Chương 5
Tôi cần phải nhìn nhận lại những gì tôi đã trải qua đêm hôm qua.
Chàng trai sau tấm kính đó là ai? Liệu có phải... là người mà tiềm thức của mình trốn tránh không?
Nhưng nếu vậy, mình trốn tránh vì điều gì?
Tạm gác chuyện đấy, sau khi vệ sinh cá nhân, tôi tập tễnh xuống căng tin dưới tầng để ăn sáng. Lúc này tôi đã hoàn toàn có thể tự đi được mà không cần đến xe lăn, nên có lẽ hôm nay tôi sẽ tập đi từ phòng bệnh xuống căng tin. Trong lúc đi, tôi đi ngang qua cái thang máy của bệnh viện thì thấy một nhóm gồm khoảng mười người (toàn con trai) đang ở trong thang, ngoại trừ một người bị què chân thì tất cả những người trong thang đều khoẻ mạnh bình thường. Đã thế, thấy tôi còn rủ:
- Ê, vào trong này đi!
Rồi bằng một thế lực nào đó, tôi đã ở trong chiếc hộp kim loại đó từ khi nào.
Trên thực tế, cái thang máy ở bệnh viện nếu muốn nhấn số tầng, thì phải có thẻ của nhân viên
bệnh viện thì mới nhấn được. Chính vì thế mà chúng tôi chỉ có nước là để nó "trôi", trúng tầng nào thì hay tầng đấy. Nhưng thang lúc đó đang đi lên trên, chắc chắn không thể nào đến căng tin được.
Lúc lên tầng bốn, có một đám thanh niên khác ở ngoài. Như thểbonj nó coi trong thang như rạp xiếc, đám đấy cười khà khà rồi đi thang bộ. Đúng là vô duyên.
Sau đó, thang máy bắt đầu đi xuống tầng, những tưởng nó xuống căng tin, ai dè nó xuống tầng hai. Một cô y tá bước vào, thấy ở đây "đông vui" quá, cô bảo:
— Các anh làm gì ở đây?
— Dạ bạn cháu bị què chân nên cháu đi theo giúp bạn xuống căng tin... - Một đứa trong nhóm đó nói rồi chỉ cái thằng đang đi bằng chống nạng kia.
— Có mỗi anh này mà lắm người thế, nhân tiện đi theo thì có!
Rất may cô y tá đó cũng đang định xuống căng tin, nên chúng tôi không còn bị "trôi" xuống tầng "lạ" nữa. Mà công nhận cái-thằng-phải-bó-bột đấy dù bị què một chân mà nó "đi" còn nhanh hơn cả tôi gấp mấy lần, hệt như kangaroo vậy.
Trong lúc tôi đang ăn sáng, thì bỗng có một ai đó thả một cuốn băng cassette nhỏ ngay trước mặt tôi. Tôi ngó ra bên cửa sổ, ở ngoài đấy chả có bất kì ai. Tôi cầm cuốn băng đó lên, mặt sau có dán một mẩu giấy:
Bài này anh thích nhất đấy, em nhớ không?
Tôi lật mặt sau cuốn băng lại lần nữa. Dòng chữ viết tay nghiêng nghiêng, nét chữ hơi mảnh, có phần mềm mại — rõ ràng không phải chữ của một cậu con trai.
Và cũng không giống tôi.
Tôi cầm nó một lúc lâu mà quên cả ăn tiếp. Trái tim bỗng đập nhanh, không rõ vì lý do gì. Cuốn băng nhẹ, mỏng, nhưng cảm giác như đang giữ cả một ký ức ai đó từng trân trọng lắm.
Trong phòng căng tin vẫn ồn ào như thường lệ: tiếng muỗng va vào khay inox, tiếng nhạc quảng cáo rè rè từ chiếc TV bé xíu treo trên góc tường. Nhưng xung quanh tôi, mọi thứ bỗng mờ dần, như thể tôi đang tách mình ra khỏi thế giới này chỉ để đối diện với một câu hỏi duy nhất:
"Em có nhớ không?"
Tôi không nhớ.
Nhưng tôi muốn nhớ.
Tôi nhét cuốn băng vào túi áo rồi ăn nốt phần cháo nguội ngắt. Trên đường quay lại phòng, tôi rẽ ngang qua khu phục hồi chức năng — nơi có một cái máy cassette để dành cho bệnh nhân dùng lúc trị liệu.
Tôi đợi cho căn phòng trống người, rồi lén lút nhét cuốn băng vào khe máy. Nhấn "Play".
Tiếng rè đầu băng vang lên — rồi im lặng một chút.
Sau đó là tiếng đàn piano, mộc mạc, đơn giản. Không điêu luyện, không phức tạp — mà giống như tiếng ai đó gõ từng phím với cảm xúc đong đầy, cẩn trọng. Xen giữa bản nhạc là vài nốt huýt sáo lạc nhịp, nhưng lạ thay, nó không làm bài hát sai lệch, mà chỉ khiến nó... thật hơn.
Một lúc sau, tiếng của ai đó vang lên trong băng — không rõ ràng, như được ghi lại trong một chiều gió:
— Hôm nay em mệt lắm rồi đúng không... Vậy thì cứ lên giường nghỉ ngơi đi...
Rồi băng kết thúc bằng tiếng "click", rất khẽ, mà vang mãi trong đầu tôi.
Tôi nhìn máy băng. Không ai xung quanh. Nhưng nước mắt lại tự trào ra, như thể thân thể này nhớ điều gì đó mà lý trí chưa kịp theo kịp.
Tôi lặng lẽ tháo cuốn băng khỏi máy, siết nó trong tay.
Chiều hôm đó, tôi không xuống sân như mọi khi. Tôi chỉ ngồi lặng nhìn mảnh trời xám nhạt qua ô cửa sổ, tay vẫn nắm chặt cuốn băng như thể nó là thứ duy nhất buộc tôi vào một thế giới tôi từng thuộc về.
Một thế giới mà giờ đây tôi chỉ còn lại vài tiếng đàn, một tiếng gọi tên, và một nỗi nhói không tên.
Tối hôm đó, bác sĩ vào phòng, mang theo một tập hồ sơ và một nụ cười dịu:
— Mai em được xuất viện rồi, An à. Về nhà nghỉ ngơi, thay đổi không khí, có khi trí nhớ lại hồi phục tốt hơn.
Tôi gật đầu. Nhưng khi nhìn quanh căn phòng quen thuộc — chiếc giường đơn, khung cửa sổ in bóng cây nhài, vết nứt trần nhà — tôi thấy tim mình chùng xuống.
Tôi sắp rời khỏi nơi duy nhất mà những ký ức mơ hồ vẫn tìm đến tôi mỗi đêm.
Tôi lặng lẽ nhìn ra ngoài lần nữa. Cây nhài già vẫn đứng đó, lặng thinh. Như đang tiễn một điều gì đó mà tôi chưa kịp hiểu hết.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro