Chương 41

Trong vòng 1 tuần làm tình nguyện, Dung Thanh không cần phải đến trường. Hằng ngày, cậu sẽ tới viện dưỡng lão từ 7 giờ sáng rồi bắt đầu ca làm của mình tới 5 giờ chiều, có thể ở lại qua đêm nếu muốn. Mối quan hệ giữa cậu với ông lão cũng dần tốt lên.

Ông ấy thích sự yên tĩnh, thích đọc sách, nghe nhạc, tưới mấy chậu cây bên cửa sổ, thỉnh thoảng thì đọc báo.

Ông ấy có vợ nhưng bà đã mất từ 5 năm trước, con cái để ông vào viện dưỡng lão khi bọn họ ra nước ngoài làm ăn, có người đã nhập cư bên đó. Ông đã sớm quen với sự cô đơn, và đôi khi ông cũng thích sự cô đơn ấy.

Người già không khó chiều như cậu tưởng tượng, hay ít ra là ông lão cậu chăm sóc không hề khó chiều. Sở thích của ông lão rất đơn giản, ông ăn thanh đạm, sinh hoạt đúng giờ, không kêu ca lần nào. Chỉ là trông ông thật buồn bã nên không mấy ai mới gặp mà đã có thiện cảm, lại không thích nói chuyện nên đôi khi cậu thấy hơi lúng túng, qua vài ngày thì đã quen rồi.

Ngày thứ 5, cuối cùng Dung Thanh cũng thuyết phục được ông xuống thư viện.

Một căn phòng rộng thênh thang nằm gần sảnh tầng 1, tủ sách cao, xếp thành từng hàng dọc, chia nhỏ căn phòng. Bên trong không có mấy người, chủ yếu là điều dưỡng, các ông bà hoặc đang sinh hoạt trong khu vườn phía sau viện hoặc đang nghỉ ngơi tại phòng mình. Cửa sổ cao chót vót, chạy theo bức tường màu kem bên tay phải, trên trần lắp tới 10 cái quạt trần xanh ngọc.

Dung Thanh biết ông ấy thích đọc sách văn học nên đỡ ông tới khu văn học để ông tự chọn.

"Quyển này tái bản rồi cơ à?" Ông lão rất ngạc nhiên khi thấy một quyển sách màu đỏ trên kệ: "Hồi ông đọc lần đầu tiên, nó chỉ là những tờ giấy ố vàng mục nát, mỏng dính."

"Ông muốn đọc lại không ạ? Để cháu lấy xuống cho ông nhé."

Người đàn ông gật đầu, Dung Thanh bèn với quyển sách trên kệ. Ông ấy còn chọn được thêm. 4-5 cuốn nữa, tuy không thể hiện ra mặt nhưng Dung Thanh biết ông ấy đang hào hứng lắm. Cậu nhờ ông ấy chọn sách hộ mình, ông ấy bèn chỉ một quyển nằm ở giá cao nhất, dày cộp. Dung Thanh suýt xoa, nhón chân, tay với mãi lên kệ cao mà không thành thì một bàn tay bỗng vươn ra từ sau lưng cậu. Người đó cẩn thận lấy quyển sách dày xuống đưa cho Dung Thanh, ngẩng đầu lên cậu mới biết là Phạm Quý.

Thường ngày, ngoài giờ ăn trưa ra thì hai người họ không mấy khi gặp nhau. Thường cậu sẽ ở trong phòng đọc sách cùng ông lão còn Phạm Quý xuống khu vườn phía sau.

"Anh."

Dung Thanh mừng rỡ.

Ông lão bảo cậu ông ấy sẽ ra bàn ngồi đọc sách trước, để cậu với Phạm Quý có không gian riêng.

"Em ở đây làm gì thế?"

"Em xuống thư viện với ông, còn anh thì sao?"

"Chị điều dưỡng nhờ anh xuống lấy tài liệu cho chị ấy. Ông anh ngủ rồi."

Trông Phạm Quý khá chật vật, anh ta chưa từng nghĩ đến chuyện một ngày nào đó sẽ làm công ích trong viện dưỡng lão. Thêm nữa, người mà anh được nhận là một ông lão tuỳ hứng, thích đi chơi và nói rất nhiều. Phạm Quý lại khá kiệm lời, mất một thời gian để anh tập quen với ông ta. Ngày đầu tiên chăm sóc, ông ta đã hỏi đến tận đời tổ tiên nhà Phạm Quý.

Thấy tóc anh tối tung, Dung Thanh đưa tay, đè lọn tóc vểnh kia xuống. Cậu thấy anh ta giật thót một cái, thì lúng túng:

"Tóc anh bị rối kìa."

"Ừm. Dạo này anh bận quá."

Phạm Quý ngoảnh mặt đi. Không hiểu sao, cậu cảm giác dạo gần đây, bầu không khí giữa hai người họ rất quái lạ.

Buổi chiều, Dung Thanh trở về phòng của ông lão. Khoảng thời gian này là khi điều dưỡng phải dọn phòng trong lúc các ông bà đi tắm rửa, trước khi bữa tối đến.

Cậu giặt khăn, cẩn thận lau chiếc bàn nhỏ bên tay phải, tiếp đến là thành giường. Xong xuôi, Dung Thanh xốc ga giường, gấp gọn nó sang một bên. Cậu vừa nhấc gối, có thứ gì đó bỗng rơi ra, lăn dài trên mặt đất.

Dung Thanh giật mình, cúi xuống nhặt thứ kia lên.

Đó là một cái ống thủy tinh, nhìn kĩ thì là một thỏi son đã vơi hơn nửa, ngày sản xuất mới năm ngoái, chắc hẳn là vừa mua. Trong viện dưỡng lão chẳng có ai dùng thứ này cả, kể cả các chị điều dưỡng, chỉ có tụi sinh viên là ham. Nhưng cậu biết bọn bạn cậu không thích màu son này, màu này đã cổ rồi, hợp với các mẹ các bà hơn.

"Cháu làm gì vậy?"

Ông lão bỗng gọi lớn. Dung Thanh vội cất thỏi son vào trong kệ tủ đầu giường, đáp:

"Cháu đang dọn phòng ạ?"

"Không cần. Đồ của ông để ông tự động, ông không thích người khác đụng vào đồ của mình."

Dung Thanh cảm giác ông lão đang giận, giận vì giật mình nên hoá thành cơn tức. Ông ấy trèo lên giường, người thoang thoảng mùi sữa tắm. Ông ta nhìn cậu, hỏi:

"Nãy dọn giường cháu có thấy cái gì không?"

"Không ạ."

"Thật không.?"

"Thực ra chăn có hơi ẩm một xíu, để mai cháu mang đi giặt, để đến mùa nồm thì khổ lắm."

"Vậy à."

Ông lão thở phào nhẹ nhõm. Ông nghĩ ông cũng già rồi, chắc hẳn ông đã cất thứ ấy đi.

Trên đường về nhà, Dung Thanh cứ suy nghĩ mãi.

Thỏi son đó chắc chắn không phải của vợ ông, vợ ông đã mất được 5 năm rồi còn nó mới được sản xuất năm ngoái. Đó cũng không thể là của con ông, bọn họ đều đang ở nước ngoài, không phải của các chị điều dưỡng, không phải của sinh viên. Vậy thì nó là của ông lão.

Nghĩ đến những chuyện trước kia, thỉnh thoảng ông lão dành tới nửa tiếng trong nhà vệ sinh. Và có lần, cậu thấy môi ông lão đỏ hơn bình thường, khoé môi ánh hồng do vẫn còn lớp màu nhàn nhạt dính trên mặt khi lau. Thỏi son được giấu dưới gối.

Ông lão thật sự coi nó như bảo bối. Đó là bí mật mà ông muốn chôn sâu xuống đáy biển. Cậu cũng hiểu lí do vì sao. Dung Thanh biết ông lão rất để ý cách người ngoài nhìn mình, ông ấy sợ bị tách khỏi cộng đồng. Bày đàn là bản năng của con người. Ở cái thời mà qua nhiệm về tính nam vẫn còn khắc nghiệt, thậm chí hiện tại còn dai dẳng, người ta cảm thấy mình chỉ là một sản phẩm hỏng hóc và lệch lạc. Chẳng có cách nào để chia sẻ với người thân bởi họ biết, tất cả những gì họ nhận lại là ánh mắt lo sợ họ mắc một căn bệnh xấu xí nào đó, khiến đàn ông chẳng ra "đàn ông".

Nghĩ đến chuyện ông phải tự gặm nhấm nỗi tủi hổ của mình gần 1 thập kỉ, cậu cảm thấy cuộc đời ấy thật đáng buồn. Chẳng ai xứng đáng phải sống một cuộc đời u sầu đến thế.

Sáng hôm sau, Dung Thanh lại tới viện dưỡng lão như thường ngày. Chỉ còn 1 ngày nữa là đợt tình nguyện sẽ kết thúc, trước khi ngày đó tới, Dung Thanh muốn làm gì đó để thay đổi cuộc sống ông.

Bên ngoài đang mưa, vậy nên cũng chẳng có ai xuống khu vườn phía sau. Cả không khí chìm trong mùi ẩm ướt đặc trưng của mùa hạ.

Ông lão ngồi đọc sách trên giường. Vẫn như mọi ngày, Dung Thanh kê một cái ghế ngồi bên giường ông, cũng đọc sách. Nhưng trông cậu lại chẳng tập trung mấy, cứ thẩn thơ như người mất hồn.

"Có chuyện gì vậy cháu?"

Ông lão đã để ý, hỏi nhỏ. Cứ thấy khuôn mặt khắc khổ của ông, cậu lại đau lòng. Dung Thanh do dự một lúc, nói dối:

"Cháu có một người bạn, là nam. Có một lần bọn cháu học giáo dục thể chất xong mới vào nhà vệ sinh thay quần áo, cậu ấy không học. Lúc đó, cháu thấy cậu ấy đang tô son trong nhà vệ sinh."

Người đàn ông bỗng cứng người.

"Cậu ấy cũng thấy cháu, trông cậu ấy rất lúng túng, vội vàng lau son đi. Sau đó cậu ấy bỏ chạy. Điều đó làm cháu thấy có lỗi, nhưng mà bọn cháu không thân nhau, cháu có nhắn tin rồi nhưng mà cậu ấy không đọc, mà bọn cháu cũng không gặp nhau vì 2 đứa làm tình nguyện ở hai nơi khác nhau."

Ông lão im lặng một hồi, hỏi:

"Cháu cảm thấy có lỗi sao?"

"Dạ. Có lẽ cậu ấy không sẵn sàng để cho người khác thấy, nhưng cháu lại lỡ thấy mất rồi."

"Cháu nghĩ sao về cậu ấy? Cháu không thấy con trai mà tô son thì rất kì quái à?"

"Cháu thấy bình thường lắm. Cháu nghĩ ai cũng có quyền được làm đẹp, nếu thứ đó khiến cậu ấy sống thật với chính mình và cậu ấy hạnh phúc thì chẳng có lí do gì để ngăn cản mưu cầu của họ cả. Chà, không phải mọi cô gái đều thích tô son và cũng không phải mọi chàng trai đều ghét việc ấy."

"Nhưng nếu một ngày cháu phát hiện bố, hoặc là ông cháu cũng thích tô son thì sao? Đó chẳng còn là người đàn ông trụ cột gia đình nữa."

Dung Thanh cười:

"Cháu thấy thật tốt vì họ là chính mình."

"Vậy nếu, giả dụ thôi, đó là ông thì sao? Tự dưng ông lại tô son, những bạn bè trong viện dưỡng lão đều thấy, cháu sẽ rất mất mặt đấy."

"Cháu không mất mặt đâu. Nhưng mà..., cháu hiểu nếu đó là ông, ông không muốn người khác đánh giá về mình. Đôi khi tô son lại không khiến ông muốn sống thật hơn mà lại khiến ông tự ti hơn. Ở trong trường bọn cháu, điều đó rất bình thường nhưng cháu cũng biết là, các ông bà trong viện có lẽ sẽ không cởi mở đến thế."

Ông lão cụp mắt, đáp với vẻ buồn bã:

"Ông đã nói rồi."

"Nhưng mà họ có thể cho cháu thấy nè!" Dung Thanh toét miệng cười: "Nếu họ không thể chia sẻ với cộng đồng, họ có thể chia sẻ với cháu. Nếu cháu cứ phải sống giấu giếm như thế mãi, cháu sẽ tuyệt vọng lắm. Ít nhất, cháu có thể san sẻ với họ, họ biết họ đã sống thật với bản thân ít nhất một lần trong đời."

"Cháu không kì thị à?"

"Thỉnh thoảng cháu cũng hay lén tô son của mẹ đó."

Dung Thanh ngượng ngùng xoa gáy.

Chưa một ai từng nói với ông lão những điều đó. Niềm yêu thích một cái gì đó không có giới tính và không nên bị giới hạn bởi "quy chuẩn đạo đức" do một bộ phận đông đảo hơn đặt ra.

Ông lão chẳng nói gì với cậu suốt ngày hôm đó và cậu cũng chẳng hỏi gì thêm. Dung Thanh biết ông ấy muốn ở một mình.

Ngày cuối cùng cậu tình nguyện tại viện dưỡng lão là một buổi sáng lành lạnh. Như thường lệ, cậu đến từ sáng sớm để đỡ ông cụ xuống lầu ăn sáng.

Ăn xong, ông cụ vào nhà vệ sinh rửa mặt. Và khi ông ấy đi ra, Dung Thanh thấy ông đang nắm chặt thỏi son trên tay, ông lão cũng đã tô son, một màu đỏ như máu.

Dung Thanh bỗng trở nên nghiêm trọng, hỏi ông:

"Màu này đẹp lắm ông ơi. Nhưng mà ông biết cháu còn có thứ gì đẹp hơn không ông?"

"Cái gì?"

"Ta da!" Dung Thanh cười rạng rỡ, lôi ra một bộ son: "Cháu mượn của mấy đứa bạn đó. Màu này các bạn thường đánh khi đi học nè ông, màu này để đi chơi với người yêu, màu này để đi tiệc, màu này chụp ảnh hay kỉ yếu thì không thể chê được. Màu thẫm này, mấy đứa bạn cháu theo không cách gothic hay dùng lắm."

Ông lão nhăn mặt:

"Ông già rồi, không để ý mấy chuyện đấy đâu."

"Ông cứ thử đi ông."

Dung Thanh hào hứng, và rõ ràng ông ấy cũng hào hứng tương tự. Nếu nói "không để ý" thì đó chỉ là một lời nói dối.

Khi Dung Thanh bảo, giúp đỡ người khác chính là một món quà cho họ lẫn bản thân, điều đó thật sự đã đến với cậu rồi.

Cả buổi chiều hôm đó, hai ông cháu chỉ ở trong phòng.

"Cắt!"

Trần Khánh Dư hô lớn, đứng dậy một cách cực kì vui mừng, vươn vai:

"Tuyệt lắm! Chỉ trong một ngày đã xong toàn bộ cảnh trong viện dưỡng lão. Anh không nghĩ là cậu sẽ diễn tốt như thế đâu!"

Chu Viễn Đông cúi đầu, cảm ơn anh ấy. Đỗ Thái Sơn có ít cảnh quay hơn cậu nhưng vẫn đứng đợt Chu Viễn Đông dù trời đã nhá nhem. Thấy cậu quay ra, Đỗ Thái Sơn cười một cái khiến mặt cậu bỗng nóng bừng. Chu Viễn Đông xin đi vệ sinh trong lúc mọi người đang thu dọn đồ đạc để trở về công ty. Nghệ sĩ đóng vai ông lão ban nãy phải về trước để nghỉ ngơi.

Cậu men dọc theo hành lang. Nhà vệ sinh ở cuối dãy, ngay cạnh thang bộ thoát hiểm mà chẳng mấy ai dùng. Chu Viễn Đông đang đi, cậu bỗng nghe thấy tiếng khóc gần nhà vệ sinh.

Trên cầu thang, Tân Huyền Kiêu đã ngồi đó từ bao giờ, vùi đầu lên hai đầu gối, cổ họng phát sửa những tiếng nức nở khen khẽ, còn cả người thì run rẩy.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro