Chương 28: Mưa gió cùng thuyền
Ánh nắng sớm len qua cửa sổ, rọi xuống căn phòng tĩnh lặng. Anh tỉnh dậy, đầu vẫn hơi nặng nề sau một đêm đầy cảm xúc. Cơn đau nhói nơi lồng ngực đã dịu lại. Toàn thân anh rã rời, đôi mắt sưng buốt. Đồng thời cảm giác ngượng ngùng bắt đầu tràn dâng, lan khắp từng tế bào khi những ký ức tối qua lũ lượt ùa về.
Anh khẽ rên lên, đưa tay che mặt. "Mình khóc trước mặt Văn Bắc... khóc đến mức đó!" Nghĩ đến tiếng nấc, nước mắt, và cả việc tựa vào ngực Văn Bắc mà khóc, mặt anh lập tức nóng bừng.
Vừa lúc, tiếng gõ cửa vang lên. Anh chưa kịp trả lời thì cửa đã hé mở, Văn Bắc bước vào với một khay đồ ăn.
"Dậy rồi à?" Hắn mỉm cười, vẫn như mọi ngày, nhẹ nhàng, trầm ấm.
Anh ngồi bật dậy, vội vàng quay mặt đi, cố tỏ ra bình thường: "Dạ. Dậy rồi. Tối qua... cảm ơn anh, thật sự. Tôi không định..." Anh lí nhí, nhận ra giọng mình đã khản đặc. Thế là anh không nói nữa.
Văn Bắc đặt khay xuống bàn, nhìn anh dịu dàng: "Không cần cảm ơn. Tôi chỉ làm những gì mình nên làm thôi. Khóc đâu phải chuyện gì xấu xa."
Anh gãi mũi, không biết làm sao, ngập ngừng: "Tối qua chắc tôi làm phiền anh dữ lắm."
Văn Bắc bật cười khẽ, "Em nghĩ nhiều quá. Tôi chỉ thấy nhẹ nhõm khi em trút ra hết nỗi lòng. Thật đấy! Tôi muốn ở bên em lúc ấy mà."
Anh ngước nhìn hắn, bắt gặp đôi mắt đen không chứa đựng bất kì cảm xúc thương hại hay chán ghét nào, duy chỉ có quan tâm và thấu hiểu. Anh lập tức cúi đầu, đôi tai đỏ bừng.
"Nhưng mà... nhìn tôi chắc thảm lắm. Tôi đã nghĩ mình mạnh mẽ không gì cản nổi..."
"Và em vẫn mạnh mẽ." Hắn ngắt lời.
Im lặng một lúc, hắn mở nắp chiếc nồi đất nhỏ còn bốc hơi trên khay, bóc hai quả trứng gà luộc nóng hôi hổi đặt vào tay anh: "Có hơi thảm thật, nhưng tôi thấy... em như thế rất chân thật. Hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục đều là bản năng con người, rất bình thường."
Anh lén liếc Văn Bắc, lòng đầy bối rối. Anh nhận hai quả trứng, tần ngần một chút rồi mới nhớ mình phải dùng nó tiêu sưng trên mắt.
"Anh thấy giống ốc nhồi không?" Anh vừa lăn vừa tự pha trò, hòng xua bớt sự ngượng nghịu.
Hắn lắc đầu, gập ngón trỏ gõ nhẹ vào trán anh một cái. Anh ngơ mắt nhìn từng đốt tay đang kề sát mặt mình, phía sau là hai hồ nước thu sâu phẳng lặng, đang chuyên chú để tâm duy nhất hình bóng trước mặt là anh đây.
Hơi thở anh nghẹn lại, bụng dạ ngổn ngang trăm mối.
Cơn gió nhẹ lướt qua cửa sổ làm rèm che lay động. Nhưng trong lòng anh, có một sự chuyển mình dường như mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần.
Trái tim anh hẫng nhịp, sâu sắc cảm nhận sự tồn tại dịu dàng chân thành hơn bao giờ hết. Anh đã tin, rằng anh không còn phải cô đơn nữa, rằng có một người sẵn sàng kề cận cả những khi anh xấu xí yếu đuối nhất. Không chê bai anh, không cười nhạo anh.
Mưa gió cùng thuyền, một đường làm bạn.
Có gì đó đã khác đi, có gì đó trở nên rõ rệt nhưng chưa đủ để anh can đảm cho nó thành hình gọi tên. Anh không chắc mình đã sẵn sàng để hiểu rõ cảm giác này hay chưa hay sẽ tiếp tục rụt rè thu mình lại. Nhưng anh biết, một cách không thể che giấu và mạnh mẽ: từ hôm nay thế giới của anh không chỉ có một tri kỷ, mà còn có thêm một ánh sáng không thể thiếu, thứ ánh sáng vỗ về anh, chở che anh và soi rọi anh.
Thứ ánh sáng tự nhiên như mặt trời, như hơi thở, không khoa trương, an toàn và chạm vào từng ngõ ngách tâm khảm khiến anh rung động. Anh cần thứ ánh sáng ấy, anh quyến luyến thứ ánh sáng ấy.
Và lần đầu tiên, sau nhiều ngày, anh thấy lòng mình nhẹ nhõm.
"Ăn đi em. Đừng để bản thân đói lả." Hắn cất tiếng, lôi anh ra khỏi những suy nghĩ miên man hoang đường.
"Anh... ăn gì chưa? Đêm qua... có nghỉ ngơi tốt không? Làm sao tôi về phòng được thế?" Anh len lén hỏi.
"Úi chà! Còn sức quan tâm tới cả tôi à?" Văn Bắc trêu.
"Khóc ngon lành thì lăn quay. Cũng may..." Hắn nháy mắt, vỗ vỗ vào cánh tay khoẻ mạnh, ra chiều nhờ sức hắn khoẻ mà có thể dễ dàng tha lôi anh về phòng.
Anh xấu hổ, nín khe, vụng về cắm cúi ăn lấy ăn để chén cháo hành trước mặt.
Gạo ninh nhừ trôi tuột xuống dạ dày xoa dịu cơn đói thắt cồn cào. Anh thở ra một hơi sảng khoái, cảm thấy bản thân lúc này không gì là không thể đương đầu.
Hắn ghẹo anh thì sao chứ. Anh cứ vờ như không nghe thấy là xong.
Sau bữa sáng, Văn Bắc tự tay pha một ấm trà nóng. Hai người ngồi ở bàn nhỏ bên cửa sổ. Anh xoay chén trà trong tay, thử mở lời: "Anh Bắc! Chuyện Lành hạ độc má tôi, từ đâu anh biết được?"
Hắn ngừng việc đang làm, nhìn anh chăm chú: "Em thắc mắc cũng phải. Có lẽ em đã nghĩ rất nhiều. Không giấu gì em, phải nói từ việc tôi tìm thầy lang chữa trị cho tên Lúa. Thầy lang này đã già, nhưng không ngờ lại biết ngôn ngữ ngoại quốc. Tôi bèn thử nói chuyện dăm câu, thầy lang bắt đầu kể chuyện cũ."
Ánh mắt hắn trầm ngâm, nhưng lời nói thì vẫn đều đều không dứt. "Thầy lang sống ở ven biển, từng có một dạo trị thổ tả cho những người truyền giáo tới từ Tây phương. Đổi lại họ chỉ ông ta một số phương thuốc hay mới lạ."
"Sau đó ông ta lại có duyên khám thai cho một người phụ nữ. Ông ta không kể rõ họ tên thân thế, nhưng miêu tả khá chính xác thời gian và bối cảnh phía sau. Người phụ nữ bị cho là chửa hoang, dân làng xa lánh ruồng rẫy. Người chồng chi rất nhiều bạc nhưng hiếm khi xuất hiện. Thị khéo miệng, kể khổ xong thì xin được nhận ông ta làm nghĩa phụ. Dần dà ông ta đem những gì mình biết kể cho thị, ý mong thị biết mà phòng tránh dưỡng dục đứa trẻ trong bụng an toàn. Sinh xong thị cũng ít lui tới, về sau mất hoàn toàn liên lạc."
Anh lấy tay che miệng. Hoá ra trên đời còn có sự trùng hợp đến vậy. Linh cảm chợt loé rạch ngang tâm trí anh.
Nếu bàn về sự trùng hợp, lý nào vườn dạ lý hương ở nơi bà Lan cũng không thoát khỏi can dự với thị?
Bởi lẽ, chẳng thể nào ông Đỗ Phú lại nhẫn tâm hạ độc mẹ ruột mình trong khi trước sau vẫn yêu thương và tôn kính bà nhiều lắm. Dầu biết bà làm sai ác, điều đầu tiên anh trai anh chọn vẫn là bao che và bảo vệ bà Lan. Vậy nên không lẽ nào lại ông Đỗ Phú có thể rắp tâm hãm hại mẹ ruột của mình như thế.
Trường Khanh thử nghĩ nhưng không tìm được đáp án.
"Anh nghĩ chúng ta có thể tìm thêm manh mối ở đâu?" Anh thở dài.
Văn Bắc gõ ngón trỏ vào thành chén trà, nói một cách quả quyết: "Bắt đầu từ gốc gác bối cảnh của thị."
Một lời đã định.
Hai người bàn bạc xong thì lập tức lên đường.
Men theo những chỉ dẫn qua lời kể mơ hồ của vị thầy lang mà Văn Bắc từng trò chuyện, hai người tìm đến một làng chài nằm bên bờ biển.
Khác với nơi anh từng dạo chơi với Văn Bắc khi trước, ngôi làng này mang đến sự đối lập rõ rệt. Nơi đây ngày trước dường như phát triển rất giàu có và thịnh vượng. Nhưng vì biến cố nào đó khiến cảnh quan, con người và cuộc sống thay đổi đến mức nghiêng trời lệch đất, chỉ còn sót lại cảm giác tiêu điều xác xơ.
Con đường dẫn vào làng lâu rồi không được tu bổ, hẹp dài sơ sài, chỉ lát đất hoặc cát. Mỗi khi mưa xuống đường lại trơn trượt, lầy lội, còn khi nắng lên thì khô khốc, nứt nẻ. Mùi ẩm bụi bốc tù mù quẩn quanh trong không khí khiến người ta cảm thấy ngột ngạt tù túng.
Những mái nhà lụp xụp được lợp bằng lá dừa nước, đôi khi chen lẫn mái ngói tường gạch khang trang nhưng cũ kỹ, nghiêng ngả theo năm tháng. Một số còn trống hoác, cửa chính cửa sổ mở toang như thể chủ nhân bỏ đi trong vội vã, cỏ dại len lỏi qua các bậc thềm. Khói bếp không còn bay lên vào buổi sáng sớm mà phủ đầy lớp bụi xám xịt đen ngòm. Nhiều nơi, vật dụng rác rến vứt bày bừa phứa, lộ rõ dấu tích của những năm tháng hoang hoải không ai chăm lo.
Tiếng sóng biển vỗ ì oạp vào bờ cát không ngừng nghỉ, như một khúc nhạc nền cho cuộc sống vất vả thê lương của những người dân nơi đây, một thứ âm thanh đơn độc, lạnh lẽo, phủ lên không khí ảm đạm, tĩnh lặng tới bất thường của ngôi làng.
Bãi biển vắng bóng thuyền bè qua lại dù đang lúc thời điểm bán buôn nhộn nhịp. Những chiếc thuyền nan nhỏ, sơn màu nâu sậm, nằm xếp lớp trên bãi biển, có cái đã bạc màu, cái lại chằng chịt vết vá. Lưới đánh cá phơi đầy trên bờ, dọc theo những hàng cọc tre cắm chằng chịt. Chúng như tấm áo rách vá nhiều chỗ, sợi dây thừng đã sờn mòn, đan vào mùi cá tanh hăng hắc. Rồi lại có những chiếc thuyền bị bỏ lại nằm chỏng chơ, có cái lật nghiêng, có cái đứt cả dây buộc, như những chiến binh kiệt sức không còn chờ được chủ nhân trở về.
Người lớn trong làng, cả đàn ông lẫn đàn bà, đều sạm đen vì nắng gió. Người dân co cụm lại, ánh mắt vừa sợ hãi vừa hoang mang, lầm lì đi lại. Họ không dám lớn tiếng, chỉ thì thầm với nhau về những gì đã xảy ra. Thấy hai người lạ vào làng thì đứng trốn đằng xa, rầm rì bàn tán.
"Cho hỏi..." Trường Khanh chủ động tiến về phía một nhóm phụ nữ đang ngồi đan lưới không xa. Đám người lập tức ngừng tay, nhìn anh với ánh mắt cảnh giác.
"Không biết gì hết. Đi chỗ khác đi. Đừng có hỏi." Người phụ nữ ngồi ở chính giữa đám người, dùng chất giọng the thé của mình xua đuổi anh và Văn Bắc.
Anh gãi mũi, không biết phải làm sao, đành đưa mắt ra hiệu cho người đàn ông bên cạnh. Hắn nhìn anh lắc đầu, hai người đành phải tiếp tục đi tiếp.
Cứ như vậy, đám đông tản ra rồi tụ lại mỗi nơi hai người bước đến. Họ đang e sợ điều gì đó, dè chừng điều gì đó, đến mức đề phòng hết thảy với những người lạ như bọn anh từ bên ngoài vào.
"Cho tui một cân gạo, tui kể cho nghe."
Giữa lúc đang không biết làm thế nào thì một người đàn ông thấp bé, quần áo rách rưới núp sau tảng đá khẽ vẫy tay gọi. Hai người đi về hướng đó nhưng không dừng lại, mà theo dấu của người đàn ông lạ mặt đi sâu vào rừng.
Khi chắc chắn xung quanh không còn ai, người đàn ông mới ló đầu ra, cười hì hì: "Người lạ đến đây, chưa bị rải muối đốt lá quơ đuổi đi là phước đức tám đời đó đa."
"Ơ hay chú nói gì lạ?" Trường Khanh đinh ninh mình đã bị trêu ghẹo chứ chẳng phải gặp được người nghiêm túc, có hơi bực mình.
Người đàn ông lắc đầu, dùng tay vờ phủi phủi vạt áo bạc màu nhàu nhĩ: "Có biết làng trước kia xảy ra chuyện gì không mà dám tới?"
Anh nghiêng đầu nhìn, chưa vội trả lời.
Người đàn ông xoè tay ra dấu, miệng vẫn cười gian.
Văn Bắc hiểu ý, đặt tiền vào lòng bàn tay ông ta, trầm giọng: "Chúng tôi đi vội. Chú cầm bạc mà đổi gạo sau nhé. Chú tên gì, để tiện xưng hô?"
Người đàn ông ngắm nghía tiền trong tay, thích chí gật gù ra chiều hài lòng lắm. Ông ta hắng giọng: "Sanh thứ sáu trong nhà, nên cứ gọi chú Sáu là được nghen. Còn về cái làng nầy, là cái làng phạm tội, cái làng bị nguyền rủa." Nói xong, chú Sáu chậc lưỡi.
Thấy hai người nhìn mình lăm lăm, chú Sáu lại kể: "Xưa nay một trong những tội nặng ngoài khi quân thì còn có tội đúc tiền giả. Ngoài mặt là làng chài, bên trong hầu hết là thợ thuyền đúc kim khí. Cả làng nầy từ Bắc xuôi Nam, quen thói quen nẻo cắt xén pha trộn đúc kẽm giảm phân lượng tiền, đem phân phối lẫn lộn tiêu cùng tiền đồng của nhà nước."
Trường Khanh lắng nghe câu chuyện của chú Sáu, trong lòng không khỏi chấn động. Một ngôi làng mang tội danh đúc tiền giả, từng chịu sự truy quét khắc nghiệt của triều đình, nay chỉ còn lại những vết tích của một quá khứ đẫm máu. Những ngôi nhà hoang phế, những con đường đất cát vắng vẻ, và những con người sống khép kín trong sự cảnh giác cao độ, tất cả đều là dấu vết còn sót lại của những ngày tháng kinh hoàng.
Anh đưa mắt nhìn quanh. Khi mới đặt chân vào làng, anh đã cảm thấy nơi này có bầu không khí quái lạ, một sự im lặng nặng nề như thể có một bóng ma vô hình bao trùm. Giờ đây, anh mới hiểu rõ nguyên nhân.
Anh quay sang Văn Bắc, bắt gặp ánh mắt hắn cũng đầy suy tư.
"Vậy, làng này từng có thời chuyên đúc tiền giả?" Văn Bắc hỏi lại, giọng điệu không có vẻ gì là ngạc nhiên.
"Đúng vậy!" Chú Sáu gật đầu chắc nịch. "Ban đầu là để sanh tồn thôi. Hồi đó, thời buổi khó khăn, bạc nén thì ít mà tiền kẽm thì dễ mần. Người ta lấy đồng, kẽm pha trộn vào nhau, đúc ra tiền rồi đem đi lưu hành. Cứ nghĩ là có thể che mắt được triều đình đó đa, ai dè bị phát giác. Thành ra, từ một làng chài yên bình, làng nầy biến thành vùng đất của tội phạm."
Chú Sáu chậc lưỡi lần nữa, ánh mắt quét qua hai người bọn họ, như để chắc rằng họ đã hiểu rõ câu chuyện.
"Một dạo vua mần rất nghiêm, hạ lệnh Thừa Thiên cùng các thành trấn nghiêm sức dò xét, kẻ nào phạm tội thì chém đầu răn bảo dân chúng. Làng nầy tất không thoát khỏi tai mắt lính tráng, ai có can dự đều không thoát khỏi. Mấy ngôi nhà ngói hai cậu thấy ban nãy, nhiều khi là do cả nhà bị trảm mà giờ thành hoang phí."
"Nhưng mà..." Trường Khanh khẽ nhíu mày. "Làm sao một ngôi làng từng bị truy đuổi đến mức suýt bị xóa sổ lại có thể tồn tại đến bây giờ? Nếu triều đình đã từng ra tay, tại sao lại không truy quét tận gốc?"
Chú Sáu cười khẩy. "Cậu tưởng mấy quan trên sạch sẽ lắm đa? Có kẻ tham, có kẻ ham. Khi chuyện đúc tiền giả còn có lợi, có người sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ. Chỉ khi nào chuyện vỡ lở, triều đình mới ra tay. Mà lần nào ra tay cũng không phải vì muốn giữ gìn công bằng, mà là để thị uy đó đa."
Ngừng một chút, chú Sáu lại bổ sung: "Cũng may về sau vấn nạn này tràn lan, triều đình buộc phải cho phép dân tự đúc tiền kẽm theo trọng lượng quy định, làng mới tránh được một kiếp đuổi cùng giết tận đó đa. Nhưng có vết nhơ, dân ở đây họ sợ bắt bớ phiền phức, họ không chào đón người ngoài đâu nghen. Hai cậu tới lầm chỗ công toi rồi à."
"Vậy... trong làng này, ngoài chuyện đúc tiền giả, còn có chuyện gì khác không?" Văn Bắc đột ngột hỏi, ánh mắt sắc bén nhìn thẳng vào chú Sáu.
Chú Sáu hơi sững người, rồi nhanh chóng nở một nụ cười bí hiểm. "Hai cậu muốn biết chuyện gì nhỉ? Ở đây đầy rẫy những câu chuyện kỳ bí đó đa. Nhưng biết nhiều chưa chắc đã tốt đâu ."
Câu trả lời lập lờ của ông ta càng khiến Trường Khanh thêm tò mò. Anh đánh bạo mở lời: "Xem ra chú Sáu ở đây cũng lâu dữ hen!"
"Ờ! Từ hồi lọt lòng tới nay đó bây."
Văn Bắc không vội, chỉ nhấp một ngụm trà, chậm rãi nói: "Chúng tôi không phải người ngoài đến đây du ngoạn. Chúng tôi đang tìm một người."
Chú Sáu nheo mắt. "Người nào?"
Trường Khanh hít sâu một hơi. "Chú có biết ai tên Lành không chú? Phụ nữ, ngoài ba mươi một chút."
Nụ cười trên mặt chú Sáu tắt hẳn. Ông ta nhìn hai người họ chằm chằm, như thể đang cân nhắc. Rồi, ông ta khẽ thở dài, giọng trầm xuống: "Không biết."
Anh và Văn Bắc hai mặt nhìn nhau. Văn Bắc nhanh chóng lục túi, đưa thêm cho người đàn ông một nén bạc.
Chú Sáu không chê, cầm lấy bỏ túi rồi hắng giọng:
"Để coi... Thiếu gì người tên Lành. Nhưng mà độ tuổi đó, thì trước làng đây có hai cô. Một cô con nhà thợ kim khí, sau khi cả cha lẫn anh bị chém đầu thì lưu lạc bán thân thành kép hát trả nợ, biệt xứ không rõ tung tích. Một cô con nhà thợ dệt, lấy chồng thuỷ thủ, sanh ba đứa con, nghèo đến cái khố rách áo ôm cũng không có, đương sống ở cuối làng kia kìa."
"Gánh hát tên gì, chú Sáu có nhớ không hen?" Trường Khanh hỏi nhỏ, bụng mừng rơn vì đã bắt được manh mối.
"Hồng Loan hay là Hồng Hà gì đó. Cậu lên trấn trên mà hỏi chắc sẽ có người nhớ. Xưa kia nó phải thuộc hạng nhứt nhì cái xứ nầy đó đa." Chú Sáu chép miệng.
Trường Khanh khẽ gật đầu, thầm ghi nhớ cái tên "Hồng Loan" hoặc "Hồng Hà". Nếu gánh hát ấy từng nổi danh, chắc hẳn vẫn còn người nhớ đến. Manh mối này có thể giúp họ lần ra tung tích của Lành.
Văn Bắc vẫn giữ vẻ điềm tĩnh nhưng ánh mắt đã trở nên sắc bén hơn. Hắn hỏi tiếp: "Vậy còn người phụ nữ con nhà thợ dệt thì sao?
Chú Sáu xoa cằm, trầm ngâm một lúc lâu rồi mới đáp:
"Hồi đó trong làng kêu nó là con Hai Dệt. Nhưng sau này lấy chồng, đổi qua họ nhà chồng thì tui không rành nữa. Nó sống cuối làng xưa nay, chồng đi biển trôi mất xác, một thân gầy yếu ở vậy mà gánh ba đứa con, chả mấy khi ra khỏi nhà gặp gỡ ai, nghe cũng tội lắm đa."
Trường Khanh lặng thinh suy nghĩ. Một người là kép hát, một người là góa phụ nghèo. Cả hai đều có thể là Lành, nhưng ai mới thực sự là kẻ họ đang tìm?
"Chúng ta đi thôi. Đến trấn trên hỏi về gánh hát trước." Văn Bắc như hiểu được suy tư của anh, nghiêng đầu nói khẽ.
Trường Khanh nhìn hắn, gật đầu. Trực giác mách bảo anh rằng quá khứ của Lành có lẽ sẽ nằm ở nơi sân khấu rực rỡ kia, chứ không phải trong căn nhà rách nát ở cuối làng.
Chú Sáu thấy hai người toan rời đi, bỗng gọi giật lại: "Nè, nhớ kỹ nghen bây! Ở đây ai cũng dè chừng người lạ. Đừng có mà đi hỏi lung tung kẻo rước họa vào thân đó!"
Thấy không hỏi gì thêm được nữa, hai người nói lời từ biệt, quay trở lại trấn.
Hai người bước dọc theo con đường đất dẫn ra khỏi làng. Cơn gió mang theo vị tanh mặn của biển phả qua mặt, làm Trường Khanh khẽ rùng mình. Văn Bắc đi cạnh anh, bước chân trầm ổn, ánh mắt vẫn luôn hướng về phía trước.
"Suy nghĩ gì vậy?" Văn Bắc đột ngột lên tiếng.
Anh ngập ngừng giây lát, rồi nói: "Tôi đang nghĩ... Nếu Lành thật sự từng là kép hát, liệu cô ta đã trải qua những gì để trở thành con người như bây giờ?"
Văn Bắc hừ nhẹ: "Không cần phải thấy thương hại. Ai cũng có quá khứ, nhưng không phải ai cũng chọn cách làm hại người khác để tồn tại."
Anh cười khổ: "Tôi không có ý thương hại. Chỉ là tôi đang cố hiểu. Một người phụ nữ phải có bao nhiêu tham vọng, bao nhiêu lòng căm hận, mới có thể giật dây cả cha tôi lẫn anh ba, thậm chí ra tay với má tôi, quậy cho cả nhà họ Đỗ trời long đất lở?"
Văn Bắc không đáp ngay. Một lúc sau, hắn mới chậm rãi nói: "Có thể cô ta không đơn độc. Một con người có thể lắm mưu nhiều kế, nhưng để đi xa đến thế, chắc chắn phải có kẻ đứng sau hoặc kẻ đồng lõa."
Anh khựng lại: "Ý anh là... có kẻ khác nữa?"
Văn Bắc gật nhẹ: "Có thể. Chúng ta đang nhìn Lành như một kẻ chủ mưu, nhưng nếu không phải? Hoặc nếu có ai đó giúp cô ta trèo cao, giúp cô ta che giấu mọi dấu vết?"
Lời nói của hắn khiến Trường Khanh lạnh sống lưng. Anh đã luôn nghĩ rằng Lành là kẻ chủ mưu duy nhất, nhưng nếu có ai đó khác... Thì mọi chuyện có thể còn phức tạp hơn anh tưởng.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro