan nhà tôi cơ hội nâng khăn sửa túi giúp thằng Ngộ.

Ông Ngũ nghe thế đánh đùi cái bốp, ông cười khanh khách:

- Đây rồi, là nó đó, cái mà bác nói 2 nhà ta còn thiếu, gia đình 2 bên thiếu mỗi 2 tiếng "gia đình" thôi. Lời bác nói cũng là điều tôi canh cánh trong lòng, thật phải khen tặng bác vì đã nghĩ ra cách giải quyết đối với tôi, trên cả tuyệt vời.

Chẳng phải mỗi ông Ngũ, vợ ông cũng hưởng ứng nhiệt tình:

- Thưa ông, tôi rút ruột gan ra tâm sự điều thật lòng, con Lan đối với tôi, tôi thương nó không khác gì con đẻ, nay chính ông đến ngỏ lời như này, người làm mẹ là tôi vui mừng khôn xiết. Ai mà ngờ sau mấy mươi năm, cuối cùng tôi cũng có một đứa con gái. Năm nay Lan tròn 13 tuổi, được nuôi dạy vẹn tròn bốn chữ công, dung, ngôn, hạnh. Tôi thấy nó khiêm tốn chứ để tôi đánh giá thì không từ ngữ nào đủ lột tả hết cái đức và cái đẹp của nó.

Ông Ngũ dường như sợ chẳng bằng vợ, cũng phải thêm bớt vài câu cho vui nhà vui cửa:

- Thật lòng với ông, nghe ông bộc bạch mà tôi thấy xấu hổ, ai đời lại để nhà gái đi hỏi cưới cho con bao giờ, tôi định bụng thằng Năm tròn 20 sẽ mang lễ lạt trầu cau sang nhà ông thưa chuyện, bởi tôi đã chấm Lan từ sớm, trong mắt tôi ngoại trừ con bé thì không ai phù hợp làm dâu nhà tôi. Tôi cảm thấy có lỗi với ông quá! Đây ông ở lại dùng bữa, cho tôi kính ông một ly, coi như lời xin lỗi vì sự trễ nải, thêm ly nữa vì thiếu chu toàn. Và ly thứ 3 để mừng cho 2 tiếng thông gia chúng ta sớm thành hiện thực.

Lời ông Ngũ tuôn ra như suối chảy bên tai, như đường như mật. Ông Lý nghe xong mà gạt được hết gánh nặng trong lòng:

- Thú thực nhà tôi chỉ còn 2 kẻ già, bà nhà lại sinh khó không có được quý tử, đứa lớn lấy chồng xa, tình cảm gia đình cũng vì vậy cách trở, sợ rằng cái Lan lỡ sa lưới tình với người tỉnh lẻ, tôi và bà nhà mất con thêm lần nữa, nghĩ đến thôi đã tủi thân. Rồi tôi nhớ đến ông Ngũ, bạn bè hữu hảo gần gũi cũng đã lâu, cũng rõ rành nhau xưa giờ, thằng Năm tôi cũng ẵm bế thường xuyên, coi nó như con. Thiết nghĩ lần này gan lớn, thay mặt ông Tơ bà Nguyệt hỏi chồng cho con, bấm bụng con mình được gả vào nhà họ Ngũ là phúc 3 đời cho chúng tôi. Dẫu tôi biết con mình chẳng xứng với cái danh nhà các bác, nhưng vẫn đem hết chân tình ra biết đâu...

Bà Lý nghe vậy mặt không giấu được vẻ mừng rỡ, quên cả lễ nghi, gò má bà ửng đỏ vì vui sướng, bà cười quên che đậy hàm răng nhuộm đen bóng của mình:

- Chao ôi "Lầu nào cao bằng lầu ông phó/Chuyện nào khó bằng chuyện gái trai", ông Lý, ông làm tôi mừng khôn xiết. Ông trời thương tình, thằng nhóc ngỗ nghịch, thua kém mọi mặt so với người đời ấy vậy được ông bà ưng thuận, cho cháu nhà ông mang họ Ngũ chúng tôi. Chuyện này chỉ có trong mơ.

- Không mơ đâu, thật đây này. Bác gái ạ, con tôi sau gả cho nhà bác, trăm sự nhờ bác chăm lo, dạy bảo. Cái Lan bước một chân vào cửa nhà các bác rồi, có ch.ết tôi cũng yên lòng. Nhưng tầm này tụi nó hãy còn nhỏ, đợi thêm vài năm nữa, tới tuổi rồi chúng ta mới đem chuyện kể cho chúng nó sau, lúc đó chưa muộn. Giờ cứ người già biết trước thế đã, 2 đứa cũng chẳng chạy đi đâu được. Ông bà nghĩ có phải không?

Mỗi người một câu, không ai chịu ai, ồn ào như cái chợ, tiếng cười xen với tiếng nói, tiếng người làm dọn mâm cơm. Song hành với tiếng va chạm đũa chén là tiếng rượu róc rách chảy từ trong chiếc nai trông như quả hồ lô. Họ bày cái vẻ cứ như mai dựng rạp làm đám cho đôi tân lang tân nương luôn không bằng.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro