Chương 7
Sáng một ngày mưa, gió gầm rít qua từng kẽ lá, quất từng đợt mạnh vào vách tường nhà rầm rầm. Làn nước rơi xuống xiên xẹo, trông như vạn mũi giáo bạc đang được thả tự do xuống cái làng chài vốn đã xác xơ. Trường đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn trong những ngày bão, tàu thuyền đã neo đậu lại, nằm im trong bến mỏi.
Thầy Tùng đang thảnh thơi ngồi dưới hiên nhà uống nước chè xanh và hút thuốc lào rào rào, cái mùi thuốc ngai ngái cùng với hương chè thơm quanh quẩn trong căn nhà nhỏ. Tôi ngồi cạnh đọc Truyện Kiều, chốc chốc lại quay qua bàn luận với ông về những đoạn thơ mà mình tâm đắc, hai "thầy trò" thỉnh thoảng lại gật gù tấm tắc với nhau.
Yến đang ngồi trong bộ trường kỷ, đọc một thứ gì đó, không giống sách, trông nó giống một quyển sổ tay hơn. Tôi đã từng thấy cuốn sổ đó vài lần mỗi khi lục lọi tủ sách của bố Yến, nhưng chưa bao giờ có ý định mở ra khám phá, cái kho tàng văn học đồ sộ của bố Yến có trăm thứ thú vị hơn nhiều.
Đọc hết Truyện Kiều, tôi đứng dậy, quay vào trong nhà tới chỗ tủ sách để tìm một tác phẩm khác, đi qua chỗ trường kỷ Yến ngồi, tôi tò mò liếc mắt vào cuốn sổ Yến đang chăm chú "ngắm". Trang giấy không chứa những hàng kín đặc chữ, chỉ có một tấm ảnh đã mờ dán ở đó, chụp hai đứa trẻ đang đứng trước một chiếc thuyền đánh cá giữa bãi biển, khoác vai nhau. Hai bé gái, chắc tầm mười tuổi, một đứa thấp bé, gầy nhom, đang cố kiễng chân lên cho cao bằng đứa bên cạnh, mặt hớn hở cười tươi, đứa còn lại tóc ngắn cũn cỡn, cao tồng ngồng, khuôn mặt nó quạu cọ vì bị bắt chụp ảnh nhưng vẫn để yên cho đứa kia quàng vai bá cổ. Dưới bức ảnh có đề một dòng chữ nắn nót như học sinh tập viết:
Cửa Tùng, một ngày nắng ấm - Chíp và Bi.
"Chíp và Bi", nghe cứ như tên hai nhân vật ngộ nghĩnh, quậy phá, bất bại trong những bộ truyện tranh cũ. Tôi ngờ ngợ nhìn kĩ, đó là Yến và Quỳnh của những năm tháng trẻ thơ. Trang giấy chẳng có dòng ghi chép nào mà như chứa đựng cả ngàn câu chuyện.
"Ủa Chíp và Bi là mày với Quỳnh hả?"
Tôi ngồi xuống cạnh Yến, khẽ tới nỗi Yến không nhận ra, hoặc có lẽ con bé đang bận chìm trong những tự sự không tên của mình nên không màng đến sự xuất hiện của tôi. Yến giật mình, đóng trang sổ lại rồi quay qua nhìn tôi:
"Hả?"
"Kìa... Trong ảnh ý, Chíp là mày, còn Bi là Quỳnh hả?"
"Ơi... Ừ." Yến bối rối. "Ngày xưa tao bé tí tẹo nên ba mẹ gọi là Chíp. Còn con Quỳnh, mắt nó cứ đen láy như hòn bi ve nên mọi người trong làng gọi nó là Bi." Yến kể, khóe môi không tự chủ mà cong nhẹ lên. Tôi bắt trọn cái tủm tỉm ấy, bắt đầu gợi chuyện:
"Kể tao nghe chuyện bọn mày ngày xưa đi!"
"Ngày xưa á? Ngày xưa thì có chuyện gì mà kể?"
"Thì... thì có gì vui vui thì kể tao nghe với. A... Hay kể tao nghe xem sao hồi đó lại chụp cái ảnh khi nãy đi!"
"Thôi... Có cái gì đâu mà kể." Yến ngại ngùng đặt quyển sổ xuống bàn.
"Không có gì với mày thôi, chứ với tao là mới lắm!" Tôi vẫn lì lợm hỏi chuyện.
Yến thở dài, "Thôi mày đã muốn nghe thì để tao kể..."
"Đấy! Phải thế chứ!" Tôi khoái trí.
***
Cũng là một mùa hạ như bây giờ, năm ấy con nước thuận lợi, dân bám biển kiếm được bộn tiền từ những thúng cá tươi ngon. Bố của Bi gom góp đủ, đóng được một chiếc thuyền đánh cá của riêng ông, từ một thuyền viên đi làm thuê làm mướn trở thành chủ thuyền.
Hôm ấy, ngày con thuyền được hạ thủy, cả làng chài hân hoan, lâu lắm rồi trong làng mới có một con thuyền mới, tiếng cười nói rộn rã cả một góc biển. Hồi đó trong làng tình cờ có một đoàn nhà văn về đi thực tế, một gã nhà báo trong đoàn có mang theo máy ảnh, thấy hai đứa trẻ con cứ quấn quýt lấy nhau trước mũi thuyền mới toanh còn thơm mùi sơn, bèn chụp cho chúng một tấm để làm kỷ niệm. Đó chính là tấm ảnh đang dán trong cuốn sổ kia.
Sau khi thuyền của bố Bi ra khơi thuận lợi, hai đứa trẻ không về nhà ngay mà la cà khắp làng xóm, Chíp rủ Bi ra cánh đồng sau làng thả diều. Con diều giấy được dán vụng về bằng cơm nguội và giấy báo cũ, bay cao quá rồi đứt dây, mắc tít trên một ngọn cây già. Chíp ngồi dưới gốc cây khóc nức nở, muốn trèo lên lấy diều mà sợ ngã, có nói thế nào cũng không nín.
Bi sinh đầu năm, còn Chíp sinh cuối năm, nên tính theo tháng thì Bi "già" hơn Chíp tới gần một tuổi, thấy Chíp ngồi khóc tu tu cũng tỏ vẻ "chị lớn" dỗ dành, mà "em Chíp" không chịu. Thế là Bi của ngày đó đã chẳng ngần ngại đóng vai anh hùng, leo thoăn thoắt lên ngọn cây mà lấy lại con diều giấy cho Chíp. Bi lấy được diều rồi, hân hoan bám trên cành cây, huơ ra khoe Chíp, Chíp đứng dưới vỗ tay hớn hở vui sướng, ngước lên nhìn Bi đầy ngưỡng mộ.
"Rắc...", cành cây già cỗi không tải được sức nặng của đứa trẻ mười tuổi, rơi xuống khỏi thân mẹ, Bi chới với rơi theo cành cây. Con diều rách nát, còn Bi thì nằm sõng soài ra đất, mặt đau tái mét nhưng vẫn cắn răng không chịu khóc, nó gượng đứng dậy nhưng chân đau quá, không làm gì được. Chíp điếng người, vừa dứt cơn khóc vì mất diều, giờ lại đang trào nước mắt vì Bi bị ngã, chạy lại đỡ nhưng Bi không đứng lên nổi, cứ ngồi đó ôm chân, Bi vẫn còn sức quay qua nạt Chíp:
"Tao bị ngã tao còn chưa khóc, mày khóc cái gì?"
Chíp khóc nấc lên từng đợt, cứ muốn trả lời thì lại bị cơn khóc đè xuống, mặt mũi đỏ ửng gay gắt, mắt mũi tèm nhèm hết cả. May mắn lúc đó có vài cô bác làm đồng đi qua, thấy vậy nên giúp đỡ Bi về nhà ông Phong, thầy lang của làng, nhờ ông bó lá đắp thuốc, rồi mọi chuyện cũng tai qua nạn khỏi.
Sáng hôm sau, bố Bi hớn hở về nhà sau chuyến đi biển, nhìn thấy chân con gái đang đắp thuốc mà nóng hết cả ruột, nhưng hỏi dồn thế nào Bi cũng không kể, chỉ nói là đi thả diều, diều mắc trên cây, nó trèo lên lấy, không cẩn thận nên ngã gãy chân. Có dọa đánh rồi dùng lời ngon tiếng ngọt hỏi han Bi cũng nhất quyết không khai ra sự thật đằng sau cú ngã váng trời kia. Sau cùng thì cả làng cũng chỉ biết cái Bi nghịch ngợm, leo trèo cho lắm rồi ngã gãy chân, còn Chíp thì thoát tội, chẳng bị mắng mỏ một lời.
***
"Đấy, thế thôi! Tao còn nợ Quỳnh nhiều lắm. Nó lúc nào cũng muốn bảo vệ tao hết, mà tao chẳng làm được gì cho nó cả." Yến thở dài, đáy mắt long lanh, lại mở cuốn sổ ra chăm chú nhìn vào tấm ảnh đen trắng, ánh mắt dừng lâu hơn trên cái khuôn mặt cau có của "Bi".
Nghe xong câu chuyện, tôi chợt vỡ ra nhiều điều. Cái dáng "chấm phẩy" của Quỳnh mỗi khi nó phải chạy nhiều thì ra là di chứng từ cú ngã "anh hùng" kia. Tôi lại ngồi đó nghĩ ngợi, Quỳnh trân trọng Yến và Yến cũng trân trọng Quỳnh quá, hai đứa như sinh ra là để dành cho nhau vậy.
Từ trong cơn mưa xối xả, một bóng người đạp xe dừng kít lại trước cổng nhà. Xé màn mưa bước vào, trên tay cầm một thứ gì đó được bọc trong giấy báo kín.
"Thầy Tùng ơi, thầy Tùng! Quỳnh đây ạ, thuyền ông Bảy có ít cá một nắng mang qua biếu thầy!"
Bố Yến đang ngồi đứng bật dậy chạy ra đỡ Quỳnh vào hiên, vừa đi vừa trách mắng:
"Ôi dào! Có mấy con cá thì đợi hôm nào hết mưa rồi mang qua, sao phải đội mưa đi cho khổ thế này?"
"Cá đến độ này là đủ nắng, ăn ngon rồi ạ. Để lâu nữa thì lại khô quá, cất trong nhà thì dễ hỏng. Chiều nay cháu ra biển rồi, có mẻ cá mới về, không để chung với cá này được."
"Cá thì thầy cảm ơn, nhưng sao lại đi biển lúc này? Đang bão kia mà?"
"Người ta đặt rồi thầy ạ. Đến đúng ngày không giao được cho người ta thì mất mối mất. Chúng cháu cũng xin hoãn mấy ngày nay rồi, đến mai mà không có thì không được."
"Khổ ghê! Thôi cố gắng nha!"
Tôi với Yến ngồi trong cũng đã đứng hết ra hiên hóng chuyện. Nghe đến tin chiều nay Quỳnh đi biển, Yến cứng đờ người, dù đã biết không sớm thì muộn, Quỳnh cũng sẽ đi nhưng Yến vẫn sững sờ, sau này Yến kể lại với tôi rằng lúc ấy tim con bé hẫng một nhịp, còn lòng nó như cuộn thắt lại lo lắng.
Quỳnh nhìn qua chúng tôi, rồi nhìn xuống cuốn sổ tay Yến đang ôm khư khư, vẫn đang mở ở trang có bức ảnh. Quỳnh liếc qua nó, rồi nhìn lên Yến, mắt không gợn sóng. Yến giật mình nhìn xuống rồi vội vàng đóng sổ vào, nhìn lại Quỳnh rồi tránh ánh mắt đi chỗ khác.
"Làm gì mà khóc lóc thế?"
"Đâu, tao làm gì đâu?" Yến vẫn còn bối rối, lấy mu bàn tay quẹt qua hai gò má hòng xóa đi dấu vết cũng những giọt nước mắt li ti. "Chiều nay... đi cho cẩn thận!"
Nói rồi Yến quay ngoắt vào nhà, ném cuốn sổ lên tủ sách, đi thẳng xuống bếp với mẹ. Để lại tôi, Quỳnh và bố Yến đứng như trời trồng trước hiên.
Quỳnh cũng xin phép ra về còn chuẩn bị chiều nay ra biển, thầy Tùng gật đầu dặn dò nó cẩn thận rồi cũng đi vào. Còn tôi đứng mãi ở hiên, nhìn theo bóng lưng nó tan dần trong làn mưa tuôn.
***
Yến xấu hổ, nấu nướng ăn uống xong là chui tọt vào buồng một mình, không biết ở trong đó làm gì cả buổi mà gọi cũng không ra. Chiều đó, tôi rủ Yến ra bãi tiễn Quỳnh và mấy anh em ra khơi, con bé đồng ý đi cùng, nhưng vẫn ngại ngùng, cả buổi cứ đứng cạnh tôi, chẳng nói chẳng rằng gì với ai.
Mấy thanh niên trên thuyền thấy Yến ra thì vui lắm, cứ đùa mãi:
"Yến ra tiễn bọn anh hỉ?"
"Bọn anh đi chuyến này về, ba năm sau biển còn sợ!"
"Yến ở nhà đợi anh về nhé!"
"Anh đi rồi anh lại về, Yến không phải lo."
Quỳnh phải đi lùa bọn choai choai ấy lên thuyền chúng nó mới chịu thôi. Lúc này, Yến mới chậm rãi đi gần tới Quỳnh, lôi từ trong túi quần ra một chiếc khăn mùi xoa, trên ấy thêu một chùm hoa quỳnh bé bé.
"Mày đi cẩn thận. Tao ở nhà đợi đấy!" Yến thỏ thẻ, kéo tay Quỳnh dúi cái khăn vào.
Má Yến đỏ hây hây, và trong một phút giây, tôi cũng thấy má Quỳnh ửng lên nắng chiều hồng hồng.
"Rồi tao biết rồi, không làm sao đâu."
Nói rồi Quỳnh xoa nhẹ đầu của Yến, song nó nhảy lên thuyền. Chiếc thuyền lại mệt nhọc bơi đi, sẵn sàng nghênh chiến với bão táp, Quỳnh còn đứng mãi ở mạn sau nhìn về phía chúng tôi, tay cần khăn Yến đưa vẫy vẫy.
Đêm nay chỉ có mình thuyền của Quỳnh ra khơi, lẻ loi trước giông bão. Ánh mặt trời núp sau những rặng mây, chẳng chịu ló mặt. Áng mây đen trên trời vần vũ kéo tới xoáy tròn trên cao, mưa vẫn rơi như trút. Chiếc thuyền như vị hiệp sĩ dũng mãnh đơn độc, dần tăng tốc, một mình lao ra biển khơi. Những con sóng lớn gầm gào đập vào hai mạn thuyền tung bọt trắng xóa, như những chiếc xúc tu của con thủy quái khổng lồ chỉ trực chờ lao vào cấu xé tan nát gã dũng sĩ già nua. Biển và trời như hòa vào làm một, tôi không phân biệt đâu là trời đâu là biển, chỉ thấy một màu đen kịt, giận dữ và cáu bẳn, rợn ngợp, nổi bật trên đó là màu xanh đỏ đã phai của chiếc thuyền, phăng phăng cưỡi lên sóng mà lao đi. Bi tráng quá!
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro