GIAO TRINH THIEN HOC3

ĐỐI CHIẾU GIỮA TỨ THIỀN & TỨ QUẢ

Tứ Thiền là bốn mức nhập định từ cạn đến sâu do Phật phân định một cách chuẩn mực. Chính Phật cũng đi qua bốn mức nhập định này để chứng đạo. Trong suốt cuộc đời hoằng hóa, Phật cũng lập đi lập lại về tiêu chuẩn bốn mức thiền để nhắc nhở đệ tử. Rồi trong giây phút cuối cùng tại rừng Sala ở Câu thi na (Kusinara), Phật cũng nhập xuất tự tại bốn mức thiền trước khi nhập Niết bàn hoàn toàn. Đó là tinh túy của Phật Pháp được Phật gửi gấm qua hành động nhập xuất thiền mà không nói bằng lời nữa. Các đệ tử của Phật làm gì thì làm, phải tu tập để thành tựu khả năng nhập xuất tự tại bốn mức thiền như thế. Bên cạnh tiêu chuẩn kỳ tuyệt về bốn mức Thiền, Phật cũng xác lập ra bốn Thánh quả giải thoát từ thấp lên cao. Người chứng được một trong bốn Thánh quả này được xem là có tư cách của thánh, có thánh tính, có giá trị làm thánh, vượt lên khỏi sự tầm thường của con người. Tiêu chuẩn để đánh giá các quả thánh là dựa vào mức độ tăng trưởng Đạo đức qua việc phá trừ các Kiết sử, khác với tiêu chuẩn của Tứ thiền là dựa vào mức độ nhập định sâu cạn. Nhiều người đã cảm thấy mơ hồ về sự khác nhau của Tứ Thiền và Tứ Thánh quả vì cả hai đều rất cao cả vĩ đại, đều là những nấc thang hướng về giải thoát. 1. Tứ Thiền

Tứ thiền nghĩa là bốn mức độ nhập định được chia ra Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền. Bốn mức thiền này đều có nhập và xuất, nghĩa là khi muốn an trú mức thiền nào, ta phải có thời gian dụng công chứ không phải đó là những trạng thái thường xuyên. Rồi khi muốn trở lại trạng thái như cũ, ta cũng phải mất công thoát ra chứ không phải tức thì được. Bình thường khi không nhập thiền, một thiền giả an trú trong nội tâm tỉnh giác vắng lặng nhưng không phải là bốn mức thiền này. Bốn mức thiền này chỉ được thực hiện trong tư thế bất động mà thôi. Tuy nhiên, cũng có khi một thiền giả vừa đi vừa nhập thiền rất sâu. Lúc đó, vị đó được xem là khởi thần thông, vì thần thông có nghĩa là vừa vào định vừa hành động. Chúng ta cần hiểu qua tính chất của Tứ thiền trước khi so sánh với Tứ thánh quả. Những điều được trình bày ở đây là dựa vào bài kinh Sa Môn Quả trong Trường bộ kinh. Sơ Thiền là mức nhập định đầu tiên, nhưng phải là đã chứng được Chánh niệm tỉnh giác và phá trừ xong Năm triền cái. Hành giả như lọt vào một trạng thái thanh tịnh hơn, và tự động, chứ không còn phải gắng sức giữ gìn như trước kia nữa. Khi chứng được Chánh niệm, hành giả thấy tâm mình cũng đã là thanh tịnh rồi, nhưng còn phải khéo léo giữ gìn nhẹ nhẹ. Nhưng từ Sơ thiển trở đi, hành giả không còn phải giữ gìn nữa mà tâm tự động an trú trong định. Hành giả thấy thân của mình chuyển từ trạng thái cứng (lúc phá xong triền cái Trạo cử) sang trạng thái mềm lỏng như một khối nước gì nhớt nhớt giống như xà bông. Tâm hành giả dĩ nhiên là vắng lặng, nhưng thật ra vẫn còn những ý niệm về công phu của mình, về thành tựu của mình. Những ý niệm này rất thầm lặng nên hầu như hành giả không biết là mình đang còn ý niệm, cứ tưởng rằng mình đã hoàn toàn thanh tịnh. Phật diễn tả đó là trạng thái "ly dục sinh hỷ, còn tầm còn tứ", và toàn thân như một khối nước pha với bột tắm (giống như nước xà bông bây giờ). Trong Sơ thiền, hành giả lìa bỏ được các ham muốn thế gian vì niềm an vui của nội tâm vừa đầy đủ vừa thanh khiết. Toàn thân hành giả luôn ở trong trạng thái vui sướng nhè nhẹ và tràn đầy. Đây đúng là phước cõi trời. Cái ý niệm thầm kín về công phu và sự thành tựu của mình tạo nên một loại kiến giải Phật Pháp và tâm tự hào bí mật. Hành giả sẽ dễ dàng hỏi đáp các thiền ngữ bí ẩn, hay say sưa thuyết pháp nếu có cơ hội. Vì vậy, tuy Sơ thiền rất là vĩ đại nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ đối với đạo đức. Nhị thiền là kết quả tiếp theo nếu hành giả đủ công đức. Hành giả sẽ thấy toàn thân mình giống như nước trong mát tuôn trào bất tận mà Phật diễn tả như hồ nước được suối phun và mưa tuôn mãi mà không bao giờ lọt nước ra khỏi hồ. Dĩ nhiên nước thì mềm hơn, lỏng hơn nước sệt sệt của xà bông. Từ toàn thân cứng của Chánh niệm, tiến lên Sơ thiền thì thân mềm ra thành nước xà bông sệt sệt, tới Nhị thiền thì thân đã mềm hoàn toàn như nước nguyên chất, và lại còn thêm cảm giác tuôn tràn mãi, tuôn tràn mãi. Niềm vui của Nhị thiền thì đằm thắm hơn Sơ thiền vì bớt đi cái tự hào và ý niệm. Phật gọi Nhị thiền là định sinh hỷ lạc nghĩa là niềm vui của Nhị thiền thật sự do tâm hoàn toàn an ổn trong định mà có. Lúc này những ý niệm thầm kín cũng biến mất, nên trong đời sống hành giả không còn ham thích trình bày phô trương, và rất hiền lành. Phật gọi là hết tầm hết tứ. Lúc này hành giả thành tựu trí tuệ rất sắc bén nhanh nhạy, kiến giải Phật Pháp là bất tận vô ngại, việc gì nhìn thoáng qua là biết rõ, ngồi thiền rất lâu, thường biết trước giờ chết. Nếu đừng bị tà kiến xâm nhập thì đường giải thoát của người đạt Nhị thiền là chắc chắn. Nếu bị tà kiến, lầm cho mình là viên mãn, tưởng rằng mình đã kiến tánh thành Phật, thì hành giả hưởng hết phước kiếp này, qua kiếp sau sẽ bị thoái đọa lui sụt xuống mức độ thấp hơn nhiều.

Tam thiền được Phật diễn tả toàn thân như một bông hoa sen đang vươn lên từ trong nước, được nước bao phủ, với nội tâm là xả niệm lạc trú, niềm an lạc là vi diệu vô tận. Niềm vui của Tam thiền rất đằm thắm nhỏ nhiệm và đầy khắp, giống như bông hoa sen ngập trong nước, tẩm ướt, tràn ngập, nhưng không thấm nước, cũng vậy, niềm vui của tam thiền rất tự tại bình an và vượt khỏi cơ thể, giống như cả không gian đều cùng an vui vậy. Thân của hành giả lúc này giống như một khối không khí hân hoan an lạc. Ý nghĩa của từ xả niệm là hành giả đã vượt khỏi Tưởng ấm vào được Hành ấm, kiểm soát được Hành ấm. Hành ấm là phần tâm Vô thức bí mật của mỗi người mà chính ta không thấy được. Rất nhiều sự sáng tạo, suy luận, truy tìm, tính toán... đều là của Hành ấm. Tưởng ấm chỉ là bày hiện ra một phần rất nhỏ. Tốc độ của Hành ấm là cực nhanh. Kiểm soát được Hành ấm có nghĩa là tâm hồn đã thật sự ổn định. Những bản năng sinh tồn, bản năng hưởng thụ... đều bị kềm chế. Lúc này, khi ngồi thiền nhập định, hành giả không còn nghe thấy mọi cảnh vật tiếng động bên ngoài, hoàn toàn an trú vững chắc trong thế giới nội tâm sáng suốt vi diệu thanh tịnh của mình. Hành giả đã có được thần thông khá nhiều, có thể biết được nhiều chuyện, có thể làm được nhiều chuyện phi thường. Hành giả cũng có thể làm chủ sống chết, muốn chết lúc nào cũng được. Tuy nhiên theo đường lối của Phật dạy, nếu sử dụng thần thông lúc này, hành giả sẽ bị đứng lại, khó tiến đến giải thoát hoàn toàn. Đến mức độ này, thật sự vị ấy đã là một vị thánh phi thường giữa trần gian. Điều trở ngại vẫn là tà kiến. Nếu bị tà kiến để cho mình là Phật, tương đương với Phật thì vị ấy sẽ bị thoái đọa ở một kiếp khác vài nghìn năm sau.

Tứ thiền là mức thiền cuối cùng để chứng ngộ. Phật diễn tả đó là trạng thái xả niệm thanh tịnh, không lạc không khổ. Từ xả niệm ở đây khác với xả niệm của Tam thiền. Xả niệm của Tam thiền có nghĩa là vượt ra khỏi Ý thức để nhập được vào Vô thức. Còn Xả niệm của Tứ thiền có nghĩa là vượt khỏi tâm thức hoàn toàn, kể cả Vô thức và Ý thức. Vì bản ngã được chứa đựng trong Tâm thức nên khi không còn tâm thức thì Bản ngã cũng chấm dứt. The Ego exists in mind, so once mind comes to end, Ego disappears, too. Phật diển tả Tứ thiền giống như một người ngồi với tấm vải trắng trùm hết toàn thân. Cũng vậy, toàn thân không còn là cứng như khúc gỗ của Chánh niệm, không còn mềm sệt sệt như nước xà bông của Sơ thiền, không còn lỏng hoàn toàn như nước tinh khiết của nhị thiền, không còn nhu nhuyến như cả bầu không khí của Tam thiền, mà đã trở thành một khối ánh sáng thuần tịnh. Toàn thân là sáng suốt, toàn thân là trí tuệ. Tuy nhiên ta đừng lầm. Thân trở thành một khối ánh sáng thuần tịnh khác với người mới vào thiền toàn thân phát hào quang mà người ngoài nhìn thấy được. Khi đến giai đoạn này, tự nhiên hành giả bị bắt buộc phải trải qua kinh nghiệm Tam minh. Đầu tiên là nhớ lại vô lượng kiếp quá khứ của mình với từng chi tiết nhỏ để thành tựu Túc mạng minh. Kế đến là thấy sự lưu chuyển sinh tử của vô số chúng sinh ở các cõi theo nghiệp duyên thiện ác để thành tựu Thiên nhãn minh. Cuối cùng là thấy rõ bản chất đau khổ của luân hồi sinh tử, nguyên nhân của đau khổ, bản chất của Niết bàn, và con đường đưa đến Niết bàn để thành tựu Lậu tận minh. Sau khi thành tựu Tam minh, vị này đã hoàn toàn là một vị thánh Alahán siêu việt giải thoát. Như vậy đi bằng con đường Tứ thiền, hành giả vẫn đến được quả thánh thứ tư là Alahán.

1. Tứ quả

Tứ thánh quả lại không đề cập đến mức độ hay trạng thái nhập định, mà lại dựa vào tiêu chuẩn phá các kiết sử, nghĩa là dựa vào mức độ thăng tiến Đạo đức. Phật cũng không đưa ra một công thức nhất định giữa đạo đức và thiền định, mặc dù cuối cùng thì Tứ thiền với Tam minh bằng Tứ thánh quả Tứ thiền + Tam minh = Đệ Tứ thánh quả Còn những giai đoạn trước đó ta không tìm thấy một mối liên hệ rõ ràng. Sơ quả Tu đà hoàn (Sotàpatti) là thánh vị đầu tiên sau khi đệ tử Phật phá được ba kiết sử Thân kiến, Giới cầm thủ và nghi. Thân kiến nghĩa là vị kỷ. Người chưa chứng được Sơ quả thì hay bị tâm vị kỷ chi phối để chỉ biết nghĩ lợi phần mình. Người chứng được Sơ quả thì tâm vị kỷ biến mất, thay vào đó là đời sống vị tha tràn đầy. Tâm vị tha này chưa phải là tâm Vô ngã như Alahán mặc dù rất biết hy sinh. Nhưng thật ra phải rèn luyện đạo đức để có tâm vị tha thì người này mới có thể chứng Sơ quả được. Tâm tìm được sự vắng lặng, hưởng được niềm an vui của thiền định cũng giúp hành giả nhẹ đi tâm vị kỷ. Giới cấm thủ nghĩa là tâm cố chấp. Người phá được kiết sử này thì không cố chấp vào hình thức, vào những lề thói bất hợp lý, vào những quy luật sai lầm, vào những phương pháp hạn chế, hay những dư luận bên ngoài. Họ chỉ làm gì đúng với Đạo lý, đúng với mục tiêu giác ngộ và Đạo đức. Tâm an ổn trong thiền định cũng giúp phá được kiết sử này. Nghi nghĩa là chưa xác quyết được lý tưởng giác ngộ, chưa xác quyết được lòng tôn kính Phật, chưa tin chắc mình đã tìm được hướng đi đúng. Người chứng được Sơ quả thì ngược lại, đã xác quyết được hướng đi, lý tưởng và lòng tôn kính Phật tuyệt đối. Phải có kết quả an ổn trong thiền định, người ta mới có những tính chất tích cực như vậy. Do đó, những vị chứng Sơ quả bắt buộc cũng phải là những người có được kết quả nào đó trong thiền định. Có thể vị đó đã chứng được Chánh niệm tỉnh giác, hoặc đã chứng được Sơ thiền, nhưng không nhất định. Một vị chứng Sơ quả thì có thể có trình độ thiền định của Chánh niệm, hoặc Sơ thiền, thậm chí Nhị thiền. Nhưng ngược lại, một vị chứng thiền định như thế thì chưa chắc chứng được quả thánh nào. Đó là lý do tại sao ngoại đạo có thể chứng thiền định nhưng không thể chứng thánh quả là vậy. Thánh quả khác với thiền định ở chỗ đòi hỏi trí tuệ, đạo đức, quan điểm. Thiền định chỉ cần tâm vắng lặng là đủ mặc dù ta biết rằng muốn tâm đi vào vắng lặng lại phải có Công đức, Đạo đức và Khí công. Hầu hết những vị chứng thánh quả đều có nguyên nhân từ kiếp xa xưa đã từng hết lòng tôn kính một vị thánh giác ngộ nào đó. Điều này giống như Thánh nối tiếp Thánh thành một dòng bất tận. Còn việc thành tựu thiền định thì chỉ đòi hỏi công đức đem được nhiều niềm an vui cho con người. Tuy nhiên, hầu hết ai đạt được điều này thì cũng đạt được điều kia, cũng đều đã có lòng tôn kính Phật, đã từng đem an vui cho con người, đã từng rèn luyện chính mình trong những tiêu chuẩn đạo đức khắt khe. Điều khác nhau giữa Thánh quả và bốn mức thiền nữa là sự hứa hẹn ở vị lai. Đối với các mức thiền, Phật chỉ diễn tả và ca ngợi trạng thái tâm thức. Còn đối với Thánh quả, Phật hứa hẹn sự giải thoát hoàn toàn ở vị lai theo từng quả vị khác nhau. Ở Sơ quả Tu đà hoàn, Phật ấn chứng rằng vị này chắc chắn sẽ giải thoát nhưng không đưa ra thời gian cụ thể. Riêng tài liệu của Phật giáo Bắc tông thì cho rằng vị chứng Sơ quả sẽ còn bảy lần tái sinh vào cõi người rồi sẽ chứng Alahán. Đây là điểm khác nhau giữa hai hệ thống Phật giáo.

Nhị quả Tư đà hàm (Sakadàgàmì, sakim có nghĩa là một lần, àgamì có nghĩa là đến) hiện hữu nơi người đã phá xong ba kiết sử trên và tiếp tục làm mỏng nhạt tham và sân. Người chứng Nhị quả chưa phải là người đã phá trừ hết hai kiết sử Tham và Sân, chỉ là bớt đi tham và sân. Tham và Sân ở đây là những gốc tâm thức rất sâu chứ không phải những cái tham sân thường mà ta vẫn thấy. Vì vậy, Nhị quả chưa cần diệt hết Tham Sân, nhưng làm mỏng nhạt Tham Sân đã đủ để ta không bao giờ nhìn thấy vị ấy khởi tham và sân nữa. Còn Tham Sân vi tế thì phải đợi đến Tam quả mới diệt sạch. Ta sẽ nhớ rằng sau khi chứng được Chánh niệm tỉnh giác, hành giả sẽ tiếp tục phá trừ được Năm Triền cái, trong đó có hai triền cái là Tham và Sân. Cái khác nhau giữa Triền cái Tham Sân và Kiết sử Tham Sân là: Triền cái có nghĩa là buộc và che. Kiết sử có nghĩa là cột và sai khiến. Hai nghĩa nghe na ná nhau, và từ xưa Phật cũng không đưa ra sự phân biệt rạch ròi. Ta chỉ thấy trong Năm Triền cái phải được phá để vào Sơ thiền thì có Triền cái Nghi trùng với Kiết sử Nghi được phá ở Sơ quả, có Triền cái Tham Sân trùng với Kiết sử Tham Sân được phá ở Nhị quả. Vì cả Năm Triền cái được phá ở trước Sơ thiền đều không có Thân kiến và Giới cấm thủ nên ta không dám kết luận phá được Năm triền cái là chứng các thánh quả tương đương với Sơ quả và Nhị quả hay Tam quả. Nhưng ta phải công nhận rằng người phá được Năm Triền cái là đã có những tính chất cao quý của Thánh rồi. Ta có thể tạm cho rằng Triền cái có nghĩa cạn hơn Kiết sử, và tiếp tục suy luận rằng nơi Nhị quả làm mỏng nhạt kiết sử Tham Sân, nơi Tam quả diệt sạch kiết sử Tham Sân có nghĩa hoàn toàn hơn là phá được Triền cái Tham Sân. Giữa một thế gian đầy tham lam thù hận, người hết sạch tham sân quả thật là ánh sáng. Ta cũng hiểu rằng để cho cõi lòng không còn tham sân thì tâm vị ấy cũng phải cực kỳ yên tĩnh. Phật cũng ấn chứng cho người chứng được Nhị quả Tư đà hàm sẽ chỉ còn một lần tái sinh lại cõi đời này và chứng Alahán.

Tam quả A na hàm (anàgàmì có nghĩa là không đến nữa) xuất hiện nơi vị đã tiếp tục diệt sạch hai kiết sử Tham và Sân. Nhân duyên làm chúng ta cứ bị liên lụy với cõi đời này chính là do tham lam, tham dục, hận thù, ganh ghét. Hết hai kiết sử Tham và Sân rồi thì nhân duyên với thế gian này cũng hết. Do vậy, một vị chứng Anahàm thì không còn bị tái sinh về cõi này nữa, sẽ hóa sinh giữa cõi trời Sắc cứu kính, sau một thời gian không nhất định, sẽ chứng Niết bàn tại đấy. Chúng ta không cần lạm bàn về những tính cất siêu việt của một vị Anahàm, chỉ đối chiếu với bốn mức thiền để hiểu ra sự giống và khác mà thôi. Chúng ta cũng không nghe nói là phải chứng được mức thiền nào thì cũng tức là chứng Anahàm, chỉ theo lời Phật dạy để biết rằng ai có thể diệt trừ năm kiết sử từ Thân kiến, Giới cấm thủ, Nghi, Tham và Sân thì đạt được đệ Tam thánh quả. Đó là năm điều bất thiện, phi đạo đức giam chúng sinh làm một kẻ phàm phu tầm thường. Ai thoát ra khỏi năm điều phi đạo đức đó thì trở thành bậc thánh không bao giờ trở lại làm người tầm thường nữa. Nhưng vẫn còn năm điều bất thiện vi tế hơn sẽ tiếp tục giam giữ bậc thánh Anahàm lại khiến cho vị này không đạt đến sự giải thoát giác ngộ tuyệt đối, đó là: - Sắc ái: là tâm yêu thích cảnh giới cõi trời, nhất là cõi trời cao siêu như Sắc cứu kính. - Vô sắc ái: là tâm ưa thích nơi cõi giới Vô sắc, đó cũng được xem là cõi trời nhưng chỉ còn có tâm vắng lặng rất sâu mà không còn có hình thể nữa. Hai cõi giới trên rất là cao cả vi diệu, an lạc, mà ai cũng tưởng lầm là chỗ an trú tuyệt đối cuối cùng nên chấp giữ. Chỉ có Phật mới biết những cõi giới đó vẫn còn hữu hạn. - Phóng dật: vì cảnh giới chứng ngộ của Anahàm rất cao siêu nên chính các vị đó cũng âm thầm tự mãn. Tâm tự mãn này cực kỳ vi tế mà chính vị đó không hay biết nếu không được Phật cảnh báo. Vì tự mãn nên vị Anahàm tuy ở trong định mà vẫn còn chút tâm an trú, tâm chấp giữ, tâm thụ hưởng. Vì những điều này mà Phật chê Anahàm còn phóng dật. - Mạn: là còn chút tâm thấy mình vượt hơn chúng sinh. Một vị Alahán hoàn toàn giải thoát thì thấy mình với chúng sinh là một; còn một vị Anahàm dù rất tự tại vẫn còn một chút cực kỳ vi tế thấy mình hơn chúng sinh. Vì lỗi này mà Phật bảo Anahàm vẫn còn kiêu mạn. Quả thật, không có Phật soi đường dẫn lối thì không ai có thể biết nổi những lỗi quá vi tế này. - Vô minh: vô minh là gì thì chỉ có Alahán với Phật mới biết, chúng ta không bao giờ cảm nhận nổi. Chúng ta chỉ tạm hiểu rằng vì vô minh nên chúng ta chấp ngã và không chứng ngộ Niết bàn. Thật ra ngay cả chấp ngã là gì cũng không ai biết. Một vị có thể nhập định vài ba ngày, tâm rỗng như hư không cũng chưa thấy được bản ngã là gì. Bản ngã sâu kín như thế, bí mật như thế nên khó ai thoát ra được. Có khi người ta đã duy trì bản ngã bằng các giáo lý nghe cao siêu chất ngất, người ta đã tôn vinh tâm mình, đề cao tánh mình, không biết rằng họ đã đầu hàng bản ngã.

Alahán (Arahanta) là quả thánh cao siêu cuối cùng, thật sự giải thoát, giác ngộ viên mãn. Vị alahán đầy đủ thần thông tự tại phi thường, không còn bị cuốn vào luân hồi sinh tử nữa, trừ trường hợp thị hiện vì đại nguyện. Sự vĩ đại của một bậc Alahán thì không một ngôn từ nào có thể diễn tả được. Mỗi người chỉ tùy theo nhân duyên và trí tuệ của riêng mình để hiểu một phần nho nhỏ nào đó mà thôi. Khi bản ngã không còn, vị Alahán trở thành toàn thể vũ trụ nên hiểu biết tất cả mọi điều trong vũ trụ; khi bản ngã chấm dứt, vị Alahán trở thành toàn thể chúng sinh nên yêu thương tất cả chúng sinh. Khi bản ngã đã hết, vị Alahán không còn bị ràng buộc bởi sức mạnh nào đối với luân hồi sinh tử nên hoàn toàn giải thoát. Sau khi phá luôn năm kiết sử cuối cùng, một vị Anahàm sẽ chứng Alahán, nghĩa là đạo đức đã trở thành tuyệt đối hoàn hảo. Không một thần thánh thiên tử nào có thể tìm thấy lỗi lầm của một vĩ Alahán nữa. Nơi đây, đương nhiên một vị Alahán cũng đã thành tựu xong bốn mức thiền. Tứ thiền và Tứ thánh quả đều hiện diện đầy đủ nơi vị Alahán như thế.

3. Năm mức định

Ngoài bốn mức thiền và bốn thánh quả, ta còn nghe Phật nói về năm mức Định. Nhiều người hiểu lầm rằng năm mức định cao hơn Tứ thiền. Thật ra năm mức định tương đương với bốn mức thiền, khác nhau về cách hướng tâm mà thôi. Để thành tựu tính chất của Thiền, hành giả phải dùng tâm bám sát vào thân, theo dõi thân. Kết quả đạt được trong Thiền cũng liên quan đến các trạng thái của thân như cứng ngắt, mềm mại, như không khí, hay như ánh sáng. Còn để thành tựu những tính chất của Định, hành giả phải buông tâm không trú vào đâu cả, và như thế, tâm dễ mở rộng thênh thang. Tu theo Thiền dễ nhiếp tâm hơn tu theo Định.

Không vô biên xứ định là tương đương với Sơ thiền, hành giả thấy tâm như là hư không trống rỗng thênh thang.

Thức vô biên xứ định là tương đương với Nhị thiền, hành giả thấy trong cái thênh thang trống rỗng đó đều cái biết. Cả cây đá cũng có cái biết.

Vô sở hữu xứ định là tương đương với phần đầu của Tam thiền, hành giả thấy cả đất trời vũ trụ này không có gì hiện hữu cả. Giống như câu nói không một vật mà các thiền sư hay dùng.

Phi tưởng phi phi tưởng định là tương đương với phần sau của Tam thiền. Tâm của hành giả như là có vì còn biết, nhưng cũng như là không vì quá thanh tịnh. Lúc này biết mà dường như không biết.

Diệt tận định hay Diệt thọ tưởng định là tương đương với Tứ thiền. Một vị thánh nhập vào định này tức là đang an trú vào cảnh giới của Niết bàn dù chưa bỏ thân. Đây cũng là bản thể của vũ trụ pháp giới. Chỉ ai chứng Alahán mới nhập được định này.

Câu hỏi: Nếu ai nói rằng tu theo đạo Phật là thụ động thì phải trả lời làm sao? Thiền học 16

HIỆN TƯỢNG ĐỐN NGỘ

1. Đốn ngộ là gì

Đốn ngộ là hiện tượng bất ngờ tâm thay đổi từ trạng thái mê tối sang trạng thái sáng suốt và vắng lặng. Sự kiện đó xảy ra cực kỳ bất ngờ và nhanh chóng, chỉ một khoảnh khắc là hành giả biến thành con người mới. Rất nhiều giai thoại của Thiền tông Trung hoa và Việt Nam kể về các trường hợp đốn ngộ như thế, tô điểm cho Thiền một phong cách mạnh mẽ, lạ lùng và không kém phần lãng mạn. Thật ra vào thời đức Phật tại thế, rất nhiều trường hợp nghe Phật thuyết pháp và bất ngờ đạt ngộ. Tuy nhiên, nhờ có Phật nên ta biết là những vị đó chứng được quả vị nào, mức thiền nào. Sau này, vào giai đoạn Thiền tông Trung hoa hưng thịnh, ta chỉ ghi nhận là những thiền sư có hiện tượng đốn ngộ, nhưng không thể biết đích xác là mức độ nào, quả vị nào. Trong tiến trình tu tập căn bản, Phật diễn tả Bốn mức thiền một cách chuẩn xác và dần dần (tiệm), ngược với hiện tượng đốn ngộ đầy bất ngờ. Đêm Phật Thành đạo dưới cội cây Bồ đề cũng được diễn tả tuần tự thứ lớp từ Sơ thiền đến Tứ thiền, rồi qua Tam minh. Nhưng đã có rất nhiều sự tường thuật về sự chứng ngộ của các vị Thánh đệ tử là đốn ngộ, hay đốn chứng ngay trong thời đức Phật.

2. Những trường hợp đốn ngộ

Trường hợp nghe giáo lý rồi ngộ đạo, xảy ra rất nhiều ở thời đức Phật, và một số thiền sư danh tiếng như: Huệ Năng nghe kinh Kim Cang đến câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm liền ngộ đạo. Lần thứ hai nghe Ngũ tổ Hoằng Nhẫn lập lại kinh Kim Cang đến câu đó cũng ngộ thêm sâu hơn. Lương Giới Động Sơn nghe Đàm Thạnh Vân Nham dẫn kinh Di đà câu :Nước chim cây rừng đều niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng liền đại ngộ. Vô Ngôn Thông nghe Hoài Hải Bá trượng trả lời đạo lý cho người khác bằng câu Tâm địa nhược thông, huệ nhật tự chiếu liền đại ngộ. Thái Hư đại sư đọc kinh Bát Nhã, liền rỗng suốt khai ngộ. Thông Thiền nghe một lời của Thường Chiếu (Việt Nam), Phật pháp bất khả liễu tri, thử vô tri pháp, Chư Phật như thị, tu nhất thiết pháp nhi vô sở đắc liền khai ngộ. ... Đó là những đạo lý được trình bày rõ ràng không úp mở hiểm hóc, và người nghe vừa hiểu vừa biến chuyển cả tâm thức luôn.

Trường hợp ngồi thiền rồi xuất hiện bước tiến nhảy vọt. Có nhiều vị rơi trong trường hợp này và ta không nghe sử sách kể lại vì có vẻ không khác lạ hấp dẫn. Có vị đang ngồi thiền chợt la lên thích thú, sau đó khi được hỏi liền đáp một cách rành mạch. (Chúng ta cẩn thận, đừng bắt chước đang ngồi thiền mà la). Có vị Tăng khai ngộ khi ngồi thiền, khi bị sư phụ hỏi sở ngộ liền đáp: Ni cô vốn là người nữ. Sư phụ chấp nhận. Thời đức Phật, vô số vị Alahán chứng đạo khi ngồi thiền, và chứng rất tột.

Trường hợp nghe một câu nói úp mở, bí hiểm, khác thường rồi ngộ đạo. Trong sử Thiền tông thì những giai thoại này là hấp dẫn và lý thú hơn cả vì có vẻ lãng mạn và bí hiểm gợi tò mò. Thiền giả hiểu được đạo lý gì đó và biến chuyển tâm thức luôn. Khi Bàng Long Uẩn hỏi đại ý Phật Pháp, Mã tổ đáp: Đợi khi nào trong một ngụm, ông uống sạch nước Tây giang, ta sẽ trả lời cho ông, Bàng liền đại ngộ. Tăng hỏi đại ý Phật Pháp, Triệu Châu đáp: Cây bách ở trước sân. Tăng Hổ nghi hỏi lại. Triệu Châu cũng xác định cây bách ở trước sân. Tăng liền ngộ đạo. Huệ Cầu hỏi Huyền Sa Thế nào là mặt trăng thứ nhất, Huyền Sa đáp: Dùng mặt trăng của ngươi làm gì! Lập tức khai ngộ. Tông Huệ đến tham vấn Văn Yển Vân Môn. Vân Môn hỏi về thân thế hoàn cảnh. Tông Huệ thật thà trả lời. Vân Môn nói Tha cho ba gậy. Hôm sau Tông Huệ đến hỏi bị lỗi gì mà Vân Môn suýt đánh ba gậy. Vân Môn đáp: Cái túi cơm, Giang tây Hồ Nam liền thế ấy. Tông Huệ đại ngộ. Thiện Chiêu Phần Dương hỏi Tỉnh Niệm Thủ Sơn: Bá trượng cuốn chiếu là ý nghĩa gì? Thủ Sơn đáp: Áo rồng vừa phất toàn thể hiện. Hỏi: Ý thầy thì thế nào? Đáp: Chỗ tượng vương đi bặt dấu chồn. Thiện Dương liền đại ngộ. Tăng cầu xin Tùng Thẩm Triệu châu chỉ dạy. Triệu châu hỏi Ăn cháo xong chưa? Tăng đáp ăn xong rồi. Triệu Châu bảo: Vậy thì rửa bát đi. Ngay đó Tăng ngộ đạo.

Trường hợp đốn ngộ do một cử chỉ lạ lùng khó hiểu, hoặc do sự kiện vô tình. Chính những trường hợp đốn ngộ này mới làm cho Thiền tông có phong cách quái lạ làm ngạc nhiên nhiều người. Thật ra thời đức Phật cũng rất nhiều trường hợp chứng đạo như thế, như một tỳ kheo nhìn những giọt nước rơi từ bàn chân xuống dòng, liền chứng đạo. Hoặc ngài Culla Panthaka nhìn chiếc khăn dơ mà nhập định rồi chứng đạo luôn. Khi Thúy Lạo hỏi về đại ý Phật Pháp, Mã tổ giả vờ kêu lại nói cho rõ, rồi đạp Thúy Lạo một đạp té ngửa khiến cho Thúy Lạo ngộ đạo. Trí Nhàn Hương Nghiêm cuốc đất viên sỏi bay trúng cây tre kêu vang liền ngộ đạo. Hoài Hải Bá trượng theo hầu Mã tổ, nhân có bầy vịt trời bay qua, Tổ hỏi đàn vịt bay đi đâu, Hải đáp bay qua mất, Tổ nắm mũi Hải kéo mạnh một cái khiến cho Hải đau quá la lên. Tổ nói: Vậy mà nói bay qua mất. Hoài Hải liền ngộ đạo. Thiện Hội Giáp Sơn đến tham vấn Đức Thành Hoa đình thuyền tử, ở trên thuyền. Sau vài lời hỏi đáp, Đức Thành buộc Thiện Hội nói nhanh chỗ hiểu của mình. Thiện Hội vừa mở miệng liền bị đánh té xuống nước. Leo lên thuyền trở lại, Hội lại bị thúc hối phải nói, vừa mở miệng lại bị đánh tiếp. Lần này Thiện Hội đại ngộ, gật đầu ba cái. Bá Trượng bảo Linh Hựu Quy Sơn vạch tìm lửa trong lò. Linh Hựu vạch tìm không thấy. Bá Trượng bước lại vạch tro tìm thấy chút lửa đưa lên hỏi: Ngươi bảo không, vậy cái này là gì? Linh Hựu liền phát ngộ, lễ tạ. Huệ Lăng Trường Khánh theo Nghĩa Tồn Tuyết Phong suốt 20 năm mà không có kết quả. Một hôm Huệ Lăng vô tình cuốn rèm lên chợt đại ngộ. Văn Yển đến tham vấn Trần tôn túc, bị đóng cửa không cho vào. Ngày thứ ba Yển xô cửa chen vào, bị Tôn túc nắm áo kêu nói, Yển suy nghĩ chưa nói được liền bị Tôn túc vừa xô ra vừa chê Đời Tần dùi xoay lăn, rồi đóng cửa kẹt gãy nát bàn chân. Cái đau thấu xương đó khiến Văn Yển ngộ nhập (sau này khai tổ tông Vân Môn rất nổi tiếng).

3. Bản chất của hiện tượng đốn ngộ

Đốn ngộ là sự biến chuyển bất ngờ, nhanh như chớp, khiến tâm thức thay đổi từ loạn động thành yên tĩnh, từ mê tối thành sáng suốt. Trong khoảnh khắc bất ngờ đó, hành giả thấy giống như xưa nay tâm mình bị cột trói, bị che đậy, bỗng nhiên được tháo gỡ, xiềng xích mây đen tan vỡ, thế là tâm trở nên rỗng hoát, thênh thang, tự tại, và đặc biệt là rất sáng suốt lanh lợi. Trước khi ngộ, tâm vẫn còn nhỏ hẹp, sau sát na đốn ngộ, tâm trở nên khoáng đạt không có biên giới. Trước khi ngộ, tâm vẫn còn ngăn ngại mờ tối; sau sát na đốn ngộ, tâm trở nên sáng suốt, hiểu ra mọi điều. Trước khi ngộ, tâm có thể bị thất niệm; sau sát na đốn ngộ, tâm thường ở trong chánh niệm không xao lãng. Thật ra sự đốn ngộ không phải ngẫu nhiên mà có. Đó là kết quả của cả một quá trình tích lũy công đức và công phu nhiều năm tháng, nhiều đời kiếp. Hầu hết những người có xuất hiện hiện tượng đốn ngộ đều đã có sự tập trung cao độ, khắc khoải tha thiết khác thường, và phải có công đức gì đó rất xứng đáng. Sự tập trung càng cao thì sức ngộ càng lớn; sự thiết tha càng nhiều thì sức ngộ càng sáng; công đức càng dày thì sức ngộ càng sâu. Bản chất của sự đốn ngộ là sự nhảy vọt về mức Thiền (theo thang Tứ thiền) hay nhảy vọt quả Thánh (theo thang Tứ thánh quả) là tùy duyên của mỗi người. Nếu sau khi đốn ngộ, người này phát triển đạo đức rất tốt thì hiện tượng đốn ngộ là chứng được một quả thánh nào đó; nếu sau khi đốn ngộ, người này chỉ được sự lanh lợi và thiền định sâu hơn thì hiện tượng đốn ngộ đó chỉ là tăng trưởng thiền định chứ không phải quả thánh. Thật sự đã có rất nhiều trường hợp sau đốn ngộ, đạo đức hành giả không tăng trưởng mà còn trái lại là kiêu mạn và kỳ cục hơn, khiến mọi người hoài nghi xa lánh hơn. Nhân duyên đốn ngộ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Giọt nước đó là sự kích thích tâm thức của thiền giả đang trong trạng thái sẵn sàng. Giọt nước cuối cùng đó có khi là một đạo lý được giải thích rõ ràng (trường hợp đầu tiên). Giọt nước cuối cùng đó có khi là một đạo lý được trình bày úp mở nhưng thiền giả lĩnh hội được và khai ngộ luôn. Nhưng có khi giọt nước cuối cùng đó chỉ đơn giản là một sự kích thích giác quan tai mắt cũng khiến bừng ngộ. Các thiền sư hay đưa tay hay đưa vật gì đó lên để kích thích nhãn căn. Có nhiều thiền sư ngộ đạo nhờ một tiếng động bất chợt. Ví dụ thiền sư Tề Liên nghe tiếng bảng buổi sáng liền khai ngộ. Có khi một cái đánh kích thích xúc giác cũng làm bừng ngộ. Sự kích thích giác quan như thế không có đạo lý gì bí mật, chỉ là khi nhân duyên công đức đầy đủ thì sự kích thích đơn giản của tiếng động cũng làm tâm khai mở. Hiện tượng đốn ngộ xuất hiện khi người tu đã đủ công đức. Hầu hết công đức này phải được tích lũy nhiều đời nhiều kiếp chứ không phải chỉ một vài năm. Khi Phật Pháp trải qua một giai đoạn vài trăm năm tu hành nghiêm chỉnh thì sau đó ta sẽ có được hàng loạt các vị thiền giả đốn ngộ. Nếu sự tu hành bắt đầu lệch hướng thì ta lại thấy trong Phật Pháp vắng bóng những trường hợp đốn ngộ như thế. Ta phải nhìn thấy hiện tượng đốn ngộ có nguồn gốc từ xa như thế thì mới hiểu Phật Pháp chính xác kẻo không chỉ mơ mộng chờ gặp hên để đốn ngộ là sai lầm. Đốn ngộ cũng có sâu cạn khác nhau. Không phải tất cả trường hợp đốn ngộ đều là đạt được mức độ giống nhau. Có nhiều vị đốn ngộ siêu phàm như Lâm Tế, Động Sơn, Vân Môn. Nhưng cũng có nhiều vị đốn ngộ rồi phải tu hành tiếp vài mươi năm mới vượt bậc. Nhiều vị phải mất 40 năm để được cho là thật sự an ổn triệt ngộ. Vào thời đức Phật, nhiều vị tỳ kheo sau khi đốn ngộ, được Phật hướng dẫn tiếp tục để chứng được Alahán đầy đủ Tam minh Lục thông. Sau này, nhất là vào giai đoạn Thiền tông Trung hoa thịnh hành, tuy ta thấy nhiều vị siêu phàm phi thường nhưng vẫn chưa thấy vị nào tuyên bố đầy đủ Tam minh Lục thông như Alahán thời đức Phật. Điều lạ lùng là có những vị ban đầu có hiện tượng đốn ngộ nhưng về sau lại cư xử tầm thường, như trường hợp của Bình thị giả ở Thái dương sơn (trong Thiền Lâm bảo huấn). Rất nhiều người có hiện tượng đốn ngộ rồi lại tệ hơn khi chưa ngộ mà không được ghi trong sử sách. Hiện nay cũng không thiếu những trường hợp đốn ngộ nhưng chưa gây được ấn tượng như người xưa, và cũng không hiếm những người ngộ sơ sơ rồi hư hỏng về sau.

Tiệm tu như là một sự bổ sung đối với một thực tế là sau khi đốn ngộ, hành giả vẫn chưa thể tự tại với sinh tử, hoặc chưa có đức hạnh hoàn chỉnh, hoặc định lực chưa sâu. Vì thế, sau khi xuất hiện hiện tượng đốn ngộ, hành giả phải nhờ vào sức tỉnh giác mới vừa có được để không bị xao lãng mà tiếp tục an trú tâm vững chắc, tiến dần vào các mức thiền sâu hơn. Tuy nhiên, sau khi đốn ngộ, nhiều vị rơi vào phương pháp chiêm ngưỡng trạng thái tâm rỗng rang sáng tỏ để tận hưởng mà không biết diệt trừ các vọng tưởng sâu kín đang tiếp tục chi phối ở đằng sau. Chính vì chiêm ngưỡng tận hưởng trạng thái tâm rỗng rang đó mà hành giả hết phước dần dần, sau này có thể bị thoái thất trầm trọng. Nếu được minh sư chỉ dạy, hành giả sau đốn ngộ sẽ tiếp tục nhiếp tâm trong hơi thở để tiến sâu vào định chứ không chiêm ngưỡng và tự mãn nơi trạng thái của tâm. Thời đức Phật việc tiệm tu được xem là căn bản vững chắc, giống như thầy giáo bắt học sinh phải tự làm các phép tính cộng trừ nhân chia một cách thủ công để nắm vững cách làm toán từ gốc. Sang thời Thiền tông, việc đốn ngộ được xem là cánh cửa ban đầu cho việc tu hành về sau, giống như bây giờ học sinh chỉ bấm calculator để tìm kết quả, tuy nhanh nhưng không có kiến thức nền tảng. Các thiền sinh hăm hở đi tham vấn để hy vọng gặp một vị thiền sư khai ngộ tức thì, sau đó có tu cũng dễ hơn. Nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Tính ra cũng chỉ những vị nào có căn cơ từ kiếp trước, những vị nào thiết tha khổ sở ngày đi tham học, đêm lặng lẽ ngồi thiền mới có thể được thiền sư điểm hóa thành công. Biết bao nhiêu vị tới lui tham vấn, cả ngàn cả vạn, nhưng số được đốn ngộ cũng không nhiều. Chúng ta cũng ví dụ như trái trên cây có thể rơi rụng vì quá chín, có thể vì gió thổi, có thể vì người hái. Hiện tượng đốn ngộ cũng có thể do sức định quá thuần, có thể do một kích động ngẫu nhiên, có thể do thầy khai ngộ. Nhưng dù sao đi nữa, ta phải có công trồng cây, chăm bón, bắt sâu, làm cỏ dại, tỉa cành hư, tưới nước, thăm chừng, cho đến một ngày kia cây mới ra hoa đơm quả. Cũng vậy, dù sao ta cũng phải gây tạo công đức từ nhiều kiếp, tôn kính Phật đà, làm lợi ích chúng sinh, giữ gìn giới hạnh, vun bồi đạo đức, tinh tấn ngồi thiền, cho đến một ngày kia định tuệ mới đơm hoa kết quả. Quá trình trồng cây đạo đức không chỉ trong một kiếp này, mà phải là rất nhiều rất nhiều kiếp. Nếu ta may mắn đã gieo duyên lành từ quá khứ xa thì kiếp này dễ có nhiều tiến bộ; nếu chưa thì ta phải cố gắng rất nhiều mà kết quả cũng chưa là bao. Vì vậy, nếu thấy việc tu hành ít tiến bộ, ta phải hiểu là do công đức chưa nhiều, và phải dặn lòng càng quyết tâm nhiều hơn nữa. Còn nếu ai vì thấy việc tu chưa tiến bộ mà chán nản thì trăm kiếp ngàn đời sau cứ làm kẻ hèn kém tầm thường. Điều ta cần chú ý nữa là dù cho có đốn ngộ, có khi chỉ là một mức ngộ thấp thấp chưa đủ cho ta thành tựu đạo đức vững chắc hoặc một định lực thâm sâu. Vì thế, sự khiêm hạ vẫn luôn luôn là quý giá.

Câu hỏi: Thế nào là một người quyết tâm tu tập thiền định? Thiền học 17

NHỮNG PHÁP MÔN NGÀY NAY

Chúng ta tạm chia đạo Phật theo những giai đoạn sau: - Thời kỳ Phật giáo Nguyên Thủy. Đó là thời kỳ đức Phật còn tại thế và kéo dài thêm 100 năm. - Thời kỳ Phật giáo phân phái. Đó là thời kỳ sau 100 năm, đạo Phật chia thành 20 bộ phái, theo hai khuynh hướng bảo thủ của Thượng tọa bộ và cải cách của Đại chúng bộ. Thời kỳ này kéo dài từ 100 năm sau Phật đến khoảng 600 năm sau Phật. - Thời kỳ Phật giáo Đại thừa. Nhiều khi để tránh hơn thua, người ta cũng gọi là Phật giáo Phát triển. Lúc này những bộ kinh và luận của Đại thừa thi nhau xuất hiện. Thật ra Phật giáo Đại thừa đã có manh nha sau Phật 200 năm, nhưng phải đợi khi Long Thọ hiện diện thì mới trở thành một phong trào rầm rộ. - Thời kỳ Phật giáo biến thái. Đó là khi Phật giáo được truyền sang các nước phía Đông như Tây Tạng, Trung hoa. Tại đây, đạo Phật pha trộn với văn hóa, tín ngưỡng bản địa và thay đổi rất nhiều. Ta có Mật tông, Thiền tông hay Tịnh độ tông đều thuộc giai đoạn này. Thời kỳ này không đồng đều, tùy theo thời gian đạo Phật du nhập vào mỗi nước, nhưng cũng khoảng gần 1000 năm sau Phật. Ngay cả Phật giáo Theravada của Nam tông từng được xem là nguyên thủy cũng không còn giữ được thuần túy, cũng đã thay đổi rất xa so với Phật giáo Nguyên thủy. Và dường như khuynh hướng biến thái này kéo dài đến ngày nay. - Thời kỳ Phật giáo hiện đại. Đó là thời đại hôm nay khi các ngành kỹ thuật khoa học tiến bộ giúp cho việc nghiên cứu đạo Phật được thuận lợi. Ngày nay người ta ít bị ràng buộc bởi một tông phái duy nhất mà luôn tìm hiểu đạo Phật từ cội nguồn, tìm hiểu các tông phái khắp nơi, giao lưu trao đổi kinh nghiệm tu hành. Chính thời kỳ này lại mới là lúc tinh thần của Phật giáo Nguyên thủy được tôn vinh vì giúp cho đạo Phật tìm lại điểm chung và bớt bị phân hóa.

Hôm nay chúng ta chỉ đề cập đến bốn đường lối phổ biến nhất bây giờ đó là Tịnh độ tông, Thiền tông, Mật tông và Theravada Nam tông. Một bài học ngắn như vầy thì những điều được nêu ra chỉ là sơ lược. Học bài này, chúng ta cũng vượt ra khỏi tinh thần thành kiến tông phái để tìm sự thật. Một trở ngại lớn cho người học Phật là tinh thần tông phái quá nặng khiến cho ta không còn khách quan nữa. Bây giờ, dù ta xuất thân từ tông phái nào, ta cũng tạm quên đi để chỉ còn là đệ tử Phật chung duy nhất mà thôi. Có thể thầy tổ ta cực lực bênh vực tông phái pháp môn của mình, nhưng trên tinh thần khách quan nghiên cứu, ta phải thoát ra khỏi ảnh hưởng đó để nhìn rộng hơn. Điều bình thường là ai cũng cho tông phái mình là chân lý đúng nhất. Đó chỉ là quan niệm chủ quan không phù hợp với tinh thần nghiên cứu khoa học, cần phải được tránh để ta đi tìm một đạo Phật chung cho tất cả. Chúng ta sẽ dựa trên vài đạo lý căn bản nhất của Phật để so sánh từng pháp môn và biết rõ sự sai biệt để bổ sung hay phát huy. Cuối cùng, ước mơ của chúng ta vẫn là xây dựng lại một đạo Phật hòa hợp đoàn kết và không còn bị phân hóa trầm trọng như hiện nay.

1. Tịnh độ tông

Tông Tịnh độ xuất hiện theo tinh thần của kinh Quán Vô Lượng Thọ và kinh A di đà. Những bậc tông sư như Huệ Viễn, Đàm Loan, Đạo Xước.... hết mực xiển dương ca ngợi cái mong ước sinh về cõi Phật A di đà sau khi chết, bằng cách lúc sống cứ chuyên tâm niệm danh hiệu Phật Adiđà. Cõi nước của Phật Adiđà được gọi là cõi Cực Lạc, hay còn gọi là Tịnh độ. Đó là nơi các vị Bồ tát đông vầy, đất trời trang nghiêm đẹp đẽ, chúng sinh thuần hòa sáng suốt. Tại đó, mọi người sẽ được sinh ra từ một hoa sen, rồi tu hành cho đến khi thành Phật. Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rằng lúc chưa đắc đạo, còn là tỳ kheo Pháp Tạng, Phật Adiđà đã phát 48 lời nguyện với sự hứa hẹn rằng bất cứ ai niệm danh hiệu ngài đều sẽ được ngài dùng thần lực đưa về cõi Cực lạc sau khi chết. Chính vì tin vào lời hứa hẹn đó mà tông Tịnh độ xuất hiện kêu gọi mọi người tha thiết niệm Phật để được vãng sinh. Ưu điểm của tông Tịnh độ là không triết lý rườm rà nên dễ được quần chúng bình dân chấp nhận khiến cho tín đồ Phật giáo đông hẳn lên. Mục tiêu vãng sinh cũng đơn giản gần giống như các tôn giáo khác chuyên hứa hẹn một thiên đường sau khi chết nên đã cạnh tranh rất tốt với các tôn giáo chủ trương sinh thiên đương thời. Riêng Tịnh độ tông vượt hơn hẳn là còn nói đến trách nhiệm tu hành sau khi vãng sinh chứ Cực Lạc chưa là mục đích cuối cùng. Sự chuyên tâm niệm Phật cũng được xem là một cách nhiếp tâm trong thiền định, trong đó, ý niệm về tôn kính Phật được giữ gìn thường xuyên. Ngoài ra, do không tốn nhiều thời gian cho triết lý nên tông Tịnh độ phát triển theo hướng nghi lễ giúp cho Phật giáo có nghi lễ đáp ứng nhu cầu cúng kiếng cầu nguyện cho tín đồ như cầu an, cầu siêu, tang lễ... Nhiều người có đạo đức sẵn, lại thêm chuyên cần niệm Phật, cũng đã tìm thấy an lạc trong cuộc sống và khi chết. Nhược điểm của tông Tịnh độ là rời xa mục tiêu Vô ngã của Phật nên nếu không khéo, người tu có thể trở nên ích kỷ dần dần mà không hay. Do chỉ ước ao vãng sinh Tịnh độ nên người ta cũng bỏ quên thế giới thực tại này, không chung tay góp sức xây dựng cuộc đời, lơ là với sự nghiệp truyền bá chánh pháp nên tín đồ đạo Phật ít dần, nhường đất cho các tôn giáo khác nhảy vào thay thế. Thường thường là sau thời gian Tịnh độ tông phát triển mạnh thì đạo Phật lại suy yếu là vì như thế. Câu niệm Phật có thể là phương tiện tốt ban đầu để an trú tâm, nhưng nếu không buông bỏ được thì hành giả không thể vào sâu trong định vì định bắt buộc phải là một nội tâm trống vắng hoàn toàn. Niềm tin vào ước nguyện vãng sinh chỉ có thể là phương tiện ban đầu chứ không thể là tất cả, vì vậy, nếu không chịu học hỏi thêm, người tu sẽ hiểu sai về Phật Pháp trầm trọng, thậm chí rơi vào tà kiến. Tin vào Phật lực quá đáng sẽ phá vỡ đạo lý Nhân quả Nghiệp báo vốn là một đạo lý nền tảng tuyệt đối trong đạo Phật. Theo Nhân quả, muốn được sinh về một nơi tốt lành sau khi chết, người ta phải gắng công xây dựng cõi đời hiện tại này thành cõi Phật trước đã. Dù xây dựng chưa xong, nhưng Nhân quả cũng đưa người đó về cõi Phật sau khi chết. Bổ sung cho những khuyết điểm của tông Tịnh độ, nhiều vị tôn túc đã đưa ra thêm những khái niệm mới như hoàn nhập Ta bà, Tín Hạnh Nguyện, Niệm Phật theo hơi thở, niệm đến vô niệm, Tự tánh Di đà Duy tâm tịnh độ... Nên tập ngồi kiết già, điều thân, thấy thân là vô thường hư ảo, rèn luyện khí lực để hỗ trợ cho công phu tu tập.

2. Thiền tông

Thiền tông được cho là truyền thừa từ tổ Bồ đề Đạt ma, truyền dần đến lục tổ Huệ Năng. Huệ Năng có hai đệ tử ưu tú là Thanh Nguyên và Hoài Nhượng. Hai vị trên xuất hai cao đồ là Hy Thiên và Đạo Nhất Mã tổ. Từ đó Thiền tông phát triển rực rỡ lấn hết mọi tông phái khác. Lý do cũng bởi vì Thiền tông có được nhiều thiền sư đạt ngộ thực tế, hơn hẳn các tông phái khác. Thiền tông có cách dạy đạo hơi ra ngoài truyền thống giáo điển, và được khẳng định qua lời tuyên bố (cũng được cho là của Bồ đề Đạt ma): Bất lập văn tự Giáo ngoại biệt truyền Trực chỉ nhân tâm Kiến tánh thành Phật Chủ trương của Thiền tông là giúp cho người học ngộ được Phật tánh có sẵn nơi mình. Ban đầu thì cho rằng hễ ngộ được thì thành Phật, về sau thì bổ sung rằng ngộ rồi thì bắt đầu tu. Rất nhiều người trong Thiền tông có được hiện tượng đốn ngộ nên các vị vững tin vào đường lối của tông phái mình. Sau này, thời cận đại, Thiền tông xuất hiện lối tu tham thoại đầu rất cực đoan, bài bác hết mọi đường lối khác, kể cả kinh điển của Phật, và làm thất bại nhiều người. Ưu điểm của Thiền tông là giúp phát huy tính tự lực của bản thân nên thực tế hơn các tông phái dựa vào sự linh thiêng của chư Thánh. Vào thời kỳ hưng thịnh, Thiền tông sản sinh ra rất nhiều vị thiền sư đạt ngộ cụ thể, có tâm chứng rõ ràng. Trí tuệ của Thiền đã tạo nên vô số luận bản đóng góp vào kho tàng văn hóa của Phật giáo, với nhiều sáng tạo kỳ thú. Dường như trong một thời gian dài, Thiền tông đã là bộ mặt chính của Phật giáo Bắc phương vì có thực hành và có thành tựu sở đắc tâm linh bởi công phu thiền định. Thiền tông cũng có tính trong sáng vì không chấp nhận những ảo giác của tâm, trong khi có những tông phái lại xem ảo giác là thú vị. Những thiền ngữ bí hiểm của thiền sư, thật ra lại có nghĩa lý đầy giá trị chứ không phải là vô nghĩa. Những người có duyên, có khi nghe một thiền ngữ hiểm hóc lại được đốn ngộ. Vì không còn Phật để minh định trình độ tu chứng nên Thiền tông không đưa ra được một thang tu chứng rõ ràng, nên các Thiền sư theo kinh nghiệm của riêng mình cũng lập ra thang giá trị riêng, Mười bức tranh chăn trâu là một điển hình, rốt cuộc cũng ăn khớp với thang Tứ thiền của Phật. Thiền tông cũng đòi hỏi sự tinh tấn quyết liệt, không chấp nhận tu cầm chừng. Điều này phù hợp với Chánh tinh tấn trong Bát Chánh đạo, và tạo nên đạo lực thật sự cho toàn bộ Phật giáo. Nhược điểm của Thiền tông là ít để ý đến mục tiêu Vô ngã của Phật. Chủ thuyết về Phật tánh có sẵn khiến đưa đến mâu thuẩn khi trong tâm tồn tại cùng lúc vừa Bản ngã vừa Phật tánh. Phật tánh lại có vẻ vô dụng khi con người tạo nghiệp mà Phật tánh không góp phần ngăn chận gì được. Phật tánh có hiển lộ hay không là do con người dụng công tu tập chứ chính Phật tánh lại không tự làm nên sự giác ngộ cho mình. Từ khi cho rằng nơi chính mình có sẵn Phật tánh siêu việt, nhiều người đã trở nên kiêu căng lập dị. Nhiều người được sư phụ công nhận là kiến tánh cũng chưa có đạo đức, và trầm trọng hơn, nhiều người còn hư hỏng về sau. Phật tánh và Kiến tánh không sản sinh ra đức hạnh một cách tự động, chính con người phải tự mình rèn luyện rất nhiều để có đức hạnh. Cùng một cảnh giới chứng ngộ, đức Phật không cho rằng đó là Phật tánh có sẵn, chỉ cho rằng đó là thuộc về Tứ thiền hay Tứ quả, trong khi Thiền tông lại lý giải rằng đó là Phật tánh có sẵn. Chủ thuyết về Phật tánh gần với Đại Ngã hay Chân ngã của kinh điển Upanishad của đạo Ấn độ hơn. Thiền tông lại quá chú trọng tìm kiếm hiện tượng đốn ngộ mà ít chú trọng tu tập từ căn bản. Hơn nữa, việc dụng công để ý trên đầu cũng khiến Âm lực mất dần làm cho hành giả ban đầu có vẻ yên ổn, thời gian sau lại thoái thất. Nhiều người bắt chước nói thiền ngữ để làm ra vẻ ta đã ngộ đạo, không ngờ chỉ là hơn thua và khoe khoang. Bổ sung cho những điều đó, ta nên lấy mục tiêu Vô ngã làm chính, lấy việc tu dưỡng đạo đức làm nền, rèn luyện khí lực làm sự hỗ trợ.

3. Mật tông

Chiếc nôi của Mật tông là Tây tạng, nơi đó, đạo Phật kết hợp với tín ngưỡng có sẵn, Bon, tạo thành một đạo Phật rất kỳ lạ. Về lý thuyết, kinh điển Mật tông Tây tạng nhiều hơn cả Phật giáo Trung hoa. Có những bản kinh mà chỉ Tây tạng mới có chứ Trung hoa cũng không có. Mật tông chú trọng về việc tìm kiếm quyền năng, cả khí lực lẫn tâm linh. Các Lạt ma có những bí quyết về luyện tập khi lực rất đặc biệt để tạo thành sức mạnh cho cơ thể. Rồi vô số những thần chú được cho rằng để tạo nên quyền năng tâm linh. Nhưng nếu cần nói về lý thuyết Bát nhã Tánh không, Bồ tát hạnh... thì trong Mật tông cũng không thiếu lý luận cao siêu. Phái Mật tông do ngài Tson Khapa (Tôn Khách Ba) thiết lập chiếm ưu thế với hai Lạt Ma uy tín nhất là Đạt Lai và Ban Thiền vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay. Ở Trung hoa, khi nhà Thanh trị vì, quốc sư Ngọc Lâm đã tạo điều kiện phát triển Mật tông qua việc ra lệnh buộc các chùa phải tụng năm đệ thần chú Lăng Nghiêm vào buổi khuya, và đưa mật chú vào hầu hết các nghi thức tụng niệm. Nhiều người do tụng thần chú cũng có được năng lực đặc biệt về tâm linh. Ưu điểm của Mật tông là tạo thêm một khía cạnh năng lực tâm linh trong Phật giáo. Nhiều hành giả Mật tông thành tựu thần thông ở mức độ nhất định cũng làm ngạc nhiên mọi người. Cuộc sống con người nhiều chướng ngại khó khăn, rồi trong lúc bế tắc, buộc họ phải đi tìm sự cứu giúp của người có khả năng tâm linh. Chính những hành giả Mật tông đã đáp ứng phần nào nhu cầu giải quyết khó khăn cho quần chúng, và giữ được tín đồ cho Phật giáo. Câu thần chú tối nghĩa, thuần túy niềm tin, được chuyên chú trì tụng cũng được xem như một phương tiện nhiếp tâm trong thiền định. Người Ấn độ hiểu tiếng Sancrit thì có thể hiểu được nghĩa câu thần chú, hoặc ngày nay các bài thần chú cũng được dịch ra tiếng Việt giúp nhiều người hiểu nghĩa. Nhưng thật sự, hiểu thì hiểu, mà chẳng ai biết nghĩa đó là đạo lý gì. Ví dụ câu Aum mani padmé hum (án ma ni bát di hồng) có nghĩa là Om, viên ngọc trong đóa sen, có thể được hiểu nghĩa, nhưng chẳng ai biết đạo lý gì. Rồi tùy theo sư phụ cho người đệ tử niềm tin vào sự thiêng liêng của câu thần chú đó để người đệ tử ôm theo suốt đời mà nhiếp tâm trì tụng. Ưu điểm nổi bật của các tu viện Mật tông Tây tạng là những phương pháp luyện tập khí lực rất hiệu quả. Nhờ những phương pháp đó mà các Lạt ma chịu đựng cái lạnh ghê người trên núi cao. Chính nhờ khí lực hỗ trợ mà sự tu tập tâm linh của các Lạt ma cũng đạt được nhiều kết quả phi thường. Toàn dân tộc Tây tạng theo đạo Phật cũng vì chứng kiến những quyền năng kỳ lạ của các Lạt ma. Nhược điểm của Mật tông là việc sử dụng quyền năng làm tăng trưởng kiêu mạn ngã chấp dữ dội. Hơn nữa sự ham thích quyền năng tâm linh cũng khiến người ta đi lệch khỏi Chánh kiến của đạo Phật. Nhiều phái Mật tông thờ sọ người để rèn luyện quyền năng, y hệt các đạo phù thủy thời man rợ. Phái Mật tông ít khi nói về đạo lý sống sâu xa chân chính, mà thích khoe khoang về quyền năng thần thông. Đức Đạt lai lạt ma là điển hình hiếm hoi. Thời gian mới xuất gia rất quan trọng đối với người tu, cần được huân tập những lý tưởng kiên cường với Phật Pháp, lý tưởng truyền bá chánh pháp rộng khắp, nhưng năm đệ thần chú Lăng Nghiêm đã gieo vào lòng người mới vào đạo một khái niệm mơ hồ không phương hướng. Thật ra chính sự nhiếp tâm, ý muốn và phước đã tạo nên phép lạ chứ câu thần chú vô nghĩa chỉ là chỗ dựa của niềm tin. Khi tụng câu thần chú, ta có sự nhiếp tâm, ta có ý muốn đạt được khả năng gì đó, kết hợp với phước quá khứ, thế là ta có năng lực. Ví dụ người muốn có khả năng chữa bệnh, thiết tha trì tụng thần chú với niềm tin Phật. Rồi sau một thời gian tụng vào ly nước cho người khác uống thấy lành bệnh thật, thế là càng vững tin vào năng lực của thần chú, đâu ngờ rằng chính sự nhiếp tâm thiết tha, ý muốn và phước của chính mình đã làm nên như thế. Nhiều bài kinh của Mật tông còn đi tới cực đoan là cho rằng trì tụng bài thần chú trong đó sẽ được công đức còn lớn hơn hóa độ nhiều người chứng Alahán. Đây thật sự là điều làm tan loãng đạo Phật. Chính đức Phật cũng chỉ nhận mình là một Alahán. Mặc dù công đức, trí tuệ, dung mạo, thần thông của Phật siêu việt biết bao nhiêu lần. Bổ sung cho Mật tông là phải thiết lập chánh kiến với Tứ Diệu đế, phải lấy mục tiêu Vô ngã làm định hướng chính, phải rèn luyện Đạo đức làm nền tảng từ ngày đầu xuất gia. Phát huy phương pháp rèn luyện khí lực đừng để thất truyền.

4. Nam tông Theravada

Phật giáo Nam tông Theravada truyền bá khắp từ các nước Tích Lan, Miến điện, Thái lan, Lào, Kampuchea, và một phần nhỏ tại Việt Nam. Chữ Theravada có nghĩa là Thượng tọa bộ, một bộ phái được thành lập sau Phật 100 năm. Nam tông trung thành và bảo vệ giáo lý nguyên thủy từ thời đức Phật, tuyệt đối không chấp nhận bản kinh nào xuất hiện vào các thời đại sau. Những bản kinh Đại thừa xuất hiện về sau đều bị Nam tông liệt vào hàng ngoại đạo. Chỉ có bộ Nikaya do chính Phật tuyên thuyết, thêm bộ Abhidhamma (Vi diệu pháp) là kinh điển chính thức được lưu truyền và tôn sùng. Các sư Nam tông rất chuyên chú tu tập thiền định, giữ nhiều giới luật xa xưa, do đó, đã cho phép ăn tam tịnh nhục. Chiếc y vàng quấn vừa đẹp mắt vừa rườm rà cũng là biểu hiện của sự giữ gìn truyền thống quyết liệt.

Ưu điểm của Nam tông là bảo vệ một đạo Phật truyền thống để kềm bớt những sự cải cách mà có khi đã đi quá xa của Phật giáo Bắc phương. Sự quyết liệt của Nam tông làm Bắc tông cũng dè dặt bớt sự tự tôn của mình khi đã tự cho mình là Đại thừa và chê Nam tông là Tiểu thừa. Sự chuyên chú tu tập và truyền bá các phương pháp tu thiền định cũng nêu cao được giá trị của đạo Phật giữa một thế giới quay cuồng căng thẳng. Nhiều thiền viện tại các quốc gia Phật giáo Nam tông đã thu hút được nhiều người khắp nơi trên thế giới về thực tập. Kinh điển Nikaya được tôn thờ nên dù cho ngôn từ xa xưa khó hiểu, lập lại nhàm chán, cũng vẫn được mọi người kiên tâm nghiên cứu và tìm thấy trong đó vô số đạo lý cực kỳ quý giá. Sự quyết tâm duy trì Giới luật cổ xưa cũng là hình ảnh đẹp như ta trân quý điều cổ kính dù cho nhiều giới điều thật sự không còn phù hợp. So với Bắc tông thì Nam tông giữ được sự đồng nhất khắp nơi, dù ở quốc gia nào. Đây là điều vô cùng đáng ca ngợi. Bắc tông vì mạnh dạn cải cách cũng gây ra sự phân hóa, chia rẽ, biến thái khắp nơi. Nam tông tôn trọng mục tiêu Vô ngã của Phật rất kỹ trong sự thực hành tu tập. Những chuẩn mực được thiết lập từ thời Phật như Tứ Thiền, Tứ Quả, vẫn được tôn trọng theo đuổi. Lịch sử về đức Phật hay truyện tích về các vị Thánh tăng có vẻ thực và trong sáng hơn, dù cho các chi tiết về thần thông vẫn được đề cập. Lối tu Minh sát tuệ được phát minh sau Phật có lối theo dõi thở bụng phồng xẹp lại rất có lợi cho việc củng cố Chân âm, tạo khí lực cho việc tiến triển thiền định lâu dài về sau. Nhiều vị sư Nam tông có kết quả Thiền định rất thuyết phục, đến nổi được mọi người xưng tụng là Alahán. Nhược điểm của Nam tông là không tìm hiểu để thấy được cái hay của tư tưởng Phật giáo Đại thừa với những sự phát triển cần thiết cho phù hợp với thời đại và khu vực. Vì thế Nam tông đã luôn coi Bắc tông như ngoại đạo góp phần làm chia rẽ đạo Phật chung. Chúng ta cần phải đoàn kết toàn thể những người tin Phật trên khắp thế giới lại để Phật giáo có được sức mạnh khi mà hiện nay rất nhiều thế lực xấu đang tìm cách phá hoại đạo Phật. Nhiều vị trong Nam tông đi tới cực đoan coi trọng Abhidhamma hơn kinh điển chính thống Nikaya. Đó cũng là dấu hiệu Nam tông bắt đầu rời xa cội gốc dần. Nhiều cách thiền tập của Nam tông không thống nhất được Tứ niệm xứ mà chỉ chọn một xứ nào đó để thực hành trong bốn xứ Quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp. Hầu hết lối sống và tu của các sư Nam tông rất thụ động, không chú trọng nhiều đến việc truyền bá Phật Pháp một cách sâu rộng nên nhiều khu vực của Nam tông dần dần mất vào tay Hồi giáo hoặc các tôn giáo khác. Có những phum sóc nhiều đời theo Phật vậy mà bây giờ bắt đầu theo Tin lành khi được cho ba triệu. Phật giáo Nam tông của Thái Lan đã không giữ được đời sống văn hóa Thái lan, khiến cho đất nước này trở nên trụy lạc tha hóa. Các sư quan tâm nhiều đến những tiểu tiết giới luật mà không chịu quan tâm tới đại thể phát triển Phật giáo. Nhưng rồi các sư cũng khó thể giữ được giới luật y hệt ngày xưa, vì có khi cũng phải đi khất thực bằng cách ngồi trên xe lam và nhận về cả xe vật thực. Đời sống của sư tăng Miến điện cực kỳ thuận lợi trong khi sát bên ngoài người dân rất nghèo khổ vất vả. Điều này khiến người ta cho rằng đạo Phật chỉ có lợi cho giới tăng lữ. Bổ sung cho những điều trên là ta cần một Nam tông năng động trong việc truyền bá chánh pháp sâu rộng, một Nam tông thông cảm ưu ái với Bắc tông, một Nam tông dấn thân phục vụ hơn là lặng lẽ ngồi chờ được phục vụ.

Trong một bối cảnh đa dạng Phật giáo như ngày nay, ta phải có bổn phận đi tìm cái chung đồng hợp lý nhất, vừa có hiệu quả thiết thực trong việc đi đến giác ngộ giải thoát, vừa có hiệu quả trong việc hoằng truyền chánh pháp, vừa tạo nên mẫu số chung cho các tông phái Phật giáo tìm đến sự hòa hợp đoàn kết với nhau. Cái chung đồng đó là Mục tiêu Vô ngã; cái chung đồng đó là Đức hạnh nhân cách hoàn chỉnh nghiêm túc; cái chung đồng đó là đạo lý Nhân quả Nghiệp báo; cái chung đồng đó là một Phật giáo dấn thân gây tạo được nhiều công đức vì làm lợi ích cho cộng đồng Địa cầu; cái chung đồng đó là công phu Thiền định có phương pháp hoàn hảo nhất, phù hợp với lời Phật dạy nhất.

Câu hỏi: Hãy nêu ước mơ về một đạo Phật cho thế giới ngày mai. Thiền học 18

BỒ TÁT HẠNH

Bồ tát được phiên âm qua trung gian chữ Hán rồi sang chữ Việt của từ tiếng Phạn BodhiSatva, có nghĩa là một hữu tình có trí giác. Nghĩa của từ vựng thì đơn sơ nhưng giá trị của Bồtát thì rất lớn lao trong đạo Phật.

1. Người hướng về quả vị Phật

Trong các kinh điển Nguyên thủy, nhất là các tập Bổn sinh kể về các tiền kiếp của Phật, ta thấy lúc đó Phật được gọi là Bồ tát. Nhiều kiếp vất vả lặn lội trong sinh tử gieo duyên hóa độ chúng sinh, cuối cùng Bồtát ra đời trong cung vua Tịnh Phạn rồi xuất gia tu hành thành tựu Phật quả. Trên nguyên tắc, Phật vẫn cho mình là một Alahán như những Alahán khác, chỉ khác là Phật vượt hơn các vị Alahán đệ tử ở công lao khai sáng, trí tuệ, thần thông, dung mạo, công đức... Nhưng càng về sau, nhiều luận bản xuất hiện và làm cho khoảng cách giữa Phật và Alahán càng cách xa trời vực. Thậm chí nhiều luận bản còn có ý chê bai quả vị Alahán là kém cỏi. Đây là điều rất trái ngược với quan điểm ban đầu của Phật. Trong nhiều kinh Nikaya, Alahán là một bậc thánh hoàn hảo, đầy lòng từ bi thương yêu chúng sinh nhưng dấu kín trong phong cách trầm mặc hiền lành. Sau này, những luận bản của Đại thừa cho Alahán là khô khan, thụ động, hễ nhập Niết bàn xong là hết chuyện. Nhưng câu chuyện về ngài Hư Vân mộng lên cung trời Tusita (Đẩu suất) thấy ngài Ananda đang phụ giúp Bồtát Di Lặc giáo hóa thiên chúng lại mở ra một cách hiểu về Alahán khác đi. Vì không vừa ý với bốn quả Thánh, nhiều luận bản Đại thừa đã thiết lập thêm nhiều quả vị phức tạp cho Bồtát. Một vị Bồtát trải qua vô số kiếp vừa tu hành vừa hóa độ chúng sinh sẽ lần lượt tiến lên nhiều quả vị trước khi xuất hiện ở kiếp cuối cùng thành tựu Phật quả. Theo kinh Hoa Nghiêm thì Bồtát sẽ trải qua 52 quả vị gồm Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, và hai quả vị cuối là Đẳng giác và Diệu giác. Ai cũng đồng ý về tính cách của Bồtát là phải xả thân giáo hóa chúng sinh không mệt mỏi. Riêng vấn đề phải bàn là mức độ chứng ngộ của Bồtát khi đó là như thế nào. Nhưng dù sao thì Nam tông hay Bắc tông đều phải nhất trí ở chỗ Bồtát là người hướng đến quả vị Đại giác của Phật, nghĩa là phải là người khai sáng một tôn giáo giải thoát vào một thời điểm nào đó, ở một hành tinh nào đó, chứ không phải là người đệ tử được hướng dẫn bởi một đạo sư đi trước. Còn kinh điển Đại thừa thì đông nghịt những vị Bồ tát trong mười phương thế giới với vô số hạnh nguyện khác nhau mặc dù cùng có chung tâm nguyện độ sinh.

2. Những người có tấm lòng bao la

Thật ra trong đạo Phật, người ta hiểu từ Bồtát với nghĩa khá rộng, không hẳn chỉ là những vị Bồtát thần thông quảng đại ẩn hiện khắp nơi trên cõi cao vời, mà còn là những người có tấm lòng độ lượng nhân ái sống giữa cuộc đời thực tế này. Chính vì ý nghĩa rộng lớn của Bồtát như vậy nên hình ảnh của đạo Phật thật là gần gũi đẹp đẽ và sống động. Một người được gọi là Bồtát sẽ là người thương yêu mọi người chung quanh mình, sẵn lòng giúp đỡ khi có thể, dường như chẳng bao giờ thấy giận ghét ai. Những tâm hạnh như thế rất phù hợp với tiêu chuẩn của một vị chứng Thánh quả Tu đà hoàn trở lên. Nhưng nếu vị Bồtát đó lại có thêm dấu hiệu là người có đạt được khả năng tâm linh gì đó thì càng khiến cho mọi người tin tưởng đây là vị Bồtát đích thực. Dù sao, trước hết Bồtát được đòi hỏi phải là người có tấm lòng bao la nhân ái, còn tiêu chuẩn về thần thông tâm linh thì tính sau. Bồtát phải là người thông cảm và xoa dịu nỗi đau của mọi người chung quanh mình một cách thực tế cụ thể. Chúng sinh trên đời phải chịu đựng vô vàn khổ đau, từ những chuyện lớn lao cho đến những chuyện vặt vãnh. Nhiều chuyện phiền toái vặt vãnh của chúng sinh nghe rất buồn cười. Chúng sinh sẵn sàng buồn khổ vì những chuyện mà Bồtát thấy là vụn vặt không đáng, nhưng Bồtát vẫn lắng nghe và tìm cách giúp đỡ chứ không cười cợt khinh khi. Tuy nhiên, Bồtát khác với một nhà chuyên làm từ thiện ở chỗ, nhà từ thiện chỉ chuyên đi tìm những kẻ đau khổ để giúp đỡ như cứu trợ vật thực, chăm sóc người mắc bệnh phong, chăm sóc trẻ em mồ côi... Còn Bồtát thì âm thầm giúp cho chúng sinh biết tội phước Nhân quả để chúng sinh tự mình tạo ra phước cho chính mình, tạo nên phẩm giá cho chính mình mà không cần nhờ ai giúp đỡ nữa. Thoạt nhìn bên ngoài thì một nhà làm từ thiện có vẻ nổi bật hơn, dễ được nhiều người biết hơn. Nhưng nói về hiệu quả lợi ích lâu dài thì chính những vị Bồtát âm thầm giúp chúng sinh có trí tuệ mới là công lao to lớn đối với thế giới. Bồtát cũng khác với một người thích làm phước để cầu phước. Người làm phước mà cầu phước thì nhìn bên ngoàì cũng giúp đỡ mọi người, nhưng bên trong lòng ích kỷ càng lúc càng lớn. Còn Bồtát thì giúp đỡ chúng sinh chỉ vì lòng thương yêu vô điều kiện. Vì vậy, để gọi một người là Bồtát, ta phải tìm hiểu động cơ thật sự của việc làm từ thiện của người đó, không phải thấy ai tốt tốt cũng gọi là Bồtát.

3. Bồ tát Tu đà hoàn

Theo Nikaya, một vị chứng quả Tu đà hoàn (Sotapatti) sẽ phải trở lại cõi người nhiều lần trước khi chứng quả Giải thoát Alahán tối hậu. Trong thời gian tái sinh nhiều lần ở cõi người, vị Tu đà hoàn mang theo tấm lòng vị tha do đã phá trừ được kiết sử thân kiến,( nghĩa là ích kỷ), để sống một đời tận tụy giúp đời giúp người. Vừa có nguồn gốc thánh quả, vừa sống đời hy sinh tận tụy, vị Tu đà hoàn này thật sự có tâm hạnh của Bồtát. Vị Bồtát Tu đà hoàn như thế đã tích lũy công đức dần dần và gột rửa nghiệp chướng từ từ. Vị đó vẫn còn phải chịu nhiều thăng trầm trong cuộc sống vì đôi khi đã chấp nhận có thái độ cứng rắn khi phải bảo vệ điều thiện cho thế gian. Nhưng thánh quả của quá khứ luôn hiện diện trong nội tâm sâu thẳm khiến cho vị đó đi đúng hướng và công đức tăng lên mãi. Vị đó luôn khát khao tu tập thiền định, và nhiều khi không lệ thuộc vào sự hướng dẫn của thầy tổ do vị đó đã có mầm mống chứng ngộ của quá khứ. Có khi vị Bồtát Tu đà hoàn leo lên tới tột đỉnh vinh quang ở ngôi vị quốc vương, nhưng cũng có lúc phải chịu lang thang đày đọa. Nhưng tuyệt đối vị đó không bao giờ bị rơi vào ba nẻo ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Khuynh hướng vị tha, khát khao lẽ phải, ước mơ siêu thoát luôn thúc đẩy vị đó hướng thượng chứ không chìm trong sự tầm thường của thế nhân. Đôi khi vị đó vẫn còn có thể có lỗi lầm, nhưng rồi cuối cùng vị đó vẫn tự mình tìm cách vượt ra khỏi. Có thể nói Bồtát Tu đà hoàn là hình ảnh cảm động nhất vì vị đó phải cực khổ phấn đấu rất nhiều chứ không được dễ dàng tự tại như những Bồtát cao siêu khác.

4. Bồ tát thị hiện

Bồtát thị hiện là hàng Bồtát có thánh vị cao, có phước đầy đủ ở cõi trời, không bị ràng buộc bởi cõi người, nhưng thấy mình có duyên để làm được việc tốt đẹp cho Phật Pháp, cho chúng sinh ở cõi người nên phát nguyện sinh về cõi người trong một thời điểm nào đó. Bồtát thị hiện được tự do chọn cha mẹ, dòng dõi để sinh vào. Nếu là Bồtát mức độ chứng ngộ chưa siêu việt thì các ngài chấp nhận cách ấm vô minh, nghĩa là khi mới xuất thai, tạm thời quên nguồn gốc thần thánh của mình. Sau đó vài năm, khi tuổi lớn, bộ não phát triển, tâm linh khai mở, trình độ tâm chứng tự nhiên phục hồi sau một thời gian tu tập, Bồtát sẽ nhớ lại nguồn gốc cũng như hạnh nguyện mang theo về cõi người của mình. Bồtát thị hiện thì tự tại hơn Bồtát Tu đà hoàn vì trình độ tâm chứng cao hơn, công đức lớn hơn, vì vậy, dễ dàng thực hiện hoài bảo của mình hơn. Nhiều thiền sư dị thường như ngài Phổ Hóa, Đạo Tế, Diệu Thiện (chùa Kim Sơn), Minh Không (Việt Nam)... đều có thể xem là Bồtát thị hiện. Hình ảnh sư huynh Ngọc Lam trong truyện Thoát vòng tục lụy của sư Tinh Vân cũng tiêu biểu cho hàng Bồtát thị hiện. Nhiều vị Bồtát không nhất thiết phải xuất hiện trong đạo Phật. Có khi các ngài hiện thân trong một tôn giáo khác để chỉnh đốn tôn giáo đó về gần với chánh đạo hơn. Những vị đó cũng có thần thông phi thường, có đạo hạnh siêu thoát, và đạo lý luôn luôn phù hợp với Phật Pháp, dù đang hiện tướng của một tôn giáo khác. Cũng có khi Bồtát thị hiện vào ngôi nhân vương, quan tướng, hào phú, triết gia, anh tài... để thực hiện những tâm nguyện của mình. Nhưng thường thì các vị dấu diếm thân phận mình rất kỹ, khó ai biết được nguồn gốc thần thánh của các ngài. Triết gia Socrate (469-399bc) của thành Athenes, Hy lạp cổ là một điển hình. Những triết lý của ông rất phù hợp với Phật Pháp. Ông có thể nhập định trong tư thế đứng một ngày đêm. Ông bình thản chấp nhận cái chết bức tử bằng thuốc độc. Nhà toán học Pythagore (582-500bc), cùng thời đại với Phật, cũng ở Hy Lạp, đã dạy thiền định cho nhiều môn đệ, và có nhiều thần thông. Pythagore nói rất nhiều về luân hồi giống như đạo Phật. Có một điều quan trọng ta cần phải nhớ, đó là Bồtát không bao giờ sử dụng thần thông để thay đổi số phận của chúng sinh. Các ngài chỉ giúp cho chúng sinh biết gây tạo nhân lành để quả báo tự đến một cách vững bền ổn định. Bồtát phải là người có trí tuệ hiểu rất sâu về Nhân quả Nghiệp báo nên luôn dùng luật Nhân quả để điều chỉnh thân phận con người. Thần thông chỉ là sự cứu giúp tạm thời, không phải là vĩnh viễn.

5. Đại Bồ tát

Đó là những vị Bồtát gần như Phật, hầu như không bao giờ trực tiếp hiện thân ở đời mà chỉ ở trên cõi trời, cõi thánh để quan sát và cứu độ thế gian. Trường hợp như Bồtát Di Lặc thị hiện làm Bố đại hòa thượng là hiếm hoi. Ta có những vị Đại Bồtát nổi tiếng như Quán Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền, Địa Tạng, Đại Thế Chí vân vân... Riêng Bồtát Quán Thế Âm cực kỳ được quần chúng ngưỡng mộ tôn thờ vì hạnh nguyện cứu giúp chúng sinh trong lúc nguy nan cấp bách. Thật sự rất nhiều, rất nhiều người gặp nạn niệm danh hiệu Quan Âm liền được thoát khỏi vô cùng mầu nhiệm. Ta có thể thắc mắc tại sao thần thông của một vị Bồtát lại can thiệp vào Nghiệp của chúng sinh được. Thật ra những người lúc gặp nạn lại biết niệm Phật tức là đã có duyên với Phật Pháp, ít ra trong đời cũng đã làm việc lành nào rồi. Khi gặp nạn biết kêu Phật, Chư Phật, chư Đại Bồtát sẽ dùng thần thông cứu người đó qua nạn tai, cũng có nghĩa là cho chúng sinh đó mượn phước của mình, mà Bồtát thì phước là vô hạn. Sau này người đó phải làm những việc phước để trả lại. Đó là lý do tại sao ta thấy có nhiều người làm phước rất nhiều mà không khá lên được chỉ bởi vì phải trả lại cho Phật. Người càng cầu xin nhiều chừng nào thì sau này khi làm phước càng ít được hưởng phước chừng nấy. Thật ra, các Bồtát thì không có tên tuổi danh xưng, càng không còn phân biệt Bồtát này Bồtát khác. Chỉ có chúng sinh thích bày vẻ phân biệt cho phong phú đa dạng thì các Ngài tùy thuận mà thôi. Tâm Bồtát trùm phủ pháp giới bằng lòng đại bi vô hạn, giống như ánh nắng mặt trời bình đẳng chiếu khắp vạn vật. Người quay lưng với ánh sáng thì mặt trời cũng không làm gì được. Cũng vậy, chúng sinh không hướng về chư Phật thì Phật cũng không làm gì được. Còn tất cả những chúng sinh nào biết hướng về Phật thì luôn luôn được sự gia hộ che chở của chư Phật. Tâm đại bi của Phật là một sự cảm ứng vi diệu và không bao giờ cùng tận mà chúng sinh sẽ được thấm nhuần tưới mát nếu có tấm lòng. Chúng ta có thể hiểu vô biên hóa thân của Phật hay chư Đại Bồtát chính là tâm cảm ứng cùng khắp với tất cả chúng sinh, chứ không cần thiết phải hiện thân cụ thể. Quả vị của những vị đại Bồtát như thế thật là không thể nghĩ bàn, cũng như Bồtát Di Lặc không khác gì Phật, nhưng vẫn ở tại cõi trời Đẩu suất để giáo hóa thiên chúng chờ thời điểm xuất hiện ở cõi người để thành Phật quả.

Câu hỏi: Mỗi người hãy nêu lên phương pháp cụ thể để giúp người chưa biết Phật Pháp trở nên kính yêu Phật Pháp. Thiền học 19

XẢ THIỀN - GIÁM THIỀN - SỐNG THIỀN

1. Xả thiền

Khi kết thúc thời tọa thiền, ta cũng phải tuân theo những thủ tục cần thiết để giúp tăng thêm lợi ích và giảm đi những tác hại. Những thủ tục đó gồm có các tâm nguyện và thao tác. Tâm nguyện cuối thời tọa thiền khi ta chưa cử động gì cả là ý niệm âm thầm trong tâm. Đó là những tác ý cần thiết và tốt đẹp mà Phật thường xuyên nhắc nhở một tỳ kheo chân chính phải biết phát khởi. Chúng ta đừng hiểu lầm tu Thiền nghĩa là tuyệt đối không khởi ý niệm. Thật ra những ý niệm thiện lành chính là sự hỗ trợ rất lớn cho sự nghiệp nhiếp tâm lâu dài về sau. Khi bắt đầu tọa thiền ta cũng đã khởi phát ba tâm nguyện (đối với cư sĩ) hoặc bốn tâm nguyện (đối với tu sĩ) là tuyệt đối tôn kính Phật, Thương yêu tất cả chúng sinh, và tận cùng khiêm hạ (nếu tu sĩ thì thêm nghiêm trì giới luật). Bây giờ khi kết thúc thời tọa thiền, ta sẽ phát lên lời hứa nghiêm túc với chư Phật là: Suốt đời sẽ tận tụy giúp mọi người chung quanh được an vui trong Chánh Pháp và trong Thiền định một cách cụ thể. Trong đạo Phật thì không thiếu những lời phát nguyện độ khắp chúng sinh. Nhưng khuyết điểm thường gặp là ta không cụ thể hóa những lời nguyện đó thành phương pháp, kế hoạch một cách chi tiết để dễ dàng thực hiện. Cuối cùng ước mơ thì lớn nhưng làm không được bao nhiêu. Để khắc phục nhược điểm đó, từ nay, sau mỗi thời tọa thiền, ta sẽ hứa với Phật là thực hiện ước nguyện độ sinh một cách cụ thể và hiệu quả. Chính nhờ lời hứa này, ta sẽ biết quan sát tính chất của từng người, từng thành phần, từng khu vực để lập nên kế hoạch giáo hóa chi tiết. Ta sẽ đi đến một mình hay sẽ kết hợp với huynh đệ; ta sẽ tiếp xúc với người cang cường trước hay người nhu thuận trước; ta sẽ nói về đạo lý lập tức hay sẽ giúp đỡ đời sống trước vân vân... Thao tác kế tiếp theo đó là những động tác nhẹ nhàng từ tốn và xoa bóp như sau. - Ta sẽ cúi đầu lên xuống chừng 5 lần. - Xoay đầu qua lại chậm chậm mỗi bên chừng 5 lần. - Chuyển động hai vai theo hình tròn lên xuống chừng 7 lần. - Xoay toàn thân dựa trên trục eo lưng qua lại hai bên, mỗi bên chừng 7 lần. - Bóp bóp 2 bàn tay chừng 5 lần. - Rồi đưa tay lên xoa đầu, mặt, hai tai, cổ, gáy cho đến khi thấy dễ chịu, khoảng chừng 30 giây. - Xoa trước ngực và bụng khoảng chừng 30 giây. Đừng bỏ qua 2 bên cạnh sườn. - Xoa thắt lưng cũng chừng 30 giây. - Rồi bây giờ mới kéo chân ra để xoa bóp chân nhẹ nhàng. Sau đó, ta ngồi yên tại chỗ một chút cho thoải mái rồi mới đứng lên đi bách bộ (hay gọi là kinh hành). Mục đích của việc đi bách bộ sau khi ngồi thiền là để giúp ta chuyển tiếp từ một giai đoạn tĩnh lặng sang giai đoạn hoạt động của cuộc sống không bị đột ngột. Khi đi bách bộ kinh hành như thế, ta vẫn để ý ở phía dưới bụng, vẫn gắng giữ tâm yên tĩnh như khi ngồi thiền. Hơi thở vẫn điều hòa không bị can thiệp. Tự nhiên ta biết rõ từng bước chân chạm đất dù không cố ý phải biết. Lát nữa đây, bước vào cuộc sống đầy lao xao biến động, ta vẫn không bị cuốn theo một cách mê mờ tăm tối. Nếu ta có được một không gian thoáng đãng rộng rãi thiên nhiên để kinh hành thì rất tốt, còn không được như vậy thì ta vẫn có thể đi tới đi lui trên một đoạn đường ngắn cũng không sao.

2. Giám thiền

Khi bắt đầu tập tọa thiền, ta khó thể tự biết tư thế ngồi của mình có đúng và đẹp chưa, vì thế, rất cần người Giám thiền đi tới đi lui quan sát chỉnh sửa giùm cho đại chúng. Giám thiền phải là người có kinh nghiệm tọa thiền khá giỏi, đã từng biết những sai lầm của mình nên bây giờ biết sai lầm của huynh đệ mà kịp thời chỉnh sửa. Công tác giám thiền rất vất vả vì phải đi tới đi lui tập trung xem xét hết người này đến người khác, không được yên tĩnh ngồi thiền trong khi đại chúng ngồi. Nếu không sắp được thời gian để ngồi bù lại thì sức khỏe Giám thiền sẽ tụt trông thấy. Giám thiền cần trang bị một cây thiền bảng dài khoảng 1,2m, hình dáng dẹp dùng để nhắc nhở thiền sinh. Giám thiền đi tới đi lui phải nhẹ nhàng khẽ khàng không gây tiếng động. Những lỗi nào đã bị phạm thì thiền sinh cứ hay bị lập lại hoài, nên Giám thiền phải để ý sửa giúp nhiều lần mới hết hẳn. Khi bắt đầu công tác, Giám thiền phải xem xét phần tư thế bên ngoài trước khi xem xét nội tâm của thiền sinh. Những lỗi về tư thế thường gặp của thiền sinh là: - Lưng cong. Giám thiền phải thường xuyên lấy thiền bảng chạm nhẹ vào lưng để thiền sinh hiểu ý mà ưỡn lưng lên lại. Nhưng nếu có ai ưỡn ngực nhiều quá thì Giám thiền phải nói khẽ bên tai để người đó chùng xuống bớt. - Đầu cúi quá hay ngẩng cao. Giám thiền phải dùng tay chạm rất khẽ để kéo đầu thiền sinh về đúng vị trí. - Hai tay ép gần hông. Dùng thiền bảng để đẩy ra nhẹ nhàng. - Đầu quay qua một bên. Dùng tay xoay nhẹ lại. - Miệng mở. Dùng thiền bảng chạm nhẹ vào cằm. - Người như xoay về một bên, nghiêng về một bên. Dùng hai ngón tay giữa đặt ở hai vai để xoay nhẹ trở lại. - Mắt mở to nhìn lên, hoặc nhìn qua lại. Ra hiệu bằng tay ám chỉ nhìn xuống dưới. - Ngồi không yên, hay nhúc nhích. Đến gần nói khẽ bên tai nhắc nhở ráng giữ thân cho bất động. - Có dấu hiệu buồn ngủ. Nói khẽ thiền sinh phải biết rõ toàn thân. - Có dấu hiệu gồng cứng toàn thân. Nhắc khẽ nên buông lỏng, giữ thân mềm mại. - Bàn tay không đẹp, không đúng tư thế. Nhắc khẽ cho sửa lại. - Nhìn gương mặt thấy không thanh thản, biết thiền sinh đang bị vọng tưởng nhiều. Đặt nhẹ thiền bảng lên vai, rồi nhắc khẽ bên tai, khuyên ráng đừng để bị vọng tưởng dẫn đi. - Nhìn gương mặt thấy lông mày nhướng lên, mắt nhắm nghiền, như đang lạc vào cõi nào. Đặt thiền bảng lên vai, vỗ vài cái nhẹ nhẹ. - Nghe hơi thở nặng, ngực nở ra thu vào rất rõ theo từng hơi thở, tâm bất an. Đặt thiền bảng lên vai, nhắc khẽ thiền sinh điều chỉnh hơi thở êm dịu lại. - Mặt xanh lè, mồ hôi đổ ra, có thể bị trúng gió. Nên cho vào trong chữa trị. - Chân đau quá, bật lên tiếng rên khe khẽ, mặt nhăn nhó. Có thể cho phép kê một miếng vải gấp lại mấy lớp để phía dưới khớp chân dưới cùng, giúp chịu bớt lực giùm cái gân chân chỗ đó yếu nhão quá. Nếu đau bắp phía trên thì khuyên thiền sinh ráng chịu cho hết giờ. Nếu vẫn không chịu nỗi thì cho mở chân ra ngồi yên một chỗ chờ mọi người. Còn nhiều trường hợp bất ngờ khác xảy ra trong khi quan sát mà Giám thiền phải tự mình nhận định phương cách giải quyết chỉnh sửa cho thiền sinh. Giám thiền được công đức lớn, và phải chịu nhiều vất vả vì đại chúng. Vì thế, Giám thiền phải thường xuyên tu tập tâm từ bi sâu dày để đủ thương yêu và kiên nhẫn giúp đỡ đại chúng. Cũng nên tập cho đại chúng luân phiên giám thiền để mọi người có thêm kỹ năng này.

3. Sống Thiền

Công phu tọa thiền và đời sống thánh thiện hằng ngày là mối tương quan không thể tách rời. Ta có thể nói Tọa thiền và Sống thiền là đôi cánh chim đưa ta bay cao vào bầu trời giải thoát. Sống thiền được định nghĩa là sống một cách thanh thản và nhân ái. Sống thanh thản nghĩa là không để tâm ta xao động theo những buồn vui thăng trầm của cuộc đời. Ta biết tránh xa những trò vui náo nhiệt, phấn khích, ồn ào, hơn thua, nhiều cảm giác. Cuộc đời nhiều oan trái chông gai thác ghềnh, và đôi khi cũng nhiều phần thưởng từ phước quá khứ. Người đời vẫn bị khổ vui theo những biến đổi vô tận đó. Một hành giả tu thiền phải biết giữ tâm bình lặng, không đau khổ khi gặp chuyện không may, không hớn hở khi gặp chuyện thích ý. Phải thản nhiên trước khổ vui cuộc đời như vậy, ta mới có thể tìm thấy hạnh phúc của Thiền định là niềm an vui vô hạn và thanh khiết. Người đời suốt đời tìm cách thay thế gánh khổ bằng gánh vui. Nhưng gánh nào cũng nặng nề đôi vai. Thiền giả là người tìm cách trút bỏ gánh nặng đó xuống để hưởng được niềm vui không còn gánh nặng trên vai nữa. Đó là hai loại hạnh phúc rất khác nhau. Chúng ta phải suy gẫm thật kỹ để quyết tâm đi theo con đường của Phật và thoát ra khỏi biến động cuộc đời. Cuộc đời cũng nhiều trò vui chơi giải trí. Tuy nói là giải trí, nhưng thật ra trò nào cũng gây cảm giác xao động cho tâm. Cờ bạc, rượu chè, trai gái, ma túy, phim ảnh đồi trụy, hơn thua nơi võ đài, sân gà... là những cuộc chơi tội lỗi dễ thấy nhất. Biết bao nhiêu tội ác được phát sinh từ các trò vui tăm tối đó, chôn vùi biết bao nhiêu người trong hố sâu đọa lạc. Nhân quả nghiêm khắc sẽ buộc họ phải đền trả sòng phẳng nơi ba ác đạo ở tương lai. Rồi những trò giải trí có vẻ như lành mạnh, kỳ thật cũng làm cho tâm bất an và mất đạo đức dần. Ví dụ như quá sức cuồng nhiệt trong bóng đá, games vi tính đầy bạo lực, khiêu vũ đôi nam nữ, nhạc kích động, trang phục hở hang... đều góp phần làm băng hoại tâm hồn dần dần. Chúng ta cám ơn Phật đã chế ra giới luật để bảo vệ người tu khỏi những trò vui làm tâm hồn bất an như thế. Rồi ngay cả ngồi đánh cờ trông có vẻ trí tuệ, kỳ thật cũng làm hao tổn tâm trí và thời gian rất nhiều. Ngoại trừ làm thơ nhạc để góp phần truyền bá đạo đức thì không sao, còn lại làm thơ nhạc để diễn tả cảm xúc cá nhân cũng làm tâm xao động. Nói chung, thiền giả phải tự nhận định những gì làm mất đi sự thanh thản mà biết tránh né. Đối với những người ở trình độ cao, họ có thể đạt được tâm thường xuyên bất động chứ không phải là thanh thản nữa. Sống nhân ái là sống thương yêu và có trách nhiệm với cuộc đời. Tuy phải giữ mình tránh xa những xao động phiền lụy của cuộc sống, nhưng người tu thiền lại phải là người tích cực đem thương yêu nhân ái đóng góp vào đời. Sống Thanh thản và Sống Nhân ái có tính chất ngược với nhau, nhưng đều là yếu tố quan trọng làm nên đời sống Thiền chân chính. Thiền giả suốt đời cứ phải dung hòa hai dòng sống này một cách đẹp đẽ. Thiền giả luôn chan chứa tình thương yêu muôn loài, dù không làm gì, tình thương đó vẫn tràn đầy hiện hữu trong tâm, song song với nội tâm an định. Rồi mỗi khi có cơ hội, thiền giả luôn tích cực giúp đỡ mọi người, dù là việc nhỏ nhặt như lấy giùm đôi dép, hoặc lớn lao như việc tổ chức giáo dục đạo đức cho trẻ em đường phố... Người sống nhân ái ít khi nghĩ xấu về người khác, dù cho có những bất đồng quan điểm hay ý kiến. Khi thấy người khác làm không đúng ý mình, ta vẫn cố biện minh giùm người chắc là có lý do gì đó, chứ không vội vàng kết tội nhau. Dễ dàng nghĩ xấu nhau, kết tội nhau là nguyên nhân gây nên thảm trạng chia rẽ trong đạo Phật. Muốn phá hoại đạo Phật, kẻ xấu cũng chỉ làm một việc là gây cho Tăng chúng nghĩ xấu lẫn nhau. Ta phải bao dung vượt trên sự tầm thường đó để yêu thương con người. Tóm lại, Sống Thiền, thanh thản và nhân ái, là biểu hiện của công phu thiền định chân chính.

Câu hỏi: Nói về kinh nghiệm xả thiền, giám thiền, và sống thiền của chính mình. Thiền học 20

KHÍ CÔNG TÂM PHÁP

1. Nguồn gốc

Không biết từ bao giờ những dân tộc Á đông tìm thấy phương pháp rèn luyện sức mạnh một cách lạ thường là khí công. Người Á Đông có vóc dáng nhỏ bé, phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt hết sức vất vả, phải chiến đấu với nhiều kẻ thù xâm lăng hung hãn, vì thế rất cần một nguồn sức mạnh khác thường để bổ sung cho cơ thể yếu đuối này. Khi đi sâu vào thực hành Khí công, ta sẽ thấy rằng công phu này là cả một triết lý phi thường, cả một kiến thức kỳ diệu về cơ thể học mà văn minh của người đời xưa cách đây mười mấy nghìn năm không thể nào đạt được. Chuyện Hai Bà Trưng của nước ta cưỡi voi đánh giặc là dấu hiệu tổ tiên ta cũng đã thủ đắc được bí quyết luyện tập Khí công từ rất sớm. Nhiều chiến công oanh liệt của các triều đại chống lại các cuộc xâm lăng phương Bắc cũng cho thấy nền võ học của nước ta đã phát triển rất cao. Có những trận đánh, một quân sĩ ta phải đấu với mười lính giặc, mà vẫn thắng. Sức mạnh đó không thể là sức mạnh của cơ bắp đơn thuần. Song song với các chiến tích hào hùng, ta cũng có huyền thoại về nguồn gốc dân tộc là con Rồng cháu Tiên. Phải chăng có sự liên hệ rất chắc chắn về nguồn gốc thần tiên của dân tộc với bí quyết Khí công? Phải chăng chỉ có các bậc thần tiên mới thủ đắc các bí quyết siêu phàm về Khí công như thế và truyền dạy lại cho con cháu mình? Phải chăng các huyền thoại về Thánh Gióng, Sơn Thánh, phép thuật của các đời vua Hùng... là không xa với sự thực? Nhưng rồi vì sợ người xấu luyện tập được các bí quyết đặc biệt rồi gây tổn hại cho người vô tội nên cha ông ta đã dấu diếm và làm thất truyền hầu hết. Hiện nay, Trung Quốc quay lại nâng niu tôn trọng các truyện võ hiệp của Kim Dung, mà trong đó, Khí công là xương sống cho nguồn cảm hứng của tác giả. Ngày nay, đất nước ta bước vào góp mặt với thế giới và phải cạnh tranh quyết liệt về mọi lĩnh vực để không bị lạc hậu, không bị bỏ rơi, không bị ăn hiếp. Nhưng sức vóc người Việt Nam ta nhỏ bé cũng đồng nghĩa với yếu kém về thể lực. Khi làm việc chung với người nước ngoài, ta bị đuối sức không theo nổi. Như vậy có nghĩa là ta sẽ không bao giờ đạt được những thành tựu như họ chỉ bởi vì không khỏe như họ. Thêm một điều đau lòng nữa là văn hóa đồi trụy tràn lan khiến cho lớp thanh niên tiêu phí sức khỏe vào các cuộc vui sa đọa, càng làm cho năng lực của quốc gia hao tổn thêm. Muốn cải thiện tình trạng thể lực của dân tộc, ta không còn cách nào khác hơn là phải truyền dạy các phương pháp Khí công vào tất cả mọi người dân, nhất là trường học. Nhiều phương pháp Khí công đã được giới thiệu đây đó và cũng được nhiều người hăm hở tham gia tập luyện. Nhưng cuối cùng dường như các phương pháp đó chỉ làm người ta bớt bệnh chứ không làm người ta có sức khỏe phi thường như sự truyền tụng về huyền thoại Khí công. Ta cần bí quyết thật sự của Khí công ngày xưa để nâng thể lực của cả dân tộc ta lên với thế giới. Rồi người tu hành sống đời chay lạt đạm bạc cũng vậy. Nếu không có bí quyết rèn luyện thể lực thì sức khỏe cũng bị đe dọa, kéo theo sự sa sút tâm linh. Nhất là công phu thiền định lại càng đòi hỏi gay gắt một tiềm lực phi thường để hành giả có thể đi sâu vào an định. Chính đức Phật cũng là người đã thành tựu Khí công phi thường khi còn là thái tử nên khi xuất gia tu hành, Ngài đã dễ dàng nhiếp tâm như mong muốn. Ta bắt đầu bằng các cách dụng công của thiền như Ngồi đúng tư thế, giữ thân mềm mại bất động, biết rõ toàn thân, quán thân là vô thường hư ảo, thở đúng phương pháp của Phật dạy. Sau vài tháng hay vài năm thuần thục rồi, ta phải áp dụng Khí công Tâm Pháp để tạo ra tiềm lực. Rồi cuối cùng, chính Khí công Tâm pháp lại đưa ta vào sâu thiền định như định hướng ban đầu. Khí công Tâm pháp là từ của các vị Tổ sư ngày xưa đặt cho Khí công mà có tính chất của thiền vì ngày đó chưa có danh từ Thiền từ Ấn độ sang.

2. Nguyên lý của Khí công Tâm Pháp

Ta hãy quan sát quá trình phát triển của một cây xanh để hiểu về nguyên tắc của Khí công. Từ nơi hạt mầm, rễ cây sẽ mọc ra trước nhất và đi xuống dưới đất. Kế đến, đọt cây sẽ mọc sau và vươn lên trời. Khoảng chính giữa ngọn và rễ, ta có vị trí gọi là gốc cây. Trong việc chăm bón cây, ta cũng chỉ chăm bón cho gốc rễ là chính, bằng cách tưới nước, bón phân. Cây héo, tưới nước dưới rễ; cây èo uột, bón phân dưới rễ. Nếu ngược lại, khi cây héo, ta tưới trên những tàng lá đang héo thì không có kết quả gì, chỉ hơi đỡ héo một chút, rồi sau đó cây sẽ chết khô không cứu vãn được. Cũng vậy, hai chân ta chính là rễ cây, nơi giữ gìn sức mạnh của cơ thể. Ai bị thương tật về chân rồi thì sức khỏe sẽ suy yếu dần. Bụng ngực ta là thân cây, hai tay ta là nhánh cây, đầu ta là hoa quả cây. Gốc cây, phần cực kỳ quan trọng trong việc rèn luyện khí công, chính là phần bụng từ rốn trở xuống đến đáy (bao gồm cả hậu môn và cơ quan sinh dục). Người luyện Khí công chính là thường xuyên tưới nước bón phân cho khu vực gốc cây này. Gốc cây cơ thể được chăm bón trong Khí công bằng hơi thở và sự để ý nhẹ nhàng. Ngoài ra tuyệt đối không dùng sức, không dẫn động, không co thắt, không gồng, không kéo, không đẩy... Hệ thống huyệt đạo trong cơ thể là một tổ chức đặc biệt mà Y học Đông phương khám phá (có lẽ bởi các vị thần tiên ngày xưa) lại rất có ý nghĩa trong Khí công. Các huyệt đạo được liên kết với nhau theo từng đường kinh và lạc. Luôn luôn có từng cặp Kinh và Lạc đối xứng với nhau ở hai bên phải và trái. Chỉ có kinh Nhâm ở giữa phía trước và kinh Đốc ở giữa phía sau là đơn lẻ. Kinh Nhâm xuất phát từ môi dưới chạy xuống dưới cằm, cổ, ngực, bụng, rốn, xuyên qua bộ phận sinh dục, vừa đến hậu môn. Kinh Đốc xuất phát từ hậu môn, theo xương cùng lên thắt lưng, lên tiếp theo đường xương sống, lên gáy, lên đỉnh đầu, qua trước trán, xuống mũi, kết thúc ở môi trên. Nhiều huyệt nằm rải rác trên hai Kinh này là đại huyệt, có thể sẽ dẫn đến tử vong nếu bị đánh trúng. Hai Kinh này khép kín với nhau thành vòng chu thiên. Nhiều phái Khí công tập trung tìm cách khai mở vòng Chu thiên này để đạt được sức mạnh siêu đẳng. Tuy nhiên, vì Ý và Khi bị dẫn lên đầu nhiều quá nên Châm Âm bị mất khiến hành giả bị điên loạn cũng không ít. Chúng ta theo Khí công Tâm pháp sẽ tập trung bồi bổ phần gốc trước, tự nhiên chân khí sẽ chuyển lên khai mở và nuôi dưỡng toàn bộ huyệt mạch, làm cho não bộ phát triển kéo theo sự phát triển tâm linh Thiền định dễ dàng. Trong việc bồi bổ phần gốc, ta chú trọng ba vị trí cực kỳ quan trọng, đó là: - Huyệt Đan điền, một điểm nhỏ dưới rốn khoảng 4 cm. - Huyệt Hội âm, một điểm nhỏ nằm giữa bộ phận sinh dục và hậu môn. - Ba đốt xương sống dưới cùng, gọi là Long vỉ quan. Ba vị trí này nối với nhau thành một cung tròn không khép kín, cũng không đối xứng, vì huyệt Đan điền nằm ở vị trí cao hơn Long vỉ quan. Cung tròn này gọi là Khiêm quan. Huyệt Đan điền tuy nằm ở dưới bụng, nhưng lại chịu trách nhiệm với thùy trán trên não. Khi Đan điền được sung mãn thì Thùy trán khai mở khiến hành giả đạt được Chánh niệm Tỉnh giác, tâm trở nên rỗng sáng, không bị xao lãng theo vọng tưởng. Huyệt Hội âm tuy nằm ở dưới đáy nhưng lại chịu trách nhiệm với đỉnh đầu. Khi Hội âm sung mãn thì Đỉnh đầu khai mở khiến hành giả trở nên có trí tuệ sắc bén, dễ nhìn ra lỗi lầm sâu kín của mình, lâu ngày tạo nên trực giác. Long vỉ quan chịu trách nhiệm vùng não rộng lớn phía sau. Khi Long vỉ quan sung mãn thì vùng não phía sau được khai mở khiến cho hành giả vào sâu trong định dễ dàng. Khi toàn bộ Khiêm quan sung mãn thì tạng phủ dần dần được chỉnh sửa, cải thiện, bồi bổ, sức đề kháng được nâng cao. Chức năng của thận, gan, tim, phổi đều được tăng cường. Đặc biệt hai chân rắn chắc trước, từ từ hai tay sẽ mạnh theo sau.

3. Dụng công

Muốn dụng công thực hành Khí công Tâm pháp này, trước hết hành giả phải có nền tảng của Thiền đạo Phật, bao gồm những công phu căn bản như ngồi đúng tư thế, giữ thân mềm mại bất động, biết rõ toàn thân, quán thân là vô thường hư ảo, thở ra thở vào theo Tứ Niệm Xứ. Nền tảng này phải được củng cố vài năm cho vững chắc. Hành giả cũng phải là người biết tu dưỡng Đạo đức với những tâm lý căn bản như Tôn kính Phật, từ bi thương yêu chúng sinh, khiêm hạ để tôn trọng mọi người. Nếu xuất hiện tâm lý Kiêu mạn thì lập tức phải dừng luyện tập Khí công liền vì tâm lý kiêu mạn sẽ kéo khí lực từ dưới Chân âm chạy lên dữ dội và phá hư bộ não không bao lâu sau đó. Kế đến, hành giả cũng phải thường xuyên gây tạo nhiều công đức bằng cách giúp đỡ mọi người trong cuộc sống. Nếu có cơ hội thì không bao giờ tiếc công tiếc của để giúp người. Ngày xưa các võ sinh Thiếu Lâm tự phải công quả gánh nước bửa củi để tạo công đức rất nhiều trước khi đi vào luyện tập chuyên sâu. Khi vào ngồi tập Khí công, hành giả cũng bắt đầu giống như nghi thức vào Thiền, tác ý khởi ba hoặc bốn tâm hạnh căn bản, dụng công theo Thiền khoảng 10 phút rồi mới bắt đầu áp dụng Khí công Tâm pháp như sau: - Bàn tay phải để dưới bàn tay trái như thường lệ, nhưng đan chen một ngón trỏ với nhau để giữ hai bàn tay cho kỹ. - Hai đầu ngón út chạm vào nhau và chỉa vào huyệt Đan điền. Chỉ chạm nhẹ, vừa đủ, không đẩy vào sâu, không rời ra khỏi da. Động tác này dùng để định vị huyệt Đan điền trong suốt buổi tập. Việc giữ nguyên hai ngón tay út suốt buổi tập như vậy khiến ta có cảm giác mất công, nhưng rất cần thiết nên phải tuân thủ. - Khi hít vào, ta cũng để cho hơi thở vào tự nhiên không can thiệp y như Thiền Tứ niệm xứ, nhưng Tâm nhẹ nhàng an trú tại một điểm Đan điền. Nhờ hai ngón tay út định vị Đan điền nên ta cứ việc để tâm an trú nhẹ nhàng tại đó, khi hơi thở vào. Điều cực kỳ hệ trọng là ta chỉ an trú ngoài da chứ không được để tâm sâu vào một ly nào bên trong da thịt. Hoàn toàn ở ngoài da. Chỉ ở ngoài da. Có người sẽ thắc mắc nếu để tâm như vậy thì đâu còn công phu biết rõ toàn thân của Thiền nữa. Đúng là lúc đó ta không còn hoàn toàn biết rõ toàn thân nữa, nhưng nhờ mấy năm biết rõ toàn thân nên ý niệm kiểm soát toàn thân vẫn âm thầm tồn tại. Không lâu sau đó, khi tâm an định không còn vọng tưởng, tự nhiên cái biết toàn thân sẽ xuất hiện trở lại với trạng thái mới mẻ lạ lùng vững chắc. - Bước thứ hai là nín thở. Nín thở khác với dừng hơi thở. Dừng hơi thở chỉ là dừng lại mà không đóng van mũi lại. Còn nín thở là đóng van mũi y như khi ta lặn dưới nước phải nín thở đóng van mũi để không cho nước vào phổi vậy. Khi nín thở thì tâm ta an trú nhẹ nhàng ở huyệt Hội âm. Cũng phải nhớ là chỉ để ý ngoài da, không được để tâm sâu vào da một ly nào. Ta tập nín thở để tâm an trú Hội âm như vậy vài ba tháng cho quen rồi đổi sang phương pháp cố căn. Khi nín thở, ta cố căn một lần, hoặc hai lần, tùy khả năng mỗi người. Công phu Cố căn rất quan trọng, khiến cho não bộ ta vững mạnh lên từng ngày. - Bước thứ ba là khi hơi thở đi ra, nhớ là để cho hơi thở ra tự nhiên, ta không được can thiệp điều khiển, khi hơi thở đang đi ra thì ta an trú tâm tại Long vỉ quan (ba đốt xương sống dưới cùng). Nhớ là cũng chỉ an trú tâm ở ngoài sát da, không được để sâu vào đốt sống. Nhớ là ta không được dẫn hơi thở đi, không được kéo, đẩy, gồng, níu gì cả. Chỉ nhẹ nhàng đổi chỗ an trú tâm theo ba bước khác nhau vậy thôi. Dấu hiệu để biết ta tu đúng là nguyên vùng đáy của bụng dưới ấm dần lên, tâm rỗng nhẹ, dễ kiểm soát vọng tưởng, đi vào an định dần dần. Trong đời sống thì ta có sức khỏe hơn, trí óc minh mẫn hơn. Còn nhiều kết quả lý thú mà mỗi người chúng ta sẽ cảm nhận khi dụng công tập luyện. Bây giờ mỗi thời ngồi thiền, ta tập Khí công Tâm pháp này cũng chính là tu tập Thiền định, vì phương pháp Khí công giúp ta kiểm soát vọng tưởng hiệu quả hẳn lên, giống như ngày xưa Phật nhờ có nội lực sung mãn mà vào định dễ dàng. Ngoài ra, trong bất cứ lúc nào rảnh rỗi, ta đều có thể tìm chỗ "dợt" năm hoặc mươi mười lăm phút gì cũng đều rất tốt. Ta có vòng tuần hoàn hỗ tương như sau: - Càng ngồi tập nhiều thì càng có công lực. - Càng có công lực thì càng ngồi được nhiều.

Nếu ta ngồi ít thì ít có công lực. Và ít có công lực thì lại không ngồi được lâu. Nếu khởi điểm của ta là ít công lực nên ngồi cũng không lâu, thì ta sẽ bổ sung bằng cách là ngồi nhiều lần. Ta sẽ tranh thủ ngồi bất cứ khi nào có dịp, dù mỗi lần ngồi như vậy chỉ được năm mười phút. Nhưng nhờ ngồi nhiều lần nên công lực tăng lên dần dần, để khi vào thời ngồi chính lúc tối hoặc khuya thì ta sẽ ngồi được rất lâu. Sau vài tháng hoặc vài năm, ta đổi sang một bước cao hơn, đó là: - Khi hơi thở vào, ta an trú tâm cả trên Khiêm quan, nghĩa là cả một đoạn cung tròn kéo từ Đan điền tới Hội âm và Long vỉ quan. Nhớ là cái cung tròn Khiêm quan đó nằm sát ngoài da, không được lún sâu vào da thịt một ly nhỏ nào. - Khi nín thở, vẫn an trú tâm tại Khiêm quan nhưng Cố căn vài cái. Công phu Cố căn này chỉ được thực hiện khoảng 15 phút đầu thôi, sau đó lúc nín thở không Cố căn nữa, chỉ tiếp tục an trú nhẹ nhàng tại Khiêm quan. - Khi hơi thở ra, ta cũng chỉ an trú tâm trên Khiêm quan. Tuy cả ba bước đều an trú tâm tại Khiêm quan, nhưng khi tâm vào định, cả thân chúng ta hiện ra rất rõ, như cái Kim tự tháp sừng sững vững chắc. Cả tâm chúng ta cũng hiện ra rỗng suốt thanh tịnh, nhửng ý niệm bí mật sâu kín bị phát hiện nhanh chóng. Còn công lực thì tùy duyên phước mỗi người mà tăng tiến dần dần. Phụ lục

Ý NGHĨA CỦA CHỈ & QUÁN

Thông thường chúng ta vẫn nghe phân biệt hai loại Thiền Chỉ và Thiền Quán. Trong một số hệ phái, Thiền Quán được xem là chính thống ; còn Thiền Chỉ bị coi là ngoại đạo. Tuy nhiên, trong thực tế, dụng công cũng như trong kinh điển Nikaya truyền thống, cả hai loại Thiền đều có giá trị như nhau. "Chỉ" có nghĩa là dừng lại "Quán" có nghĩa là xem xét "Thiền" thì luôn luôn có nghĩa là phải đạt được nội tâm thanh tịnh không còn suy nghĩ. Nếu so sánh ba ý nghĩa trên thì "Chỉ" có vẻ gần với "Thiền" hơn. "Quán" có vẻ như còn động hơn.

1. Chỉ

Ý nghĩa căn bản của Chỉ có nghĩa là dừng; Tuy nhiên "Chỉ"còn có nhiều nghĩa khác. Ví dụ : Khi vọng tưởng khởi lên, ta liền khởi lên một mệnh lệnh cho tâm "hãy yên lặng", vọng tưởng liền tắt. Mệnh lệnh đó chính là Chỉ. Ví dụ : Khi nhìn thấy một món vàng bạc quý giá, tâm ta xuất hiện ý tham. Ta liền tự nhủ "thôi, đừng tham nữa!". Ngay đó, ý tham liền hết, tự nhủ, tự răn, tự kềm chế như thế chính là Chỉ. Trong kinh điển Nikaya. Đức Phật thường hay bảo hãy trừ diệt ác pháp, hãy trừ diệt cấu uế của tâm... Sự trừ diệt như thế cũng là Chỉ. Rồi kế đến, những phương pháp an trú tâm tại một vị trí nào đó cũng thuộc về Chỉ. Ví dụ : Có hành giả an trú tâm tại mũi để theo dõi hơi thở ra vào. Sự theo dõi hơi thở thuộc về "Quán", nhưng sự an trú tại một vị trí thuộc về Chỉ. Ví dụ : Có hành giả an trú tại lòng hai bàn tay đang để lên nhau và thấy rất an ổn. Sự an trú như thế cũng thuộc về "Chỉ". Có hành giả an trú tâm ở hai vùng não phía sau và cảm thấy dễ kiểm soát vọng tưởng từ lúc mới khởi. Đó cũng là Chỉ mặc dù sự kiểm soát thuộc về Quán. Có hành giả an trú tâm ở huyệt Nguyên Quang (dưới huyệt khí Hải bốn phân) và cảm thấy tâm yên lắng dễ chịu. Có hành giả khi ngồi thiền bị đau chân mà cảm thấy chưa cần thiết phải xả thiền, nên an trú tâm tại nơi đau để đối diện với cái đau, để tập sự chịu đựng không phản kháng. Đó cũng là Chỉ. Có hành giả tâm bẩm sinh dễ yên lắng, khi bắt chân ngồi thiền, chỉ cần hơi kềm nhẹ lúc đầu một chút là Tâm được vào định. Tác ý kềm nhẹ nhẹ lúc đầu như thế cũng là Chỉ.

2. Quán

Ý nghĩa căn bản của Quán là xem xét, nhưng sự xem xét đó chỉ đúng khi nó đưa tâm vào Định. Nếu càng xem xét càng động thì sự quán chiếu đó không đúng. Quán là xem xét một đối tượng dựa trên một đạo lý. Ví dụ: Khi hành giả quán thân, thì quán trên đạo lý Vô Thường, cứ tự nhắc tới nhắc lui một cách thông thả là thân này Vô Thường. Nhờ xem xét như vậy nên trong thâm sâu, tâm hành giả thoát khỏi tham đắm chấp trước và dần dần không khởi vọng tưởng nữa. Có khi hành giả quán ra bên ngoài và nhìn thấy trần gian như mộng ảo phù du. Nhờ xem xét như vậy nên tâm hành giả không còn ham muốn vào thế gian và đi vào an định. Tuy nhiên, khi hướng ra bên ngoài, chúng ta dễ "Quán" luôn mọi người mọi loài là hư ảo. Như vậy rơi vào lỗi mất Từ Bi và xem thường chúng sinh. Quả báo của lỗi đó quá nặng. Tuy quán thế gian là hư ảo nhưng hành giả phải khởi Từ Bi đối với vạn loài hữu tình. Từ Bi cũng là một phép quán cực kỳ quan trọng trong Đạo Phật. Không có nền tảng Từ Bi, dù chúng ta có đắc Định thì vẫn chưa phải Đạo Phật. Vì vậy những ngày đầu đến với Đạo Phật, hành giả phải huân tập chan rãi tình thương yêu chúng sinh một cách sâu đậm vững chắc, và phải phát triển lòng Từ Bi đến suốt cuộc đời. Đối với quán bất tịnh thì phải lấy thân mình mà quán, đừng quán thân người khác. Quán thân mình bất tịnh đến thuần thục thì tự nhiên không còn tham đắm thân thể người khác. Còn nếu quán thân người khác là bất tịnh thì giống như rơi vào lỗi chê bai người nên sẽ mắc quả báo tham đắm mạnh về sau ("ghét của nào trời trao của đó"). Thật ra cái gốc của tâm Vô Nhiễm xả ly tham dục là do công đức lễ kính Phật, tôn trọng mọi người. Nếu không biết lễ Phật, không biết tôn trọng mọi người, tự cho mình hơn... thì nhân cách sẽ giảm sút và tham dục phát khởi.

3. Những pháp môn có cả hai ý nghĩa Chỉ và Quán

Có những Pháp Môn thật ra bao gồm cả Chỉ và Quán . Ví dụ: Phép Quán Hơi Thở. Việc xem xét theo dõi hơi thở ra vào thì không cần phải kèm theo một Đạo Lý nào. Vì không có Đạo Lý kèm theo nên rất giống với Chỉ. Hơn nữa, có khi hành giả an trú tâm tại ống mũi để theo dõi hơi thở nên càng thuộc về Chỉ. Tuy nhiên sự tỉnh giác theo dõi cũng có thể được xem là Quán. Trường hợp an trú tâm tại vùng não phía sau cũng vậy. An trú tâm là thuộc về Chỉ, trong khi sự tỉnh giác kiểm soát vọng tưởng là thuộc về Quán. Có trường hợp tâm hành giả khởi lên một phiền não, một pháp bất thiện như tham dục, sân hận, buồn khổ, ... hành giả liền an trú Tâm ngay nơi niệm bất thiện để đối diện xem nó là cái gì, từ đâu mà khởi, liền đó tâm phiền não bất thiện tan biến. Việc an trú Tâm như thế có thể gọi là Chỉ ; nhưng sự đối diện, sự tìm hiểu, sự thắc mắc thì thuộc về Quán. Nơi công phu Điều thân ban đầu, hành giả vừa biết toàn thân, vừa thấy thân này là hư giả, cũng là bao gồm cả Chỉ và Quán, mặc dù thiên về Quán nhiều hơn.

4. Quán và Chỉ thay đổi qua lại

Có trường hợp hành giả khởi đầu sự tu tập bằng cách Quán Vô thường. Đến khi Tâm yên lắng rồi thì không cần quán nữa, chỉ cần giữ Tâm một chỗ nơi vùng não phía sau mà thôi - Trú Tâm trước trán dễ phát hào quang, nhưng cũng dễ khởi ngã mạn. Như vậy, giai đoạn đầu hành giả tu Quán nhưng về sau biến dần thành Chỉ. Trường hợp hành giả khó nhiếp tâm nên khởi câu niệm Phật để sám hối. Tâm niệm sám hối như thế cũng thuộc về Quán. Lát sau buông câu niệm Phật và giữ được tâm yên lắng trở lại. Đó cũng là Quán đổi Chỉ. Trường hợp hành giả theo dõi Hơi thở cho đến khi Tâm vào Định thì không còn cần phải cố gắng theo dõi nữa mà Hơi thở trở nên tự động kéo sự chú ý của Tâm vào đó khiến cho Tâm yên một cách tự nhiên. Giai đoạn này cũng thuộc về Chỉ. Lại có trường hợp hành giả đang nhiếp tâm yên ổn bỗng bị vọng khởi khó kềm chế. Hành giả không thể tiếp tục an trú tâm nữa mà phải xem xét nguyên nhân tại sao. Đến khi nào hành giả tìm thấy được lỗi lầm đã xuất hiện một vài ngày trước đó, rồi thành tâm niệm Phật sám hối thì tâm mới dần dần yên trở lại. Đó cũng là Chỉ nhưng chuyển qua Quán tạm thời. Ta có thể hiểu Chỉ và Quán qua hình ảnh minh họa như sau. Khi việc đất nước chưa yên, ông vua phải lo toan, chống đỡ, dọn dẹp. Đó là Quán. Quán có công năng dọn dẹp, phá chấp của Tâm. Khi đất nước yên bình ông vua ngồi yên trên ngai vàng để nghỉ ngơi và tiếp tục quan sát nhẹ nhàng, khi cần thì chỉ việc ra lệnh. Đó là Chỉ. Chỉ vừa có tính nghỉ ngơi mà vẫn biết rõ vừa ra lệnh. Khi Quán đã khiến Tâm yên ổn thì tự nhiên phải chuyển dần qua Chỉ để cũng cố sức định. Đôi khi Tâm khởi vọng, định bị trục trặc, thì phải trở lại dùng Quán để dọn dẹp chướng ngại. Giống như ông vua, khi thì nghỉ yên, khi thì chống đỡ. Không bao giờ việc tu tập thiền định luôn luôn suôn sẻ thẳng tiến mãi. Ai tu tập thiền định đều thấy sức định khi tiến khi thối rất nhiều lần. Vì vậy phải biết dụng công linh động, dụng công phối hợp, và không được cố chấp một bề Chỉ và Quán.

5. Chỉ Quán với Định Tuệ

Dù tu Chỉ hay Quán, nhưng hành giả phải đạt được kết quả Định Tâm qua bốn mức thiền mà Phật đã nhắc đi nhắc lại suốt cuộc đời giáo hóa. Khi vào Định rồi thì tâm giống như đang tu Chỉ vì được an trú, nhưng sức tỉnh giác biết rõ thì giống như Quán Nhiều người tu thiền được Định Tâm an ổn nhưng không có gì để trình bày thuyết giảng. Nếu có ai hỏi thì cũng trả lời theo công phu của mình, nhưng cũng nói đơn sơ giản dị, không biết trình bày khúc chiết chi tiết. Hầu hết những trường hợp như thế là do tu thiền về Chỉ, tâm dễ vào định. Đến khi nào Trí Tuệ khai phát (Ngộ đạo) thì hành giả xuất hiện biện tài hỏi đáp. Nhưng cũng có trường hợp Ngộ đạo rồi mà vị này vẫn không thuyết Pháp được vì nhân quả chưa đủ, biện tài không xuất hiện. Dù sao khả năng thuyết Pháp có được cũng là do Phước. Có người tu thiền tâm chưa vào định mà đã có kiến giải đã có thể trình bày thuyết giảng. Trường hợp như vậy là do tu tập thiền về Quán. Trí Quán cũng làm xuất hiện kiến giải hỏi đáp lanh lợi. Người này càng vào Định thì càng tăng trưởng kiến giải biện tài. Tuy nhiên nếu hành giả ở trong trường hợp này thì dễ bị tồn tại tâm tế khó dứt trừ được. Phải lắng sâu để dứt trừ tâm tế thì mới vào được sơ thiền. Đôi khi người ta dễ lầm lẫn giữa kiến giải và Tuệ. Người có tu tập, có học hỏi rồi có thể nói năng lưu loát để trình bày Giáo Lý thì chỉ được gọi là có kiến giải chứ chưa phải là Tuệ. Trí Tuệ chỉ thực sự xuất hiện sau khi hành giả thuần thục trong Định. Tuệ cũng có hai loại: - Loại Tuệ giống như Thần thông biết chuyện quá khứ vị lai, biết tâm người khác. - Loại Tuệ thứ hai là thấy được Đạo Lý. Những Đạo Lý cao cả như Tứ Diệu Đế, Mười hai Nhân duyên, Thất giác chi... Nếu không có Trí Tuệ của Phật thì đến bây giờ cũng không ai nhìn thấy cả. Trí Tuệ Thần thông tuy khó mà không khó lắm. Trí Tuệ Đạo Lý mới thật sự là khó và cần thiết cho nhân loại Nhiều vị tu hành đắc định có thần thông, biết nhiều chuyện trên đời, nhưng có khi vẫn chưa thấy được Đạo Lý thấu đáo, có khi thuyết Pháp vẫn sai với ý của Phật. Trí Tuệ để thấy được Đạo Lý rất là quý và rất là khó. Như vậy chúng ta phải phân biệt sự khác nhau giữa: - Chỉ : là dừng tâm để an trú. - Quán :là xem xét dựa trên Đạo Lý Phật dạy. - Kiến giải : là sự lanh lợi tạm thời do học, do sáng ý. - Tuệ thần thông : là loại Tuệ giác tâm linh biết nhiều chuyện mà người thường không thể biết - Tuệ Đạo lý : là Trí Tuệ thực sự thấy được Chân Lý, lẽ phải trong cuộc sống, trong vũ trụ. - Định : là kết quả do Chỉ và Quán đem lại khiến tâm không còn vọng tưởng. Định có nhiều tầng bậc. Giải đáp Hỏi: Tập luyện Khí công như vậy có được giải thoát không? Đáp: Nếu ai hướng tâm đi tìm công lực phi thường thì sẽ không giải thoát. Nếu ai hướng về định tâm để đi đến Vô ngã thì sẽ giải thoát.

Hỏi: Ngoài tư thế ngồi kiết già, có thể tập khí công trong tư thế khác được không? Đáp: Ta có thể vừa chạy jogging vừa theo dõi để tâm ở Khiêm quan, nhớ nín thở ở bước thứ hai. Khi ngồi chuyện vãn với ai, ta vẫn âm thầm để tâm ở Khiêm quan để tranh thủ chút nào hay chút ấy.

Hỏi: Tại sao lại gọi là Khiêm quan? Đáp: Vì đó là vị trí thấp nhất, hèn kém nhất. Nơi thấp nhất cũng là nơi phát sinh nguồn năng lực cho cơ thể. Cũng giống như hạnh Khiêm cung làm cho vô số đức hạnh khác nẩy nở theo.

Mong sao cho dân tộc ta, những người có lòng thiện, đều được tăng trưởng công lực để sống lợi ích hơn.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro

Tags: