JG
Chúc mừng fanfic SakuMiyo đạt 999 lượt view!
Như các bạn đã biết (mà làm sao biết được :v ), tôi là fan "thâm tình" của bộ novel về các anh chưn dài mặc suit. Từ lúc tôi yêu thích và dấn thân vào fandom JG có lẽ đã được 2 năm 4 tháng. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể ngừng trash JG và đặc biệt là SakuMiyo. Tôi không biết một ma lực ngoài hành tinh nào đã khiến tôi kiên trì đến độ như vậy, vì thực ra tôi rất là mau chán.
Đôi khi tôi cần xem lại một vài câu thoại trên anime, hay lướt trên page Amak, hoặc thậm chí là trong fanpage lỗ mũi của tôi. Một số bạn nói bạn chẳng hiểu khúc đầu mấy anh nói cái giống gì cả. Mà không hiểu thì làm sao mà thích cho được? Cũng may cho tôi, lúc đó tôi cũng hiểu được đôi chút, vì thế tôi cảm nhận được phần nào sự thâm thúy của thầy Koji Yanagi. Sau đó, tôi tìm hiểu nhiều hơn và thấy người ta nhắc đến vấn đề này khá nhiều lần. Vậy là tôi hiểu ra thứ gì đã khiến Sakuma và các điệp viên có hai thái độ và hành động trái ngược nhau, dù họ đều là những thanh niên trong cùng một thời đại? Nó có ý nghĩa gì? Tôi xin được mạo muội trình bày với các bạn fan, lẫn các bạn chưa làm fan, sắp làm fan, có một cái nhìn khái quát về quan điểm của Koji Yanagi và ý nghĩa của chính Joker Game, và nếu bạn thích, tôi cũng đưa ra một quan điểm của bản thân nữa, nói là quan điểm của bản thân vì tôi vẫn chưa có chứng cứ nào chứng minh cho điều tôi sắp nói, nên các bạn có quyền không tin điều đó. (yên tâm đi, không phải ý kiến tiêu cực nào đâu)
https://youtu.be/5FRKK89vyng
( Joker Game anime trailer, bản dịch của nanyuechan )
"Sakuma vô dụng vờ lờ, suốt ngày ra rả cái mồm về mấy điều cổ hủ, đã thế còn chậm tiêu, đầu thì nho chỉ được cái tứ chi phát triển. Nói chung là làm cái gì cũng kém sang hơn mấy anh điêp viên đẹp trai bảnh bao."
Dù không biết các bạn cảm nhận thế nào, lý do là gì, nhưng, xin, làm ơn, đừng nghĩ Sakuma vô dụng, anh ấy là một nhân vật quan trọng để thể hiện quan điểm chính của tác giả. Nếu như tất cả các nhân vật đều là những anh chàng đẹp trai, tài giỏi, đi lòng vòng khoe mẽ kĩ năng, tôi thề rằng sẽ tắt ngay cái bộ phim này, ngay từ những phút đầu tiên.
Và, nó sẽ trở thành thứ kệch cỡm nhất mà tôi từng xem qua, nhà văn Koji Yanagi cũng không thể đoạt 3 giải thưởng văn học liên tiếp vào năm 2009 (Nihon Suiri Sakka Kyoukai Shou, Yoshikawa Eiji, Haruhiko Oyabu), anime sẽ không thể lọt top 12 anime hay nhất mọi thời đại do đài NHK bình chọn. (Tôi in đậm cái giải cho dễ đọc chứ không phải để khoe nghen). Mặc dù bản thân nó không phải như vậy, nhưng chỉ vì thiếu đi "thông điệp", bộ truyện đã thiếu đi ý nghĩa, mà thứ truyền tải thông điệp là gì vậy? Là cái chết của các điệp viên? Hay là bối cảnh chiến tranh thế giới thứ hai, khi mà Nhật Bản đang tung hô Chủ nghĩa quân phiệt? Hay có phải là "đức tin" mà các điệp viên luôn phê phán?
Không, các bạn không sai đâu, tất cả chúng chính là thông điệp.
Chỉ có điều, thứ liên kết và cô động tất cả những thông điệp đó, là sự tồn tại của một nhân vật mà luôn được vẽ chính giữa trong hầu hết các tấm poster - Sakuma.
Nếu các bạn đang mông lung lý do tại sao, tôi xin được giải thích một chút về những gì đang xảy ra với Nhật Bản ở thời Joker Game với những thứ kiến thức ít ỏi mà tôi tìm hiểu được, và nếu các bạn đã từng đọc truyện của các nhà văn sống trong giai đoạn cận-hiện đại. Bạn sẽ hiểu ngay vấn đề mà thầy Koji muốn thể hiện trong 「 Joker Game 」 .
( Không thì đọc cái này cũng được...:v )
.
1. Tại sao Sakuma lên án các điệp viên và cho rằng họ hèn nhát? Tại sao các điệp viên lại cười nhạo Sakuma và cho rằng anh ấy "mù quáng"?
Trong Tokyo Phoenix - The rise of modern Japan có nói về giai đoạn lịch sử này. Tôi xin được tóm tắt như sau:
Lục quân nói rằng giới trẻ ngày càng buông thả, vì thế họ tổng động viên tất cả nam giới vào quân đội, nhưng thực chất là đào tạo quân nhân chuẩn bị chiến tranh. Nhật Bản đang rất mạnh, rất phát triển, là Đế quốc, vì thế Nhật Bản muốn mở rộng lãnh thổ bằng việc đánh chiếm các nước châu Á khác. Nhật Bản lần này theo Đức, trở thành nước Chủ nghĩa quân phiệt, thời gian này, mọi người đều nêu cao tinh thần hi sinh và có một lý tưởng kiểu như... dâng hiến tất cả vì vận mệnh của đất nước. Họ tiết kiệm, nhịn ăn nhịn mặc, nam giới trẻ tuổi thì tham gia quân đội, và họ hát vang bài ca chiến thắng với một niềm tin bất diệt.
Nhưng mà học sử 11, các bạn cũng biết kết quả thế nào rồi. Sau khi Nhật Bản thua cuộc, người dân, đặc biệt là giới trẻ, cảm thấy lạc lõng và mất phương hướng. Họ trở thành người "vô thần", sa đà ăn chơi và chạy theo những trào lưu ngoại nhập (sống Tây hóa, nhảy đầm, đàn điếm, rượu chè, cờ bạc...). Nhà văn Kawabata, một người khá quen thuộc với chúng ta, đồng thời cũng là một phần của lịch sử ấy, cũng đã từng sống với nhiều lòng tin như thế, mặc dù lòng tin của ông có thể khác, nhưng, khi ông đánh mất nó, ông không thể nào chống đỡ được những mất mát đã luôn tích tụ, nỗi trầm uất ngày càng nặng dần dần dẫn đến kết thúc đời mình bằng việc tự sát, một việc mà trước đó ông xem thường. Đó có vẻ là minh chứng của "Sự sụp đổ lòng tin"trong xã hội Nhật Bản. (Xem thêm "Hồ" - tấm gương soi chiếu nỗi đau Nhật Bản của Trạm đọc).
Trong Novel tập 1 (dịch giả Kiều My, trang 37)
... - Miyoshi liếc nhìn Sakuma và nhún vai - ... cứ như một tôn giáo mới nổi vậy ạ. Nhưng chỉ cần rời khỏi tập đoàn kín bưng kia thì ý niệm đó cũng sẽ bốc hơi nhanh thôi.
...
- Kaminaga? Trung tá Yuki hỏi tiếp.
- Tôi đồng ý với Miyoshi, giả như Nhật Bản thua trận, hẳn là họ sẽ lập tức thay đổi đức tin 180 độ.
(Dám nói Nhật Bản sẽ thua trận ư...)
Lần này, Sakuma hoàn toàn câm lặng.
...
Tập đoàn kín bưng: những người chưa tiếp xúc với bất cứ hệ tư tưởng nào khác (chỉ nhất nhất tin theo một quan niệm đã được dạy sẵn). Tóm lại, là đại bộ phận người thời đó.
Rời khỏi: bắt đầu có cơ hội tiếp thu hệ tư tưởng khác. Chính là ra nước ngoài.
Bạn đã thấy những người tôi vừa nói bên trên giống ai chưa nào? Bingo! Sakuma đại diện cho tư tưởng của người dân Nhật Bản thời kì đó, lý tưởng của họ không gì ngoài dâng hiến tất cả vì đất nước. Còn các điệp viên, một số ít với một hệ tư tưởng mới ( tất cả bọn họ đều là sinh viên du học ưu tú/ con các người nổi tiếng hoặc giàu có,...) - một tư tưởng được gọi là "vô thần", đã nói đúng về kết quả của "vận mệnh đất nước" và "đức tin" mà Sakuma và những người khác vô cùng tin tưởng.
.
"Nếu có niềm tin đủ lớn, một cái đầu cá mòi cũng có thể trở thành thần" (bản anime)
Nhưng "đức tin" hay "niềm tin" mà Miyoshi đang nói đến là gì vậy? Cái điều mà quân nhân nào cũng có nhưng điệp viên cục D lại hoàn toàn bác bỏ? Tại sao họ lại bật cười khi Sakuma giận dữ về chủ đề "tính chính thống của Thiên Hoàng"?
Đơn giản mà nói, chỉ do Sakuma có cái gọi là "kokutai" trong khi các điệp viên thì không.
Xin trích dẫn "Nhật Bản cận đại" của Vĩnh Sính. (trang 254 chương Từ Mãn Châu quốc đến chiến tranh "Đại Đông Á")
"...Điểm tương đồng giữa các hội kín là tôn thờ Thiên hoàng và nhấn mạnh sự bảo tồn và phát huy "kokutai" (quốc-thể) của Nhật Bản. Thế nào là "kokutai"? Kokutai là tổng hợp các khái niệm sau đây: Nhật là nước được các vị thần (kami) tạo lập và che chở; Thiên hoàng là "thiêng liêng và bất khả xâm phạm", từ xưa đến nay chỉ có một dòng Thiên hoàng trị vì (bansei ikkei: vạn-thế nhất-hệ); Thiên hoàng vừa là người cai trị vừa là cha mẹ của dân chúng - quan điểm cho rằng Nhật là một kazoku kokka (gia-tộc quốc-gia: tức là một quốc gia trong đó quan hệ giữa người dân đối với vị lãnh tụ giống như con cái với cha mẹ trong gia đình) bắt nguồn từ đây. Từ quan niệm kokutai phát sinh ra huyền thoại Nhật là "ưu việt hơn tất cả các nước khác". Quan niệm kokutai trên thực tế là nền tảng ý thức hệ của chiến tranh Đại Đông Á của Nhật..."
Rõ ràng người Nhật hiện đại coi quan niệm "Nhật Bản ưu việt hơn tất cả các nước khác" là một quan niệm sai lầm. Bên cạnh đó, trong "Tuyên ngôn nhân gian" ban bố ngày 1/1/1946, Nhật hoàng đã khẳng định mối quan hệ giữa ngài và thần dân không phải là mối quan hệ dựa trên mê tín cực đoan. Đó chính là "Tính chính thống của Thiên hoàng", là "thần" đi kèm với "đức tin" mà Miyoshi ám chỉ. Nhưng vấn đề này khá nhạy cảm và vẫn là chủ đề bàn cãi, nên tôi xin không nói thêm về vấn đề này, vì kiến thức của tôi quá hạn hẹp, chỉ là khái quát cho mọi người hiểu câu nói ấy thôi.
À, nhưng ở thời của JG vẫn chưa có Tuyên ngôn đó (trong anime, thời gian diễn ra sự kiện ở ep 4 được cho là muộn nhất cũng chỉ mới vào năm 1941) , cho nên bạn có thể thấy rõ thứ "đức tin" đó rất là cực đoan. Qua cách xây dựng châm biếm hình tượng đám người bên Lục quân, mấy người nhí nhố, tham lam nhưng luôn thất bại, cùng với cách các điệp viên đánh bại họ trên "chính trường", rõ ràng nhà văn Yanagi đã phê phán cái "đức tin" mù quáng đó, thứ được người Nhật cho rằng đã khiến Nhật Bản thua cuộc, cho nên đó cũng thứ giải thích tại sao cục D luôn chiến thắng Lục quân trong JG.
Đoạn 12:24 - 13:35 ep1 thể hiện rõ tư tưởng kokutai qua cách phản bác và khẳng định của Sakuma.
(Nếu tôi chết...
Sakuma quả quyết:" Không hề có chuyện đó đâu." Bạn có thấy cách nói đó có hơi quá bị...nhồi nhét không? (Bản dịch trên hình của Otakumano sub ...thì phải?)
Vậy là, các điệp viên cười nhạo những người như Sakuma là vì họ đã có một tầm tư tưởng rộng mở hơn, họ nhìn thấu những gì đang xảy ra và bao quát được tình hình thời cuộc. Tóm lại là họ nói bọn người Sakuma chỉ là con ếch nhỏ ngồi ở đáy giếng. Mà sự thật là vậy.
.
Mà các bạn đã thuộc lòng câu nói kinh điển của bộ này rồi chứ?
"Đừng chết", đừng hi___à nhầm "đừng giết."____
____Khi các chàng trai này rời khỏi đây và làm việc ở khắp mọi nơi trên thế giới, thứ đang chờ đợi họ là một màn đêm u tối, họ phải nhập vai vào người khác và dần dần, sẽ có ngày phải tự hỏi bản thân mình là ai và hoàn toàn lạc lối.
2. Suy ngẫm / lật ngược vấn đề.
Trung tá nói (gần) như vậy ngay sau cuộc tranh luận giữa các đ.viên và Sakuma. (Tôi lười xem lại anime lắm rồi, nhưng đại khái là vậy,haha.)
Với lời của Trung tá, tôi nghĩ đoạn đằng slogan "Don't die, don't kill" mới là phần quan trọng, cái phần hay bị lược vì quá dài dòng.
Tôi không nói về Sakuma nữa, mà nói về các điệp viên. Họ là những chàng trai có trí tuệ thiên bẩm, vì thế họ được đi du học nước ngoài, họ có tư tưởng hiện đại vì được tiếp xúc với Tây phương nhiều hơn đa số những người cùng thời. Nhưng khi hoàn toàn rũ bỏ tư tưởng cổ hủ đó, họ sẽ phải tin tưởng cái gì? Có phải bạn sẽ nói:" Thì cứ việc tin tưởng bản thân mình thôi" phải không? Chính xác là họ đã làm vậy, họ rũ bỏ "đức tin", chỉ tin tưởng bản thân mình và trở thành những người vô thần, bạn đã đúng.
Nhưng, sau đó thì sao?
Như thế nào là "tin tưởng bản thân mình" trong cơn "khủng hoảng niềm tin"? Bạn có định nghĩa được không hay sẽ hoàn toàn "lạc lối"?
Đừng quên, Yozo của Dazai Osamu đã nỗ lực suốt cả cuộc đời nhưng không thể tìm ra một chút ánh sáng nào trong cái xã hội không lý tưởng ấy, anh ta biết cần phải thoát ra, nhưng không có lấy một chút cứu rỗi nào cho cuộc đời đầy đau khổ của anh ấy, và thế là một cuộc đời lại trôi qua mà chẳng được trang sử nào nêu tên hay ai đó thương xót. Xã hội đã khiến con người ta biến chất, nhưng trớ trêu thay, người ta lại chẳng thể nào đổ lỗi cho xã hội, những việc ta có thể làm chỉ là tiếp tục làm một điều gì đó, cho dù có ý nghĩa, cho dù vô nghĩa, cho dù có phải dấn càng sâu vào bóng đêm hay không, thì ta cũng phải mau chóng đưa ra quyết định.
Khi niềm tin bị lột trần, con người sẽ quay cuồng bấu víu một điều gì đó khác và coi đó là "mục đích sống". Với các điệp viên, quyết định mà họ đưa ra không là gì khác ngoài việc chính bản thân "trở thành điệp viên".
"...(Hoạt động điệp viên của bọn họ, chẳng phải vì danh dự, cũng chẳng phải vì lòng yêu nước)..." - Novel Trang 38 tập 1
Nếu việc trở thành điệp viên không vì bất kì lý do gì, mà chỉ vì bản thân họ muốn vậy, đó có còn gọi là "lý tưởng" hay không? Sống không có lý tưởng dù chỉ một chút, đó còn gọi là "sống", hay đơn thuần chỉ là "tồn tại"?
Nói cho cùng, nếu bản chất của Sakuma là có "đức tin", có "lý tưởng", "giàu lòng hi sinh" nhưng "mê muội", thì anh ấy đại diện cho hệ tư tưởng cũ và cả chính những dân thuộc hệ tư tưởng đó. Vậy thì bản chất của các đ.viên cục D: "tài năng", "tiến bộ", "thông suốt mọi sự" thì việc đó cũng mang lại tác hại nhãn tiền. Họ "ích kỉ", "tự phụ", "sống lạc lối" và đặc biệt là không còn "lý tưởng" nào nữa. Họ làm điệp viên "không vì lý do nào cả" mà là vì chính họ, họ thấy đó sẽ là một thử thách lớn thổi bùng lên ngọn lửa mang tên "bản năng sinh tồn" trong huyết mạch, để họ biết mình đang sống, còn nếu không, họ sẽ chết dần chết mòn. Rõ ràng nội dung của JG đã cho thấy nhóm Miyoshi đã làm rất tốt trong vai trò một điệp viên, vai trò của một kẻ lãng du sống chết với những mục tiêu nhất thời và liên tục thay đổi. Trả lời cho câu hỏi của Sakuma, và cũng là của độc giả, tại sao họ có thể làm được, không tin tưởng ai và sẵn sàng rũ bỏ mọi tình cảm dù nhỏ nhất để hoàn thành nhiệm vụ?
Vì bản thân họ, ngay từ đầu, đã là những người tồn tại mà không có mục đích hay ý nghĩa sống nào cả.
Khi con người ta có lý tưởng, có niềm tin, họ sẽ biết mục đích của những việc mình làm và theo đuổi mục đích ấy. Nói chung, dù chỉ là một niềm tin le lói duy nhất đi nữa, thì chỉ cần tin tưởng nó, người đó cũng không bao giờ lạc lối. Còn đối với các điệp viên, đó dường như sẽ là một chuỗi những ngày vô tận với câu hỏi: " Tôi là ai? Tôi đang làm gì?", điều mà các điệp viên tin tưởng chỉ có bản thân mình, các bạn có tưởng tượng được không? Họ làm gì để tin tưởng được bản thân trong khi chính họ đang sống thế thân cho một nguời hoàn toàn khác?
Hay để rồi tất cả sẽ sụp đổ, như chính là điều mà Trung tá đang nhắc đến?
...
Vâng, họ có đặc điểm rất giống với "con người thời hậu thế chiến" mà tôi đã nói bên trên, Tôi không nói họ đại diện cho những người hậu thế chiến bởi vì tôi không tìm thấy một ám chỉ rõ ràng nào về việc đó. Nhưng, khi họ bị bắt buộc phải "rời khỏi tập đoàn kín bưng", họ không thừa nhận hệ tư tưởng cũ nữa, giống với những người sống sau chiến tranh, thì dù sống ở hai thời đại cách xa nhau, hệ quả tất yếu vẫn là "cuộc khủng hoảng niềm tin". Tôi không biết dùng từ này thì có đúng hoàn toàn không nữa - tôi vẫn còn quá trẻ và thiển cận, tuy nhiên bạn có thể hình dung thế này: mỗi người đều có một ranh giới, bạn còn ở trong ranh giới, mọi thứ đều bình thường, bạn ra ngoài ranh giới, mọi thứ đều hỗn loạn. Người dân hậu TC - bị đẩy khỏi ranh giới ; các điệp viên - tự nguyện bước ra khỏi ranh giới. Há chăng sự khác nhau chỉ ở thời gian mà thôi.
Nói đến đây, tôi bỗng dưng cảm thấy chút gì đó khác bình thường, khi tôi xem JG, tôi thường thấy đáng thương cho Sakuma vì cứ bị nhóm đ.viên châm chọc, công kích, rằng anh có vẻ thật "ngu ngốc" nhỉ. Nhưng thực ra, ngay sau đó (cuối ep 2) anh ấy đã tự mình nhận ra sự thật, và, một cách dũng cảm anh ta đối mặt với chính mình, Sakuma vẫn chọn sống có lý tưởng, dù biết nó sẽ dẫn đến kết cục gì. Anh ta đã chọn quay đầu lại và bước trở vào ranh giới, dù ranh giới ấy đang ngày một tăm tối. Như vậy, tôi lại cảm thấy các đ.viên có phần chua xót hơn, bởi ngay khi có thể chọn, họ đã chọn sẽ sống một cuộc sống mà, ngay chính họ cũng biết đó là lừa dối chính mình, cho tận đến lúc chết. Thật buồn là , bước ra khỏi ranh giới không đồng nghĩa với tự do, nó chỉ đơn thuần là bạn phải bước đi mà không có đường mòn dưới chân. Với các điệp viên , họ chấp nhận trở thành những giao liên hai mặt, trở thành một định nghĩa không tốt đẹp, với mong muốn được - sống - đúng - nghĩa, chứ không phải là tồn tại như những con người lạc lối khác.
Tôi đã giải thích xong những gì tôi hiểu và biết về bối cảnh và các hành động, thái độ và lời thoại (hoàn toàn nằm ở đoạn đầu - ep1/chap1). Vậy thì cuối cùng, vai trò của Sakuma là?
Tôi gọi đó là "con mắt" của bộ truyện. Như "con mắt bão" hay tương tự vậy, Sakuma chính là hình tượng được đặc biệt xây dựng để phản diện hoàn toàn với các spy. Qua cái cách họ tranh luận với nhau, như hai hệ tư tưởng đối chọi nhau họ đều nêu lên suy nghĩ của mình, như vậy ta sẽ thấy được nhà văn Koji Yanagi đang truyền tải ý nghĩa gì. Và ý nghĩa ở đây là một thứ mà (thực ra) bản thân những người Nhật sẽ hiểu được ngay nhưng người nước ngoài như chúng ta thì chưa chắc.
3.Một "ý nghĩa của thời đại".
Vậy cuối cùng của cuối cùng, ý nghĩa đó là gì? Tôi nghĩ nói để hiểu thì dài dòng nhưng tóm lại là rất đơn giản: đó chính là diễn tả lại thời kì đen tối của đất nước Nhật Bản, khoảng thời gian mà đến "niềm tin" cũng quá xa xỉ đối với người ta, đối với những người trẻ tuổi. Theo các cách khác nhau, họ đi tìm lý tưởng sống của chính mình, nhưng họ suy cho cùng tất cả cũng chỉ là Ningen - con người, họ không hề biết được tương lai phía trước và cái kết của chính bản thân họ. Đây chỉ đơn giản là hai quyết định: tin tưởng và không tin tưởng.
Để kết thúc, tôi muốn nói, tôi nghe được rằng kết cục của bộ truyện là Sakuma lẫn nhóm điệp viên đều chết (rất tiếc vì tôi chưa đọc kết thúc của Novel, chỉ nghe nói mà thôi), mà có vẻ là như thế thật. Nếu kết thúc là như thế, nó rất khớp với bối cảnh lịch sử, có nghĩa là không những con người ta đã rất khốn đốn điên đảo khi bị xoay vần chính giữa "niềm tin" và "lý tưởng" trong cái xã hội loạn ly ấy, mà, những con người đã nằm xuống bởi vì cuộc CTTG t2; tuổi trẻ của họ đã bị tước đi, vậy mà thậm chí cái chết của họ cũng trở thành vô nghĩa.
Sự hi sinh của Sakuma, bạn hẳn biết nó không hề làm nên cái gì cả, vì ngay từ vạch xuất phát nó đã đi chệch hướng. Nhưng tác giả có một ngụ ý rất hay, đó là đối với con đường độc hành, không tin tưởng ai của các điệp viên, cũng chưa chắc là con đường đúng đắn. Giống như Miyoshi ở ep 11, đến lúc chết anh vẫn chưa thể nhắm mắt. Nhưng khi đặt vào lịch sử, thì cái chết của chính anh và các điệp viên khác đã làm được những gì? Nó có xứng đáng với cái giá mà anh đã trả hay không? Tôi nghĩ rằng chính bạn đã có câu trả lời rồi.
Mà, có lẽ các điệp viên cũng chẳng quan tâm đến kết cục cuối cùng đâu nhỉ. Đối với họ, tất cả mọi thứ chỉ có ý nghĩa cho đến lúc họ nằm xuống mà thôi.
.
Joker Game, không chỉ là sàn trình diễn của những anh chàng đẹp trai đâu, chỉ khi bạn xem thật kĩ, bạn sẽ thấy tất cả các nhân vật đều có vị trí của riêng mình, kể cả nhân vật phụ của phụ. Và sự sống cũng thật là nhỏ bé, và không phải lúc nào nhân vật chính cũng sẽ sống đến cuối cuộc chơi. Cuộc đời họ chính là ván bài, mỗi một hành động cũng như rút một lá bài, và mỗi lần mạo hiểm, họ đặt cược tính mạng vào đấy. Đó là ván bài mà nếu như chiến thắng, họ sẽ được ở lại cuộc chơi, còn nếu không sẽ phải âm thầm rời khỏi. Bởi vì luôn luôn có lá Joker sẵn sàng chờ đợi họ rút phải.
Joker Game, Joker Game, tôi không biết đã đánh cái chữ này bao nhiêu lần trong hơn 2 năm làm fan. Đây không phải là một bộ truyện/anime bom tấn, không quá nhân văn, không quá vô nghĩa, không quá hack não nhưng cũng không quá dễ hiểu. Nhưng, cái làm tôi thích ở Joker Game chính là hương vị seinen điển hình kết hợp với một chút ít fanserve, vâng, josei, thế giới của những người thích chìm đắm trong suy nghĩ. Joker Game đã làm rất tốt trong vai trò là "người kể chuyện", đưa ra những tình tiết, quan điểm không kèm những lời giải thích xáo rỗng. Chúng ta cũng như được tham gia vào, được đặt vào chính bộ phim, hoặc thậm chí là trở thành nhân vật chính của bộ phim. Vì sao ư? Vì không phải bất cứ nhân vật nào làm nên tính "đúng","sai" của sự việc, tác giả chỉ bày ra, còn chúng ta thì cảm nhận, thứ quyết định "người tốt" và "kẻ xấu", "trắng" hay "đen" thực ra là quan điểm của chính người xem. Đối với những người không thích sự mập mờ, có lẽ Joker Game không dành cho họ, nhưng dù sao thì cuộc đời chúng ta cũng không phải lúc nào cũng rạch ròi, chính trị và lịch sử lại càng không.
Cho nên, đứng về phe ai là quyền của các bạn, nhưng hãy nhớ: Trân trọng mọi thứ của tác phẩm mới là trân trọng tác phẩm,vì điều đó đồng nghĩa với việc bạn hiểu suy nghĩ của tác giả, còn nếu ngoài fanserve ra mà bạn chẳng còn lý do nào khác để thích tác phẩm đó thì xin chúc mừng.......
.................................
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro