Hẹn hò

(Dài hơn bình thường nên mình đăng tạm một nửa, một đến hai ngày sau sẽ đăng nốt)

Kiệt xin phép bà chủ cho về với bố mẹ dăm hôm, nó không báo cho Năm, sáng sớm trâu chưa ra đồng đã tay sách nách mang đống đồ lên phòng khách nơi bà ngồi nghỉ, dối rằng mẹ bữa giờ sức yếu, kêu nhớ nó.

Nhà Kiệt từ thời cụ đã làm nông, truyền qua mấy đời chưa khấm khá nổi, quanh năm chân lấm tay bùn, bù lại cái tính chất phác, thật thà, ông bà Ngũ thương nên dựng tạm căn nhà nhỏ gần chỗ làm cho bên họ Du tiện qua lại, cũng như phụ đằng chủ trông coi thửa ruộng với người cày thuê cuốc mướn bên đó. Kiệt một năm về thăm bố mẹ hai lần, lần vào tết, lần vào lễ Vu lan. Tuy ít nhưng mỗi kỳ nghỉ kéo dài cả tuần. Bán mạng tại nhà Ngũ năm năm trời, nhưng tính tới giờ nó mới chỉ xin nghỉ lố duy nhất lần này.

Bà Ngũ cũng sinh con, cũng làm mẹ, thiên chức của bà giúp bà cảm được nỗi niềm trong Kiệt, thằng bé tách bố mẹ từ thuở bé thơ, thiếu thốn đủ đường, ông bà so với gia nhân khác có sự thiên vị rõ rệt, chẳng tiếc điều gì. Kể cả thế, Kiệt chưa từng ỷ vào tình thương hai người mà đòi hỏi, toàn ông bà chủ động cho thì con nhận. Nó ngoan như vậy, xin về báo hiếu nỡ lòng can ngăn?

Kiệt đi thì đi nhưng hơi áy náy, tại nó sợ không ai hiểu cậu chủ đủ để chăm cậu tốt. Mấy bận nó về, nó đều sắp sửa đâu ra đó, giờ đột xuất không ai quản được, nhà gia nhân thừa thãi nhưng thạo việc liên quan đến Năm đúng là chỉ có mình Kiệt. Bà Ngũ đành lựa lời trấn an:

- Con cứ về thăm bố mẹ, ở đây bà lo.

Bà chủ đưa nó ít tiền đi đường mà nó không chịu, cúi đầu lễ phép chào bà rồi quay lưng đi thẳng.

- Mẹ nó bệnh sao không ai báo ta? Việc đồng áng mấy nay vất vả vậy sao?

Bà Ngũ mắt dõi theo bóng lưng Kiệt dần khuất sau hàng hoa giấy trước cổng, quay sang hỏi đứa hầu kế bên. Con sen vẫn bận bịu chuẩn bị nước đun sôi, miệng lanh lẹ đáp:

- Sang tháng gặt chắc công việc nhọc nhằn không ít. Dù con đâu nghe ai đưa tin nhưng chắc bận thật. Bà đừng lo quá, nếu chuyện chuyển hướng tồi tệ, con sẽ bẩm bà ngay.

- Ừ, mày nhớ thưa một tiếng. Gia đình nó khiến vợ chồng bà lắm lúc lo ngại, chăm quá ta sợ có ngày nhà nó kiệt sức lâm bệnh nặng.

- Con đã rõ, thưa bà.

Gái gật nhẹ đầu, rót ấm trà đương nóng vào chiếc chén be bé, hai tay kính cẩn dâng chủ, miệng tiếp chuyện.

- Chả biết thằng nhỏ thưa cậu hay chưa? Cậu dậy không thấy nó bên cạnh, sợ lại loạn nhà.

Bà Ngũ gật gù:

- Phải, hai đứa dính nhau như hình với bóng, trừ các ngày lễ lạt ra chưa tách nhau nổi nửa giờ, Kiệt bảo chưa kịp xin cậu vì vội đi, sợ Năm lúc biết sẽ nổi giận, mày cho vài người qua chăm nó đỡ mấy ngày, thấy vụ gì thì đánh tiếng ngay ta sang can kịp.

Bà Ngũ đoán không trật một ly. Mới nứt mắt sau đêm dài lắm mộng, bên khu phòng cậu chủ đã nghe tiếng léo nhéo to nhỏ, hại bà hớt hải chạy tới xem có vấn đề chi, chỉ thấy Năm thái độ gắt gỏng với mấy người đáng tuổi anh chị nó.

- Cái này không được, cái kia cũng không được, em muốn nước ấm rửa mặt sáng sớm, em không thích cà chua dù sống hay chín, em không thích mặc đồ trắng lót bên trong, mau đổi cho em bộ lanh đen, nóng như này mặc thứ đó sao chịu? Anh chị không rành thì để Kiệt làm, tại sao cứ tranh việc mình không tiện?

- Cậu chủ bỏ qua cho, Kiệt nay bận không qua với cậu được, để chúng tôi đỡ cậu.

Thằng Sáng ngọt nhạt thưa gửi, Năm chưa xuôi vẫn gắt gỏng:

- Bận gì? Bình thường nó bận hay rảnh đều qua tai em, sao nay nó bận em không biết? Anh gọi nó ra đây, bảo không tới chịu chép phạt 1000 chữ.

- Là mẹ để nó về nhà rồi.

Bà Ngũ đứng hóng chán chê bên ngoài, lúc này mới lững thững bước vào.

- Mẹ nó ngả bệnh, nó xin về gấp thăm nhà, con còn tình người thì tha nó vài hôm.

- Sao nó không kể con nghe?

- Con có chịu nghe nó bao giờ?

Năm bị mẹ chê vậy trong lòng càng cọc cằn hơn. Hậm hực lẩm nhẩm be bé trong miệng:

- Con luôn lắng nghe.

Bà thở dài một tiếng, bẩu nó kéo ghế cho bà ngồi, để bà chuẩn bị bài giảng đạo lý lúc tinh mơ cho thằng con ương bướng của bà.

- Mẹ biết thừa gần đây con ngó lơ Kiệt. Điều này khiến ta nảy sinh ý nghĩ phần lý do cho việc nó bỏ về gấp bắt nguồn từ con.

- Bọn con đã giảng hoà xong từ lâu.

- Vậy sao ta nghe người kể đêm qua bắt gặp thằng bé buồn bã ngồi trước hiên phòng?

Năm sững người, vụ này cậu nào hay, đêm qua Kiệt quạu quọ xong liền biến mất hút, Năm tưởng nó ngủ.

- Tưởng, lúc nào cũng tưởng. Mày ấy, hở tí là đành hanh thằng bé, nó mang tâm thế ăn nhờ ở đậu đã chẳng sung sướng gì, mày còn suốt ngày chòng ghẹo.

- Con không biết thật, mẹ kể thêm Kiệt đêm qua làm sao?

- Tụi mày thân mức độ nào mày đi hỏi mẹ? Mẹ rõ bằng mày? Vậy ta nói con chẳng bao giờ chịu lắng nghe nó có sai đâu?

Năm im re không dám hó hé một lời. Được thể, bà Ngũ tuôn liền mạch:

- Hồi nhận Kiệt về đây, bố dặn con coi Kiệt như người nhà, thực chất bọn ta không mong gần gũi như anh em ruột thịt, nhưng chí ít, con cũng nên quan tâm cảm xúc thằng bé. Mồm nói không có gì nhưng lại bỏ rơi, chán thì chạy về tìm. Nó bối rối nhưng không nhận được lời giải thích nào ra hồn. Ta đoán đôi khi con cũng khó, nhưng con khó chắc nó tự hiểu? Con cứ im ỉm trong đầu thằng bé nghĩ gì? "Cậu chủ trưởng thành nay chẳng cần mình nữa", bé đến lớn luẩn quẩn sau bốn bức tường, Kiệt có là người hầu nhưng dẫu sao vẫn là đứa duy nhất có thể giãi bày tâm tư cùng con. Khi không dửng dưng, thử con xem, con thấy sao?

- Nhưng con bảo không sao. - Thằng Năm vẫn cố chày cối, tại thấy tội lỗi, nếu giờ nhận hết về mình sẽ khiến lòng bứt rứt khó yên.

- Con có giải thích không?

- Con giải thích qua qua.

- Qua là qua thế nào? Đủ để hiểu? Không đủ thì vứt. Lúc chưa biết đã bận lòng nghĩ, đến khi biết thì biết nửa vời.

Trông thằng con đứng thin thít, đầu cúi gằm, hai tay bấu vạt áo, bà Ngũ hả dạ lắm. Cái nết thằng Năm đỏng đảnh, được chiều chuộng tự nhỏ nên đôi khi tự phụ, chẳng bận tâm ai, chắc mình Kiệt chịu, giờ Kiệt xin hàng thì phải nói cho nó thấy đường mà sửa, chứ mãi có ngày bị người ta đánh không oan.

- Nó xin nghỉ hết tuần, đợi nó về chưa muộn. Lúc đó con nhớ giữ nó lại. Là gia nhân nhưng dường như ai cũng thấy Kiệt là ngoại lệ của con, mất Kiệt ta đoán chắc con sống chẳng dễ dàng.

Bà chốt câu cuối chắc nịch, vui vẻ bỏ đi, để mặc Năm với mớ cảm xúc chất thành đống, bị vo tròn như viên bi, chạy lăng xăng hết từ đỉnh đầu xuống tới tim.

*****

Về nhà được hai hôm, sang hôm thứ ba đã thấy bố í ở từ cổng vào tận phòng ngủ, nhà Kiệt bữa nay khách quý ghé thăm, là thằng con một họ Ngũ tới chơi. Kiệt tưởng bố đùa, nó lồm cồm ngồi dậy từ chiếc giường xếp lẻo khoẻo không vững. Mặt mũi may kịp rửa qua loa, đem cái thân nhếch nhác đến phòng khách.

Thằng Năm đường hoàng ngồi trên cái ghế dựa duy nhất bố dùng nghỉ ngơi, còn phụ huynh nhà nó đứng khúm núm bên cạnh, lưng thẳng tắp, liếc nó chòng chọc. Kiệt đơ mất vài giây, miệng lắp bắp hỏi:

- Sao Năm tới được đây?

Năm vừa thấy Kiệt xuất hiện đã chồm cả lên, nhằm hướng nó mà chạy, biểu cảm thảm thương, tay bấu lấy hai vai Kiệt lay điên cuồng:

- Kiệt chẳng báo Năm, chẳng nói chẳng rằng, bỏ Năm đi biệt, Năm sợ quá tưởng Kiệt bỏ đi luôn chứ!

Kiệt ngớ ngẩn đáp lại:

- Kiệt xin về tầm tuần thôi.

- Bảy ngày dài tựa 10 năm.

Mẹ cha cái thằng 15 tuổi mà như đứa trẻ, gào ầm ĩ, căn nhà bé tẹo, hai bác nghe Năm khóc váng cả đầu, hoảng loạn vừa dỗ Năm vừa mắng mỏ Kiệt, bắt thằng Kiệt xin lỗi:

- Mày đi không biết đường mở mồm, tính làm loạn à? Coi nhà ông bà Ngũ như cái chợ hả?

- Cậu chủ, xin lỗi cậu thằng con tôi láo lếu, cậu bỏ qua cho.

- Mày đứng đực ra đó làm gì? Mày xin lỗi cậu mau đi, mày làm cậu lo đã không phải phép, cậu tới tận đây mày còn không dùng kính ngữ, mày bằng vai phải lứa với cậu đấy à?

- Cậu Ngộ, cậu bỏ qua cho thằng con tôi, nó ít học, thiếu hiểu biết, để tôi chuẩn bị đồ đạc đưa nó về với cậu bây giờ.

Ông một câu, bà một câu, Năm nghe liền chột dạ, Kiệt bị sỉ vả do cái thói sốc nổi của nó. Năm thay đổi thái độ, xua xua tay kêu không sao:

- Là cháu nhầm, Kiệt đã xin phép mẹ, Kiệt cũng thưa cháu nhưng trí nhớ ngắn hạn cháu lỡ quên, bữa nay tới thăm Kiệt vì nhớ. Hai bác đừng la, tội Kiệt. Cháu tính qua chơi với nó thêm lúc, hai bác đừng để tâm.

Nói rồi nó nắm tay Kiệt lôi tuột đi, chuyện diễn biến nhanh quá, não Kiệt chưa kịp định hình đã thấy bản thân nấp sau tường rào trước nhà. Năm mở to mắt hỏi:

- Giờ đi đâu?

- Ai biết? Năm kéo trước.

- Tại hai bác om sòm quá trời, sợ Kiệt tủi nên Năm kéo đi vội? Kiệt rành chỗ thì tìm nơi vắng mình qua đó trò chuyện.

Om sòm đau đầu do ai cơ? Nghĩ thôi chứ Kiệt không toát thành ý, nó tỏ vẻ đăm chiêu suy nghĩ, hồi lâu mới bảo:

- Đi thêm đoạn có cánh rừng, đối diện nơi bố mẹ làm thuê, sâu trong đó có căn chòi tre, gần năm trước thợ săn xây thành chỗ nghỉ chân nhưng giờ khan thú, người ta bỏ đi hết, chỗ đó lạnh tanh. Năm không muốn ai phiền thì mình ghé đó.

Năm gật gù kêu Kiệt dẫn đường, Kiệt cũng chịu. Tới nơi, Năm thở hổn hển, mặt đỏ lựng, da nó trắng nên mỗi lần cơ thể nóng lên là mặt đỏ như trái dâu ngoại, nhìn rất xinh. Kiệt lúc nào cũng nghĩ vậy hết.

Hai đứa ngồi lên cái sàn chòi xập xệ, tránh nắng thì được, nhưng mưa chịu thua, ghé vào trú chắc gió thổi bay cả cái chòi. Đằng trước chòi bị gãy, phải chuyển qua khoảng trống phía sau. Chúng nó ngồi quay lưng lại với hướng vừa tới. Kiệt chất vấn:

- Sao Năm biết đường tới đây? Ai chỉ?

- Năm hỏi mẹ, mẹ giấu, mẹ kêu để yên cho Kiệt về thăm nhà. Năm moi mãi không được nên quay sang hỏi thằng Sáng với bà Bốn. Hai người đó vẽ hẳn cái bản đồ, vẽ không đẹp nhưng dùng tạm. Giữa đường hỏi người lạ, người ta tận tình chỉ.

- Lần đầu đi xa một mình sợ chứ?

- Hơi hơi, nhớ Kiệt quá nên cũng không nghĩ nhiều, cố đến nhanh nhất có thể thôi.

Kiệt nghe vậy từ ruột gan bên trong lẫn bên ngoài đều cảm động. Nó cắn cắn môi dưới ra điều day dứt.

- Đi sớm thế kịp ăn gì chưa?

- Chưa. Dậy cái sắm đồ đi luôn, chưa kịp xin mẹ nữa.

- Chế.t chửa, bà chủ lo lắm!

- Kệ chứ, biết sao giờ, xin là hết đi.

Kiệt càng nghe càng thêm dằn vặt, nó cúi đầu nhìn xuống đôi chân đang đung đưa vô định, lầm bầm tự nói: "Vậy không báo sớm, Kiệt làm cơm cho ăn."

Nó nói nhỏ lắm, nhưng xung quanh mỗi hai đứa, Năm lại ngồi gần đến mức vai chạm vai nên bao từ lọt hết vào tai. Năm nghiêng nghiêng thấp ngang tầm mắt Kiệt, thủ thỉ:

- Không đói đâu, gặp Kiệt vui quên đói.

Kiệt nghĩ bụng mấy câu sến súa này chả biết thằng cha học từ ai, rùng mình, nhưng bảo không vui là Kiệt đang dối.

- Bác gái ốm nặng lắm không?

- Gì? Ai ốm?

- Mẹ Kiệt ấy? Kiệt báo mẹ ốm xin về thăm còn gì?

Ừ nhỉ? Nó bịa bừa cái lý do láo toét ấy để được về nhà, giờ cả nhà chủ tin, nó đột nhiên sợ run, ông bà chủ biết nó sinh cái tính điêu toa có phạt nó không?

- Ừ, mẹ tạm thời khoẻ hơn, bữa bố đánh gió nên hết cảm, giờ nghỉ dưỡng sức.

- Ừ bảo sao nãy trông bác gái tỉnh táo hơn so với người mắc cảm.

Hai đứa lại im lặng, và Năm lại hỏi dò:

- Thế... Kiệt tính khi nào về? Bác gái cũng đỡ rồi... mất bao lâu để Kiệt về nhà?

- Nhà Năm á?

- Nhà mình đó?

- Là nhà Năm.

- Kiệt sống cùng từ bé cũng là nhà Kiệt.

Kiệt phì cười, thế bà Bốn làm ở đấy mấy mươi năm chắc cũng là nhà bà luôn? Cả anh Sáng nữa, ngót nghét đóng cọc nhà Ngũ xấp xỉ nửa thời gian bà Bốn rồi.

- Mấy người đó sao tính, họ ở đây nhưng thân bằng quyến thuộc nhà họ nơi khác, Kiệt có Năm mà? Không lẽ chúng ta không thân thiết.

- Là bạn không tính?

- Vậy như nào mới tính?

- Như cha mẹ ấy, như anh chị em. - Rồi nó nuốt nước bọt cái ực - Như vợ chồng.

- Dễ thế Kiệt gả cho Năm là thành người một nhà.

Kiệt nổi cáu, thằng bé đã tủi thân vì lời Năm nói trước đó, vì Năm ngờ nghệch không hiểu, nên thành ra coi thường, coi thường cả hai chữ "vợ chồng". Hai chữ Kiệt ước cũng chẳng thể xin được từ Năm.

- Năm hiểu vợ chồng là gì không? Nói sao tuỳ tiện. Ngần này tuổi còn chưa hiểu...

- Năm hiểu - Thằng nhỏ ngắt lời - Năm hiểu nên mới nói đấy. Kiệt gả cho Năm, như vậy sẽ không còn vấn đề gì.

- Không, Năm không hiểu. - Kiệt khẳng định - Năm toàn thế, lúc nào mồm cũng bảo không có vấn đề gì, nhưng Kiệt biết rõ Năm có mà không kể cho Kiệt, xưa cái gì cũng kể, giờ cái gì cũng giấu. Kiệt thật lòng chẳng hiểu nổi Năm. Ở bên nhau ngần ấy thời gian, tới người Năm thích Kiệt cũng không biết. Xong mồm miệng xoen xoét "Chúng ta là bạn, có gì cùng sẻ chia không bí mật" Cuối cùng cái gì Kiệt mù mịt, cảm giác như người thừa, Kiệt nghĩ Năm không cần Kiệt nữa. Chán thì đến, bận vứt bỏ. Kiệt thực sự từng nghĩ, chúng ta...là bạn.

Thằng bé nói đúng cảm xúc của nó nửa phần, phần còn lại nó giữ cho mình nó nghe, rằng nó mê cậu chủ nhỏ của nó lắm. Tệ ở chỗ nó biết rõ tình cảm đấy gọi là gì, so với đứa được bao bọc từ lúc mới lọt lòng và đứa được thả cho tự sinh tự diệt như Kiệt, Năm không sành đời đâu. Và đương nhiên trong cái trí óc non nớt ít học đó của nó cũng biết rõ mười mươi rằng đây là chuyện tình sai trái. Tại một lần nó có hỏi thử mẹ, cuộc trò chuyện diễn ra không được suôn sẻ như nó mong đợi.

"Xưa giờ chỉ có dựng vợ gả chồng, vậy có ai từng dựng chồng gả chồng cho nhau chưa ạ?"

"Là hai thằng nam về chung nhà hả?"

"Vâng."

"Nam với nam sao gọi là vợ chồng được, xưa giờ chỉ có trai gái gọi nhau vợ chồng chứ làm gì có hai trai đâu con."

"Vậy nếu có thì sao ạ?"

"Mày cứ hỏi mấy thứ ngớ ngẩn, ở đâu ra cái việc đấy, mày nói thế người ngoài cười cho vào mặt. Suy nghĩ lố lăng không biết mày học từ đâu. Mày nói với ông bà chủ xem, người ta đuổi mày thẳng cổ."

"Tại sao ạ? Làm vậy là sai sao mẹ?"

"Chả sai, trái quy luật là sai, xưa giờ chưa ai làm thế hết."

"Chưa ai làm đâu có nghĩa là nó sai, chưa ai làm hoặc không biết là có người làm, và vì chưa ai làm nên mọi người nghĩ như thế là không đúng, nhưng chẳng có gì chứng minh là nó sai cả."

"Tao thật không hiểu nổi mày đang nói cái gì. Mày đừng tiêm nhiễm mấy thứ đó vào đầu con ông bà chủ. Trai gái lấy nhau là chuyện xưa giờ ai cũng biết, để làm gì? Để sinh con đẻ cái, để có người nối dõi, lo hương khói, cái đó là lẽ hiển nhiên. Rồi hai thằng con trai lấy nhau nên cơ sự gì? Ảnh hưởng tới cả 2 bên gia đình, đen đủi còn bị tuyệt tự tuyệt tôn. Nghĩ như mày để dòng họ đứt đoạn à?"

Bà thở dài một tiếng, lặng lẽ cúi đầu, giọng bà bớt chua chát, tay gỡ từng sợi tơ vàng óng từ kén tằm, bà bảo:

"Trách sao được bây, từ nhỏ tới lớn không được học đàng hoàng, suy nghĩ thiển cận, trách ở bố mẹ nghèo mạt hạng không dư nổi tiền đưa mày đi học, tối ngày loanh quanh nơi nhà chủ bữa đực bữa cái. Phúc ba đời ông bà Ngũ dạy mày còn biết viết, nhưng nhiêu đó đỡ sao nổi cái kiếp dân đen."

Mẹ nó thổn thức, nước mắt lưng tròng. Bà ái ngại xin lỗi đứa con trai nhỏ, tự dằn vặt bản thân không cho con nổi cuộc sống tử tế. Kiệt trông vậy không dám chêm nửa lời, câm như hến ngồi kế bên vuốt ve tay mẹ.

Ký ức về lần tỉ tê của Kiệt với mẹ từ 1 năm trước, vô tình lướt ngang dòng suy nghĩ của nó lúc này, bất giác tim Kiệt thắt lại. Thằng bé muốn về nhà, nhưng Năm không đọc được suy nghĩ của Kiệt, vẫn thao thao bất tuyệt. Kiệt nghe lúc lọt tai lúc không, chỉ cố gắng nắm ý chính câu chuyện còn đâu để mặc Năm tuôn trào theo mạch cảm xúc.

- Vợ chồng là kiểu tình cảm mến thương nhau đúng không? Như mẹ với bố, như hai bác nhà Kiệt, thương nhau, thích nhau nên chọn về ở bên. Năm từ ngày đầu tiên gặp đã chọn về bên Kiệt. Hồi đó bé, chọn thì cứ chọn thôi, mãi sau lớn, người này người kia giải thích mới hiểu. Tuy vẫn mông lung, tại Năm thấy lạ, chưa có ai là trai mà thích trai hết nên càng không dám nói, Năm thích Kiệt nhiều, giãi bày với Kiệt kỳ chế.t được ấy nên Năm hèn nhát trốn tránh chứ cực ghê gớm, không gặp, không nói, không nghe thấy Kiệt, cả người bồn chồn như đứng trên đống lửa. Trong lúc Năm lùng bùng chưa biết giải quyết sao thì mẹ dặn có gì phải bảo, giữ khư khư trong lòng ai biết đâu mà lần. Nên Năm qua đây thổ lộ hết lượt.

Chọn về bên ai cơ? Kiệt giật thót ngẩng lên nhìn Năm, ý chính nó tóm được đây. Thấy Năm xấu hổ tới mức vệt đỏ loang tới tận cổ, nhưng được đà cố nốt, sợ sau không còn cơ hội.

- Năm thương Kiệt lắm, không phải thương bạn bè, cũng không giống thương cha mẹ, cảm xúc khác hoàn toàn. Năm sợ Kiệt nghĩ Năm bị điên, sẽ xa lánh nhưng nếu không nói có khi cả đời không biết được câu trả lời của Kiệt. Kiệt không ưa cũng được, Kiệt bỏ Năm vì sợ hãi cũng được, chỉ cần cho Năm xin câu trả lời, tại Năm đợi quá lâu rồi, xưa không biết nên chẳng lo nghĩ, giờ ngộ ra thấy thật nhọc nhằn. Năm chịu không nổi khi nhận thấy tâm tư của Kiệt như làn sương mờ.

Đây là lời của một đứa nhóc vừa đủ 15? Kiệt nghe vậy tâm trí loạn thần, lời Năm nói quay cuồng, đan xen vào nhau khiến Kiệt không tự chủ được. Thằng nhỏ cúi đầu, di di cái trán, lượng thông tin quá lớn, thời gian tiếp nhận lại ít ỏi. Kiệt thở khó khăn, mắt nhắm tịt thành một đường.

- Vậy người Năm kể trước đó Năm tương tư...

- Ừ, là Kiệt.

- Thế à?

- "Thế à?" Năm nói nhiều cỡ vậy, Kiệt đáp lại "Thế à?" Kiệt có để lời Năm vào đầu không?

- Kiệt có. Kiệt chỉ đang hơi hoảng chút thôi.

Thằng bé vẫn đang cố trấn an mình bằng tất cả những gì có thể. Người mà nó đơn phương đang yên lành chạy tới chỗ nó tỏ tình, có nằm mơ nó cũng chẳng dám tin.

- Kiệt sợ?

- Không sợ?

- Thích?

- Ừ, à không, không phải.

- Vậy không thích.

- Không phải.

- Thế là gì?

- Năm từ từ đi, tự dưng tỏ tình không cho người ta nghĩ ngợi bắt trả lời luôn. Không nghĩ tới cảm xúc của Kiệt sao? Kiệt bảo Kiệt hoảng mà.

- Có gì mà hoảng, như bao lần được tỏ tình trước đó, lần này cũng vậy khác gì đâu.

Thằng Kiệt gắt ầm lên:

- Khác chứ Năm ngốc à? Mấy người đó Kiệt có thích đâu?

Khoảng lặng đột ngột bao trùm cả hai đứa, và cái màu đỏ chót phủ lên má đôi trai. Chắc do nắng trưa gắt gỏng.

- Năm nghe không rõ, Kiệt nhắc lại được không?

- Nghe không thủng thì dẹp đi!

- Năm nói thật, Năm nghe không rõ, do đói quá tai ù, Kiệt nhắc lại đi.

Chưng cái bản mặt rơm rớm nước mắt "lúc nào cũng thành công làm xuôi lòng Kiệt" ra, Kiệt trông vậy bao lần là bấy lần yếu lòng. Má vẫn đỏ hồng quay ngoắt đi, chỉ ném lại câu cụt lủn:

- Cũng thích từ đó.

Thằng Năm tóm hai cái má ngăm ngăm của Kiệt, ép quay lại nhìn:

- Từ đó là từ nào?

- Trùng đợt với Năm chứ nào.

- Năm vừa gặp đã thích mà.

- Thì Kiệt cũng thế.

- Trời ơi! Vậy sao giờ mới nói?

- Vì giờ Năm mới hỏi.

Lại im. Mồm Năm vẫn chưa ngậm lại được, nước mắt vòng quanh, Kiệt xót quá lấy vạt áo lau hai hàng nước vừa trào.

- Thích Năm lắm, nhưng Năm là chủ, đũa mốc không dám tơ vương, và Năm là trai, không dám mơ tưởng. Bố mẹ Kiệt mắng có loại bất hiếu mới thương nhau. Trái quy luật, người đời nhạo báng cười chê. Kiệt sợ không dám đối mặt.

- Khoan, hai bác biết à?

- Không biết, Kiệt hỏi dò thôi.

- Vậy ai biết chưa?

- Có mỗi Năm.

- Thế thì tốt, hai là nhiều, nhiêu đó cũng đủ. Mình cứ bên nhau không ai biết sẽ không ai trách mắng.

- Vẫn tính chuyện bên nhau? - Kiệt ngờ vực.

- Chứ sao? Tỏ tình rồi, ưng nhau rồi, không bên nhau đợi tới bao giờ? - Tuy giọng sụt sịt nhưng biểu cảm phấn khởi thấy rõ.

- Người ta biết?

- Giấu kín không để lộ lo gì?

- Giấu cả đời?

Năm bày cái nết cười nham nhở như mới bắt được vàng, dí sát bản mặt ăn tiền gần với Kiệt:

- Mới đó đã tính chuyện cả đời với tôi?

Kiệt bị chọc ngại tới tức điên, đẩy Năm qua bên, tính vùng vằng bỏ về mà Năm giữ khư khư tay nó dỗ dành:

- Năm cố học hành, sau làm quan to chức lớn sẽ đưa Kiệt đi khỏi đây. Nhé? Chỉ có hai đứa, vậy là được đúng không?

- Bỏ lại cha mẹ chúng ta?

- Cha mẹ Năm giàu lắm, khỏi lo, sau mình lo cho cha mẹ Kiệt thôi.

- Lỡ Năm không thành?

- Thì vẫn đi, nhưng sẽ lâu hơn tẹo, Kiệt đợi được thật tốt quá!

- Đợi được chứ. - Kiệt tâm trạng vui vẻ, tông giọng cao hơn bình thường - Đương nhiên đợi được, đợi 5 năm rồi đợi thêm nữa cũng không sao.

- Dăm bữa nửa tháng Kiệt chán thì hay lắm! - Năm bĩu môi.

- Đợi xem ai chán trước ai.

Nói rồi hai đứa ngoắc tay nhau, giao kèo thoả thuận thành công.

- Vậy giờ... mình cùng về nhà đi?

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro