Chương 8

Đêm đó mưa không dứt, nằm ở chiếc chõng tre, tôi nghe thấy tiếng gió rít bên tai từng cơn, mưa vẫn trút ầm ầm như tiếng trống hội. Tôi không ngủ yên được, một phần vì tiếng mưa gió tạt bên ngoài, một phần vì ruột cứ nóng nóng, nhắm mắt vào là lại nghĩ ngợi linh tinh. Nằm thêm một lúc, tôi quyết định ngồi dậy, thắp đèn lên, châm thuốc và hút, để làn khói xoa dịu đầu óc tôi. Hết một điếu, tôi với lấy quyển sổ tay của mình và cây bút, bắt đầu ghi xuống những suy nghĩ của mình.

Quyển sổ tôi dùng để ghi lại những ký ức ở nơi đây, nó đã kín đặc những chữ là chữ, về con người, về những trò chơi với lũ trẻ và Yến, về những cuộc đối thoại văn học và triết lý với thầy Tùng, về những bữa cơm của mẹ Yến, về những đêm bám biển với Quỳnh, về cả những cái ngượng nghịu Yến dành cho Quỳnh...

Đang chìm trong những nghĩ suy và ghi chép, tiếng mở cửa buồng sột soạt đánh thức tôi, Yến đang lò dò bước ra, mặt Yến heo hút với ánh đèn dầu trên tay, hình như Yến cũng không ngủ được.

"Mày không ngủ được à?" Tôi cất giọng hỏi thăm.

"Ừ! Tao cứ thấy lo lo, con Quỳnh đi đêm nay có sao không nhỉ?"

"Thôi, trộm vía đi! Nghĩ tích cực lên, Quỳnh sẽ không sao, sáng mai là lại thấy nó thôi mà!"

"Nhưng mà tao lo lắm, ruột gan cứ cồn cào, tao sợ Quỳnh bị gì lắm!" Nước mắt Yến đã trực trào.

Tôi bối rối, Yến khóc rưng rức, tôi đành bỏ dở trang giấy, quay qua xoa lưng vỗ về con bé. Khóc mệt, Yến lịm đi, tôi đỡ Yến nằm xuống cái chõng tre, thu dọn đồ đạc, thổi tắt đèn rồi cũng đặt lưng cố tìm giấc ngủ.

***

Sáng hôm sau, mặt trời chiếu tia nắng đầu tiên xuống, đánh tan đám quái vật u ám đang chế ngự bầu trời, một buổi sớm hiếm hoi mưa ngừng giữa cơn bão trái mùa.

Yến ngủ nông, thức trước tôi, kéo tôi dậy đi ra bãi thuyền. Thuyền của ông Bảy đã cập bến, nằm lặng lẽ giữa bãi biển vắng, ánh bình minh ôm lấy bầu trời, nhuộm vàng lên khung cảnh, trông thật huy hoàng. Chàng hiệp sĩ đã thắng trận trở về. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, nhưng cái nhẹ nhõm ấy chưa ở được bao lâu thì tin dữ lại đến. Chúng tôi đảo mắt tìm khắp nơi không thấy cái bóng dáng cao gầy quen thuộc đâu, mà nhìn mặt mày ai cũng ủ dột, uể oải.

Tôi túm thằng Ngọc lại hỏi chuyện, thằng bé chẳng còn cái vẻ lanh lợi mọi khi, trông buồn thiu.

"Ngọc! Quỳnh đâu rồi?"

"Ơ chị... anh Quỳnh á? Đêm qua anh Quỳnh ốm mà cứ làm cố, ngất trên thuyền, đến gần sáng mới tỉnh, ông Bảy với anh Việt vừa đỡ về nhà rồi!"

Yến nghe xong thì nói chen vào, giọng lạc đi vì lo lắng:

"Ngất á? Sao mà ngất được?"

"Em chịu, tối qua lên thuyền đã thấy anh Quỳnh mệt mệt rồi, mắt đỏ lừ lên, mà cứ cố làm. Anh em bảo ra nghỉ thì nhất quyết không, dầm mưa trên thuyền cả buổi, đến khi kéo xong mẻ lưới thứ hai thì lăn ra ngất, suýt nữa lộn cổ xuống biển, may mấy anh em để ý giữ được, bế vào buồng nằm nghỉ đến tận sáng..."

Vậy là cái sự nóng ruột đêm qua của Yến là có căn cứ.

Yến không nói một lời, quay phắt người. Bóng nó lao đi như một mũi tên. Tôi chỉ kịp vứt lại một câu cảm ơn với thằng Ngọc rồi chạy thục mạng theo sau. Khung cảnh hai bên đường nhòe đi. Tôi chỉ nghe thấy tiếng thở dốc của chính mình hòa cùng tiếng chân của Yến đang đạp lên con đường đất từng bước từng bước. Nó không chỉ chạy, nó đang bỏ trốn khỏi cái tin dữ vừa nghe thấy. Chúng tôi chạy tận đến cuối làng, rẽ vào một con hẻm nhỏ rồi dừng lại trước một căn nhà gạch thô bé tẹo. Ở trong vọng ra tiếng trách móc của một người phụ nữ lớn tuổi:

"Làm cho cố vô! Giờ mày ốm nằm ra đây vợ chồng tao lại phải chăm. Bi ơi là Bi!"

Yến đẩy cửa đi vào, Quỳnh đang nằm bệt trên giường, trên chán đắp một cái khăn trắng thấm nước, bên cạnh là một người đàn bà đang vò khăn lau tay lau chân cho nó, vợ ông Bảy.

Đây là nhà của Quỳnh, là căn nhà bố mẹ nó xây từ hồi mới cưới nhau về, đơn sơ, nằm nép mình trong một con hẻm nhỏ. Sau này bố nó mất, Quỳnh vẫn ở lại đây một mình, chẳng qua là có vợ chồng ông Bảy thỉnh thoảng sang chăm nom, cho cái ăn cái uống, nhưng lớn dần rồi thì Quỳnh cũng tự, không phụ thuộc vào ông bà Bảy nữa.

"Cái Yến sang thăm Bi à? Vào đi vào đi, cả Minh nữa!" Bà Bảy phát hiện ra chúng tôi, mở lời mời vào nhà.

Tôi đã gặp bà Bảy vài lần trong những hôm đi loanh quanh trong làng khiêng thúng mủng, lưới đánh cá cùng Quỳnh về nhà ông Bảy. Bà đẹp lắm, đẫy đà, tính tình xởi lởi, hài hước và đanh đá, bà nói một câu là ông Bảy phải nghe, dữ dằn là vậy nhưng cũng thương chồng con lắm.

Yến cúi đầu chào rồi ngồi ngay lên giường cầm lấy tay Quỳnh hỏi han, con bé lo lắng mà đến tội. Quỳnh nằm trên giường mê man, mắt nhắm mắt mở, gắng gượng ngồi dậy tiếp khách, nhấc được cái đầu lên rồi lại nằm vật xuống uể oải, tôi thấy tay còn lại của Quỳnh đang nắm chặt một vật gì đó như một chiếc khăn tay trắng... Vậy là Quỳnh mệt lắm. Bình thường, sức của Quỳnh phải khỏe ngang với những gã trai tráng kia mà, vậy mà hôm nay nó nằm bẹp dí trên giường, cơn sốt hành nó run lên, rên hừ hừ, trời giữa tháng bảy nắng vỡ đầu mà Quỳnh thì cuốn chặt cái chăn mỏng.

Bà Bảy để chúng tôi trông Quỳnh, đi ra cái làn mây lấy thuốc, là mấy viên thuốc xanh đỏ gì đó tôi không biết tên, bà còn cẩn thận pha một bình nước chanh muối ấm. Yến đỡ Quỳnh ngồi dậy, tựa đầu vào vai mình.

"Quỳnh, uống thuốc đi cho hạ sốt."

Quỳnh quay mặt đi, giọng khản đặc, nghe như tiếng của một đứa trẻ con đang làm nũng.

"Hông! Hông uống... Đắng."

Yến thở dài, nhưng trong giọng nói của nó lại có một sự kiên quyết mà tôi chưa từng thấy bao giờ.

"Không uống thì làm sao mà khỏi? Mày có muốn nằm đây mãi không?" Yến dỗ dành, rồi giọng con bé chợt mềm đi, nó ghé sát vào tai Quỳnh thì thầm. "Ngoan, uống đi rồi khỏe còn đi biển nữa chứ."

Hai chữ "đi biển" dường như có một sức mạnh vô hình, như nhớ ra một trọng trách gì đó quan trọng, Quỳnh không gạt đi nữa, để yên cho Yến đưa cốc nước và mấy viên thuốc lên miệng. Uống xong, Yến lại nhẹ nhàng đặt nó nằm xuống, cẩn thận đắp lại tấm chăn. Bà Bảy thấy Quỳnh nghe lời Yến, liền khoái trí chỉ vào bát cháo tôm đang để bên giường, cất giọng sang sảng:

"Con Yến dỗ nó được thì cho nó ăn hết bát cháo này hộ dì với. Nãy giờ tao ép mãi mà nó cứ lèo nhèo đẩy ra."

"Dì cứ để đó, cháu cho Quỳnh ăn ạ!"

Yến thổi từng thìa cháo cho nguội bớt, rồi đưa lên miệng Quỳnh.

"Ăn đi cho có sức."

Quỳnh lại lắc đầu, đôi mắt mệt mỏi nhắm nghiền.

"Tao không muốn ăn."

"Há miệng ra!" Lần này, giọng Yến không còn là lời dỗ dành, mà là một mệnh lệnh dịu dàng. Nó xúc một thìa cháo đầy, kiên nhẫn giữ ở trước miệng Quỳnh. Sau một hồi im lặng, Quỳnh đành chịu thua, khẽ hé miệng ra nhận lấy thìa cháo.

"Ái chà... Ra là Bi thích để gái đẹp mớm cho ăn à! Thôi chúng mày chăm nhau đi, tao về nấu cơm cho ông Bảy đây."

Bà Bảy như trút được của nợ, xách làn ra về. Cứ như thế, Yến kiên nhẫn đút cho Quỳnh từng thìa một, nhẹ nhàng cẩn thận gạt đia phần cháo thừa trên môi mép Quỳnh, dùng ngón cái lau đi những vệt cháo dính đi những vệt cháo còn vương trên gò má nóng hổi của người kia trong một khoảnh khắc.

Tôi đứng nép mình bên khung cửa, ánh sáng từ bên ngoài hắt vào, biến tôi thành một cái bóng đen im lặng. Từ trong căn phòng, chỉ có ánh sáng nhè nhẹ của những tia nắng nhỏ lọt vào qua khung cửa sổ đang khép hờ, bao trùm lấy hai người họ, tạo ra một vầng sáng riêng tư và ấm áp. Tôi không nghe thấy tiếng Yến, chỉ có tiếng thìa va nhẹ vào thành bát, và tiếng thở khò khè, khó nhọc của Quỳnh. Những âm thanh nhỏ bé ấy, trong căn phòng tĩnh mịch, lại vang lên còn rõ hơn cả tiếng mưa bão ngoài kia.

"Anh hai Quỳnh" oai phong, người có thể dẹp tan cả một đám trai làng ồn ào bằng một cái lườm mắt, giờ đây lại ngoan ngoãn như một đứa trẻ, được "em Chíp" bé bỏng ngày nào chăm sóc. Tôi lặng lẽ lùi lại, khép hờ cánh cửa, trả lại cho cái thế giới riêng tư mà có lẽ, đã rất lâu rồi "Chíp và Bi" mới tìm lại được.

Tôi thong dong đi trên con đường đất ra đình làng, lũ trẻ con đang tụ tập đá bóng ở đó. Tôi ở đó chơi với chúng cả một buổi sáng, mệt lả đi mới biết đường về. Mặt trời đã lên tới đỉnh đầu, hình như bão đã tan rồi, những cơn mưa dần thưa đi.

***

Về đến nhà, tôi thấy Yến đang sửa soạn chuẩn bị đi đâu, tôi tò mò hỏi thăm:

"Ơ... Yến về rồi à? Lại chuẩn bị đi đâu đấy?"

"Tao sang nhà con Quỳnh, chắc ở lại vài hôm đến khi nào nó khỏe hẳn. Chứ để nó vạ vật ở đó một mình lo lắm!"

Mẹ Yến đang xách cái cặp lồng đựng đầy cháo nóng đưa ra, giọng bà cau có trách mắng:

"Khổ chưa! Vì mấy con cá mà ốm quặt quẹo ra!" Rồi bà nhìn qua tôi, "Hay Minh đi cùng Yến qua nhà Quỳnh đi. Bác thấy hai chúng nó ở một mình với nhau không yên tâm, đều là con gái, một đứa thì ốm yếu, một đứa thì mỏng manh, lỡ có chuyện gì thì trở tay không kịp. Cháu đi cùng là thêm một người, cho bác an tâm."

"Vâng, vậy để cháu đi cùng Yến cho ạ!" Tôi đồng ý, vơ vội đồ đạc của mình rồi đi cùng Yến qua nhà Quỳnh.

Ông bà Bảy đang ở bên đó, có thêm một bé gái đang ngồi trên giường chọc chọc cái má hây hây của Quỳnh, giọng ngọng líu ngọng lô.

"Bi ơi, Bi nhanh khỏe chơi với Hậu ná!"

Con gái ông bà Bảy, cái Hậu, bốn năm tuổi gì đó, con bé vẫn hay chơi cùng tôi và Yến mỗi ngày ở trường. Hậu thích Quỳnh lắm, quấn quýt lấy nó suốt. Thấy bọn tôi lỉnh kỉnh đồ đạc vào nhà, con bé reo lên:

"A... Chị Yến với Minh kìa!"

Chúng tôi bước vào nhà, đặt túi đồ xuống góc nhà rồi đi lại phía ông bà Bảy chào hỏi, Yến thông báo:

"Tối nay với mấy hôm nữa bọn cháu ở đây chăm Quỳnh, chú dì yên tâm nha!"

"May quá, thế nhờ hai đứa, có gì cần giúp thì cứ bảo nhé, không phải ngại!"

Ông bà Bảy với Hậu ở lại chơi với thêm một lúc nữa rồi ra về, để lại ba đứa chúng tôi trong căn nhà nhỏ. Căn nhà chỉ có một gian, đồ đạc đơn sơ nhưng có phần bừa bộn của một người sống một mình, không có bàn tay chăm sóc.

Không gian vừa yên tĩnh trở lại, Yến đã ngay lập tức bắt tay vào việc. Con bé như biến thành một người khác, không còn vẻ ngại ngùng, thay vào đó là sự tháo vát lạ thường. Nó lẳng lặng lấy chổi quét đi lớp bụi mỏng trên sàn, sắp xếp lại mấy bộ quần áo của Quỳnh vắt trên ghế, lau dọn lại bộ bàn ghế duy nhất. Yến sai đâu, tôi đánh đó, lóng ngóng làm theo, chân tay quắn quéo hết cả lên, vụng về một cách đáng thương. Cứ dăm ba phút, Yến lại đi đến bên giường, khẽ đặt tay lên trán Quỳnh để kiểm tra nhiệt độ, rồi lại đi ra thau nước, vắt khô chiếc khăn và cẩn thận đặt lại lên vầng trán nóng hổi của người đang mê man.

Một lúc sau, Yến đi xuống gian bếp nhỏ ở cuối nhà, tiếng dao thớt, xoong nồi bắt đầu lạch cạch vang lên.

"Mày ngồi đó trông Quỳnh nhé, tao nấu ít cháo loãng cho nó rồi còn nấu cơm ăn." Yến nói vọng ra.

Tôi vâng lời, ngồi xuống chiếc ghế đẩu cạnh giường Quỳnh. Tôi lấy cuốn sách mượn của thầy Tùng ra đọc, nhưng mắt thì chốc chốc lại liếc nhìn con người đang nằm trên giường, trông chừng tiếng thở khò khè. Trong giấc ngủ, khuôn mặt Quỳnh không còn vẻ gai góc, bất cần, những đường nét góc cạnh dường như mềm mại hơn, đôi lông mày đang khẽ nhíu lại vì mệt mỏi, trông nó bình yên và yếu đuối như một đứa trẻ. Đây mới chính là Bi của ngày xưa, tôi đồ vậy.

Quỳnh cựa mình, mắt nó lờ đờ mở ra, nhìn quanh căn phòng một lượt rồi dừng lại ở tôi, giọng khản đặc:

"Yến... Yến đâu rồi?"

Câu đầu tiên khi tỉnh lại, nó đã hỏi về Yến. Tôi vội đặt sách xuống, rót một ca nước ấm để sẵn trên bàn, đỡ nó ngồi dậy.

"Yến đang dưới bếp nấu cơm. Mày uống nước đi."

Tôi đưa ca nước lên miệng nó, Quỳnh ngoan ngoãn uống một ngụm nhỏ, rồi lại mệt mỏi nằm xuống, ánh mắt có vẻ đã yên tâm hơn. Nó nhắm mắt lại, nhưng tôi biết nó chưa ngủ. Tôi ngồi đó, nghĩ ngợi một hồi, rồi khẽ cất lời, một lời nói mà tôi cảm thấy mình cần phải nói ra.

"Yến... Nó lo cho mày lắm đấy!"

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro