dong vai nguoi tinh

Mặt trời đã ngả hẳn về phía Tây, nhưng những mảnh vụn ánh sáng còn sót lại trên tán lá ngoài cửa sổ bị gió lay làm trôi tuột xuống lấp loáng. Đã hết giờ làm việc từ lâu, nhưng Lý Cương vẫn ngồi ở phòng làm việc đăm đăm ngó ra ngoài ô cửa. Chìm đắm trong giòng ý nghĩ miên man, bỗng nhiên anh nghĩ tới việc thời gian gần đây rộ lên chuyện người ta thi nhau tìm người tình, việc này có thể làm cho cuộc sống nóng bỏng và mầu sắc thêm phong phú, nhưng đồng thời cũng giống như ôm trong lòng một quả bom nổ chậm.Vừa nghĩ đến đó thì tiếng chuông điện thoại bàn vang lên làm anh giật nẩy mình. Lý Cương ngán ngẩm nhìn chiếc điện thoại, để mặc cho chuông reo một hồi lâu mới uể oải cầm ống nghe, thì nghe giọng gấp gáp hổn hển của Cát Chấn Hải, Cục trưởng Cục chống tham nhũng. - Viện trưởng Lý phải không ạ? Anh Lý đấy ạ? Tôi là Cát Chấn Hải, tôi là Cát Chấn Hải đây. Lý Cương điềm tĩnh đáp: - Lý Cương đây. Bình tĩnh, có gì cứ từ từ rồi nói. - Báo cáo Viện trưởng, xẩy chuyện to rồi. Biểu tình trước cửa Thành uỷ, rất nhiều người biểu tình ngồi. - Lại vì việc liên quan đến công ty Tín dụng liên doanh  phải không? - Dạ đúng, nhiều người lắm, người biểu tình đông lắm. - ờ, ờ!Lý Cương chẳng nghĩ ngợi gì, cũng chẳng nói gì, ờ ờ rồi gác máy. Anh hiểu ý của Cát Chấn Hải, một là muốn báo cáo tình hình, hai là xin ý kiến chỉ đạo hành động. Nếu không chí ít cũng là để xem phản ứng và thái độ của Viện trưởng đối với sự kiện đang xẩy ra. Thái độ gì? Không nói gì đó cũng là thái độ. Làm công tác tư tưởng đối với quần chúng thì đã có Phòng tiếp dân bên Thành uỷ, nếu có người gây rối thì có Cục công an. Viện kiểm sát việc gì phải hốt hoảng. Nếu Thành uỷ không yêu cầu phối hợp thì Viện kiểm sát coi như không biết gì hết. Làm việc vào thời buổi này không thể không cân nhắc cẩn thận. Chủ động hơn cũng tốt, nhưng quá một chút là thừa. Lý Cương nhìn đồng hồ, thấy hết giờ làm việc đã lâu, đang thu xếp để về thì chuông điện thoại lại réo... Làm Viện trưởng Viện kiểm sát, có thể xem như công việc yêu cầu, Lý Cương dùng hai chiếc điện thoại di động. Một công khai, có nhiều người biết, lúc thì Lý Cương giữ, lúc thì lái xe cầm, còn cái kia thì bí mật, luôn mang bên mình, rất ít người biết số điện thoại này. Lý Cương mở máy đọc số gọi đến, thật may không phải số máy của lãnh đạo chủ chốt Thành uỷ. Nhìn kĩ thì thấy đấy chỉ là một giòng tin nhắn: "Anh đi công tác dưới xã về rồi phải không, nếu có đi tiếp khách thì uống ít rượu trắng thôi." Mặc dù người nhắn không kí tên, nhưng anh biết đó là tin nhắn của Giang San. Sau khi bố mẹ khuất núi, dường như trên đời này chỉ còn có hai người quan tâm đến sức khoẻ của anh, một là con gái, hai là Giang San. Giang San thường dùng cách nhắn tin như thế này để biểu lộ tình cảm. Giang San có thể coi như người tình của anh. Nhưng anh luôn không thích lối gọi người tình, bởi gọi người tình khiến anh cảm thấy có gì đó nơm nớp, lúc nào như cũng cảnh cáo rằng anh không thật đạo đức. Trên thực tế anh không phải loại đàn ông chuyên có quan hệ yêu đương ngoài hôn nhân. Người đàn bà của mình tức là của mình, tình nhân với không tình nhân cái gì. Nhưng trên thực tế anh vẫn chưa li hôn, người đàn bà không còn là của anh nữa, trên thực tế lại vẫn còn là của anh trên giấy tờ. Còn Giang San, người phụ nữ đang là của anh thì lại chưa được hôn nhân thừa nhận. Điều đó khiến anh thật khó chịu, phải chấp nhận sống một cuộc sống đau khổ về tình cảm do sự phân cách giữa nội dung và hình thức. Trước khi có quan hệ với Giang San, ngoài vợ ra anh chưa hề đụng chạm với một người đàn bà nào khác. Anh không phải là một nhà đạo đức, cũng không muốn tỏ ra mình đạo đức. Anh không phải không thích phụ nữ, là một người đàn ông anh rất thích phụ nữ đẹp, cũng không phải không có cơ hội, cơ hội rất nhiều, nhưng thật đáng buồn anh đã để qua biết bao nhiêu người đàn bà. Có lúc nghĩ thấy mà tiếc của trời. Thật đúng như câu tục ngữ, cơm treo mèo nhịn đói. Hừ, chẳng vì cái gì cả, chỉ vì anh không dám. Không hẳn vì anh không có gan, người ta vẫn nói hám sắc thì coi trời bằng vung, có điều nếu  anh coi trời bằng vung thì tiền đồ của anh sẽ ra sao. Bởi vì anh phải chật vật lắm mới từ dưới đáy ngoi dần lên được. Bởi thế tiền đồ đối với anh là vô cùng quan trọng. Thuở nhỏ nghe các cụ ở làng nói, sắc đẹp của đàn bà là lưỡi dao róc xương, rượu chè là nguồn gốc của tai hoạ. Anh có cảm giác rằng, ở Trung Quốc, về mặt chính trị nếu anh có khát vọng tiến thân thì thời trẻ nhất định không được vướng vào vòng tình ái. Bao nhiêu năm nay anh đã kiên trì nguyên tắc sống căn bản đó của người đàn ông. Nhưng có một điều chính anh cũng không nghĩ đến, khi anh bước vào tuổi trung niên, hơn bốn mươi cái xuân xanh thì gặp được Giang San. Nghĩ thì có thể coi đó là duyên phận. Bây giờ khi đã làm Viện trưởng Viện kiểm sát, anh thấy hình như địa vị và thân phận mình đã đạt đến độ rồi, giống như một cái cây con đã lớn thành một cái cây to không còn sợ mưa sợ gió nữa. Điều đó giúp anh mạnh dạn quan hệ với Giang San. Nàng làm cho anh vô cùng xúc động, dường như nàng sinh ra là dành cho anh, dường như anh chỉ có chờ đợi nàng, chờ đợi nàng ra đời, chờ đợi nàng lớn lên, chờ đợi nàng tốt nghiệp đại học, chờ nàng từng bước từng bước ngã vào lòng anh, chờ những bốn mươi năm... Vì thế khi đọc tin nhắn của cô, tuy trong lòng cảm thấy ấm áp nhưng thâm tâm anh lại cảm thấy có lỗi với cô. Bởi vì anh không còn là một chàng trai mới lớn bồng bột, mặc dù anh yêu cô tha thiết, nhưng anh cũng biết anh đang chơi với lửa. Đùa với lửa thế nào cũng có lúc bị lửa đốt cháy. Bởi thế, về mặt tình cảm anh càng ngày càng tha thiết yêu Giang San, nhưng về mặt lí trí và hành động anh lại tìm cách lánh xa. Đó là sự phân rã điển hình giữa tình cảm và dục vọng, giữa lí trí và hành động. Anh đang tự dày vò và đầy đoạ mình. Thường thì anh không bao giờ trả lời tin nhắn của cô. Cũng rất ít hẹn gặp cô. Cái cách anh đối sử với Giang San là giữ kín tình cảm ở trong lòng, nuôi dưỡng và sưởi ấm nó giống như một viên ngọc. Nếu như không có những dịp đặc biệt, bảo đảm kín đáo tuyệt đối có thể gặp mặt và chung đụng, những dịp như thế thì rất ít, còn nói chung anh chỉ có thể hưởng chút ấm áp của tình cảm nhớ thương. Sống như thế có vẻ khô lạnh đối với Giang San, nhưng chẳng còn cách nào khác, bởi vì anh là Lý Cương, anh là Viện trưởng Viện kiểm sát của thành phố Đại Hà. Hết giờ làm việc, Lý Cương chậm rãi rời khỏi khuôn viên Việm kiểm sát. Đến khi bước xuống hè phố, hoà mình vào dòng người cuồn cuộn, anh có cảm giác nhẹ nhàng thanh thản, giống như một cầu thủ vừa tắm gội xong,rời khỏi sân bóng, thoát khỏi một ngày căng thẳng. Những năm gần đây, Lý Cương đã tập thành thói quen đi bộ đến cơ quan làm việc và đi bộ về nhà. Là Viện trưởng Viện kiểm sát thành phố Đại Hà lẽ dĩ nhiên anh được bố trí xe và có lái xe riêng. Bản thân anh cũng biết lái xe và giữ riêng một chiếc chìa vì thế việc dùng xe lẽ tất nhiên là rất thuận tiện. Nhưng anh kiên trì giữ nếp đi bộ đến cơ quan làm việc và đi bộ về nhà. Và hình như không ai biết được bí mật vì sao anh lại thích đi bộ. Những cán bộ cấp dưới khen là anh có tác phong giản dị, đó chẳng qua chỉ là khen nịnh. Lái xe cho là anh gần gũi quần chúng, tạo điều kiện cho lái xe giờ nghỉ có thể sum họp gia đình. Đó là cảm nhận từ lợi ích thiết thân của riêng lái xe mà thôi. Thậm chí có người còn nhận xét sau lưng rằng anh quá chú trọng đến hình ảnh người cán bộ lãnh đạo của mình, vì thế làm việc gì cũng quá cẩn trọng, ở chỗ nào cũng phải lo lắng giữ gìn. Nhưng như thế lại là đánh gía anh quá thấp. Là đỏ, là xanh, là đen hay là trắng, đối với những lời bàn tán dông dài sau lưng anh chưa bao giờ phân trần, giải thích. Là Viện trưởng Viện kiểm sát của một thành phố, trong hàng ngũ cán bộ của thành phố anh thuộc loại cán bộ lãnh đạo có vị trí tương đối cao, đối với những loại dư luận tào lao kiểu như thế anh đã bỏ ngoài tai từ lâu rồi. Trong chốn quan trường gọi là thuyền lên nước lên, chỉ cần vai anh cứng hơn một chút là có thể gánh nổi được. Thực ra, chẳng ai biết rằng, anh kiên trì đi bộ, thậm chí tự mình đi chợ mua rau qủa, đồ ăn chẳng qua là muốn được thở hít không khí đời sống, muốn được đắm mình trong hơi thở nóng bóng của cõi người. Lý Cương thường có một thứ cảm giác, rằng chỉ cần bước xuống đường phố là chẳng có ai đặc biệt chú ý đến anh nữa, chỉ cần bước vào chợ nghe tiếng chào mời vồn vã của những người bán hàng là anh cảm thấy như mình vừa sống lại. Cái cảm giác dễ chịu đó giống như cảm giác của người hái củi vừa cất gánh nặng khỏi vai để cho gió mát thổi khô những giọt mồ hôi, như cậu học trò vừa rời lớp học chạy ra sân cỏ dạo bộ, thậm chí như người tù vừa rời khỏi trại giam ra với tự do. Anh biết rõ mình giữ chức vụ quan trọng, nhưng xuất thân là một công chức bình thường, trong huyết quản là giòng máu đặc sệt nông dân, có đến chết cũng không thể trở thành quí tộc. Có người nói, muốn trở thành quí tộc phải tu luyện ba đời, nhiều người không tin, nhưng anh tin. Vì thế nên chẳng có ai nghĩ đến cái thứ cảm giác đó của anh, cũng chẳng có ai có thể giải thích nổi cái cảm giác đó của anh. Đồng thời anh cũng không cần và cũng không thích ai biết và hiểu anh, chẳng những thế anh còn mong mọi người hiểu thật mù mờ về anh. Là cán bộ lãnh đạo, hơn nữa lại là người đứng đầu đơn vị anh thấy mình cần phải như thế, phải biết rõ người ta nghĩ gì, còn mình nghĩ gì thì không ai biết. Lúc đó đã nhập nhoạng tối, gió thu đã se se lạnh nên dù thổi nhẹ vẫn đủ phủ trùm khắp thân thể để một chút heo may thấm vào tới tim. Vả lại đường cũng không thật xa, từ Viện về tới nhà có vài cây số, Lý Cương có thể ung dung dạo gót mà hưởng thụ cái sung sướng, cái nhẹ nhàng do đi bộ đem lại. Anh vừa đi vừa ngắm phong cảnh phố phường, tận mắt nhìn thấy thành phố thay hình đổi dạng, từ nghèo hèn đi lên phong lưu, từ cũ nát trở thành hào hoa, bất giác cảm thấy rung động tâm can. Nhân yếu tri túc, con người phải biết thế nào là đủ, tuy chốn quan trường như chiến trường, tuy anh lọt giữa trùng vây của những thị phi, sai đúng, nhưng riêng chuyện anh là một thằng con trai hết sức bình thường ở vùng sơn cước ngoi lên được đến chức Viện trưởng Viện kiểm sát thành phố, hiển nhiên anh phải cảm ơn sự bồi dưỡng của tổ chức, sự tín nhiệm của đồng chí. Tiền Trọng Thư nói hôn nhân như "vi thành", một ngôi thành bị tường bao kín, người ngoài thành muốn nhẩy vào còn người trong thành lại tìm cách thoát ra. Lý Cương lẩm nhẩm nói với chính mình, rằng chốn quan trường cũng như "vi thành", người ở ngoài thì muốn nhẩy vào, còn người ở trong có lúc cũng muốn thoát ra. Lý Cương có thói quen tự nói chuyện với mình. Đây là thói quen hình thành dần sau khi anh dấn thân vào chốn quan trường, bắt đầu mỗi khi chỉ có một mình, để tự nhắc nhở anh thường tìm cách diễu cợt và châm chọc bản thân, sau đó dần trở thành tật xấu nói chuyện một mình. Cái tật xấu này có một đặc điểm, khi tự nói chuyện với mình bao giờ cũng nói thật. Nhưng do thanh âm phát ra không lớn, chỉ thấy lẩm bà lẩm bẩm, người ngoài nghe được cũng chẳng biết anh ta nói gì. Vì mình nói chuyện với mình nên hà tất phải đóng vai Tôn Tử nói lời giả dối. Cho đến một ngày, đột nhiên anh nhận ra rằng tại sao anh lại thích nói chuyện một mình, đó là vì suốt cả ngày trước mặt mọi người anh toàn nói những lời to tát, những lời dạy bảo, những lời giả dối, những lời nói suông, những lời nhăng quậy, nếu anh không nói thật với mình thì sợ rằng đến ngày nào đó anh sẽ không biết nói thật nữa. Cũng giống như việc đi xe ô tô, trong xã hội của chúng ta, một người bình thường muốn ngồi xe con mà lại là xe công, nhất là xe con được cấp cho dùng riêng thì là việc không đơn giản. Nhưng chỉ đến khi anh được cấp xe riêng anh mới phát hiện ra tính nghiêm trọng của vấn đề. Đi làm xe đón, về nhà xe đưa, đi họp hay đi công tác lẽ dĩ nhiên là phải ngồi xe, dần dần anh nghiệm ra rằng, cuộc sống của anh có một khoản thời gian không nhỏ là ở trên xe ô tô, về cơ bản anh đã trở thành tù nhân của ô tô. Nếu như anh không tìm cách đi bộ thì e rằng đến lúc nào đó ngay đi bộ anh cũng sẽ không biết. Vậy là đến khi trở thành Viện trưởng anhliền tự qui định cho mình, nếu có thể đi bộ được thì nhất định không ngồi xe. Vậy là không chỉ đi đến cơ quan hay từ cơ quan về nhà mà ngay cả phải đi làm việc ở đâu đó, đặc biệt là đi làm việc riêng, chỉ cần đường không quá xa là anh nhất định đi bộ. Ngoài ra vào ngày chủ nhật, nếu có thời gian anh đều đi bộ ra khỏi thành phố đến vùng đồi ở ngoại ô rồi lại đi bộ trở về. Anh đã tính thử đi một vòng như thế cỡ đến 30 kiômet. Mới đầu đi một vòng dài như thế quả là có mệt, nhưng sau này, càng đi càng thấy thoải mái nhẹ nhàng, thậm chí thích thú. Đi nhiều rồi có kinh nghiệm, làm cán bộ lãnh đạo nếu thường xuyên đi bộ, thường xuyên hoà mình vào đời sống, tách khỏi quan trường để mình trở thành một người dân bình thường thì chẳng khác nào thường xuyên tắm gội, thường xuyên lọc khí, không chỉ vứt bỏ được những phiền não nơi quan trường mà còn có thể giữ cho mình trong sạch tỉnh táo. Kì thực khi đã nhận rõ rồi thì mới thấy hôn nhân và quan trường có cùng một thứ đạo lí. Lý Cương lẩm nhẩm nói, người ngoài thành muốn nhẩy vào đó là một tầng ý nghĩa, người trong thành muốn nhẩy ra lại có một tầng ý nghĩa khác. Nhưng đừng quên điều này, người trong thành muốn nhẩy ra ngoài là ra để chơi, chơi xong lại nghĩ đến chuyện quay vào, mà phải quay vào. Vấn đề chính là ở chỗ ấy. Sự cực đoan ở chỗ nào nhỉ?  Chính là ở chỗ ngoài luật pháp. Hôn nhân và quan trường, nếu có thể tiến, có thể lui, tiến lui theo ý mình thì quả đó là khu vực lí tưởng của cuộc sống. Lẩm bẩm như thế một mình, Lý Cương về đến nhà thì trời tối hẳn. Bãi đỗ khu tập thể Viện kiểm sát đã đầy chật xe. Không thấy bóng trẻ con chạy đi chạy lại, cũng chẳng còn các cụ già túm tụm ngồi chuyện vãn. Đèn đường đã bật sáng. Trong làn gió nhẹ có thể phảng phất nhận ra mùi thơm thức ăn đang xào nấu từ các hộ gia đình. Cái ồn ào náo nhiệt của ban ngày đang chìm lắng dần, từng bước rút ra khỏi tâm trí và cảm giác của mọi người, bóng tối và sự tĩnh lặng của ban đêm từ nơi xa chầm chậm tiến đến từ bốn phía... Lý Cương leo lên căn hộ của mình ở tầng hai, mở khoá vào nhà, vừa định thuận tay khép cửa thì không biết từ đâu đột ngột hiện ra một người phụ nữ lạ hoắc... II Hành lang có đèn sáng. Nhưng do trời vừa tối, nên đèn vàng hoe treo lơ lửng trên đầu nom giống như quả thị treo trên trần, không thật sáng. Lý Cương liếc nhìn người đàn bà dưới ánh sáng ngọn đèn, chợt nhận ra chị ta hãy còn trẻ, không có vẻ ti tiện cũng không có dáng kiêu ngạo, từ thân thể chị ta toả ra một mùi hương quyến rũ đặc biệt chỉ thiếu phụ mới có đồng thời còn thoảng chút hương mĩ phẩm mà phụ nữ thành phố hay dùng. Nhìn chị ta có thể dễ đoán đấy là một nữ viên chức. Người đàn bà đường hoàng nói trước: - Viện trưởng Lý, xin thứ lỗi vì tôi đã mạo muội đến tìm ông. Có thể vào nhà thưa với ông câu chuyện độ mười phút được không? Nét mặt Lý Cương không lộ chút tình cảm. Cũng không nói một lời nào. Đối với anh việc người lạ tìm đến là chuyện cơm bữa. Anh nhìn người phụ nữ một lúc, rồi gật đầu mời chị ta vào nhà. Tuy nhiên khi quay lại đóng cửa, anh chỉ đóng hờ chiếc cửa gỗ bên trong, còn chiếc cửa sắt phía ngoài thì vẫn mở. Làm như vậy là anh cố ý để lại một chi tiết ám thị cho người khách lạ. Cũng giống như khi kích hoạt máy vi tính, trong một khoảnh khắc anh khởi động luôn trình tự sinh hoạt của một Viện trưởng kiểm sát và một người đàn ông sống độc thân phải theo. Nhưng khi bước lại phía chiếc ghế sôpha thì anh bật cười thầm. Anh chợt phát hiện ra rằng, thì ra người phụ nữ này đã bám theo anh như hình với bóng từ khi anh rời khỏi cơ quan, chỉ có điều là khi đó anh đã không nhận ra.Nhìn vẻ đẹp và khí chất của người đàn bà này hiển nhiên không phải chị ta đến để thăm anh. Nếu không phải tìm anh để chạy một chức quan nào đó hoặc là để xin việc thì chỉ có đến để kêu cứu cho một vụ án. Bất giác anh thấy lòng mình rung động, con người bây giờ quả có bản lĩnh, anh chớ chỉ nhìn vào cái việc chị ta lặng lẽ bám theo rồi bất ngờ xuất hiện trước mặt anh. Đằng sau chuyện này chị ta hẳn đã phải đổ không biết bao nhiêu công sức. Đầu tiên là phải nhận dạng được anh, rồi lại phải điều ta để biết anh có thói quen thích đi bộ về nhà, rồi sau đó mới có thể từng bước bám theo. Có lúc anh có cảm giác, để theo đuổi những việc vì mục đích riêng tư, lòng kiên nhẫn của con người ta bây giờ càng ngày càng lớn, dường như ai cũng có thể trở thành thám tử tư như ở nước ngoài. - Thưa Viện trưởng Lý- dường như sau khi vào nhà chị ta phát hiện ra rằng nhà này lạnh lẽo không có hơi ấm của đàn bà bèn đưa đẩy cho có chuyện- cho đến bây giờ Viện trưởng vẫn chưa đón chị ấy lên ở cùng? Lý Cương không trả lời câu hỏi của chị ta. Đó là cách anh tiếp tục giữ cái cảm giác khoảng cách giữa hai người. Dĩ nhiên anh vẫn giữ bộ mặt lạnh lùng, nhưng thâm tâm anh đang tự diễu cợt mình, rằng anh chưa biết người ta là ai, chưa biết người ta đến tìm anh vì việc gì, thì người ta đã biết rõ anh... - Tôi pha cho chị cốc trà nhé? Lý Cương nói. - Thưa ông không cần đâu, không cần khách khí ông ạ. - Cũng được, mời ngồi nói chuyện. Đồng chí... chị là? - Viện trưởng Lý, tôi nói là ông biết ngay thôi, tôi là vợ của Vương Tiểu Minh ở Cục ngoại thương. - Xin lỗi phu nhân Cục trưởng Vương- Lý Cương trở nên nhiệt tình- Xin lỗi đã làm chị khó chịu. Ngay lập tức Lý Cương đã hiểu, thì ra người phụ nữ này là vợ của Vương Tiểu Minh, Phó Cục trưởng Cục ngoại thương. Cục chống tham nhũng của Viện kiểm sát vừa tạm giữ Vương Tiểu Minh, người phụ nữ này hiển nhiên đến tìm anh để nói khó. Quả không sai, khi anh quay lại nhìn thì thấy chị ta đã nước mắt lưng tròng. Đây chính là bản lĩnh của phụ nữ, dường như họ cầm nước mắt sẵn trong tay để bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu đều có thể trình ra cho mọi người xem... Ngẫm nghĩ một lát, Lý Cương bắt đầu khuyên nhủ: - Chị chớ quá lo lắng, và nên nghĩ rộng ra một chút. Hơn nữa tạm giữ đâu phải là bắt giam. Hiện nay vụ án còn chưa có kết luận, cũng có thể không thật nghiêm trọng lắm. Chị ta lau vội nước mắt, dường như cố kiềm chế tình cảm rồi ngẩng lên nói: - Viện trưởng Lý, thật xấu hổ quá, để Viện trưởng phải buồn cười. Lý Cương nói: - Tôi hiểu chị, thông cảm với chị. Người đàn bà thở dài, rồi nói tiếp: - Sự thể đã thế này rồi, em chẳng còn mặt mũi nào nữa. Nhưng việc không thể không gặp ông. Ông chẳng cần phải khuyên nhủ em. Chuyện gì, đến đâu em cũng đã biết. Em biết quan hệ giữa Tiểu Minh nhà em với ông từ trước đến nay rất tốt. Nhà em nói, trong số các cán bộ hàng đầu của thành phố thì ông là người luôn quan tâm đến anh ấy. Khi xẩy ra vụ việc của Tiểu Minh, Viện trưởng đang đi kiểm tra công tác ở dưới huyện, việc tạm giữ anh ấy không phải là ý của ông. Những điều ấy em đã biết rõ. Có điều thời buổi bây giờ, làm cán bộ dù to dù nhỏ ai mà chả có vấn đề. Chỉ cần muốn tìm vụ việc thì nhắm mắt bắt, Cục chống tham nhũng cũng không bắt sai một người. Bây giờ việc xẩy ra rồi, em chẳng dám trách ai, chẳng dám hận ai. Chỉ xin gặp ông xem liệu có thể... - ý chị nói là họ bắt sai? - Không, em không có cái ý đó. - Vậy ý chị là thế nào? - Xin ông đừng cười, em đã đến đây, xin cho em thật. án thật hay án giả, án to hay án nhỏ em không dám nói. Em muốn nói trong khi xử lí có thể hạ xuống mức thấp nhất được không? - Thôi đừng nói nữa, chị là người hiểu biết- Lý Cương ra hiệu ngăn chị ta, chân thành nói- Chị đã nói vậy, tôi thông cảm với chị. Cũng cảm ơn chị đã tin cậy tôi. Tôi cũng xin nói thẳng, nói thật với chị, được không? Chị nghe tôi nói nhé. Thật tình, nói tôi không biết vụ án Vương Tiểu Minh là nói dối. Khi xẩy ra vụ việc tôi đã biết rồi. Có điều thời gian kéo quá dài, vụ án cũng không mấy phức tạp, tôi không để ý đến là đúng. Tôi biết, muốn tạm giữ cán bộ cấp huyện phó như Tiểu Minh phải báo cáo xin Viện kiểm sát tỉnh phê chuẩn. Đúng là khi báo cáo tôi không có ở nhà, ai ngờ việc phê chuẩn quá nhanh, nói cho cùng là do tôi sơ ý. Chị là người hiểu biết, vụ án của Tiểu Minh chị đã tìm tôi thì không nên tìm gặp ai khác nữa. Chị tin tôi sẽ xử lí một cách công bằng, được không? Khuôn mặt chị ta giãn ra, trên môi hé một nụ cười. Hình như phụ nữ cũng giống như chim, phụ nữ cười còn chim thì hót, cảm giác như thế mới có sức sống... Lý Cương nói:- Xin lỗi, tôi chỉ có thể nói được đến thế. Người đàn bà nhìn anh, gật đầu tỏ vẻ cảm kích... Lý Cương đột nhiên phẩy tay, nói: - Không có gì không vượt qua được, đừng có quá nặng nề. Chuyện của anh ấy là của anh ấy, chị còn có cuộc sống của chị. Nhiệm vụ của chị hiện nay là nuôi dạy con, sống cho tử tế. Mấy lời sau Lý Cương cố ý nói thật tình cảm, khiến người nghe cảm động. Người đàn bà gật đầu lia lịa. Chị ta là người đặc biệt biết chừng mực, khi anh nói đến đó chị ta biết rằng đến lúc phải đứng dậy ra về, bèn rút từ trong chiếc túi đeo bên mình ra một chiếc phong bì dầy rồi khẽ khàng đặt lên mặt bàn trà, động tác của chị ta kín đáo đến mức Lý Cương có thể giả bộ không nhìn thấy... Lý Cương lắc đầu, cười nói: - Chị không nên làm thế. Chị ta liền đỏ mặt, khẩn khoản nói: - Viện trưởng Lý, xin đừng từ chối. Đây là lần đầu tiên em gặp ông, xin ông nể em. Hai vạn tệ chẳng là bao, chỉ là một chút thành tâm. Lý Cương cầm chiếc phong bì đựng hai vạn tệ trong tay như muốn cân đo sự nặng nhẹ, suy nghĩ một lát rồi ngồi xuống, bất ngờ nhoẻn cười nói: - Được, thế này nhé tôi xin nhận. Chị đã thành tâm, mà tôi cứ từ chối thì chị làm sao ra khỏi nhà tôi được. Người đàn bà nở nụ cười tươi. Lần này chị ta cười thật vui. Bưởi vì Viện trưởng Viện kiểm sát đã nhận tiền của chị. Có thể theo kinh nghiệm sử thế của chị, lời nói có hay đến đâu chẳng qua cũng như lá rụng, gió thổi là bay tung hết, tất cả chỉ là suông hết, chỉ khi nào người ta nhận tiền quà của chị thì mới thực sự coi là người ta hứa sẽ giúp chị. Lo việc bây giờ, nhất là vào lúc quyết định, tìm được người quyết định mà đưa được tiền đến tay người ta đâu có phải chuyện dễ dàng. - Chị ngồi xuống đã, tôi còn nói chưa hết- Lý Cương nói- Tôi nhận tiền tức là nhận cái tình của chị. Nhưng tôi không nhận nhiều như thế. Lương tôi không ít, cầm số tiền nhiều thế này cũng chẳng làm gì. Lý Cương nhẹ nhàng rút từ trong phong bì ra tờ 100 đồng, cười nói tiếp: - Tôi nhận 100 đồng này, xem như chị tặng tôi tút thuốc lá. Còn lại xin chị thu về. Đây là một chi tiết quan trọng. Để đánh giá sự khéo léo, tài hoa trong việc giúp người và đánh giá phẩm chất làm người phần lớn phải thông qua những chi tiết bất ngờ, ít ai nghĩ tới. Cuộc sống trở nên sinh động cũng giống như những hạt ngọc, những viên đá quí từng viên từng viên nối lại mới sáng đẹp... Người phụ nữ ngẩn người. Chị ta không ngờ Lý Cương lại làm vậy. Chị đứng ngây nhìn Lý Cương tự tay cầm bao tiền nhét trở lại vào túi đeo của chị, và nước mắt lại trào ra, lần này đúng là nước mắt cảm động. Lý Cương nói: - Nếu chị thấy không tiện, tôi không giữ chị lại cùng xơi cơm. Người đàn bà biết rằng đó là lời tiễn khách, bèn gật đầu chào rồi lặng lẽ ra về. Lý Cương tiễn chị ta ra khỏi nhà, quay vào phòng, nhẹ nhàng gieo mình xuống ghế, chậm rãi rít từng hơi thuốc, lúc đó mới nở một nụ cười hài lòng. Thực tế việc tạm giữ Cục phó Cục ngoại thương Vương Tiểu Minh chính là do Lý Cương vạch ra, những hậu quả có thể xẩy ra anh đều có trù liệu cả.Cái cách mà Lý Cương xử lí đối với hai vạn đồng mà vợ Hoàng Tiểu Minh mang đến không phải do anh sáng tạo, phát minh ra, đấy là sự sao chép người khác hoàn toàn... Lúc đó anh mới là Viện trưởng Viện kiểm sát huyện, nhưng là thường vụ huyện uỷ nên được hưởng như cấp huyện phó. Ngày ấy hệ thống kiểm sát tuy đã quản lí theo ngành dọc, nhưng do vì mới bắt đầu cải cách, nên việc bổ nhiệm và bãi miễn cán bộ kiểm sát chủ yếu huyện uỷ có ý kiến là xong. Vì thế, mặc dù Lý Cương giữ chức Viện trưởng đã mấy năm, công tác của Viện kiểm sát làm rất tốt, luôn được tiên tiến, không chỉ nổi tiếng ở thành phố mà còn nổi tiếng cả tỉnh, nhiều lần được Viện kiểm sát thành phố, Viện kiểm sát tỉnh khen thưởng và biểu dương, mặc dù Ban tổ chức Thành uỷ nhiều lần thăm dò, khảo hạch thấy uy tín và cảm tình của Lý Cương trong quần chúng rất cao, nhưng người ta cứ lần lữa không đề bạt và cũng không trọng dụng. Bạn bè thi nhau nhắc nhở anh, thơ hay là ở ý tại ngôn ngoại. Thực ra chả cần ai nhắc, anh cũng biết vấn đề là ở chỗ, các vị lãnh đạo chủ chốt của thành uỷ vẫn chưa "thật hiểu" rõ anh. Viện trưởng Viện khiểm sát thành phố Đại Hà ngày ấy cũng đã nhiều lần bắn tin cho anh, rằng lãnh đạo Viện đã giới thiệu anh từ lâu rồi, nhưng việc đề đạt để Viện kiểm sát tỉnh phê chuẩn, để Ban Tổ chức tỉnh uỷ bố trí lại thuộc quyền của Thường vụ Thành uỷ. Lý Cương biết rõ, các điều kiện đều đã chín muồi, nghĩa là buồm đã giương lên rồi, chỉ chờ có gió đông thổi là băng tới. Gió đông chính là chỗ dựa, người đỡ đầu. Bất luận thế nào, muốn thăng tiến phải tìm chỗ dựa. Muốn làm quan thì phải thế. Một người dù phấn đấu cật lực, dù thông minh giỏi giang, đủ cả đức tài, có uy tín cao đối với quần chúng, thành tích công tác rất tốt, đó mới chỉ là những điều kiện cơ bản, nếu cấp trên không biết đến anh thì suốt đời anh cũng không ngoi lên được. Vậy làm thế nào để cấp trên biết đến anh, đó mới là bản lĩnh, đó mới là tài năng. Lý Cương là một người thông minh. Là con trai một gia đình nông dân miền núi đi ra thành phố học nghề, sau đó leo từng nấc lên đến chức Viện trưởng Viện kiểm sát huyện, trong suốt quá trình biến hoá phát triển đó, hiển nhiên Lý Cương phải học hỏi được nhiều kinh nghiệm đối nhân sử thế và không ít kiến thức trong chốn quan trường. Lẽ nào anh lại không biết anh cần gì? Theo Lý Cương, trong chốn quan trường có ba loại người. Một loại chỉ biết làm việc tức là chỉ biết gằm đầu kéo xe chứ không biết tìm đường, đó là loại người tốt, thực thà, nhưng cũng là loại người ngu, loại người này không có khát vọng cũng chẳng có tiền đồ. Loại người này làm tốt công việc có thể chiếm được uy tín ở một số quần chúng, nói chung hậu vận tốt, sau khi hạ cánh an toàn, tiếng tăm phẩm chất vẫn còn, không có ai chửi bới, ăn ngon ngủ yên. Tuy nhiên cũng có người hậu vận không may, như bí thư huyện uỷ nhiệm kì trước vì  quá thật thà bị người ta hạ bệ mà không biết, đến nỗi suýt bị ám sát. Thật là oan gia. Loại người thứ hai là loại không làm việc, nói một cách khác bề ngoài thì làm việc, còn thực chất là ôm chân lãnh đạo tìm cách ngoi lên. Bản lĩnh của loại người này rất lớn, sự nhẫn nại rất lớn và da mặt thì rất dầy, quần chúng không thích nhưng lãnh đạo thích. Vậy là loại người thứ hai này thường thăng tiến trong tiếng chửi rủa của quần chúng, mà có chửi rủa thêm cũng chẳng làm gì, loại người này vĩnh viễn trưởng thành trong tiếng chửi của quần chúng. Vì bản thân loại người này không từ một thủ đoạn nào, cơ hội của bọn họ nhiều, họ leo cao lên nhanh. Nhưng loại này cũng dễ sinh chuyện, làm hại dân hại nước không nói, đi thẳng từ đỉnh cao quyền lực vào nhà ngục chính là loại người này. Loại người thứ ba lấy hoạt động công tác làm nền tảng. Làm việc tận tuỵ là điều tâm niệm. Nhưng vào những lúc thời cơ thích hợp, điều kiện thuận lợi cũng lặng lẽ tìm cách tiếp cận với lãnh đạo, gây chút vốn liếng. Loại người này nói chung làm việc cẩn thận, hết sức kín kẽ, không phạm sai lầm, chắc chắn, tuy thăng tiến không nhanh nhưng vững vàng. Loại người thứ ba đặc biệt chú ý đến cách làm người, đến cách sử lí các mối quan hệ với cấp trên cấp dưới. Đối với họ làm người còn quan trọng hơn làm quan. Những người làm việc tận tuỵ có thể dễ dàng tiến lui, dù làm quan to hay quan nhỏ cũng đều có thể sống một cách đàng hoàng, ung dung tự tại. Nếu nói loại người thứ nhất là nền tảng của tầng lớp cán bộ chúng ta thì loại người thứ hai là bèo bọt và cặn bã còn loại người thứ ba chính là tầng lớp trung kiên. Lý Cương tin rằng về cơ bản anh thuộc vào lớp thứ ba, anh cũng tự nguyện làm hạng người thứ ba. Vì thế anh cũng cần phải lặng lẽ tìm cách để lãnh đạo cấp trên chú ý. Rồi thời cơ đến. Cơ hội thật ngẫu nhiên tạo cho Lý Cương tìm ra chỗ dựa để leo lên. Lần ấy anh lên thủ phủ Trịnh Châu họp, nhân có thời gian rảnh liền tìm đến thăm một người bạn cũ. Hai người ngồi uống rượu, bất ngờ anh ta nói với Lý Cương: - Lý Cương này, mình với Bí thưThành uỷ Đại Hà các cậu thường xuyên đi lại với nhau đấy. Có thể gọi là rất thân thiết. Cậu có việc gì cần nhờ không? Thật là cơ hội trời cho, Lý Cương vội hỏi: - Thật à? Sao mình không biết nhỉ? - Thật. Cậu mải lo làm quan, bao lâu rồi không đến thăm mình biết không? Mình không nói thì cậu làm sao biết được? Ngày còn học việc, Nhất Liễu cùng ở một phòng với Lý Cương, coi nhau như anh em. Sau vì Lý Cương thích hoạt động chính trị được chọn làm thư kí đảng uỷ nhà máy. Nhất Liễu thích thư pháp, do nhiều lần được giải thưởng trong các cuộc thi thư pháp nên được điều lên công tác ở tỉnh, trở thành nhà thư pháp nổi tiếng. Cùng với sự phát triển và tiến bộ của xã hội, thư pháp ngày càng có giá, Nhất Liễu ngày càng nổi tiếng, chữ viết của anh ta ngày càng đắt hàng, anh trở thành người của công chúng. Bí thư Thành uỷ Giang mê thư pháp, nửa năm trước nhờ một người bạn giới thiệu làm quen với Nhất Liễu giờ trở thành bạn thân. Nửa năm nay, mỗi lần lên tỉnh công tác, Bí thư Giang đều mời nhất Liễu ăn cơm, đi lại thật thân thiết. Trước nay, Lý Cương và Nhất Liễu không chuyện gì là không nói với nhau, vì thế lần này Lý Cương dốc hết bầu tâm sự... Nhất Liễu cười nói: - Đáng ra cậu phải nghĩ cách từ lâu rồi. Lý Cương cười cười đáp: - Bây giờ cũng chưa muộn. Hơn nữa, mình chẳng quen ai trong lãnh đạo cao cấp của tỉnh cả. Chỉ biết mỗi cậu. Trước kia cậu đâu đã thế này, điều kiện chưa có mà. Lý Cương không ngờ các nhà thư pháp bây giờ lại thực tế đến thế, Nhất Liễu hiểu quá rõ tình hình xã hội và cửa vào quan trường. Nhất Liễu nói ngay: - Bây giờ thế này, mình điện thoại cho Bí thư Giang nói rõ quan hệ của hai chúng ta, từ phía mình, mình nêu ý kiến đề nghị ông ta trọng dụng cậu, sau đó mình viết chữ để cậu đem đến tặng ông ta. Chuyện khác mình không dám nói, bởi vì những vị quan to bây giờ không đủ tài để phân biệt Tôn Ngộ Không thật, Tôn Ngộ Không giả, nhưng với tư cách của tớ bảo đảm ông ta nhất định sẽ tiếp đãi cậu một cách nhiệt tình. Lý Cương vui mừng nói: - Hay quá rồi, hay quá rồi. Nhất Liễu nói: - Cậu chớ vui mừng vội, đây mới chỉ như qua cầu. Mình chỉ giúp cậu cây gậy chống để vào nhà Bí thư Giang. Còn làm việc thực sự thì phải trông vào bản lĩnh của cậu. Người thông minh chưa nói đã hiểu. Lý Cương nói: - Cậu muốn nói, mình phải lót tiền. Nhất Liễu đáp: - Điều này cậu phải hiểu hơn mình. Lý Cương chậm rãi đáp: - Mình có thể biếu tiền. Nhưng không biết Bí thư Giang có nhận không? Hơn nữa biếu bao nhiêu thì vừa? Chẳng giấu gì cậu, thực tình mình cũng không biết rõ phải như thế nào. Ngộ nhỡ Bí thư Giang trở mặt tiếng tăm của mình với cậu bị vấy bẩn sao mà gột rửa. Nhất Liễu phá ra cười: - Trời ạ, cậu quá thật thà, cẩn trọng suốt đời như Khổng Minh vậy. Bây giờ khác rồi, thẩm nào cậu không ngoi lên được. Nếu cậu còn lặn ngụp trong chốn quan trường thì cũng chỉ là hạng tép riu. Vào những thời điểm quyết định phải có những cú đầu tư quyết định. - Nhất Liễu, được rồi mình sẽ biếu tiền. Nhưng biếu nhiều hay biếu ít, việc này mình không chắc chắn. - Nhiều ít chính là ở đây- Nhất Liễu xoè hai ngón tay nói- Nằm ở giữa này. Biếu nhiều không được, vì chúng ta đâu có bỏ tiền mua quan chức. Bí thư Giang là một người chính trực, theo mình biết ông không phải hạng người mờ mắt vì tiền. Biếu ít cũng không được. Người ta đường đường là Bí thư Thành uỷ, mình cũng không thể làm người ta mất lòng. - Vậy thì biếu năm ngàn. - Hơi ít? Số tiền đó không đủ để mua một bức thư pháp của mình. - Hai vạn được không? - Hơi nhiều. Có thể làm bẩn giấy, hỏng việc vì có mùi mua bán. - Biếu một vạn. - Được, mình thấy có thể được. Vừa đủ lại không làm bẩn giấy. Lý Cương cười: - Nhất Liễu này, nói thật nhé biếu một vạn đối với mình không phải là ít đâu. Nhất Liễu cười: - Nói thế chẳng hoá ra cậu làm Viện trưởng kiểm sát huyện bấy nhiêu năm là công cốc à? - Không, mình biết người ta kiếm tiền như thế nào. Nhưng mình có cách sống củamình. - Thế thì được, coi như cậu chưa bị sa đoạ. Mình tin cậu. Vậy thì thế này, một vạn đồng mình sẽ giúp cậu. Kiếm một vạn đồng đối với cậu khó, đối với mình chẳng qua chỉ là mấy tờ giấy. Này cậu nói gì thế, đấy chỉ là mình cảm khái mà nói, chứ số tiền ấy mình kiếm được ra mà. Còn một điều nữa Lý Cương định nói, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, lại thôi. Nhất Liễu nói: - Còn một câu nữa cậu chưa nói ra, mình nói hộ cậu nhé, việc này làm được hay không làm được, bất kể kết quả ra sao, cũng chỉ hai người mình biết, có phải vậy không? Lý Cương cười: - Người hiểu ta chỉ có Nhất Liễu mà thôi. Tuy chưa tìm được người đỡ đầu, nhưng đã tìm được lối đến, Lý Cương bắt đầu có hi vọng rồi... IV Ba ngày sau khi từ Trịnh Châu trở về, Lý Cương điện thoại liên hệ với Bí thư Giang. Nhất Liễu cho số điện thoại và dặn gọi đến nhà riêng của ông. Lý Cương không khỏi cảm động, lần đi Trịnh Châu này thật đáng giá, Nhất Liễu đúng là chiếc gậy đưa đường. Đời người như các cụ ngày xưa nói, làm bạn cả ngàn vạn người nhưng hiểu được mình thì chỉ có dăm ba. Đặc biệt khi vào chốn quan trường, toàn là giao dịch, chẳng ai biết rõ được lòng dạ ai cả, quan trường không có bạn. Có thể nhờ cậy được chỉ là những người bạn kết giao khi còn trẻ. 8 giờ tối, đó là thời gian mà Lý Cương cân nhắc lựa chọn để gọi điện cho Bí thư Giang. Anh nghĩ vào giờ ấy, nếu không phải tiếp khách, chắc sau khi dùng bữa tối xong ông sẽ ngồi xem bản tin tổng hợp của Đài truyền hình trung ương xong, đang rỗi, tâm trạng hẳn nhẹ nhàng thư thái. Khi người ta tâm trạng thoải mái hẳn người ta sẽ rộng rãi dễ gần. Thế nhưng hai lần gọi điện thoại vào 8 giờ tối, cả hai lần đều không liên lạc được. Bí thư Giang không có nhà. Lý Cương không sốt ruột. Anh là người rất có lòng kiên trì. Tối thứ ba tiếp theo, đúng giờ Lý Cương lại gọi điện thoại. Điện thoại được nối thông, người tiếp điện thoại chính là Bí thư Giang. - Thưa có phải Bí thư Giang không ạ? Tôi xin gặp Bí thư Giang. - Tôi đây. Đồng chí là... - Dạ tôi là Lý Cương. Đột ngột gọi điện thoại cho Bí thư Thành uỷ, lúc đầu Lý Cương không khỏi hồi hộp, thậm chí mặt thì nóng bừng còn tim thì đập loạn, chỉ sau khi nói mấy câu mới bình tĩnh trở lại, cuối cùng mới đàng hoàng nói tiếp: - Đồng chí xem khi nào rảnh, tôi xin mang cho đồng chí bức thư pháp Nhất Liễu gửi biếu- Bất chợt trong đầu vụt nẩy ý nghĩ, Lý Cương nói ngay- Nói thực lòng tôi cũng muốn gặp đồng chí. Sau đó là chờ đợi... Một lúc sau. Thực ra thời gian cũng rất ngắn, nhưng Lý Cương cảm thấy rất dài. Bí thư Giang nói: - Nhất Liễu đã điện thoại cho tôi rồi. Tôi thấy anh thành thực và tôi cũng hiểu anh. Thế này nhé, tối chủ nhật mời anh lên thành phố, tôi đợi anh ở nhà, được không? Vậy là bí thư Giang đã ân chuẩn, chấp thuận... Nói chuyện điện thoại xong, Lý Cương lật đi lật lại mãi những điều đã nói và cảm thấy câu cuối cùng anh nói ra là đắt giá nhất. " Nói thực lòng tôi cũng muốn gặp đồng chí." Nói lời tuy không nhiều, nhưng ý tứ đủ lại đàng hoàng. Đến độ, đúng điều cần nói. Ngay lúc đó đầu óc của Lý Cương liền trở nên nhậy bén. Anh bắt đầu lẩm bẩm tự cười diễu mình. Đầu được vát nhọn rồi, nhưng có chui vào được không còn phải chờ xem anh có kiên trì hay không. Lý Cương ơi, thời cơ quyết định sắp đến rồi, cậu phải không được đỏ mặt, tim không được đập như trống làng, cốt làm sao được trọng dụng, được đề bạt thì cần leo lên trời để hái trăng, phải lặn xuống biển mò ngọc cũng sẵn sàng, cần phải có chí lớn lấp biển rời non để đổi đời.Ba giờ chiều ngày chủ nhật, Lý Cương lên thành phố. Tay cầm tờ thư pháp của Nhất Liễu, ngực nhét bao tiền một vạn tệ, lòng đầy tự tin, Lý Cương cảm thấy xúc động hơn cả đi về thăm bố mẹ đẻ. Anh nghĩ có thể lần này đến thăm bí thư Giang sẽ làm thay đổi vận mệnh của mình, biến anh từ cấp huyện phó lên cấp huyện trưởng. Lý Cương hiểu rằng, nấc thang huyện phó và huyện trưởng chỉ chênh nhau nửa bậc, nhìn bề ngoài thì chẳng đáng để ý, nhưng để có thể đạt đến thì phải vượt qua ngàn dặm... Lý Cương đã trở thành một người lịch duyệt, biết rõ rằng trong cuộc đời dài dằng dặc của mình, có được cơ hội tốt thật không nhiều, đi hai ba nước cờ đúng vào những lúc quyết định sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ vận mệnh của mình. Đặc biệt đối với bản thân anh mà nói, thành tích công tác mấy năm nay thật xuất sắc, uy tín đối với quần chúng rất cao, hiện tại đó là việc tốt, nhưng nếu không được đề bạt kịp thời thì càng để càng phai nhạt, thậm chí biến thành việc xấu. Bởi vì hai lần thăm dò ý kiến quần chúng đối với cán bộ gần đây, anh đều cao phiếu hơn Bí thư huyện uỷ và Huyện trưởng (Chủ tịch huyện- ND). Đó là một tín hiệu nguy hiểm. Chốn quan trường có luật của quan trường, nếu một người được mọi người thừa nhận là có năng lực, là xuất sắc thì người đó không thể giấu mình được nữa, giống như cây cao vượt khỏi rừng khó mà tránh khỏi bão táp, nếu người đó không được đề bạt thì sẽ bị tiêu mòn khó mà có hi vọng ngóc dậy nổi. Kinh nghiệm nhiều năm dạy anh rằng, trong chốn quan trường sự xuất hiện của cơ hội tốt không có tính tất yếu, thường là do ngẫu nhiên, như ngôi sao băng vụt sáng rồi tắt... Lên đến thành phố Đại Hà trời vẫn còn sớm, Lý Cương để lái xe ở lại khách sạn, một mình bắt đầu hành động. Lúc đó anh chưa học lái xe, mặc dù anh rất tin người lái xe, nhưng anh cũng tin rằng thành luỹ dễ bị hạ nhất là từ bên trong. Cán bộ lãnh đạo có vấn đề, phần lớn do lái xe và thư kí tố cáo. Từ khi anh bắt đầu làm quan, mỗi khi làm việc riêng anh đều hành động một mình, không để lộ sơ hở cho người khác nắm, cố gắng hạn chế thấp nhất rủi ro. Đầu tiên Lý Cương đi húi tóc và tắm rồi thay một bộ quần áo mới. Anh suy nghĩ rất kĩ. Làm sao anh có thể rút từ túi áo chế phục kiểm sát một vạn đồng biếu Bí thư Giang được, hơn nữa làm như thế ông có nhận tiền cũng không thích. Anh thay bộ quần áo kiểm sát bằng bộ com lê, trang điểm kĩ càng nhưng không phải để làm đẹp. Cái cần đạt được ở đây là anh tuấn đoan trang chứ không làm duyên làm dáng như một đứa trẻ mới lớn. Anh biết rõ mình chỉ là một anh Viện trưởng kiểm sát huyện, những cán bộ cấp phó huyện như anh ở các huyện, các địa khu trong thành phố này có không biết bao nhiêu. Nói đến tên Lý Cương có thể Bí thư Giang biết, nhưng hình dong Lý Cương thế nào chắc chắn ông chẳng có ấn tượng gì. Vì thế lần đầu tiên Bí thư Giang tiếp kiến anh chẳng khác gì lần đầu tiên nam nữ gặp mặt tìm hiểu nhau, mắt nhìn và ấn tượng đầu tiên là vô cùng quan trọng. Sau đó Lý Cương đợi một mạch cho đến bẩy giờ rưỡi tối mới ra đi. Anh không ngồi xe riêng, cũng không ngồi taxi, bởi vì đường không thật xa, hơn nữa trời cũng đã tối khó có ai nhận được ra anh, vì thế anh đi bộ xuyên qua phố đến thẳng khu tập thể thành uỷ. Khu tập thể của thành uỷ rất lớn, ở sát cuối khu tập thể lớn có một khu nhỏ dành riêng cho các vị thường vụ thành uỷ, thuộc hàng cán bộ cao cấp nhất của thành phố. Các vị thường vụ đều ngụ trong một căn biệt thự song đôi có hai tầng, ở giữa có tường ngăn. Anh nhớ rất rõ, căn hộ của Bí thư Giang ở phía bên trái cùng dẫy hai phía sau. Nếu ấn nhầm chuông chắc sẽ không có lỗ nẻ mà chui. Trước đây các cán bộ dưới huyện lên biếu xén thường vụ, thường hay đi nhầm cửa, chuyện lọt ra ngoài biến thành chuyện diễu cợt của mọi người. Thật may đối với Lý Cương, Bí thư Giang đợi anh ở nhà. Hơn nữa nhà lại đang không có khách. Điều này thật quan trọng, nếu như có khách, mà khách lại là các bí thư của huyện anh thì thật vỡ mặt. - Cậu mới tới à?- Bí thư Giang cất giọng thật ôn tồn, hỏi. - Dạ đến từ chiều, tôi có chút việc ở Viện kiểm sát thành phố- Anh đáp một cách thận trọng. - Cậu có định nghỉ lại không? - Dạ, cũng không xa. Tôi định khuya sẽ về luôn. - Lên trên này, vào phòng đọc sách của tôi ở gác hai nói chuyện, cậu lên được đây không phải dễ. Theo Bí thư Giang lên lầu hai, Lý Cương thầm nghĩ, có lẽ có chuyện chăng? Xem ánh mắt của Bí thư Giang có thể đoán rằng, ấn tượng đầu tiên của ông đối với anh không tồi. Đưa anh lên phòng đọc sách, hiển nhiên ông coi trọng anh. Điều đó cũng nói rõ quan hệ của ông với Nhất Liễu không phải bình thường. Tiếng nói của Nhất Liễu quả có một sức nặng nhất định. Gặp Nhất Liễu là gặp đúng người. Nhiều khi có chuyện thế này, nhờ người bên ngoài lo việc đôi khi có hiệu quả bất ngờ. Lý Cương không thể ngờ phòng đọc sách của Bí thư Giang lại bầy biện đơn giản, ngoài mấy giá sách và sách là chiếc bàn bát tiên cùng mấy chiếc ghế gỗ kê ở giữa, đến bộ xô pha cũng không bầy. Hai người ngồi xuống hai chiếc ghế đối diện, trong lòng Lý Cương trào lên một niềm kính trọng, nom bề ngoài khó mà nhận ra bí thư Giang còn là một người có học vấn.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro

Tags: #ngubinh