I- Động cơ.

[ Ta và em

Hai kẻ lưu lạc

Lạc giữa đời, chẳng có gì để mất mát

Em lạc ta, em thấy có gì đổi khác? 

Ta lạc em

cõi lòng thấy man mát...

vậy thôi.]

.

.

.

Lại là gã cùng cái nhìn đăm chiêu, chiếu thẳng vào trái tim hắn. 

Lại là gã, tự cà xát đầu ngón tay mình bằng cái nanh nhọn hoắc cụt ngủn rồi rỏ dòng máu tím lịm vào chiếc cốc thủy tinh. 

"Đúng là điên khùng." 

- Lại hết thuốc chữa rồi đấy ư, ngài bá tước kính mến?

Cậu trai mang gương mặt sáng láng cười bỡn, rút cái khăn mùi xoa màu trà, lịch thiệp lau đi vết máu lỡ vây ra trên bàn. Vệt máu tim tím thấm vào chiếc khăn thành một bệt dơ chàm đậm, nổi bật lên giữa màu trà êm ái. 

Gã cười ngặt nghẽo, rũ xuống giọt máu cuối cùng khiến nó đánh tiếng tong tỏng vang vọng trong cả khu sảnh trống. Đôi mắt lờ đờ liếc qua liếc lại trên dưới khắp người đối phương, chân mày gã hơi nhướn lên khi thấy dấu bùn đặc quánh mắc dưới đế giày tên kia. 

- Cậu đến trễ, - gã nói, tay xoay xoay lọn tóc xơ. - nhưng không sao vì chẳng quan trọng, ta không trách. 

- Xin thưa... có kỳ đà cản mũi trên đường đến nên tôi mới, - tay kia giọng run run, sợ gã như thể sợ cọp vồ, lóng ngóng tay chân mãi ở trước cái bàn ăn dài thườn thượt. Tay này liếc nhìn cậu trai đứng bên cạnh Fyodor rồi đến e dè liếc gã, trí óc vẫn còn hoảng loạn cố nặn ra lời đối đáp sao cho mát lòng Fyodor. - xin tha thứ cho tên nô hèn mọn này thưa ngài. 

- Không sao, chúng tôi chỉ đùa cợt chứ chẳng có ý đe dọa gì, - giọng cậu thanh niên cất cao lên hòng đập vỡ mối lo của đối phương. Tiếng bước chân đều đều vang lên chói tai, vọng qua vọng lại khắp cả đại sảnh bóng loáng rồi dừng lại ở trước mặt tên tay sai. - ngài bá tước có khiếu hài hước thật tệ, nhỉ? 

Điệu cười giả lả chẳng có gì là chân thật kia thuộc về Dazai Osamu - tên tay sai nghĩ hắn ta là hầu cận của vị bá tước khó đoán. Nhưng có vẻ là không, hắn chẳng có gì là nể sợ vị mà tên này run rẩy chẳng dám đụng mắt, hắn ta còn tự nhiên cợt nhã, nói mấy câu bông đùa như thể bằng vai bằng vế với gã kia. 

Tay này đột nhiên nổi lòng thương xót, lo lắng cho mạng sống của Dazai. Hắn thì không, mang nụ cười chẳng có hề gì là sợ sệt trao cho đối phương một cách khách sáo, rồi chìa bàn tay lấp ló hai vòng bông băng đang ấp úng nép mình trong tay áo phẳng phiu ra, tỏ ý muốn lấy thứ mà tên tay sai định đưa nãy giờ. 

- Nếu quý ngài đây muốn nhanh chóng xong việc, - Dazai nhe răng cười. - xin hãy đưa tôi thứ cần thiết, và sau ngài sẽ rời khỏi đây. 

Vài phút sau, khi đã thấy tên kia lê những bước chân run rẩy ra khỏi cổng sắt tít ngoài sân trước lâu đài, gã ta mới dừng hé mắt qua ô cửa sổ. 

- Đôi lúc tôi tự hỏi ngài sẽ làm gì mỗi khi tôi đi vắng, - Dazai xoay gót, tay hắn phe phẩy gói đồ được bọc kính bằng giấy thô, trên mặt lộ rõ vẻ đắc ý kiêu kỳ. - ngài bá tước "chuột" lại còn bí mật hẹn tiệc trà chiều cơ đấy! 

Dazai biết, Dostoyevsky lúc thoắt ẩn thoắt hiện chỗ này chỗ kia mỗi khi gã định gieo rắc kinh hoàng. Người ta có thể thấy bóng đen trên nóc nhà thờ giữa quảng trường, liến thoắng thấy một người đàn ông cao gầy ở chỗ này chỗ kia trong một cái liếc mắt,... đó toàn là gã bày trò để gợi nhớ nhân loại về giống loài mà họ từng khiếp hãi. 

Hoặc chỉ đơn giản là gã muốn đi dạo phố thôi. 

Còn bây giờ thì gã muốn một tách trà nóng. 

- Cậu cũng biết mà... ta già rồi, lẩm cẩm theo tháng ngày thôi đưa. - Dostoyevsky vẫn ngồi yên trên bệ cửa sổ, uể oải tì mình vào cửa kính thủy tinh đã sờn cũ rồi đưa mắt dõi ra xa xăm, đoạn, gã thều thào nhỏ thó. - Không thể chết để rồi mang mãi trong mình bệnh tật.

Hắn không rõ gã đang mải ngắm thứ gì đặc biệt, vì ngoài kia chẳng có gì khác ngoài rừng thông cao đến lưng chừng tòa lâu đài. Chúng tạo thành một biển cây xanh rì trải dài tứ phía, nghiêng ngả về một bên lào xào lạt xạt mỗi khi có cơn gió mạnh thổi qua. Phía Tây của khu rừng nổi bật lên màu đất nâu của con đường mòn nhỏ giữa màu xanh rờn rậm rạp, gã nhìn nó không chớp mắt. Mấy lớp người cưỡi ngựa đen thui nối đuôi nhau đi qua như đàn kiến; rồi ở phía sau là những cỗ xe màu đỏ tía trông có vẻ sang trọng hơn, con dấu mạ vàng in trên nó khiến nó trông như là của con nhà quyền quý, thứ mà gã cũng sở hữu nhưng bây giờ nó nằm vắt vẻo ở dưới vách đá lâu rồi. 

Gã cảm thấy thật chán chường. Vì mọi thứ diễn ra nhanh hơn gã nghĩ. 

- Thật tình cái tên hồi nãy, giao mỗi gói trà mà cứ làm như giao đầu vua vậy. 

Mùi trà đen bốc ra thoang thoảng giữa mấy đầu ngón tay hắn, chỉ là hồng trà thôi chứ cũng chẳng có gì đặc biệt y như ngút ngàn rừng thông phía dưới. Dazai cũng đã trông thấy mấy bệt xác trà ủ chua ở dưới phòng bếp, hắn không ngờ là từng ấy thời gian mà tên này chỉ uống mỗi trà để "sống", làm quỷ hút máu thì bất tử đấy nhưng...

"Nếu đã xanh xao đến vậy thì tại sao lại không gọi hắn về sớm hơn?" 

Ánh mắt nâu nâu kia trầm xuống, Dazai đến đứng cạnh Dostoyevsky, cùng hướng mắt về một nơi với gã. 

Vấn đề là ở đoàn xe ngựa rầm rộ phía kia. 

- Chà! - hắn thốt lên, đặt gói trà về nơi đối diện Dostoyevsky.- công tước nọ chắc hẳn phải rất yêu thích chúng ta đấy! 

Hắn biết gã muốn Dazai về trễ để kéo theo sự chú ý của tên công tước mang danh lạ lẫm kia. Thật vậy, tên đấy là người đã ra sức lần mò mọi hành động của Dazai ở thủ đô hoa lệ, vì gã ta ghen tị với sự ưu ái đức vua ban cho "bá tước Dostoyevsky", chỉ vì nhà vui gật đầu ban thưởng cho Dazai hơn gia trang của gã mỗi một cái muỗng bạc pha trà. Hắn thấy không việc gì phải bận tâm, nhưng những lần tên công tước nọ chõ mũi vào rồi bị hắn lợi dụng cũng giúp hắn kha khá. Chắc lại là một kế hoạch để phá bĩnh một thứ gì đó hay đại loại vậy của Dostoyevsky, nếu thấy vui thì Dazai sẽ nhúng một tay mà còn có hại thì hắn sẽ châm thêm dầu vào lửa, thế thôi. Dazai biết rõ con người Dostoyevsky và ngược lại gã cũng thế, hai gã như hai bản sao, khác nhau chỉ ở phần linh hồn và cách cả hai hành động.

Khác ở động cơ gây án, đó là sự thú vị của giới tội phạm ở vương quốc ở mé bên đây dãy núi già - Pearcies. Tình yêu, tiền bạc, gia đình, tín ngưỡng,... đủ mọi loại lý do mà người ta có thể đâm nhau chỉ sau một lời nói cười vui vẻ hay là ly trà nóng buổi xế chiều. Hai kẻ này cũng thế, mỗi gã một cung bậc tội ác khác nhau nhưng sâu bên trong đều đen đúa dơ bẩn, nói tắt là thế chứ sự thật còn đáng sợ hơn nhiều. Chẳng có câu từ nào có thể diễn tả được hết cái tội mà tên Dostoyevsky đã gánh giữ suốt cả mấy trăm năm cả, phải không? Thế nên người ta chỉ e ngại, gọi gã bằng cái tên "con chuột hút máu chui rúc trong bộ máy hoàng gia". 

Hắn nghĩ, tội ác là điều thiết yếu cho một xã hội cân bằng, là cán cân nắm giữ trật tự hai tầng lớp xã hội thống trị và bị trị. Ban đầu gã chỉ muốn Dazai mang tên mình đến thủ đô để thay gã trông nom "đám trẻ" trong cung điện Royalya. Gã muốn cho hắn lúc mười lăm tuổi nhìn sự méo mó đến dị dạng của lòng người ẩn sau lớp gạch dát vàng dát bạc kia. Và Dazai đã làm thế, không những ngắm nhìn mà chính hắn còn nhúng chàm vào quấy động nó lên, cuốn theo sự sắp đặt của Dostoyevsky để mặc đôi tay trắng trơn nhuốm đượm bùn dơ tội ác. Mặc dù những tên quý tộc hay nhà con buôn kia thật sự đáng bị chôn vùi dưới địa ngục nhưng tội giết người là không thể buông tha. Đến khi Dazai đã đủ trưởng thành (đối với gã), Dostoyevsky sẽ làm một cái gì đó lớn hơn, khủng bố hơn và cực đoan gấp đôi bây giờ, chỉ là bây giờ thời cơ chưa hẳn chín muồi nên gã vẫn có thể ngồi trước bệ cửa sổ này nhấm nháp trà ngon. 

Hướng sự chú ý đến Dazai, gã nói.

- Ừ, giờ thì ta muốn cậu cho ta cái để tham gia cùng đấy Dazai. - Dostoyevsky vươn cánh tay gầy lỏng khỏng ra trước mặt hắn, mấy ngón tay xanh xao co hờ vẫy vẫy kêu gọi Dazai hãy nhanh quấn quýt lấy gã đi. 

Ta có thể kiên nhẫn, nhưng sẽ không dài lâu đâu em. 

Hắn vẫn còn đang đứng nhìn mấy tên thợ săn và đám quý tộc cưỡi ngựa đông như giặc dưới đường, lộp cộp tiếng vó vang đến tận phía bên kia rừng thông. Trông thấy cái đưa tay và ánh mắt khiêu khích của gã, hắn cũng không thèm nể gì, Dazai chùn một gối xuống đặt lên bệ cửa sổ ngồi ngang bằng gã ta rồi lại liếc ánh mắt mình lên bàn tay tái nhợt. Bàn tay hắn dài thượt nâng mấy ngón tay của tên kia lên đặt ở nơi môi hắn.

Dazai hôn lên đôi tay lạnh cóng của gã, liếm nhẹ đầu ngón tay đã lấm tấm đầy rẫy những vết cắn xước ửng đỏ, trong suốt quá trình ấy gã đều ngắm nhìn thật kỹ đôi mi dày cụp xuống. Hắn chăm chú hôn hít tay gã, còn gã thì chăm chú nhìn hắn hôn hít. Gã bật cười khúc khích khi Dazai bắt đầu cắn tay gã, hắn nghiến nhè nhẹ chỉ đủ hằn dấu răng đỏ đỏ tô điểm lên màu xanh xao của từng đốt lóng tay. Chán chê, hắn gầm gừ trong tiếng cười ngặt nghẽo.

- Đúng là già rồi nên lú khú. 

Họ cùng cười, rồi ôm ghì lấy nhau, trao nhau nụ hôn nồng thắm trong khi cả cơ thể đè nặng lên ô cửa sổ khiến nó rung lên bần bật. Quấn quít nơi đầu lưỡi chưa rời mà đôi mắt nãy còn nhắm tịt của Dazai đã mở ra, hắn nhìn hàng mi mỏng xơ của gã ta với vẻ tư lự thường có mỗi khi hắn xem xét tình hình lúc rối ren. Đôi tay lỏng khỏng ấy bấu víu chặt hơn, những ngón tay dài thượt của người kia cũng thế, cả hai nồng nhiệt trong cái hôn dài, những cái mút đê mê qua làn nước bọt nhom nhóp ấm áp làm cõi lòng hắn chìm trong miên man. Hắn thấy thỏa mãn, cảm giác bây giờ như đi cuốc bộ khắp hoang mạc rồi tìm ra bình trà trong cơn khát khô vậy, vì hắn đã thõa được cơn nhớ Dostoyevsky đã âm ỉ theo hắn cả hai tháng ròng. 

Môi rời môi, gã lân lê hôn dọc nơi cổ hắn, cảm giác nhồn nhột lan khắp cả gáy Dazai khiến hắn phải nhịn không nắm tóc Dostoyevsky mà bật cười sằng sặc. Gã hôn, những cái hôn nhẹ nhàng nâng niu và sặc mùi cưng chiều như cái cách gã nâng niu lý tưởng của gã. Theo cái mân mê, Dostoyevsky dùng nanh xé phụt lớp vải bông dày cộm từ cổ trở xuống nơi gáy hắn, lộ ra cả mảng da hồng hào nhấp nhô theo từng nhịp thở gấp, nổi màu trắng trơn dưới ánh vàng nhè nhẹ mùa thu. Rồi ngay sau khi dứt cái hôn, gã đặt nanh mình lên hai chấm sẹo hồng hồng, cắn phập vào làn da trắng nõn nơi gáy kia, hút lấy dòng chất lỏng nóng ấm đỏ thẫm của Dazai mặc cho hắn rít lên đau đớn.

Hắn cau mày chặc lưỡi, hắn ghét đau, sợ hãi cảm giác thể xác bị dày vò đau đớn vậy mà lại chịu hạ mình cho gã cắn xé, chịu nghiến răng cho gã đâm sâu nanh nọc vào tận da thịt mình. Bàn tay dài thượt kéo vai áo đối phương đến xộc xệch, hắn rướn người oằn oại trong cái đau mà đã lâu không nếm trải, và khi giọt nước đã tràn ly thì cả cơ thể kia bắt đầu phản kháng. 

- Này, đủ rồi. - Dazai đẩy cả người Dostoyevsky ra, hắn gắt giọng. - Đau lắm. 

Gã vẫn chai lì, vòng tay ôm lấy eo hắn siết hơn nữa. Nghĩ kiểu gì thì sức của một con quỷ hút máu lúc nào cũng gấp hơn con mồi chục lần, hắn không thể kéo gã nhích ra một li mà ngược lại còn khiêu khích cho Dostoyevsky ngấu mạnh hơn. 

Ánh mặt trời chiếu qua khung cửa sổ ngả vàng, chiếu lên khuôn mặt đờ đẫn vì mất sức của hắn. Dostoyevsky rời chiếc cổ vẫn còn ửng gân xanh, giơ tay lên gạt bết tóc đã đẫm mồ hôi lạnh của hắn sang một bên. Gã áp bàn tay hắn lên má mình, ngửi lấy mùi hồng trà vẫn còn len lỏi trong từng kẻ tay. Em thật đẹp, tuyệt tác của ta. 

Đê mê lại trực trào trong đôi mắt màu tía, gã lại bấu lấy hắn như thú săn nuốt chửng con mồi mặc cho ánh mặt trời gay mắt chiếu thẳng vào mình, mà thật ra thì gã cũng chẳng hề hấn gì như lời người ta đồn đại. Tội lỗi này đã  đến cứng dày đến nổi ánh dương trên cao cũng chẳng thể thanh tẩy, tiếng hát vang chốn nhà thờ cao quý cũng không thể làm gã ta khuất phục. 

Chống lại cả Chúa, đối nghịch với trời cao, trên đời này chỉ một mình gã ta là có quyền làm thế. 

Trong cơn say sẩm, đoạn ký ức vẫn hằn sâu trong chiếc nanh độc của gã gợi nhớ hắn về một ngày tuyết rơi cả chục năm về trước. 
.
.
.
.
.

Mùa đông năm X, bên bờ rừng lá kim phía Đông Nam Pearcies, cả một thị trấn gồm bảy mươi người, tất cả đều chết không toàn thây.

- Nếu bạn đến thị trấn khuất sau lớp rừng lá kim ấy, xem kỹ dưới chân bạn. Có thể bạn đang đạp trên một cái đầu lâu đấy.

Người ta kháo nhau rằng là do "con quỷ nào đó" lập khế ước với một ả phù thủy ở rìa thị trấn, khi lên cơn điên, mụ ta lo sợ nơm nớp rằng một ngày nào kia mình sẽ phải lên giàn hỏa thiêu như những đồng mưu đã chết của mình, nên ả quyết định sẽ lập một giao kèo với "con quỷ nào đó" để tuẫn táng cả thị trấn cùng cái đầu của ả lúc nó rơi xuống. 

Nhưng hắn biết, sự thật méo mó kia đã bị tiếng mồm của dân chúng bóp đến nhàu nhĩ từ lâu rồi.

Nó được sinh ra trong ngày trời mưa tầm tã. Mưa đập vào cửa kính nhà thờ, mưa xối như xối dầu sôi lên da lên thịt người đi đường chẳng tìm được chỗ trốn. Lúc bấy giờ, người ta thấy một đứa bé con trước cổng thị trấn. Nó nhỏ thó lọt thỏm vào cuộn chăn đã rách tả tơi, không khóc cũng chẳng cười, đôi mắt trân trân nhìn lên trời tựa như đợi ai đó bồng nó đi. Không ai rõ ai đã sanh ra, không ai biết từ đâu nó xuất hiện, nhưng nó vẫn nằm ở đó, vẫn nhìn mọi thứ một cách tò mò rồi quăng tay quăng chân loạn xạ. Sau cơn mưa, lúc trời còn hãy âm u cô tịch thì một người nông dân trẻ bế nó về nhà, sau anh ta chết vì bị đôn đốc sưu thuế.

Không ai biết cách nó tồn tại cũng như cách nó sinh tồn, chỉ biết rằng, đã 15 năm kể từ ngày mưa bão tầm tã ấy và người ta cũng dần quên đi đứa bé con nọ chỉ vài tiếng sau khi trời mưa tạnh ngắt. Vì lẽ ở cái thị trấn này, rộng hơn là ở cả vương quốc, người ta làm nô làm lệ cho sưu thuế và tâm trí chỉ để lừa bịp nhau chứ nào có tâm để ý đến cái gì ngoài bản thân họ đâu.

Thật vậy, xưng danh là vương quốc khá giả: cống phẩm tứ phương ùa về Pearcies như nước xối vào bồn, giới quý tộc hay thương nhân nơi đây nhà không dát bạc thì trong rương cũng có đủ số đá quý để đổ đầy cả hồ phun nước ở quảng trường trung tâm, vân vân - thế mà dưới đáy xã hội lại nghèo khổ chẳng kể đâu cho hết.

Ngôi làng nơi sinh nó ra là một ví dụ. 

Người ta sống, nhưng không phải là sống. Người ta sống vì tiền, vì để làm mọi rợ suốt cả cuộc đời. 

Để rồi từ cái vũng lầy nhầy toàn là những thứ xấu xí ấy, nhào nặn ra một con người làm từ bùn đen. Thứ dơ này chồng lên thứ dơ khác, máu me chồng lên tiền bạc, đủ thứ hỗn tạp máu mỡ chất chồng lên nhau từng lớp tạo thành cả Pearcies thu nhỏ trong vòng thị trấn ộp ệp.

Chồng chất lên cơ thể nó suốt mười lăn năm. 

Đến khi bị tội lỗi mình đã làm ra trút lại lên đầu, người ta vẫn thắc mắc một câu hỏi.

Nó là ai? Là ác quỷ hay chúa trời giáng thế? 

Là ai mà lại có quyền phán xét họ, mặc dầu nó vẫn tồi tệ có khác gì đâu? 

Nó ngồi bệt xuống cái hiên nhỏ, nơi mà nó đã cười đùa cùng chị gái nó hằng mến yêu. Nơi tóc xuân người con gái oan uổng rơi xuống, nơi mà người ta lôi chị lên giàn thiêu chỉ vì trông chị như một mụ phù thủy. Người ta đổ lỗi cho chị, sự mê tín dìm chết chị, cổ hủ bóp chặt cổ chị, chặn đường nghẽn lối ngăn nó cứu chị, để rồi chị thân tàn xác trụi trên giàn thiêu ấy. 

Nay, nó lại mang chị trở về cõi dương, mà mục đích không phải ôm ấp yêu thương người chị đã khuất mà lại là để giết, để linh hồn mắc oan tội lỗi của chị giết sạch những căm hờn đã từng nếm qua. 

"Tôi đã làm đúng... phải không?" 

Lần đầu để đôi tay nhúng đen, nó cảm thấy bình thường như bẻ bừa cái bánh bích quy. Hỗn loạn ư, không hề cảm thấy. Hỗn loạn trong thâm tâm, trong cõi lòng có đúng không, nó cũng chưa được nếm trải qua cảm giác đó nốt. Mặc dù nó vẫn nghĩ nghĩ đến đủ thứ, như là người nông dân đã nuôi nó đến chập chững đôi chân bị đánh đến nát đầu vì không có nổi tiền đóng thuế cho đống rơm rạ, nhớ đến tiếng la ó phấn khích cả đám dân làng khi lửa rực xém cháy da chị nó, nhớ đến đủ chuyện lúc nó rúc mình vào hẻm xóm trong cơn giá lạnh,... vậy mà một chút man mác hối hận trong lòng cũng chẳng thấu là bao.

Nó không khóc, dù đã thử cố nặn ra chỉ một giọt lệ cho giống với lẽ thường. Nên nó chỉ ngồi đó với cõi lòng chưng hửng, một lần nữa nhìn ngắm khung cảnh ghê rợn trong cảnh trời tuyết mù mịt. 

Rồi nó thấy gã, bóng đen ấy lọt vào tầm mắt nó như một lẽ tự nhiên.

Giữa thị trấn xơ xác không một bóng người, dưới nền đất phủ tuyết còn đọng toàn là những vũng bùn pha lẫn máu tươi, có một người đàn ông vận đồ đen lững thững đi từng bước ngắn bước dài. Như thể anh ta là một vị khán giả bước lên để vỗ tay tán thưởng cho vở kịch chết chóc mà nó đã bày ra, anh ta đến trong hư vô, từ màn tuyết mờ mịt. Đôi bốt da ấy đập lên vũng máu, màu đỏ gạch kinh tởm bắn thành từng bệt li ti in dấu theo gót chân gã. Thoạt nhìn từ cái bóng đen kia, nó nghĩ gã phải là một tên với thân hình đồ sộ lắm. Nhưng không, gã ta xanh xao hơn cả kẻ mắc bệnh lao nằm giữa phố thị: làn da trắng sứ được ôm gọn bởi quần áo nhung mềm, mình gầy đuột, cao lỏng khỏng với mái tóc xơ rối xõa tung đến vai. 

Nó nghĩ, nhìn gã ta tiều tụy chẳng khác gì một con quỷ hút máu. 

- Cậu nhóc tên gì?

Người đàn ông nọ bước đến bên cái hiên nhỏ, cúi đầu hỏi nó. 

Giọng anh ta rõ, không hiền dịu cũng không quá dữ dằn như những người khác trong thị trấn giả tạo này. Có lẽ là vì anh ta chỉ xem nó ngang hàng với mình, thực sự xem nó là một con người bằng xương bằng thịt chứ không phải là giòi bọ gớm ghiếc. 

Nên nó ngước mặt lên trả lời, bằng một giọng cũng chẳng hề nể nang. 

- Tôi không có tên.

Đôi mắt màu tía kia ngạc nhiên mở to, lát sau lại lấp đi bởi giọng cười văng vẳng của chính gã. Giọng cười ngất ngưởng vọng lên tận màu trời trắng xóa những tuyết là tuyết, lay rớt giọt băng còn động trên cây tùng khô. Nó vẫn trừng mắt nhìn gã, nhưng bây giờ thì nó xem gã như một tên quý tộc điên: vì bộ đồ gã ăn bận và cung cách mà gã đối đáp, trông gã kiêu ngạo hơn thương nhân và tất nhiên cũng chẳng phải là kẻ thường. 

- Nếu đã là người rồi thì chẳng thể nào sống mà không có tên được. 

Bình thường chẳng ai thèm đôi co hay cãi cọ với mấy tên mang đôi mắt tâm thần dài dại nhìn mình, nhưng thật lạ, nó vẫn trả lời. Trả lời vanh vách những gì nó đang nghĩ mặc dù nó hoàn toàn không muốn. 

- Tôi không biết. Họ không đặt tên cho tôi. - cậu thanh niên ngoái nhìn cành tùng khô đã gãy rạt xuống nền tuyết trắng, nó nhìn cành gỗ nâu nổi bật giữa màu tinh khôi y như căn nhà gỗ xập xệ cạnh mình. - Và tự đặt tên cho mình khiến tôi cảm thấy mình tự kiêu làm sao, nên tôi không đặt.

Nhưng nó biết, không phải vì họ không muốn đặt tên cho nó, vì chính họ cũng chẳng dám đặt tên cho con cái mình (tất nhiên là họ cũng chẳng có tên). Muốn đặt tên cũng phải nộp năm đồng. Không nộp thì bị đánh đến chết. 

Thấy chẳng còn từ ngữ xấu xí nào có thể lấy làm tên, nên nó không đặt cho chính mình. Mà có đặt thì chẳng để làm gì, vì đã còn có ai để mà gọi nó đâu. 

Nụ cười gã tắt ngúm, nó vô vị và nhạt nhẽo đến nỗi chẳng đọng lại gì trong đáy giếng bên cạnh đã đóng băng cứng ngắc tự bao giờ. Gã nghiêng đầu nghĩ ngợi một lát, làm điệu bộ như thể một tên hề đang chơi đùa với trẻ con. Tên này muốn làm gì? Nó không biết, mặc dù đầu óc vẫn còn trong cơn say máu sau khi nó diệt sạch cả một ngôi làng thì những suy tính tuôn ra ồ ạt vẫn chẳng thể kìm được. 

Thôi thì cứ để gã nói nốt những gã nghĩ, có làm gì thì cũng không hề gì đến nó. 

- Vậy thì nếu không phiền, - đôi mắt màu tía chóp lia, sáng quắc lên giữa trời mưa tuyết. - từ nay tên cậu sẽ là Dazai, Dazai Osamu. 

Gã bồi thêm một câu: Đấy là tên của một vị khách phương Đông từng ghé qua chỗ của ta, dù ông ta đã chết nhưng vẫn khiến ta cảm thấy ấn tượng, ta tin cậu cũng sẽ khiến ta ấn tượng y như người đàn ông ấy (và cậu đã làm được). 

- Tại sao tôi lại phải mang tên một người chết? 

Gã cười mỉm, giọng khàn đáp lại nhẹ bẫng khiến đôi mắt xám nâu vẫn nhìn chòng chòng vào gã nãy giờ chớm lên một tia lửa nhỏ.

- Vì cậu còn sống, nhưng đã mất đi tư cách làm người. Cậu phải chịu kiếp mang tên người đã khuất, chịu cảnh bị đọa đày cả kiếp để trả lại nợ máu. 

Mắt nó nổi lên một tia lửa sống.

Tia lửa hi vọng ánh lên trong đêm tàn. 

Tia lửa mà đã từng được tội lỗi nhớm lên ngày hôm ấy. 

Gã kéo nó đứng dậy giữa bậc cầu thang ọp ẹp, kéo nó vào bóng tối sâu thẳm mà gã - con ác quỷ dám khiêu khích đến cả trời xanh, luôn náu mình ở đấy, chờ đợi có tên nào đó xấu số lạc vào sẽ phải hứng chịu cảnh địa ngục hoan lạc đầy máu và thịt cùng gã suốt cả kiếp này. 

Nó cũng biết chẳng tốt đẹp gì, nhưng để tồn tại, và tồn tại để tìm kiếm lý tưởng sống trong cái thế giới đã mục rữa vì mê tín và đức tin lỗi lạc, nó chấp nhận sánh vai thành một đôi cùng cái gã mà nó mới quen chỉ vài ba phút. 

Vì ánh nhìn này là thứ nó đã chạm mắt ở giữa cuộc treo cổ phù thủy mấy hôm kia, ánh mắt sắc lẹm của loài quái vật hút máu cổ xưa mang tên "Ma cà rồng". Nó nghĩ, một suy nghĩ chắc nịch, rằng nó có thể nương tựa vào gã cho đến khi nó đủ lông đủ cánh để có thể nhấn cả gã vào biển lửa, vì nó biết Dostoyevsky cũng chẳng hề tốt đẹp gì. 

Ngày hôm ấy, kẻ chịu lời nguyền lạc lõng giữa kiếp người - Dazai Osamu ra đời hay nói đúng hơn là tái sinh. Nhưng có vẻ là hắn không hề cô đơn vì kế bên đã có con quỷ mắt tía - Fyodor Mikhaylovich Dostoyevsky kề cạnh. 

[ Em gặp ta vào một ngày trời 

Ngày trời xơ xác, chẳng giữ mảnh tình vơi

Nhưng em ơi, đừng đi mà hãy đợi

Đợi tim này chìm vào ánh đỏ lơi. ] 

- Thơ nghe buồn cười quá đấy ngài bá tước.

Gã cười mà không đáp, sánh vai bên cạnh cậu thanh niên có mái tóc bù xù đang càu nhàu cất bước, cùng chung một đôi tiến vào bóng tối vô tận. 

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro