. Người học cách lắng nghe giai điệu
Kỳ lạ.
Kỳ lạ có nghĩa là gì?
Là một cái tên được gán cho những điều chưa kịp hiểu.
Là cách con người gọi những điều khiến họ bối rối.
Thế giới này vốn quen sống trong những gì quen thuộc, trong những lối mòn, những điều có thể cầm lên, đặt xuống, đo đếm, phân loại, quy chiếu vào đúng hoặc sai. Còn những điều mới mẻ thì sao? Bởi vì họ không gọi tên được, không nắm bắt được, cũng chưa kịp hiểu; thế nên là, khi gặp một người dám đi ngược, dám nghĩ khác, dám sống khác đi, họ vội vàng gọi đó là "kỳ lạ", như một cách để bảo vệ sự an toàn của chính họ, chính cái tôi của họ.
Han Giran là một người phụ nữ "kỳ lạ" như thế.
Ở cái thời đại mà người ta còn đang bàn cãi giữa cảm xúc và lý trí, giữa nghệ thuật và khoa học, thì bà đã miệt mài đi tìm mối liên hệ giữa âm nhạc và tư duy logic, một con đường riêng mà chẳng mấy ai chịu theo đuổi. Với bà, âm nhạc là ngôn ngữ thứ hai, nơi cảm xúc được tổ chức bằng logic, và logic có thể được viết thành giai điệu. Bà nghiên cứu mối liên hệ giữa âm nhạc và tư duy trừu tượng, cách những nốt nhạc gắn với con số, cách cấu trúc một bản giao hưởng có thể phản ánh cách bộ não xử lý thông tin. Bà viết nhạc như viết mật mã, và bà dạy con mình đọc được những mật mã đó bằng niềm tin rằng âm thanh cũng có thể mang ý định.
Han Giran cũng không giống những người mẹ khác trong giới âm nhạc. Bà không bắt con trai phải luyện Hanon mỗi sáng, không ép học solfège hay thi chứng chỉ. Thay vào đó, bà chơi với con trai một trò.
Một trò không có luật lệ rõ ràng, không có phần thưởng, lúc ấy bà sẽ đặt Jiyong ngồi vào lòng, tay lướt trên những phím đàn, có đôi khi chỉ là vài nốt piano vang lên từng nhịp, đôi khi là một khúc giai điệu u uẩn không có điểm kết. Trò chơi chỉ có duy nhất một quy ước:
"Nếu một ngày mẹ không thể nói, con vẫn sẽ hiểu tiếng mẹ."
Lúc ấy, Jiyong chỉ tám tuổi, và cậu không hiểu vì sao mẹ lại nói điều đó với vẻ nghiêm túc đến thế. Nhưng cậu ghi nhớ, câu nói ấy lặng lẽ neo vào, và cậu nhớ mãi, nhớ mãi cho đến tận sau này.
.
Khi Jiyong mười hai tuổi, mẹ mất.
Đột ngột, Không có chuẩn bị. Chỉ có một cây đàn cũ. Một mảnh giấy trong hộc tủ. Và những bản nhạc chưa từng có lời.
Jiyong không khóc nhiều. Nhưng từ hôm đó, cậu không bao giờ nghe nhạc mà không lặng đi giữa chừng. Vì cậu không chỉ nghe. Cậu đang cố dịch lại những điều mà có thể mẹ từng cố gắng gửi gắm.
.
Nhiều năm sau, khi đã là sinh viên âm nhạc, Jiyong không nổi bật vì kỹ thuật, cũng không phải người biểu diễn hay nhất. Cậu được nhớ đến vì cách chơi đàn như đang trò chuyện, vì những bản phối có gì đó giống như một câu hỏi chưa lời đáp.
----------------------
Hanon: một giáo trình luyện ngón rất nổi tiếng, giúp người học rèn luyện sự linh hoạt và độc lập của các ngón tay khi chơi piano.
Solfège: tên gọi của phương pháp rèn luyện khả năng "thị xướng" trong dạy học âm nhạc, có thể hiểu đơn giản là cách đọc nhạc.
Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro