2.
Chiều buông trên mái ngói rêu phong của nhà hội đồng Nguyễn như một lớp sương mỏng, nhẹ tênh mà thấm đẫm. Màu trời chuyển dần sang sắc đồng hun, ánh nắng cuối ngày lặng lẽ đậu trên đọt cau cao vút, rồi rơi rụng dọc theo thân trụ, in bóng dài trên sân gạch tàu đỏ sậm. Mấy con gà trống lông mượt chạy lăng xăng tìm đường về chuồng, tiếng chân gõ nhẹ lên nền gạch như tiếng lòng khẽ động của ngôi nhà cổ đã nhiều đời lặng thinh.
Gió từ mé sông thổi về, mang theo mùi nước nồng nồng lẫn hương đất ẩm sau cơn mưa buổi sớm, thấm vào lòng người một cảm giác nhung nhớ khó gọi thành tên. Dưới giàn hoa lài trước sân, những cánh hoa nhỏ trắng ngần rụng xuống lớp đất mịn, quyện vào không khí mùi hương dìu dịu – thứ hương quen mà lặng, như ký ức cũ đã lâu không ai chạm đến.
Cảnh vật lặng như một bức tranh thủy mặc, có động mà không lời, có âm mà không tiếng.
Trong căn phòng khuất về phía dãy nhà ngang, Hải Quỳnh đứng bất động bên khung cửa sổ gỗ sậm màu thời gian. Đôi mắt cô dõi ra vườn trầu phía sau nhà, nơi những hàng dây trầu xanh thẫm ôm lấy từng cây cọc tre già. Ánh nắng chiều len lỏi qua chấn song cửa gỗ, đổ ánh vàng dịu nhẹ lên gương mặt nghiêng nghiêng – một gương mặt mang vẻ đẹp không ồn ào, nhưng dễ khiến người khác phải dừng mắt lại. Cô mặc một chiếc áo lụa màu tro thẫm, tóc xõa dài, buộc hờ bằng một dải lụa trắng mỏng tang. Nhìn cô khi ấy, người ta dễ ngỡ đang nhìn một bức họa chưa kịp khô màu, mà mỗi nét đều mang theo một nỗi u tịch nào đó không thể gọi tên.
Cô đã về vào buổi trưa. Về lặng lẽ như một chiếc bóng, không báo trước, không ồn ào. Xe vừa dừng nơi cổng chính, cô bước xuống, chỉ ghé nói với ông hội đồng đôi ba câu khách sáo, rồi im lặng quay lưng, đi thẳng về phòng. Không liếc sang bà ba Kim – người sinh ra mình, cũng không chào lấy một tiếng với những người trong nhà. Mọi sự náo động vì đứa con gái "du học Tây về" chỉ thoáng hiện trên nét mặt kẻ hầu người hạ, rồi tan biến nhanh như cách cô khuất bóng sau hành lang.
Từ ngày rời đi, tính khí Hải Quỳnh càng thêm trầm lặng. Nhưng không phải sự trầm lặng của người sống nội tâm đơn thuần – mà là sự yên lặng cố ý, dứt khoát, như thể đã lựa chọn cắt đứt mọi mạch liên kết với quá khứ. Giống như một vết cắt gọn, không thừa không thiếu, không máu me, không tiếng nấc.
Một tiếng gõ cửa vang lên – khe khẽ mà kéo dài.
"Cô Út ơi... bà ba biểu con mời cô ra ăn cơm" giọng con Ốc vang lên nhỏ như tiếng mèo kêu. Đứa nhỏ này mới mười hai tuổi, cũng là gia đinh nhỏ tuổi nhất nhà hội đồng Nguyễn. Lúc này nó đứng trước cửa phòng cô Út, tay cầm chiếc khăn tay trắng còn chưa kịp gấp gọn, mắt đảo quanh như sợ bị ai bắt gặp, dáng dợm như chỉ chực quay đầu bỏ chạy nếu có tiếng mắng.
Một hồi không thấy động tĩnh gì trong phòng, con bé gõ thêm nhịp nữa, nhỏ hơn, dè dặt hơn:
"Ông hội đồng chờ đủ mặt rồi cô... cô ra cho vui cửa vui nhà... nghen cô..."
Không gian bên trong vẫn im lặng. Như thể lời nói của con bé không chạm tới được người đang đứng lặng lẽ phía sau lớp gỗ cũ kỹ kia.
Rồi – một giọng nói bật ra, khô và lạnh như gió tháng chạp:
"Biết rồi. Ra liền."
Chỉ ba chữ ngắn ngủi, nhưng khiến con Ốc thoáng rùng mình. Nó gật đầu lia lịa, rồi líu ríu chạy đi.
Khoảng sân giữa các dãy nhà luôn rộn ràng ánh đèn mỗi khi nhập nhoạng tối. Nhưng hôm nay, không khí có vẻ rộn ràng hơn thường. Người hầu đi tới đi lui nhiều hơn, tiếng chén dĩa vang vọng từ gian bếp sau cùng, mùi thức ăn thơm lừng tràn qua từng khe cửa.
Bữa cơm chiều hôm ấy được dọn tươm tất hơn mọi khi. Gà hấp lá chanh, cá lóc nướng ống tre, thịt kho tàu, mắm thái đủ vị, canh chua tôm càng đỏ au. Những món ăn quen thuộc nhưng nấu kỹ, bày biện gọn ghẽ như để đón một người xa quê trở về.
Phòng ăn lớn đã thắp đèn sáng rỡ. Trên chiếc bàn dài bằng gỗ lim sậm màu, chén bát sứ trắng tinh xếp ngay hàng thẳng lối. Ông hội đồng Nguyễn ngồi đầu bàn, áo bà ba trắng, mái tóc muối tiêu chải gọn, gương mặt nghiêm nghị nhưng không thiếu nét uy nghi của người từng là địa chủ lớn nhất nhì vùng này.
Bên trái ông là bà cả Trần Thị Nguyệt – tóc búi cao, áo dài gấm màu xanh lục sẫm, ánh mắt lúc nào cũng như đang dò xét điều gì đó. Bà ba Kim ngồi bên phải chồng, lặng lẽ nhìn về phía cửa phòng ăn, đôi mắt thoáng ánh chờ đợi. Vòng cẩm thạch cũ lắc nhẹ trên tay mỗi khi bà đưa đũa.
Các con ngồi dọc hai bên – cậu cả Trọng Khanh và mợ cả Mỹ Cầm – người đàn bà chưa quá ba mươi nhưng sắc sảo như một bà chủ chợ lâu năm. Cậu hai Trọng Kỳ – sắp cưới vợ; và Trịnh Thị Ngọc Diệp – vợ sắp cưới ấy, con gái của Tuần phủ Trịnh Kiến dưới Cần Thơ, nói năng khôn khéo mà luôn giữ chừng mực.
Còn bà hai – mẹ ruột của cậu hai Trọng Kỳ – đã mất được hơn bốn năm.
Chiếc ghế cạnh bà ba, vẫn bỏ trống. Mọi ánh mắt thỉnh thoảng lại liếc về phía đó.
Và rồi, tiếng guốc vang lên – nhịp chậm mà đều. Hải Quỳnh hiện ra ở ngưỡng cửa. Ánh đèn chiếu nghiêng xuống gương mặt cô – phẳng lặng và vắng tiếng. Không son phấn, không đồ trang sức, mái tóc đen chỉ cột hờ, gương mặt ấy khiến cả bàn cơm ngưng lại trong chớp mắt.
Cô cúi đầu chào nhè nhẹ, rồi lặng lẽ kéo ghế, ngồi xuống bên cạnh bà ba. Cả nhà như chờ đợi một câu gì từ cô, nhưng chỉ có tiếng muỗng chạm bát vang lên. Quỳnh gắp một miếng cá, ăn chậm rãi, điềm đạm như thể đang làm một việc buộc phải làm.
Ngọc Diệp, từ phía đối diện, không khỏi đưa mắt nhìn.
Là thật. Cô Út nhà hội đồng Nguyễn đẹp như lời đồn, thậm chí còn hơn. Nhưng không phải nét đẹp kiều diễm. Mà là nét đẹp...có khí sắc, có gai. Mắt cô dài, mày rậm mà thanh, cằm hơi nhọn, đôi môi mím khẽ – và ánh mắt ấy, không hiểu sao, khiến Diệp lạnh dọc sống lưng.
"Quỳnh, ăn đi con " bà ba lên tiếng nhỏ nhẹ, đặt thêm chén canh trước mặt con gái.
Quỳnh không đáp. Cô chỉ cầm đũa, gắp miếng cá lóc nướng, ăn một cách từ tốn, cẩn trọng, như thể đang cử hành nghi lễ.
Trong suốt bữa ăn, cô không nói một lời nào. Không hỏi chuyện anh, không chào chị dâu, không nhìn cha mình. Đến khi ăn gần hết phần cơm trong chén, cô đặt đũa xuống, thẳng lưng đứng dậy.
"Con ăn xong rồi. Con về phòng."
Không ai kịp giữ. Không ai dám giữ.
Kỳ bật cười nhạt.
"Nó vẫn vậy à cha ha. Không thay đổi gì hết. Gửi qua Tây mấy năm, giờ coi bộ còn chảnh hơn hồi nhỏ."
Ông hội đồng nhấp rượu, đặt ly xuống.
"Tại tao ép nó về, nên nó không vui. Mày làm anh, chấp nhất nó làm chi."
Ngọc Diệp ngồi im, tay vẫn cầm chiếc muỗng canh nhưng chưa húp. Mắt cô nhìn theo hướng cô gái vừa rời khỏi, đôi mắt có gì đó khó tả - vừa như ngỡ ngàng, vừa như bất an.
Cô quay sang Kỳ:
"Quỳnh... học gì bên Pháp vậy anh?"
Kỳ nhún vai:
"Văn chương. Đọc sách nhiều hơn nói chuyện."
Mợ cả Cầm tiếp lời, giọng đầy ẩn ý:
"Nó không thích gần ai hết. Nhất là mấy người trong nhà. Ngày trước về nghỉ hè, thấy tụi tui ngồi chằm lá dừa mà nó chẳng bao giờ ngó mặt. Có hồi tui nhờ phụ coi sổ gạo cho má cả, nó nhìn tui như tui ăn cắp vậy đó."
Bà cả im lặng, nhíu mày, tay vẫn khuấy chén nước mắm như có điều suy nghĩ.
Bà ba thì thở dài. Lòng bà đau, nhưng đã quen với cái cảm giác bị con ruột của mình xa cách. Quỳnh là đứa con bà sinh ra, nhưng chưa từng một lần ôm bà mà gọi "má" bằng giọng dịu dàng.
Sau bữa cơm, Diệp và Trọng Kỳ ra ngồi ngoài hiên hóng mát. Trăng non vừa lên khỏi rặng tre, ánh sáng bạc dịu dịu phủ xuống sân gạch, loang loáng trên những chum nước đặt dọc hành lang. Gió đồng từ xa thổi về, mang theo mùi lúa và hương cau thơm thoảng.
"Anh à" Diệp khẽ lên tiếng, giọng nhỏ nhẹ, "sao anh không giới thiệu em cho Út Quỳnh? đây là lần đầu tiên em gặp cổ mà."
Trọng Kỳ nhếch môi, thở ra một tiếng:
"Thôi, em đừng mong. Nó khó gần lắm. Cả nhà này má ba còn không nói vô nói ra với nó được nữa là."
Diệp ngẫm nghĩ, rồi hỏi:
"Bộ... cô Út có chuyện gì sao?"
Câu hỏi khiến Kỳ hơi cau mày. Anh quay sang nhìn Diệp, ánh mắt hơi khó hiểu. Nhưng rồi cũng đáp:
"Nó học ở bển, bên Tây. Văn chương, triết lý gì đó. Học càng cao thì càng xa nhà. Càng xa thì càng khinh người. Nó hay bắt bẻ lắm, nhất là anh. Hồi nhỏ đã vậy rồi. Anh nói gì sai sai là bị nó chỉnh tới nơi tới chốn."
Diệp bật cười, đưa tay nhéo nhẹ mũi chồng:
"Vậy ra là anh cũng bị cổ 'dạy đời' hả? Thảo nào..."
Nói thì nói vậy, nhưng trong lòng Diệp vẫn còn nguyên một cảm giác mơ hồ. Từ buổi cơm tối nay, cô đã hiểu – người con gái ấy, người ta gọi là "Út Quỳnh", không phải là một cô em chồng bình thường.
Mà là một người... ẩn giấu một thứ gì đó. Sâu. Lạnh. Và buồn.
Và kỳ lạ thay — cô không ghét điều đó. Ngược lại, có gì đó ở cô gái kia... làm cô tò mò.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro