Hồi thứ nhứt

Nắng hè thiêu đốt trên đỉnh ngọn tre không làm người đàn bà mất đi cái thú nằm dài thư sướng. Bà ta đong đưa trên võng, đôi mắt dợm lim dim, bàn tay như ngọc nhẹ nhàng phe phẩy chiếc quạt tơ tằm ưa thích, áo xống để hở không che nổi nửa khuôn ngực trần, mái tóc xõa dài, trông chẳng có gì là phù hợp với một người đàn bà goá chồng đã có tuổi.

Ấy là bà hai Thưởng, nàng vợ bé mà thuở sinh thời ông Hội đồng Thưởng hết mực cưng chiều. Làng có ai mà không biết, đâu chỉ thế, người ta còn biết bà ấy chẳng vui vẻ gì cho cam mỗi khi được gọi bởi thứ danh xưng này. Bà bắt đám hầu trong nhà gọi bà là mợ, mợ hãy còn tươi, còn mơn mởn lắm, chồng mợ đã chết ngót chục năm hơn nhưng xuân sắc của mợ thì vẫn không chết nổi một tẹo nào.

Mợ tự là Lan, người mợ cũng xinh tươi như lan như huệ, đã hàng ba mấy nhưng vẫn khiến bao phen anh hùng hào kiệt điên đảo tơ lòng. Dáng hình mợ đứng, cung cách mợ ngồi, điệu bộ mợ đi, tiếng mợ cười như chuông bạc, giọng mợ nói như chim hót, mắt mợ lúng liếng tợ như biết tâm tình. Mợ là vầng trăng mộng của các đấng trai tráng nam nhi, mợ là tựa bài thơ mà các bậc văn nhân nhã sĩ một lòng nhung nhớ. Mợ có chồng, các anh các chú đêm về kê cao gối mà thương mà tiếc, nay, mợ đã goá bụa, các anh các chú liền để ngoài tai lời thiên hạ, lũ lượt trầu cau mâm quả để xin cho bằng được cái phúc rước mợ vào nhà.

Tự sáng tới giờ, đã ba bốn bận quà bị mợ khước từ khi còn chưa kịp bước qua cổng chính, bởi người chị chung chồng khó tính của mợ hẳn sẽ lôi mợ vô buồng răn dạy nếu để chị ta bắt gặp những thứ - mà theo chị là vô liêm sỉ - ấy xuất hiện trong ngôi nhà đầy gia phong và lễ tiết này.

Mợ như còn nhoi nhói ở bên tai, từng tiếng răn đe tợ như tụng niệm được tuôn ra từ cái miệng chỉ nói những điều hay điều phải ấy dày vò mợ hơn bất cứ một thứ kinh kệ nào mợ từng phải nghe thuở còn trẻ nít cùng mẹ lên chùa. Dẫu đã quá nhiều hôm, mợ hãy còn lấy làm ghê sợ.

Ấy cũng chẳng phải là vì mợ ham mê vật chất gì cho cam, mợ hai Thưởng ưa coi đàn ca múa hát, trong nhà ngoài ngỏ ai cũng biết sự này. Trùng hợp làm sao, hôm ấy có một chàng thanh niên mang tặng mợ cây lục huyền cầm được mang về từ tận trời Tây, thứ làm mợ tức thì sinh lòng yêu mến. Ấy mà chẳng được bao dai, mợ hay tin cây đàn đã bị mang đi trả, còn mợ thì bị gọi đến buồng chị lớn, suốt ngày hôm ấy chẳng ai thấy mợ đặt được nửa bước chân ra ngoài.

Đương lúc mãi nghĩ suy, mợ chợt nghe thấy thứ giọng nói đã làm mình ám ảnh suốt mấy hôm ròng vang vọng:

"Kìa, đã trưa đâu mà em nghỉ ngơi sớm thế?"

Mợ bừng tỉnh trước thứ âm sắc thanh u trầm lắng tợ chứa tất thảy hương khói chốn Phật môn trên cõi trần gian hội lại kia. Giọng ấy văng vẳng trên đỉnh đầu khiến đôi mắt lim dim của mợ bất giác trừng to, mợ ngẩn ngơ mà nhìn gương mặt thình lình xuất hiện. Gương mặt của chị, bà lớn nhà ông Hội Thưởng, nghiêm nghị hệt như cái tên của chị vậy, bà Cẩn, người đàn bà được miệng đời không tiếc lời xưng tụng, dung trang tài mạo không thứ nào thua kém anh hào tài tử tứ phương.

"Tôi năm nay cũng ngót tứ tuần, không thể sống đời ở kiếp mà giữ gìn lề thói cho cái gia đình này mãi, đợi đến khi tôi xuống mồ rồi em hẳn dở cái chứng lẳng lơ ấy ra, bây giờ tôi còn sống, tôi không chấp nhận được cái loại nề nếp tác phong này."

Từng tiếng tụng niệm lại rót vào tai, chẳng có lấy một lời nào lớn giọng thế nhưng mợ vẫn thấy trên đỉnh đầu mình như có Thái Sơn nè nặng. Mợ chẳng buồn đáp, nhìn trước nhìn sau, xét thấy chẳng có chỗ nào mà mình không đứng đắn, bất mãn, mợ vặn hỏi:

"Chị, em ăn vận thế có chỗ nào là không nên nề nếp, là ong bướm lẳng lơ? Chị ghét em thì cứ nói, duyên cớ gì mà cứ mãi trách mắng em?"

Bà Cẩn nghe mấy lời oan khuất như nhân tình mơn trớn, nhìn cái liếc mắt như trêu bướm ghẹo hoa của mợ, lòng sanh ghét bỏ nhưng tuyệt nhiên điệu bộ chẳng thể hiện ra. Bà ta cau mày, chỉ để lại một câu rồi chắp tay ra sau mà quay bước.

"Áo mặc cúc đóng cúc mở, trễ nãi xuống tận ngực như thế, em làm sao coi cho đặng thì làm."

Hoá ra cự nự hồi lâu cũng chỉ vì hai ba cái cúc áo, mợ dợm nghĩ, gian này ngoài chị ta ra thì có ma nào cho mợ lẳng lơ. Đố cha cái bọn thằng hầu không sợ gãy cẳng què giò mà tự tung tự tác bò lên gian trước, ấy là còn chưa nói tới thói đời thích đặt mợ chung với hai chữ lẳng lơ ấy. Thuở đời nay, cha mẹ sanh ra sắc vóc hình hài đã như thế, chứ mợ tồng ngồng bằng đấy mà vẫn chưa buồn liếc mắt đưa tình với đàn ông lần nào.

Thế nhưng oan này một mình mợ thấu, mợ cũng chẳng thèm đôi co nhiễu sự làm gì. Ấy mà đương lúc chỉnh trang, mợ lại nghe tiếng chị ta vọng lại.

"Ông mất đã nhiều năm, trong nhà chẳng còn ai nương tựa, khi khổng khi không tôi oán thù em đặng được sự gì?"

Dừng một lúc, bà ta lại nói:

"Còn đâu non nửa tháng là con ba Huệ sẽ đi học về, mà đợt này tôi lại phải lên Sài Gòn coi tiệm, việc nhà cậy hết cho em, có chuyện gì thì kêu thằng Đậu chạy lên uỷ gọi dây nói, biết chưa?"

Thái độ của người chị lớn cố hữu luôn làm mợ chưng hửng, không phải vì gắt gỏng, mợ thà là chị ta gắt gỏng, đằng này trong mấy chục năm về đây làm dâu mợ chưa khi nào thấy chị Cẩn của mợ to tiếng cáu kỉnh với ai bao giờ. Cho dẫu là từ khi ông Hội mất, xứ này còn kẻ nào uy quyền hơn người đàn bà ấy nữa đâu. Vậy mà thuở đời nay, bá gia ai cũng thấy bà Cẩn luôn nhã nhặn quá, luôn phải phép quá, mợ đâm ra làm khinh thị trước cái thái độ hờ hững được sơn son thếp bạc bởi thứ mỹ từ "phẩm hạnh" kia.

Hình như chưa từng có kẻ nào là đủ cơ may sở hữu cái hạnh phước được chị ta chứa trong lòng, để trong dạ, mợ đã từng nghĩ thế, sau khi thấy khuôn trăng đẹp đẽ ấy không mang một tí bi thương nào trong đám ma của đức ông chồng đã từng đầu gối má kề suốt bấy nhiêu năm.

Một bụng bí bách của mợ không biết phải trút vào đâu, mợ đâu thể nào mặt nặng mày nhẹ với cái bộ mặt chan hoà từ ái đấy, bởi vậy, tự xưa đến nay mợ có từng thích chung đụng với bà chị lớn nhà mình bao giờ.

"Chừng nào thì chị đi?" - Mợ quan tâm vờ vịt.

"Khuya nay."

"Chuyện gấp dữ vậy sao?"

"Phải."

Không để lại lời giải thích gì cho sự ra đi vội vã ấy, bà Cẩn cất bước rời khỏi chái nhà. Mợ còn đứng ở nơi đó, đôi mắt trông theo cái dáng người cao dong dỏng luôn được đóng kín trong những bộ áo dài nhung màu sẫm đến là nền nã đoan trang, ấy rồi mợ chợt nghĩ, quả tình là lời thiên hạ không quá quắt một tấc một phân nào.

Người đời hằng quen gọi bà là bà Cẩn, hai tiếng bà lớn tuyệt nhiên chưa từng tồn tại trong trí óc của dân xứ này. Ấy cũng phần nhờ vào cái phẩm hàm Bố chính sứ của thân phụ bà ngày còn tại thế, nhưng hơn cả là cái tâm, cái tài, cái hình hài sắc vóc mới là thứ khiến cái danh bà Cẩn vượt lên trên cái phận bà lớn nhà ông Hội như hiện thời.

Thuở mới về đây, nàng con gái duy nhất của quan Bố chính chỉ đâu chừng mười lăm mười sáu tuổi. Nơi nào nàng ngang qua, gót sen chưa kịp cất bước thì tiếng đồn về tài văn chương thơ phú đã vang dội cách đấy mấy thôn xóm. Nơi nào nàng ngự lại, người ta phải tranh nhau coi cho bằng được cái nét "hoa ghen thua thắm", cái vẻ "liễu hờn kém xanh" diện mục ra sao. Người ta mến tài, yêu sắc, nhưng lại càng quý cái đức cao vợi của nàng hơn cả, ấy không chỉ là cái đức của người đàn bà, mà còn là cái đức của kẻ thánh hiền, của người quân tử. Có thể, người ta chưa biết mặt mũi nàng ra sao, nhưng gần xa ai cũng tỏ rằng từ ngày nàng Cẩn về, sưu cao thuế nặng đã không còn như ách tròng trên cổ, dịch dã thiên tai nào được nghiễm nhiên càn quấy như trước kia, mà những thứ ấy đều do một tay nàng đốc thúc. Hễ đức chồng nàng, tức ông Hội Thưởng tỏ ý cấm cản, bảo nhau không đặng, nàng lại biên thơ về cho thân phụ của mình, thế là ông Hội phải im ngay. Từ ngày có nàng Cẩn, người ta mới biết sống cảnh đầu không lo phiền, bụng không lo đói, đêm nằm ngon giấc hẳn ra.

Đức cao vọng trọng là thế, người đời vẫn hằng kháo nhau cái tội lớn nhất của nàng là không đẻ được con, sau ba bốn năm thân cây không trái, ấy là cũng đã đến lúc nàng vợ bé tên Lan bước chân vào nhà ông Hội đồng.

Từ độ đó, Cẩn với Lan, hai cái tên này thường xuyên được đặt lên bàn cân để người ta dễ bề so sánh. Bà Cẩn phong tư là thế, bà Lan lại càng thêm mê đắm lòng người, một sắc nước, một hương trời, một hai sau trước đều đến tay ông Hội Thưởng. Người ta nói rằng ông này tốt số quá, lại thêm cưới Lan về được ít lâu thì trưởng nam chào đời, vài năm sau lại có thêm quý nữ, khỏi phải nói, từ độ đó trở đi đức trượng phu Thưởng càng thêm cưng yêu chiều chuộng nàng vợ bé này nhiều đến độ nào.

Nhưng cưng đến đâu thì cưng, yêu đến đâu thì yêu, người ta lại cho rằng đàn bà mà chỉ được cái sắc diện bên ngoài thì tầm thường biết mấy. Lan thì đẹp đấy, nhưng cũng chỉ là loài giống để người ta thưởng thức cái dáng vẻ hình hài, đâu như Cẩn, nàng mới là bậc tri kỷ khó tìm, tri âm đích thực. Khổ nỗi, người ta cũng cho rằng đàn bà là phải đẻ, cái sứ mệnh lớn lao nhất đời người ấy, thế mà Cẩn lại không thể đẻ, tréo ngoe thay, nhưng nếu nàng không thể đẻ, vậy thì nàng là loại người gì?

Mợ Lan không biết, mợ chỉ biết một điều rằng trong những tháng năm xưa cũ ấy, mợ đã vô tình bắt gặp người chị lớn mãn đời mang cái vẻ chan hòa từ ái của mình lặng lẽ rơi nước mắt ở hiên sau.

Đấy là một đêm sáng trăng, sau khi cuộc hoan ái giữa mợ và đức trượng phu đã qua rồi cơn kịch liệt, mợ chớm dậy trong tiếng ngáy o o của chồng. Mợ hẳn là phải tạ ơn cái đứa hầu nào để ấm trà trong buồng của mợ ráo hoảnh ngày hôm ấy, nếu không, mợ cũng đâu phải lọ mọ ra tận hiên sau để tìm nước cho cái cổ họng khát khô của mình. Ấy rồi giữa đêm đen, mợ thấy dáng hình của một người con gái tỉ tê bên chung rượu nhạt.

Bấy giờ, sương đêm đã giăng đầy trên bậu cửa, trên thành vách và trên chiếc chõng tre trơ trọi trải độc một chiếc chiếu manh. Sương rơi trên da thịt hãy còn bỏng rát của mợ rồi chóng tan thành khói, sương đậu đầy trên hai vai áo sũng ướt của người con gái đơn chiếc và trên hai con mắt mà mợ luôn thầm gọi là lắm sự đa đoan.

Thoạt đầu, mợ cũng ngạc nhiên, sửng sốt, nhưng rồi tâm can mợ lại khó lòng kiềm được nỗi vui sướng hả hê. Sự thương xót hiếm hoi và ít ỏi không địch nổi cơn ghen đã vôi hoá tự bao giờ. Mợ căm tức, rằng chị Cẩn của mợ luôn đẹp đẽ quá, mà cái đẹp của chị thì ngày càng làm mợ thấy gai người. Vì cứ hễ những lúc phải cùng chị sóng vai, mợ lại thấy như cái đẹp của mợ, cái mà mợ đã từng hết mực tự hào đương làm nhơ nhuốc đi cái đẹp từ tận cùng cốt cách của chị. Hệt như lúc này vậy, mợ nghĩ mà chẳng hay biết, chị đẹp đến độ như muốn thoát ly khỏi cái vô thường ở chốn ta bà giả tạm, chị đẹp đến mức chỉ có lẻ loi cô độc mới dung chứa được mình.

Mà càng thấy như vậy, mợ lại càng thêm muôn phần căm tức, cứ như căm tức là thứ thái độ duy nhất mà mợ có thể dùng để đối diện với sự xinh đẹp quái ác của chị ta, một cớ sự bất thường mà mợ còn chẳng biết là từ đâu đến.

Rồi như có một mối tương liên giữa hai người đàn bà đương mang tâm sự, hoặc có lẽ là do hành tung của mợ mới lộ liễu làm sao. Người đàn bà nghiêng mình trên chiếu ngoái nhìn về nơi gian bếp, và bắt gặp ngay cái bóng hình ăn vận rất không nghiêm chỉnh cùng với cái vẻ mặt mà chị không biết phải dùng lý lẽ gì để luận giải tỏ tường.

Mợ giật thót trước ánh nhìn đột ngột tử đôi mắt đấy, rồi chẳng nói chẳng rằng ngoảnh mặt bỏ đi, như quên cả cơn khát, mợ rảo biến về buồng.

Và cũng từ khi ấy, mợ chưa từng trông thấy chị Cẩn của mợ rơi thêm bất kỳ một giọt nước mắt nào nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro