Chương 5: Đưa Dâu
Buổi sáng thời tiết còn se lạnh, khác hẳn với cái nắng oi ả của buổi trưa. Theo thói quen tôi vẫn dậy từ khá sớm, dù tối qua đến hơn nửa đêm mới lên giường đi ngủ. Tôi mò mẫm chiếc điện thoại Nokia vừa được ông Dân mua ba ngày trước. Đúng lúc trông thấy con số trên màn hình vừa nhảy sang 5 giờ 03 phút.
Mặt trời bên ngoài còn chưa mọc, thời gian này mà vùi mình trong chăn ấm chắc hẳn sẽ ngủ rất ngon. Nhưng tôi chẳng tài nào nén thêm phút nữa. Bởi chỉ còn 3 tiếng đồng hồ, là tôi sẽ theo ông Dân sang Đài.
Nhắc đến ông Dân tôi theo phản xạ nhìn qua bên cạnh. Nơi đó chẳng còn người đâu, chắc hẳn ông đã dậy từ trước, để lại trên giường một khoản trống trải tựa như tinh thần tôi hiện tại.
Nhìn lên trần nhà một cách vô hồn, bản thân tôi vẫn chưa thể thích nghi được rằng mình phải xa mẹ. Lần xa này không đơn giản là tỉnh này qua tỉnh khác, hay miền Nam ra miền Bắc, mà cách cả một đất nước. Một biển cả mênh mông. Sau này xảy ra chuyện gì cũng không thể lên tiếng gọi mẹ ơi như trước đây, chỉ có một mình cắn răng chịu đựng. Cũng không thể muốn về thăm mẹ là về ngay.
Bấy giờ một nỗi lo sợ lại bủa vây, tôi sợ nhỡ mẹ bệnh, mẹ mệt, lưng mẹ sẽ đau khi trái gió trở trời, bệnh viêm xoang của mẹ sẽ hoành hành khi vào mùa lạnh. Lúc ấy ai là người chăm lo, ai sẽ đấm bóp lưng, rồi ai sẽ nấu thuốc cho mẹ xông mũi. Sau này mẹ ở một mình không biết mẹ có buồn không. Tương lai khi tôi nhớ bà thì phải làm sao.
Mải mê với tâm trí hỗn độn và đầy cảm xúc phức tạp, tiếng nói của ông Dân trước nhà bất ngờ kéo tôi về với thực tại. Ông ấy nói gì với mẹ mà tôi chẳng nghe rõ.
Chống tay ngồi dậy, chân xỏ dép chuẩn bị đi ra ngoài xem. Lúc này mới phát hiện bên tai tôi đã ướt đẫm từ bao giờ, đưa lòng bàn tay chạm lên, liền có một vệt nước dính vào. Chắc có lẽ do vừa rồi quá nhập tâm vào suy nghĩ, nên cảm xúc nhất thời khuếch đại, nước mắt cũng vì thế mà chảy ra.
Tôi nhanh tay lau đi những vệt nước bên thái dương và trên mặt. Đứng dậy ra sau nhà đánh răng rồi vệ sinh. Xong hết tôi quay trở vào nhà, đi thẳng đến trước sân.
Nhìn thấy hai người đang trò chuyện, tôi thấp giọng chào cả hai, rồi ngồi yên vị bên chiếc ghế cạnh mẹ.
Ông Dân đánh ánh mắt nhìn sang tôi, cười nhẹ một tiếng lại quay về tiếp tục nói chuyện cùng mẹ:
“Vậy con nghe theo mẹ, xây căn mới phía sau căn nhà hiện tại. Xây xong sẽ giở căn này đi, làm sân trước cho nhà mới.”
“Cậu tính thế nào cũng được, ta không muốn một mảnh đất mới là sợ tốn thêm chi phí thôi.”
“Con đã nói rồi, chuyện tiền bạc mẹ đừng lo. Con hứa con sẽ làm được.”
Câu này vừa dứt, mẹ tôi lập tức nhìn chằm chằm ông Dân, chẳng biết mẹ đang suy nghĩ chuyện gì mà trông mặt mẹ đăm chiêu như thế.
Nhưng tôi không có ý định dò hỏi, thấy hai người không nói gì thêm tôi đứng khỏi ghế, có ý muốn đi vào phòng trong dọn dẹp một chút. Để khi đàn trai đến đón, ở nhà mẹ tôi không quá mệt mỏi vì phải dọn dẹp nhiều thứ sau đám cưới.
Đặt chân đến cạnh giường, tôi loáng thoáng nghe mẹ nói với ông Dân một câu.
“Cậu nói những chuyện cậu đã hứa thì chắc chắn làm được, vậy cậu hứa với tôi đi, rằng sau này sẽ chăm lo cho con gái tôi sống những tháng năm hạnh phúc nhất cuộc đời con bé.”
Ông Dân chẳng tí suy nghĩ gì đã đồng ý ngay tức khắc: “Được, con hứa. Sau này con sẽ chăm sóc em Giang thật tốt, không để mẹ phiền lo.”
Hóa ra vừa rồi mẹ tôi nhìn ông Dân bằng ánh mắt đó là vì chuyện này. Tôi biết cuộc sống tôi tươi đẹp, hạnh phúc thì màu u tối trong lòng mẹ bao năm sẽ được phủ lên một ánh sáng mới. Ngày nhỏ mẹ tôi không ngừng bảo tôi rằng “Thứ quý giá nhất cuộc đời mẹ chính là con.”
Tôi cũng biết mẹ hi sinh bao nhiêu chuyện ấy đều vì tôi, thế nên khi tôi hiểu chuyện, ý thức được gia đình mình ở mức nào trong xã hội, tôi liền điên cuồng làm việc, yêu thương mẹ hết mức có thể. Chỉ là, khả năng tôi có hạn, không thể đảm bảo cho mẹ một cuộc sống tốt hơn bằng tiền lao động làm công như trước đây.
Thật ra đến bây giờ tôi vẫn không đánh giá cao tính đảm bảo an toàn trong lời nói ông Dân. Nhưng sẽ tôi đối với ông Dân bằng cảm xúc thật tận đáy lòng.
….
Đến khoảng 7 giờ 30 phút hơn.
Tôi mặc trên người bộ áo dài truyền thống của Việt Nam lên đường đến Đài Loan. Ông Dân cũng mặc chiếc áo cùng bộ với tôi, đôi áo màu vàng sang trọng, sáng ngời.
Thật ra nếu theo trình tự cưới hỏi ở đây, thì rước dâu đã là ngày hôm qua. Nhưng vấn đề địa lý mà mẹ tôi và ông Dân quyết định để hôm nay về nhà trai. Dù sau bên nhà trai cũng chẳng có tổ chức rình rang.
Người ta là kịp giờ lành, còn tôi là tranh thủ thời gian tránh trễ chuyến đò buổi sáng.
Về chuyện này tôi không có ý kiến gì, hay cảm thấy không ổn cả. Đối với tôi, ông Dân chịu làm đến mức này đã là tốt hơn bao người rồi. Nói về lễ nghĩa tôi thấy ông Dân đều làm đủ.
Lúc xuống đò, mẹ vẫn nắm tay tôi không buông. Hôm nay tôi thấy ánh mắt mẹ buồn hơn hẳn nhiều ngày trước, sự luyến tiếc lộ rõ trong từng hành động, nhưng trên môi mẹ nụ cười vẫn chưa bao giờ hạ xuống. Mẹ nói, ngày vui phải giữ tâm thế vui vẻ, không nên mặt mày u ám.
Tôi nắm lại tay mẹ, vuốt ve một cách âu yếm: “Mẹ ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe, có chuyện gì mẹ cứ nhờ người chuyển tin cho con. Dù có thế nào con cũng sẽ về khi mẹ cần.”
Tôi không dám nói trước một năm sẽ về bao nhiêu lần, hay sẽ về vào thời gian nào. Tránh để mẹ trông mong, rồi sốt ruột.
Ông Dân bất ngờ đặt tay lên trên mu bàn tay tôi: “Có thời gian con sẽ đưa em Giang về thăm mẹ.”
“Cảm ơn cậu rất nhiều. Mọi người đi đường thuận lợi, an toàn đến nơi.”
Sau khi nghe ông Dân nói câu đấy, mẹ tôi mừng rỡ ra mặt, cảm xúc trên mặt mẹ tươi tắn hơn phần nào, tựa như vừa rõ được một nỗi lòng.
“Thôi cũng đến giờ rồi, dạ thưa mẹ, con và em Giang bắt đầu khởi hành.”
“Ừ, đi đi.”
Nói rồi mẹ buông đôi bàn tay ra khỏi tay tôi và ông Dân, mẹ lùi lại để đường cho bé Huyền xuống đò cùng chúng tôi.
Xác nhận mọi người đã lên đủ, chuyến đò bắt đầu nổ máy. Từng tiếng của động cơ vang lên inh ỏi, tim tôi cũng theo đó đập bình bịch liên hồi. Đến cuối cùng con đò đã đi xa bờ, cũng là lúc tôi không thể kìm nén được nữa.
Nước mắt từ khóe mi rơi xuống đôi tay đang cầm hoa cưới của tôi, từng giọt, từng giọt thấm ướt cả một lớp vải. Tôi cắn chặt đôi môi để mọi người bên cạnh không nghe thấy âm thanh nấc nghẹn của mình.
Chia tay mẹ tôi không khóc, không phải vì tôi cứng cỏi, dù sao tôi cũng chỉ là cô gái vừa 18 mà thôi. Tôi sợ mẹ sẽ đau lòng, sợ mẹ sẽ thêm luyến tiếc. Càng sợ tôi không có can đảm rời xa mẹ. Chỉ cần nghĩ đến sau này mỗi đêm đều không thấy mẹ nữa, lòng ngực tôi lại như nghẹt thở.
Tôi không tự chủ được đưa tay ôm lấy ngực mình, nơi này tựa như có một đám bông gòn chặn lại đường thở của tôi, tuy mỏng manh nhưng không thể nuốt trôi.
“Dì sao vậy? Dì đau ở đâu hả. Cha ơi, cha xem dì đi.”
Cuối cùng bé Huyền đã phát hiện ra sự khác thường của tôi, con bé còn gọi ông Dân phía sau tôi đến xem.
Tay ông Dân đặt lên lưng tôi vỗ nhẹ, tôi nghe được giọng nói đầy dịu dàng của ông bên tai: “Vừa đi chưa được 1 km đã nhớ mẹ rồi, sau này em biết phải làm sao đây? Đường xa, một năm anh chỉ đưa em về nhà mẹ được vài lần. Lúc đó sao em chịu nổi chứ.”
Hít sâu một hơi, tìm cách bình ổn cảm xúc, sau một lúc tôi quay đầu nhìn ông Dân.
“Em sẽ tập làm quen, xin lỗi ông rát nhiều, ngày vui mà em khóc như thế.”
Tay ông lau đi khuôn mặt lấm lem nước mắt của tôi: “Không sao, có mấy ai xa mẹ mà chẳng đau lòng. Chưa nói đến em còn nhỏ như vậy. Đến đây ngồi nghỉ một chút, đường còn khá xa mới đến cảng.”
Vừa nói ông Dân vừa dìu tôi đến chiếc ghế dài trên đò. Ông để tôi ngồi bên trong, còn bản thân thì ngồi ngoài rìa. Yên lặng một chút, ông quay sang nói với Huyền.
“Con đi lấy cho dì chai nước, để dì uống thấm giọng.”
“Dạ.”
Lại vuốt lưng tôi, ông nói: “Từ đây đến cảng Sài Gòn còn hơn 1 giờ. Rồi từ cảng Sài Gòn đến bên Đài Loan cần thêm 4 giờ nữa. Một chút đến xuống cảng em ngủ đi. Nếu không sẽ không đủ sức ngồi xe đến Toufen.”
“Dạ, em nghĩ mình chịu được.”
Ông Dân bất ngờ nghiêm giọng làm tôi nhất thời hoảng hồn: “Em nghe lời, nhỏ mà không nghỉ chơi đầy đủ, sẽ không cao lớn.”
Người này nói như đang dạy con nít, tôi nghe mà ngượng hết cả lên. Nhưng vẫn gật gù vâng dạ.
Đường đến Toufen quả thật khá xa. Toufen là nơi tôi sẽ ở sau này, ở đây có nhà của ông Dân và Huyền, tôi nghe ông Dân nói còn thêm anh hai và vợ chồng anh ba cũng ở chung. Do là nhà lớn, nên mọi người chọn ở chung, dễ thay phiên cúng bái cha mẹ.
Theo tôi biết từ miệng ông Dân, Toufen có tên gọi tiếng Việt là Đầu Phần nằm trong huyện Miêu Lật, Đài Loan.
Còn đang suy nghĩ lung tung, đúng lúc này người bên cạnh hôn lên trán tôi một cái.
“Ở Miêu Lật nhiều cảnh đẹp, sau này anh đưa em đi tham quan.”
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro