Anh Supha, bình gốm và chăn may thủ công
Những cuộc gọi đã xuất hiện từ tuần trước, mấy cuốc gọi từ người yêu cũ - Anh Supha
Tôi nhất thiết phải lấy làm lạ, bất ngờ, hồ hởi, phấn khởi, rồi lại bực tức, rải muối, trừ tà. Đáng lẽ tôi phải làm những thứ đó. Tôi đã luyện tập trước gương phải có vẻ mặt gì khi gặp lại, từ cái hôm chúng tôi chia tay. Tôi lưu trong điện thoại của mình một cái gương bát quái, một cái gương chiếu yêu và một tấm bùa trừ tà. Tôi luyện tập giơ chúng lên trước mặt và giả vờ rằng tôi sẽ làm vậy khi gặp lại anh những năm mươi lần, và rồi luyện tập điều này lên Pichetpong phải những năm mươi lần nữa. Tổng cộng, tôi có một trăm lần luyện tập trạng thái khi gặp lại người yêu cũ, tôi luyện tập việc đó bằng cả trái tim mình.
Tôi đã thật sự nghĩ rằng một trăm lần khổ luyện đó sẽ mang một sứ mệnh cao cả, hoặc ít nhất giúp tôi không bẽ mặt khi gặp lại anh Supha. Tuy vậy, tôi chưa bao giờ nghĩ chúng tôi sẽ gặp lại, quả thật là vậy. Đáng lý tôi nên viết cho anh một lá thư từ mặt để chẳng nhỡ mà anh nghĩ tới chuyện gọi điện lại cho tôi, thì hẵng còn biết rằng nỗi đau của tôi là quá lớn để có thể nhấc điện thoại của anh. Thế mà tôi đã không làm vậy. Đáng ra tôi nên biết rằng anh không để yên cho năm cái bình gốm sứ cắm hoa, cùng hai tấm chăn may thủ công của anh ở nhà tôi là quá lớn để anh có thể quên đi.
Hôm trước, tôi đã ngờ ngợ là có chuyện gì sắp đến, vì mắt tôi cứ giật liên hồi. Người ta gọi nó là điềm báo, nhưng nhiều khi còn phải xem theo giờ. Cả nam và nữ đều có những cách xem mắt giật khác nhau, và điều đó làm tôi phát điên vì tôi cũng không dám chắc mắt tôi giật vào khoảng mấy giờ. Đến tận lúc tra trên mạng thì tôi mới biết mấy cái thứ này đều phải xem theo giờ hết, chứ không có nghĩa việc mắt giật chỉ là ông trời đang báo cáo về một cái vận rủi qua đường co rút cơ mặt. Có khi ổng cũng báo về điều hên, nhưng mà thường may và chẳng may nó lại nằm xen kẽ, và việc cách nhau hai mươi mốt giờ với hai mươi hai giờ một phút cũng đã là sai quách rồi. Tôi giật mắt trong khoảng hai ngày, rồi tôi bị tai nạn khi đang cố gắng chạy thang thoát hiểm vì thang máy căn hộ bảo trì. Nó sẽ là một vụ tai nạn thảm khốc, nếu là tôi. Nhưng người tôi ngã đè lên có vẻ chấn thương nặng hơn vì anh ta đã nứt một cái răng cửa, trong khi tôi chỉ bị trật khớp vai nhẹ và điều trị trong vài ngày. Vì vậy tôi cho rằng giật mắt nhiều khi cũng không đúng lắm. Tuy vậy, vấn đề này lại được tôi mang ra làm đề tài cho một cuộc bàn luận gay gắt giữa các "tôi" trong lúc lái xe đến quán cà phê mà anh Supha đã hẹn gặp. Tôi nghĩ là tôi phải thay thế nó bằng việc tôi nên giơ gương bát quái, gương trừ tà hay bùa lên trước, nhưng tất cả những gì tôi có thể tự đề cập với bản thân là "liệu vụ giật mắt thì có liên quan gì đến khoảnh khắc huy hoàng này của tôi không nhỉ?"
Đáng lẽ phải là bùa trừ tà.
Tôi đã chọn sai rồi, tất cả đều là sai, kể cả cuộc hẹn gặp của anh Supha, kể cả việc tôi không dùng bất cứ thứ gì trong bộ sưu tập bảo bối phòng thân của mình. Không gì cả, kể cả cái ly nước chanh của tôi, kể cả cái câu "Dạo này anh khoẻ không?" Tất cả mọi thứ đều sai bét nhè.
"Khó mà gặp em nhỉ, William. Gọi mãi từ tuần trước mà tới bận này mới rỗi." anh Supha nói, vừa nhấp một ngụm cà phê sữa nhiều ngọt mà em vẫn hay dùng. Ở trong một cái quán cà phê nhỏ xíu có hơn mười người giả bộ cho đông đúc. Mùi cà phê bình thường, loại cà phê giá trung bình mà ở bất kì cái quán cà phê hạng trung nào cũng sẽ bắt gặp, thoang thoảng trong một không gian lửng lơ bên mé ngoài phố thị. Một quán cà phê với ánh sáng cứ như chỉ cách mặt trời 5 mét mà vẫn không thể nhìn rõ mặt nhau. Hay nói đúng hơn là không thể nhìn rõ mặt anh Supha dù anh đang ở trước mặt tôi, đang nhởn nhơ bình luận về cái cốc cà phê của mình. Thứ cà phê chỉ cần rời khỏi quán là hoà lẫn với cả trăm quán cà phê y hệt, nhưng mùi sữa thì đặc biệt (được được) cũng làm người ta vấn vương một chút. Còn lại thì cái quán quá chói, cái gì nữa nhưng tôi không nghe kỹ. Tôi chỉ cố hình dung khuôn mặt của Supha, nhưng tất cả những gì tôi nặn trong đầu là một khuôn mặt khác lạ của anh. Có vẻ ngày xưa mắt anh lấp lánh hơn một chút, giọng anh khác một chút, mặt anh căng và hồng hào hơn một chút (giờ vẫn thế nhưng nó cứ khang khác). Bây giờ anh vẫn là Supha, nhưng nhìn thế nào tôi cũng chẳng thể quen được.
"Hai mươi phút."
"Cái gì hai mươi phút?" Tôi hỏi lại.
"Em nhìn chằm chằm vào anh hai mươi phút."
"À."
Tôi gãi gãi đầu, vẻ đầy bối rối. Mặt tôi cúi gầm xuống để tránh ánh mắt đỏ rực sắp sửa tách tôi ra làm từng mảnh nhỏ chỉ từ việc tôi biết anh đang đánh giá tôi, hệt như hai phút trước anh hẵng còn hăng say nói về cái cốc cà phê và cái quán cà phê là hàng xóm của mặt trời. Đôi mắt anh rực rỡ, rạng ngời, và không còn thân quen nữa. Tôi không biết đôi mắt đen đến thấu tận tâm can người khác ấy thay đổi từ bao giờ, thay đổi ở điểm nào, khi mà trông nó vẫn xinh đẹp như thế kia. Anh Supha trước mặt tôi xa lạ như hàng trăm năm trước, từ một buổi lòng tôi hoang sơ và chưa từng nếm trải vị yêu đương. Supha lạ và tôi chắc chắn là vì chúng tôi chẳng còn là gì của nhau nữa.
"Thế bây giờ bàn vào chuyện chính nhé? Em ổn chứ? Em không khoẻ sao?"
"Ừ, chắc thế. Thời tiết dạo này cũng ẩm ương mà." Tôi nói, rồi cười hề hề trông rất ngu. Tôi biết vì ngày xưa anh cũng bảo thế với tôi. "Cái điệu cười của em trông ngu phải biết" anh đã nói thế đấy.
Anh nhìn tôi một lúc, như nhìn một thứ gì đó đang lọt thỏm giữa một mảnh trời xa xăm. Giữa chúng tôi là một cái bàn gỗ, hai cốc nước đã cạn, một cái gạt tàn thuốc. Những thứ trông rất thật, có thể chạm vào, hữu hình và có tên gọi. Nhưng không ai gọi cái gạt tàn thuốc hay hai cốc nước bằng một áng tuổi xuân kéo dài hai mươi, hai mươi mốt đến hai mươi bảy. Không ai gọi như thế cả. Thế nên cái gạt tàn vẫn là cái gạt tàn, cái bàn gỗ đương gọi vẫn là bàn gỗ, mà chúng tôi thì gọi là một thời đã qua.
"Vào câu chuyện chính nhé." Anh nói, húng hắng giọng và lại hớp một ngụm cà phê.
"Việc chính." Tôi ngẩn người, "Ừ thì việc chính."
Anh nheo mắt, "Trông em cứ như vừa rơi xuống từ cung trăng vậy. Em thật sự không bị cảm cúm nặng lắm đúng không?"
"Không, em ổn." Em chỉ thật sự không muốn gặp anh một tí nào hết, nhưng tôi lại quá hèn nhát để nói trọn một câu. Thế trông tôi có vẻ như vẫn muốn tiếp tục vào cuộc trò chuyện với anh nhỉ? Tôi đâu có muốn thế! Chúng tôi chỉ là quá khứ, quá khứ bao gồm bảy năm yêu nhau, một căn hộ chung đang rao bán - tôi đang sử dụng trong lúc tìm nhà mới; một cuốn sổ tiết kiệm đang chia đều theo thu chi mỗi tháng của anh và tôi; của sáu bó hoa nhân dịp mỗi năm tôi tặng anh; của một sơi dây chuyền vàng trắng và một cái đồng hồ hiệu Cartier; của mười cái quần bò hiệu Levi's; của nước hoa Santal33 tôi tặng anh và chai Giorgio hương biển anh tặng tôi; của hai cái cốc cà phê tự làm của anh; của rất nhiều thứ mà tôi không thể kể xiết và tôi đã yêu anh nhiều đến mức nào để rồi chúng tôi lại chỉ ngồi đây. Tôi không muốn thế!
"Anh cần em đưa lại giúp năm cái bình gốm và hai cái chăn may thủ công của anh." Anh nói, thản nhiên.
Tôi đã bảo mà.
"Thế thôi á?"
"Thế thôi."
Tôi đã bảo chúng là quá lớn để anh có thể từ bỏ. Tôi là cái gì kia chứ? Là người đã ở cùng anh Supha suốt bảy năm, là người thấy anh bỏ tiền để đi các workshop làm gốm và chờ anh hàng giờ để nặn được một cái bình ưng mắt. Là người cùng anh đi lựa vải và là người tạo hộ anh đơn giao hàng để anh gửi về cho bà anh may dùm thành hai tấm chăn chần thủ công. Tôi là người ấy đấy! Và chúng là quá lớn với anh, đủ để anh phải gọi điện lại cho người yêu cũ vào một ngày mùa hè nóng nực oi bức khiến người ta phát rồ lên chỉ để điềm nhiên nói như thể anh là chủ tích hội đồng cấp cao đang ra lệnh cho hạ cấp của mình tìm ngay lại đống đồ DIY để giúp cho một em gái năm cuối đại học có nụ cười rực rỡ mỉm cười: "Này, bây giờ việc của anh là tìm cho tôi năm cái bình gốm thủ công và hai cái chăn chần may thủ công của bà ngoại ở tận Chiang Mai, sớm nhé!" Và cái quái gì đang diễn ra ấy nhỉ?!
Tôi thở dài, cố ngăn bản thân mình đứng dậy, hất ngay cái ly nước chanh tan đá vào mặt anh hay đập lên đầu tôi vì chắc tôi cũng khùng hệt anh thì mới có thể ra đây để ngồi nghe anh như thế. Tôi bắt đầu đổ lỗi cho cái ghế bành, nguyền rủa ánh sáng mặt trời, lần đầu tiên trách móc tiếng ồn trắng trong quán cà phê, chê vị nước chanh chát ngấy, hay là màu sắc của mấy cái tạp dề của nhân viên quán này là đỉnh điểm của nghệ thuật chế giễu những nhà sáng tạo thời trang. Cái gì cũng được, để tôi không phải cố gắng giết mình hay anh vì tôi đã đủ điên rồi.
"Thôi được rồi, em đã bảo anh từ lúc anh đi là sao anh không đóng kèm chúng và quẳng vào xe tải cùng một lượt thì anh bảo chắc là anh không cần nữa đâu? Thế mà bây giờ anh lại quay về đây hỏi em cứ như em là trung tâm giữ đồ thất lạc trong siêu thị ấy."
Anh chép miệng, hớp một ngụm cà phê nữa và thư thái tựa mình ra sau. Anh vắt chéo chân và suy nghĩ về một điều gì đó trước khi nói với tôi rằng: "Thì lúc đó anh lại nghĩ mình không cần chúng lắm."
"Bây giờ thì anh lại thấy cần à?"
"Ừ, anh lại thấy cần chúng rồi."
"Cần cho việc gì kia?"
"Cẩm tú cầu mùa này rất đẹp. Mấy cái bình đó có một cái dáng bầu tròn miệng hẹp rất hợp để cắm cẩm tú cầu. Và anh cần chăn đắp mùa hè."
Anh Supha cứ làm như Krungthep sắp sửa có tuyết rơi ngay khi hết hè ấy. Cũng đừng tưởng tôi không biết cầm tú cầu nở từ tận tháng tư, mà đến tháng sáu anh mới thấy hoa đẹp ấy à?!
Tôi đảo mắt.
"Em đem cho hết rồi."
"Đem cho rồi à?" Anh hỏi lại, tròn mắt.
Tôi hả hê. Hẳn là anh sẽ bỏ cuộc thôi. Đúng, tôi cho rồi. Tôi không nói điêu chỉ để chọc tức anh Supha đâu. Ngay sau khi anh bỏ đi, tôi đã đem cho hai cái chăn cho bà cụ hàng xóm, và quyên góp năm cái bình cho một trung tâm chăm sóc người lớn tuổi rồi. Tôi thật sự nghĩ, thế là tôi hết cách và anh Supha cũng hết đường. Thế mà anh lại nói: "Tìm lại chúng đi." trong sự ngỡ ngàng của tôi.
Phải, anh đã nói thế với đôi mắt tròn xoe.
"Tìm bằng cách nào? Anh có thể đi làm cái bình mới và đặt mua hai cái chăn khác y hệt mà có khi còn tốt hơn ấy chứ!" Tôi gần như to tiếng.
"Không!" Anh khăng khăng, "Anh cần đúng năm cái bình đấy và hai cái chăn đấy là bà anh may cho anh!"
"Thế thì anh tự đi mà tìm!"
"Anh tìm kiểu gì trong khi em là người cho chúng kia mà! Ai cho em cái quyền quyên góp chúng trong khi đấy là đồ của anh kia chứ!"
"Đó là đồ của tụi mình!"
"Đó là đồ của anh dành cho tụi mình."
"Nhưng chính anh là người đã bỏ lại chúng kia mà?"
"Ai mà biết được em sẽ quẳng chúng đi kia chứ?"
"Thế anh nghĩ em sẽ làm gì khi không tống chúng đi? Ôm khóc à?" Tôi đã làm thế rất lâu trước kia rồi!
Đấy là lý do chúng tôi chia tay đấy. Chúng tôi chẳng bao giờ có thể nói chuyện bình tĩnh với nhau cả. Anh Supha luôn tin rằng tôi hiểu ý anh mà chẳng cần anh lên tiếng trong khi sự thật là tôi chỉ áng chừng mọi thứ cho hạp ý anh, cố mọi thứ suôn sẻ để anh không cần phải càm ràm rằng Sao em chẳng hiểu anh gì cả? trong khi anh lại rất, vô cùng, thật sự luôn luôn kiệm lời với tôi trong mọi tình huống. Tôi học thanh nhạc, không phải nhà tâm lý học hay bói toán!
Anh thở hắt ra, cắn da môi. Một tật xấu tôi đã nhắc anh bỏ từ hồi trước khi chúng tôi quen nhau. Rồi anh hậm hực cầm cốc cà phê lên, khuấy chúng trong khi tôi nghe tiếng thìa khua leng keng vào thành cốc. Tôi cũng tựa ra lưng ghế, day day ấn đường và vuốt mũi.
"Thôi được rồi, để em tìm lại chúng."
"Thật ư?"
"Vâng. Ít nhất thì em biết chúng đang ở đâu."
"Thế thì tốt quá, cảm ơn em." Anh Supha thở phào, tôi thấy chân mày anh dãn ra. Thật may rằng anh Supha vẫn là anh Supha.
---
tbc
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro