Chương 6

Từ sau lần ra khơi "sóng gió" ấy, tôi đâm ra thích thú, tôi mê mẩn cái không khí lao động quần quật hăng say trên chiếc thuyền nhỏ bé nhưng chứa đầy những hoài bão lớn lao.

Một buổi bình minh khác, hôm nay tôi đi một mình, Yến hãy còn say giấc. Ra đến bãi biển quen thuộc, tôi nheo mắt tìm cái thuyền của ông Bảy. Kia rồi, tôi đã thấy thằng Ngọc đang khệ nệ bê cái thúng cá to hơn cả cái mình nó đặt xuống cạnh chân Quỳnh, còn Quỳnh đang đứng chống nạnh ra giá với gã buôn ngồi trên xe gắn máy.

Tôi bước lại gần, đứng cạnh đợi Quỳnh và Ngọc xong việc mới cất lời chào, Ngọc nhận ra tôi thì hớn hở, còn Quỳnh thì vẫn dửng dưng như mọi khi. Tôi hỏi thăm cả hai, và cả mấy anh em trên thuyền.

"Hôm nay trúng đậm không anh Quỳnh?" Tôi cất lời hỏi, giờ tôi đã quen với cách gọi này.

Quỳnh không đáp, chỉ hất mặt về phía mấy thúng cá đầy. "Kia, tự nhìn xem." Nó quay sang thằng Ngọc, dặn dò vài câu rồi bắt đầu đi về phía làng. Tôi vội bước theo, đi song song với nó.

"Quỳnh này... tối nay... cho tôi đi cùng nữa được không?"

Nó dừng bước, quay sang nhìn tôi, một cái nhìn xoáy sâu, dò xét, như thể đang cố đọc xem trong lời nói của tôi có bao nhiêu phần là sự bốc đồng. Ánh mắt ấy làm tôi có chút chột dạ, nhưng tôi cố đứng thẳng người, nhìn lại nó chờ đợi.

"Trên thuyền không phải chỗ chơi." Giọng Quỳnh không còn cộc cằn, mà trầm xuống, mang một sự nghiêm túc của người từng trải. "Đã lên là phải làm, không có đùa giỡn được đâu!"

"Tôi biết." Tôi quả quyết. "Tôi muốn đi để tham gia lao động với anh em, không phải để chơi bời gì cả!"

Quỳnh nhìn tôi thêm một lúc nữa, rồi nó khẽ nhún vai, một cái nhún vai đầy vẻ bất cần.

"Tùy. Ra được thì ra."

Nói rồi nó quay lưng bước đi, để lại tôi đứng đó với một cảm giác vừa nhẹ nhõm lại vừa có chút căng thẳng, chuẩn bị cho một đêm nữa làm "bạn chài" của nó.

***

Ánh hoàng hôn lịm dần sau những áng mây hồng mơ mộng bảng lảng, đoàn thuyền lại tiếp tục hành trình chinh phục biển khơi. Lần này tôi lên thuyền với một tâm thế khắc hẳn, thân thuộc và tháo vớt hơn. Tôi lăng xăng xắn tay vào phụ giúp mấy việc lặt vặt, tôi đã quen hơn với cái nhịp tròng trành của con thuyền và mùi dầu hôi quyện với vị cá tanh, thật ra thì vẫn còn đâu đó sự nôn nao, nhưng nó không còn thường trực như lần đầu tôi bước lên thuyền nữa. Tiếng động cơ rè rè, tiếng cót két của những cái tay quay hay cả những tiếng chửi thề vô tư của những gã đánh cá không còn làm tôi khó chịu, mà như một bài ca lao động đi cùng năm tháng. Mấy anh em trên thuyền cởi mở hơn với tôi, việc gì cũng kéo tôi lại cho thử, họ không còn nhìn tôi bằng ánh mắt xa lạ tò mò nữa mà bắt đầu đùa cợt với tôi, bỗ bã và sỗ sàng như thể tôi đã trở thành một phần của họ.

Những chuyến ra biển cứ thế diễn ra, tôi yêu cái cảm giác lao động hăng hái này, và tôi cũng thân hơn với Quỳnh. Có những rạng sáng theo thuyền về bờ, chúng tôi cứ ngồi bên nhau trên mạn thuyền hút thuốc và tâm sự hoặc Quỳnh nghe tôi lảm nhảm về trăm điều trên trời dưới biển. Tôi cảm nhận được rằng Quỳnh đã coi tôi là một người bạn, không còn là một kẻ "ngoại lai" hay một "công tử trắng trẻo, ngại khó ngại khổ".

***

Những buổi chiều ở lại trường làng cùng Yến và lũ trẻ có lẽ là những ký ức trong veo nhất của tôi về mùa hè năm ấy. Không đi biển với Quỳnh, tôi vẫn cùng Yến đến trường chơi với lũ trẻ. Ở với lũ trẻ, tôi thấy Yến hồn nhiên và vô tư hơn hẳn, Yến được trở lại làm một đứa trẻ vô lo vô nghĩ. Yến bày ra hàng đống trò chơi cho bọn nhóc hùa theo, kéo co, nhảy dây, chơi chuyền, đuổi bắt, chơi mệt thì Yến lại quây chúng lại thành một vòng tròn, bắt tôi đệm đàn để Yến dạy chúng hát. Tiếng hát của lũ trẻ chẳng tròn vành rõ chữ, ngây ngô và vô tư lự, lời ca trong xanh màu trời, mộc mạc hòn đất, vui tươi hoa lá trong nắng vàng.

Đêm nay gió mát, trời cao thẳng đứng, trăng tròn vành vạnh treo lơ lửng trên mái đình làng. Chúng tôi vừa ăn cơm tối xong, Yến với tôi đang ngồi ở cái bậc tam cấp trước sân bàn luận về năm học tới. Một cái chớp mắt thôi mà đã được nửa tháng tôi "lăn lộn" ở cái làng chài này, đã thuộc lòng hết nẻo đường lối, đã quen mặt tất cả những người dân trong làng, và cái giọng Quảng Trị đã không còn quá xa lạ nữa.

Đang ngồi ngẩn ngơ, một toán trẻ kéo tới trước cổng nhà, là lũ trẻ con chúng tôi vẫn hay chơi cùng mỗi sáng và chiều. Yến ra mở cổng mời chúng nó vào nhà, cả đám ùa vào như chim vỡ tổ, líu ra líu ríu một góc sân nhà thầy Tùng, lâu lắm rồi cái ngôi nhà yên ắng và già cỗi này mới nghe thấy tiếng trẻ con.

Lũ trẻ lại đòi Yến và tôi bày trò chơi. Chúng tôi chơi rồng rắn lên mây, đoàn tàu nho nhỏ với những toa cao thấp, to nhỏ không đều đi đầu là Yến uốn lượn đi hết một vòng sân.

Rồng rắn lên mây
Có cây lúc lắc
Có nhà hiển vinh
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?

Đoàn tàu dừng trước mặt "thầy thuốc".

"Thầy không có nhà!" Tôi đáp.

"Rồng rắn" quay đi tiếp tục vòng vèo quanh sân, lũ trẻ con nối đuôi nhau sau áo Yến cười khúc khích thích thú, lăng xăng vô tình dẫm cả lên chân nhau, lại dừng trước mặt tôi. Lần này tôi đáp:

"Có nhà! Mẹ con rồng rắn đi đâu?"

Màn đối đáp giữa "thầy thuốc" và "rồng rắn" bắt đầu:

"Mẹ con rồng rắn đi xin thuốc."

"Xin khúc đầu."

"Cùng xương cùng xẩu."

"Xin khúc giữa."

"Cùng máu cùng me."

"Xin khúc đuôi."

"Tha hồ mà đuổi!"

Rồi lũ trẻ con hét ầm lên chạy tán loạn, Yến dang tay cản tôi không cho tiến gần đến chúng, cái Bống nhỏ nhất, đứng cuối hàng đang cong mông chạy trở về với anh chị ở bên kia sân. Yến cười tươi rạng rỡ khi đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ trót lọt những "rồng rắn con", không để đứa nào rơi vào tay tôi. Chạy đuổi theo chúng không được, tôi ngồi vật ra giữa sân mà thở, đám trẻ và Yến được phen sung sướng, đứng ở cuối sân chỉ trỏ tôi.

"Lêu lêu! Lêu lêu Minh nhé!"

Vui đáo để! Tôi thấy cha mẹ Yến bắc ghế ra ngồi dưới hiên nhà, nhìn chúng tôi cười hiền, đuôi mắt ông bà nhăn nheo vết chân chim.

Chơi mệt rồi, chúng tôi lại ngồi hát, tối nay Yến dạy lũ trẻ một bài hát mới. Đứa nào cũng háo hức lắng nghe, mặt chúng vẫn còn đỏ hây hây và đầu tóc thì mướt mải mồ hôi do vừa mới nô đùa, nhưng ánh mắt đứa nào cũng hấp háy sự mong chờ. Tay tôi gảy đàn nhè nhẹ và Yến bắt đầu cất cao giọng hát.

Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ

Lũ trẻ nghêu ngao hát theo, hòa cùng với giọng hát trong trẻo của Yến và tiếng đàn của tôi, tay vỗ nhịp nhịp, dưới ánh trăng vàng, những nụ cười hồn nhiên như suối, tưới mát tâm hồn, vỗ về đứa trẻ chưa kịp lớn bên trong tôi, cả xứ sở tuổi thơ miên man như hiện ra trước mắt.

***

"Cơn bão số 5 sắp đổ bộ vào đất liền, bà con tranh thủ neo đậu thuyền bè, cố định lại nhà cửa, tài sản để phòng tránh những thiệt hại không đáng có..."

Tiếng cô phát thanh viên nghèn nghẹn, rè rè phát ra từ chiếc đài ra-đi-ô. Tôi và bố Yến đang ngồi uống nước chè trên bộ trường kỷ, bàn luận về những áng văn thơ của Nguyễn Du hay Hồ Xuân Hương. Nghe xong tin báo bão, bố Yến chép miệng thở dài:

"Bão lại về, dân làng mình lại khổ rồi!"

Đôi mày ông nhíu lại, thở dài, bàn tay ông mân mê chén trà, mắt nhìn xa xăm ra khoảng trời trước cửa. Bầu trời trong vắt đã bắt đầu có những áng mây kéo tới.

Chiều đó, một buổi hiếm hoi Quỳnh không phải đi biển, tôi cùng với Quỳnh và Yến lại đạp xe đi thong dong khắp làng, đã quen đường quen nẻo, tôi không sợ bị lạc nữa, thong thả đạp cái xe Thống Nhất cũ đi theo sau Yến và Quỳnh.

Dừng xe ở bãi đá lần trước, tôi cất lời hỏi Quỳnh:

"Bão sắp vào rồi, mày với ông Bảy chuẩn bị gì chưa?"

"Tao còn phải đi một chuyến nữa." Dứt lời Quỳnh nói, một con sóng dữ lao tới đập thẳng vào mỏm đá, bọt trắng bắt tung tóe dữ tợn như muốn trườn cả lên bờ, nuốt chửng chúng tôi. "Người ta đặt rồi, không có cá thì không được."

"Người ta đặt là việc của người ta, bão như thế thì sao ra biển được?" Yến nghe thấy câu trả lời của Quỳnh thì đáp, bàn tay Yến nắm chặt nơi gấu áo, đôi mắt tròn xoe long lanh sự lo lắng.

"Này là chuyện làm ăn, đâu phải giỡn chơi đâu mà được với cả không được. Mất mối này là cả đoàn đói hết!" Quỳnh cau có giải thích, xong rồi nó lại vội dịu giọng lại như an ủi Yến. "Xong chuyến này là tao nghỉ đến khi nào bão tan mới đi tiếp, không phải lo."

Ánh tà dương đỏ au chiếu xuống, nhẹ nhàng mà u uất. Vệt nắng cuối ngày cắt qua mặt Yến, vương trên ánh mắt rồi chảy dài xuống dưới gò má, như một dòng nước mắt xót xa. Yến gật đầu xem như đã hiểu, nhưng tôi thấy trong mắt nó vẫn còn chất chứa những nghĩ ngợi và lo toan không tên. Chúng tôi cứ im lặng như vậy nhìn về phía biển, để thời gian trôi đi.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro