Chương 4: Giếng Sâu Không Nuốt Hết Mưu Kế

Gió còn lạnh, hơi sương quấn quanh thân thể, Chiêu Khuynh Di lom khom đi qua đoạn mật đạo hẹp, đèn lồng dầu cá nhỏ được treo trong hốc đá đã sắp cạn, ánh sáng lập loè soi ra từng đường đá cổ loang lổ.

Cuối đường hầm là tấm ván gỗ mục, phía trên bị chắn bởi một lớp lưới nguỵ trang bằng rơm khô. Nàng cẩn thận gỡ từng cọng, rồi dùng sức đẩy ván lên. Bên ngoài hiện ra căn kho tối trong khu sứ viện cũ, gạch lát ngổn ngang, mạng nhện giăng kín.

Một bóng người loáng thoáng đứng chờ sẵn, ông khoác áo chàm, che kín mặt, ra hiệu cho nàng đi theo.

Chiêu Khuynh Di không hỏi, đường ra khỏi kho là một tiểu đạo nhỏ xuyên qua hậu viện hoang tàn, dưới chân là tấm chiếu rơm phủ bụi. Ngoài kia là cỗ xe ngựa nhỏ chờ sẵn, vải dày nặng nề che kín.

Người đưa đường nhấc vải, giọng nói không chút cảm xúc: "Lên."

Trong xe có một thiếu nữ tầm 16, tóc vấn tròn đơn giản, mắt to đen láy, tay cầm chậu nước ấm cùng khăn sạch. Vừa thấy nàng, cô gái đã lập tức quỳ rạp, giọng nghèn nghẹn:

"Nô tỳ A Bích, thưa tiểu thư... không, thưa Tang cô nương."

Khuynh Di nhìn kĩ, khuôn mặt ấy xa lạ, nhưng ánh mắt lại không giấu được lòng trung thành. Đây là nô tỳ hậu cần được tín nhiệm, cũng là người biết Khuynh Di là ai. Một lời chưa hỏi, A Bích đã vươn tay lấy ra bộ y phục sạch được gói trong vải thô.

"Lão cô cô dặn nô tỳ, từ lúc này người chính là Tang Vân, thứ nữ Từ gia, sinh giờ Canh Dần. Mọi thứ đều đã.. chuẩn bị kĩ lưỡng."

Chiếc xe nhẹ lăn bánh, qua bức màn mỏng, ánh trăng cuối cùng cũng dần về sau núi.

Đoàn xe dừng lại trước một phủ viện cũ kỹ nằm giữa thành Đông. Cổng treo biển Từ trạch, gạch đá xám tro, nhưng vườn cỏ vẫn có người quét dọn. A Bích dìu nàng xuống xe, đi qua hành lang nhỏ, vào đến nội viện là nơi cư ngụ hiện tại của "Tang Vân."

Từ phủ giờ đã suy vi, chỉ còn ba nha hoàn và đầu bếp lo hậu cần. Trong thư phòng, một giá cầm sắt đã đặt sẵn, trên bàn là bộ bút lông loại tốt, giấy tuyên thành và nghiên mực chưa khô.

A Bích run rẩy nhẹ, lấy bộ y phục tới cho Khuynh Di, bộ dạng trông như sắp khóc.

"Khóc làm gì, mang thuốc tới cho ta." Giọng Khuynh Di nhẹ nhàng, nhưng vẫn giữ nét lạnh lùng và tỉnh táo.

A Bích vội vàng lôi ra hộp gỗ nhỏ từ dưới gầm bàn, trong đó là các loại mỡ và băng vải mà phu nhân lén sai người chuẩn bị trước. Ngoài ra còn có lọ rượu hoa tiêu để sát trùng vết thương.

"Thuốc trị nội thương và chống nhiễm trùng, mấy loại dùng cho binh lính trong quân doanh.." A Bích nói nhỏ: "Tiểu thư...rượu này...có thể rát hơn bình thường. Người... chịu được chứ?"

Khuynh Di vén tay áo lên, để lộ bờ vai trắng ngần, trên người có rất nhiều vết thương sậm đỏ và thâm tím. A Bích nén nước mắt, rửa sạch tay rồi đổ rượu hoa tiêu lên miếng vải. Khi đặt miếng vải lên vết thương, một mùi nồng nặc bốc lên, xộc thẳng vào mũi, cả hai đều đồng thời khựng lại.

Rượu nhanh chóng thấm lên vết rách dài, Chiêu Khuynh Di cau mày, A Bích vừa xoa thuốc vừa không dám rời khỏi gương mặt nàng, ánh mắt Khuynh Di lãnh đạm tựa mặt hồ mùa thu, chỉ khi chạm vào vết thương lớn ở vai, sắc lạnh ấy mới khẽ run lên.

Khuynh Di nhìn sang gương đồng, ngón tay đưa lên lướt qua mấy ngũ quan trên mặt.

A Bích thấy thế thì hỏi: "Tiểu thư.. Mai đã là ngày tuyển tú. Người không định thoa son điểm phấn gì sao?"

Chiêu Khuynh Di không quay đầu lại, rút cây trâm gỗ ra khỏi tóc, mái tóc dài như tơ buông tràn xuống sau lưng.

"Không cần." Nàng nói, thoáng dừng một nhịp, giọng trầm xuống: "Chuẩn bị cho ta một tấm lụa mỏng, dài độ hai gang, loại nữ tử thường dùng lúc tế tổ hay bái Phật, càng đơn giản càng tốt."

A Bích tròn mắt: "Che..che mặt sao ạ? Nhưng, sao lại phải che? Tuyển tú thì ai chẳng muốn nhìn thấy dung mạo để chọn lựa.." A Bích thấy làm lạ lại nói tiếp:

"Lễ tuyển cung... các tiểu thư nhà danh môn đều vận son trang rạng rỡ, đâu ai lại lấy khăn che mặt..."

"Cung thành không chỉ có hậu cung. Tai mắt triều đình, sát khí thiên gia, lời đồn tửu quán, cái gì cũng có. Ta không thể để lộ nếu chưa nắm bắt được gì."

A Bích vẫn chưa hiểu, nhưng không dám ngắt lời. Khuynh Di nói tiếp, giọng mỏng như tơ: "Tang Vân sau biến cố ba năm trước nhảy giếng, vốn đã là chuyện xấu trong nhà quan. Dù đã được dọn đường đưa trở lại, tiếng tăm cũng đã sứt mẻ, không nên quá nổi bật."

Khuynh Di đưa tay sượt nhẹ qua gò má: "Càng là nơi vàng son, càng nhiều thị phi. Dung mạo là con dao hai lưỡi, biết cách dùng thì là lợi khí, không biết dùng thì chính là tai hoạ."

"...Ta đã lộ diện trong vụ án gần đây. Nếu có người nhận ra, không chỉ thân phận Tang Vân đổ vỡ, mà cả mạng sống này cũng rất khó giữ.."

A Bích cúi đầu: "Tiểu thư nói chí phải.. Nhưng nếu bị hỏi tới thì phải làm sao?"

"Cứ bảo ta bệnh lâu ngày, phong hàn chưa khỏi. Hoặc viện cớ do mấy năm ở Tuyết Tử, mắt từng nhiễm thuỷ khí, không dám gặp gió lớn."

A Bích vội vàng cúi đầu: "Nô tỳ hiểu rồi. Nô tỳ sẽ chuẩn bị khăn lụa trắng, không thêu hoa, không viền vàng, là loại lễ nghi nhất."

Khuynh Di nhắm mắt một lát, sau đó gật đầu.

Trời vừa tỏ, sương sớm còn chưa tan hẳn khỏi vạt cỏ ven hiên, Từ phủ đã vang tiếng động khẽ khàng của người quét sân. Một nha hoàn trẻ cầm chổi tre, cẩn thận quét từng lớp tro bụi bám trên phiến đá lát đường, động tác rón rén, chẳng dám làm kinh động nội viện.

Ánh sáng vàng rọi lên mặt cỏ đẫm sương, mùi hương đàn thấm trong gió, thơm nhè nhẹ mà đầy vẻ cung nghi. Chiêu Khuynh Di ngồi thẳng trên ghế, trước mặt là bàn trà gỗ tử đàn, một ấm sứ Thanh Hoa vừa được rót đầy. Nàng không uống, chỉ chỉnh lại tấm lụa trắng phủ từ sống mũi xuống cằm, che nửa mặt.

A Bích cúi đầu cài nốt khuy áo cho tiểu thư, hôm nay nàng vận thân váy lụa gấm màu trắng nhạt, tay áo viền chỉ kim, không hoa tai, cũng không trang sức, trên tóc chỉ cài một chiếc trâm hình hoa lan, viền cánh được tỉa bằng chỉ bạc, từ nhuỵ hoa kéo xuống là sợi dây tua rua trắng, dệt từ lụa Thiểm tô.

Sợi tua trắng theo đường tóc buông dài mà đổ xuống tới tận thắt lưng. Ngoài cổng vang lên tiếng vó ngựa.

"Tiểu thư... Xe ngựa đã chuẩn bị xong. Phu nhân dặn, giờ Mão ba khắc là lúc các phủ tập trung tại khu Tây Dịch, thành nam. Nếu tới muộn, e rằng sẽ bị ghi tên khiển trách."

Chiêu Khuynh Di đứng dậy, thân thể còn chưa hết đau nhưng đã đỡ hơn phần nào. Cỗ xe treo biển Từ phủ dừng lại trước cổng, đỗ lại trước tiền viện.

"Phu nhân sợ người gặp chuyện.. đã dặn lão Trương đánh xe theo đường nhỏ. Còn đặc biệt đưa thêm hai hộ vệ, nói là hồi Từ phủ còn phồn thịnh để lại, chưa từng lộ danh, chỉ nghe hiệu lệnh một người."

Ngoài trời đã sáng dần, mây mỏng như lụa, trôi ngang tầng không, gió lay động nhành hoa bên hiên rơi xuống nền đất. Cổng Từ phủ mở ra lặng lẽ, Khuynh Di cùng A Bích bước ra ngoài.

Từ phủ nằm ở rìa thành Đông, cách Tây Dịch quán — nơi tổ chức lễ tuyển độ một canh giờ đường. Cỗ xe đi theo nhánh nhỏ ven thành, băng qua các hẻm cũ và cổng kiểm tra lặng lẽ, đoạn cuối rẽ vào ngã ba phủ Thượng thư — nơi này bị bỏ hoang từ 8 năm trước bởi vụ án phản nghịch. Sau khi qua sẽ tới cổng phụ phía Nam của khu điện Huyền Trinh — do Nội Vụ phủ dựng làm nơi tập kết các tiểu thư dự tuyển.

Lộ trình vòng qua chợ ngoài để tránh tai mắt quen thuộc còn khiến thời gian được rút ngắn chưa tới nửa canh giờ.

Mồng Hai tháng Ba.

Mây mù giăng trên đỉnh điện Thiên Quang. Phía sau lớp sương bạc ấy là tiếng nhạc lễ vang vọng, trống hội lững lờ rải nhịp theo từng bước chân cung nữ, nội thị.

Chiêu Khuynh Di ngồi im lặng trong xe, A Bích có chút run rẩy, không ngừng siết chặt lấy gói trà ấm lót vải dày. Ngoài xe là hai hộ vệ cưỡi ngựa đều do 'Lão cô cô' phái tới.

Cổng đã có hơn hai mươi cỗ xe khác tụ tập, người từ các phủ lớn như Thẩm gia, Nghiêm gia, Vệ gia đều đã đến. Tây Dịch quán vốn là biệt viện của Thái tử phủ ngày trước, sau này được tu sửa thành nơi tiếp đón các nữ tử tham dự tuyển tú.

Tường cao ba trượng, bên ngoài phủ lam, bên trong chia bốn dãy: Dãy Nam Uyển, Tây Viện, Bắc Trang và Đông Cư.

Dãy Nam Uyển là nơi dành cho đích nữ, con nhà công khanh nhất phẩm trở lên. Dãy Tây Viện dành cho con cháu võ tướng. Bắc Trang tiếp đón nữ nhi các gia tộc có công với triều đình, tân quý hậu đại. Cuối cùng là Đông Cư, dành cho thứ nữ hoặc
con thiếp.

A Bích khẽ hé màn tre, cúi đầu nói nhỏ: "Tới rồi, tiểu thư... là dãy Đông. Người cẩn thận, ta đi theo lối phụ."

Khuynh Di đáp lại một tiếng ừ, tấm khăn trắng bay nhẹ trong gió sớm, đôi mắt nàng liếc một vòng quán trạch. Tường đá xám xen lẫn phù điêu điêu khắc, tuy không còn lộng lẫy như cung thành, nhưng cũng không thể che được cái uy nghiêm mang hơi hướng thần quyền.

Cổng chính khắc hai chữ Tây Dịch, nhưng vết mài mòn của thời gian khiến chữ 'Tây' mờ đi, loáng thoáng nhìn được chữ 'Thây.'

Ánh mắt Khuynh Di khẽ sẫm xuống, chỉ thoáng chốc rồi lại bình thản như nước.

Nàng bước xuống xe, tay áo trắng lướt nhẹ qua vạt đá lát sân. Ngay khi đặt chân tới bậc thứ ba của Đông Cư, một giọng nữ sắc lạnh đã vang lên:

"Ngươi là Tang Vân, thứ nữ Từ gia, đúng không? Bản danh sách đây, vào phòng số Bốn mươi tám."

Kẻ nói là nha quan giữ sổ, vận thường phục màu chì, đầu cài mũ châu. Bà ta không ngẩng đầu nhìn kỹ, chỉ nhìn tên rồi gạch một dấu son. Khuynh Di không nói lời nào, khẽ gật đầu rồi theo lối chỉ dẫn.

Song lúc nàng bước qua, nha quan giữ sổ đột nhiên gọi lại, bước chân Khuynh Di và A Bích dừng hẳn trên nền đất.

"Từ phủ, thứ nữ Tang Vân... sinh giờ Canh Dần..."

Bà ta ngước lên nhìn Chiêu Khuynh Di. "Che mặt sao? Đã bệnh bao lâu? Có giấy y nha xác nhận không?"

A Bích đứng ngoài vội cúi đầu đáp: "Dạ có. Tiểu thư ở Tuyết Tử thời gian dài, từng nhiễm phong hàn do hồ sương, mắt bị thuỷ khí. Từ phu nhân đã dâng tấu trình trước, Nội Y viện có lưu chứng."

A Bích cẩn thận rút trong tay áo một phong thư nhỏ, mặt giấy có dấu son tròn, ấn ký mờ của Nội Y viện.

"Phu nhân đã cho người đưa trước nhiều tháng. Tấu trình này có ghi chẩn đoán từ Thái y cũ từng theo Từ gia, người họ Ôn."

Nữ quan nhìn qua rồi phất tay: "Ghi tên. Đưa vào dãy phía Đông."

"Lạ nhỉ... Thứ nữ Từ gia chẳng phải từng mất tích sao?" Một thiếu nữ ngồi gần cửa thì thầm: "Hay là nhảy giếng?"

"Nghe bảo là vu oan, nhưng... vào cung kiểu này, dù có được chọn thì cũng làm nô tì hạng thấp."

Phòng số Bốn mươi tám nằm ở tận cuối hành lang gấp khúc. Lối đi rải đá trắng, hai bên trồng trúc xanh, nhưng thân trúc nhiều chỗ bị gãy, bị chém hoặc dập nát. Mùi ẩm mốc nhẹ bốc lên từ nền đất, hòa với thứ mùi nhang trầm cũ kỹ sót lại đâu đó, khiến người ta vừa lạnh lẽo vừa cảnh giác.

Cửa phòng là loại gỗ cũ không chạm khắc hoa văn, chỉ đóng bằng then ngang đơn giản. Trong phòng có sẵn bồn rửa mặt, bàn trà, và một tấm gương đồng đã mờ gần hết.

Khuynh Di bước vào, chưa kịp ngồi thì đã nghe tiếng xì xào từ phòng kế bên.

"Ngươi thấy chưa? Con gái nhà Từ gia kìa. Nghe nói ba năm trước nhảy giếng tự vẫn. Giờ còn sống, đúng là mạng lớn thật..."

Một giọng khác cười nhạt: "Mạng lớn? Mạng lớn mà phải che mặt à? Nói không chừng, mặt đã bị huỷ dung, che đi để người ta khỏi sợ..."

"Suỵt! Cẩn thận tai vách mạch rừng. Mấy kẻ như vậy mới dễ thành phi tần đấy. Cung nhân thích những đứa im lặng, dễ uốn!"

Giọng nói chưa dứt thì từ góc dãy hành lang chợt có bóng người dừng bước.

Nữ tử ấy vận áo lụa xanh ngọc, búi tóc cao cài song trâm, môi đỏ như mận, ánh mắt nhìn thẳng vào phòng số Bốn mươi tám, không chớp mắt. Ánh mắt nàng quét một lượt từ tấm khăn che mặt đến đôi tay trắng muốt của Chiêu Khuynh Di vừa buông rèm.

Không nói một lời, nữ tử ấy quay người bước đi, tiếng hài cộp cộp gõ trên đá. A Bích khẽ chau mày, nhỏ giọng: "Người đó là Trình nhị tiểu thư, con gái dòng chính của Trình Thị hộ bộ... Nghe nói từng có ơn cứu giúp Thái tử..."

Khuynh Di nhìn ra ngoài, ánh mắt không gợn sóng. Gió ngoài cửa khẽ thổi làm tấm rèm trúc đập vào vách gỗ "cộc cộc." Ngoài cửa là hành lang gỗ kéo dài, dẫn thẳng ra chính điện nơi tổ chức lễ nghênh diện vào giờ Thìn.

Từ cửa sổ nhỏ, có thể nhìn thấy bóng các xe ngựa phủ gấm đang tiếp tục tiến vào. Phía xa, tiếng chuông đá vang vọng từ điện Huyền Trinh – nghi thức bắt đầu đã không còn xa. Nàng đưa tay ra, lật nhẹ tấm gương đồng trước mặt, rồi vuốt thẳng khăn trắng một lần nữa.

Giữa sân viện lát đá xanh, mấy vị thứ nữ đứng tụ lại thành một vòng, tay áo tung bay, ánh mắt không giấu vẻ dò xét khi thấy "Tang Vân" lặng lẽ bước ra khỏi phòng, khăn sa trắng che nửa diện dung.

Một giọng nữ lanh lảnh mang theo âm điệu ngọt ngào nhưng sắc nhọn, chậm rãi cất lên:

"Vị này chẳng phải là... Từ phủ thứ nữ sao? Nghe nói nhiều năm ở biệt viện, quanh năm chẳng gặp người ngoài, hôm nay lại có duyên cùng chúng ta vào tuyển lễ, thật khiến người ta kính nể."

Lời vừa dứt, vài thiếu nữ đồng loạt đưa tay áo che miệng, cười khẽ. Chiêu Khuynh Di dừng bước.

Thiếu nữ kia lập tức tiến lên, áo hồng rực rỡ, mặt tròn môi đỏ, gương mặt toát vẻ mười phần tự mãn:

"Không biết Tang muội mấy năm trước vì sao lại bị đưa đến biệt viện? Nghe nói năm ấy Từ lão phu nhân từng hạ lệnh cấm không cho ai nhắc đến tên muội, đến cả gia yến cũng không được tham gia, thật khiến người ta thắc mắc... Muội bị bệnh gì vậy? Có phải... chứng điên cuồng thất thường như lời đồn không?"

Mấy vị tú nữ nghe đến đây thì cố nén cười, có kẻ còn che miệng giả vờ ngạc nhiên: "Ôi chao, hóa ra thật sự có chuyện đó à?"

Giữa không khí xôn xao, Khuynh Di rốt cuộc cũng quay lại, nhẹ nhàng mỉm cười, động tác ung dung nhã nhặn, lời nói vang lên trầm tĩnh không chút gợn giận:

"Đa tạ tỷ tỷ quan tâm. Chuyện cũ của tiểu muội, vốn không nên phiền đến tai người khác. Chỉ là... có đôi kẻ trong nhà, lòng dạ bất chính, thấy tiểu muội từ nhỏ đã khác người thường, bèn vu hãm thành bệnh tật, đẩy vào biệt viện, để dễ bề mưu toan phân chia gia sản. Ai ngờ... trời không tuyệt người, năm nay phu nhân tự mình đưa trở về. Đủ thấy, nhân tâm há có thể giấu trời lâu dài?"

Thiếu nữ áo hồng sững người, gương mặt có chút tái, nhưng vẫn cố giữ thần sắc: "Muội nói lời ấy nghe như thể người trong phủ ức hiếp muội? Có bằng chứng chăng? Kẻ làm thứ nữ mà dám nghi ngờ trưởng bối, e không hợp quy củ rồi."

Khuynh Di mỉm cười, mắt vẫn cụp:

"Tiểu muội thân mang phận thứ, từ nhỏ đã học đạo làm người, lẽ nào dám nghi oan người tốt? Chẳng qua... trong Từ gia, ai chân ai giả, các vị trưởng bối trong tộc đều rõ. Năm nay tiểu muội được chọn nhập danh sách tuyển tú, chính là nhờ tộc phụ ra mặt, bảo hộ thanh danh. Tỷ tỷ nếu có nhàn hạ rảnh rỗi, chẳng bằng thay vì hỏi chuyện tiểu muội, thì nên xem lại mình, mấy đời có được danh sách tiến cung do chính tộc trưởng điểm danh?"

Lời nói ra, mỗi chữ đều không phạm lễ nghĩa, song lại tựa dao găm đâm thẳng vào lòng đối phương.

Kẻ đứng trước mặt Khuynh Di – La Tú Trinh, là thứ nữ của một chi bên ngoại trong Lại bộ, cha không chức, mẹ không danh, vào được danh sách tuyển là nhờ đút lót bạc mà chen chân. Nghe nói từng ba lần bị đánh trượt tuyển tú ở các vùng, lần này mới liều thân ra kinh.

La Tú Trinh mặt mày sa sầm, không dám phản bác. Vài thiếu nữ khác thấy thế liền lùi dần, chẳng ai dám tiếp lời nữa.

Trận gió chướng đầu xuân tràn về, mang theo bụi phấn đào rụng sớm, trên tầng gác cao khuất bóng mái ngói thanh lưu, một thân ảnh vận y bào màu thẫm đứng dựa vào lan can, sóng lưng thẳng tắp, trường bào khẽ tung bay theo gió.

Từ vị trí này, mọi động tĩnh đều thu gọn trong tầm mắt.

Khóe môi hắn khẽ nhếch, một tiếng cười gần như vô thanh thoáng qua, hắn nghiêng đầu, ngữ điệu cơ thể vừa như cợt nhã, vừa như nghiền ngẫm.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro