Giữa Muôn Hồng Rộn Rã, Một Bóng Trắng Nhàn Du

Khắp phủ nhà họ Han người chạy tới chạy lui, kẻ gói lụa, người xếp ngọc, ba tầng trong ngoài chẳng ai ngẩng nổi đầu. Nhà bếp thì luộc hạt sen nấu chè cưới, phòng ngoài lại đo khung kiệu, sửa váy cưới, soạn hòm châu báu. Một nha hoàn mới vào hốt hoảng nói lạc cả giọng:

“Bà quản gia, khăn hồng để quên trong xe hàng rồi ạ!”

“Trời đất! Mau cử người ra ngoài lấy lại! Còn thiếu một chiếc là sai màu sai vía cả đoàn!”

Tiếng hô tiếng hét, tiếng chân chạy rầm rập, tiếng xe lăn bánh, tiếng vải lụa lướt qua gỗ mới — tất cả dệt thành một bức tranh náo động sắp cưới, hoành tráng không kém gì đại hôn hoàng thất.

Ấy vậy mà…

Giữa trung tâm bức tranh ồn ã ấy, thiếu gia Han Wangho lại ngồi một cách an nhàn đến vô lý.

Trong hậu viện lợp ngói xanh, dưới giàn hoa đậu tía đang rủ mình xuống mặt nước ao cá, Wangho khoác áo dài trắng thêu mây tía, tóc cài trâm ngọc, tay cầm chén trà thượng hạng.

Trước mặt cậu là bàn trà khảm ngọc, đặt bánh đậu xanh, bánh hoa mai cùng hạt sen ngào mật. Một nha hoàn đang nhẹ tay rót nước, hai nha hoàn khác quạt nhè nhẹ. Bóng ba người đổ dài trong nắng, yên ả như cảnh vẽ.

Wangho không để ý gì đến những ồn ào ngoài kia.

Cậu cắn một miếng bánh, khẽ chau mày:
“Bếp hôm nay tay ai làm? Hạt sen hơi già.”

“Dạ… là Tỷ Tỷ mới từ phủ bên ngoại tới giúp ạ,” một nha hoàn rụt rè đáp.

“Ừ. Về bảo với nàng, bánh cưới thì nên dùng sen non đầu mùa, ngâm qua rượu gạo rồi mới hấp. Mùi hương sẽ dịu hơn.”

Giọng nói mềm mại, nhẹ như tơ. Nha hoàn nghe xong không dám thở mạnh, chỉ dạ một tiếng rồi lui xuống.

Wangho ngửa người tựa ghế, mắt nhìn về dòng người đang tất bật chạy qua hành lang bên kia. Ánh mắt không hề giễu cợt, cũng chẳng buồn vui — chỉ như một kẻ đứng ngoài nhìn thế gian chạy loạn vì một cuộc cưới, còn mình thì thong dong lặng lẽ bước qua như thơ vịnh nước mùa thu.


“Ba trăm lụa gấm, ngàn chuỗi hồng,
Một người xuất giá, chấn ba cung.
Người lo muôn việc mong thành lễ,
Ta ngồi uống trà nghĩ chuyện không.”

Cậu vừa ngâm thơ vừa cười khẽ. Cái cười đó nhẹ như sương, phảng phất một sự buông tay không ai hay biết.

Dẫu cha mẹ đã cho người gọi mấy lần, dẫu quản gia nội viện đã cố mời tới xem đồ cưới lần cuối, Wangho vẫn nhẹ nhàng xua tay:

“Ta tin vào mắt mẫu thân và phụ thân. Đừng gọi ta ra nữa. Ta không muốn dẫm lên vạt lụa mà các người đang đo đạc.”

Một nha hoàn không nhịn được liếc nhìn cậu, thầm nghĩ: “Thiếu gia hôm nay… thật giống người trong tranh. Không phải kẻ ngày trước từng chửi bới, đập phá, dọa uống thuốc độc để hoãn hôn sự sao?”

Nhưng nàng không dám nói ra. Vì cậu lúc này chẳng còn là thiếu gia quậy phá của những ngày trước.

Wangho bây giờ – là một người thong thả giữa giông gió, là gió nhẹ thổi qua lưỡi dao, là cơn mưa xuân tưới vào bãi lửa.

Một người biết rõ mình đang đi đâu, về đâu. Và đang chờ đợi điều gì trong hôn sự tưởng như định đoạt kia.
-----------
Trăng đêm ấy sáng tỏ, như bạc trải khắp mái ngói phủ Han.
Gió nhẹ khẽ đưa, lá liễu lay như thì thầm điều chi rất khẽ. Trong thư phòng, chỉ còn một ngọn đèn dầu leo lét.

Wangho ngồi một mình trước án thư, tay áo buông dài, mực đã mài sẵn, giấy đã căng ngay ngắn. Cậu không lập tức viết. Trước khi ngòi bút chạm giấy, chỉ có tiếng thở rất khẽ — như đang nuốt một điều gì đó xuống tận đáy lòng.

Tích tắc. Một giọt mực rơi.

Cậu rốt cuộc hạ bút.

Nét chữ nghiêng nghiêng như gió đầu xuân thổi qua mép suối, mềm mại mà rắn rỏi:


"Một đời thơ vẽ lối,
Chẳng hay vẽ tới đâu.
Mượn thân trao sắc mộng,
Gả một kiếp bể dâu."

Wangho đọc lại. Rồi cười.
Nụ cười rất nhạt, nhạt như rượu pha nước lạnh.

Ngón tay cậu khẽ khàng chạm vào chữ "gả", rồi dừng ở chữ "dâu" cuối cùng. Bàn tay ngập trong bóng đèn dầu, mỏng và lạnh, giống như chính lòng cậu lúc này: yên tĩnh, nhưng không hề an ổn.

Cậu lấy nhang, châm lửa.
Đốt bài thơ.

Tro tàn lả tả rơi vào chiếc lư đồng. Một nha hoàn bên ngoài thấy ánh lửa thấp thoáng vội tới gần, định gõ cửa thì lại bị giọng Wangho ngăn lại:

“Ta chỉ đang đốt một giấc mơ cũ. Không cần làm phiền.”

Giọng cậu mềm, mượt như vạt áo lụa bay qua hành lang. Không chút gợn sóng.

Bên ngoài, trăng vẫn sáng. Nhưng ánh sáng ấy không đủ soi vào lòng người.
Wangho rót chén trà nguội, ngửa đầu uống một ngụm, nhắm mắt lại, khẽ ngâm:


“Gió biết ta không ngủ,
Trăng hay lòng chẳng yên.
Mực pha theo lệ cũ,
Viết một chuyện không tên.”
---
Gió đêm lành lạnh, thổi qua mái ngói ngà, khẽ cuốn theo mùi nhang chưa tắt. Ở bên ngoài thư phòng, hai bóng người đang đứng lặng, nấp sau rặng trúc sát hành lang dài uốn khúc.

Không ai khác, chính là Han lão gia và phu nhân Kim thị — song thân của Wangho.

Ban nãy, cả hai có ý muốn tới hỏi thăm chuyện sính lễ chuẩn bị thế nào, không ngờ đi ngang thư phòng lại bắt gặp ánh sáng chập chờn hắt ra từ song cửa khép hờ. Tò mò, cả hai rón rén tiến lại gần, vừa kịp nghe thấy tiếng Wangho ngâm văng vẳng:


“Gió biết ta không ngủ,
Trăng hay lòng chẳng yên.
Mực pha theo lệ cũ,
Viết một chuyện không tên.”

Lão gia tay khựng lại giữa không trung. Kim thị bịn rịn nắm tay áo chồng, siết thật chặt, thì thào:

“Ông... có nghe không... nó... nó vừa ngâm thơ đó...”

“Ta không điếc...”
Lão gia trợn mắt, nhỏ giọng như sấm nén trong lòng.
“Ta chỉ... không dám tin!”

Lặng thêm một lúc nữa, lại nghe giọng thiếu niên trong phòng vang ra, khe khẽ, như rơi từ rất xa nhưng lại rõ đến từng âm tiết:


“Một đời thơ vẽ lối,
Chẳng hay vẽ tới đâu.
Mượn thân trao sắc mộng,
Gả một kiếp bể dâu.”

Hai vợ chồng nhà họ Han mặt mày cứng đờ, đứng chết trân trong bóng trăng.

Wangho của họ... đứa con trai duy nhất... kẻ mà mấy ngày trước còn cởi trần đuổi chó, uống rượu say rồi rượt cả nha hoàn xuống hồ sen... hôm nay lại đang đốt thơ, ngâm vần, nói chuyện sinh kiếp bể dâu?

“Ông...”
Kim thị khẽ run tay, “Hay là bị ai nhập...”

“Không phải... ma nào biết gieo vần.”
Han lão gia vẫn còn chưa hết chấn động, nhưng giọng đã dần khẳng định.

“Nhưng mà thơ đâu phải dễ... trước giờ nó có phân biệt được ‘phong hoa tuyết nguyệt’ là cái gì đâu chứ? Tôi nhớ nó còn tưởng ‘hoa nguyệt’ là tên tiệm kỹ lâu...”
Kim thị nói trong nghẹn thở.

“Chẳng lẽ bị... đả thông kỳ kinh bát mạch? Hay rơi xuống giếng xong ngộ ra lý lẽ cuộc đời?”
Lão gia lầm bầm, vẻ mặt hoài nghi cuộc sống.

“Hay... bị ai hù cho tỉnh?”
Kim thị nhìn chồng, rồi liếc lại cửa thư phòng, bắt đầu run lẩy bẩy:
“Hay thật sự... bị hoán hồn rồi?”

Hai người cứ thế đứng yên một hồi rất lâu. Gió đêm qua rặng trúc không dứt, thổi tung một cánh cổng nhỏ đang khép hờ. Trong phòng, ánh đèn dầu mờ đi, chỉ còn nghe tiếng mài mực.

Han lão gia thở dài, đưa tay kéo Kim thị lùi lại, khẽ nói:

“Không phải bị nhập... là nó tỉnh rồi.”

Kim thị mắt ầng ậng nước:

“Vậy... là tốt rồi?”

“Tốt hay không, chưa biết... nhưng đứa trẻ này... từ nay sợ là không còn đơn thuần nữa.”

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro