Chương 1: Trở Về
Tháng mười năm 1954, Hà Nội hoàn toàn giải phóng, cô cũng lên đường trở về nhà từ Paris sau chín năm ròng xa quê. Trên boong tàu, bao quanh cô chỉ là màu xanh của biển cả, màu xanh của bầu trời, nhưng trong tim cô lại ánh lên một màu xanh của tự do, cô biết quê mình giải phóng rồi. Trận Điện Biên Phủ vừa qua đã làm chấn động cả giới quý tộc Pháp và có lẽ là toàn thể nhân dân của quốc gia hình lục lăng này. Lần đầu tiên một quốc gia thuộc địa lại làm nên chiến công hiển hách khiến cho thực dân phải hạ mình đầu hàng trước ta, quả thật là không dễ dàng gì.
Những ngọn gió biển thổi mát tâm hồn cô, nhưng chúng cũng làm cô nhớ lại những dòng hồi ức tuổi trẻ mà có lẽ từ rất lâu rồi cô chưa từng nhớ lại. Đó là bóng mát quê hương cô, dưới những tán cây xanh bên hè, là mái trường mà ngày ngày cô vẫn học tập và tám chuyện với bạn cùng lớp.
"Lúc đó thật vui biết bao" - cô nghĩ.
Trở về phòng, nhìn qua ô cửa sổ nhỏ cô lại thấy các chú hải âu bay lượn, chốc chốc lại vụt qua nhau, chúng vui đùa như những đứa trẻ - như cô mười mấy năm trước, nhưng chúng được tự do, còn cô lại sống trong một gia đình thương gia nổi tiếng là giàu có nhất vùng, do đó cô cũng chẳng mấy lần được như những chú hải âu ấy.
Mãi lo suy nghĩ, cô chẳng biết tay mình đã vô thức cầm lấy phong thư của Trần Minh Hoàng gửi cho cô mười năm trước - trước khi anh gia nhập vào mặt trận Việt Minh. Cô nhẹ nhàng mở phong thư ấy ra, dẫu đã qua một thập kỉ nhưng nó vẫn chẳng có gì là cũ kỹ bởi vì cô luôn mang theo nó bên mình và bảo vệ nó như sinh mạng. Bức thư bên trong được viết trên giấy hạng sang mà Công ty Giấy Đông Dương làm ra, giá thành vô cùng đắt đỏ nên chất lượng vẫn như ngày nào. Mở tấm giấy được gấp làm tư ra, nét chữ vô cùng quen thuộc đã cuốn lấy sự chú ý của cô. Cô đã đọc đi đọc lại bức thư này đến mức mà cô có thể đọc nó lại một cách trôi chảy mà không cần nhìn.
Hà Nội, Tháng 7 năm 1944
Thân gửi Diệp Nhã Minh Nguyệt
Nhìn chữ như thấy người, mong em đọc hết bức thư này. Ta đã lâu không gặp, không biết sức khỏe của em dạo này như thế nào? Anh thật đau xót khi ta không thể gặp nhau vì thân phận anh thấp kém, nhưng tình yêu mà anh dành cho em thì anh tự tin rằng mình chẳng thua bất cứ ai trên đời này. Em biết không? Bọn thực dân thật quá đáng, bọn chúng coi dân mình như cỏ rác, nói giết là giết, nói đánh là đánh. Trong khi bên ngoài thế giới chúng luôn miệng hô hào Tự do - Bình đẳng - Bác ái thì đối với nhân dân các nước thuộc địa, sáu từ ấy chỉ dành cho dân của chúng mà thôi. Chúng muốn đồng hóa nhân dân mình, muốn dân mình quên đi nguồn gốc mà từ ngàn xưa ông cha ta đã gây dựng. Anh không thể trơ mắt nhìn dân mình khổ sở kiếp nô lệ như này mãi được, anh thấy rằng mình cần làm gì đó cho đất nước thời đại loạn lạc này. Nói đến đây, anh chỉ mong em sống một cuộc đời vui vẻ trong một đất nước tự do mà không phải chịu bất cứ sự bóc lột nào. Anh yêu em, một đời này sẽ chỉ yêu mình em. Anh không thể nói trước rằng trên đường đời này bao giờ ta sẽ lại trùng phùng, bao giờ sẽ lại được bước bên nhau như năm tháng đã từng, chỉ biết rằng em yên vui, hạnh phúc thì anh cũng sẽ cảm thấy như vậy. Khoảng thời gian bên em là lúc anh hạnh phúc nhất, em hãy cười nhiều lên nhé! Cười thay phần anh nữa, vì nụ cười của em sẽ tiếp sức cho anh trên con đường gian nan phía trước. Thôi thì thư cũng đã dài, cuối lời, gửi đến em cái ôm của anh, mong em một kiếp bình an. Nếu có thể, ta sẽ gặp lại nhau vào lúc bình minh của đất nước.
Nghìn nhớ,
Trần Minh Hoàng
Không biết từ bao giờ, nước mắt đã ước đẫm mi cô. Cô nhẹ nhàng gấp lá thư lại và đặt vào trong phong thư. Kể từ sau bức thư này, mọi việc diễn ra nhanh đến mức cô không kịp nhận thức. Cách mạng tháng Tám diễn ra vào năm Ất Dậu, rồi sau đó nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhân dân đã giành được chính quyền về tay mình, khắp cả nước rợp bóng cờ đỏ sao vàng. Nhưng đây chỉ là khởi đầu cho một trận chiến khốc liệt mà sau này nó sẽ đi vào lịch sử Việt Nam, lịch sử thuộc địa và cả lịch sử thế giới. Đánh một đòn chí mạng vào hệ thống thuộc địa của thực dân phương Tây.
Còn anh, kể từ sau bức thư ấy thì bặt vô âm tính, cô chẳng thể tìm được anh dù đã thử đủ mọi cách, sau đấy cô được biết là anh nay đã trở thành một đại đội trưởng của Trung đoàn thủ đô. Nhưng cô biết cũng đã muộn vì sau khi chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập thì cha mẹ cô đã đoán trước được chắc chắn Pháp sẽ quay trở lại và thủ đô sẽ rơi vào cảnh loạn lạc đạn pháo nên sớm đã đưa cô sang Paris định cư tránh sóng gió.
Lần này cô trở về nhà cũng là để tìm anh, chín năm nay cô vẫn một lòng yêu anh mà không hề phai nhạt. Năm đó khi đọc được bài báo ở Pháp về trận đánh ở Hà Nội, cô lần đầu tiên cảm thấy thế giới của mình sụp đổ, vì trên báo ghi rằng quân ta đã có nhiều chiến sĩ hy sinh, trong đó có nhiều thanh niên trẻ, đặc biệt trong bức hình được đính trên báo, cô nhận ra một người rất giống anh. Giây phút ấy cô ngỡ mình đã mất anh rồi, ròng rã một năm sau đó, cô như một cái xác không hồn, cha mẹ chỉ biết ngày đêm cầu nguyện cho cô.
Thế rồi sau đấy cô cũng dần bình phục - chỉ là cô không hoạt bát như trước kia nữa, ai hỏi thì cô trả lời còn không thì cô sẽ trốn trong phòng thơ thẩn nhìn ra thủ đô cổ kính của nước Pháp, nhìn từng chiếc xe đi qua, nhìn từng cặp đôi cùng nhau dạo phố và hẹn hò ở các quán cafe đầy sang trọng.
Cô cứ mãi như vậy cho đến khi hiệp định Geneve được kí kết, trao trả độc lập cho ba nước Đông Dương và Pháp phải rút quân về nước. Suốt khoảng thời gian này trong tiềm thức của cô luôn có một niềm tin rằng anh vẫn còn sống, và việc đất nước độc lập đã trở thành một tia sáng soi rọi con đường tăm tối mà cô vẫn luôn chìm đắm trong nó. Tháng trước, cô lên tàu trở về Việt Nam, mang trong mình tình yêu cháy bỏng với anh, và cũng là vì lời nói trong thư "Ta sẽ gặp nhau vào lúc bình minh của đất nước".
Gạt đi nước mắt, thời gian kể từ khi cô bắt đầu cuộc hành trình đã là hơn một tháng, có lẽ tàu đã sắp đến cảng Hải Phòng. Nhìn ra cửa sổ, cô đã thấy bóng dáng của quê hương mình, thì ra tàu đã gần cập cảng rồi. Cô nhanh chóng thu dọn hành lý, thay cho mình bộ áo dài đẹp nhất mà cô đã may ở Pháp.
Cô đứng trước gương, tay nhỏ nhanh nhẹn búi cao tóc mình lên, mang sợi dây chuyền ngọc trai mà Mẹ đã cho cô trước khi cô lên tàu, một cái mũ vành rộng kiểu Pháp đã phần nào tôn lên sự quý phái của cô khi kết hợp với chiếc áo dài truyền thống. Lúc này trông cô không khác gì một quý cô người Pháp sang trọng mà cô thường hay thấy ở trung tâm thủ đô Hà Nội khi cô còn nhỏ.
Một lát sau, tàu dừng hẳn. Cô rảo bước trên hành lang đi qua những căn phòng trên khoang hạng nhất của tàu, chẳng mấy chốc cô đã có mặt trên boong tàu. Đứng trên boong, cô nhìn ra cảng Hải Phòng, nơi đây vẫn còn bóng dáng của các sĩ quan Pháp và quý tộc người Pháp, người đi kẻ lại, một số thì bận bịu thu dọn đồ đạc, một số khác thì lại tranh thủ vơ vét những gì còn vơ vét được trước khi rút về nước.
Dù Hà Nội đã được giải phóng, nhưng xem ra Hải Phòng vẫn còn phải chờ thêm một thời gian nữa mới thoát khỏi ách nô lệ. Điều đó cũng dễ hiểu vì trong hiệp định Geneve đã ghi rõ là Pháp sẽ rút quân trong 300 ngày. Công nhân nơi này cũng khác nhiều so với trước, họ không còn cúi đầu phó mặc cho sự sắp đặt của quan Tây, mà giờ đây họ dám ngẩng cao đầu mà nhìn vào mắt bọn chúng.
Xa xa là bóng các dãy nhà với kiến trúc Pháp, mang trong mình màu sắc cổ kính của thời đại, những tòa nhà ấy xây dựng cách đây cũng vài chục năm rồi. Đa phần những tòa nhà trong các dãy nhà ấy là của các công ty thương mại, vận tải biển, là các văn phòng cảng vụ hoặc các cơ sở dịch vụ của hoạt động hàng hải.
Chúng vẫn đứng sừng sững dẫu cho đạn pháo đã tàn phá nơi đây không ít. Nhìn sang xung quanh, cô thấy nơi đây vẫn nhộn nhịp như ngày mà cô ra đi, xung quanh là các con tàu chở hàng từ nước ngoài vào nước ta buôn bán, các cột khói cao vời vợi thẳng lên bầu trời, mặt biển xanh mát với những cơn sóng cứ từng đợt lại đập vào bờ tạo nên những bọt nước trắng xóa.
Bên dưới rộn ràng bao tiếng nói cười, tiếng dỡ hàng của những người công nhân làm việc ở cảng biển. Xung quanh họ là những thùng hàng mới được đem xuống từ tàu và sẽ chuẩn bị được chuyển sang các kho hàng gần đây. Ánh nắng chói chang của một buổi sáng lập đông tháng mười rọi xuống nơi cô đang đứng, cô biết rằng ánh nắng này không đơn thuần là nắng của một buổi sáng bình thường, mà là ánh nắng của một buổi sáng độc lập và tự do.
Cô khẽ nhắm mắt lại, dang hai tay ra và ngửa mặt lên trời như đang tận hưởng ánh nắng quê hương mình, mặc dù điều đó khiến cho hành lý trong tay cô suýt rơi xuống. Cô vẫn đang xếp hàng chờ tới lượt mình đi xuống tàu, trước mặt cô là bốn người trông có vẻ là người ngoại quốc, họ mặc trên mình trang phục của giới thượng lưu, cô đoán rằng họ tới đây để rước người thân mình về nhà sau khi Pháp hoàn toàn rút về nước. Không lâu sau, cô cũng bước trên từng bậc thang để xuống tàu, khi đặt chân lên mặt đất, cô liền bị bất ngờ vì nơi đây đã thay đổi rất nhiều so với ngày cô sang Pháp.
Ngay đối diện tàu là các xe kéo ngồi chờ khách. Cô ngoắc tay kêu một chiếc xe kéo của một bác trung tuần, tuy không còn trẻ nhưng dáng của bác vẫn nhanh nhẹn, không bao lâu xe đã đến trước mặt cô. Cô vén tà áo dài để ngồi lên xe, hành lý được cô đặt dưới chỗ gác chân. Bác kéo xe cho xe chạy và nói:
- Ra ga Hải Phòng đúng không cô gái?
- Vâng ạ, nhưng mà làm sao bác biết?
- Nhìn cô mặc áo dài là tôi biết cô từ nước ngoài về nước rồi, gần đây nhiều người về lắm mà đa phần là để đi Hà Nội nên họ hay gọi tôi để đi ra ga Hải Phòng mua vé tàu mà ra đó thôi.
- Vì sao mà nhiều người về thế ạ?
- Bộ đội ta tiếp quản Hà Nội rồi! Mới ngay mồng mười tháng này thôi, thủ đô giải phóng rồi thì họ về thôi cô ạ!
- Thật tốt bác nhỉ?
- Đúng vậy cô ạ! - Bác kéo xe nhìn ngó xung quanh rồi hạ giọng nói - Đáng đời bọn thực dân, tự cao ngạo mạn là thế mà bị ta đánh cho tơi bời ở Điện Biên Phủ!
- Nhưng tại sao Hải Phòng vẫn chưa được giải phóng thế bác?
- Thời hạn cho Pháp rút quân hoàn toàn khỏi Việt Nam là tận 300 ngày, cho nên Hải Phòng xem ra vẫn sẽ còn lộn xộn cho tới tháng 4 tháng 5 năm sau đấy. Nhưng tinh thần bọn quan Pháp ở đây đã rệu rã cả rồi.
Xe vẫn chạy, cô cảm thấy trong mình một sự tự hào khó tả, cô tự hào về đất nước, về bộ đội, về nhân dân ta – mà trong đó có anh. Hai bên đường cây xanh vẫn rợp bóng, xe kéo chạy đi chạy lại nhộn nhịp cả con đường, ngoài ra bên kia đường còn có những quán ăn Việt Nam mà từ lâu rồi cô chưa có dịp thử lại. Đường phố đầy những tiếng rao bán đồ, tiếng xe ô tô chạy và tiếng xe kéo.
Trông qua thì nơi đây đã khác với năm xưa nhiều, mặc dù chưa hoàn toàn giải phóng nhưng đâu đó trong lòng của từng người dân đã rực cháy một ngọn lửa tự do, chỉ chờ đến ngày bộ đội ta hoàn toàn tiếp quản thành phố là nhân dân đứng dậy hò reo ăn mừng. Đi được một lúc, ga Hải Phòng hiện ra trước mắt cô. Cho xe dừng lại ở trước cổng, cô đưa cho bác kéo xe một đồng Đông Dương và bác nhanh chóng trở về cảng.
Ga Hải Phòng mang trong mình vẻ đẹp của kiến trúc Pháp, một màu vàng sang trọng như các cung điện của vua chúa thời xưa. Bước vào trong cô đi ngay đến quầy bán vé, 15 phút nữa là 11 giờ trưa, cô hỏi:
- Chuyến tàu tiếp theo đi Hà Nội là mấy giờ thưa chị?
- 11 giờ cô ạ!
- Thế bao lâu thì tàu sẽ vào ga Hà Nội ạ?
- Có lẽ là vào khoảng 3-4 giờ chiều
- Lấy cho em một vé khoang hạng nhất đi ạ!
- 4 đồng Đông Dương nhé! – đoạn người bán vé đưa vé cho cô
- Em gửi ạ! – Cô cầm trong tay 4 đồng đặt lên bàn
- Chúc cô thượng lộ bình an!
- Dạ vâng em cảm ơn ạ!
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro