Sounds of the moon
Kim Doyeon bực dọc nhìn xung quanh, lại giở đồng hồ quả quýt ra xem giờ. Cô đứng giữa cảng, trông mấy người phụ nữ vận sườn xám, thướt tha qua lại, nói cười rôm rả bằng tiếng Quảng, lại trông thấy một ít băng rôn đỏ rực thêu chữ vàng treo lơ lửng giữa mấy cây cột cao nhồng, mới biết mình vừa đi lạc sang tận Thượng Hải.
Đang còn hoảng hốt chưa biết phải làm sao, cô tinh ý nhận ra ngay cái vóc dáng quen thuộc, vội chạy ào đến, gọi với theo người kia.
Giữa bến cảng đầy ắp sườn xám, chỉ duy có Trình Tiêu và Kim Doyeon mặc Âu phục. Gương mặt xinh xắn của cô bạn học không thể lẫn vào đâu được.
- Sao cậu ở đây? Đi Thượng Hải chơi hả?
Trình Tiêu loay hoay kéo hành lí, phủi phủi nếp áo bị nhăn nhúm vì ngồi quá lâu trên tàu, ngạc nhiên hỏi cô bạn học người Hàn lẽ ra bây giờ nên ở đâu đó phía Nam bán đảo Triều Tiên.
Kim Doyeon và Trình Tiêu học cùng một trường ở Anh, vì cả lớp chỉ có hai người đến từ châu Á nên nhanh chóng thân thiết. Trình Tiêu dạy Kim Doyeon tiếng Quảng, còn Kim Doyeon cũng dạy lại cô bạn người Trung Quốc một ít tiếng Hàn. Họ vừa cùng nhau tốt nghiệp và trở về quê nhà với gia đình. Nhưng Kim Doyeon mắt nhắm mắt mở thế nào, lúc đi mua vé tàu đã mua nhầm chuyến sang Thượng Hải, cùng một chuyến với Trình Tiêu.
Nhận thấy trời đã vào chiều, Trình Tiêu mời cô bạn học về nhà nghỉ lại một đêm rồi sáng mai bắt tàu đi Wonju.
Kim Doyeon chưa từng đến bất kì quốc gia nào khác ở khu vực Đông Bắc Á, chỉ hay mường tượng những cảnh tương tự với Hàn Quốc. Nhưng hóa ra mỗi vùng đất lại có một sự khác biệt rất lớn.
Thượng Hải sầm uất vô cùng, người ra vào ăn vận rất đẹp. Phụ nữ xúng xính sườn xám đủ màu, lấp lánh các đường chỉ thêu hoa thêu phượng. Đàn ông hoặc mặc Âu phục chỉnh tề, đội fedora, đi giày da bóng loáng hoặc mặc áo dài màu sắc cũng đa dạng không kém sườn xám nữ. Người qua lại giữa phố rất náo nhiệt, xe đạp, xe kéo, cả xe ô tô cũng băng băng khắp đường. Các nhà hàng, các quán bar đèn đóm lung linh, tấp nập người ra kẻ vào.
Nhà Trình Tiêu thuộc dạng danh gia vọng tộc, nhiều đời kinh doanh một ngân hiệu, tức chỗ cho vay và cho gửi tiền, hoạt động như một ngân hàng. Ông Trình tuổi gần năm mươi, vóc người tương đối cao to, râu tóc vẫn chưa bạc nhưng nếp nhăn và nếp chân chim đã giăng đầy khuôn mặt nghiêm nghị. Bà Trình lớn mất đã lâu do bệnh tật. Sở dĩ gọi bà Trình lớn, là vì ông Trình cũng như nhiều người đàn ông giàu có khác ở Đại Lục, có tục đa thê. Trình Tiêu nói, trong nhà có tất cả bốn bà Trình, chưa tính bà Trình lớn.
Bà hai năm nay đã bốn mươi, sắc vóc cũng không còn mấy mặn mà. Bà ba và bà tư chưa qua tuổi tứ tuần, vẫn giữ được chút sắc vóc, nhưng nghe ngữ điệu, có lẽ không phải người Chiết Giang hoặc không sống ở Chiết Giang từ bé.
Kim Doyeon còn chưa kịp hỏi bà năm nhà họ Trình đâu, đã thấy trên chiếc bàn đá bên bờ hồ cá lớn giữa vườn hoa, có bóng một cô gái trẻ, chỉ ngoài hai mươi, người mặc sườn xám màu đỏ, mái tóc đen ôm lấy góc mặt nghiêng nghiêng với các đường nét tựa như tranh vẽ. Hai tay nàng ôm chiếc đàn tì bà, những ngón tay nhỏ xinh lướt nhẹ qua dây đàn. Dưới ánh trăng bàng bạc hiu hắt cái lạnh buốt tháng Hai, tiếng đàn của nàng mới chua chát làm sao.
- Đấy là dì năm của tôi.
Trình Tiêu nói, giọng có trầm đi.
Lòng Kim Doyeon đột nhiên chùng xuống, có thứ gì như vừa vụt qua khỏi các kẽ tay.
Nhà họ Trình đối đãi với khách rất rộng rãi, bữa tối bày đủ các món xa hoa. Ông chủ Trình ngồi ở chỗ uy quyền nhất trên bàn, cũng là người đàn ông duy nhất trên bàn, ngay bên phải là Trình Tiêu, bên cạnh Trình Tiêu là Kim Doyeon, từ bên tay trái lần lượt ngồi thành vòng quanh chiếc bàn tròn là các bà Trình theo thứ tự lớn đến bé. Bà năm không biết đi đâu mất, không đến ăn cùng, thành ra bên cạnh Kim Doyeon còn một chỗ trống.
Phòng của Kim Doyeon cũng được dọn dẹp, trang trí rất sạch sẽ, đẹp mắt, trông cứ như phòng khách sạn hạng sang. Tuy thế, bữa tối Kim Doyeon ăn cũng không ngon miệng lắm, bởi cái không khí ngột ngạt mang phần xa lạ của danh gia vọng tộc khiến cô thấy nhớ những lúc ngồi cạnh bố mẹ ăn những bữa cơm ấm áp, giản dị.
Chắc bởi lạ chỗ, Kim Doyeon không ngủ được, đi loanh quanh trong vườn hoa. Vườn hoa nhà họ Trình rộng bằng một căn nhà lớn, trồng đủ các loại hoa mà ông chủ Trình sai người mua về từ bắc chí nam, có cả những giống hoa ngoại. Kim Doyeon tiến đến bên một chậu hoa hồng, lá hoa tuy còn xanh mướt nhưng chẳng có lấy bông hoa nào nở tươi, màu đỏ của những cánh hoa rũ rượi, héo úa.
Khúc nhạc ban chiều văng vẳng bên tai cô, tiếng đàn tì bả ão não ngân nga, hòa trong giọng hát dịu dàng của ai đó. Kim Doyeon tiến lên vài bước, thấy người con gái mặc quần áo lụa Trung Hoa, ngồi bên chiếc bàn cạnh hồ cá. Chắc nghe thấy tiếng bước chân, nàng dừng khúc đàn, quay đầu nhìn cô gái ngoại quốc có vóc người cao gầy, bối rối nhoẻn miệng cười.
Kim Doyeon cúi chào, lúng túng dùng vốn tiếng Quảng học từ Trình Tiêu, lắp bắp chào hỏi.
- Tôi nghe thấy tiếng đàn, rất hay. Khuya như vậy, sao bà Trình còn chưa ngủ?
Những ngón tay nàng bấu chặt thân cây tì bà, mặt ngoảnh sang hướng khác.
- Tôi họ Chu, không phải họ Trình.
- Cô Chu.
Kim Doyeon có hơi xanh mặt, gió đêm lùa lạnh ngắt hai mang tai.
Khúc tì bà tiếp tục ngân dưới ánh trăng mập mờ, nhưng tiếng hát đã thôi không còn nữa.
Sáng sớm, Kim Doyeon theo Trình Tiêu ra cảng, tìm mua vé tàu, nhưng được biết sắp có bão ngoài khơi, tàu thuyền tạm thời ngừng nhổ neo trong một tuần. Cô đánh điện về nhà, chỉ còn biết mong bức điện chóng đến tay bố mẹ.
Ở nhà họ Trình cũng không có mấy việc để làm, Trình Tiêu lại bắt đầu ra hiệu tiếp quản công việc của gia đình. Trong cả căn nhà rộng lớn, chẳng có ai để nói chuyện cùng, cách giải trí duy nhất của Kim Doyeon chỉ còn là những lúc núp sau chậu hồng nghe cô Chu đánh tì bà.
Khác với ba bà Trình còn lại, Chu Khiết Quỳnh có vẻ không quan tâm đến mọi việc trong nhà, thậm chí còn khiến người ta có cảm giác nàng không phải vợ thứ năm của ông chủ Trình. Xét tuổi tác, nàng chỉ hơn cô và Trình Tiêu có vài tuổi. Trình Tiêu có kể, một năm trước khi còn đang ở Anh học, đột nhiên nhận được thư của bố, bảo về đón dì năm, mãi vẫn không biết lòi đâu ra dì năm này, từ lúc vào đây chẳng nói năng gì, chẳng nhìn mặt ai, cũng chẳng khóc, chẳng cười, cứ trốn trong vườn ngồi đàn tì bà.
Thế tính ra, Kim Doyeon là người đầu tiên ở đây trông thấy nụ cười của nàng.
Đêm thứ tư ở nhà họ Trình, vẫn theo lệ, Kim Doyeon tìm một chỗ sau chậu hoa hồng ngồi nghe đánh đàn. Khúc đàn vừa dạo được một hai nhịp, bỗng nhiên ngừng. Kim Doyeon lén nhìn về phía hồ cá. Chu Khiết Quỳnh hạ đàn, đặt ngang đùi, hai bàn tay còn ôm chặt lấy cây đàn. Nàng ngẩng mặt nhìn ánh trăng non đầu tháng, cất giọng.
- Bố mẹ tôi đều là người Chiết Giang, tôi có một em trai và một em gái. Cả nhà vốn cũng thuộc dạng khá giả. Có một lần bố tôi đi bàn việc làm ăn, không may gặp tai nạn, ra đi bỏ lại mẹ và ba chị em tôi. Nhà tôi phá sản, tôi phải gả vào họ Trình để trả nợ.
- Khúc nhạc cô đàn tên gì?
Kim Doyeon từ phía sau chậu hoa, tiến đến ngồi bên cạnh Chu Khiết Quỳnh.
- Không biết, hồi bé nghe người ta đàn thì đàn theo thôi.
- Đàn rất hay.
Mảnh trăng non treo lơ lửng giữa trời tháng Hai lạnh lẽo, bóng sáng mờ mờ không đủ soi một khuôn mặt, nhưng lạ thay lại vừa đủ soi một dòng nước trên khuôn mặt ấy. Kim Doyeon rút từ trong túi quần Âu một chiếc khăn lụa mềm, khẽ đưa tay lau dòng nước ấy.
Sáng hôm sau, kẻ trên người dưới trong nhà họ Trình trố mắt, đua nhau bàn tán đủ điều, đơm đặt, dựng chuyện cũng không ít. Bà năm nhà họ Trình, sau một năm về làm dâu, nay lại xuất hiện bên bàn điểm tâm sáng cùng cả nhà. Tuy vẫn giữ nét mặt lạnh lùng, không nói, không cười, nhưng lại vô cùng điềm nhiên ăn uống.
Nàng ngồi cạnh Kim Doyeon trên bàn ăn, thong thả nếm từng món, tai vẫn chăm chú nghe Kim Doyeon kể chuyện về Hàn Quốc, một đất nước xa xôi nào đó. Các phu nhân họ Trình trầm trồ, ông chủ Trình cũng tỏ vẻ hứng thú.
Đêm thứ năm, Kim Doyeon ngồi bên hồ cá từ lúc mặt trời vừa mới lặn. Cô học vài người phụ bếp trong nhà, pha một ấm trà Phổ Nhĩ, còn mang theo hai cái tách sứ nhỏ.
Phải đến lúc trăng lên cao Chu Khiết Quỳnh mới ôm đàn đến hồ cá. Trông thấy đã có người chờ sẵn, nàng mỉm cười, chỉnh lại tà sườn xám trước khi ngồi xuống bàn, rồi bắt đầu dạo khúc nhạc chẳng ai biết tên.
Kim Doyeon rót sẵn hai tách trà, vừa khi khúc nhạc dừng, cô đưa một tách về phía Chu Khiết Quỳnh. Nàng nhìn nước trà sóng sánh trong tách, không nâng tách, mà cúi đầu nhìn mặt hồ tĩnh lặng.
- Mẹ và hai em tôi đang ở Nam Kinh, không biết dạo này họ thế nào.
- Chắc vẫn khỏe thôi.
Kim Doyeon nhấp thử một ít trà, tự biết trà mình pha không có vị trà, chỉ thấy xác trà còn lảng vảng dưới đáy tách.
- Khi nào cô đi.
- Hai ngày nữa.
- Sớm nhỉ.
Chu Khiết Quỳnh tiếp tục dạo đàn. Mặt hồ tĩnh lặng, nước đen ngòm, phảng phất ánh trăng mơ màng.
Đêm cuối cùng ở nhà họ Trình, Kim Doyeon lại thử pha một ấm Phổ Nhĩ, chờ sẵn bên hồ cá. Chờ mãi đến khi trăng lên quá đỉnh, cô mở đồng hồ quả quýt ra xem, thấy đã hơn mười hai giờ, vẫn chẳng có ai đến. Vì sáng sớm mai còn phải lên tàu, cô chần chừ ngồi dậy đi về phòng. Đi được một lúc mới nhớ đã quên mang ấm trà và hai cái tách trả về bếp, cô quay lại, thấy bên bờ hồ là một cô gái vận sườn xám đỏ, một bên tay ôm chặt cây tì bà, tay còn lại dịu dàng rót cho đầy trà vào chiếc tách vừa có người uống còn thừa, rồi nâng tách, nhấp cạn.
Nàng nâng tì bà, vẫn theo khúc nhạc cũ mà đàn. Khúc nhạc vừa dứt, Kim Doyeon cũng từ từ tiến đến phía sau, vòng tay ôm lấy hai bên vai nàng.
Mặt trăng chuyển bước vào những ngày giữa tháng, có nét tròn vành, ánh sáng cũng bắt đầu tỏ hơn, vừa đủ để soi hai bàn tay người.
Sớm hôm đó, Kim Doyeon lên tàu về Wonju, trong túi xếp một chiếc khăn tự thêu bằng tay, bên mép có dòng chữ đỏ, thêu một cái tên. Chiếc đồng hồ quả quýt cô mang theo khi từ Anh về, đã để lại ở nhà họ Trình, cùng hương trà Phổ Nhĩ thoang thoảng dưới bóng trăng.
Tháng Một năm sau, Kim Doyeon có việc đi qua Chiết Giang, tình cờ gặp được Trình Tiêu trong một quán rượu. Trình Tiêu nghe nói Kim Doyeon đã thành luật sư chính thức, lập tức ngỏ ý nhờ cô đến giúp mình một vài giấy tờ rồi mới trở về Wonju. Kể cũng từng được nhà họ Trình giúp đỡ trước đây, Kim Doyeon không tiện từ chối, hơn nữa, cô muốn biết đồng hồ quả quýt của hiệu đó, qua một năm rồi còn chạy bền không.
Nhà họ Trình trang hoàng khá long trọng, trông như có dịp lớn gì. Căn nhà to theo lối kiến trúc nửa Tây nửa Á khắp nơi đều đỏ rực, các chậu hoa xếp dọc hai bên lối đi lớn, phòng khách có treo mấy bức danh họa Trung Hoa cổ do ông chủ Trình đích thân chọn mua. Hỏi ra mới biết ông chủ Trình vừa sinh được con trai. Trước giờ trong nhà chỉ có Trình Tiêu là con gái duy nhất, tuy nói rằng cô cả nhà họ Trình tài giỏi lại quản được việc nhà, nhưng ông chủ Trình lại là người rất truyền thống, tất nhiên cũng thích có một đứa con trai hơn.
Kim Doyeon có hơi lo sợ trong lòng, chưa kịp hỏi đứa nhỏ là con của bà Trình thứ mấy, Trình Tiêu đã chạy vào kho, để một mình cô ở lại phòng sổ sách.
Nghe bên ngoài có tiếng trẻ con khóc, Kim Doyeon kéo cửa sổ, ngó ra xem, thấy một cô gái tầm hai mươi mấy tuổi, người mặc sườn xám đỏ, mái tóc đen ôm lấy một bên mặt nghiêng nghiêng, càng tôn thêm nét sống mũi thanh cao tựa tranh vẽ của nàng. Trên tay nàng là một đứa nhỏ bé xíu, nằm lọt thỏm trong chiếc chăn gấm màu đỏ. Nàng ôm đứa nhỏ, vừa cười vừa đùa, dỗ cho đứa nhỏ nín khóc.
Trong khoảnh khắc đó, chẳng hiểu sao Kim Doyeon nghe rõ tiếng tim mình đập từng hồi một rất rõ ràng. Từng tiếng, từng tiếng đều như đang đấm mạnh vào lồng ngực cô. Thứ không khí nào quẩn quanh nơi cổ họng, chen chúc khắp khí quản, khiến cô thấy mình như nghẹt thở, không còn đủ tỉnh táo để suy nghĩ gì khác.
Chu Khiết Quỳnh nghe thấy tiếng động phía phòng sổ sách, quay mặt sang bắt gặp người quen với nét mặt kì lạ. Nàng cúi xuống nhìn đứa nhỏ trong tay, rồi lại ngẩng mặt nhìn người đối diện, nhoẻn miệng cười.
Trình Tiêu từ trong kho đi ra cùng một xấp tài liệu chất cao, bắt đầu bàn luận với Kim Doyeon về những việc cần làm.
Kim Doyeon cũng như một năm trước, sẽ ở lại nhà họ Trình một tuần để làm cho xong việc. Đêm đầu tiên, cô mang một ít tài liệu ra chiếc bàn bên hồ cá ngồi đọc. Chân bàn, mặt bàn hay mấy chiếc ghế làm bằng đá đều có quấn giấy đỏ, trông chướng mắt, nhưng lại chẳng cách nào gỡ ra, đành bực dọc ngồi xuống.
Ánh trăng cuối tháng một, cong mảnh như lưỡi liềm, ánh sáng le lói chẳng đủ soi thứ gì. Kim Doyeon bất chợt ngửi được mùi trà nóng phía sau lưng, quay sang thấy một cô gái một bên tay ôm đàn, một bên cầm theo ấm trà, đoán chắc là Phổ Nhĩ. Cô đứng dậy, giúp nàng đỡ lấy ấm trà và cái tách, đặt lên bàn.
- Bà năm của nhà họ Trình, lại còn vừa sinh được quý tử cho ông chủ Trình, sao phải tự mình làm mấy việc này?
Chu Khiết Quỳnh nhìn khuôn mặt cau có, đôi lông mày chau lại, hai cánh môi đỏ cong lên đầy mỉa mai mà bật cười.
- Đứa nhỏ không phải con chị. Con của chị tư.
Cơ mặt Kim Doyeon dãn ra, cố làm vẻ điềm nhiên.
- Lấy mỗi một cái tách thì ai uống, ai nhịn.
- Không biết có khách đến.
Chu Khiết Quỳnh bắt đầu khúc đàn, vẫn là khúc nhạc cũ, vẫn những cảnh cũ, vẫn hương trà cũ, vẫn dưới ánh trăng này.
Trong khoảng thời gian về Hàn, Kim Doyeon vẫn định kì viết thư qua lại với Chu Khiết Quỳnh, hầu như chỉ nói về cuộc sống thường ngày, hỏi thăm sức khỏe người kia, tóm lại chẳng qua chỉ là nhìn nét chữ để nhớ người. Chiếc đồng hồ quả quýt Chu Khiết Quỳnh vẫn giữ không khi nào rời người, dù thật ra nàng cũng không cần đến.
Nhưng Kim Doyeon không biết, ông chủ Trình ngoài mặt không mấy để ý, thật ra lại luôn theo dõi sát sao từng bước đi, từng tiếng thở của Chu Khiết Quỳnh. Chuyện nàng trao đổi thư từ qua lại với kẻ khác sớm đã bị phát hiện, nàng cũng vì thế mà bị đánh một trận rất đau. May là có Trình Tiêu đến can ngăn. Mà cũng nhờ có Trình Tiêu, thư từ của nàng sau lần đó vẫn được gửi đến tay Kim Doyeon.
Chu Khiết Quỳnh sau hai năm làm dâu nhà họ Trình, mất dần vị thế của mình. Nàng dần không còn được người hầu tôn trọng, lại bị các chị ganh ghét, giờ thậm chí còn bị đẩy xuống làm một người hầu chăm sóc cho cậu hai họ Trình.
Chỉ trong có vài ngày ngắn ngủi, mặc dù phải giải quyết khá nhiều công việc nhưng Kim Doyeon vẫn nhận thấy điều này.
Đêm thứ sáu ở lại nhà họ Trình, Kim Doyeon chờ sẵn nơi cũ, vẫn thấy Chu Khiết Quỳnh ôm đàn tì bà đến, thế nhưng trông nàng chẳng có ý định đàn. Thấy Kim Doyeon nhìn chăm chăm, nàng run run tay nâng đàn lên, dạo được một nốt nhạc đầu đã rụt tay kêu đau. Kim Doyeon nhổm người, bắt lấy bàn tay nàng, trên đó đầy các vết bầm tím, một vài đầu ngón tay còn tứa máu. Cô tức giận, ôm chặt lấy nàng.
Đêm cuối cùng ở nhà họ Trình, Kim Doyeon đã mua sẵn hai vé tàu đi Wonju vào sáng sớm,
Chu Khiết Quỳnh kéo tay Kim Doyeon, theo một lối tắt mà ra cổng sau, qua được cái cổng này là họ rời khỏi nhà họ Trình, từ nay cũng không thể trở lại Thượng Hải. Trình Tiêu không biết từ khi nào, đứng chờ sẵn ở cửa sau. Chu Khiết Quỳnh trong một khắc, thấy rất sợ hãi, đẩy Kim Doyeon lùi về sau, định cất giọng nói ngay, "không liên quan đến cô ấy" thì đã bị Trình Tiêu giành nói trước.
- Bước ra cửa này có xe kéo chờ sẵn, đưa hai người ra bến cảng. Nhớ là không được về Thượng Hải nữa. Cô cũng không phải dì năm của tôi nữa. Đi đi, giữ sức khỏe.
Kim Doyeon cúi người chào cô bạn học, tiến đến nắm tay Chu Khiết Quỳnh, dắt nhau ra khỏi cửa, lúc bước qua ngưỡng cửa, chỉ kịp thấy nụ cười chúc phúc trên môi Trình Tiêu.
Buổi sáng sớm đầu tháng Hai, sương lạnh giá buốt. Chu Khiết Quỳnh ôm khư khư túi đồ trong tay, trên người mặc bộ sườn xám lụa đỏ có thêu mấy cánh hoa, vừa đi vừa ngoái đầu trông theo căn nhà đồ sộ có lầu cao, cửa rộng. Nàng siết chặt bàn tay mình với bàn tay của người trước mặt. Họ dắt tay nhau lên xe kéo. Chiếc xe nhỏ chạy lon ton dưới ánh rạng đông.
------------ END----------
06.02.18
Viết sau khi đọc lại "Cố hương" của Lỗ Tấn.
Chúc mừng Chris tròn 18.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro