Chương 9: Một duyên hai nợ ba tình
"Tìm ai? Sao nãy giờ không đi mà cứ đặng lòng vòng chỗ nầy?" Tên lính gác gõ gõ cây gậy vào lòng bàn tay, quát lớn.
Kể cũng khổ. Trường Khanh biết mình nóng vội quá, sau khi hỏi thì đi một mạch tới xưởng huyền. Anh không gửi lời hẹn trước, cũng không có gì chứng minh được thân phận, đành phải bó chân chịu trận tại đây hồi lâu.
Nhưng từ bao giờ xưởng gia công lại có cả tường rào và cần có cả lính gác thế kia? Nom bộ dáng người nọ hung hăng, mặt mày dữ tợn, không phải vẻ quan sai phủ nha gì. Gã chằm chằm nhìn anh từ nãy tới giờ với vẻ cảnh giác hách dịch, như thể chỉ cần anh tự tiện xông vào hay quấy phá thì hắn sẽ cho anh ăn gậy ngay.
Anh mím môi, dịu giọng: "Cho tôi tìm cậu ba Quý."
Gã canh cổng đánh giá anh từ trên xuống dưới một lượt, khoé môi nhếch lên vẻ khinh bỉ không thể giấu. Chắc hẳn gã cho rằng một người bình dân áo vải đi bộ đến đây thì làm gì có cửa quen biết. Nhưng rõ là gã vẫn đang ráng kìm nén lại dáng điệu coi thường, khinh khỉnh nói: "Là ai? Có hẹn chưa?"
"Tôi...Chưa có hẹn." Anh ấp úng.
"Ha! Chưa có thì gởi thiếp mời đến chờ phản hồi. Ngài Quý không có thì giờ cả ngày gặp gỡ hạng người đầu đường xó chợ." - Gã xoay cây gậy trong tay, mắt không buồn nhấc.
"Tôi...tôi có việc gấp cần hỏi." Anh tự biết mình cũng đang có phần đuối lý. Nhưng anh không muốn chuyến này về tay không. Chỉ cần qua chỗ gác thì anh có thể gặp được một số chú bác thợ nghề quen.
Gã liếc anh, mắt điếc tai ngơ, im thin thít như tượng. Trường Khanh hết cách, đành đứng chờ ở bên cạnh.
Trời dần đổ bóng về tây. Anh đứng đó mấy canh giờ không ăn không uống, bộ dạng cố chấp gấp gáp. Đôi môi khô nứt, nếm được vị mằn mặn của gió cửa biển lùa vào. Anh cảm giác được lưng áo mình hơi ướt, dinh dính khó chịu. Gã gác cổng ngồi trong chòi lá phe phẩy quạt, tuyệt nhiên không chú ý tới anh dù chỉ một chút.
"Coi như công toi." Đương lúc anh định trở về quán trọ mai hẵng quay lại thì một người đi ra từ phía cánh cổng. Có vẻ như là người đem cơm chiều cho tên lính gác.
Anh ta nhìn thấy anh trước nhất, ánh mắt đánh giá nghiền ngẫm. Trường Khanh thấy anh ta hỏi về mình với gã kia, gã lắc đầu nhún vai. Bất ngờ anh ta không bỏ đi như anh dự đoán mà ngược lại, tiến về phía anh hỏi: "Anh tìm ngài Quý sao?"
"Dạ phải. Anh có thể thông báo giúp tôi không?" Anh mừng rỡ, gật đầu ngay.
"Cái này...Tôi không có quyền quyết định đâu." Anh ta ngập ngừng.
Trường Khanh gấp gáp, trong đầu nhanh chóng điểm qua những cái tên khả thi trong đầu: "Thế cô Lịch còn làm quản sự cho xưởng không? Tôi gặp cô Lịch được chứ?"
"Để tôi vào hỏi. Nhưng anh tên gì?"
"Nói là...nói là...cậu An tìm cô Lịch giùm tôi nghen." Nói xong anh thấy hơi xấu hổ, gãi gãi mũi.
Nhắc chuyện cũ một chút. Giữa anh với cô Lịch từng có một đoạn quá khứ giống trò cười làm anh chẳng có mặt mũi nào nói đến - một cuộc hôn ước được cha anh và cha cô bàn qua loa trên bàn nhậu. Dù sao ông Đỗ vẫn nghĩ phù sa không chảy ruộng ngoài, thằng út không được lòng mình đi cưới đứa con gái rượu của quản sự chẳng phải thân càng thêm thân đó sao.
Lúc biết tin anh chỉ vừa mười lăm, cô Lịch thì mười bảy. Cô Lịch tiếng lành đồn xa, đẹp người đẹp nết, là một cô gái vô cùng giỏi giang bản lĩnh. Lẽ ra cái tuổi cô ở miền quê đã bị dựng vợ gả chồng từ thuở đời nào. Nhưng chắc là cha cô thương con gái, lần lữa chưa ưng, cho tới lúc ông Đỗ nhắc tới cậu út An anh đây.
Tiếc là lòng anh khi đó còn đang bận nhớ một người, anh không thể nào đồng ý hôn sự này được. Anh chưa bao giờ nghĩ sẽ theo sự sắp đặt của cha mẹ mà lấy người mình không yêu. Anh cũng không thể ích kỷ vờ nghe lời mà làm lỡ dỡ con nhà người ta. Cuối cùng anh gởi cho cô một bức thư xin lỗi, lại sống chết ở nhà đòi huỷ hôn. Thậm chí vì để cha cô nhanh chóng chấp thuận, anh mặc nhiên cho mình mang tiếng nhu nhược ăn chơi trác táng, ham thích cả tứ đổ tường (1), mặc người đời bỉ bôi (2). Quậy đến mức long trời lở đất như thế, chuyện này mới có thể chấm dứt.
Qua thêm một đoạn thời gian, cha cô trúng dịch bệnh qua đời. Ấy thế mà cô Lịch lại là người đứng ra tiếp quản phần việc cha mình, tài trí không thể chê. Sau chuyện nọ, anh cũng không mấy nghe thêm tin tức đặc biệt về cô nữa. Cực chẳng đã hôm nay anh mới phải nhắc.
Chốc lát, một cô gái vóc người đầy đặn mặc đồ bà ba may bằng lụa tằm đi đến đứng trước mặt anh. Tóc cô búi hình bánh lái, đầu cài trâm ngọc, chân đi guốc mộc. Dáng vẻ cô uyển chuyển nhanh nhẹn, giọng nói vừa dễ nghe vừa có lực. Cô lom lom nhìn anh. Sau đó mới hỏi bằng một giọng không chắc lắm: "Cậu...cậu út An?"
"Là tôi." Anh gật đầu, sau đó lại chắp tay cúi đầu chào cô thật sâu.
Đây là lần đầu tiên hai người chính thức gặp mặt, vẫn nên chào một cái lễ trịnh trọng thì hơn.
"Cậu đến đây có chuyện chi?" Cô giật mình, vội đứng dịch sang bên trái một chút để né cái chào, nhìn anh thắc mắc.
"Tôi có chút chuyện cần gặp anh ba. Nhưng tôi không biết cách nào vào trong. Đành phải làm phiền cô đi một chuyến.
"Ngài Quý hiện không có đây. Phải ngày mai ngài mới về. Vào bên trong xưởng thì không tiện lắm đâu. Xưởng cấm tiệt người ngoài. Cậu muốn vào thì đợi tôi báo lại ngài Quý nghen."
"Hoá ra là vậy. Là tôi đường đột thất lễ quá."
"Cậu út An đường xá xa xôi tới đây, là chúng tôi tiếp đón không chu đáo. Thế này đi. Bên kia đường là chỗ nghỉ của nhân công. Cậu không chê thì ở tạm bên đó. Sáng mai lại đây xem xem có may mắn gặp được ngài Quý hay chăng." Bộ dạng cô nói trắng ra không phải niềm nở đón tiếp khách. Nhưng nói thất lễ thì tất nhiên cũng không phải. Nội việc cô có thể bình tĩnh đứng đây nói chuyện với kẻ huỷ hôn mình đã là một điều phi thường vượt bậc.
"Cám ơn cô Lịch. Không dám phiền cô lâu. Vậy để mai tôi lại tới. Tôi ở gần đây thôi." Anh xua tay từ chối.
"Vậy được. Mai anh cứ vào thẳng trong chòi gác ngồi cho khoẻ. Tôi sẽ sai người nói với lính." Cô gật đầu.
Gã gác cổng thấy một màn này thì ngạc nhiên há hốc mồm.
Trường Khanh không để ý, nói cám ơn và hẹn gặp lại. Trước lúc đi xa, anh nghe loáng thoáng giọng cô Lịch sai người viết thư cho cậu ba gửi gấp trong đêm.
Tối đêm đó, trong thùng xe ngựa chật chội, Trường Khanh nằm nghiêng trên ghế, vai đắp áo vải, ngủ mơ một giấc mơ thật dài. Là chuyện ngày cũ, kí ức mà anh cứ ngỡ chẳng còn cách nào nhớ nổi.
Cậu út An chín tuổi, chẳng hiểu sao được tìm thấy nằm ngã sõng soài ở cạnh đìa cá (2) với cái gáy máu me đầm đìa. Người làm lay mãi không thấy tỉnh bèn tri hô, nhanh chóng gọi thêm người đưa cậu út sang nhà thầy thuốc để băng bó cứu chữa. Cậu út An bất tỉnh đâu đó hai ngày trời, bà ba Kiều túc trực bên giường khóc suýt đứt hơi mà ngất.
Lúc tỉnh dậy thì đôi mắt tròn to của cậu An ảm đạm, không có tiêu cự. Thầy thuốc phán cậu là do bị đập mạnh vào đầu dẫn đến mù tạm thời, dưỡng thêm ít lâu biết đâu sẽ khỏi. Hỏi cậu nguyên nhân té xỉu thì cậu một mực bảo mình không nhớ. Thế là ai cũng nghĩ cậu ham chơi trượt chân ngã dập đầu, không dám nói thật do sợ bị ông Đỗ rầy la.
Ông Đỗ thế mà nghiêm, để cậu ở lại nhà thầy tới khi nào khỏi hẳn mới được về, sai người đem cơm nước sang chứ không tới thăm nữa.
Cậu út An biết tin mắt mình không nhìn được, bất ngờ thay cậu ngoan ngoãn không hề khóc lóc. Ngược lại cậu còn bỏ tâm trí dỗ dành má đang không ngừng rơi lệ lẩm bẩm bên cạnh. Chỉ là đợi sau khi má đi khỏi đó, nằm trên giường gỗ một thân một mình, cậu mới lặng lẽ làm ướt gối đầu. Thầy lang thấy băng vải ướt, biết cậu nhỏ sợ hãi lén khóc thầm, cũng dịu giọng an ủi mấy câu.
Thời gian đó, với cậu út An ngày cũng như đêm, đêm cũng là ngày. Mắt không cảm nhận được nguồn sáng, đầu quấn thảo dược, uống thuốc thay nước lã, không có ai ở cạnh thường xuyên. Má cậu sợ đàm tiếu không tiện ghé nhà thầy thuốc, chỉ thỉnh thoảng đến dúi cho cậu ít bánh kẹo ngon và vỗ về cậu rồi lại vội vàng về. Thầy thuốc thì bận bịu sự vụ khám chữa bệnh, hiếm khi ở cạnh cậu.
Vốn tuổi nhỏ náo động ham chơi. Giờ cậu út chỉ quẩn quanh trong căn nhà và mảnh sân tịch mịch. Cậu út An trong lúc này đã học được cách tự chăm sóc mình, tự khích lệ mình, và học được cách sinh hoạt trong bóng tối. Cậu nghĩ giả mà mình có mù thật, biết đâu sẽ không trở thành một đứa trẻ vô dụng.
Để rồi trong khoảng tối tăm mịt mờ ấy, cậu út An đã vô tình gặp gỡ một người.
Tiếng giày ma sát trên nền đất là âm thanh đầu tiên út An nghe được từ người đó. Tiếp đó là tiếng nói cất lên thình lình sau lưng. Giọng nói khoẻ, hơi có độ khàn, mang âm vực của một cậu thanh niên vừa qua tuổi vỡ giọng: "Thầy Giang có nhà không ạ?"
"Thầy Giang đi bắt mạch ở trong làng rồi. Tới chiều tối chắc thầy mới dìa á anh gì ơi." Cậu út An đang ngồi phơi nắng trong sân, cất tiếng đáp lời thay cho lời chào.
"Nhóc là ai?" Cậu út An nghe được tiếng bước chân tới gần, và cảm giác một bóng râm đang đổ xuống trước mặt mình. Có vẻ người này khá cao lớn, gần như chặn khuất tất cả tia nắng đang chực chờ phía sau. Khẩu âm miền ngoài, út An đoán anh ta không phải người ở đây.
Cậu dù nhỏ mà dạn, cũng không sợ hay giật mình, còn nhoẻn miệng cười. Làn da trắng nõn, hai má đỏ hây hây, nốt ruồi son trên sóng mũi dường như đang nhảy nhót theo từng chuyển động trên cơ mặt, trông vừa đáng yêu vừa sinh động. Chỉ duy nhất băng vải trên đầu là chẳng hợp chút nào với cậu cả.
Cậu út An được hỏi tới thì vui vẻ: "Em là bịnh nhân của thầy, đang ở nhờ để chữa bệnh đó đa."
"Nhóc...không thấy đường?" Hình như người thanh niên thử huơ tay trước mắt cậu. Tuy cậu không nhìn thấy nhưng vẫn cảm nhận được làn gió khe khẽ phủ trên những sợi lông tơ mịn.
"Té đập đầu...thầy bảo tạm thời mắt hết xài." Cậu út An ra vẻ lém lỉnh.
"Không sợ hả?" Người thanh niên lại hỏi.
Cậu út An ngồi lâu hơi mỏi, lưng tựa vào thành ghế, chân mang giày vải buông thõng đung đưa theo nhịp, môi mím chặt, trông ra độ nghiêm trang chẳng vừa khớp với tuổi. Cậu giống như ông cụ non mà nói: "Dạ sợ chứ. Nhưng mà đàn ông con trai không được phép sợ."
Hình như người thanh niên kia cười khẽ, có lẽ thấy đứng nói chuyện không tiện lắm nên khom gối ngồi xổm, ngước mặt nhìn cậu nhỏ.
"Anh tên gì? Tìm thầy Giang có chuyện chi? Gấp thì tí thầy về em nhắn lại cho nghen." Cậu nhỏ chắc vẫn không biết, mắt nhìn thẳng, nói bâng quơ vào khoảng tối trước mặt.
"Tôi nhờ thầy khám bệnh. Thôi không sao mai tôi quay lại." Đi được vài bước, người thanh niên lại quành trở về, để ý thấy cậu nhỏ mặt trắng mắt xinh vẫn đang ngẩn ngơ ngồi đó. Anh nói: "Sắp giữa trưa rồi. Nhóc vào trong nhà đi say nắng bây giờ."
"À...Dạ." Út An nghe lời, vịn ghế chầm chậm đứng dậy. Kế đó lại từ từ sờ soạng mép hàng rào, lần mò men theo để tìm bậc thềm ở cửa.
Cả hai tuần qua, cậu nhỏ dùng cách này để ra ngoài hóng gió, tránh bản thân mình nằm lâu trên giường chán đến mọc rêu.
Nhưng sự thật là cậu đã có một đôi mắt sáng để sinh hoạt nhiều năm qua, nhất thời vẫn chưa thể hoàn toàn quen được cách ở cùng bóng tối. Một khoảng sân nhỏ trống trải của thầy thuốc thường làm cậu nhỏ tốn đến non nửa canh giờ để tìm ra cửa. Chưa kể thỉnh thoảng vấp chân vấp tay té ngã là chuyện thường. Mấy lần thầy Giang thấy cũng không cấm cản cậu, còn khích lệ cậu nên vận động nhẹ nhàng nhiều hơn giúp thân thể mau khỏe mạnh.
Lần này cũng vậy. Cậu nhỏ men theo hàng rào nhưng lại vấp phải một ụ đất nhỏ. Chắc là sáng nay thầy thuốc vừa mới gieo thảo dược. Út An mang tâm lí chuẩn bị mồm ăn một đống bùn cát thì được một bàn tay đỡ lấy.
"Này. Nhóc cẩn thận đi chứ." Người thanh niên bất đắc dĩ.
"Cám...cám ơn anh." Cậu xấu hổ đến phát ngại. Dù nhỏ tuổi nhưng cậu út An từ lâu đã luôn cố ogắng giữ hình tượng đẹp đẽ của bản thân. Mém nữa cậu đã té lộn nhào trước mặt người này rồi. Cậu cứ tưởng người này đã đi từ lâu. Hóa ra là vẫn đứng đây nãy giờ.
"Đi thôi. Tôi đỡ nhóc vào nhà. Nhanh nào." Vừa nói anh vừa đỡ lấy vai cậu. Thực ra thì giống là lôi đi hơn, chắc là anh thấy việc để cậu đi chầm chậm mất nhiều thời gian quá không chừng.
"Vào nhà đi. Đừng có để té nữa đó. Cái mặt trắng trẻo như thế..." Anh ta dặn dò, toan quay người đi thì thấy vạt áo bị níu lại.
"Cho anh nè." Cậu út An mím môi, móc từ trong túi ra một viên kẹo dừa, nhón chân chìa tay đến trước mặt như hiến của quý.
"Gì đây?"
"Quà cám ơn."
"Tí tuổi đã học thói quà cáp." Anh cười, không bóc ra ăn, chỉ nhận lấy rồi cầm ở trong tay. Sau đó nhìn cậu nhỏ áo lụa trước mặt: "Về nhé. Mai gặp."
Cậu út An nghe lời này thì sững một lúc lâu. Đây là lần đầu tiên cậu nhỏ được nghe lời hẹn từ người khác, phút chốc nội tâm nảy sinh cảm giác thực mong chờ. Trước đây chưa bao giờ có người bạn nào hẹn gặp lại với cậu cả. Một là quá nhỏ chẳng hiểu được lời hứa hẹn, hai là sau khi lớn hơn một chút cậu vì việc học mà không còn thời gian vui chơi với bất kì ai.
Cảnh trong mơ lại chuyển sang ngày hôm sau.
Cậu út nhà ông Đỗ mới được thay băng vải trên đầu, từ sáng đã thấp tha thấp thỏm nghểnh đầu hướng ra ngoài. Ông thầy lang già đang mài thuốc thành bột để vo viên, không nhịn được mà hỏi: "Cậu đang ngóng ai?"
Út An nghe thế thì giật bắn người, gãi gãi mũi: "Dạ không..."
"Thầy Giang ơi!" Cậu nhỏ còn chưa nói dứt câu, tiếng nói hôm qua đã từ xa vọng lại.
"Tôi đây." Thầy lang lau tay vào khăn vải, đứng dậy.
"Thầy khám qua cho con với..." Hình như người thanh niên thấy cậu, nín bặt không nói tiếp.
"Để qua (3) xem thử cái nào...Chậc...Sao nặng quá đa..."
Cậu út An ngồi ở bậc thêm, quên mất tay mình còn đang chống cằm, vội vã muốn đứng dậy. Là bệnh nặng hay sao? Người kia trẻ tuổi tốt bụng như thế...
"Nè nhóc. Cho nhóc đấy." Người thanh niên ắt đã để ý từ đầu, trước lúc cậu kịp lên tiếng thì đã đưa đến một đồ vật. Đoạn, anh lại nói: "Cầm lấy. Đợi tôi khám xong cái đã."
Cậu út An ngơ ngác cầm, dùng lòng bàn tay nhỏ nhắn của mình sờ một lượt từ trên xuống dưới. Hình dáng như một cây gậy, thơm mùi gỗ mới, xúc cảm hơi thô ráp lồi lõm chứ không bóng bẩy mượt mà.
"Nhớ uống thuốc bôi thuốc đúng giờ à nghen. Ba ngày sau quay lại qua coi thêm lần nữa." Ông thầy lang đi từ trong nhà ra, vừa đi vừa dặn dò.
"Dạ con nhớ rồi. Cám ơn thầy." Người thanh niên trả lời.
"Có vẻ cậu có người đợi từ sớm giờ đó đa."
Út An ngồi một bên, nghe thầy lang nói vậy thì toe toét cười. Ban nãy cậu đã lén tìm thử trong túi nhỏ, may mắn vẫn còn mấy viên kẹo, là thói quen đem đồ ngọt bên người. Út An quyết đoán móc ra, đưa hết cho người thanh niên.
"Lại cho tôi kẹo?" Người thanh niên xoa rối tóc cậu, cậu cũng để yên mà không phản kháng.
"Cám ơn anh vì cái này ạ." Cậu nhỏ vừa nói vừa lắc lắc món đồ trong tay.
"Tôi tiện tay làm thôi. Giữ lấy mà dùng, chống đi đường cho khỏi ngã."
"Dạ."
"Ăn kẹo không?"
"Dạ ăn."
"Ai đời cho người khác kẹo rồi lại đòi ăn kẹo vậy hả?" Người thanh niên giả bộ cằn nhằn, tay lại tháo vỏ rồi đút kẹo vào miệng cậu nhỏ.
Út An cười tít mắt. Cậu dùng lưỡi đẩy viên kẹo sang một bên má, cảm nhận vị ngọt béo tan ra, vui vẻ thoả mãn.
Tiếng người gõ vào thùng xe lôi Trường Khanh tỉnh giấc. Anh ngồi dậy, thấy chiếc áo vải đắp đêm qua đã tụt xuống ngang bụng. Cũng may trời mùa hạ không lạnh, trong xe kín gió nên không sao.
"Cậu Khanh ngủ trong này hả?" Là Văn Công. Văn Công nhìn anh e dè hỏi một tiếng.
"Dạ. Hôm qua anh Công ngủ ngon không?" Anh cười cười, hỏi sang chuyện khác.
"Tốt lắm ạ. Thế hôm nay cậu Khanh tính làm gì? Có cần đánh xe đi đâu thì cứ báo với tôi nhé."
"Dạ. Tôi tính chỉ đi loanh quanh thôi. Anh cứ nghỉ ngơi, rảnh thì coi thử hai mẹ con giúp tôi một cái là được." Nói xong anh đã ngồi dậy hẳn, xuống xe vươn vai. Nằm ngủ lâu trong xe chỉ với một tư thế làm cổ anh hơi mỏi. Đầu anh nhoi nhói, giấc mơ tối qua cái nhớ cái không.
Khóe mắt anh trông thấy Văn Công há miệng tính nói gì đó rồi khép miệng. Anh cũng không hỏi lại, thầm mong Văn Công không đem chuyện này mách lại với ông chủ của anh ta, tránh việc anh về gặp mặt sẽ bị nhắc nhở mấy câu. Gì thì gì chứ Trường Khanh nhận ra việc ăn ở của Văn Bắc luôn được hắn chú trọng ở mức độ nào đó.
Chỉnh trang xong xuôi, anh ăn một tô cháo rồi mới đi về phía xưởng. Anh thực hi vọng hôm nay có thể nói chuyện với Đỗ Gia Quý, ông anh ba của mình.
"Cho hỏi..." Trường Khanh gặp lại tên lính gác cổng hôm qua. Trước tiên anh theo phép lịch sự vẫn mở lời.
Chỉ là lần này đã khác. Thói hách dịch của gã ta bay biến đâu mất, ngược lại còn tỏ ra vẻ hơi khúm núm sợ sệt: "Dạ chào cậu. Cậu vào trong ngồi đợi cho mát."
"Dạ cám ơn anh nhé." Trường Khanh không để bụng, gật đầu đồng ý. Anh thừa hiểu loại người thấy sang thì quý thấy hèn thì khinh không đáng để mình đi chấp nhặt. Chắc hôm qua gã ta có hỏi về thân phận của anh, hôm nay mới bày ra bộ dáng lo được lo mất. Đời này nó thế, không nhất thiết phải khó chịu làm gì.
Anh ngồi trong chòi gác một hồi thì một chiếc xe ngựa bọc gấm đỗ trước cửa. Xe hai ngựa kéo, bánh to gầm cao, nhìn đã biết thân phận chủ xe phi phàm.
Rèm được mở ra, người xuống xe không ai khác là anh trai cùng cha khác mẹ của anh, người mà anh ngóng đợi cả mấy giờ qua. Trường Khanh nhanh chóng đứng dậy, phủi phủi vạt áo rồi bước đến.
Trước khi anh kịp mở lời thì người đàn ông đã tiến tới, choàng vai bá cổ anh nom cực kì thân thiết: "Cậu An, rồng ghé nhà tôm, cơn gió nào thổi cậu dìa đây?"
Anh bị bất ngờ, lùi lại một tí, bình tĩnh nói: "Anh ba, đã lâu không gặp."
"Giữa anh với cậu mà còn khách sáo chi đó. Nào, đi quán sang nhứt cái trấn này, anh mời cậu ăn một bữa ngon." Anh ba Quý vỗ vỗ vai anh, vừa kéo vừa lôi anh leo lên xe ngựa.
"Anh...Tôi..." - Trường Khanh ngoái nhìn đằng sau, nhìn chiếc chòi gác và xưởng huyền dần dần biến mất sau ngã rẽ mới quay đầu lại. Anh nhìn người bên cạnh mình, gãi gãi mũi.
Ai cũng bảo trông thoáng qua giữa anh và anh ba có đôi nét giống nhau, nhất là phần viền cằm và đôi môi. Tất nhiên cả hai cũng có chỗ khác, như là đôi môi Trường Khanh thường vô thức mím lại. Còn đôi môi của anh ba thì hay vểnh lên cười, thành ra nét khôn ngoan sành sõi. Anh ba Quý không còn để tóc dài mà cắt ngắn, kiểu tóc giống bọn Văn Bắc Đức Cảnh, chắc là theo mốt Tây phương. Ngoài ra anh ta cũng đã thay áo dài bằng vest, nhìn cứ như công tử nhà ai mới du học về. Tay anh ba Quý đang đeo đầy nhẫn vàng nhẫn bạc, ống điếu gác bên chân cũng khảm ngọc ẩn xà cừ sang trọng quý phái. Cảm giác toát ra giàu có nhưng không bị tục tằng như bọn giàu xổi. (4)
Trường Khanh thấy anh ba quần là áo lụa, ăn uống tiêu xài thoải mái, sống quen thói dư dả, lòng mới thoáng thực sự buông xuống nỗi lo về lời đồn. Chí ít nếp sinh hoạt của anh vẫn tốt lắm, không cực khổ chi. Anh hai có lẽ cũng không tệ như lời người ta nói.
CHÚ THÍCH:
(1) tứ đổ tường: bốn điều tệ hại trong xã hội cũ: cờ bạc, rượu chè, thuốc xái, bợm đĩ
(2) bỉ bôi: chê bai, khinh bỉ
(3) qua: "Qua" là ngôi thứ nhất, nếu dùng riêng lẻ là từ xưng hô của người lớn tuổi với người nhỏ tuổi, nghĩa là tôi (là cô, chú, bác, anh, chị), nhưng khi dùng chung với "Bậu" thì nghĩa là anh, là cách xưng hô của chồng với vợ hoặc của người con trai với người yêu hoặc với người mà họ có ngỏ ý thương mến.
(4) giàu sổi: vì mang nghĩa "tạm bợ, không căn cơ" nên từ "xổi" thường gắn với những hiện tượng không tích cực. Giàu xổi nghĩa là giàu nhanh giàu không bền vững.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro