4.
Từ lúc mặt trời còn ngái ngủ, cả nhà hội đồng Nguyễn đã vắng hẳn đi những âm thanh ồn ã thường nhật. Ông hội đồng, bà cả cùng hai cậu con trai – Trọng Khanh và Trọng Kỳ – từ tờ mờ sáng đã rời nhà, lên Đồng Tháp để xem vụ lúa mới. Mợ cả Cầm thì nhắn lại mấy câu cụt ngủn, bảo hôm nay bận ở nhà thầy, không thể về dùng cơm chiều. Trong cái nhà rộng thênh thang, giờ chỉ còn bà ba Kim, cô út Hải Quỳnh, mợ hai Ngọc Diệp, cùng vài người ở già trẻ đang lặng lẽ làm việc trong từng khoảng không riêng biệt.
Sáng ấy, trời mù sương, ánh nắng như vương trên từng kẽ lá một màu ngái ngủ, lơ mơ như chính không khí trong nhà. Diệp chọn giữ mình bận rộn. Từ lúc mặt trời vừa ló dạng, cô đã loay hoay trong gian buồng riêng, dọn lại mấy hộp trang sức, xếp ngăn tủ, rồi ngồi lựa vải cho bà ba, mấy xấp gấm mới thơm mùi nhuộm còn để trong rương gỗ thơm mùi trầm.
Đến quá trưa, bà ba cho gọi cả mợ hai và cô út đến phòng khách.
"Chiều nay Diệp với út Quỳnh đi chợ Cái Ngang giùm má" bà nói, giọng vừa đều vừa nhấn nhá như thường lệ, tay lật từng tờ trong cuốn sổ tay đã ngả màu thời gian.
"Lấy thêm mấy món má dặn dì Tư. Nhớ dặn bả lựa kỹ nghen. Mấy con cá lóc bữa trước tanh rình. Má ăn vô còn sặc muốn nghẹn."
Quỳnh ngồi tựa người vào ghế mây, đầu nghiêng nghiêng, mắt không rời tàn thuốc đang cháy dở trên tay, miệng buông lời nhạt nhẽo:
"Má sai ai đi cũng được, việc gì phải ép con đi với mợ hai? Con đâu có rành trả giá như mợ Cầm."
Nói đoạn, cô quay mặt đi, hất nhẹ mớ tóc dài qua vai. Diệp không nói gì, chỉ hơi khép mí mắt lại, môi mím khẽ, như nuốt xuống một tiếng thở dài.
Bà ba vẫn không đổi sắc mặt. Bà gập cuốn sổ lại, nhìn thẳng con gái:
"Má sai là đi. Không rành thì học. Mợ hai đâu có đi một mình được, người ngoài nhìn vô dị nghị. Trong nhà giờ ai cũng bận, có con rảnh thì đi."
Quỳnh hơi cười, nụ cười lặng như nước ao thu:
"Dạ. Má biểu thì đi."
Tiếng dạ nghe vừa hờ hững, vừa như có gai. Mọi chuyện đáng lẽ dừng ở đó, nếu như sau lưng họ không vang lên tiếng rì rầm từ gian bếp vọng lại – một thứ thì thào tưởng như vô tình, mà ai để ý cũng nghe thấy rõ.
"Rõ ràng cô út không ưa mợ hai, sao bà ba còn bắt hai người đi chợ chung?"
Một giọng nhỏ hơn đáp lại:
"Bà ba biết tính con mình mà. Bà để vậy, thuận theo tự nhiên. Việc gì phải cản lại..."
Trong lòng Diệp, lời nói đó như hòn sỏi thả xuống mặt hồ tĩnh. Gợn. Không nhiều, nhưng đủ để sóng lòng không còn phẳng.
Chợ Cái Ngang buổi chiều ảm đạm như trời sắp mưa. Trời đứng gió, oi bức như nén lại trong từng luồng hơi thở. Dưới những tấm bạt bạc màu, người bán kẻ mua nói cười lẫn trong tiếng lật cá, tiếng mớ rau va vào mẹt, tiếng ruồi vo ve bên những đòn thịt tươi treo lủng lẳng.
Diệp bước chầm chậm phía sau Quỳnh. Tay cô khẽ giữ tà áo, giữ luôn khoảng cách cho phải phép. Cô không muốn bước nhanh, càng không muốn chen lên phía trước. Cô biết – rất rõ – rằng người đi trước không hề muốn mình hiện diện.
"Hai chị em chồng coi bộ thân quá ha!" – giọng bà bán cá nghe như trêu ghẹo, như xỏ xiên.
Không ai đáp. Quỳnh lặng im, mắt vẫn dán vào mẹt cá lóc, tay đưa tiền như không nghe thấy. Diệp cũng không cười, ánh mắt cô chỉ lướt nhẹ qua người bán rồi rơi trở lại mặt đường, bụi đỏ phủ lên gấu váy lụa.
Tới sạp rau, Quỳnh đứng lại, tay chọn vài bó rau muống, miệng nói như không – mà lại như cố tình:
"Nhà này, ai tới cũng vì của. Người ngoài vô, tưởng được làm dâu nhà hội đồng thì chắc đổi đời. Ai dè... đổi đời thiệt."
Cô quay lại, ánh mắt sắc như dao cau, nụ cười mỏng như tơ chuối khô:
"Phải không, mợ hai?"
Diệp không giật mình. Chỉ nhẹ đặt tay lên rổ đậu que, giọng trầm nhưng không nhún:
"Em nghĩ sao cũng được. Tui chỉ mong sống yên, không phiền ai, không để ai phiền mình."
Quỳnh bật cười, tiếng cười khẽ nhưng không vui:
"Yên? Ở nhà này mà yên? Mợ khéo mơ."
Câu nói ấy không phải chỉ là mỉa mai. Nó là một cảnh báo. Mà cũng có thể... là một lời thú nhận.
Đêm xuống, trăng mỏng như miếng trầu vắt trên nền trời đen thẳm. Cả nhà đã tắt đèn, yên ắng như chìm vào giấc mộng. Diệp mang đèn dầu xuống bếp, tay ôm rổ đậu ván, định bụng nấu nồi chè như lời bà ba bảo nhớ. Người bếp ngủ sớm, cô không đánh thức ai. Diệp muốn làm một việc nhỏ bằng chính tay mình, như một cách để hiểu ngôi nhà này thêm một chút.
Tiếng củi cháy lách tách, tiếng thìa gõ vào nồi vang lên nhỏ như tiếng lòng thở ra.
Một tiếng xèo bất chợt vang lên, nước đường sôi trào ra mép nồi, rớt xuống tay cô. Diệp giật mình lùi lại, suýt làm đổ cả nồi chè. Mùi đường cháy khét, mùi đau rát trên da, mùi ngượng ngùng len lỏi vào mạch máu.
"Ối!"
Chưa kịp định thần, đã nghe tiếng chân người chạy tới.
Quỳnh.
Tóc chưa cột, áo ngoài chưa thay, cô vừa đi ra ngoài hiên hóng gió. Đang đi vào tới nhà ngang thì có tiếng la khe khẽ, nhưng đủ để cô nghe thấy.
"Mợ làm gì giờ này ở đây?" – giọng gắt, nhưng mắt dừng lại ở vết phỏng.
Diệp im, rút khăn tay chấm vào da. Quỳnh giật phắt chiếc khăn:
"Làm vậy không được. Để tui."
Không chờ đồng ý, cô kéo Diệp ngồi xuống ghế, rồi sải bước về phía tủ bếp, lôi ra lọ thuốc xanh lợt.
"Cái này của dì Hai. Thường bả dùng cho tụi nhỏ bị phỏng."
Diệp định từ chối, nhưng ánh mắt Quỳnh dội lại, đanh và lạnh:
"Ngồi yên đi. Tay trắng với đẹp như vậy, mợ không xót chứ chồng mợ xót."
Câu đó như giọt thuốc sát trùng, rát mà thấm. Diệp hơi khựng người. Không biết cô nói thật hay cố tình giễu, nhưng câu đó khiến không khí trong bếp chùng lại.
Quỳnh thoa thuốc chậm rãi. Mỗi động tác đều nhẹ như sợ làm đau. Khác xa với giọng điệu thường ngày.
Khi xong, cô đứng dậy, lau tay, không nhìn lại:
"Đừng tưởng tui vì mợ. Tui chỉ không muốn người nhà nghĩ má tui ngược đãi dâu con. Mới cưới mà phải xuống bếp."
Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa lên đến đỉnh cây xoài ngoài cổng, cả nhà đã rộn ràng. Người hầu chạy dọc hành lang với thúng rau, khay chén, khăn trải bàn. Ông hội đồng sắp về sau chuyến đi Đồng Tháp. Không khí trong nhà trở nên căng như dây đàn. Ai nấy đều biết, có mặt ông, là phải chu toàn mọi chuyện.
Diệp cũng không ngoại lệ. Cô lựa áo lam nhạt, búi tóc gọn, định bụng xuống gian bếp xem thử mọi người chuẩn bị ra sao. Mới vừa bước chân tới bậc tam cấp, thằng Khoai đã hớt hải chạy tới, mặt mày hốt hoảng:
"Mợ hai... chỗ này mợ không nên lui tới đâu. Nước sôi nước bọng, lỡ mợ có chuyện chi, tụi con ăn đòn đó, mợ."
Diệp cười nhẹ, mắt nhìn đứa nhỏ như nhìn một đứa em:
"Mợ chỉ xuống nhìn, chào mọi người cho quen mặt. Về làm dâu rồi mà đến gia đinh còn không biết thì sao phải phép?"
Dì Hai đang lui cui bếp lửa ngẩng lên. Dì đã ở đây từ trước khi Út Quỳnh chào đời, đôi mắt dì già mà sáng, nhìn người một lần là biết tính nết. Hồi Diệp mới về ra mắt, dì đã nhìn cô, rồi nói nhỏ với người bên cạnh: "Gái này... có nết, có gốc. Nhưng coi bộ về đây không êm."
Dì nhìn Diệp, giọng mềm như gạo nếp mới:
"Mợ hai, mợ có lòng là tụi tui biết rồi. Nhưng giờ đang lo cơm nước cho ông hội đồng, mợ xuống đây lỡ có chuyện chi thì tội tụi nhỏ lắm."
Diệp gật đầu hiểu ý, ánh mắt chùng xuống:
"Dạ, con hiểu. Dì Hai thì con biết từ bữa đầu được anh Kỳ dắt về. Mấy đứa nhỏ thì chắc từ từ rồi quen."
Nói xong cô xoay gót bước đi, không vướng bận gì thêm.
Đi ngang dãy nhà ngang, bất chợt gặp Quỳnh.
Ánh mắt cô út sắc như mũi tên lạc, chiếu thẳng vào Diệp. Không chớp, không tránh. Chỉ có một ánh nhìn như đục thấu lớp da ngoài.
"Khéo quá ha. Mới về làm dâu mà được lòng người trong nhà này cũng không phải tầm thường."
Diệp khựng lại, tim như bị chạm vào một vết chưa kịp lành. Nhưng rồi cô ngước lên, nhìn thẳng:
"Em là em chồng tui. Nếu không ưa tui thì cũng đừng nghĩ người khác cũng giống em."
Quỳnh sấn tới một bước, cười nhạt:
"Chà... miệng mồm ghê gớm. Vậy thì xứng đáng làm vợ cậu hai nhà này rồi. Lo mà giữ chồng nha, mợ hai."
Hai tiếng "mợ hai" nhấn mạnh, nặng như lời răn.
Diệp đứng lại. Trong lòng không hẳn là sợ, nhưng có một thứ cảm giác dâng lên như hơi khói – không rõ ràng, không bóp nghẹt, nhưng cứ âm ỉ, như lửa than dưới đáy nồi.
Ba ngày làm dâu, mỗi lần đối mặt út Quỳnh, lại thấy như bản thân mắc lỗi từ kiếp trước. Cô còn chưa làm gì có lỗi với cô út, hà cớ gì mà cứ phải tỏ ra là không ưa mình đến như vậy. Dấu hỏi to đùng trong đầu mợ hai hiện ra. Hay người có vấn đề là cô út ? Tính ra cô út là em chồng, nếu cư xử như vậy thì đúng là hỗn. Chỉ nghĩ vậy thôi chứ Diệp chẳng có ý định muốn nói ra, mà đúng hơn là không dám nói.
Cái người này với cái người đêm hôm qua giúp cô chữa vết phỏng, cứ như hai người khác nhau vậy đó. Hên là nhà này chỉ có một út Quỳnh.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro