Chương 4
Những ngày trời bao la bình yên ở làng chài nhỏ cứ thế trôi qua chầm chậm như những áng mây bảng lảng lững lờ trên trời xanh. Dạo này, tôi và Yến hay theo chân thầy Tùng đến trường làng, phụ giúp thầy dạy hè cho đám nhỏ, nói là dạy học, thật ra là chúng tôi giữ chúng hộ gia đình, cho cha mẹ chúng có thời gian đồng áng, buôn bán hoặc đi biển.
Tôi đã quen và kết thân được hết với mấy đứa trẻ ở đây, đứa nào cũng đáng yêu và kháu khỉnh, chúng thông minh lắm, nhưng không phải cái kiểu thông minh sách vở, giáo điều như trên thành phố, mà chúng nó "ranh", khôn vặt vãnh và tếu táo. Chúng thích nghe tôi kể về những bức ảnh, về những điều "lạ kỳ" trên thành phố, và nghe Yến hát, từ khi quen thêm lũ trẻ, hành trang lên đường của tôi ngoài chiếc máy ảnh còn có thêm cuốn an-bum và cây đàn ghi-ta.
Một buổi chiều sau khi đã tạm biệt lũ trẻ, Yến và tôi đi bộ về lại nhà, thứ đón chào chúng tôi ở cổng không phải là giàn hoa giấy rực rỡ như thường lệ, mà là Quỳnh. Nó đứng như trời trồng trước cái hàng rào chỉ cao đến vai, một tay đút túi quần dài, trên môi phì phèo điếu thuốc, thấy Yến và tôi bước tới, nó ném điếu thuốc đang cháy xuống đất, dẫm qua dẫm lại cho tắt hẳn rồi ngẩng lên thông báo:
"Tối nay ra biển. Ăn uống sớm đi, rồi ra bãi gặp tao." Nói xong nó quay lưng, vừa đi vừa vẫy tay tạm biệt chúng tôi.
Yến thở dài thườn thượt:
"Vừa lòng mày chưa?"
Trái ngược với cái sự mỏi mệt của Yến, tôi phấn chấn, cười hí hửng đẩy cái cổng sắt vào nhà, vội vàng cất dọn đồ đạc, thay phim máy ảnh và kéo Yến chạy xuống bếp phụ giúp mẹ Yến nấu cho xong bữa cơm tối. Hôm nay ăn cơm sớm, đạm bạc, tôi cố nhét cho thật nhiều cơm vào bụng, Yến cũng cố gắng ăn nhiều hơn bình thường, chắc con bé sợ đi đêm bụng đói. Ăn xong, rửa ráy bát đũa và thay quần áo, chúng tôi lại xách nhau ra bãi biển.
***
Thuyền đang neo trên bờ, lại mấy gã trai hôm trước đang sắp xếp đồ đạc lên. Đó là một con thuyền gỗ được sơn màu xanh dương đã bạc thếch, nhiều mảng sơn đã tróc ra để lộ thớ gỗ sẫm màu bên trong, trông như những vết sẹo sau mỗi lần vật lộn với biển cả. Mũi thuyền có vẽ một đôi mắt lớn, trừng trừng nhìn về phía trước, đại diện cho lòng gan dạ sẵn sàng chinh phục thiên nhiên của những người ngồi trên nó. Trên boong thuyền, lưới được chất thành đống ngổn ngang bên cạnh những giỏ tre, dây thừng và vài ngọn đèn bão. Con thuyền không đẹp, nhưng nó toát ra một sức sống mãnh liệt, một vẻ đẹp của sự chai sạn và từng trải, tôi nghe thấy chất muối biển thấm dần trong thớ vỏ của nó.
Quỳnh đang đứng ngay mũi thuyền, buộc lại sợi dây thừng cho chắc chắn, thấy tôi và Yến bước tới, nó leo xuống, đỡ chúng tôi lên thuyền rồi đi vào trong buồng lái. Tôi và Yến đứng giữa thuyền chờ đợi, ngoài mấy gã trai hôm trước chúng tôi đã gặp ở buổi bình minh, tôi để ý có một cậu nhóc trông trẻ con, nhỏ thó ngồi vá lại miếng lưới rách, góc thuyền có một ông lão râu tóc bạc trắng đang vừa rít thuốc lào vừa chửi vu vơ. Quỳnh trở lại cùng với một ông bác đứng tuổi, dáng người lão dong dỏng cao, gầy còm, ra đen sạm đi vì sương gió và muối biển, vừa đi Quỳnh vừa nói gì đó với lão ấy, hai người quay ra nhìn chúng tôi một hồi, ông bác nhíu mày xong lại gật đầu như đồng ý, rồi đi lại vào trong buồng lái. Quỳnh bước lại phía chúng tôi giới thiệu:
"Ông Bảy, chủ thuyền."
Tôi gật đầu ra dấu đã hiểu. Quỳnh chỉ chúng tôi ra ngồi lên hai cái thùng gỗ kê gần lan can, dặn dò chúng tôi ngồi yên, không được quấy phá anh em làm việc, rồi nó đi mất. Yến và tôi làm đúng theo lời dặn, ngồi ngoan trên hai cái thùng, nhưng cái bản tính tò mò của tôi thì không cho cái chân của tôi yên được lúc nào. Tôi đứng dậy, Yến thấy thế giữ lấy vạt áo tôi, lắc đầu:
"Quỳnh đã bảo ngồi yên cơ mà!"
"Tao đi ra đây một chốc thôi." Tôi gạt tay Yến ra, bắt đầu đi lung tung đến mạn sau.
Tiếng sóng vỗ ì oạp vào mạn thuyền hòa cùng với âm thanh huyên náo của thủy thủ đoàn, những tiếng bước chân rầm rầm lên sàn gỗ và tiếng ông Bảy ồm ồm dặn dò. Con thuyền đột ngột rung lắc dữ dội, một con sóng lớn vừa đánh mạnh vào mạn trái, tôi lảo đảo mất đà, chới với cố gắng tìm kiếm cái gì để bám vào, may mắn vớ được cánh tay của ai đó nên mới đứng thẳng lại được. Cái giọng cộc cằn lại cất lên:
"Dặn 'công tử' ngồi yên mà sao cứ thích chạy nhảy thế? Đã biết sợ chưa?"
"Cảm ơn Quỳnh. Với cả, tôi là Minh, gọi tôi bằng tên đi, cứ gọi là công tử này công tử nọ, tôi không thích!" Tôi cau có đáp lời.
Quỳnh buông tay tôi ra, đẩy tôi ngồi bừa xuống một chỗ nào đấy rồi đi vào buồng lái. Động cơ bắt đầu kêu phành phạch, mùi dầu đi-ê-zen bốc lên hòa trộn cùng cái mùi tanh của cá và vị mặn của biển, chiếc thuyền tròng trành ra khơi, tôi bắt đầu nôn nao, con thuyền nặng nề trườn đi, rồi dần dần tăng tốc, phăm phăm như con tuấn mã, vun vút lao ra biển. Nhắm mắt lại, tôi hít một hơi thật sâu cố gắng lấy lại sự bình tĩnh, rồi mở mắt nhìn ra xa xa phía chân trời. Ông Giời ngả đầu rồi, tím ngắt một mảng, cái lòng đỏ trứng nóng rẫy dần dần chìm xuống đại dương mênh mông.
Mặt trời xuống biển như hòn lửa,
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
...
***
Đi được một lúc lâu, tôi đứng dậy lần theo những đồ đạc ngổn ngang trên thuyền, men theo chúng đi ngược lại ra boong trước, nơi Yến đang ngồi. Khổ thân con bé, mặt xanh lè, người tựa vào lan can, đôi mắt nhắm nghiền, hai tay bấu chặt vào thành thuyền đến trắng bệch. Thỉnh thoảng, một con sóng lớn lại hắt nước lên, làm ướt sũng cả tóc tai và vạt áo, nhưng Yến dường như chẳng còn sức để bận tâm. Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh, đặt tay lên lưng nó vỗ về.
"Mệt lắm à? Hay vào trong buồng lái nghỉ một lát đi."
Yến khẽ lắc đầu, không mở mắt, đôi môi mím chặt lại như đang cố ghìm một thứ gì đó sắp trào ra khỏi cổ họng, giọng yếu ớt, lẫn vào tiếng sóng và tiếng máy nổ:
"Không sao... Tao ổn."
"Ổn cái gì mà ổn," tôi làu bàu. "Mặt mày như tàu lá chuối rồi kìa. Tao tưởng mày quen đi biển rồi chứ?"
Câu hỏi của tôi dường như chạm vào một điều gì đó sâu hơn cả cơn say sóng. Yến im lặng một lúc lâu, tôi cứ nghĩ nó sẽ không trả lời, nhưng rồi con bé khẽ cất lời, giọng nhỏ như một tiếng thì thầm, đứt quãng:
"Tao có bao giờ... phải ra biển đâu!"
Đến giờ tôi mới nhớ ra, Yến là con nhà giáo, tuy là dân miền biển, nhưng nhà Yến không theo cái nghề khổ cực này. Tôi ậm ừ rồi đỡ Yến dậy, dìu nó vào buồng lái, nơi Quỳnh và ông Bảy đang ngồi xem hải trình.
"Quỳnh ơi, có chỗ nào nằm được không? Con Yến say quá rồi!"
Quỳnh quay lại với chúng tôi, mắt nó đanh lại, tôi thấy trong đó chất chứa sự giận dữ và lo lắng đan xe, nó đứng dậy, lôi xềnh xệch cái ghế xếp ra trải bên dưới cái bục bánh lái, rồi nó lại đỡ Yến nằm xuống đó, quỳ bên cạnh, hỏi han Yến. Lần đầu tiên, tôi nhận thấy sự mềm mỏng trong cái chất giọng khô khốc kia, nó thủ thỉ, lấy ống tay áo lau mồ hôi cho Yến, sờ chán, lấy tay quạt quạt cho Yến bớt ngột ngạt. Ông Bảy đã ra ngoài từ lúc nào, tôi đứng thất thần dựa vào cửa buồng quan sát, Quỳnh quay lại nói với tôi:
"Ra cái bình sắt kia lấy cho Yến miếng nước."
Tôi lật đật làm theo, không dám chậm trễ, Quỳnh nhận lấy ca nước, mớm cho Yến từng ngụm, lau miệng cho Yến, rồi lại để Yến nằm xuống.
"Ngủ một giấc đi, dậy là về tới nơi."
Yến gật đầu cam chịu, nhắm mắt lại nghỉ ngơi. Quỳnh cởi cái áo sơ mi khoác ngoài ra, đắp lên người Yến, rồi kéo tôi đi. Tự dưng tôi thấy tội lỗi ghê, xong chuyến này chắc Yến còn ốm dài dài.
Đứng ngoài boong, lòng tôi vẫn còn ngổn ngang, sự dịu dàng của Quỳnh vừa rồi hoàn toàn đánh sập mọi định kiến của tôi về nó. Nhìn Yến nằm đó, một nỗi áy náy dâng lên, chính vì sự ương ngạnh của tôi mà nó mới ra nông nỗi này. Quỳnh quay lại ngay sau đó, ném cho tôi một đôi bao tay vải và nói:
"Lên thuyền rồi thì phụ đi. Chuẩn bị thả mẻ lưới đầu tiên. Chụp cái gì thì chụp, rồi ra kia đỡ thằng Ngọc." Quỳnh chỉ về phía cậu nhóc nhỏ con mà lúc tôi lên thuyền thì đang ngồi vá lưới, giờ cu cậu đang ngồi căng đám lưới ra, chuẩn bị thả.
Tôi gật gù đồng ý, đeo cái bao tay vào rồi đi ra lại chỗ Ngọc. Tôi và Ngọc ngồi căng cái lưới ra, chỗ nào rối thì gỡ. Đôi tay thành thị của tôi, dù đã được bao bọc, vẫn cảm thấy thô ráp khi chạm vào từng sợi cước cứng và mằn mặn vị muối. Mớ lưới khổng lồ, ẩm ướt và nặng mùi cá, ban đầu trong mắt tôi chỉ là một đống hỗn độn. Nhưng Ngọc, với vẻ mặt bình thản, chỉ cho tôi cách lần theo từng mắt lưới, tìm ra điểm bắt đầu của một nút rối, từ từ gỡ ra nhẹ nhàng. Ngọc nhanh nhảu lần mò gỡ ra chục cái nút và căng đều cái lưới ra, còn tôi thì chậm rì rì, bối rối gỡ mãi không xong được một nút.
Bất chợt, tôi nghe tiếng Quỳnh hô to từ phía mũi thuyền, một tiếng hô ngắn gọn nhưng đầy uy lực. Ông Bảy ghì bánh lái, chiếc thuyền giảm tốc độ, chỉ còn trôi lờ đờ theo quán tính. Ngọc và một người đàn ông khác đứng ở hai bên mạn thuyền, bắt đầu nhấc phần đầu của tấm lưới lên.
"Giữ chắc phần đó nha!" Ngọc quay sang nhắc tôi.
Tôi vội vàng ôm lấy phần lưới của mình, kéo thật chặt. Người đàn ông kia bắt đầu ném những quả phao tiêu đầu tiên xuống mặt biển đen kịt. Rồi, trong một sự phối hợp nhịp nhàng đến kinh ngạc, cả hai bắt đầu từ từ tuôn tấm lưới xuống nước. Tấm lưới trượt trên thành thuyền, phát ra tiếng "soạt... soạt..." đều đặn.
Dưới ánh đèn bão treo trên cột buồm, tôi có thể thấy tấm lưới khổng lồ như một bức màn sương mỏng manh đang từ từ chìm xuống, biến mất vào làn nước đen thẫm. Hàng phao trắng nối đuôi nhau nổi lên, lấp lóa trên mặt sóng, vẽ thành một đường cong khổng lồ, một vòng tay đang chuẩn bị ôm lấy cả một vùng biển. Lâu lâu, tôi lại nghe tiếng "ùm" trầm đục khi một viên chì nặng ở chân lưới được thả xuống, kéo cả bức tường vô hình ấy chìm sâu hơn nữa.
Không ai bảo ai, tất cả mọi người đều làm việc trong im lặng, họ hiểu nhau qua từng ánh mắt, từng cái gật đầu. Những đôi tay chai sần của họ làm việc một cách dứt khoát và đầy kinh nghiệm. Lúc này, tôi mới thực sự hiểu, đánh cá không chỉ là công việc, nó là một nghi lễ, một vũ điệu được thực hiện bởi cả một tập thể đã quá đỗi hòa hợp với nhau và với biển cả. Và tôi, một kẻ ngoại lai, chỉ biết nín thở giữ chặt phần lưới của mình, cố gắng không trở thành một nốt nhạc lạc điệu trong bản giao hưởng lao động hùng tráng ấy.
Sau khi mẻ lưới đầu tiên đã yên vị dưới lòng biển, không khí trên thuyền bắt đầu giãn ra. Cái bận rộn vừa rồi làm tôi quên bớt đi cơn trộn trực trong dạ dày của mình. Quỳnh đi một vòng dọc mạn thuyền, đôi mắt đen láy sắc lẻm của nó liếc nhanh qua từng hàng phao, kiểm tra độ căng của lưới. Trong buồng lái, ông Bảy bắt đầu cho thuyền chạy một vòng cung rộng, bụng tôi lại bắt đầu nhảy múa loạn xạ, mãi sau này tôi mới biết, ông Bảy đang "quây lưới".
Mọi người bắt đầu chờ, không gian tĩnh lặng chỉ có tiếng sóng vỗ con thuyền. Tôi với Ngọc vẫn đứng cạnh nhau ở mạn thuyền, tôi quay qua hỏi chuyện cu cậu, Ngọc cũng nhiệt tình kể. Ngọc kể Ngọc mới học hết lớp 9 thì bỏ học, lên lớp 10 là cấp 3, là phải ra huyện học rồi, xa quá và tốn kém lắm, cha mẹ thì vẫn động viên cho cu cậu đi học, nhưng Ngọc cãi lời, tự ý bỏ học rồi theo Quỳnh và ông Bảy ra biển, cực khổ, nhưng Ngọc thấy vui, vui vì kiếm được tiền đỡ gia đình, vui vì được lao động. Ngọc kể, ngày mới ra đây xin theo, chẳng thuyền nào nhận cả, tại nhỏ quá, lại gầy gộc, chẳng biết có làm ăn được gì không hay lại phải lo thêm cho một mạng nữa, chỉ có mỗi Quỳnh là nhận Ngọc, rồi xin ông Bảy cho lên thuyền đi theo, nên Ngọc quý Quỳnh lắm, Ngọc nói nếu không có Quỳnh thì có lẽ giờ cu cậu chỉ là một thằng ất ơ nào ở làng chứ không được ra biển, được đánh cá thế này.
Quỳnh chốc chốc lại cầm cái đèn pin rọi xuống biển, kiểm tra những cái phao tiêu. Bản tính tò mò của tôi lại nổi lên, đứng thẳng dậy, tôi men men đi ra gần chỗ Quỳnh, thò đầu nhìn xuống cùng nó. Mặt nước đen kịt loang loáng ánh trăng và ánh đèn báo bão, những cơn sóng nhỏ đuổi bắt nhau, dưới ánh đèn pin của Quỳnh, tôi thấy cả những đốm sáng bàng bạc, tôi tưởng mình bị hoa mắt do buồn ngủ, dụi mắt liên tục, Quỳnh đứng cạnh giải thích:
"Cá đó."
"Sao?"
"Mấy cái đốm sáng đó là cá." Nói xong Quỳnh tắt đèn, ngẩng đầu lên hô: "Kéo lên đi!"
Toán trai vội vã đứng dậy, hối hả vào vị trí. Guồng tới bắt đầu quay, kêu lên những tiếng kèn kẹt cót két ghê răng. Mấy gã trai bắt đầu gồng hết cơ bắp, gắng sức kéo, mồ hôi chảy ròng ròng trên da thịt. Mùi cá tanh nồng xộc lên, quyện với mùi cơ thể mặn mòi. Tấm lưới từ từ được kéo lên khỏi mặt nước, nặng trĩu. Những ánh bạc lấp loáng đầu tiên, "vảy bạc, đuôi vàng lóe rạng đông", rồi một bao lưới đầy những con cá tươi đang quẫy mình giãy giụa, tôi thấy hơi ghê rợn mà cũng thật sống động, vội vàng lấy máy ảnh ra, bấm lia lịa.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro