Chương 28 - Cô đơn

Về tới nhà, tôi ngạc nhiên vì cửa nhà không khóa.

Có vẻ hôm hay mẹ được tan làm sớm, mẹ ở phòng khách đang lau sàn. Tôi liền chào mẹ rồi vừa cởi giày vừa tiện miệng hỏi: "Hôm nay mẹ được nghỉ ạ?"

"Mẹ nghỉ ốm mà cũng không biết à?" Mẹ hỏi ngược lại tôi, có vẻ như không khỏe nên tâm trạng cũng không tốt.

"À... Thế mẹ thấy đỡ hơn chưa ạ?"

"Nhìn còn không biết à?" Mẹ trợn mắt hỏi lại. Tôi nhìn ánh mắt của mẹ, đầu bất giác hướng thẳng xuống đất, không cất nên lời.

Đợi sau khi tôi cất ba lô vào phòng rồi ra xem cơm nước, mẹ bỗng lên tiếng hỏi: "Hôm nào khai giảng?"

"Tuần sau ạ, mùng 5 tháng 9, năm nào cũng như vậy đấy ạ."

"Mẹ chỉ hỏi thôi!" Mẹ bỗng gắt lên. "Hôm đó mấy giờ về?"

Tôi nhìn qua một lượt thấy còn canh chưa nấu thì lấy rau ra nhặt.

"Con chưa biết ạ, nhưng theo kế hoạch là 9 rưỡi xong phần lễ. Lúc đó học sinh bọn con sẽ phải lên lớp tập trung để nghe dặn dò rồi mới được về, cũng không biết là sẽ mất bao lâu nữa..."

"Tóm lại là mấy giờ về?!" Mẹ lên giọng dứt khoát. Tôi nén lại cơn thở dài, nói bừa một mốc thời gian.

"Chắc 10 giờ thôi ạ!"

"10 giờ. Ờ."

Tôi thấy mẹ lau chỗ bàn ăn hơi chật vật nên tiện tay nhấc ghế lên để mẹ lau dễ hơn. Mẹ bỗng dưng lườm tôi một cái như ghét bỏ lắm rồi mắng: "Thấy mẹ ốm lau nhà mệt mỏi thế này còn không biết mà tranh làm giúp! Con nhà người ta thấy thế thì sẽ biết mà khéo léo khuyên mẹ nhặt rau cho nhẹ, việc nặng con làm! Đằng này thì con đứng thảnh thơi nhặt rau, mẹ ốm chặt vật còn phải đi lau nhà! Con với chả cái!"

Tôi hơi ngớ ra, lát sau mới vụng về nói: "Nếu mẹ mệt thì để con..."

"Thôi tôi không cần! Phải để nhắc mới biết! Lớn đến từng này rồi, chả biết thương mẹ gì cả!"

Tôi không biết nên đáp thế nào, chỉ đành lặng lẽ rút tay về nhặt rau tiếp.

Một tiếng động lớn phát ra làm tôi giật cả mình, mẹ tôi không hiểu sao bỗng dưng ném cây lau nhà xuống sàn rồi quay người lại hét vào mặt tôi.

"Mày còn đứng đực ra đấy?!!"

"Mẹ bảo không cần con làm mà?" Tôi khó hiểu đáp, vì run nên bất giác lên giọng.

"Mẹ bảo không cần là mày kệ luôn à? Mày rốt cuộc có biết thương mẹ không hả?! Tao ngày nào cũng vất vả đi làm đến ốm lăn ra đây mà còn phải ở nhà làm bao nhiêu việc!"

"Mẹ để đấy con làm cũng được mà."

"Đợi mày về thì đến khi nào mới xong?!"

"Thì biết sao được, con đi học chứ có phải đi chơi đâu."

"Mày đi học thì khác gì đi chơi?! Mày xem thằng Tân ngồi cùng bàn với mày nó học giỏi thế nào, bố mẹ nở mày nở mặt ra sao. Mày thì càng học càng lùi, vừa lười vừa dốt! Hôm trước đi học muộn tao còn chưa tính sổ với mày đâu đấy!"

Tôi chỉ biết cúi xuống nghe mắng, chẳng buồn giải thích hay cãi lại. Đơn giản vì mẹ nói đúng thật.

"Đẻ ra đứa con chẳng được cái tích sự gì, nuôi tốn cơm!"

Nhịp thở của tôi tăng mạnh. Câu nói này tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần. Nghe bao nhiêu, uất ức bấy nhiêu. Lần nào cũng tự nhủ rằng mình phải nhịn, nhưng lần nào cũng nhịn không nổi.

"Thế mẹ còn muốn con giúp gì nữa? Nhà cửa ngày nào con cũng quét dọn sạch sẽ, quần áo giặt phơi tử tế, cơm nước cũng nấu nướng đầy đủ không thiếu chất nào. Mẹ thì cứ toàn bới móc kêu con lười không giúp được gì cho mẹ. Mẹ muốn con làm gì nữa? Hay con đi làm kiếm tiền nhé? Con đi mà mẹ có cho đâu!"

"Mày lại còn cãi?! Mày là con tao! Là tao đẻ ra mày! Có cái lí gì mà tao cứ nói một câu là mày lại cãi mười câu thế?!"

Tôi lại cúi đầu im lặng, câu này tôi chẳng bao giờ đáp.

"Mày nhớ, mày cứ nghĩ là mày làm có tí việc nhà là mày to lớn lắm à? Cả cái việc học hành của mày, hay cả công việc làm thêm của mày nữa. Mày hi sinh nhiều bằng tao không? Mày có khổ được bằng tao không? Việc nhà là cái việc đương nhiên mày phải làm, chẳng có cái công lao to tát gì ở đây để mày kể cả!"

"Con có kể công gì đâu! Mẹ kêu con chẳng làm gì nên con nói thế!"

"Mày có làm được cái quái gì đâu! Học hành thì chả ra gì! Mày đòi đi làm?! Mày tưởng tao ngu hay gì hả?! Tao vừa thả mày ra ngoài là y như rằng mày chạy đi lông bông với mấy thằng vô học chả ra gì ngay! Mày tưởng tao không biết trong đầu mày nghĩ gì chắc?!"

Tôi nặng nề hít vào thở ra, trong lòng đầy nỗi bực tức và bất lực. Sao mẹ lại lôi vụ này ra nữa?...

"Con chẳng lông bông ở đâu cả. Con đi làm có lương đàng hoàng. Để con cho mẹ xem sổ chấm công của con..."

"Mày còn dám nói mày không lông bông? Thế cái hôm mày suýt bị người ta hiếp thì sao?!"

"Mẹ!"

"Mẹ mẹ cái gì?! Sao tao cứ nói một câu là mày lại cãi một câu thế hả?! Tao nuôi mày ăn học mà mày chỉ biết ném tiền tao ra ngoài cửa sổ thôi! Mày thích ăn chơi thế thì sao không đi ở với bố mày đi cho rồi?!!!" Mẹ tôi đá mạnh cây lau nhà dưới sàn mà quát lên.

Tôi nhịn không nổi nữa, nước mắt bắt đầu trào ra, tôi lập tức đưa tay cố gắng quệt sạch bằng được.

"Mày lại khóc, mày khóc lóc cái gì? Mày có khổ bằng tao không? Suốt ngày kêu trầm cảm trầm cảm... Tao còn chưa trầm thì mày cảm cái nỗi gì?! Mày muốn chết? Tao thách mày đấy! Thách mày đi chết đấy! Chết đi cho nó nhẹ nợ! Tao cũng mệt lắm rồi! Loại bất hiếu như mày, nuôi tốn cơm!"

Nói rồi mẹ bỏ thẳng vào phòng luôn. Tôi cứ đứng đó lau nước mắt một hồi lâu, lát sau thì nhìn xuống cây chổi lau nhà mà tự giễu.

"Tại mày hết đấy..."

Tôi cầm cây chổi đem đi cất rồi chậm rãi đi vào phòng, chẳng buồn nấu nướng gì nữa. Tôi cứ ngồi nhìn sàn nhà một lúc thật lâu, rồi nằm sụp xuống giường nhìn trần nhà, nước mắt lại rơi.

Đây không phải lần đầu tiên ai đó nó với tôi, rằng người như tôi chẳng xứng để xếp vào loại "trầm cảm".

Tôi tin rằng, bất cứ ai trong cuộc đời cũng sẽ có một giai đoạn hơi bị trầm trầm một chút, bế tắc một chút, tuyệt vọng một chút. Những lúc như vậy, ai ai cũng đều là những kẻ đáng thương và bất hạnh nhất trên thế giới này...

Đó là đối với họ.

Còn đối với người ngoài, họ chỉ đang diễn một vai diễn thảm hại xuất phát từ ham muốn được chú ý và cơn thèm tình thương thôi. Vì ai trong chúng ta cũng sẽ từng nghĩ rằng mình là kẻ bất hạnh nhất trên thế gian này.

Tôi thì không dám nói mình bất hạnh.

Nhưng tôi biết bản thân mình không hề hạnh phúc.

"..."

Không có điện thoại phát nhạc... Chán quá...

Tôi nằm lăn hẳn lên giường, thầm than trong đầu. Nếu có điện thoại để phát nhạc ở đây thì nước mắt tôi đã ngưng chảy từ lâu rồi.

...

"..."

"Hm..."

"Hm..."

"..."

"Nếu một ngày thời gian bỗng nhiên ngừng lại, thì ta phải làm sao đây?

Chỉ vừa nghe thấy câu hỏi này, là đã thấy nực cười nhỉ?

Em chỉ cần được ở bên anh là làm gì cũng được vậy á

Còn ý anh, thì ra sao?"*

"Lạ quá..." Tôi cười tự giễu.

Thấy cô đơn rồi à?

***

Tôi đứng trước cổng nhà bà Thiệu dè dặt bấm chuông. Bà cụ gầy gò với dáng người lom khom thấy tôi từ trong nhà liền vui vẻ bước nhanh ra đón.

"Cháu chào bà ạ!" Tôi cười dịu dàng chào bà, Tân đứng cạnh cũng ngoan ngoãn chào theo.

"Ừ, bà chào hai cháu." Bà Thiệu tươi cười mở cổng, giọng nói yếu ớt nho nhỏ khó nghe rõ chữ.

"Bạn này là bạn cùng lớp của cháu ạ, bạn Tân. Hôm nay bạn ý đưa cháu đến ạ." Tôi giới thiệu Tân với bà. Cậu ta liền lịch sự tự giới thiệu lại lần nữa rồi hỏi thăm sức khỏe bà cụ. Bà thấy nhiều người thì vui lắm, vừa cười vừa dắt tay hai bọn tôi mời vào nhà.

Đáng ra hôm nay tôi đi học thêm toán cùng với Tân, nhưng đến nơi mới biết thầy có việc đột xuất nên cho học sinh nghỉ học. Tôi ban đầu cũng định ngoan ngoãn về nhà, nhưng Tân lại khuyên tôi nên tranh thủ thời gian này mà lượn lờ đôi chút. Thế là tôi bảo nó chở tôi sang nhà bà Thiệu thăm bà một chuyến.

Ngồi xuống tấm chiếu trúc được đặt giữa phòng khách, tôi vô thức ngắm nhìn xung quanh căn nhà một lượt. Nhà có một mình bà Thiệu ở nhưng lại rộng rãi vô cùng. Vì ngày xưa tại đây bà đã cùng chồng nuôi năm người con khôn lớn. Dần dần, họ đều có gia đình riêng, không thể ở cùng với ông bà được nữa, chỉ có mỗi chị Thư là con út chưa lấy chồng nên vẫn ở lại chăm sóc cha mẹ. Chị thà chịu khó đi đường xa hàng ngày để học đại học còn hơn là ở kí túc xá mà bỏ lại cha già mẹ yếu. Một con người đáng ngưỡng mộ như vậy mà lại qua đời khi còn ở tuổi đôi mươi. Ông cụ trước đây vài năm cũng đã mất vì bệnh. Những người con khác đều nhiều lần ngỏ ý muốn bà dọn vào ở cùng họ nhưng bà vẫn nhất quyết muốn ở lại căn nhà này, có lẽ vì bà lưu luyến những kỉ niệm đã qua.

Nhà từng được xây sửa một lần nên trông không quá cũ, tuy nhiên vẫn quá rộng lớn và lạnh lẽo để một cụ bà sống một mình.

À không, bà đâu có sống một mình đâu chứ.

Tôi mở miệng do dự một lúc, phân vân không biết có nên nhắc tới cái tên đang mắc kẹt trong đầu tôi hay không.

"Lâu lắm rồi cháu mới đến thăm bà. Bà còn tưởng cháu sẽ không đến nữa chứ!" Bà Thiệu cười nói. Tôi vừa mở hộp bánh mình mang đến biếu bà, vừa cười nói.

"Cháu đi học rồi bà ạ. Nên là hơi bận ạ."

"Ừ, đi học rồi. Bà lại cứ tưởng là không đến nữa cơ."

"Sao lại thế ạ?"

"Hôm trước..." Bà cụ đang nói bỗng ngừng lại, có vẻ đang cố nhớ ra điều gì, lại như đã nhớ ra, và muốn giấu nhẹm mọi chuyện đi.

Tôi kiên nhẫn nhìn bà chuyển chủ đề.

"Bạn này cao lớn đẹp trai quá, nhà cháu ở đâu?"

Tân không để ý lắm nên trả lời luôn, trọng tâm của cuộc trò chuyện lại chuyển dồn về cậu ta. Người này vốn khéo ăn nói nên rất được lòng bà Thiệu, có lẽ vì thế mà bà buột miệng nói: "Thấy Khúc có một người bạn vừa tốt bụng vừa ân cần thế này ở bên, bà cũng mừng cho cháu. Chỉ mong... thằng bé đó cũng được may mắn như vậy..."

Tân nhìn sang tôi, tôi lại sững người nhìn thẳng. Người mà bà nói hẳn là Kiều Nhâm Ngọ.

"Ờm... chúng cháu không phải..."

"Anh Ngọ thế nào rồi ạ?" Tôi không để ý mà ngắt lời của Tân. Nhìn cậu ta xua tay bỏ qua, tôi nghe tiếng bà Thiệu thở dài từ phía đối diện.

"Cháu và anh ấy không liên lạc lâu rồi, hôm nay anh ấy có ở nhà không ạ?" Tôi sốt ruột hỏi tiếp, bà cụ chỉ buồn bã lắc đầu.

"Nó gọi điện bảo đi mấy ngày, ấy thế mà được một tuần rồi vẫn chưa thấy về." Nói đến đây, bà cụ rơm rớm nước mắt: "Bà sợ nó xảy ra chuyện gì, bà gọi cho nó mấy lần nhưng nó không nghe máy. Bà cũng không dám báo công an, bà sợ nó chê bà già này phiền."

Tôi thở dài thườn thượt, tên Kiều Nhâm Ngọ này đúng là chỉ khiến cho người khác phải phiền lòng mà. Anh ta giờ này còn sống không đây?

Hẳn là còn, không hiểu vì sao, tôi lại không nghĩ anh ta có thể chết như thế. Nhưng chắc chắn rằng giờ này anh ta lại đang say rượu ở cái xó xỉnh nào rồi, hoặc là đang ở cũng một

"Cháu bảo cháu không liên lạc với Ngọ?" Bà Thiệu hỏi, hai hàng mi rung rung.

"Dạ vâng, cháu... hiện tại đang không giữ điện thoại bên mình ạ." Tôi trả lời. Tân dù không hiểu gì nhưng vẫn kiên nhẫn ngồi nghe.

"Vậy cháu có biết chuyện nó..." Bà cụ ậm ừ không nói hết câu, lại chỉ tiếp tục thở dài, mắt đã ầng ậng nước.

Thấy vậy, tôi không hỏi tiếp nữa, chỉ cố gắng dịu giọng: "Bà đừng lo lắng quá, anh ấy lớn rồi, tự lo được cho mình mà."

Bà không đáp, chỉ nhìn tôi một cái rồi lại cúi đầu thở dài. Tôi không hiểu nhưng vẫn cố nói tiếp để trấn an: "Cháu chắc chắn đấy ạ, cháu cam đoan với bà. Nên bà đừng lo lắng nhiều quá, anh ấy đã nói là đi vài ngày thì nhất định sẽ trở về mà ạ."

Tôi nói thế thôi, chứ có khi anh Ngọ giờ này đang thừa sống thiếu chết ở đâu rồi. Anh ta chưa bao giờ ổn.

"Bà dạo này có ăn uống đầy đủ không đấy ạ? Bà không vì anh Ngọ mà ăn ít đi đấy chứ ạ? Bà có còn để cổng cho anh ấy không ạ? Bà đừng nhé, tối là phải khóa cổng vào, khóa cả cửa nữa..."

Tôi đưa ra một loạt những lời hỏi thăm, dặn dò bà Thiệu đủ thứ. Trước khi tôi rời đi, bà có hỏi tôi khi nào thì quay lại thăm. Tôi chỉ có thể mỉm cười và nói qua loa là sẽ sớm thôi.

"Anh Ngọ mà bà bảo là cháu bà à?" Tân thắc mắc, đoạn đường chúng tôi đang đi toàn ổ gà, tôi ngồi sau yên xe đạp cố gắng bám vững yên xe, đầu vừa gật vừa lắc.

"Không... Anh ấy thuê một phòng trong nhà bà thôi."

"Thuê phòng thôi? Anh ta là người thế nào?"

"Ừm..." Tôi nhìn Tân do dự.

"Khó nói lắm à? Tao thấy bà quan tâm anh Ngọ đó như cháu trai mình, chắc cũng không đến nỗi."

"... Mày nghe đến hết rồi mà vẫn thấy không đến nỗi à?" Tôi hỏi lại, thấy hơi ngạc nhiên.

"Ý mày là anh đó tệ lắm sao?"

Tôi suy nghĩ thật kĩ rồi đáp nhỏ: "Không tệ, không hề."

"Mày nói rõ ra xem."

Tôi nghĩ kĩ rồi nói ngắn gọn: "Anh ấy đang trong thời kì khó khăn, nên mới vậy."

Tân chỉ lạnh lùng ồ một tiếng, một lát sau thì hỏi: "Mày và anh đó thân lắm à?"

Tôi nghĩ về mối quan hệ "đặc biệt" giữa hai chúng tôi rồi đáp.

"Bình thường thôi."

"Ừm."

Sau đó Tân không nói gì nữa, chỉ lặng lẽ đạp xe đưa tôi về. Nhưng mà... có gì đó không ổn... Đây đâu phải đường về nhà tôi?

"Ê ê rẽ đằng kia mà, mày đi quá rồi."

"Tao qua quán mua nước đã. Từ hồi lên Hà Nội đến giờ chưa qua lần nào."

"Quán? Quán cà phê của chị Thư?"

Tân không trả lời, chỉ khẽ gật đầu rồi hỏi: "Bây giờ ở đó ai trông hàng? Chị Hiên à? Hay là thuê nhân viên?"

"..."

"Bây giờ ở đó ai trông hàng?" Người ngồi trước tưởng tôi nghe không rõ nên nhắc lại.

"À thuê nhân viên, thuê nhân viên..." Tôi vội đáp, quyết định không nhắc đến anh Ngọ nữa. Dù sao cũng tới đó, Tân sẽ gặp anh ta sớm thôi.

...

Phải rồi...

Anh ta đã đi hơn một tuần rồi mà nhỉ?

Đương nhiên anh ta không hề ở quán.

--------

Trích từ prechorus 1 của "Yoru ni tokeru" - Akalai Kai. Bài này tôi đính ở trên nhé.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro