3.




Sáng sớm, làng Hạ đã rộn ràng như thể lễ Tết tràn về sớm một mùa. Gà chưa kịp gáy canh tư, cả dãy nhà chính nhà hội đồng Nguyễn đã sáng đèn. Người ra người vào, gánh nước, gánh củi, mài dao, bưng lễ, gọi nhau í ới. Dưới bếp, lửa hồng hừng hực cháy cả đêm, than bén nồi bánh tét, bánh ít đã gói từ chiều hôm qua. Nồi nước lèo tôm sú được canh lửa liu riu, mùi thơm đã lan tới tận rặng dừa mé sau vườn.

Người của bảy họ tám làng đều kéo nhau về, ăn mặc bảnh bao, đủ hạng: hương chức, bá hộ, chủ điền, cả những người dân lam lũ cũng nán lại đứng ngoài hàng rào tre ngó vào. Ai cũng biết, đám cưới cậu hai Nguyễn Trọng Kỳ – con trai thứ của ông hội đồng Nguyễn Hải Chính – với con gái Tuần phủ Trịnh Kiến là một mối hôn nhân danh giá bậc nhất miền Tây thời ấy.

Một đám cưới không chỉ là kết tóc se tơ, mà là kết liên hai thế lực.






















Trưa, lễ rước dâu bắt đầu. Trống chiêng vang dậy khắp vùng. Đoàn nhà trai mặc áo dài the đen, khăn đóng lượt là, cờ phướn giăng dài từ ngõ chợ tới tận cổng làng Hạ. Trịnh Thị Ngọc Diệp – cô dâu – được kiệu về trong áo dài đỏ thắm, khăn vành, cổ đeo chuỗi hạt trai ba lớp, trâm vàng cài ngọc bích. Gương mặt cô như một đóa mẫu đơn nở rộ giữa lễ nghi, nhưng ánh mắt lại bình thản, điềm đạm như đã chuẩn bị cho một bước ngoặt cuộc đời từ rất lâu.

Nguyễn Hải Quỳnh đứng phía sau hàng cột, mặc áo dài lụa màu tro nhạt, tay đan nhẹ sau lưng. Ánh mắt cô không ngước nhìn cô dâu, cũng không mảy may lay động trước những lời trầm trồ, khen ngợi của khách khứa. Đôi mắt dài, hơi xếch, chỉ nhìn xuyên qua những lớp người, lớp áo, lớp vàng, như thể cả cuộc lễ chỉ là một vở tuồng dài dòng mà cô vô tình được ngồi xem.

"Con nhỏ đẹp thiệt, xứng với cậu hai dữ thần."
"Mặt cậu hai hôm nay sáng rỡ ha. Cười hoài, làm như mới lần đầu thấy gái vậy trời..."
"Về nhà hội đồng rồi chắc sướng suốt kiếp!"

Những lời thì thầm xen lẫn tiếng trống rộn ràng, khói nhang, tiếng pháo lẻ tẻ... làm nền cho vở đại hí kịch.

Hải Quỳnh chỉ im lặng.

Đôi khi, người ta thờ ơ không phải vì không thấy. Mà là vì thấy quá rõ. Quá sớm. Nên chẳng còn gì đáng bận tâm.

Với cô, những đám cưới lớn chỉ là trò đổi chác giữa những kẻ có quyền – tài sản gói trong gấm vóc và danh phận. Ai về làm dâu nhà hội đồng cũng như nhau – hoặc là kẻ biết nhún mình để trụ lại, hoặc là kẻ tham lam đến tận xương.

Chị dâu tương lai, đối với Quỳnh, chỉ là một cái bóng mới vừa được sơn phết.


















Bàn tiệc được dọn kín cả sân lớn phía trước nhà. Hơn năm mươi mâm, trải khăn trắng, mỗi bàn mười người. Gỏi củ hủ dừa, vịt quay, lươn om nghệ, bánh phồng tôm, chè sen... bày ngồn ngộn.

Cô dâu chú rể thay áo, chào từng bàn, nhận vô số lời chúc.

Chỉ có một người không chúc.

Nguyễn Hải Quỳnh – ngồi bàn trong cùng, dưới tàng cây vối – chậm rãi nhấp chén trà, mắt lướt qua Diệp và Kỳ như lướt qua một cặp nhân vật trong tiểu thuyết cổ điển.

Khi cặp đôi tiến đến bàn cô, Trọng Kỳ cười lớn:
"Út Quỳnh! Nói gì đi chứ! Không lẽ vợ chồng anh hai đây không xứng đáng nhận lời chúc của em?"

Ngọc Diệp mỉm cười, mắt vẫn giữ vẻ nhẹ nhàng:
"Cô Út, hôm nay là ngày vui của anh chị..."

Hải Quỳnh ngẩng đầu, nhìn Diệp một lúc. Ánh mắt ấy – không sắc, không hằn học – chỉ là một lớp sương lạnh phủ đều, vừa đủ để người đối diện thấy rùng mình.

"Chị đẹp. Cũng khéo. Chắc hợp làm dâu nhà hội đồng."

Rồi cô rót trà, nhấp một ngụm.

Không nói gì thêm.

Không ai trong bàn dám cười.

Trọng Kỳ chau mày, kéo tay vợ về phía bàn kế tiếp, chỉ kịp lầm bầm:
"Nó thiệt hết thuốc."

Chiều xuống.

Cô dâu về phòng riêng – căn buồng gỗ nằm tách dãy, phía sau vườn hoa, có cửa sổ nhìn ra ao sen. Đây là phòng đã được ông hội đồng cho xây mới hoàn toàn, tiện nghi hơn hẳn các phòng khác – sập gụ, tủ chè, đèn dầu hoa hồng, tấm trướng đỏ thêu long phụng treo sẵn.

Diệp ngồi trước gương, cởi trâm, tháo vòng.

Gương phản chiếu gương mặt trầm lặng, không biểu cảm. Cô không lạ gì những ánh mắt soi xét từ người trong nhà. Mợ cả Mỹ Cầm thì nhìn cô như nhìn một đối thủ tiềm tàng. Mấy chị em dâu bên họ Kỳ thì rỉ tai nhau đánh giá từng món cô mặc. Còn cô em út lạnh như sương giá kia – chỉ nói đúng một câu, nhưng đủ khiến cả buổi tiệc như chùng xuống.

Lúc này, cô không giận.

Chỉ... không hiểu.

Vì sao ánh nhìn đó của Hải Quỳnh lại khiến cô nhớ dai đến vậy?

Đêm động phòng.

Trọng Kỳ bước vào buồng, men rượu khiến má anh đỏ ửng. Anh cởi áo the, vén màn, nhìn vợ đang ngồi xếp áo nơi cuối giường.

"Vợ chồng rồi, còn giữ kẽ dữ vậy, bà xã?"

Diệp mỉm cười:
"Em chỉ đang xếp áo cho ngay."

Anh bước tới, ngồi cạnh, vòng tay ôm cô từ phía sau:
"Giờ này, người ta bày đủ trò trong buồng hết rồi. Vợ chồng mình ngồi xếp áo coi kỳ không?"

Cô nghiêng đầu, ánh mắt vẫn không rời mớ vải trên tay:
"Nếu vậy, anh muốn em làm gì?"

"Muốn em làm vợ anh."

Anh xoay cô lại, nhẹ nhàng hôn lên trán.

Cô ngồi im. Rồi từ tốn tháo từng chiếc khuy nơi cổ áo. Không nhanh. Không chậm. Ánh mắt không hẳn buông lơi – mà là một dạng chấp nhận đầy chủ động.

Tấm lưng trần hiện ra dưới ánh đèn dầu. Làn da trắng ngần như lụa Tân Châu. Gió từ ngoài khe cửa thổi vào, mang theo hương bưởi thoảng.

Kỳ cúi đầu, đặt tay lên eo cô. Hơi thở bắt đầu gấp.

Ở phòng bên, Nguyễn Hải Quỳnh đứng nơi ban công tầng hai, tay cầm ly rượu trắng, mắt nhìn xuống ao sen đang ngủ yên trong bóng đêm.

Tiếng cười, tiếng nói đã tắt. Chỉ còn tiếng côn trùng và tiếng gió.

Cô không biết vì sao mình lại không ngủ được.

Có thể vì tiếng lòng đang xáo trộn.

Không phải vì đám cưới.

Mà vì ánh mắt người con gái kia – từ đầu tới cuối đều không hề tỏ ra hèn yếu, dù chỉ một lần.

"Khéo thiệt. Giỏi che đậy."

Cô nói một mình, rồi uống cạn rượu.

Trong nhà, tiếng cửa phòng Diệp vừa sập lại.

Còn Hải Quỳnh – xoay lưng lại với tất cả, bước về phía phòng mình, từng bước chậm rãi như một cái bóng vô hình giữa đêm.

Mà thật ra, trong căn nhà này, từ lâu cô đã là một cái bóng.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro