Chương 14: Kẻ nào dưới kia dám tố cáo bản quan?


Tuần này chỉ còn hai ngày nữa là kết thúc. Chiều thứ Sáu, sau khi giao bài tập về nhà, Hứa Nam Hành cùng các giáo viên bộ môn và hiệu trưởng tổ chức một cuộc họp.

Do trường học không có máy chiếu, Hứa Nam Hành chỉ có thể để các giáo viên truyền tay nhau xem máy tính xách tay của anh, để mọi người nắm được đề kiểm tra khảo sát năng lực của học sinh do trường chính ở Bắc Kinh gửi đến.

Lúc đầu, các giáo viên thấy đề kiểm tra hơi khó, nhưng sau khi thảo luận, họ vẫn quyết định sử dụng bộ đề này. Tiếp theo, Hứa Nam Hành truyền đạt lại một số nội dung đã thảo luận với các giáo viên ở các điểm hỗ trợ giảng dạy khác.

Cuộc họp được tổ chức tại văn phòng giáo viên, hai chiếc bàn làm việc được ghép lại với nhau để các giáo viên có thể ngồi quây thành một vòng tròn.

Hứa Nam Hành nói: "Cuối cùng, giáo viên ở các điểm hỗ trợ giảng dạy tình nguyện đều phản hồi một vấn đề chung, đó là nền tảng kiến thức của học sinh quá yếu. Vậy nên, việc bổ sung kiến thức cơ bản ở giai đoạn lớp 9 sẽ cần rất nhiều thời gian, cần một lượng lớn bài tập và học thuộc lòng. Nhưng chúng tôi đều nhất trí rằng, có thể sử dụng phương pháp bổ trợ môn văn hóa cho học sinh trung học phổ thông thi khối nghệ thuật để dạy lớp 9 ở các điểm hỗ trợ giảng dạy."

Thầy Thứ Nhân nhìn anh: "Bổ trợ môn văn hóa cho học sinh trung học phổ thông thi khối nghệ thuật? Ý của thầy là trong năm lớp 9 này, sẽ dạy kèm cả kiến thức lớp 7, lớp 8 luôn sao?"

"Học sinh nghệ thuật học các môn văn hóa," Hứa Nam Hành nhìn anh ta với vẻ quyết tâm, "chỉ nhằm mục đích vượt qua kỳ thi đại học. Vì vậy, không phải dạy lại toàn bộ kiến thức từ đầu, mà là tập trung vào những nội dung trọng tâm để đối phó với kỳ thi."

Những lời này thực sự có hơi quá đáng. Bởi vì sách giáo khoa cấp hai không chỉ có mỗi kiến thức, mà còn có nhiều nội dung giúp hình thành quan điểm sống cho học sinh, thậm chí cả những bài học về sinh lý và vệ sinh cơ thể cũng rất cần thiết.

Hứa Nam Hành nói vậy, vì anh có mục đích rõ ràng. Hơn ba nghìn năm trăm cây số đường đi, một mình anh và một chiếc xe đi đến đây trong vòng bốn năm ngày. Hơn ba nghìn năm trăm cây số đường đi, phải học đến mức nào, để trẻ em miền núi có thể đến được Bắc Kinh?

Hiệu trưởng Tác Lãng Thố Mỗ có hơi do dự: "Làm như vậy có khiến học sinh phải chịu áp lực quá lớn không?"

Hứa Nam Hành buột miệng: "Hiện tại áp lực học tập của các em ấy cũng không lớn mà."

"Sau khi tan học về nhà các em ấy còn phải làm rất nhiều việc." Tác Lãng Thố Mỗ kiên nhẫn nói, "Làm nông, làm việc nhà. Như Đạt Tang Khúc Trân, sau khi ăn cơm ở trường xong, về nhà còn phải nấu ăn cho ông nội ốm bệnh của em ấy, còn phải nấu cám lợn, vắt sữa bò. Hiện tại đã sắp sang tháng Chín rồi, lại sắp đến một mùa thu hoạch nữa, các em ấy..."

"Xin lỗi, thưa hiệu trưởng." Hứa Nam Hành ngắt lời cô, "Tôi hiểu bọn trẻ ở đây phải phải san sẻ công việc nhà và làm nông. Nhưng bây giờ các em đã là học sinh lớp 9 rồi, điều này liên quan đến tương lai của các em."

Hiệu trưởng Tác Lãng Thố Mỗ là một người phụ nữ rất dịu dàng. Cô luôn nói chuyện bằng giọng ấm áp, cũng không vì những lời nói có phần lý tưởng hóa của Hứa Nam Hành mà vội vàng phản bác. Cô nâng tách trà lên nhấp một ngụm, rồi nói: "Thầy Hứa, tôi rất cảm kích lòng nhiệt huyết giảng dạy của thầy. Tôi cũng rất hiểu, thầy từ Bắc Kinh đến nên khi nhìn thấy điều kiện ở đây, niềm tin duy nhất của thầy là để cho bọn trẻ được rời khỏi nơi này."

Đúng thật là như vậy, Hứa Nam Hành là người có giáo dục. Suốt thời gian qua, dù là khi dọn dẹp vệ sinh khu nhà giảng dạy hay khi phụ giúp rửa bát đĩa trong bếp, dẫu làm việc không được nhanh nhẹn lắm, nhưng anh chưa bao giờ tỏ ra khó chịu, kể cả chỉ là phản ứng vô thức.

Tác Lãng Thố Mỗ cũng thật lòng biết ơn anh, cô nói tiếp: "Nhưng sự thay đổi cần có thời gian. Cha mẹ của những đứa trẻ này, những người biết nói tiếng Hán phần lớn đều đi làm ăn xa, còn những người không biết nói tiếng Hán thì làm việc nặng nhọc trong đội thi công dưới chân núi. Các em ở tuổi mười ba, mười bốn, mười lăm, mười sáu, trồng khoai tây, đào đông trùng hạ thảo, chăn thả gia súc, là lao động chính trong gia đình."

Hứa Nam Hành im lặng hồi lâu.

Trong khoảng thời gian im lặng ấy, anh chợt cảm thấy hối hận, không biết hôm qua mình mắng Chu Dương có quá đáng không. Có lẽ lúc đó là khoảng thời gian duy nhất Chu Dương được thả lỏng.

Và Tác Lãng Thố Mỗ cũng để dành thời gian cho Hứa Nam Hành im lặng, cô hiểu rõ anh cần thời gian để tiêu hóa những thông tin này. Một giáo viên trẻ đến từ thủ đô, có lẽ cấp trên cũng chẳng đẩy những nội dung này đến cho anh.

Cho nên rất nhiều lúc con người ta sẽ rơi vào một loại tình thế khó xử.

Loại tình thế này thường có thể xem như là "ngõ cụt". Cha mẹ ra ngoài làm việc là để có tiền sinh hoạt cho gia đình, cha mẹ không ở nhà, con cái phải chăm sóc ông bà và em nhỏ. Đừng nhìn Chu Dương bề ngoài có vẻ lêu lổng, gia đình cậu ấy có hai em trai và một em gái, đều phải dựa vào cậu chăm sóc.

Cuộc họp chiều thứ Sáu cuối cùng cũng chẳng đi đến kết quả gì. Hứa Nam Hành chán nản nằm trên giường ký túc xá, chiếc giường được lót mấy lớp nên mềm mại và ấm áp. Khi thời gian tiến đến cuối tháng Tám, Tây Tạng dần trở lạnh, đúng như Phương Thức Du đã nói.

Đêm đó, Hứa Nam Hành mãi không ngủ được, anh bắt đầu hoang mang về ý nghĩa giảng dạy của mình ở đây.

Những từ ngữ liên quan đến "tương lai" dường như không thể trở thành động lực chính để học sinh ở nơi này học tập, bởi vì có một động lực mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn được gọi là "sống sót".

Hứa Nam Hành cứ nằm như vậy, thở dài một hơi thật dài.

Cậu ấm nhà giàu hiếm khi nào lại bất lực và bối rối đến thế, nhưng thế giới này vốn dĩ là một kim tự tháp khổng lồ, và đó là cách nó vận hành.

Điện thoại rung lên một cái.

Hứa Nam Hành giơ lên trước mặt, mở khóa.

Tin nhắn của Phương Thức Du gửi đến: [Xong việc chưa?]

[Vừa họp xong, đang nằm đây.]

[Xuống dưới được không?]

"Hả?" Hứa Nam Hành ngồi dậy, sau đó nhớ ra Phương Thức Du đã nói rằng sẽ quay lại sau hai tuần. Vậy là tuần tới Phương Thức Du sẽ trực tại bệnh viện nhỏ ở làng một tuần.

Hứa Nam Hành trả lời: [Được chứ, anh đang ở dưới trường à?]

[Bây giờ đang ở đây.]

Hứa Nam Hành vội vàng xỏ giày, tiện thể dùng camera trước kiểm tra xem tóc mình có bị rối không.

Phương Thức Du vừa từ bệnh viện nhỏ đi bộ tới. Hắn không lên lầu mà đứng ở hành lang trước cửa lớp 1, tay xách một túi đồ trông khá nặng.

Thấy anh xuống lầu, hắn cười: "Hôm nay bệnh viện huyện phát hoa quả, mang một ít cho cậu."

Hứa Nam Hành là người mà một khi đã chấp nhận ai đó làm bạn thì sẽ vô cùng thoải mái, thoải mái như ở nhà mình vậy. Nghe Phương Thức Du nói là mang hoa quả cho mình, anh cười nói: "Làm gì mà khách sáo thế! Có gì trong đó để tôi xem nào."

Nói rồi anh đưa tay móc vào túi nhựa của Phương Thức Du, nhìn vào bên trong.

Vùng Tây Tạng do địa hình quá cao và điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nên trước đây chỉ trồng được vài loại trái cây. Sau này, nhờ có kỹ thuật trồng trọt tốt hơn cũng như được vận chuyển từ Tứ Xuyên, Tân Cương và các nơi khác, các loại hoa quả ở thành phố và huyện đã trở nên phong phú hơn nhiều.

Nhưng ở làng thì điều kiện không tốt như vậy. Từ khi Hứa Nam Hành đến đây, trái cây anh ăn chủ yếu là táo.

"Có thanh long, dưa lê, cam." Phương Thức Du xách quai túi còn lại, nói, "Tôi cũng không biết cậu có thích ăn không. Nhưng ở đây hoa quả khá hiếm, đến khi trời lạnh thì càng hiếm hơn, nên mỗi loại tôi đều lấy một ít."

"Quả nào cũng thích." Vừa nói, Hứa Nam Hành vừa lấy ra một quả cam, bởi vì anh phát hiện đây là loại cam có thể bóc tay, quá là tuyệt.

Phương Thức Du lúc đầu còn lo lắng anh ngại không nhận, giờ thì yên tâm rồi, Hứa Nam Hành đang thò ngón tay vào bắt đầu bóc cam.

Vừa bóc, anh vừa nói: "Tối nay vừa họp xong."

"Ừm." Phương Thức Du xoay người, xách hai cái ghế từ lớp 1 ra. Hứa Nam Hành quay đầu nhìn thoáng qua, không khách sáo chút nào, ngồi phịch xuống.

Hứa Nam Hành tiếp tục nói: "Bọn trẻ ở đây tan học về nhà còn phải làm việc đồng áng à?"

Phương Thức Du gật đầu: "Đúng vậy, hầu hết gia đình ở đây đều trên có già dưới có trẻ, à đúng rồi, suýt nữa quên mất."

Phương Thức Du lấy từ trong túi áo khoác ra một chiếc hộp dẹt, đưa cho anh: "Đạt Tang Khúc Trân là học sinh lớp cậu phải không? Thứ Hai đi học cậu giúp tôi đưa cái này cho cô bé nhé. Đây là cao dán hoạt huyết hóa ứ, cho ông nội cô bé dán sau lưng."

"Được rồi, tôi nhớ rồi." Hứa Nam Hành bẻ một nửa quả cam đã bóc vỏ đưa cho hắn, "Anh cứ để vào túi hoa quả đi."

Phương Thức Du để vào túi rồi hỏi: "Sao tự nhiên cậu lại hỏi chuyện này?"

"Đừng nhắc nữa." Hứa Nam Hành cắn một miếng cam, vừa nhai vừa ngẩng đầu nhìn sao, "Chiều nay họp, tôi có ý định tăng cường độ dạy học. Kiến thức căn bản của bọn trẻ quá yếu, nên tôi muốn áp dụng phương pháp ôn thi đại học cho học sinh khối nghệ thuật để dẫn dắt năm lớp 9 này."

"Không được." Phương Thức Du không hề uyển chuyển như Tác Lãng Thố Mỗ, "Các em học sinh không thể theo kịp đâu."

"Nhưng mà không học thì làm sao bây giờ, bác sĩ Phương." Hứa Nam Hành quay đầu lại, nhìn thẳng vào mắt hắn, "Phải làm sao đây, không học, không thi đỗ, thì mấy chục năm sau này, chẳng lẽ cứ, cứ sống ở đây mãi sao? Hay là ra ngoài làm công. Chỉ mới tốt nghiệp trung học cơ sở, không có bằng cấp, thì có thể làm công việc gì?"

Phương Thức Du cúi đầu, hắn hiểu Hứa Nam Hành là một nhà giáo, hắn có thể thông cảm với anh. Thậm chí Phương Thức Du có thể đoán được, những lời này anh cũng chỉ nói với hắn, lúc họp chắc chắn không nói như vậy.

"Thầy Hứa." Phương Thức Du hơi nghiêng người, hắn nói, "Tôi kể cậu nghe chuyện đi khám bệnh từ thiện của chúng tôi nhé."

Phương Thức Du: "Trước đây có lần, chúng tôi đến một ngôi làng khá hẻo lánh để khám bệnh miễn phí. Con đường vào làng còn không đủ rộng cho xe, phải dùng xe bò kéo thuốc men vào. Trong làng có một thầy thuốc Tây Tạng, chính là kiểu thầy lang không có giấy phép hành nghề mà cậu nói đấy. Họ lạc hậu đến mức nào nhỉ, họ vẫn còn dùng "thạch biếm". Đó là gì, ví dụ như chỗ này của cậu bị đau, tôi sẽ hơ nóng một viên đá nhẵn rồi chườm vào chỗ đau đó."

Hứa Nam Hành vô thức cau mày, có hơi không tin nổi.

Quả thực là khó tin, cho dù không có nhiều kiến thức về y học cũng biết phương pháp này cổ hủ đến mức quá đáng.

"Nhưng "thạch biếm" là cách tốt nhất mà họ có thể làm được rồi. Vài năm trước, cách chữa bệnh của họ là xua đuổi tà ma." Phương Thức Du nói, "Người dân trong làng đó thường mắc các bệnh về khớp, bệnh ngoài da và các bệnh phụ khoa nghiêm trọng. Cậu còn nhớ chuyện của Trác Ca mà chúng ta từng nói không? Bảo hiểm y tế ở đây rất cao, nhưng người dân vẫn không muốn đến bệnh viện khám, vì họ là lao động chính. Nếu họ đi khám bệnh, thì con cái, ruộng nương, trâu bò biết làm sao? Rất nhiều người trong số họ thậm chí không có thời gian nấu một bữa ăn nóng hổi mà chỉ ăn tsampa*, sữa chua hoặc thịt bò khô để sống."

(*) Tsampa: Là tên gọi của bột đại mạch, đồng thời cũng là một dòng bánh làm từ loại bột này. Bánh tsampa thường được dùng kết hợp với trà ngọt hoặc trà bơ.

Hứa Nam Hành đại khái đã hiểu.

Chung quy lại, đây chính là tình cảnh khó khăn.

Hứa Nam Hành muốn bọn trẻ chỉ tập trung vào việc học, Phương Thức Du hy vọng bệnh nhân đến bệnh viện chữa trị. Họ đều mong muốn những người mà họ chịu trách nhiệm có thể rời khỏi ngôi làng.

Nhưng sự việc thường không đơn giản như vậy, trên thế giới này hiếm có việc gì đơn giản.

"Sự thấu hiểu" của hiệu trưởng Tác Lãng Thố Mỗ là có thể hiểu được động cơ của Hứa Nam Hành. Còn "sự thấu hiểu" của Phương Thức Du lại là sự đồng cảm chân thực, bọn họ cùng chung một suy nghĩ.

"Tôi quá lý tưởng hóa rồi." Hứa Nam Hành thở dài, thở xong lại ăn một miếng cam, "Ngọt thật."

Phương Thức Du thấy tâm trạng anh vẫn còn tốt nên cũng thả lỏng hơn một chút, nói: "Tóm lại, những việc này không phải là chuyện một sớm một chiều, cũng không phải là chuyện mà một hai người có thể thay đổi được. Người dân ở đây cần phải "sống", sau đó mới là "sống tốt". Tôi không thể khuyên cậu điều gì, chúng ta chỉ có thể cố gắng hết sức, thầy Hứa ạ."

"Ừ." Hứa Nam Hành gật đầu.

Hai người chia nhau quả cam, sau đó im lặng ngồi nơi hành lang dưới bầu trời đầy sao một lúc, rồi đem ghế về lại phòng học, chúc nhau ngủ ngon và tạm biệt.

Phương Thức Du nghĩ rằng sau cuộc trò chuyện này, Hứa Nam Hành sẽ có thể thông suốt mọi chuyện.

Kết quả là, đúng 9 giờ sáng thứ Bảy, Hứa Nam Hành lại đến bệnh viện tìm hắn.

Hắn giật nảy mình, tưởng rằng Hứa Nam Hành xảy ra chuyện gì, bởi dù sao đây cũng là người hay ngủ nướng đến tận chiều vào ngày nghỉ. "Có chuyện gì vậy?" Phương Thức Du gặp anh ở hành lang bệnh viện.

"Cho tôi mượn máy in với, tôi muốn in đề thi." Hứa Nam Hành nói, "Hiệu trưởng nói nếu muốn in đề thi thì phải đến bệnh viện để in."

"À." Phương Thức Du nói, "Cậu đến quầy y tá, ở đó có máy in."

"Ok."

Phương Thức Du lại hỏi, "Sao sớm như này mà đã đến in đề rồi?"

Hứa Nam Hành cũng chẳng giấu diếm, đi theo Phương Thức Du vào phòng khám. Anh tiện tay đóng cửa lại, rồi ngồi xuống ghế cạnh bàn làm việc, lấy điện thoại ra cho hắn xem. Trên màn hình điện thoại là cuộc trò chuyện của anh với thầy Đàm Hề, Phương Thức Du liếc qua một cái.

Hứa Nam Hành đấm tay: "Ở núi Đại Lương Sơn đã bắt đầu dạy học thêm rồi, làm sao ở núi Himalaya lại có thể ngủ yên được! Tôi phải cạnh tranh với thầy Đàm chứ."

"Dạy học thêm?" Phương Thức Du hỏi, "Không phải Bộ Giáo dục cấm dạy học thêm à?"

... Với cả, sao mấy thầy cô đi dạy vùng cao các cậu cứ phải hơn thua với nhau thế, đây là đặc sản của thành phố lớn à?

Hứa Nam Hành nheo mắt, ghé sát lại gần, cười ranh mãnh: "Tôi hỏi thầy Đàm rồi, thầy ấy cũng đã tìm hiểu, cấm dạy thêm là cấm dạy thêm có thu phí. Trong văn bản của Bộ Giáo dục ghi là "Quy định nghiêm cấm các trường tiểu học và trung học cơ sở, giáo viên tiểu học và trung học cơ sở đang công tác dạy thêm có thu phí", chúng tôi dạy miễn phí, không vấn đề gì."

"Còn về công việc gia đình của học sinh, tôi sẽ nghĩ cách."

Hứa Nam Hành ghé sát lại gần hơn, rồi nói: "Hơn nữa, nơi này xa xôi hẻo lánh, ai dám tố cáo tôi? Tôi sẽ quay về dán biển "Phòng Giáo dục" lên tấm ván cửa phòng ký túc xá giáo viên ở tầng hai, tôi muốn xem xem kẻ nào dưới kia dám đứng ra kiện cáo bản quan."

Phương Thức Du: "..."

Giáo viên tình nguyện thời nay đã ngông cuồng đến mức này rồi hả.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro