Mười bốn: Điển Lễ Thỉnh Tiên.
Ở Ly Nguyệt, Đình Sương có thể được hình dung là một người sống cầu kỳ. Cầu kỳ, nghĩa là người đặc biệt chú ý tiểu tiết và có tiêu chuẩn bắt buộc đối với một số thứ nhất định. Tỉ như xem kịch sẽ chọn lựa các vở cùng diễn viên tốt nhất, hay trà phải dùng loại thượng hạng mà tuân thủ từng bước pha mới uống hớp thứ ba. Thực tình mỗi người đều sẽ có sự cầu kỳ riêng. Song Đình Sương lại cầu kỳ với gần như mọi thứ, một phần là nhờ gia thế hiển hách nuôi thành.
Đối với ẩm thực, cậu chủ Đình cũng được cho là khó tính và kén chọn. Nhưng thay vì chỉ dẫn đầu bếp thế này thế nọ, cậu sẽ trực tiếp xắn tay vào bếp. Yêu cầu của cậu chỉ là: thịt gia cầm phải có vị như thịt gia cầm, thịt cá phải có vị như thịt cá, củ quả không thể tính là rau, và đặc sắc của món như nào phải giữ nguyên thế nấy. Trong bếp phải đầy đủ tất cả các loại gia vị, nguyên liệu đảm bảo chất lượng tươi, ngon, bổ; còn các dụng cụ nên làm sạch, mài bén tất và sẵn sàng bất cứ khi nào cần.
Đấy chỉ mới là những điều cơ bản nhất. Kể ra đã khiến người ta vừa đồng tình vừa khiếp đảm làm sao. Thậm chí có người từng bảo nếu không tiếp quản cơ nghiệp của gia đình, Đình Sương khéo có thể lên đầu bếp chuyên nghiệp.
Cậu chàng chẳng mấy khi sáng tạo của lạ đến ngưỡng kỳ quái như truyền thống Vạn Dân Đường, càng không muốn động chạm vào lòng tự tôn của đầu bếp ở phủ Thường Xuân. Từ nhỏ cậu đã ưa tự nấu tự ăn, sau này dọn ra ở một mình càng được vậy. Với món măng chua tươi yêu cầu sự tỉ mỉ và kiên nhẫn để nấu, cậu vẫn rất vui lòng chờ đợi lửa riu hơn ba tiếng đồng hồ để cho ra thành quả tốt nhất.
Chỉ khác là lần này cậu không phải đợi một mình.
Có lẽ vì tập trung nấu, vì hương thơm món ăn vấn vít đầu mũi, hoặc vì đương tranh thủ thời gian chờ đợi để nghĩ đôi chuyện vẩn vơ mà Đình Sương mãi mới nhận ra sự tồn tại của ai đó nơi cửa.
– Ngài Tiêu ạ?
Tiêu khoanh tay, thong thả dựa người vào tường ngắm nhìn cậu trai loay hoay trong bếp bấy giờ mới ừ một tiếng.
Rồi xem cậu nở nụ cười mà anh thích nhất.
– Em mong ngài mãi.
Trái với chủ nhà, người trời như Tiêu chẳng hề hứng thú với ẩm thực và bếp núc.
Sẵn gì ăn nấy, chứ việc chờ đợi thức chín quả là phiền.
Vậy nhưng nếu là đứa nhỏ này, anh đứng bên quan sát lại chẳng bao giờ chê bai. Đình Sương biết được điều này từ đợt Tết phải vào bếp nấu xôi; Tiêu trông cậu bày ra đủ thứ để tạo màu tạo vị cho xôi thì buột miệng thắc mắc, để rồi nghiêm túc nghe cậu giảng giải dù bản thân chẳng vào bếp bao giờ.
Vả chăng chẳng cần nhớ những kiến thức vụn vặt ở trần gian, anh chỉ cảm thấy thú vị bởi dáng vẻ thoăn thoắt mà say mê trong gian bếp của cậu trai nhà mình. Đàn ông con trai khi vào bếp có cái duyên rất gợi; tay chỉ lau đi mồ hôi trên trán vẫn cuốn hút đến lạ. Liệu đầu bếp ở Vọng Thư có như vậy khi nấu nướng? Tiêu không biết, cũng chưa từng nhìn đến gã ta.
Anh chỉ nhìn cậu.
Măng nấu để lửa liu riu, dù đậy nắp vẫn ngậy hương thơm nhỏ dãi. Vì còn phải chờ khá lâu nữa, Đình Sương tranh thủ làm việc khác. Cậu trai đánh tiếng với Tiêu, sau đó thả hai ổng tay áo xuống mà bước sang gian phòng bên kia. Tiêu chớp mắt, rồi cũng lẽo đẽo theo cậu đến trước kệ tủ trưng đầy đồ chơi.
Và đúng như dự đoán của cậu chủ Đình, Tiêu hoàn toàn không có ký ức gì về cô bé La ở Khinh Sách Trang. Thuận tiện nên giúp, anh luôn nói vậy. Để rồi giờ đây nhìn con chim bông mà hoàn toàn cạn lời.
Anh bảo cậu chủ nhà giữ lấy. Đình Sương vốn chẳng định nài ép chỉ gật đầu đồng ý, để chú chim bông trở lại vị trí ban đầu. Và sau này, nó sẽ được cậu trai đặt lên hẳn đầu giường cho xem.
Anh nhìn từ dưới lên cả kệ đồ chơi, thấy lạ vì chưa từng có đứa trẻ nào khác ghé nhà cậu trai, mà cũng chưa thấy chủ nhà bày ra chơi bao giờ. Chúng vẫn còn mới, hoặc luôn được lau chùi cẩn thận cùng với ngôi nhà này; đa số là đồ chơi truyền thống nước mình và đồ chơi trí tuệ từ Sumeru, Fontaine. Đình Sương bảo bản thân sưu tầm cho vui, Tiêu không có ý kiến.
Vậy nhưng khi ánh nhìn đáp đến một món nằm ở vị trí cao nhất, anh đã mở to mắt chừng vài giây. Sau đó đè nén cảm xúc phức tạp, hỏi.
– Đình Sương, kia là...
– Dạ?
Cậu trai không thể biết đối phương đang chỉ đến thứ gì, nhướng mày khó hiểu. Tiêu đành nuốt xuống ngụm nước bọt, nói thẳng ra.
– ... đầu tủ kia là Nham Vương Đế Quân à?
Ngữ điệu của anh hơi khiến cậu nhỏ đương yên cũng dâng chút căng thẳng.
Là tiên nhân phụng sự vị thần cai quản tổ quốc, hẳn anh hơi nhạy cảm đối với món đồ vô tri vô giác nhưng tạc theo hình tượng của thần linh trước mặt.
– Dạ vâng, hồi đó tượng đất sét Nham Vương Gia nổi lên trong cả giới kinh doanh chúng em. Tương truyền nếu để vị Thần Thương Nghiệp này gần mình sẽ như được nhắc nhở về công việc, đồng thời cầu chúc thượng buồm xuôi gió. Bên em đưa về nhiều, hầu hết mọi người đều sở hữu. Riêng em đã nghỉ ngơi nhưng vẫn muốn giữ lại ạ.
Các tiên nhân thường gọi thần mình là Đế Quân, còn người dân Ly Nguyệt thích ba tiếng Nham Vương Gia thân thương nhất. Thần Thương Nghiệp, Thần Khế Ước, Thần Lịch Sử hay Long Thần đều chỉ một mình vị thần linh cai quản Nham quốc này. Mà đối với Tiêu, ngài ấy còn là ân nhân giải thoát bản thân khỏi luân hồi bể khổ, thề chết cũng dâng hiến tất cả vì người trên. Nếu cả gan bất kính với Đế Quân, bất kể là ai Tiêu cũng tuyệt đối không tha thứ.
Ấy là kể cả Đình Sương.
Song, Đình Sương nào có cái gan đấy. Bởi đúng như cậu nói, món đồ này được chế tác tỉ mỉ như bằng cả tấm lòng của nghệ nhân, và dù đặt ở vị trí cao nhất thì chủ nhà cũng luôn chắc chắn không vương hạt bụi nào lên tượng.
Tiêu ban đầu sững người vì thấy ngài được đặt ngang hàng với bao đồ chơi khác, nhưng có lẽ hiếm khi qua lại với nhân gian mới vậy. Bởi nếu là Đế Quân mà mọi người đều biết còn sẽ gật đầu tán thưởng sự sáng tạo của con cháu đời nay đấy chứ.
– Được rồi, ta chỉ hỏi vậy thôi.
Qua hết mấy giây mà thấy đứa nhỏ này vẫn im lặng, Tiêu nhẹ giọng hơn.
– Ta tin vào nhân cách của cậu, Đình Sương. Đừng để bụng dạ về phản ứng ban nãy của ta mà ăn uống mất ngon. – anh hơi ngừng lại. – Cậu không xuống bếp trông thức ăn nữa à?
Đình Sương bấy giờ mới tươi tỉnh hơn, đầu gục gặc đồng ý với anh. Sau đó cậu hỏi.
– Ngài sẽ ở lại dùng bữa cùng em chứ ạ?
– Đến cũng đến rồi.
Cậu mỉm cười trở lại bếp. Nhớ khẩu vị của ngài Tiêu theo lời kể của Ngôn Tiếu thiên về nhạt và ngọt, Đình Sương quyết định thay ớt tuyệt vân thành kỷ tử, giúp cho món măng chua không cay mà vẫn giữ được sắc đỏ tươi.
Cậu thích nấu ăn và có khiếu nấu. Tuy bề ngoài thư sinh nhã nhặn là thế, chứ bản tính cầu kỳ và hơn thua của con trai trong cậu vẫn có; không lý nào cậu lại kém hơn anh em đồng môn được? Có thể ngài Tiêu đã quên béng hôm nào còn bảo bản thân không thích đồ ăn của loài người để từ chối, nhưng người nghe là cậu vẫn luôn ghi lòng tạc dạ tận bây giờ. Hôm nay cậu có thể nấu món măng chua tươi mà ngài vẩn vơ nhắc qua một lần, tuyệt không động đến đậu hũ hạnh nhân trừ phi chính ngài bảo cậu nấu.
Hết sức trẻ con.
Một bàn hai chén cơm, để giữa là phần măng to to và râu ria mấy món cho thêm vị. Hai người không có thói quen vừa ăn vừa nói nên bữa này diễn ra khá yên tĩnh.
Tiêu ngô nghê, thêm nữa hiếm khi ngồi cùng bàn với người khác, dù đồ ăn rất ngon vẫn chỉ gắp chút ít, và chỉ một chén đã thôi.
Chủ nhà tự nấu, tự ăn rồi tự dọn. Đồ ăn dư nhiều, rửa dọn tính ra chỉ có hai phần chén đũa với đôi ba đồ gia dụng trong bếp. Tiêu ăn xong biết ý chưa đi vội, vẫn ngồi tại bàn gọt sẵn trái cây đến khi cậu trai xử lý xong xuôi trở vào.
Nhìn đôi tay áo đã lại xắn lên khuỷu giờ đây vươn ra lấy miếng lê vàng bỏ miệng ăn, vị khách quý này càng có cảm giác gần gũi. Nhưng anh biết bản thân không nên dựa dẫm chốn yên bình này thêm nữa, đành đứng lên nhẹ giọng.
– Cảm ơn cậu vì bữa cơm, ta phải đi rồi.
Đình Sương đang nhai thì một tay che miệng, một tay ra ý đối phương đợi mình.
– Em quên chưa bảo, bắt đầu từ cuối tuần này em sẽ về thành một thời gian ạ.
Rất tự nhiên đã có thói quen báo cáo đường đi nước bước với anh.
Tiêu có chút ngạc nhiên.
– Dạo này cậu có vẻ đi đi lại lại nhiều.
– Dạ, mấy tháng đầu năm là vậy mà. – cậu cười. – Đợt này em về còn vì Điển Lễ Thỉnh Tiên Thất Tinh sắp tới.
Tiên nhân như Tiêu không quá am hiểu về cuộc sống của người trần, nhưng với lễ lớn thứ hai ở Ly Nguyệt thì không thể không biết.
Điển Lễ Thỉnh Tiên Thất Tinh là lễ chỉ tổ chức một lần mỗi năm, và đã luôn kéo dài truyền thống suốt ngàn năm nay ở Ly Nguyệt.
Từ xưa, dân chúng đã luôn lựa chọn ngày đẹp nhất trong tháng lành nhất để cử người nghênh đón thần linh. Bởi vậy mà hằng năm, Nham Thần sẽ đích thân giáng thế và ban sấm truyền, cũng là răn dặn con dân của ngài. Ngoài cảnh báo tai ương, chúng còn là những lời tiên tri cùng hướng dẫn quý giá đối với thị trường ở Nham quốc. Sau này, Thất Tinh chịu trách nhiệm đứng ra chủ trì buổi lễ và giao tiếp với thần, rồi dùng cách dễ hiểu nhất để truyền đạt chỉ dụ đến toàn dân.
Nói chung đây là khoảng thời gian quan trọng quyết định phát đạt cả năm đối với thương gia Ly Nguyệt. Thân là gia chủ, Đình Sương luôn trở lại thành và trực tiếp tham dự buổi lễ để dễ bề hỗ trợ em trai cho đến khi ổn thoả.
Tức là thời gian tới họ sẽ không gặp nhau.
Tiêu ừ một tiếng ra chiều đã biết. Song nghĩ ngợi một lúc thì bảo Đình Sương đứng yên, còn bản thân dùng ngón tay vẽ chữ trước trán cậu trai của mình.
Anh hành động nhanh lại không chạm hẳn vào da, khiến cậu sau đấy chỉ kịp hoàn hồn khi đối phương nhẹ nhàng thốt lên từ: "Ấn".
Đình Sương chấm hỏi đầy đầu, đưa tay rờ trán mà không nhận thấy gì khác.
– Ta để lại Ấn Hàng Ma lên cậu, chỉ có tác dụng một thời gian. – anh giải thích. – Thời điểm Đế Quân giáng thế, tình hình tàn dư bên ngoài sẽ tương đối phức tạp. Vốn ở trong thành gần như không phải lo nguy hiểm, nhưng xem ra thế gian cũng có đủ loại phiền toái riêng.
Cảm giác Tiêu đang ám chỉ lần đụng độ với Đạo Bảo Đoàn khi trước.
– Cậu hiểu thứ này như lá bùa tiên ông bà mình dán trong nhà này là được. Nó có tác dụng xua đuổi tà ma, đồng thời cho ta hay nếu cậu gặp chuyện bất trắc.
Rồi anh khẽ thở ra.
– Đường dài đến chốn lao xao, nhớ cẩn thận một chút.
Tay rờ trán hạ xuống che miệng, Đình Sương phía sau không nhịn được cười toe toét. Chỉ là nghe ngữ điệu của người đối diện nghiêm túc đều đều, cậu chàng đành lúng búng vâng ạ hai tiếng, giấu đi tiếng lòng thật sự của mình vào trong.
Mỗi ngày, em lại như thích ngài nhiều hơn nữa.
***
Ngồi trên xe đệm nhung, cậu chủ, à không, ông chủ Đình gia nhắm mắt tịnh dưỡng suốt đường đi mới chợt hé mắt ra khi cảm giác đã sắp đến. Và quả thực chỉ cách hai ba phút sau, phu xe đã lên tiếng báo qua lớp rèm.
– Thưa ông, ta sắp đến cổng thành rồi ạ.
– Ừm, qua cầu thì để tôi xuống.
– Dạ.
Qua cầu lớn được trấn giữ hai bên bởi Thiên Nham Quân là cổng vào phía bắc.
Từ bên ngoài đã bắt đầu nghe tiếng thành đô sầm uất. Xe ngựa dừng lại, tiếng gác trạm vang lên, rồi xe lại tiếp tục di chuyển chừng một khắc mới có tiếng cửa mở ra. Âm thanh nhộn nhịp nhảy nhót vào tai người ngồi trong. Đình Sương lướt qua bàn tay đỡ mình mà trực tiếp bước xuống, sau ra hiệu bản thân từ giờ sẽ tự đi một mình.
Xe mang hành lý rời khỏi, Đình Sương mới chậm rãi bước vào nơi mà bản thân đã sinh ra và lớn lên này. Cảng Ly Nguyệt là cội nguồn vinh hoa phú quý của con dân Thần Khế Ước. Mỗi lát gạch và ngói nhà xây nên là mạch máu, mà phố cảng ôm trọn chính là cả trái tim, được phép giẫm lên chúng mỗi ngày để tìm kiếm ấm no là những người con thần linh thương yêu nhất.
Người nước ngoài đến để làm ăn hay đơn giản chỉ hứng thú với sự giàu đẹp của Ly Nguyệt sẽ khó có cảm xúc tương tự hạt giống sinh nở từ đây, tuy nhiên chính cái bồi hồi khi lần đầu được nhìn thấy thế nào là sự tự hào bậc nhất của Nham Thần cũng khó sao so sánh được. Dòng người đổ xô từ cửa bắc, thuyền lớn cập về từ mọi nơi, ấy là từ cổng vào đã nghe đâu đâu cũng là hàng người nô nức: nào rao bán, nào trầm trồ, hoặc nào chỉ lặng lẽ xuôi theo dòng chảy mà đi.
Hai tháng trước vừa về đón lễ đầu năm, Đình Sương không trào dâng xúc cảm gì đặc biệt. Cậu đi, chỉ dựa vào gậy dò vật cản và ký ức mà đi qua mọi cung đường lắt léo nhất.
Gia chủ về đến nhà, gia nhân mừng rỡ ra đón.
– Mừng ông chủ về nhà. Cậu Vũ hiện đang dùng bữa với thương gia họ Tạ, dặn tôi ra đón ông.
Quản gia tên Lục, theo Đình gia từ thời Đình Đăng Nghiêm còn sống. Ông Lục quán xuyến nhiều việc trong phủ và tận mắt trông anh em Sương Vũ lớn lên để lần lượt tiếp quản gia nghiệp, theo nghĩa nào đó cũng là người thân. Đình Sương gặp ông mới nở nụ cười đầu tiên trong ngày.
Phủ Thường Xuân ngói đỏ tường cao toạ lạc gần trung tâm, hay sao nhờ sân vườn rộng cùng cây cối xanh tươi đã cản bớt náo nhiệt bên ngoài. Bước vào hầu như chỉ còn tiếng chim quý trong lồng treo thánh thót thưa. Người nhà họ Đình tư tưởng truyền thống nhưng xưa giờ không thích sống phô trương; mỗi thành viên đều chẳng cần ai lẽo đẽo bưng cơm rót nước, nhất là đến thời anh em Sương Vũ, phủ từ đấy cũng chẳng nhiều người theo hầu hạ.
Hai người vừa đi, vài gia nhân chớp thấy ông lớn chỉ dừng lại cúi đầu đúng lệ rồi quay về việc dở. Có người trộm nhìn góc nghiêng ông lớn hai năm trở lại chỉ thỉnh thoảng quay về, cảm giác đối phương từ xa vẫn ôn hoà như ngày đầu mình vào làm ở phủ.
Ông Lục theo sau nói qua mấy việc quan trọng cũng xin lui dặn dò đầu bếp chuẩn bị bữa trưa khi chủ bước đến cầu thang lên lầu.
Rồi ông cụ hơi ngừng lại để nhìn lên bức tranh lớn trên chiếu nghỉ.
Bức tranh về bốn người Đình gia.
Bức tranh mà cậu Vũ đã cho người vẽ lại hạnh phúc vốn dĩ của gia đình mình, khi ngồi giữa cha mẹ và hai anh em trưởng thành đứng hai bên.
Phủ Thường Xuân quả thực là hào môn cao quý, mà ông chủ Đình Đăng Nghiêm là người tài cùng nghĩa khí không sao chê được. Khi trước ông lấy giai nhân tên Tịnh Thi về làm vợ, có được hai cậu con trai thông minh sáng sủa lần lượt là Đình Sương, Đình Vũ. Đình Đăng Nghiêm nuôi dạy con nghiêm khắc nhưng không kém phần yêu thương. Ông vốn đề cao đủ văn võ và đức độ, song con trai cả sức khoẻ kém cũng chẳng bắt ép nó tập kiếm cưỡi ngựa như em. Đình Sương từ nhỏ chỉ tập trung vào việc học, dần còn được cha đưa theo khi xã giao, định sẵn tương lai sẽ quản lý cơ nghiệp của nhà mình.
Thừa Hoà là thương hội đảm nhận chính về nông nghiệp, đồng thời tận tụy trong việc giao thương các tài nguyên phong phú với láng giềng như Thảo quốc. Là một trong những móc nối quan trọng của Ly Nguyệt, người mang họ Đình dĩ nhiên cũng thành tấm gương mà nhiều người noi theo, học hỏi.
Song, có người noi gương chỉ thấy gương mặt khắc khổ của chính mình.
Điều này bắt đầu từ khi Đình Đăng Nghiêm cưới Tịnh Thi về làm vợ.
Sống trong gấm lụa, nhưng cha Tịnh vẫn chỉ là dân buôn, sau này có đứa con gái đặt tên Thi có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành mới bắt đầu sang trang khác. Tịnh Thi đẹp đến độ được nhiều người ví mình là giai nhân Bắc Nguyệt. Nguyệt trong Ly Nguyệt, trăng trong ánh trăng chỉ ngắm chứ chẳng thể với đến. Bởi nét đẹp của bà cứ luôn buồn mang mác, tính tình lại trầm lặng, rất xứng để vẽ tranh và làm thơ trữ tình.
Mà bông hoa buồn khi cười sẽ lại xinh đẹp hơn bất kỳ thứ gì trên đời. Đình Đăng Nghiêm nhỡ một lần nhìn thấy bà cười mà hôm sau liền muốn thưa chuyện với cha Tịnh.
Tịnh Thi về làm dâu Đình gia, sinh ra đứa con đầu thừa hưởng đường nét thanh tú, khuôn miệng đẹp và tâm hồn nhạy cảm y hệt mẹ.
Nên họ đều để ý sự ganh ghét từ người khác dành đến mình.
Cuộc sống của người dân Ly Nguyệt càng phát triển, song là đâu cũng sẽ có những con người không được thần linh ghé mắt xót thương.
Vậy thì họ phóng ngược ánh mắt khinh khỉnh đến những kẻ may mắn hơn mình. Cớ gì da họ trắng còn mình đen bùn đồng ruộng? Cớ gì tiền họ nhiều còn mình không đủ cái ăn? Cớ gì mặt họ đẹp còn mình phải cắm xuống đất để kéo xe cho họ? Ngồi xe đệm êm sung sướng quá nhỉ. Có cái mặt nên được gả vào hào môn. Sinh được đứa con trai nhưng ẻo lả và đáng khinh quá!
Tiên nhân Dạ Xoa chịu đủ lời oán than từ yêu ma dưới mũi thương. Còn con người mà anh bảo hộ lại oán trách đời nhau hoài.
Thằng nhóc lang bạt đầu đường xó chợ như Ngôn Tiếu vì chịu ảnh hưởng từ xung quanh mà cũng từng định kiến với hai cậu công tử họ Đình. Đâu biết chính Đình Sương cũng nhạy cảm mà khó xử khi em trai dẫn gã ta vào tận nhà. Chỉ có Vũ đầu óc đơn giản, gắn kết được hai mối hiểu lầm này với nhau.
Ngôn Tiếu nhận ra không phải con quý tộc nào cũng đáng ghét, còn Đình Sương nhận ra có thể chứng minh được bản thân xứng đáng đến nhường nào.
Và quả thực, cậu rất xứng.
Ông Lục nhìn tranh rồi ngó đến bóng lưng của Đình Sương dần khuất sau cửa phòng, vô thức thấy hẫng đi một chút.
Chỉ là phải chứng minh trong hoàn cảnh đau lòng quá...
Phu nhân Tịnh Thi qua đời vì bệnh. Ba năm sau, ông chủ Đình Đăng Nghiêm mất ở quê người vì tai nạn trong công tác. Cậu chủ Đình Sương mười bảy tuổi lên chức gia chủ, kế thừa cơ nghiệp, nuôi dạy Đình Vũ mười lăm tuổi về sau sang Sumeru du học.
Đình Sương khiêm tốn bảo rằng có được ngày hôm nay cũng nhờ các quý nhân phù trợ. Song ông Lục biết nếu không có sự mạnh mẽ và kiên trì của cậu, e là chẳng quý nhân nào có khả năng giúp Thừa Hoà vẫn trên đà phát triển ngưỡng này.
Đứa trẻ giống mẹ, đa sầu đa cảm, nhưng trong đám tang cha lại không để chảy xuống giọt lệ. Chẳng rõ từ bao giờ nụ cười tươi vui hồn nhiên của nó đã dần hoà nhã mà ẩn ý như cha. Vai gầy mà vững cũng như cha. Chỉ là mãi không thấy gầy dựng được mái ấm như cha nó. Chuyện nối dòng đã có Vũ, song ông cụ thấy bóng dáng lẻ loi của cậu trai mù đến giờ vẫn chưa chịu nàng nào cũng đứt ruột.
Đình Sương khuyên ông đừng lo mấy lần vẫn vô dụng, nên cậu không nói nữa. Chuyện thích đàn ông và đã đem lòng thương ngài Hàng Ma Đại Thánh, Đình Sương không nói với ai ngoài em mình. Thiết nghĩ ông cụ mà biết chắc còn ngả ngửa ra mất.
Khép cửa phòng, cậu đi quanh kiểm tra một chút mới ngồi nghỉ.
Phòng của ông chủ Sương luôn luôn được quét dọn sạch sẽ, mỗi quyển sách trên kệ tuy ít được lật ra vẫn được lau không sót một vết bụi. Đình Sương tựa lưng vào ghế, nhớ đến gì mà vươn tay cầm lên bức tượng Nham Vương Gia thứ hai mình có trên bàn làm việc. Biết được người làm quả thực đã lau sạch bóng, cậu kéo môi cười.
Sáng ngày mai, buổi lễ thỉnh tiên sẽ chính thức tổ chức. Nay về phủ, cậu chàng hầu như chẳng cần động tay vào việc gì. Gõ vài nhịp lên mặt bàn, dần thấy mình rỗi đến mức dễ nghĩ ngợi lung tung.
Và thế, một dòng suy nghĩ bất chợt xuất hiện, không đầu không đuôi, lẳng lặng rơi xuống đỉnh đầu. Tưởng nhẹ mà mờ như nắng xuyên qua khung cửa, nhưng day dứt mãi kể cả là về khuya. Đình Sương hơi ngửa mặt ra, giả như nhìn thấy trần nhà đã ở hơn hai mươi năm, giả như thấy gia đình nhỏ của Vũ, giả như thấy lo lắng của ông quản gia Lục.
– Có lẽ đời này không thể kết hôn.
Giả như chưa gì cậu đã nhớ ngài Tiêu.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro