Chương 1

Cuối tháng sáu, nắng Hà Nội rát mặt, hầm hập bốc lên mùi nhựa đường, gác lại chuyện học hành, thi cử, thở phào nhẹ nhõm vì đã giải quyết xong một kỳ học căng thẳng nữa. Tôi với Hoàng Yến ngồi cùng nhau ở quán trà đá ngay cổng trường đại học, chúng tôi quen nhau qua mấy hoạt động sinh viên, rồi dần dần thân nhau lúc nào không hay. Yến đang đọc thư của bố, còn tôi thì ngồi vọc vạch cái máy ảnh mới mua, chốc chốc giơ lên chụp trời mây, chụp đường phố, chụp cả Yến. Đặt máy ảnh xuống, quay qua nhìn Yến, vẫn đang chăm chú đọc đi đọc lại lá thư, tôi cất lời hỏi:

"Hè này mày có về quê không?"

"Có chứ," Yến trả lời, từ từ ngước mặt lên nhìn tôi. "Hè nào tao chẳng về, mày hỏi câu buồn cười!"

"Cho tao theo với!" Bộc phát, không đầu không đuôi, suy nghĩ bật lên giữa cái nắng nóng của Hà Nội.

"Sao tự dưng thế? 'Công tử Hà Nội trắng trẻo' có chịu được cái khổ ở làng chài vùng biển không mà đòi theo?" Yến cười cười trêu chọc tôi.

"Cho tao theo đi! Ở đây chán bỏ xừ, có cái ngóc ngách nào ở Hà Nội mà tao chưa đi đâu." Tôi đặt cái máy ảnh xuống, rồi lại cầm cốc nhân trần đá lên hớp một hơi, chẹp miệng. "Với cả, tao đang muốn chụp cái gì đó mới mẻ, chứ cứ suốt ngày đường phố với xe cộ, ngột ngạt lắm!"

"Ra là muốn đi chụp ảnh à?" Yến nhướng mày, tiếp lời. "Nhưng mà mày phải xác định trước, làng tao không có tiện nghi như trên này đâu. Chịu khổ được thì theo, tao cũng không cấm mày được."

"Khổ mới có trải nghiệm, biết đâu tao lại có cảm hứng mới!" Tôi cười khà khà thích thú. "Vậy là chốt nhé!"

***

Ba hôm sau, sắp xếp xong công việc, tôi và Yến lên đường. Quê Yến ở Quảng Trị, chuyến xe của chúng tôi kéo dài hơn 2 ngày mới tới nơi. Cái xe già cỗi lắc lư, đi chầm chậm, lặc lè bò qua từng con đường khúc khuỷu, oằn mình thở ra từng hơi khói đen kịt, tiếng động cơ gầm rú mỗi khi trượt qua một đoạn đường đất xóc nảy, thỉnh thoảng lại đình công dừng lại giữa chừng, cái khoang bụng nó chật chội những người với đồ đạc và gà qué, bó chặt như nêm.

Đây là lần đầu tiên tôi phải ngồi xe lâu như vậy, ê ẩm hết cả người, bụng dạ lúc nào cũng nôn nao, trộn trực, tôi chẳng thiết tha gì ăn uống gì mỗi khi xuống trạm dừng nghỉ, cứ ngồi phỗng ra, thất thần nhìn người ta tấp nập mua mua bán bán. Vậy mà Yến vẫn khỏe re, chắc tại quen rồi, hoặc con bé mệt mà không nói cho tôi biết. Dọc đường, Yến chẳng ngại ngùng gì cả, hơi chút lại quay qua quay lại bắt chuyện với những vị khách xung quanh, trông cứ tí ta tí tởn yêu đời làm sao!

Chuyến xe dài cứ tiếp tục hết điểm này đến điểm khác, chia tay và đón chào những người khách cũ mới. Tôi dần quen với cái nhịp độ lảo đảo, ổn định lại tinh thần, tôi phóng tầm mắt nhìn qua khung cửa sổ đã mất kính. Chẳng biết từ lúc nào mà những con phố tấp nập ánh điện cửa gương của Hà Nội đã được thay thế bởi cánh đồng bất tận cò bay thẳng cánh. Miền Trung đang vào giữa vụ Hè Thu, đám lúa đã bắt đầu trổ bông, vàng ruộm cả một vạt trời. Nhìn từ trên cao xuống, cả dải đất như một tấm chăn được chắp vá từ những miếng vải vuông vuông xanh rồi lại vàng đan xen, nhiều sắc độ khác nhau. Tôi nghe tiếng thơm của mùi lúa chín, mùi hoa cỏ tươi trong sương sớm, rồi cả cái mùi nồng nàn của đất ẩm, tất cả hòa trộn lại tạo nên một cái tinh khiết, lành tính của thôn quê.

Xuống ở bến Đông Hà, chúng tôi lại phải tiếp tục leo lên một chuyến xe lam tuyến huyện khác, đi thêm vài giờ đồng hồ trên những cung đường đất gập ghềnh nữa mới về được đến nhà Yến.

Nhà Yến nằm trong một làng chài nhỏ ở biển Cửa Tùng. Trước đây đọc trên mấy tạp chí về nhiếp ảnh và du lịch, tôi cũng bắt gặp vài mẩu tin ca ngợi cái vẻ đẹp hoang sơ ở đây. Nhưng, lúc chúng tôi tới nơi trời đã chập tối, tắt nắng rồi, mặt trời đã lặn từ lâu, xung quanh thì chẳng có đèn đuốc, cộng thêm sự uể oải từ chuyến hành trình hơn 2 ngày kia, thành ra tôi chẳng cảm nhận được đẹp đẽ gì cả.

Yến và tôi ngồi nhờ ở cái hàng tạp hóa đầu làng, chờ bố của Yến ra đón. Bà chủ cửa hàng nhận ra Yến ngay, rồi sáp lại hỏi chuyện. Yến vui vẻ đáp lời, không dùng cái giọng Hà Nội bình thường hay nói với tôi nữa, con bé dùng cái giọng Quảng Trị thân thương của mình để tiếp chuyện với bác. Tôi ngồi cạnh, tỏ vẻ chăm chú nhưng thật ra là nghe câu được câu mất, chỉ loáng thoáng nghe được bà hỏi về tôi, và Yến có giới thiệu tôi là bạn trên Hà Nội về chơi cùng. Nhận ra bản thân chưa thể hòa nhập được với con người nơi đây, tôi xin phép đứng dậy, ra ngoài hiên hút một điếu thuốc.

Đứng dưới cái mái hiên xiêu vẹo, hít một hơi căng lồng ngực, bây giờ tôi mới thật sự cảm nhận được sự đặc trưng của cái được gọi là "làng chài" mà bình thường chỉ biết qua sách báo. Mùi muối biển mằn mặn cùng với vị tanh tưởi của cá lởn vởn nơi chóp mũi tôi, khác hẳn với những hương thơm nhân tạo mà mấy hàng quán trên Hà Nội hay dùng. Bỗng tôi cảm thấy cả buồng phổi mình như vừa trải qua một trận súc rửa hả hê. Rồi tôi bắt đầu lắng nghe, lắng nghe bản giao hưởng của tự nhiên, bản giao hưởng mà cho dù có hàng trăm nhạc công tài hoa bậc nhất tụ họp lại cũng không chơi được. Không gian tĩnh lặng lắm, nhưng nó không phải cái tĩnh lặng chán chường ở Hà Nội về đêm, ở đây có cả tiếng những con sóng bạc đầu lớn nhỏ thi nhau vỗ về bờ cát như một lời tự tình của ngàn năm, tiếng dế kêu ri ri một điệu báo hiệu mùa giao hoan.

Tiếng reo lên vui mừng của Yến phá vỡ không gian yên tĩnh, bố Yến kia rồi, hiện ra giữa tối đen của đất trời. Ông có dáng người thấp bé, da sạm đi vì sương gió biển khơi và nắng Quảng Trị, gầy gò nhưng trông rất vững chãi, tay cầm cái đèn pin con thỏ chầm chậm đi về phía chúng tôi. Yến chạy ngay ra ôm lấy bố, hai bố con mừng vui tíu tít làm lòng tôi cũng thấy vui lây. Bà bán hàng lo tôi không biết đây là ai nên mở lời giới thiệu:

"Ni là thầy Tùng, ba cái Yến. Mình thầy gõ đầu hết lũ trẻ con trong làng ni đó."

Tôi nghe chữ nọ lọ xọ chữ kia, gật gật đầu cho bác biết là tôi có nghe lời bác nói. Yến dẫn bố về lại chỗ tôi đứng, ông tò mò nhìn tôi, nhưng vẫn lịch sự gật đầu chào. Tôi cất lời trước:

"Cháu chào bác, cháu là Minh, bạn đại học trên Hà Nội của Yến. Hè này cháu xin phép về đây chơi, bác cho cháu ở nhờ nhà bác nhé!"

Hình như tôi nói nhanh quá nên ông chưa nghe được hết lời, phải đợi Yến giải thích lại bằng tiếng Quảng Trị, ông mới gật đầu chào lại tôi:

"À! Chào cháu! Đi đường xa mệt hỉ?" Rồi ông đưa tay ra ngỏ ý bắt tay tôi. Tôi nắm lấy bàn tay ông, nó thô ráp và mạnh mẽ nhưng rất ấm áp.

Nói đoạn, chúng tôi thu dọn đồ đạc để về lại nhà Yến thì từ đâu một bóng người cao cao, lù lù tiến vào cửa hàng. Tôi để ý cái vai nó, rộng rãi và rắn chắc, áo nó ướt đẫm mồ hôi, bám sát vào cái lưng thẳng tắp gầy còm.

"Bán cháu bao Thăng Long!"

Nói xong nó quay qua nhìn về phía chúng tôi, đôi mắt nó đen láy, sắc lạnh và trong bóng tối nó sáng lạ lùng. Nó cộc lốc:

"Về rồi à?" Cái giọng nó khô khốc, mà đanh thép, lời nói nhát gừng như chẳng xem ai ra gì.

Tôi đang lơ ngơ chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, thì Yến đã trả lời:

"Ừ, tao mới về!" Cái giọng Yến lạ lắm, cứ khách sáo, không tự nhiên thế nào ấy. Rồi nó liếc mắt qua nhìn tôi, như đang đánh giá cái gì rồi quay đi. Cuộc đối thoại giữa Yến và nó kết thúc.

Bà bán hàng đi từ trong quầy ra, đưa cho nó bao thuốc:

"Của mày 500. Ủa sao giờ này chưa ra biển hả Quỳnh?"

"Cháu đi giờ nè. Này ghi sổ nha!" Rồi "Quỳnh" biệt tăm vào bóng tối, cái bóng cao gầy của nó bị con đường đất nuốt chửng.

***

Bố Yến dẫn chúng tôi đi vào làng, nhà Yến đây rồi, trông khang trang hơn các nhà xung quanh một chút. Sự "khang trang" ở đây không đến từ sự giàu có. Ngôi nhà vẫn là nhà cấp bốn ba gian, tường gạch mộc, nhưng nó có một hàng rào hoa giấy được tỉa tót cẩn thận thay cho đống lưới rách và thúng mủng lộn xộn đặc trưng của những nhà làm nghề bám biển nơi đây. Cái sân đất nhỏ trước nhà được quét tước sạch sẽ, mấy chậu cây cảnh được kê gọn gàng, sát tường là cái xe đạp Thống Nhất cũ kĩ đang nằm ngủ.

Bố Yến đẩy cái cổng sắt đã tróc sơn, đầy rỉ sét. Cửa không khóa, tiếng kẽo kẹt vang lên nghe thật hiền lành. Một người phụ nữ hiền hậu, đẫy đà bước thoăn thoắt xuống bậc tam cấp, chạy tới đón chúng tôi:

"Ông với Yến về rồi đó à?"

Giọng bà dịu dàng, chứa đầy sự mong chờ. Bà nắm lấy tay Yến, nhìn con gái từ đầu đến chân như thể sợ con sút đi cân nào. Rồi bà quay sang tôi, mỉm cười một nụ cười hiền lành có phần ngại ngùng.

"Chắc cháu là bạn của Yến hỉ? Đi đường xa mệt lắm phải không? Vào nhà rửa mặt rồi ăn bát cơm nóng cho ấm bụng."

Sự ân cần của bà làm tôi bỗng thấy sống mũi cay cay. Tôi bước vào nhà, ngôi nhà không hề có mùi tanh của biển cả như tôi dự đoán. Nó thoang thoảng mùi giấy cũ, mùi nước chè xanh và mùi của một loại lá thơm gì đó được đun trong nồi nước mẹ Yến đã chuẩn bị sẵn cho chúng tôi rửa mặt.

Mọi thứ trong nhà, dù cũ kỹ, đều rất gọn gàng và ngăn nắp. Gian giữa kê một bộ trường kỷ đã lên nước bóng loáng. Nhưng thứ thu hút toàn bộ sự chú ý của tôi là chiếc tủ sách lớn bằng gỗ đặt ở góc nhà. Với tôi, đó không phải là một cái tủ, đó là cả một gia tài, những cuốn sách gáy đã sờn, giấy đã ngả vàng, được xếp ngay ngắn, thẳng tắp, chúng như những chứng nhân của lịch sử, trải qua biết bao những biến động của đất nước, của xã hội vẫn nằm đó, lặng lẽ, lưu giữ lại những hồn cốt, kí ức, kiến thức truyền lại cho bao đời. Tôi chợt hiểu, chính cái tủ sách này đã tạo ra một Hoàng Yến khác biệt với tất cả những gì thuộc về làng chài này.

Bữa cơm tối được dọn ra, chỉ có cơm trắng với một bát canh chua cá nấu khế và một đĩa cá kho mặn, toàn là cá, đơn sơ nhưng ngon lạ lùng. Là một đứa khảnh ăn, cá phải nấu đúng kiểu tôi thích mới chịu, vậy mà hôm nay lại hì hục ăn lấy ăn để rồi tấm tắc khen ngon. Có lẽ là do cá ngon thật, hoặc do tôi đói, tôi mệt, hay là do vị ấm cúng của bữa cơm này? Ánh đèn dầu chập chờn, màu vàng ấm, hắt bóng mâm cơm bốn người đổ dài lên bức tường gạch, ấm áp và gần gũi.

Đêm đó, tôi nằm trên chiếc chõng tre ở gian ngoài, mượn bố Yến một cuốn sách cũ, nghiền ngẫm dưới ánh đèn dầu heo hút, đầu nghĩ ngợi lung tung. Gió từ biển lùa vào mát rượi. Tiếng sóng vỗ ngoài kia vẫn đang phì phò, đều đặn, nhịp nhàng như hơi thở của một người khổng lồ đang ngủ. Tôi nghĩ về chuyến đi mệt mỏi, về ngôi nhà bình yên này, về những gì tôi sắp làm trong những ngày dài đầy nắng và gió ở làng chài nhỏ. Tôi đến đây để tìm kiếm một cái gì đó mới mẻ, nhưng dường như, tôi đã tìm thấy nhiều hơn thế. Tôi háo hức với những khám phá mới, mong chờ về những tấm ảnh mới toanh sẽ được chụp, tò mò về đời sống con người nơi đây, về những người ngư dân bám biển ngày đêm, về "Quỳnh", về mối quan hệ giữa "Quỳnh" và Yến, rồi tôi thiếp đi lúc nào chẳng hay, tay vẫn ôm lấy trang sách bỏ dở.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro