Hồ Than Thở

Mùa xuân năm đôi trẻ 16.

Cách nhà ông Ngũ không xa, đi bộ khoảng chừng trăm bước sẽ thấy hồ Quán Văn nằm chình ình giữa hai làng cổ chốn Đông Hà, dọc bờ hồ người ta trồng những dãy ban tím, loại cây chung tên nhưng dễ chiều hơn ban trắng và có thể nở rộ gần như quanh năm, rạo rực nhất từ đầu xuân tới cuối thu. Hoa rụng, hoa rơi lả tả cung đường.
Hồ Quán Văn nhỏ nhắn, bị cắt làm đôi bởi cây cầu nối, cho dân dễ qua lại, cũng vì vậy mà chia làm hai thế giới, hướng hồ con đằng Nam phía tay phải được bao quanh đều là nhà, người ở đông đúc, chợ phiên cũng tấp nập chốn này, dân tứ phía đổ về giao thương.
Đối ngược là hướng Bắc bên trái quạnh quẽ, hồ con bên đây vắng vẻ, thi thoảng có người ghé sang thả câu bắt vài con cá chép gầy gò, ngày này tháng nọ đìu hiu khát tiếng người, vắng tiếng cười. Hồ con chỉ đợi tới tết hay lễ lạt mới có cơ hội nhộn nhịp, bởi bên đây có độc một nghĩa trang chung cho hai làng, tiết thanh minh hay trước thềm tết âm, dân ta đi tảo mộ mới thấy bóng người lảng vảng.

Bên phải gọi hồ Quán Văn, chung một gốc nhưng bên trái dân quen xưng là hồ Than Thở. Nhiều năm trời có lời đồn đại, nếu đi ngược hướng khu dân cư, bước sâu hơn qua cả những bức tường cao quá đầu người - thứ canh giữ giấc ngủ vĩnh hằng của những người con đã sống và chết tại đất này, sâu thêm nữa sẽ thấy đám cỏ lau mọc cao tới tận lầu 2, từng bụi lớn như đụn rơm. Chúng cứ mọc, rồi lại héo úa, rồi lại mọc, qua nhiều năm trời không ai nhổ bỏ.
Họ kể nơi đó từng là điểm riêng tư của đôi tình nhân trẻ, một cặp thanh mai trúc mã nhưng không xứng lứa vừa đôi, khi đằng gái giàu sang còn đằng trai hèn kém. Họ bảo, những năm đầu yêu đương nồng thắm cả hai đã vốc nước hồ, vừa uống vừa hẹn thề mãi bên nhau, nào đâu hay phận đời đã định không thể cãi bàn. Cô gái bị ép gả cho viên quan lớn sống nơi kinh đô hoa lệ, bỏ lại người trai rầu rĩ, nhớ nhung hàng năm trời.
Ngày ngày anh đi dọc bờ hồ, nhặt từng cánh hoa rơi đem cất trong cái giỏ tre đan, có người nói thấy anh ngồi khóc dưới tán cây ban tím, có người lại nói họ thấy anh điên dại tâm sự với nhành hoa: "Nàng đi dăm bữa nàng về, ta đứng đây đợi chớ nàng về lại, có người ngóng trông."

Người hóng hớt thì nhiều, người đứng chỉ trỏ, cười cợt anh ham hư vinh, như đôi đũa mốc chòi mâm son, họ xếp dài một hàng. Nhưng đợi kẻ thương tình cho anh, buồn thay phận anh bạc bẽo chắc đếm trên đầu ngón tay, tuyệt nhiên không có một mống.
Chàng trai cứ lủi thủi và cô độc như vậy tới năm thứ 5, chắc chịu không nổi nỗi đau chia cách, hoặc chán cảnh đợi đợi chờ chờ, cũng có thể sức gắng gượng những tiếng gièm pha đã tới giới hạn. Đêm 26 tháng chạp, mưa phùn lạnh lẽo, anh gieo mình xuống lòng hồ, đem theo lời hẹn ước năm xưa kéo xuống tận đáy sâu, chôn giấu chúng cùng những phẫn uất cho duyên cho phận. Kết thúc đơn giản kiếp người, chẳng ai thấy, chẳng ai hay, chẳng ai tiếc thương mà cũng chẳng ai thấu hiểu. Họ vớt xác anh lên sau 3 ngày mất tăm hơi, mọi người còn không buồn tìm hiểu lý do, chỉ làm đám tang sơ sài, chôn cất cũng sơ sài nốt.

Phải tới rằm tháng giêng sau đó, cô gái trở về thăm nhà khi đã chịu tang mẹ chồng 3 năm, cô loanh quanh hỏi thăm dân quanh, có người thương tình mới kể cô nghe tất tần tật. Cô lúc này tuy đã làm vợ quan, bỏ hết lễ nghĩa cùng tiết tháo mà quỳ trước phần mộ anh - một đụn đất được đắp nham nhở như miếng bánh dày với đống cỏ dại mọc phủ kín cả bia - khóc ngất ngưởng nguyên ngày dài. Tới khi nước mắt đã cạn còn đôi con ngươi đỏ rực tơ máu, cô mới bình tĩnh đứng dậy, quay người lao thẳng xuống lòng hồ, lòng cầu nguyện sớm được đoàn tụ với anh nơi suối vàng.

- Đó là lý do tại sao họ gọi là hồ Than Thở, nơi chứa đựng ai oán của cuộc tình không tròn vẹn.

Giọng Năm nhẹ nhàng pha chút tiếc thương, cậu nằm trên đám cỏ nát tươm vì dày xéo, hai tay gác sau đầu, hướng đôi mắt to tròn nhìn lên bầu trơi cao vời vợi. Trời nghe cậu kể chuyện tình buồn, trời cũng cảm động nên phản chiếu nỗi sầu lên đáy mắt cậu, nỗi xót xa cho cổ nhân chưa một lần gặp gỡ.

"Nàng đi dăm bữa nàng về,
Gửi ta ước hẹn, lời thề trăm năm.
Nàng đi vắng bóng xa xăm,
Còn đâu ban tím hay chăng nước hồ."

Cậu đã kể câu chuyện này 3 lần, mỗi lần là mỗi lời thơ khác biệt. Cả hai ngồi nấp sau những khóm lau khổng lồ, nhìn ra phía hồ Than Thở, hoặc nhìn lên trời cao, hoặc đơn giản là nhìn nhau, nhìn những đường nét đã quen thuộc gần 10 năm vẫn không thấy chán.

Bắt đầu từ câu hỏi:

- Kiệt có muốn nghe truyện cổ tích không?

Tiếp theo là lời đáp:

- Năm kể đi, Kiệt nghe đây.

Kiệt thích giọng Năm, một lần kể, hai lần kể, dẫu trăm lần kể đều vẫn muốn nghe, Năm dịu dàng và thả hồn vào từng con chữ, Năm luyến láy, dẫn dắt từng câu xúc động. Tim Kiệt rung rinh khi ngắm Năm chìm vào thế giới của cậu, thế giới của Kiệt.
Thế giới của đôi ta.

Nắng chiếu trên gò má trắng trẻo ấy, cậu khép đôi mi, miệng nhoẻn nụ cười mê đắm, lẩm nhẩm từng lời thơ vừa sượt ngang tâm trí, ngọt ngào như hương hoa ban, cao lớn như cỏ lau vươn cao đỉnh trời, mềm mại đung đưa trong gió, chỉ có Kiệt, duy nhất Kiệt mới thừa khả năng khiến Năm phải nghiêng mình nghênh đón.

- Hôm nay trông Năm thế nào?
Cậu đột ngột ngồi bật dậy, áp sát vầng trán trắng sứ của cậu lên vầng trán ngăm đen của Kiệt.

- Vẫn đẹp như mọi hôm.
Kiệt thành thật trả lời. Nói đúng ra, ai có thể đứng trước nhan sắc ấy mà dối trá được.

- Như mọi hôm thôi à?

- Vậy không tốt?

- Không hẳn là không tốt.

Năm tặc lưỡi chán ngán, buông người Kiệt rồi lại thả mình xuống đám cỏ xanh rờn, hai tay gối sau đầu, mắt nheo lại nhìn bầu trời cong thành một vòm trước mặt.

- Năm đã cố gắng chỉn chu cho ngày hôm này đẹp hơn mọi ngày. Một tẹo. Vậy mà...

Cậu bỏ lửng câu nói, khiến Kiệt ngồi cạnh thấp thỏm đợi chờ.

- Ngày đặc biệt gì?

- Một... ngày... rất... đặc biệt.

Năm tinh nghịch nhả từng chữ thật chậm rãi, gợi lên cho Kiệt trăm ngàn tò mò. Dường như cũng không muốn chịu thua, Kiệt cúi đầu cho ngang với tầm mắt Năm, người nằm, người ngồi, mặt đối mặt. Thằng nhóc cố gắng nở nụ cười sao cho bằng được phân nửa nụ cười của Năm, nó nói:

- Nếu Năm cố khiến mình trông thật đẹp cho ngày đặc biệt, vậy Kiệt thấy ngày nào cũng là ngày đặc biệt.

Năm nghe vậy liền phá lên cười khoái trá, hai tay bẹo lấy cánh má mềm ngăm đen của nó, kéo xuống sát môi mình và thả nụ hôn nhẹ như gió thoảng.

Sẽ thật là sự phí hoài nếu để yên cho Kiệt bày trò trước mặt mà chẳng làm gì.

- Tại sao? Kiệt hỏi.

- Bởi vì Kiệt rất cuốn hút. - Năm trả lời.

- Cuốn hút đến mức nào mà chỉ được một cái thơm thoáng qua như vậy.

Thằng nhóc lớn rồi, nó bắt đầu học đòi theo cậu chủ nó, buông mấy lời trêu hoa ghẹo nguyệt với vẻ mặt đong đưa và ánh nhìn lả lướt gọi mời. Đương nhiên, đương nhiên như cách mặt trời lên cao sau luỹ tre lúc trưa hè rồi lặn ngụp mất tăm sau đỉnh núi khi chiều tà. Đương nhiên Năm chẳng bao giờ cưỡng lại được sự gắng gượng trưởng thành non nớt ấy, theo lẽ hiển nhiên.

Và cậu lại chậm rãi chống hai tay nâng thân trên mình cao hơn, để chóp mũi hai kẻ đang ngã vào lưới tình chạm vào nhau. Cậu cẩn thận dò tìm cái đồng tình trong ánh mắt Kiệt, rồi hếch nhẹ cằm trao nó nụ hôn sâu.

Nụ hôn tính đến hàng trăm sau nhiều tháng ngày kể từ lần tỏ tình đầu tiên. Chẳng biết vì sao, dẫu có qua bao nhiêu cái lần hàng trăm ấy, Kiệt vẫn xốn xang cõi lòng.

Kiệt ngắm Năm hồi lâu, nó dịu dàng bảo:

- Năm đẹp lắm, kể cả những người khó tính nhất cũng buộc phải mềm lòng khi ngắm nhìn Năm.

- Những ai?

- Những cô gái tiểu thơ gần nhà mình, mấy phu nhân tiêu chuẩn cao ngút mỗi lần qua nhà ông Ngũ có công chuyện. Tất cả bọn họ đều lộ chút thẹn thùng hoặc ngưỡng mộ khi mắt họ quét qua Năm.

Kiệt có thể đoán được dòng suy nghĩ như thế nào đang sinh sôi nảy nở trong đầu họ, một đám cưới linh đình tiệc tùng thâu đêm, một cái gật đầu và thành thông gia, một đám con đàn cháu đống vững vàng như Năm và dịu dàng như con gái nhà họ, rất nhiều, rất nhiều... Họ giấu không hết, đôi khi còn không buồn giấu, để lộ chúng ra như lũ hổ đói khát nhìn con mồi.
Thử nghĩ mà xem, dòng dõi danh giá, tiền của dồi dào, có được Năm như chiếm được kho báu, đừng quên cả những mối quan hệ lừng lẫy của ông Ngũ từ hồi ông còn làm quan. Ai cũng rõ, gả được cho Năm, cả đời còn lại sống không lo nghĩ.

Nhưng có vẻ Năm chẳng mấy bận tâm tới việc mình như trái ngọt sắp tới thời điểm chín muồi, cậu vẫn ung dung trải qua mấy nghìn ngày yên bình, rạng rỡ. Kiệt không dám phiền hà cậu, dù lòng sôi sục khôn nguôi nhưng vẫn cố nén lại để Năm không phải lo lắng.

Ngỡ như đọc được suy nghĩ của nó, Năm cụng trán cậu vào trán Kiệt một cái nhẹ hều, rồi cứ dính sát thế, Năm bảo:

- Năm chẳng thấy ai cả.

- Sao lại thế? Họ lúc nào cũng vây quanh Năm mà.

Năm lại cụng thêm cái nữa và cười rạng rỡ như nắng đổ hiên nhà, nói chậm rãi từng từ một, rành rọt như bài nhạc tỏ tình, ánh mắt xuyên qua đồng tử hổ phách của Kiệt, nhìn thấu tâm hồn:

- Năm... chẳng... thấy... một... ai... khác... cả.

*Tui mới nhận ra "hào môn" không có trong từ điển tiếng Việt, là do tui nói nhiều quá nên tự lậm thành từ chuẩn, mà lỡ dùng trong nhiều chương rồi. Từ sau sẽ để ý kỹ càng hơn, có thời gian cũng sẽ sửa lại.
Tuần sau có chương mới nhe

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro