Chưa đặt tiêu đề 4
Nếu Ngô Tất Tố làm ta vỡ òa qua cảnh chị Dậu đấu sức với tên cai lệ, hay Nam Cao khiến ta trầm trồ khi Chí Phèo cầm dao đến nhà Bá Kiến thì đến với "Vợ chồng A Phủ", người đọc như cũng thấy thỏa mãn với tinh thần phản kháng trỗi dậy mạnh mẽ của Mị trong sự gặp gỡ số phận với A Phủ. Năm tháng lặng lẽ trôi qua, những đêm đông trên núi cao vẫn luôn buốt lạnh. Tất cả đàn bà con gái trong nhà thống lí Pá Tra đã đi ngủ hết cả rồi thì chỉ một mình Mị miên man với ngọn lửa, đêm nào cũng hơ tay sưởi lửa và chống chọi lại với những tiếng tích tắc của đêm dài, cho dù có những đêm "A Sử chợt đánh Mị ngã quay xuống cửa bếp".Trong thế giới tù ngục của nhà thống lí, Mị bền bỉ, bầu với bếp lửa, vì khi đó cái giá băng, cô quạnh trong tâm hồn bị xua tan, Mị được sống thật với chính mình, với những khát khao và ngọn lửa sức sống âm thầm trong lòng: "Nếu như không có bếp lửa sưởi kia thì Mị cũng chết héo".
Đêm nào Mị cũng nhìn thấy A Phủ nhưng không rủ lòng thương, vì có lẽ sống lâu trong địa ngục trần gian nhà thống lí đã khiến cho trái tim Mị trở nên chai lì trước những hoàn cảnh khốn khổ. Song, hôm nay thì khác, nghe thấy tiếng thở phì phì của A Phủ, Mị bất chợt nhìn sangvà giật mình nhận thấy một chàng trai to khỏe nhất bản giờ đây đã bị đánh đến tiều tụy, mặt xámlại, má hõm sâu, hai con mắt trũng sâu đầy bóng tối. Và đúng lúc đó, ngọn lửa bập bùng sáng lên, chiếu tỏ cho Mị thấy rõ vẻ bất hạnh tột cùng nơi ánh mắt A Phủ: "Một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại". Đó là những hạt châu quý hiếm của một chàng trai mạnh mẽ, gan góc, bướng bỉnh và can trường, đặc biệt chưa từng biết khóc Đó là nước mắt đầy khổ đau và bi kịch, là biểu hiện của nỗi tuyệt vọng mà oán hờn, hay chính là nước mắt trăng trối thay lời vĩnh biệt. Ánh lửa lại dội vào thẳm sâu tâm khảm Mị, đánh thức cái quá vãng buồn đau một thời: "Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ không biết lau đi được". Để rồi từ đó, lòng nhân ái trong Mị được sống lại và Mị tỉnh táo nhận thứcvề tội ác phi nhân tính của nhà thống lí Pá Tra, của cả một chế độ đầy cay nghiệt: "Chúng nó thật động ác". Đám than "đã vạc hẳn lửa", ánh sáng vụt tắt và ẩn mình khuất lấp trong những tàn than, làm cho bóng tối tràn ngập không gian, nuốt chửng căn nhà. Nhưng thực chất, nó đã nhường bước cho ngọn lửa phản kháng trong Mị bùng lên mạnh mẽ, ấm nóng.Dòng cảm xúc trong Mị trào dâng lên, khi lòng thương mình hòa cùng lòng thương người và lòng căm phẫn, Mị không sợ nhà thống lí pá tra, không sợ cái chết nữa. Con người một thời yếu đuối, cam chịu nay đã đủ nhiệt tâm, giàu can trường để "rút con dao cắt lúa, cắt nút dây mây, giải thoát A Phủ và giải phóng cả bản thân mình. "A Phủ cho tôi đi" – một câu nói trong những phút nguy cấp ấy đã đủ để thay đổi tương lai của Mị, như một tấm bản lề khép lại quãng đời tăm tối khổ đau và mở ra một cuộc đời mới. Ở Phiềng Sa, ban đầu, con ma nhà thống lí Pá Tra vẫn ám ảnh và hằn in trong tâm trí Mị. Đó là những tàn tích tâm lí nặng nề khi bị giam hãm, cầm cố tuổi thanh xuân mà bọn cường hào ác bá vùng cao đã để lại, dưới ách thống trị mà mê tín dị đoan bị lợi dụng một cách triệt để. Nhưng, dần dần đã Mị thoát khỏi nỗi sợ hãi và còn trở nên dũng cảm, xông pha đi cứu bà con, bảo vệ quê hương nhờ ánh sáng Cách mạng đã chiếu rọi, dẫn lối chỉ đường cho Mị và A Phủ dẫu cho biết bao gian truân đang chờ phía trước, như nhà thơ Tố Hữu từng viết:
"Đời Cách mạng từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề cận cổ, súng kề tai
Là thân sống chỉ coi còn một nửa"
Có thể nói, nhân vật Mị đã giúp nhà văn phản ánh khả năng đến với Cách mạng của người dân lao động miền núi, trải qua quá trinh đi từ tự phát đến tự giác. Từ đó, người đọc cảm nhận rõ hơn về chiều sâu nhân đạo trong ngòi bút Tô Hoài – thứ "bụi vàng" đã khiến những trang văn của ông sáng lấp lánh qua bao năm tháng thời gian.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro