Chương 11: Cha mẹ giàu con có, cha mẹ khó con không

Đã bao lâu rồi ba anh em mới lại có dịp ngồi cùng một chỗ như này, Trường Khanh thực không nhớ nổi nữa. Cũng may trước kia lúc anh đi, anh và các anh trai không có xung đột trực tiếp. Thành ra giờ gặp lại anh không bị ngượng ngùng khó xử. Thân thiết chắc khó, nhưng ít nhiều cứ đối đãi lễ độ khách sáo cũng không sao.

"Nhà có ai sang chơi hả ông?" Một giọng nữ nhẹ nhàng vọng lên từ sau nhà. Theo sau là tiếng lục lạc be bé êm tai.

Anh quay đầu nhìn về hướng âm thanh phát ra, đâu phải ai xa lạ, hoá ra là mợ hai Thi, giờ gọi là bà hai Thi, vợ của ông Đỗ Phú. Ông Đỗ Phú không cưới thiếp thất, trước nay chỉ có mỗi bà Thi là vợ. Thời gian như bỏ quên thị, nom vẫn là cái dạng đoan trang xinh đẹp như thế. Nhuốm thêm chút sự từng trải của thời gian mà càng thêm nhuận sắc, mặn mà.

Bà Thi mặc áo dài gấm thêu tay, tóc búi bánh lái, cổ đeo kiềng vàng. Miệng bà cong lên một độ cung dìu dịu, trong lòng ôm một đứa trẻ mập mạp kháu khỉnh. Nhìn thôi đã biết nó được yêu thương và chăm sóc như trân bảo, khác hẳn với kiểu trẻ con nông thôn lấm lem ngày thường. Mặt mũi đứa nhóc rất sạch sẽ hồng hào, cổ treo yếm đào, chân đeo lắc vàng có chuông nhỏ leng keng. Âm thanh ban nãy anh nghe được có lẽ phát ra từ đây.

"Cậu An dìa chơi. Bế thằng Bảo lợi đây cho cậu An nhìn cháu." Ông Đỗ Phú nghiêng người, vừa cười vừa giới thiệu. 

Trường Khanh vội đứng lên chào hỏi. Bà Thi vẫn ôm con, ánh mắt hơi ái ngại, gật đầu. Sau đó bà chỉ nói một câu nhạt nhẽo: "Ồ. Cậu An đó đa."

"Thằng bé là..." Anh không để ý lắm, lại quay sang hỏi.

"Đúng rồi. Con trai đầu. Cháu đích tôn họ Đỗ nghen. Tên là Gia Bảo, của quý gia đình nầy." Ông Đỗ xác nhận, đáy mắt tràn đầy niềm tự hào.

Anh lại ngắm kĩ nhóc con một lần. Thằng bé ngồi trong lòng mẹ mút tay chùn chụt, hai mắt tròn xoe thơ ngây nhìn ông cậu hờ anh đây đầy vẻ tò mò. Bà Thi ngồi cạnh chồng, dùng lòng bàn tay khe khẽ vỗ vào lưng con trai mình. Thằng bé hơi cựa quậy, khúc khích cười. Có vẻ tính tình nó cũng dễ chịu vui vẻ dữ lắm.

Thú thực, nhòm vào sự non nớt khờ dại trước mặt và
một loạt hành động yêu thương của hai mẹ con, mấy câu anh đem theo có phần không sao mở lời nổi. Bỗng chốc anh thấy phân vân.

Anh đến đây đã là một sự vội vàng. Dường như ông Đỗ Phú không nhớ tới người phụ nữ ăn xin và đứa trẻ trong bụng cô năm xưa. Nếu so tuổi thì nó còn lớn hơn thằng Bảo đang ngồi kia một chút. Nhưng rõ rành rành ông Đỗ Phú chẳng hề có ý nhận nó làm con, đừng nói chi là làm con trai lớn.

Chuyện này anh phải giải quyết sao mới khéo đây?

"Cậu An mấy năm nầy ổn định cuộc sống hay chưa? Có vẻ càng lớn càng ít nói đó đa. Đi là biệt tăm chẳng ngó ngàng nhà nầy miếng nào." Ông Đỗ đón lấy con trai từ tay vợ, bế con trước ngực. Khuôn mặt cứng tuổi hiện lên nét từ ái vui vẻ. Ông nắm lấy tay nó vung vẩy, thằng bé lại cười to vì được đùa. Lời vừa nói cũng không phải giận dỗi thực sự, chỉ thuận miệng thế thôi.

"Dạ tạ ông Đỗ quan tâm. Tôi cũng còn tốt lắm." Anh nắm chặt tay bên hông rồi buông ra thật nhanh, khẽ nói.

"Vậy thì hôm nay có chuyện chi?" Ông Đỗ thấy biểu cảm của anh thì trả đứa trẻ lại cho mẹ nó, hất hất đầu. 

Bà Thi hiểu ý, ôm con: "Hai cậu ngồi chơi. Tôi xuống bếp ngó coi bọn con ở mần ăn xong chưa cái nghen." Nói xong bà đứng dậy đi ngay. 

Cậu ba Quý nãy giờ ngồi im lặng một bên cũng chưa mở miệng. Anh ta cầm chung trà lên, xoay xoay nghịch đầy vẻ nhàm chán.

"Dạ thực không dám giấu. Tôi vô tình đi ngang, hữu duyên gặp được người quen. Nghe chuyện có lẽ còn có ẩn tình, đành mạo muội đánh bạo về đây hỏi thử, đặng cho người ta một câu trả lời thoả đáng."

Ông Đỗ Phú ra bộ ngạc nhiên, lưng dựa vào thành ghế: "Chuyện gì út An cứ nói thẳng." 

Anh bặm môi, trực tiếp đi thẳng vào vấn đề: "Chẳng biết chuyện con gái bà Bé, người hầu của bà Lan, ông Đỗ có kí ức nào không?" 

Ông Đỗ Phú nhíu mày, có vẻ là không nhớ thật. Qua một chốc, ông mới đáp: "À...Nó còn sống?" 

Trường Khanh nhìn biểu hiện dửng dưng kia thì ngỡ ngàng: "Ý ông Đỗ là gì tôi chưa rõ."

"Tưởng nó bịnh chết lâu rồi. Ai ngờ mạng lớn vẫn còn sống đó đa. Vốn thấy xinh xắn hay hay, định vui chơi nhứt thời một đêm, ai ngờ mấy năm sau vẫn còn cái gan toan đến làm phiền. Đúng là từ mẹ đến con, đều là mấy con đờn bà rắc rối nhiễu nhương." Ông Đỗ Phú cười nhạt.

Giờ thì anh làm sao không hiểu cho được. Ông Đỗ Phú quả nhiên có liên hệ không cạn với thị. Chẳng là ông xem cô như con giun con dế, là cái thú hưởng lạc ngắn ngủi mà thôi. Lẽ ra anh phải hiểu ngay từ đầu mới đúng. Anh đến hỏi trực tiếp, chưa biết chừng khéo hoá vụng mất rồi. 

"Cậu út An cái tánh thương người là không bao giờ thay đổi." Anh ba Quý bỗng chêm vào. Nói xong thì cười, ra chiều an ủi lắc đầu

"Thương đúng chỗ thì tốt. Thương người hại mình thì thiệt thòi mất nhiều hơn được." Ông Đỗ Phú nghe xong thì tự dưng bực mình, gằn giọng.

Thế là cuộc hội họp tan rã trong không vui.  Chuyện này dừng ở đây. Anh cũng từ bỏ, không định nhắc thêm về sự tồn tại của đứa trẻ. Dầu gì sự xuất hiện của mẹ con nó đều không được hoan nghênh. Thêm một chuyện chẳng bằng bớt một chuyện. Anh sẽ thử trở về tự mình tính toán xem sao.

Trường Khanh theo xe anh ba về quán trọ, vết sẹo sau ót vì suy nghĩ buồn phiền của anh mà nhoi nhói qua từng nhịp thở.  Anh ba Quý dịu giọng giải vây vài câu, nhắc anh đừng nghĩ nhiều. Anh không có tâm trạng lắm, đành ậm ừ xuôi theo.

Lúc này trời đã tối muộn. Thùng xe ngựa ai ngờ được đem đi làm sạch từ chiều. Anh đoán Văn Công cố tình lựa thời điểm này để khiến anh không lặp lại việc qua đêm ở đó. Anh đành bấm bụng thuê một phòng để nghỉ ngơi, lòng không thực sự thoải mái vì mọi chuyện đều chẳng như ý muốn.

Sực nhớ mình nên báo với ông chủ một tiếng. Ngay lập tức anh ngồi vào bàn, chong đèn viết một bức thư.  

Trong thư anh viết:

"Hà Tiên, ngày...tháng...năm...

Gởi anh Bắc!

Tôi rất tiếc phải xin lỡ hẹn ngày mai. Chuyện ở đây vẫn quấn chân tôi chưa dứt, lòng tôi chưa yên nên không sao đi được.

Xin anh thông cảm cho tôi về chậm mấy ngày. Sau đó mọi chuyện chờ anh phân xử định đoạt. Tôi cam đoan sẽ không nề hà.

Anh cũng nhớ giữ gìn sức khoẻ, thuốc dưỡng dạ dày tôi đã để riêng trong túi đựng. Anh ráng đừng quên.

Cám ơn anh và xin lỗi anh.

Trường Khanh!"

Nghĩ tới sự đối đãi nhiệt thành của Văn Bắc, chút khó chịu vừa nãy mới nguôi nguôi. Xong xuôi anh vội thổi đèn, yên tâm chợp mắt. 

Sáng, anh tìm gặp Văn Công để nhờ anh ta chuyển lời. Văn Công nhận thư, đồng ý sẽ đem tới chỗ hẹn rồi sửa soạn hành trang lập tức rời đi.

Trường Khanh gõ cửa phòng hai mẹ con ăn xin, gọi hai người để anh kiểm tra bắt mạch theo lệ.

Mấy hôm thị vẫn ở rịt trong phòng chẳng đi đâu. Anh đoán là do thị vẫn sợ hãi gì đó. Vết thương của thị đã đóng vảy kết mài, nhắm chừng dăm bữa nửa tháng là mọc da non ngay. Tóc tai người phụ nữ cũng được chải chuốt, buộc gọn, lộ ra khuôn mặt thanh tú.

Đứa con trai thấy anh vẫn là bộ dạng không sợ người lạ. Nó cứ đứng bên chân, cầm ngón tay út của anh, híp mắt cười cười. Hôm nay nhìn kĩ, lại thấy được hai cái răng sữa mới nhú bên trong. Hèn chi thằng nhỏ cứ nhễu nhại nước dãi suốt. May mà không sốt cao hay quấy khóc. Chưa kể tuổi này mọc răng đã là hơi chậm, chắc vì thiếu dinh dưỡng lâu ngày. Con nhà nghèo, mặt xanh nanh vàng còi cọc có chi đâu lạ.

"Nhóc này có tên không?" Anh vỗ vỗ nó, hỏi.

Người phụ nữ cúi mặt lắc đầu. Nhiều khi đến giấy khai sinh cũng chẳng có. Anh vô thức chậc lưỡi. 

Sau đó anh nói: "Thôi gọi nó là Khang đi. Cũng không thể cứ kêu nhóc này nhóc nọ được. Tên Khang mong con luôn khoẻ mạnh an khang nhé." Anh xoa đầu đứa bé.

Đột nhiên nhớ tới thằng bé con của ông Đỗ Phú, đủ cha đủ mẹ được bế ôm tới lui cưng chiều, lại nhìn thằng Khang trước mặt hơi hơi không đành. Má nó bệnh tật thế kia, chắc cũng chẳng mấy khi địu bồng nó được. Chẳng trách nó thấy anh hay anh Văn Công là lại quấn lấy trông mong.

Anh không cân nhắc lâu, khom người nhấc nó đặt ngồi trên đùi mình. Thôi thì cũng là cháu, thương nó tội nghiệp hiểu chuyện, thương nó sinh ra khổ cực tủi thân, thương nó thiếu thốn đủ bề, thương nó khuyết lẹm cả tình phụ tử.

Thằng Khang ba bốn tuổi ốm yếu lồi cả xương sườn, ngồi trong lòng anh nhẹ bẫng như con mèo con cún nho nhỏ. Hình như đây là lần đầu nó được ôm ấp như vậy, đôi mắt ngước nhìn anh long lanh ngọt ngào. Cái miệng bé xíu lại hé ra, ê a thích chí.

Người mẹ ngồi một bên thấy biểu hiện của con mình thì oà nức nở, nước mắt rơi từng giọt lớn. Tuy nói thị khờ khạo chậm chạp nhưng chắc thị hiểu, hiểu hết cái thơ dại thua thiệt của con trẻ. Dầu vậy, thị còn biết làm chi đâu, thị còn làm được gì đâu.

Trường Khanh thở dài, an ủi cô.

Tối, thằng nhóc sao cũng không chịu ngủ cùng mẹ, sau cữ thuốc chiều cứ níu vạt áo anh ấm ách khóc. Hết cách, anh đành phải hỏi nó: "Làm sao?"

"Cha...ngủ..." Thằng bé trọ trẹ nói, hít hít cái mũi hồng hệt quả cà chua chín nẫu.

"Ta không phải cha nhóc. Hiểu chưa?" Trường Khanh đau đầu. Chắc là cái ôm ban sáng làm cho nó lầm tưởng.

Mấy người dưới sảnh quán trọ qua lại nhìn cảnh này, châu đầu khẽ chỉ trỏ.

Anh không thích gây sự chú ý, đành phải thoả hiệp: "Tối nay nó ngủ với tôi. Chị ngủ một mình nhé. Tôi sẽ trông nó."

Người phụ nữ ăn xin gật đầu, cũng không tỏ vẻ khó chịu mà trở về phòng mình. 

Ngủ với nó cũng dễ. Nó khóc mệt thì ngủ lăn quay. Anh bế nó dịch vào mép trong cho khỏi ngã. Sau đó thấy thằng bé tốc áo lộ cái bụng sữa mềm mềm, anh lắc đầu, dém chăn cho nó. Xong xuôi hết anh mới cởi áo ngoài, nằm xuống nghỉ ngơi.

May là nó không quẫy đạp, chỉ hay lật mình phát ra tiếng. Thành ra cả đêm anh vẫn ngủ được mấy giấc nông, không tới mức thức trắng.

Đến sáng, anh vừa thức thì thằng nhóc đang ôm chặt cánh tay anh ngủ mê man cũng thức dậy theo. Dỗ thế nào nó cũng cứ thao láo nhìn anh. Có lẽ là sợ anh bỏ đi mất.

Hôm nay anh có việc phải làm, định trả nó lại cho mẹ rồi đi cho mau. Nhưng má nó hình như chưa rời giường, anh đành bế nó theo, tránh cho thằng nhóc ầm ĩ. Anh hẹn gặp dì Trân, dự là hỏi thêm chút manh mối về những người hầu cũ trong nhà. Lần trước còn nhiều thứ anh vẫn chưa tìm hiểu xong, cứ nôn nao bụng dạ.

Trước khi đi anh có dặn dò chủ quán trọ đợi mẹ thằng Khang xuống sảnh thì nhắn giùm một tiếng, khỏi để thị lo lắng. Kế đó, anh ghé vào gánh hàng bên đường, mua hai chén tàu hủ nóng.

Dì Trân đang đãi thóc cho gà ăn trước sân, thấy anh thì vẫy tay cười. Dì nhìn tới thằng bé, rõ là hơi sững sờ. Dì hỏi: "Nó là..."

"Cháu ngoại bà Bé." Anh không né tránh, rành mạch trả lời.

Dì Trân nghe xong thì thở dài, sau đó dắt anh vào nhà ngồi: " Sao mà y khuôn dòng nhà cậu. Cái mắt nầy... Cái mũi nầy... Hèn chi... Hèn chi..."

Lẩm bẩm xong, dì lại tiếp: "Cu con lại bà nựng cái nghen." Dì xoè hai tay ra trước ngực, định ôm thằng nhỏ.

Nó ngước nhìn anh, rồi lại nhìn dì. Thấy anh không tỏ thái độ khó chịu hay bực mình thì nó mới bày vẻ yên tâm, thôi không níu áo anh nữa mà để cho dì bồng.

Anh khẽ cười, thấy nó mới tí tuổi đầu đã ra cái kiểu ông cụ non này. Chả biết là học ai.

"Sắp rằm tháng tám, cậu An ở đây hay dìa Gia Định?" Dì Trân bẹo má đứa bé, hỏi thăm.

"Con sợ không kịp về." Vừa nói anh vừa mở bao đựng đồ ăn rồi đặt lên bàn, "Dì ăn miếng cho nóng."

"Qua chơi được rồi còn mua tùm lum tốn kém."

"Không có bao nhiêu. Tấm lòng của con thôi. Dì ăn đi. Đưa thằng nhóc cho con con đút nó."

Dì Trân cười, đoạn lại trêu: "Cậu út An nhìn vậy mà khéo nuôi con nít quá ta. Mấy nữa vợ cậu chắc là rảnh tay dữ lắm à."

"Dì đừng chọc mà. Tự dưng cái thằng bé này qua nay nó cứ dính lấy con." Anh thổi tàu hủ trong cái muỗng nhỏ cho nguội bớt rồi đút bé con. Nó ăn ngoan lắm, từng miếng từng miếng nuốt sạch trơn.

Dì Trân lặng yên nhìn một lúc, không cười nữa mà não nề nói: "Hổm cậu hỏi tui chiện bà Bé tui đã ngờ ngợ. Giờ thấy đứa nhóc này là tui đoán được liền. Nầy là con cậu hai hay cậu ba đây? May cậu bắt gặp đón nó dìa chứ chắc chẳng còn ai hay hay ai tìm. Trời xanh có mắt! Trời xanh có mắt!"

Anh nhìn dì, vẻ mặt bất đắc dĩ: "Nay con qua đây cũng là vì việc này. Định hỏi dì nhà cũ bà Bé ở đâu, có ai ở hay chưa? Hai mẹ con họ cũng phải an cư rồi mới lạc nghiệp. Ngoài ra dì còn liên lạc với ai làm cho Đỗ gia ngày trước không?"

"Để coi. Nhà bà Bé bên kia con rạch, giờ vẫn để hoang. Chút tui dắt cậu qua bển. Do người ta chê phong thuỷ không tốt, đồn đại ma cỏ nên chẳng ai dám ở. Cậu gan dạ thì cứ vào coi thử nghen. Tui thì thú thực cũng sờ sợ."

"Dạ."

"Người làm cũ thì tứ tán tứ xứ hết ráo. À gần nhà bà Bé còn có thằng Thêm, xưa hay nuôi heo chăn trâu. Giờ nó vợ con đề huề, phận làm mướn hay đi cày thuê cho người ta. Cậu cho nó ít bạc, rồi hỏi gì thì hỏi. Tánh thằng nầy nó không xấu, nhưng thực dụng quá nên tui ít qua lại đó đa."

"Cám ơn dì." Anh nói.

"Ơn nghĩa gì. Tui cũng làm ở nhà cậu non nửa đời người. Nhìn cậu giờ còn mắc nợ cái nhà đó, tui cũng không nhắm mắt làm ngơ được." Dì Trân xua xua tay, chép miệng.

Nói là làm. Ăn xong dì Trân lập tức dắt anh đi.

Nhà bà Bé không khác nhà dì Trân là mấy nhưng lại toát lên vẻ tiêu điều xác xơ hơn. Từ đàng xa đã thấy u ám, bụi rậm um tùm, quanh chẳng có nhà ở. Trên thân cây khô trước sân còn đang treo mảnh khăn tang, vất vưởng mục nát không ai buồn tháo xuống. Dì Trân dắt anh tới, cách một khoảng sân tần ngần không dám vào. Thế là anh nhờ dì giữ thằng Khang hộ anh chốc lát, tự mình nhảy qua hàng rào lấp lè tè.

Trong nhà sực nức mùi ẩm mốc lâu ngày không người sinh hoạt và gỗ mục mối mọt. Anh nhìn quanh một vòng, quyết định đi về phía buồng ngủ. Nương theo ánh sáng hắt vào vách lá, anh khẽ nói: "Xin lỗi!" rồi mở hộc tủ kế bên đầu giường. Ngoài chiếc trâm gỗ và ít son phấn bụi bặm thì còn có một cái túi gấm nhỏ.

Chiếc túi này anh biết, bởi nó được may từ khúc vải dệt tay thượng hạng thêu hình hoa mẫu đơn ông Đỗ mua về làm áo cho hai bà vợ. Một khúc duy nhất, không có khúc thứ hai. Ban đầu má anh thích lắm, trầm trồ kể mãi, vẫn hay mặc mỗi dịp chơi đâu đó. Chỉ là chiếc áo của má về sau cũng để lại nhà chánh chứ không mang lên Gia Định khi cùng anh rời đi.

Anh chỉ bần thần một lát, lập tức cầm túi gấm xem xét. Tháo dây buộc, bên trong có một tờ giấy cũ được gấp làm bốn. Sắc giấy đã ố vàng, hơi mủn, mạnh tay một chút có khi sẽ mục mất. Khi anh mở ra đọc thì giật mình vì trên giấy có ghi một phương thuốc làm
lạnh lẽo lòng người. Từng con chữ như kim mảnh đâm vào mắt anh nhức nhối.

Này nào phải phương thuốc cứu người hay quý giá gì đâu. Phương thuốc mới đọc sẽ nghĩ rằng là một thang thuốc bổ, nhưng gần cuối lại thêm một lượng cựa lúa mạch nhiều đến kinh người. Chắc người viết sợ người đọc không biết chữ, còn vẽ thêm hình minh hoạ be bé bên cạnh.

Vậy là rõ mười mươi như ban ngày. Chuyện má anh bị hạ độc không còn chối cãi được nữa. Kết hợp với lời kể của dì Trân, anh nghĩ mình biết được thủ phạm là ai rồi. Chỉ là ai ngờ bà Bé lại còn lưu giữ thứ tà ma đáng sợ như này trong nhà cơ chứ. Chắc phần anh may mắn, vô tình tìm được dễ dàng.

Anh không dám nán lại lâu. Nhìn quanh thêm lần nữa, chắc mẩm sẽ không tìm được gì khác thì cất túi gấm vào vạt áo trước ngực, trèo ra ngoài.

Có trời mới biết lúc này tim anh đã đập nhanh tới cỡ nào. Anh cố điều chỉnh nhịp thở, bày ra vẻ mặt bình thường rồi đi đến chỗ dì Trân đang đợi. Dì Trân không hỏi gì, nhanh chóng dẫn anh sang nhà Thêm.

Anh Thêm mới đi cày cữ sáng về, đang ngồi uống trà đường hút thuốc dưới tàng cây thì Trường Khanh và dì Trân tới. Anh ta thấy người cũng không chào, liếc mắt nhìn một cái rồi thôi. 

"Chào anh!" Trường Khanh không để bụng. Anh lên tiếng trước.

"Chào cậu An." Thêm lúc này mới gật gật đầu, ậm ừ. 

"Tôi muốn hỏi vài chuyện. Anh coi thử có nhớ gì thì cho tôi hay với nghen." Vừa nói, anh vừa nhét ba đồng bạc vào tay của Thêm, cười cười.

Thấy bạc, sắc mặt Thêm lúc này mới khá khẩm hơn chút. Anh ta hắng giọng: "Cậu An cứ hỏi."

"Về những chuyện đương lúc bà Bé còn sống làm việc cho bà Lan, anh hay gì thì cứ kể."

"Mèn đét ơi chiện bao lâu rồi đa... Chậc! Để tui ráng xem xem." Anh ta gõ gõ ống điếu, tàn thuốc rơi vụn dưới chân.

Ngừng một lát, anh ta nói tiếp: "Không biết có liên quan gì không nhưng bà Bé từng hù doạ bà Lan là sẽ tiết lộ chuyện gì tày đình lắm. Bà Lan nghe xong thì mặt xám ngoét như tro... Bà Bé trước kia còn đứng trong sân nhà gào thét đại loại như là "nợ máu phải trả bằng máu". Hàng xóm phải sang hoà hoãn can ngăn bả mới thôi."

"Cái đó...lâu chưa anh?" Anh hỏi.

"Sau khi con gái bả chửa ễnh bụng rồi ngơ ngẩn như con khờ đó đa. Con mất dạng cũng không đi tìm, cứ ở nhà lụi cụi làm cái gì đó như bà điên bà dại. Đấy. Chiện tui nhớ chỉ có thế..."

"Mình ơi ăn cơm!" Một giọng nữ vang lên phía sau, là vợ của anh Thêm, từ trong nhà đi ra gọi chồng.

Anh quay đầu nhìn, thoáng thấy tay chân thị đi đứng hơi khó khăn. Các khớp tay chân cứng còng, như là do chứng đau lâu ngày mà ra. Anh không nhịn được, bèn nói: "Vợ anh có lẽ mắc chứng phong thấp, anh dùng mã tiền ngâm rượu để xoa bóp. Ngoài ra kiếm hộ tôi giấy bút, tôi viết cho phương thuốc, đem sắc uống là đỡ."

Anh Thêm và vợ hơi sững sờ, sau đó nhanh chóng vui vẻ nắm tay nhau. Anh Thêm nói: "Cám ơn cậu An. Nhà tui đau đớn nhiều năm nhưng chạy chữa không suôn sẻ, trong nhà tiền bạc cũng cứ hụt trước thiếu sau. Đã lâu tui cũng chưa đưa bà nhà đi khám."

"Chú ý giữ ấm, bồi bổ sức khoẻ và hạn chế làm việc nặng nữa nhé. Chỉ là tiện tay thôi, hai người không cần để trong lòng." Anh cười xua tay, nghĩ thầm cái tính thực dụng của anh Thêm có lẽ cũng chỉ vì lo vợ con đau yếu mà ra.

"Coi như tui lắm miệng nhiều mồm nói thêm mấy câu. Chiện này coi chừng rắc rối lắm đó. Cậu không cần dính vô thì đừng có dính. Tui nghe cậu đã đi nơi khác sanh sống, tội gì..." Anh Thêm lầm bầm mấy câu, có vẻ là biết ơn dữ lắm mà không nhịn được nhắc nhở.

"Tôi tự biết mà làm. Cám ơn anh. Anh và vợ giữ sức khoẻ."

Trường Khanh đón nhận ý tốt của anh Thêm, nhìn dì Trân một cái rồi bế thằng Khanh về. Cũng nên trả nó lại cho mẹ, đi cả một buổi sáng chắc má nó cũng ngóng.

Nhưng vừa đến thềm cửa trọ, quan quân đã vây bắt khiến anh chẳng kịp trở tay. Thằng bé thấy tay anh bị trói, đứng giữa đám đông đang chỉ trỏ thì bắt đầu hoảng, khóc ré lên.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro