Chương 5
Đổ cá ra, phân loại sơ bộ, rồi lại nhanh chóng chuẩn bị thả mẻ lưới thứ hai, mọi thứ diễn ra trơn tru như được định sẵn. Tấm lưới thứ hai chìm xuống biển, cả thuyền bắt đầu bày biện ăn đêm. Thằng Ngọc lôi trong khoang ra một cái bếp dầu, một cái xoong lớn và mấy nắm miến gạo, nó reo lên:
"Lại ăn thôi các anh ơi, đói quá!"
Chẳng mấy chốc mùi miến đã thơm lừng cả khoang thuyền, xen lẫn với mùi cá tanh và mùi cơm đựng trong cặp lồng mang theo. Mấy anh em ngồi quây quần với nhau bắt đầu đánh chén, tôi ngồi cạnh Ngọc, quay qua quay lại tìm Quỳnh định bụng hỏi xem có cần gọi Yến dậy ăn cùng không, thì nhận ra nó đã mất hút đi đâu, tôi lại đứng dậy đi mon men tìm. Xuống cuối đuôi thuyền, nơi đặt thùng nước ngọt, tôi thấy Quỳnh ngồi đó, canh một cái nồi đang liu riu trên bếp dầu, được một lúc thì nó tắt bếp, nhấc cái nồi xuống, Quỳnh mở vung ra, hương cháo cá thơm nức mũi bao phủ lấy không gian, xua đi vị tanh tưởi và dầu hôi trên thuyền. Quỳnh múc cháo ra một cái bát tô, đứng dậy cẩn thận dợm bước về phía buồng lái, quay lại thì nhìn thấy tôi, nó cất lời:
"Cháo cá mú. Bưng ra cho anh em ăn cùng đi."
Dứt lời nó lướt ngang qua tôi, đi vào buồng lái, nơi Yến đang nằm nghỉ. Tôi vâng lời bê nồi cháo ra cho cả đoàn đang ngồi ở mạn trước, vui đáo để, đêm nay có bao nhiêu món ngon. Vừa đặt nồi cháo xuống, tôi đã thấy Quỳnh và Yến bước ra khỏi buồng, nom Yến vẫn còn xanh lắm, nhưng đã khá hơn lúc đầu, tay con bé run run vịn vào vai Quỳnh, còn Quỳnh chắc chắn vòng tay qua eo Yến đỡ lấy, tay kia đang bưng bát cháo cá khi nãy.
"A...! Chị Yến! Chị Yến khỏe chưa?"
Thằng Ngọc nhanh nhảu cất lời hỏi thăm, còn tôi lại vòng ra chỗ hai đứa, đỡ lấy bát cháo trong tay Quỳnh để nó còn rảnh tay dìu Yến mỗi lúc cần. Quỳnh để Yến ngồi xuống một chiếc ghế đẩu, thuyền hãy còn tròng trành, Yến lại khó chịu muốn nôn, Quỳnh trách móc:
"Đã bảo ở yên trong buồng đi, cứ muốn ra đây rồi lại ói lên ói xuống!"
"Ra đây với mọi người cho vui chứ, kệ tao!" Yến trả treo.
Mấy gã thanh niên cười phớ lớ, hùa theo Yến đáp lại Quỳnh:
"'Anh' Quỳnh cứ kệ em Yến, nào em Yến mệt thì để lũ này chăm!"
Quỳnh lại quắc mắt lên lườm chúng nó một cái, lập tức tất cả lại im re. Quỳnh lấy lại bát cháo trên tay tôi đưa cho Yến:
"Ăn đi cho nóng mà lại sức."
"Tao không ăn đâu, mệt lắm..."
"Thế há miệng ra, tao mớm." Quỳnh trả lời, xúc một thìa cháo đưa lên miếng Yến. Yến ngúng nguẩy từ chối. Quỳnh lại nói, giọng đanh thép hơn, hết mềm mỏng rồi.
"Đừng để tao cáu nha!"
Thế là "em Yến" ngoan ngoãn, mở miệng ngậm lấy thìa cháo đầu tiên, rồi giành lấy bát tự xúc ăn ngon lành.
"Mày cũng ăn đi, tự tao ăn được."
Lúc này Quỳnh mới ngồi xuống cạnh ông Bảy, với lấy bát và đôi đũa, gắp miến từ nồi ra, đưa lên miệng nhai nuốt. Lũ con trai đâu có để cho Quỳnh yên, lại bắt đầu tếu táo:
"Thế là do hôm nay có Yến nên tụi mình mới được Quỳnh nấu cháo cá cho ăn hả?"
"Ăn ngon thế này thì mong ngày nào em Yến cũng đi với tụi mình."
"Cũng chỉ hưởng ké phần em Yến thôi!"
"'Anh' Quỳnh chăm em Yến quá hỉ?"
Mấy lời bông đùa vô tư cứ liên tục nói ra, tôi để ý thấy Quỳnh vẫn thản nhiên lùa miến vào miệng, nhưng Yến đã đỏ bừng hai cái má rồi lan sang tận mang tai.
"Không phải đâu ạ..." Yến yếu ớt phản bác. Mấy gã trai lại được phen cười lớn.
"Ôi dào, có gì đâu mà ngại ngùng, được 'anh' Quỳnh chăm sướng phải biết!"
"Hay 'anh' Quỳnh thích em Yến hả 'anh' Quỳnh?"
Quỳnh nghe xong câu nói thì bỗng trở nên gắt gỏng như ai động vào chỗ ngứa, đặt rầm cái bát xuống sàn gỗ.
"Tụi bây thôi chưa? Ăn nhanh còn kéo lưới, cứ giỡn hớt hoài đi!"
Tôi quay qua thằng Ngọc rỉ tai hỏi tại sao ai trên thuyền cũng gọi Quỳnh là "anh" dù Quỳnh là con gái và còn bé tuổi hơn vài người ở đây. Thằng Ngọc giải thích rằng Quỳnh như "cánh tay phải" của ông Bảy, nhiều khi ông Bảy còn phải hỏi ý kiến nó xem con nước thế nào, đi luồng cá ở đâu, và cái thái độ nghiêm túc của Quỳnh mỗi khi làm việc khiến ai cũng phải kính nể, nó là con gái mà sức nó phải ngang, có khi hơn cả sức vài trai tráng ngồi đây. Ngọc là đứa gọi Quỳnh bằng "anh" đầu tiên, rồi cả thuyền cũng hùa theo, thành ra giờ trên thuyền, Quỳnh thành "anh hai".
Bữa ăn kết thúc nhanh chóng sau đó, tôi thay Quỳnh đỡ Yến vào buồng do con bé lại cảm thấy nôn nao, còn Quỳnh thì đang bận chỉ đạo mấy anh em kéo mẻ lưới thứ hai.
***
Đêm trên biển dài và sâu hơn tôi tưởng. Sau khi mẻ lưới cuối cùng được kéo lên và cá được đổ đầy vào khoang, không khí lao động khẩn trương mới thực sự tan đi, sự mệt mỏi yên bình vào thế chỗ. Ai nấy tìm vội một góc trên boong, ngả lưng xuống ngủ thiếp đi, tiếng ngáy hòa vào tiếng động cơ nổ đều đều của con thuyền đang trên đường trở về.
Tôi không ngủ được. Có lẽ vì lạ chỗ, hoặc có lẽ vì trong lòng có quá nhiều suy nghĩ lộn xộn chưa được giải đáp. Tôi đi ra mũi thuyền, thấy Quỳnh đang ngồi đó, tựa người vào lan can, lặng lẽ hút thuốc. Ngọn lửa đỏ lập lòe nơi đầu điếu thuốc là ánh sáng ấm áp duy nhất giữa cái không gian lạnh lẽo, ẩm ướt của biển đêm sắp tàn. Tôi bước lại gần, ngồi xuống cạnh nó.
"Cho tôi một điếu được không?"
Quỳnh không nói gì, chỉ rút trong túi quần ra một bao Thăng Long đã hơi nhàu, đưa cho tôi một điếu rồi bật diêm châm lửa. Ngọn lửa bùng lên trong một giây, soi rõ khuôn mặt góc cạnh và đôi mắt sâu thẳm của nó.
Chúng tôi cứ im lặng như vậy một lúc lâu, cùng nhìn về phía chân trời đang dần ửng lên một màu cam ấm. Tôi lên tiếng trước, cố gắng để giọng mình nghe thật tự nhiên:
"Thằng Ngọc... nó quý Quỳnh thật đấy."
Quỳnh thở nhẹ một sợi khói khiến bầu trời vỡ làm hai nửa.
"Nó giống tôi ngày xưa."
"Giống là sao?" Tôi tò mò hỏi lại.
Quỳnh không nhìn tôi, mắt vẫn dán chặt vào đường chân trời. Giọng Quỳnh đều đều, không cảm xúc, như đang kể một câu chuyện của người khác.
"Cũng bỏ học, muộn hơn nó xíu, chưa học hết lớp 10. Mẹ... mất sớm. Ba tôi cũng làm nghề này." Nó rít một hơi thuốc thật sâu. "Ông Bảy là bạn đi biển của ba."
Quỳnh ngừng lại, khoảng lặng kéo dài ra, chỉ còn tiếng sóng vỗ và tiếng động cơ. Tôi có cảm giác nó đang phải vật lộn với trăm điều để nói ra câu tiếp theo.
"Chuyến ra khơi năm đó... bão vào. Thuyền lật." Lời nói của nó như bị gió biển làm cho tan đi. "Chỉ có ông Bảy vào lại được bờ."
Tôi thấy tim mình thắt lại.
"Ba... đi cùng thuyền." Quỳnh nói câu cuối cùng, giọng khản đặc, rồi ném mẩu thuốc lá xuống biển. Chấm đỏ rơi vào đen tối như ánh sao băng, lặng lẽ tắt ngúm. "Nên tôi theo ông Bảy. Đòi nợ biển."
Tôi chết lặng. Mọi mảnh ghép trong đầu tôi bỗng dưng vỡ tan rồi tự sắp xếp lại. Sự cộc cằn, sự gai góc, sự từng trải trước tuổi. Tất cả đều có lý do. Tôi chợt hiểu ra con người trước mặt tôi không phải là một tảng băng, mà là một ngọn núi lửa đã tắt, bên dưới lớp vỏ nguội lạnh là cả một dòng dung nham của nỗi đau và mất mát. Tôi muốn nói một điều gì đó để an ủi, nhưng mọi từ ngữ đều trở nên sáo rỗng, sự im lặng có lẽ là sự tôn trọng lớn nhất tôi có thể dành cho Quỳnh lúc này.
Chúng tôi cứ ngồi như vậy cho đến khi mặt trời bắt đầu ló rạng ở phía xa, một bình minh nữa lại đến. Nhưng bình minh lần này, trong mắt tôi, không còn huy hoàng tráng lệ nữa, nó vẫn đẹp, nhưng cái vẻ đẹp của nó buồn bã và kiên cường đến lạ. Tôi nhìn sang Quỳnh, dưới ánh sáng đầu tiên của ngày mới, bóng lưng của nó thẳng tắp, hao gầy, nhưng không hề gục ngã, Quỳnh là một ánh dương cô độc.
***
Đoàn thuyền thu lưới về bờ, Quỳnh đứng dậy, đi tới thúc giục những kẻ ngái ngủ đang còn ngáy trên sàn. Tôi đi vào buồng lái, lay Yến dậy.
"Dậy đi! Về đến đất liền rồi."
Yến lờ đờ mở mắt. Cơn say sóng đã rút đi, để lại trên gương mặt con bé một sự bơ phờ lộ rõ. Yến cố gượng ngồi dậy, vẫn còn khoác trên người chiếc áo sơ mi của Quỳnh, trông càng thêm nhỏ bé, lọt thỏm. Tôi dìu Yến ra ngoài.
Bãi biển lúc rạng đông đã lại nhộn nhịp. Tiếng người mua kẻ bán, tiếng mặc cả, tiếng những sọt cá được khiêng lên bờ tạo thành một thứ âm thanh ồn ã của đời sống. Giữa cái không khí tấp nập ấy, Quỳnh đang đứng đợi, tay cầm sẵn túi đồ của chúng tôi. Nó không nói gì, chỉ đưa tay ra đỡ lấy Yến khi con bé bước những bước chân xiêu vẹo cuối cùng từ mạn thuyền xuống bãi cát.
Bàn tay chai sần của Quỳnh nắm lấy khuỷu tay Yến, vững chãi. Yến đứng thẳng lại, nhưng không rút tay ra vội.
"Về nhà nghỉ đi," Quỳnh nói trước, giọng đã trở lại vẻ khô khốc thường ngày, ánh mắt nó không nhìn Yến mà nhìn đi đâu đó.
"Ăn thêm bát cháo rồi ngủ một giấc ngon vào."
"Mày... cũng nghỉ sớm đi, thức cả đêm rồi." Yến đáp, giọng lí nhí.
Chợt nhận ra mình vẫn đang mặc áo của Quỳnh, hai má con bé ửng lên một chút nắng hồng của ban mai.
"Áo của mày..." Yến lí nhí, tay bắt đầu cởi chiếc cúc đầu tiên.
"Cứ mặc đi. Lạnh." Quỳnh đưa tay lên, giữ lấy bàn tay của Yến, ngăn lại.
Chỉ một từ "lạnh" thôi, nhưng tôi cảm giác nó chứa đựng cả một sự quan tâm mênh mông mà Quỳnh không biết diễn tả thế nào. Yến không cởi áo nữa, bàn tay buông thõng xuống, khẽ siết lấy vạt áo ấy.
Chúng nó cứ đứng như vậy, im lặng. Giữa tiếng huyên náo của bãi biển, Quỳnh và Yến tạo ra một thế giới của riêng mình, một thế giới không có âm thanh, nhưng trong lòng thì chất chứa ngàn điều mà không thể bật thành lời. Tôi thấy trong đáy mắt của Yến một sự lưu luyến không nỡ rời, và trong cái nhìn lảng tránh của Quỳnh là cả một bầu trời tâm sự đang bị dồn nén.
"Quỳnh! Cá này bán sao mày?" Một người buôn gọi to, phá vỡ khoảnh khắc ấy.
Quỳnh giật mình, như bừng tỉnh, nó buông tay Yến ra, quay người lại, tấm lưng thẳng tắp đối diện với chúng tôi.
"Thôi về đi."
Nó nói, rồi sải bước về phía đám đông, hòa mình vào công việc, vào tiếng ồn ào, vào thế giới của nó. Tấm áo ba lỗ lại ướt đẫm mồ hôi, đôi vai lại gồng lên những thùng cá.
Yến đứng đó một lúc lâu, nhìn theo bóng lưng của Quỳnh cho đến khi không còn thấy rõ nữa, con bé khẽ thở dài, rồi quay sang tôi, không nói gì cả. Chúng tôi lẳng lặng đi về. Suốt quãng đường, tôi thấy bàn tay Yến vẫn nắm chặt lấy vạt áo sơ mi rộng thùng thình của Quỳnh, như thể sợ chỉ cần buông ra, hơi ấm cuối cùng của đêm qua cũng sẽ tan biến mất.
Tôi đi bên cạnh Yến, không muốn cất lời, tôi để Yến được chìm trong cái không gian mơ mộng của chính mình. Khóe môi Yến khẽ nhếch lên, tạo thành một nụ cười mỉm xa xăm như vầng trăng non. Tôi không biết trong đầu Yến lúc này là áng mây trắng bồng bềnh ngoài kia, là tiếng sóng vỗ ngoài biển, hay là một dáng hình ai đó. Vài sợi tóc mai của Yến bay bay trong gió, vương trên vầng trán thanh tú. Yến là như vậy, lúc nào cũng có một thế giới của riêng mình, một thế giới được dệt nên bởi thơ ca, âm nhạc và những điều man mác không tên. Và tôi chỉ có thể lặng lẽ đi bên cạnh, cố gắng không làm vỡ tan đi sự yên bình mong manh ấy.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro