Chương 9

Tối đó lại mưa, cơn mưa rỉ rả, lộp độp trên mái tôn cũ nhà Quỳnh nghe như một bản nhạc mùa hạ vui tai. Vừa cơm nước xong, tôi rửa bát sau hè, còn Yến thì đang lau người và thay quần áo cho Quỳnh, con bé nhất quyết không cho tôi làm cùng, một mực đuổi tôi đi dọn bếp. Tôi xin thề rằng tôi không có ý đồ gì đâu, chỉ lo Quỳnh mệt rồi khó chịu, quậy Yến thì mãi cũng không xong được việc mất.

Ngồi sau hè rửa bát nhưng tai tôi đang đậu trên bậu cửa sổ hóng hớt chuyện bên trong, chốc chốc lại nghe thấy tiếng Yến càm ràm.

"Nào ngửa cái cổ lên để tao lau."

"Giơ tay lên, cởi áo ra, mồ hôi ra hết áo rồi!"

"Tao nói phải nghe. Nào! Nhanh lên!"

Xong việc, Yến đi ra sau hè với tôi để giặt quần áo, tôi thấy mặt con bé đỏ lự, không phải kiểu bị sốt mà là ngượng ngùng.

"Làm gì mà mặt đỏ như gấc thế? Chăm 'anh Quỳnh' vất vả lắm à?"

"Mày im đi!" Yến lườm tôi một cái cháy mắt. "Nhanh lên còn đi ngủ."

Hai đứa hì hục giặt giũ dưới ánh đèn vàng vọt. Tiếng mưa bên ngoài đã nhỏ lại, chỉ còn tí tách trên mái tôn, nhịp nhàng như một bài hát ru. Giặt giũ, phơi phóng xong xuôi, chúng tôi chuẩn bị đi ngủ. Căn nhà chỉ có một chiếc giường, tôi tự giác chỉ ra bộ trường kỷ.

"Thôi, để tao ra ghế nằm cho. Mày với Quỳnh nằm trên giường."

Yến ái ngại. "Thôi, mày lên nằm với Quỳnh đi, ghế cứng lại ngủ không quen."

Tôi quả quyết. "Tao nằm đâu cũng được, dễ ngủ mà."

Nói rồi tôi trải một chiếc chiếu mỏng lên ghế, lấy cái áo khoác vo lại làm gối. Yến không nói gì thêm, lặng lẽ thổi tắt bớt một ngọn đèn dầu, chỉ để lại một ngọn leo lét ở góc phòng cho Quỳnh có tỉnh giấc giữa đêm thì không bị tối.

Yến và Quỳnh đã nằm yên trên giường. Tôi nghe tiếng thở đều đều của hai đứa, chắc đã thấm mệt sau một ngày dài. Tôi thì vẫn không tài nào ngủ được, lòng còn quá nhiều ngổn ngang, tôi với lấy cuốn sách mượn của thầy Tùng đang đọc dở, chìm đắm vào thế giới của những vần thơ. Đọc say sưa quên cả thời gian, đến khi mắt đã díu lại, tôi mới giật mình nhận ra đêm đã về khuya.

Tôi gấp sách lại, nhẹ nhàng đứng dậy đi một vòng kiểm tra lại cửa nẻo trong nhà cho chắc chắn. Mưa lại bắt đầu to, tiếng gió thổi vù vù bên ngoài, nện vào mái tồn sầm sập. Đi ngang qua giường, tôi bất giác dừng lại. Dưới ánh đèn dầu vàng vọt, Yến đã gối đầu lên vai Quỳnh từ lúc nào, ngủ một cách ngon lành. Còn Quỳnh, dù đang mê man, một cánh tay vẫn vô thức vòng qua, ôm lấy Yến vào lòng, một tư thế đầy che chở và bao bọc. Gương mặt cả hai đứa lúc này thật bình yên, mọi sự gai góc, giận hờn, xa cách của ban ngày dường như đã tan biến hết.

Tôi đứng đó một lúc, mỉm cười tủm tỉm một mình. Tôi lặng lẽ quay lại chiếc ghế gỗ, giả vờ như chưa từng thấy gì. Đêm nay, có lẽ tôi sẽ có một giấc ngủ thật ngon.

***

Sáng hôm sau Yến dậy trước, lúi húi dưới bếp nấu đồ ăn sáng cho cả ba đứa. Tôi dậy sau, đi đánh răng rửa mặt rồi ra trước hiên hút thuốc. Quỳnh vẫn còn ngủ, hôm nay sắc môi đã hồng hào hơn, cơn ốm đã qua được một nửa.

Đang ngồi thẫn thờ ở ngoài hè, tôi nghe thấy tiếng bước chân nhè nhẹ đằng sau, quay lại nhìn, Quỳnh đã dậy và đứng lên rời giường được, nó vịn theo bờ tường men men ra ngoài hiên với tôi, trông cái dáng nó như một đứa trẻ con đang tập đi dù thân hình thì cao lớn tồng ngồng. Mặt nó cau có vì phải tiếp xúc với ánh sáng, tóc tai rối bù, quần áo xộc xệch. Tôi hỏi thăm:

"Khỏe chưa? Thấy nhức mỏi ở đâu không?"

"Không. Đỡ rồi. Yến lại chạy đâu nữa rồi?"

Tôi cười cười, trêu lại:

"Mới ốm dậy đã tìm Yến, lo nó bốc hơi mất hay sao?"

Quỳnh lừ mắt nhìn tôi, định quay lại vào trong giường thì tôi trả lời:

"Đang nấu cháo ăn sáng rồi. Cô cứ khéo lo."

Quỳnh nghe được câu trả lời mong muốn thì kéo cái ghế đẩu ngồi xuống bên cạnh tôi, xin một điếu thuốc. Tôi đưa Quỳnh một điếu, châm lửa cho nó rồi hai chúng tôi cứ ngồi đó ngắm màn mưa tuôn qua làn khói thuốc đợi chờ.

"Hôm qua tao có quậy không?"

"Hả...? Hôm qua á? Mày nằm ngủ li bì cả ngày có biết trời trăng ra sao đâu. Sáng bà Bảy qua chăm mà mày không chịu, phải để Yến ra tay mày mới ngoan ngoãn nghe lời. Khó chiều ghê!"

"Gì mà Yến chăm mới ngoan...?" Mặt Quỳnh lại hây hây đỏ.

Tôi không phân biệt được là đỏ vì cơn sốt lại tới hay đỏ vì ngại nên hỏi:

"Sao mặt mày đỏ au vậy? Sốt lại à?"

"Không... Thôi tao đi vào xem con Yến nấu nướng thế nào đây."

Quỳnh lỉnh đi, tôi lại ngồi cười cười, hai chúng nó ngại ngùng mà đáng yêu phải biết!

***

Quỳnh hết ốm cũng là lúc tôi và Yến phải quay lại với học hành ở Hà Nội. Sáng hôm đó, chúng tôi lại lỉnh kỉnh ba lô và đồ đạc ra hàng tạp hóa đầu làng đợi xe lam đến đón. Quay về, chúng tôi còn phải mang vác thêm nhiều thùng các-tông khác nữa, nào là cá khô, tôm khô,... những món "quà quê" đặc sản nơi đây. Bố mẹ Yến cho tôi nhiều, dặn là biếu gia đình tôi trên Hà Nội. Yến cũng không kém phần, sợ con gái trên này ăn uống lạ miệng nên cũng giắt túi con bé mấy hộp ruốc tôm đem lên. Bố mẹ Yến và Quỳnh phải phụ chúng tôi bê ra đầu làng thì mới hết. Mẹ Yến cứ nắm lấy tay tôi và Yến, dặn dò đủ thứ, từ chuyện ăn uống đến đi lại, cứ như thể tôi cũng là con gái của bà vậy. Thầy Tùng thì chỉ đứng một bên, mắt nhìn chúng tôi hiền từ, ông ít nói, nhưng tôi biết trong lòng ông cũng đang lẫn lộn nhiều điều.

Giữa những lời dặn dò ân cần của hai bác, Quỳnh chỉ đứng ở phía xa, tựa lưng vào một gốc cây phượng, lặng lẽ hút thuốc. Nó không tham gia vào câu chuyện, chỉ đứng đó quan sát, ánh mắt khó đoán. Yến sau khi chào tạm biệt bố mẹ, mới từ từ bước lại phía nó. Tôi đứng từ xa nhìn lại, cố tình không đến gần. Từ chỗ tôi đứng, hai đứa nó được đóng khung một cách hoàn hảo giữa hai cây cột của mái hiên quán tạp hóa. Mọi sự ồn ào của bến bãi, tiếng người nói cười, dường như lùi lại, trở thành phông nền mờ ảo. Khung cảnh nhỏ chỉ dành cho hai người, với một cuộc đối thoại không nhiều lời nhưng tôi biết nó chất chứa nhiều hơn thế.

"Tao đi nhé." Yến nói, giọng khẽ khàng.

Quỳnh gật đầu, rít một hơi thuốc thở ra một làn khói trắng rồi ném mẩu thuốc xuống đất, dẫm tắt.

"Ừ. Lên đó học hành cho tốt."

"Mày... ở nhà cũng giữ gìn sức khỏe." Yến ngập ngừng. "Đừng có gắng sức làm cố làm gì, mệt thì phải nghỉ."

Quỳnh không hứa, nó chỉ khẽ nhếch môi, một nụ cười nửa miệng đầy vẻ bất cần nhưng lại không hề có sự cợt nhả.

"Biết rồi, nói mãi."

Chúng nó cứ đứng như vậy, không lời. Yến nhìn Quỳnh, Quỳnh lại nhìn đi đâu đó phía con đường đất dẫn ra khỏi làng. Không có những cái ôm, không có những lời sướt mướt từ biệt, nhưng tôi cảm nhận được một sự bịn rịn đặc quánh đang bao trùm lấy cả hai.

Tiếng động cơ của chiếc xe lam từ xa vọng lại, chiếc xe chạy tới, cái bóng của nó đổ dài, cắt ngang qua không gian của hai người, như một lời nhắc nhở tàn nhẫn rằng khoảnh khắc này sắp phải kết thúc. Chúng tôi hối hả chất đống đồ đạc lên chiếc xe lam chật chội. Ngồi yên vị trên xe, tôi nhìn qua khung cửa sổ, bố mẹ Yến đứng vẫy tay, mắt mẹ Yến đã hoe đỏ. Và Quỳnh, nó vẫn đứng đó, dưới gốc cổ thụ, không vẫy tay, không nói lời tạm biệt. Nó chỉ đứng lặng, hai tay đút túi quần, nhìn theo chiếc xe của chúng tôi cho đến khi chúng tôi rẽ ở cuối con đường làng và khuất dạng. Hình ảnh bóng lưng cô độc của nó cứ ám ảnh tôi suốt cả một quãng đường dài.

Yến ngồi trên xe, nãy giờ vẫn cố diễn nét vui vẻ, đang rấm rứt lau nước mắl, lại những tháng ngày xa nhà, xa bố mẹ, xa những thứ quen thuộc, xa Quỳnh... Tôi để cho con bé khóc, khóc hết ra thì trong lòng sẽ nhẹ hơn, chỉ ngồi cạnh chốc chốc lại đưa cho tờ khăn giấy để lau nước mắt. Cứ thế chúng tôi lại tròng trành trên chuyến xe trở về thành phố hối hả - Hà Nội.

***

Trong căn phòng quen thuộc của tôi trong ngôi nhà ở Hà Nội, tôi trải những tấm ảnh vừa tráng xong ra bàn, dưới ánh đèn tuýp sáng chưng, ký ức của cả mùa hè như được chiếu lại, thước phim tua chậm chạy trong đầu não tôi. Tấm này là nụ cười trong veo của Yến khi chơi rồng rắn với lũ trẻ. Tấm kia là đôi tay chai sần của Quỳnh đang thoăn thoắt vá lưới, tôi gần như vẫn còn ngửi thấy mùi mặn mòi của nó. Một tấm ảnh là cảnh đoàn thuyền ra khơi, tấm ngay bên cạnh là cảnh đoàn thuyền thắng trận trở về.

Tôi nhận ra, mình đã không chỉ chụp lại hình ảnh, mà còn cố gắng đóng gói cả cảm xúc vào trong những cuộn phim. Tôi giữ lại tất cả những bức ảnh ấy, cẩn thận lồng chúng vào một cuốn an-bum bọc da mới cóng vừa mua. Chỉ duy nhất có một bức ảnh là tôi gửi cho Yến. Đó là bức Yến và Quỳnh ngồi bên nhau ở mỏm đá ngày ấy, lãng mạn và riêng tư, kèm một chú thích bên dưới:

Cửa Tùng, những năm tháng đã lớn khôn - Yến và Quỳnh

Tôi nộp bức ảnh chụp Quỳnh đứng trên mỏm đá nhìn ra biển cho tạp chí nhiếp ảnh sinh viên, dưới tên là "Đòi nợ biển". Bức ảnh đạt giải nhất của tuần và được đăng trên trang bìa của kỳ báo tiếp theo. Tôi hãnh diện và sung sướng vô cùng, nhờ Yến viết thư thông báo cho Quỳnh và gửi kèm nó cả bức ảnh ấy. Tôi không biết Quỳnh sẽ phản ứng ra sao khi nhận được nó, nhưng tôi thầm biết ơn Quỳnh, người đã cho tôi nhiều hơn cả một giải thưởng. Quỳnh đã cho tôi thấy, đằng sau một bức ảnh đẹp không phải là một khung cảnh đẹp, mà là một số phận, một câu chuyện đáng để kể. Và cái tên "Đòi nợ biển" không phải là của tôi, mà chính cuộc đời nó.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro