Sa Kaeo, chuyến xe đầy mùi thuốc và tôi

Tôi liên hệ đến cụ bà hàng xóm. Thử thách đầu tiên cho tôi đã xuất hiện, bà cụ đã mang hai cái chăn về quê nhà ở Sa Kaeo. Tôi ôm mặt. Không thể trách cụ vì ai mà biết được người đã cho bà bây giờ lại đến và muốn xin lại hai cái chăn chỉ vì đã có người gọi điện, hẹn gặp, xin xỏ tôi trả lại đống đồ ấy kia chứ. Tôi thở dài, chống tay phải lên hông và tay trái vuốt mớ tóc mái loà xoà ra sau.

"Cậu cần gấp chứ? Để tôi nhờ hai đứa cháu gửi lên là được ấy mà. Mất vài ngày thôi."

"Phiền cụ quá ạ. Thôi cứ để cháu đến lấy cũng được. Đằng nào cũng là cháu đến xin lấy lại, ngại quá..."

Bà cụ nhìn tôi, rồi cụ nói để cụ gọi điện thoại cho nhà, tìm rồi xếp vào túi cho tôi. Trong khi tôi thật sự lấy lòng cảm kích bà cụ, vì nếu đặt tôi là bà cụ, thì cái điện thoại bàn cụ đang dùng sẽ nằm ở trên đầu tôi, đầy máu.

Tôi nhắn với Supha rằng tôi sẽ đi Sa Kaeo lấy hai cái chăn cho anh. Anh nhắn lại cũng muốn đi cùng, tôi đồng ý ngay vì đằng nào cũng là chăn của anh (như anh nói), ít nhất anh cũng nên góp sức. Thế là trên chiếc xe hơi của anh, mùi quế anh hay dùng trên xe, anh chở tôi đến địa chỉ được cung cấp từ bà cụ hàng xóm.

Chúng tôi cứ im lặng như thế, suốt quãng đường. Nhạc của Frank Sinatra cứ phát theo dạng playlist trong loa, và tôi nhìn những toà nhà lướt vội qua ô cửa kính xe hơi một cách chóng vánh. Ngăn giữa tôi và anh như tồn tại một bức tường vô hình, bí bách và nghẹt thở đáng kinh ngạc. Anh Supha như hàng ngàn anh Supha khác trong quá khứ của tôi. Chồng chất lên nhau như những bức ảnh mà cứ chồng thêm một lớp, anh Supha lại càng khác đi, dù cũng là anh mà thôi. Mình đã thay đổi. Cố nhiên, tôi biết rằng việc thay đổi là một biến chuyển thuận với tự nhiên, và tất nhiên không có cách nào để ngăn cản việc ấy. Thế nhưng cứ sau mỗi lớp ảnh, anh Supha lại rời xa tôi hơn, mà có khi tôi cũng như thế đối với anh. Mình không thể trở lại là mình như cũ, thế nên tôi không thể mong mỏi việc anh Supha phải luôn là anh như ngày đầu gặp gỡ. Thế nhưng vì cái gì nhỉ? Vì cái gì mà chúng tôi quyết định không thay đổi vì nhau nữa? Vì những lần anh kiệm lời à? Hay vì những lần tôi không về nhà và quên mất anh đang mòn mỏi chờ đợi tôi cùng bữa tối nguội ngắt. Hoặc cũng có thể là vì những hôm chúng tôi gây gổ với nhau về con chó của anh cắn đuôi con cún Chowon của tôi. Cũng có thể là thế. Nhưng không đến nỗi phải chia tay, đúng không nhỉ? Còn thứ gì nữa không, nguyên do nào khác?

Tôi thở dài, áp lòng bàn tay mình vào má và gác tay lên thành cửa ô tô. Trong khi chúng tôi đang rời khỏi Krungthep. Nhạc Frank Sinatra đã kết thúc, tiếp theo đã đến Elvis Presley.

"Em thở dài mãi là không giàu lên được đâu." Anh nói, lẫn trong tiếng nhạc và tiếng xi nhan tích tắc. Anh vẫn hay nói thế từ lâu rồi, từ hồi chúng tôi còn quen nhau.

"Thói quen thôi." Tôi nói, "Em hút điếu thuốc được không ạ?"

Hồi trước, chúng tôi cam kết với nhau sẽ không bao giờ hút thuốc trong xe ô tô vì chúng tôi đều không thích mùi thuốc lá ám vào trong xe. Nhưng đó là chuyện cổ đại rồi, không việc gì phải cân nhắc.

"Được thôi, anh cũng muốn hút." Anh nói, rồi hạ bốn kính xe xuống. "Lấy hộ anh bao thuốc trong hộc tủ nhé." Anh nói, tôi với tay mở hộc tủ ghế phụ. Bên trong, anh bỏ bừa cặp kính mát gọng kim loại mạ vàng bảnh tỏn, anh Supha hay diện nó lắm. Và đúng là nó làm anh bảnh hơn thật. Có một đống toàn là hoá đơn của cửa hàng tiện lợi, anh mua thức ăn nhanh ở đấy, anh Supha không thích ăn tối một mình, thế nên anh không nấu cơm. Vài đồng xu lẻ bị anh vứt trong đó và không bao giờ nhớ đến. Một tấm ảnh cũ của chúng tôi. Tôi sững lại. Và rồi tôi xua ngay ý nghĩ vừa chợt loé lên trong đầu, có khi anh chỉ quên vứt nó thôi. Rồi tôi lôi ra bao thuốc lá của anh, có một cái bật lửa nhét sẵn bên trong.

"Cảm ơn." Anh nhận gói thuốc bằng một tay, mắt vẫn không rời khỏi đường. Anh là một tay lái mà bạn luôn có thể tin tưởng, chuyện này tôi chắc chắn đấy. Tôi cũng lôi bao thuốc ra từ túi quần. Tiếng châm lửa vang lên cùng lúc, và rồi chúng tôi lại lặng im.

Nhưng anh có quên vứt thật không nhỉ? Liệu tôi có hơi quá khi nhanh chóng xoá hết tất cả sự hiện diện của anh trong đời tôi không? Cứ bủa vây lấy tôi vào một cuộc hội đàm mới. Là anh vẫn còn vương vấn và tôi mới là người tồi trong chuyện này, hay quả thực mọi chuyện vẫn đúng quỹ đạo tôi cùng với anh, cả hai đều làm đúng khi tách nhau ra và để cho đối phương được yên thân? Tôi không trả lời kịp, vì chúng tôi đã đến nơi.

Cô cháu gái của bà cụ đã đứng chờ sẵn, tôi đã liên lạc và thông báo thời gian có lẽ sẽ đến nơi cho cô bé trước lúc khởi hành. Nhanh chóng nhận chăn và biếu lại một chút bánh kẹo cùng trái cây, như anh Supha đã dặn từ trước. Tôi mỉm cười nhìn cô bé đầy chân thành, cầm túi chăn trong khi liên tục xin lỗi em vì có vẻ em rất tiếc hai cái chăn ấy.

Hai cái chăn rất đẹp, phải công nhận là như thế. Anh Supha đã tỉ mĩ chọn từng thước vải và phải chính xác là cô - tông cao cấp mới được. "Vải cô - tông thật khi em đốt sẽ thành tro xám và không có sợi nhựa. Cô - tông thật rất mát, nhưng chất vải không lạnh. Dùng làm chăn hay áo quần cũng thích." Anh nói, mắt vẫn chăm chú vào những mớ vải người bán đã bày ra trước mắt mà vẫn chẳng ưng cái nào. Cái màu sắc ưng ý thì vải lại không được tốt, loại vải tốt thì anh lại không thích phần hoạ tiết trên ấy. Tôi nghe như vịt nghe sấm, chẳng đút kết được gì. Tôi không có sở thích về chăn mền hay vải vóc, cũng không có khả năng phân biệt cái áo mình đang mặc có phải là cô - tông thật không. Với tôi, quần áo chỉ là một thứ ngoài thân, mặc quần áo thì lịch sự còn không mặc thì cũng chẳng vấn đề gì nhiều. Nhưng nên mặc quần áo nhé, con người phát triển lên đến mức này rồi, đừng làm điều ngược lại nếu không thì lại bị đánh giá cho mà xem. Thế nhưng đấy, tôi không giỏi về vải vóc cho lắm. Anh Supha cứ mua gì thì tôi mặc, nói cái nào tốt thì tôi cũng cho là tốt luôn. Vì anh là người có mắt thẩm mỹ, và cũng như có kiến thức về một lĩnh vực mà tôi không hề có hiểu biết gì về nó.

Lựa mãi mất cả một ngày, anh mới lựa được hai mươi mét vải ưng bụng, về tới nhà, anh đốc thúc tôi ngay vào việc lên đơn gửi hàng về quê cho bà anh may chăn. Bà anh may chăn đẹp, có thể thấy được. Niềm yêu thích về đồ may thủ công của anh cũng bắt nguồn từ bà. Và đối với tôi thì nó nghe khá là đáng yêu. Ý là, bạn cứ thử nhìn Supha đi, dáng cao, vai rộng, eo thon, vận động viên bơi lội, học trường top, và có sở thích thầm kín với đồ may thủ công. Nghe đáng yêu mà, nhỉ? Thế nên đôi khi tôi thấy hai tấm chăn đó thực ra sẽ có giá trị cao trên thị trường lắm đấy, nhưng nó lại là hàng đặc biệt mới ghê.

Rời Sa Kaeo, chúng tôi đã lấy lại được hai cái chăn. Tôi lén nhìn nét mặt anh Supha qua gương chiếu hậu, anh chẳng có biểu cảm gì đặc biệt cả. Không vui mừng, không hào hứng, không cả hài lòng vì đã lấy được đồ. Hai hàng chân mày của anh yên vị, và rất tập trung vào con đường hướng về Krungthep của anh. Chúng tôi mất nửa ngày di chuyển để lấy lại hai cái chăn chần.

"Em đã liên hệ với bên đấy xin lại đồ chưa?"

"À," Tôi giật mình, "Em có gọi cho họ rồi và họ bảo để họ tìm thử. Vì mấy cái bình rất đẹp, các cụ ở đấy rất thích nên mỗi cụ lâu lâu lại tranh nhau để mang về phòng cắm hoa..."

"Thế thì sao nữa nào?"

"Họ bảo họ sẽ cố gắng thu lại hết nhưng anh biết đấy, nhiều khi người già họ lẫn, họ không thích đưa lại. Có những trường hợp thế, thế đó..." Tôi nói, mắt tôi dần lảng đi.

"Mình sẽ tới xin."

Và tôi lại nghĩ năm cái bình, hay cả hai cái chăn có thực sự quan trọng đến thế không. Anh chẳng liên lạc với tôi một lần nào kể từ khi chia tay. Dù tôi khóc lóc một mình mỗi đêm suốt một tuần sau đó, anh không gọi một cuốc nào. Không thèm cả nhắn tin. Không đăng gì trên mạng xã hội.

Chúng tôi đã cãi nhau một trận lớn hôm ấy, chỉ vì tôi về muộn một hôm và không báo cho anh. Nhưng tôi vẫn thường thế mà? Tôi vẫn ngủ lại nhà Pitchetpong, hay nhà Thanat, hay cả ba chúng tôi họp lại ngủ ở nhà Pichetpong luôn. Chúng tôi chơi game thâu đêm và ngày hôm ấy là tối thứ Bảy. Anh thừa biết điều đó. Thế mà anh vẫn nổi cáu lên, nói rằng anh chờ cả đêm trong lo lắng và vì tôi không nghe điện thoại. Anh thừa biết tôi để chế độ tránh làm phiền khi chơi game. Thế mà anh vẫn quát lên, lớn tiếng, xô đổ cái ghế ăn. Tôi cũng hét lên, giằng tay anh ra. Chúng tôi đều to tiếng với nhau. Rồi tôi bảo: "Anh không chịu được nữa thì cứ chia tay quách đi cho rồi."

Mắt anh đỏ lên vì cơn tức: "Hay đấy! Em thì giỏi rồi. Thế thì phắn mẹ khỏi đời anh đi!"

Anh bỏ đi. Tôi cứ nghĩ là khi xuôi giận anh sẽ lại về thôi. Anh về thật, nhưng là chuyện của một tuần sau đó, anh về để dọn đồ ra khỏi căn hộ. Tôi trơ mắt nhìn anh bỏ đi. Thế là chúng tôi đã chia tay.

Tôi không níu kéo, anh cũng không thèm gọi tôi lấy một cuộc. Cứ thế, chúng tôi dừng thay đổi vì đối phương. Chúng tôi vẫn thay đổi, chỉ là theo một hướng cá nhân, đơn độc. Tôi đơn độc sống trong căn hộ từng có anh, ăn những bữa cơm lạt nhách tự nấu, phơi đống đồ nhăn nheo hơi mùi ẩm vì tôi luôn quên chuyện phơi phóng. Anh chuyển đi, ở với bạn anh. Chúng tôi không là gì của nhau nữa. Cho đến khi anh liên lạc lại với tôi và đòi đống đồ thủ công mỹ nghệ của anh.

Tôi còn không bằng mấy thứ đấy à? Thật ư? Suy nghĩ ấy làm tôi thấy chua chát. Như đang uống mười ly nước chanh ở cái quán nước anh hẹn tôi tới, chát chúa và ngậm ngùi một hương vị đã không còn thuộc về tôi nữa.

Viện dưỡng lão nơi tôi quyên góp năm cái bình của anh nằm ở một vùng ven. Elvis Presley đã kết thúc, và The Rolling Stones được thay vào. Khi chúng tôi tới đã là xế chiều. Anh xuống xe, châm một điếu thuốc hút trước khi bước vào. Tôi cũng châm thuốc, và chúng tôi cũng giữ im lặng. Chỉ có những câu xã giao được phát ra, như "Chiều nay mát nhỉ?" hay "Tí nữa ăn gì thì hợp, đằng nào về cũng ngay giờ cơm." Tôi đã đề xuất một quán anh nhưng anh đã từ chối và nói là xong việc thì nhà ai nấy về thì tốt hơn. Vậy là tôi lặng câm, anh còn chẳng muốn dùng bữa với tôi bữa cuối. Mà hình như lần cuối chúng tôi cũng có dùng bữa với nhau đâu, hôm chia tay ấy. Anh nói đã nấu bữa tôi và chờ, và tôi cho anh leo cây cả đêm, chính tại căn hộ của hai đứa. Thế đấy, chả có gì giữa chúng tôi nữa.

Việc lấy năm cái bình khá suôn sẻ, ít nhất thì bốn trên năm trong số ấy suôn sẻ. Họ gom lại được bốn cái.

"Cái thứ năm, có một cụ nhất quyết không trả vì cụ đang cắm mấy bông hồng hái từ nhà đến."

"Tôi sẽ thử." Anh lên tiếng, "Phòng cụ ở đâu vậy, cô ơi?"

Cô điều dưỡng dắt anh đi mất, còn tôi nhìn anh đi khuất rồi dời mắt về bốn cái bình trên mặt bàn.

Anh rất khéo tay, tôi đã khen anh như thế bao giờ chưa? Anh rất khéo, mấy món đồ gốm anh làm lúc nào trông cũng lịch thiệp và nho nhã. Hệt như phong cách của anh. Chúng đẹp một cách không ồn ào, không tô điểm quá đặc sắc hay thực sự làm một căn phòng có gu hơn khi đặt vào toàn cảnh. Nhưng khi bạn nhìn thật kỹ từng món một, chúng có một sự tinh tế nhất định, kín đáo những không trùng lặp. Là dạng khi đặt nó trên bàn ăn, bạn sẽ thấy "Ồ, đây là một căn nhà đầy sức sống!" nó là như thế. Một căn nhà lúc nào cũng sẽ có người quanh quẩn, cho hai con chó ăn, nấu cơm, phơi quần áo, giặt giũ, tưới cây, phơi chăn mỗi cuối tuần. Một căn nhà luôn được tô thêm vài nhánh hoa hồng hay huệ tây cánh kép được cắm tỉ mẫn (tỉ mẫn hơn so với đại đa số đàn ông). Luôn có người ngồi đọc sách trên sô pha hay xem ti vi mấy chương trình phim bộ mỗi tối. Là kiểu như thế, có sức sống.

Tôi luôn nghĩ như thế trước khi anh Supha rời đi.

Anh Supha chỉ mất mười phút để lấy được cái bình hoa của anh. Và chúng tôi gói ghém đồ, cảm ơn các nhân viên điều dưỡng, cũng biếu họ một vài gói bánh kẹo cùng hoa quả, rồi phóng xe đi về.

Anh Supha vẫn yên tĩnh lái xe, nhạc The Rolling Stones chuyển sang Queen, và tôi vẫn ngắm nhìn những ngọn đèn đường vụt qua bên ngoài cửa sổ. Chúng tôi đã hết chủ đề. Những món đồ đã được lấy lại và sớm thôi anh Supha sẽ mang chúng về nhà. Thế là hết.

Chúng tôi đã kết thúc hoàn toàn và không vướng bận gì đến nhau. Thế nhưng tôi lại không thích như thế này. Tôi xoá anh đi và anh cũng xoá tôi đi. Như thể chúng tôi chưa từng chạm mặt, chưa từng nói chuyện, chưa từng yêu nhau. Hai con người như hàng ngàn con người khác trên thành phố này, và vội vàng bước qua nhiều cuộc đời khác nhau. Tôi trở thành một cuộc đời anh không cần đoái hoài và anh cũng thế với tôi. Đã kết thúc, nhưng tôi lại thấy nhức nhối âm ỉ.

"Em biết bà cụ ấy cắm hoa hồng trong cái lọ đúng chứ?"

Tôi ngẩn người ra, "À, ừ, vâng. Cô điều dưỡng có nói là thế..."

"Hoa đấy được cắt từ cái cây chồng của cụ trồng khi còn sống."

Tôi chìm vào một nỗi băn khoăn day dứt, "Ồ, ra thế."

"Anh đã nói: Thật là hay, khi hai cụ có thể đến được với nhau và ở bên nhau thật là lâu." Anh nói, không nhìn tôi mà vẫn nhìn phía trước. "Anh nói với cụ, cháu cũng từng có một cây hồng Juliet trong ban công với người yêu."

Chúng tôi đã cùng trồng một cây hồng Juliet ở ban công căn hộ, và lúc nào nó cũng đơm hoa, rất nhiều hoa.

"Anh nói rằng thật là hay khi gặp được một người và yêu người đó đến tận cùng của cuộc đời. Em biết anh nói gì và cụ đã trả lại anh cái bình không?"

"Anh nói gì ạ?"

"Anh nói: Cái bình này, cháu đã cùng làm với một người cháu rất yêu. Và chúng cháu đã kết thúc." Anh đánh vô lăng, xi nhan vào hẻm vào căn hộ của tôi, từng là của chúng tôi.

"Anh nói, đây là thứ duy nhất còn lưu lại rằng cháu đã từng rất yêu. Và cụ đã trả nó lại cho anh."

Tôi đông cứng, cơn khó thở dồn nén trên lồng ngực, tim tôi đập rất nhanh nhưng tôi còn chẳng màng đến việc ấy. Tai tôi ù đi, tôi không biết nên nhìn thứ gì lúc này, anh Supha, hay lục tìm chìa khoá nhà, hay nhắm mắt lại.

"Em biết không, năm cái bình gốm và hai cái chăn bông chẳng có ý nghĩa lắm nếu chúng chỉ là bình và chăn. Nhưng anh muốn xem rằng em sống thế nào nếu không có anh. Và anh đã thấy rồi. Cảm ơn em vì đã cùng anh đi tìm chúng."

Tôi xuống xe, tôi không biết mình có chào anh tử tế không. Tôi cũng không biết mình đã vào nhà như thế nào. Tôi chỉ biết rằng mình đã vào nhà, và ngờ ngợ rằng đã chào anh.

Hai cái chăn chần, năm cái bình gốm, anh Supha. Trước đó, giữa chúng tôi là tình yêu, sau đó chỉ còn là năm cái bình và hai cái chăn. Bây giờ, chúng tôi là không gì cả.

Lý thuyết chúng ta đều thay đổi hoàn toàn có cơ sở, và ai cũng phải thay đổi. Tất nhiên là thay đổi vì cái gì và vì ai, thay đổi để mình phù hợp hơn. Nhưng đã đến lúc những sự thay đổi không còn phù hợp với đối phương nữa. Đó là cách thức. Giữa chúng tôi không phải là mấy món đồ thủ công ấy, mà chỉ đơn giản là chúng tôi đã dần không còn vì nhau nữa, theo một lẽ thường tình.

Tôi, anh Supha, và chúng tôi đã hoàn toàn kết thúc.

---
the end

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro