Chương 85: Vết khắc
Kho lưu trữ là một tòa nhà nhỏ, chuyên dùng để lưu giữ hồ sơ của tất cả trẻ em qua các năm. Trại trẻ mồ côi không chỉ đảm bảo ăn mặc cho các bé bị bỏ rơi mà còn cho chúng đi học khi đã đến tuổi. Thông thường, họ sẽ liên hệ với các trường học gần đó để gửi trẻ đi học. Một số viện phúc lợi có điều kiện sẽ thuê giáo viên, tổ chức các lớp ngay trong khuôn viên.
Trại trẻ Nghi Giang thuộc loại sau.
Vì vậy, trong kho lưu trữ này không chỉ có tài liệu về thời điểm các bé bị bỏ rơi mà còn ghi chép quá trình trưởng thành, học tập, mãi cho đến khi chúng được nhận nuôi hoặc lớn lên tự lập.
Tần Vô Vị thẳng tay đặt một túi hồ sơ trước mặt Giang Diệu. Đó là một túi giấy kraft màu vàng, nhìn qua trông đã rất cũ, bên trên có viết hai chữ "Lục Chấp" to đùng bằng bút dạ đen kèm theo một con số bên dưới.
"2023~"
Số năm kết thúc bằng dấu gạch sóng. Giang Diệu nhìn chằm chằm vào con số đó, hàng mi lông quạ khẽ chớp.
Là năm sinh.
Năm nay là năm 2050. Lùi lại 20 năm, năm 2030 là năm Lục Chấp bảy tuổi mất tích. Lùi thêm bảy năm nữa, chắc hẳn 2023 là năm Lục Chấp bị cha mẹ ruột bỏ rơi, đến với trại trẻ này.
"Tôi đã xem qua tất cả tài liệu liên quan đến Lục Chấp rồi, bên Cục Quản lý cũng có bản sao. Nhưng tôi nghĩ nếu cậu đến đây thì có thể dễ nhớ lại chuyện cũ hơn."
Một tiếng "cạch" vang lên, Tần Vô Vị kéo ghế, ngồi xuống cạnh cửa sổ. Chắc hẳn kho lưu trữ này hiếm khi có người lui tới nên không được dọn dẹp thường xuyên, bàn ghế phủ một lớp bụi mỏng, thoang thoảng mùi hương khó chịu.
Tần Vô Vị đẩy cửa sổ ra, ánh nắng và tiếng chim lập tức ùa vào. Cả căn phòng sáng bừng trong ánh thu dịu dàng.
Giữa ánh sáng ấy, Giang Diệu mở túi hồ sơ phủ bụi nhiều năm. Trang đầu tiên là bảng đăng ký trẻ bị bỏ rơi mà cậu từng thấy trên máy tính của Cảnh sát Phương.
Bảng này ghi chi tiết thời gian, địa điểm, quá trình phát hiện trẻ và cập nhật quá trình lớn lên của chúng theo từng năm trong viện phúc lợi.
Lục Chấp bị bỏ rơi năm 2023, khi ấy cậu nhóc còn là một đứa bé sơ sinh. Thời đó, hệ thống camera giám sát đã khá hoàn thiện, phần lớn nơi công cộng và đường phố ở Nghi Giang đều có camera.
Vậy mà vẫn không thể tìm ra ai là người bỏ rơi cậu.
Người phát hiện cậu là một bảo mẫu trẻ họ Trịnh. Cô tìm thấy cậu trong bụi cỏ trước cổng viện mồ côi. Chuyện như vậy thời đó nói nhiều không nhiều nhưng nói ít cũng không ít, cô Trịnh thở dài một tiếng rồi bế Lục Chấp vào trong.
Nhưng nào ngờ, đứa bé này lại chẳng bị khuyết tật như những đứa trẻ khác trong trại trẻ mồ côi. Hầu hết những đứa bé ở đây đều bị bỏ rơi vì tật nguyền. Ở Nghi Giang, tư tưởng trọng nam khinh nữ không phổ biến, hơn nữa cậu nhóc này lại là con trai.
Cô Trịnh thấy lạ bèn bế cậu đến bệnh viện thành phố kiểm tra toàn diện. Kết quả kiểm tra xác nhận cậu không mắc bệnh bẩm sinh nào.
Vậy tại sao đứa trẻ này lại bị bỏ rơi?
Nói chung, sau một khoảng thời gian tìm kiếm, họ vẫn không tìm được cha mẹ của cậu nhóc.
Cô nhi viện đã đặt tên cậu là "Lục Chấp".
Từ đó, cậu sống ở đây.
Thông thường, những đứa trẻ lành lặn như bé Lục Chấp rất dễ được nhận nuôi nhưng chính bé Lục Chấp lại không muốn rời đi. Cậu rất được lòng mọi người và cũng rất yêu quý nơi này.
Do trại trẻ thiếu người nên từ nhỏ, Lục Chấp đã giúp các dì bảo mẫu chăm sóc những em nhỏ hơn, cần giúp đỡ hơn.
Trong cậu tồn tại hai tính cách trái ngược nhau. Cậu nghịch ngợm, bướng bỉnh, khó dạy. Nói trèo cây là phải trèo lên ngọn cao nhất, to nhất, khiến các dì sợ xanh mặt. Nói bắt mèo là đuổi theo mèo chạy khắp núi đồi, cả đêm không về.
Các dì dỗ cũng đã dỗ, nói cũng đã nói, thậm chí phạt cậu nhịn cơm, phạt lao động, cậu chỉ cười hì hì nhận lỗi rồi quay đầu lại tiếp tục tái phạm.
Cái gọi là "Dũng cảm nhận lỗi, quyết không sửa sai" chính là dùng để chỉ bé Lục Chấp.
Nhưng bé Lục Chấp cũng có điểm tốt.
Cậu biết quan tâm đến người khác. Dù chỉ mới có sáu bảy tuổi, chưa cao bằng eo các dì nhưng lúc chạy khắp sân bắt mèo bắt chó, cậu sẽ tiện tay nhét ghế nhỏ dưới mông dì bảo mẫu đang giặt quần áo.
Cậu sẽ trèo lên ngọn cây, hái lá non đan thành vòng hoa tặng những bạn nhỏ không thể ra ngoài.
Cậu sẽ dùng răng cắn hạt óc chó, cắn đến mức rụng cả răng sữa rồi tùy ý nhét bông vào nướu, không ăn miếng nào, bóc đầy một bát nhỏ chia cho các bạn.
Các dì không hiểu cậu học mấy trò này từ đâu.
Vừa đáng giận vừa đáng yêu thế này thì biết phải làm sao?
... Nói gì thì nói, Lục Chấp sống rất hòa thuận với mọi người ở trại trẻ, có lẽ vì vậy nên cậu không muốn rời đi. Từ nhỏ đến lớn, cậu đã khiến vô số gia đình muốn nhận nuôi phải bỏ cuộc quay về. Dỗ thế nào cũng vô dụng, bé Lục Chấp vẫn nhất quyết không đi.
Cô Trịnh là người thân nhất với cậu, cô dễ dàng nhận ra tâm tư của thằng nhóc này nên dịu dàng khuyên nhủ dù có cha mẹ mới, em vẫn có thể thường xuyên về đây chơi với các bạn!
Bé Lục Chấp chỉ tay lên tầng hai, tức giận hỏi: "Nếu những người lớn đó thật sự tốt bụng thì sao không nhận nuôi các bạn ấy mà lại muốn nhận nuôi em? Rõ ràng các bạn ấy đến trước em mà!"
Trong thế giới của những đứa trẻ sáu, bảy tuổi chỉ có hai màu trắng đen, chúng chưa biết đặt mình vào vị trí người khác, chưa thể hiểu nỗi khổ của họ.
Bé Lục Chấp đã nói thẳng câu đó trước mặt gia đình muốn nhận nuôi, việc nhận nuôi lại thất bại.
Đôi vợ chồng hiếm muộn, có gia cảnh bình thường ấy nghe xong thì rất áy náy, họ lặng lẽ rời đi.
Cô Trịnh tức đến phát điên.
Vụ việc lần đó rất ầm ĩ
Đôi vợ chồng đó rất khao khát có một đứa con nhưng cơ thể người vợ yếu ớt, nhiều lần sảy thai, mất khả năng sinh sản.
Bao đêm khuya, cô khóc nức nở viết trong nhật ký: "Sao ai cũng có, mà tôi thì không?"
Cuối cùng, họ lấy hết dũng cảm đến trại trẻ, mang theo hy vọng rồi lại bị một cậu bé bảy tuổi ngây thơ và phẫn nộ chỉ trích.
Người vợ xấu hổ không chịu nổi.
Cô nhảy sông tự vẫn.
Vụ việc đó đã gây ra một đợt sóng lớn ở địa phương, đủ lời bàn tán đến nỗi người chết cũng không được yên.
Tin tức truyền đến cô nhi viện, người lớn đều im lặng. Họ không kể cho bọn nhỏ nên cả đám bao gồm bé Lục Chấp bảy tuổi cũng không biết chuyện gì đã xảy ra.
Vậy nên, khi cô Trịnh nghiêm túc dạy dỗ cậu không được nói vậy với người nhận nuôi, bé Lục Chấp đã phản kháng dữ dội: "Dù họ có đến lần nữa, đến trăm lần, ngàn lần em vẫn nói thế! Không đi! Không đi! Không đi!"
Cô Trịnh tức giận tột độ.
Cô cảm thấy cậu bé này quá bướng bỉnh, không thể dạy dỗ. Tối đó, bé Lục Chấp bị phạt nhịn cơm, nhốt trong phòng kín để tự suy ngẫm hành động của mình.
Mọi chuyện sau đó... Giang Diệu đều đã biết.
Sau khi bảo mẫu đến mở cửa phòng kín, bên trong không có ai. Rõ ràng chỉ mới nửa tiếng trôi qua, rõ ràng căn phòng này không có lối ra thứ hai, tại sao một đứa bé bảy tuổi lại có thể biến mất không dấu vết?
Mọi người trong cô nhi viện hoảng loạn, cầm đèn pin tìm khắp nơi. Họ hỏi hết bọn trẻ nhưng tất cả đều lắc đầu nói con không gặp Lục Chấp, không phải cậu ấy đang bị nhốt trong phòng kín sao?
Như một giọt nước bốc hơi, mặt đất khô cằn chẳng để lại dấu vết. Trại trẻ báo cảnh sát ngay trong đêm, cảnh sát nghi ngờ cậu bé đã tức giận bỏ trốn.
Họ tìm kiếm, huy động bao nhiêu lực lượng cũng không thấy.
Từ đó, Lục Chấp bốc hơi khỏi nhân gian.
Thời đó, khái niệm [Bị thần giấu đi] vẫn chưa được biết đến rộng rãi như sau này, mọi người chỉ gọi đó là "vụ mất tích trẻ em tại trại trẻ mồ côi".
Hồ sơ của Lục Chấp kết thúc ở đây.
So với các túi hồ sơ khác trong kho, túi của Lục Chấp mỏng hơn thấy rõ. Giang Diệu cầm tập tài liệu mỏng manh ấy, hàng mi lông quạ nhẹ nhàng lay động.
Không rõ cảm xúc.
"Xem xong rồi à?" Tần Vô Vị cũng vừa hút xong điếu thuốc, anh bưóc vào kho.
"Nhớ ra gì không?" Anh hỏi.
Giang Diệu lắc đầu.
"Thôi được." Tần Vô Vị cũng không quá bất ngờ.
Chắc hẳn lúc ở trụ sở cảnh sát, Giang Diệu đã xem tập hồ sơ này rồi. Tần Vô Vị biết Cảnh sát Phương đang âm thầm điều tra về Lục Chấp, hôm nay anh đưa Giang Diệu đến đây chỉ vì hy vọng nơi này gợi lên ký ức nào đó trong cậu.
Nhưng kết quả lại thất bại.
Cũng đúng, đây là "chốn cũ" của Lục Chấp, không phải của Giang Diệu.
Trang đầu hồ sơ dán bức ảnh cuối cùng của Lục Chấp bảy tuổi trước khi mất tích. Ảnh đã ngả vàng và mất nét, chỉ có thể lờ mờ thấy đó là một cậu bé mặc áo sơ mi trắng, để tóc húi cua, vẻ mặt bướng bỉnh không hợp tác. Trên vai cậu còn có một bàn tay đang ấn xuống.
Giang Diệu nhìn kỹ bức ảnh lần cuối rồi cất hồ sơ vào túi đựng.
"Vậy ở đây không còn gì nữa đâu."
Tần Vô Vị khóa cửa kho lưu trữ, bước ra ngoài cùng với Giang Diệu, tiện tay châm thêm điếu thuốc.
Ánh thu trong trẻo, trời xanh ngàn dặm.
Làn gió thu mát lành mang theo mùi hương thoang thoảng của lá rụng. Xa xa, một lớn một nhỏ đang cầm chổi quét lá trên đường. Tiểu Cầm bưng đến một đĩa lê đã rửa sạch, là trái cây Tần Vô Vị vừa mang đến.
Từng quả lê tươi mọng, ánh lên những giọt nước lấp lánh.
Tần Vô Vị xua tay từ chối. Giang Diệu với tay lấy một quả, cắn một miếng nhỏ, nước lê ngon ngọt tràn vào khoang miệng.
[Đây là nơi Lục Chấp... từng sống lúc nhỏ.]
Giọng nói của người trong lòng vang lên. Không hiểu sao, khi nhắc đến cái tên "Lục Chấp", giọng nói ấy chợt khựng lại một chút.
Giang Diệu cúi đầu ăn lê.
Không biết tại sao nhưng cậu bỗng thấy đói.
Rất đói.
Cậu đã tham quan hết trại trẻ, hồ sơ cũng đã xem xong, không còn gì để điều tra.
"Chuyện đó cũng đã xảy ra cách đây lâu lắm rồi." Tần Vô Vị nhìn dụng cụ thể dục mới tinh trong vườn: "Nơi này đã sửa sang nhiều lần, sợ rằng dù Lục Chấp có quay lại đây, chắc hẳn anh ta cũng không thể nhận ra."
Giang Diệu đang cầm quả lê bỗng khựng lại, không ăn nữa.
Tần Vô Vị bên cạnh cậu cũng nhận ra điều bất thường, anh nghiêng đầu hỏi: "Sao vậy?"
Giang Diệu ngẩng lên, nhìn về phía xa.
Một cái cây.
Một cái cây cổ thụ cao lớn, mười người ôm không xuể.
Dưới tàng cây có hai đứa trẻ một lớn một nhỏ đang quét lá, gió thu mang theo tiếng cười đùa. Hai đứa trẻ nửa làm nửa chơi, trông rất vui vẻ.
Giang Diệu nhìn chằm chằm vào cái cây ấy, từ từ bước tới.
"Cậu nhớ ra gì à?" Tần Vô Vị đi theo, thấp giọng hỏi.
Giang Diệu không đáp.
Cậu chỉ chăm chú bước đến bên cây, ngẩng đầu nhìn lên.
Hai đứa trẻ quét lá kia nhận ra Tần Vô Vị thì mừng rỡ chạy đến. Tần Vô Vị cho mỗi đứa vài viên kẹo, bảo chúng sang bên kia chơi.
Đợi đến khi bọn trẻ đã đi xa, anh mới quay đầu lại, giọng điệu đã có phần mất kiên nhẫn: "Rốt cuộc cậu nhớ ra... Hả? Sao tự dưng cậu lại khóc?"
Lúc này, Giang Diệu đang kiễng chân, cố vươn tay lên, muốn chạm vào một nét chữ nguệch ngoạc khắc trên thân cây.
Vì đã được khắc từ rất lâu về trước nên vỏ cây đã lành lại, dấu khắc mờ nhạt, không nhìn kỹ thì chẳng thể nhận ra.
Đó là một chữ "Thẳng".
Từng nét, từng nét viết vừa nỗ lực lại vừa nghiêm túc.
Có vẻ ngay nét đầu tiên đã nhận ra vỏ cây cứng, khó khắc nhưng vẫn cố chấp hoàn thành.
Một sự ngây thơ và kiên định theo kiểu trẻ con.
"Đây là..." Tần Vô Vị giật mình.
Giang Diệu kiễng chân hết sức song dù cố thế nào, đầu ngón tay cậu vẫn cách chữ ấy một chút.
Cậu ngước mặt lên, những giọt nước mắt nóng hổi chảy xuống, lăn vào trong tóc.
"Lục Chấp."
Giang Diệu nói.
---
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro