AllKieu - Xóm nhỏ


"Tôi từng nghĩ mình đủ giỏi trong việc che giấu cảm xúc.
Cho đến khi đứng trước em - tôi phát hiện ra mình chẳng giấu được gì."

---

"Những chiều hè năm ấy."

Chiều hè trong xóm nhỏ bao giờ cũng mang theo tiếng ve râm ran và hương nắng thơm mùi lá ổi non. Trên bậc thềm quen thuộc trước sân nhà bà Hai - nơi tụi nhỏ hay tụ lại mỗi buổi chiều, Thanh Pháp ngồi giữa vòng tròn các anh trai, nhóc năm nay chỉ mới 5 tuổi, tay ôm một trái cóc non mà em kiên quyết bảo là mình sẽ tự gọt.

"Để anh làm cho, không thôi bị đứt tay bây giờ.", Minh Hiếu nghiêng người, đưa tay định lấy con dao nhỏ, nhưng bé Pháp liền lắc đầu cái rụp.

"Không! Pháp lớn rồi! Tự làm được!"

Mọi người bật cười. Minh Hiếu thì chỉ khẽ lắc đầu, ánh mắt lặng lẽ dõi theo bàn tay bé xíu đang loay hoay gọt cóc.

Ở một bên khác, Đăng Dương đã chuẩn bị sẵn muối ớt trong chén con. Anh cẩn thận nêm thêm tí đường, khuấy đều rồi đặt nhẹ trước mặt Pháp.

"Xong rồi thì chấm cái này nhen, cay xíu xiu thôi, bé Pháp ăn không giỏi cay mà."

"Anh Dương giống mẹ ghê." Pháp chu môi, nhưng trong lòng lại ấm êm lạ kỳ.

Thành An thì đang nằm dài trên nền gạch mát rượi, một tay vắt lên trán, một tay tung quả banh nhựa lên rồi bắt lại. Anh nhìn Pháp với nụ cười tinh quái, nhướng mày nói:

"Thế lớn rồi mà hồi nãy còn khóc vì con bướm đậu lên đầu là sao ta?"

"Không có khóc!"

Pháp đỏ bừng mặt, giậm chân, định cãi lại thì bị An lẹ như chớp chộp lấy, cù lét một cái.

"Chà chà, bé thỏ của anh giận kìa!"

"Không phải thỏ! Là hổ!"

"Ừ, hổ con giận đáng yêu ghê."

Tiếng cười giòn tan vang lên dưới ráng chiều vàng hoe. Hải Đăng vẫn ngồi ở bậc cao hơn, yên lặng đọc sách. Nhưng mỗi lần Pháp cười to, ánh mắt anh đều bất giác ngẩng lên nhìn. Không cần chen vào, chỉ cần thấy em vui là đủ rồi.

Đằng sau gốc ổi, Bảo Khang đang buộc dây diều, mắt liếc sang bên này:

"Thằng An đừng có chọc quá, lát bé Pháp lại khóc cho mà coi."

"Bé Pháp mà khóc thì anh Khang làm gì?"

Quang Anh nhẹ nhàng hỏi, tay xếp lại đống giấy màu giúp Pháp làm quạt.

"Thì..." - Khang ngập ngừng - "Thì đánh An."

"Ái chà," Anh Quân chống cằm, giọng khẽ khàng - "Vì bé Pháp mà đánh người, có tính là yêu không ta?"

"Con nít con nôi, yêu đương cái gì?".

Trường Sinh, anh trai ruột của Thanh Pháp nói rồi cóc đầu Anh Quân một cái.

Không ai trả lời nữa. Chỉ có nắng chiều rơi lấp lánh trong mắt các anh trai, và em trong vòng tay của cả thế giới dịu dàng.

---

"Rước đèn, rước cả một trời thương."

Tết Trung Thu năm ấy, cả xóm nhỏ rộn ràng hơn mọi khi. Trẻ con tụ tập ở sân đình từ sớm, tay đứa nào cũng cầm đèn: người có cá chép, người cầm ngôi sao, người lại ôm lồng đèn giấy kiếng hình bươm bướm.

Riêng Thanh Pháp - bé thỏ con mẫu giáo - thì cứ nhấp nha nhấp nhổm mãi, vì chưa có đèn. Em đứng nép bên cột đình, mắt lấp lánh dõi theo đám đông, tay nắm chặt vạt áo anh Trường Sinh.

"Anh ơi, mọi người có đèn hết rồi..."

Trường Sinh ngồi xổm xuống, nhét cái gì đó ra sau lưng, giả bộ ngó lơ:

"Ủa vậy hả, thì Pháp ngắm người ta rước cũng vui mà."

Pháp phụng phịu, môi trề ra, gương mặt nhỏ xíu ỉu xìu như bị rút hết pin.

Nhưng chưa kịp dỗi xong, một giọng cười khẽ vang lên phía sau:

"Pháp ơi, quay lại nè."

Là Minh Hiếu - tay cầm một cái lồng đèn gỗ xịn sò, sơn đỏ bóng loáng, hình con thỏ trắng đang bay lên trăng.

"Đây nè. Thỏ con phải đi với đèn thỏ mới hợp." - Minh Hiếu dịu dàng trao chiếc đèn cho Pháp, cúi người cột dây treo cẩn thận vào cổ tay bé.

"Đẹp quá trời..." - Pháp mắt sáng rỡ, quên sạch chuyện vừa buồn.

Trường Sinh cười bất lực, đưa cái lồng đèn giấu sau lưng cho Thanh Pháp. Mắt nhóc càng cong lên như vầng trăng, nói tiếng cảm ơn anh hai, mỗi tay một cái lồng đèn.

Thượng Long thì đang dắt theo Đức Duy nhỏ xíu đi phía sau, tay xách một bọc bánh kẹo để chia cho tụi nhỏ. Anh Quân và Hải Đăng thì chỉnh lại dây kéo trống cho nhóm múa lân.

Thành An với Quang Anh đang giành nhau cây gậy để dẫn đầu đoàn rước, trong khi Thái Sơn đang chỉ đạo: "Ai có đèn thì xếp hàng ngay ngắn nha! Mấy đứa giữ lửa cẩn thận đó!"

Đăng Dương và Bảo Khang thì đang loay hoay đem theo bánh kẹo, trái cây.

Riêng Bùi Anh Tú, cậu nhóc mới chuyển từ thành phố về xóm nhỏ vẫn còn lấp lửng không biết làm sao hoà nhập với mọi người.

Pháp được cả đám vây quanh. Em đứng giữa, ôm chặt hai chiếc lồng đèn của mình như ôm kho báu. Trường Sinh từ xa nhìn em cười toe toét, ánh mắt dịu xuống. Dù giả vờ lạnh lùng, anh vẫn luôn là người đặt làm đèn trước một tuần, chỉ để bé em có cái đẹp nhất.

Đến khi trống múa lân vang lên, cả đám bắt đầu rước đèn giữa ánh sáng lung linh, mỗi bước chân đều có tiếng cười vang vọng. Mà trong tiếng trống rộn ràng đó, các anh trai cứ vô thức mà dõi theo, thỉnh thoảng chạy lên giữ tay em, hoặc chỉnh lại quai đeo cho khỏi rớt.

"Nhìn bé Pháp kìa," Đăng Dương nói nhỏ, "Đèn chưa sáng bằng mắt em ấy đâu."

Phong Hào ở sau lưng, khẽ bật cười:
"Thì ai cũng mang đèn, nhưng chỉ có tụi mình... rước theo một vầng trăng."

---

"Một trận đánh nhau, một trời nước mắt."

Gốc ổi đầu hẻm trong xóm là nơi tụi nhỏ tụ tập mỗi chiều. Hôm nay, không biết vì trời nóng hay bánh ít mà Thanh Pháp và Thành An lại chí chóe nhau từ sớm.

"Trả bánh đây! Anh Khang cho em mà!."

Pháp nắm tay An kéo giật lại cái bánh nướng hình con cá.

"Cho em là anh Khang đưa lộn!"

An phồng má, cầm cao lên khỏi đầu.

"Anh ăn trước, giành là mất tình nghĩa nghe chưa!"

"Anh là đồ ăn gian!"

"Em là đồ mít ướt!"

Và rồi như một quả pháo bung bét, hai đứa nhỏ nhào vào nhau, một bên kéo áo, một bên cào mặt, bứt tóc túm đầu mà cũng chỉ là giơ tay huơ huơ, lăn lộn dưới đất như hai củ khoai mới đào.

Các anh xung quanh nghe tiếng động thì chạy ra, vừa thấy sự tình thì liền cuống lên:

"Thành An, buông ra!" – Minh Hiếu lao tới bế Pháp lên trước, vừa đỡ em dậy vừa phủi đất trên lưng áo bé.

"Pháp, em có sao không?" – Bảo Khang xót ruột tới mức mặt trắng bệch, lấy khăn giấy lau bụi trên má cậu bé.

"Mắt đỏ rồi nè, ai chọc em khóc hả?" – Quang Hùng tới sau, nhìn An như muốn bắt phạt.

"Thôi thôi đừng mắng nó," – Trường Sinh giữ An lại, lúc này An cũng lấm lem cát bụi, tóc xù như tổ quạ, mặt thì bặm lại cứng đờ. Thái Sơn phủi phủi bụi bặm trên người nhóc.

"Bé Pháp, có đau không?" – Bùi Anh Tú tới nhẹ giọng, đưa Pháp cái kẹo mút hình trái tim, ánh mắt dịu dàng như gió mát.

Pháp mếu máo, môi run run:

"An đánh em… lấy bánh của em…"

Nhưng Thành An lại gào lên:

"Em giành của anh trước!"

"Em không có!"

"Em có!"

Rồi như núi lửa nhỏ bùng phát, hai đứa lại lao vào nhau nếu không bị các anh giữ cứng hai bên. Thành An mếu máo, mắt hoe đỏ, miệng vẫn ráng cãi:

"Em… em hay chọc anh, em dữ lắm!"

Pháp bĩu môi:

"Anh cũng dữ! Em ghét anh!"

Nhưng chỉ vài giây sau, cậu bé bắt đầu nấc lên từng cơn, nước mắt nước mũi thi nhau rơi xuống. Mà kỳ lạ thay, An cũng khóc theo. Khóc như thể bị ai lấy mất cả bánh, cả trăng, cả em bé của mình.

Cuối cùng, hai đứa ngồi bệt bên nhau, vừa khóc vừa lau cho nhau bằng hai bàn tay lem luốc.

Minh Hiếu thở dài, khẽ cười.

Phong Hào thảy cho mỗi đứa một cái kẹo. "Hòa nha. Mai mà còn đánh nhau nữa là anh bắt ngồi ăn kẹo chung một tuần đó."

Đám con nít lặng đi một lúc. Rồi An chìa cái bánh cá cắn dở ra:

"Pháp… ăn chung không?"

Pháp liếc nhìn, do dự rồi gật nhẹ.

Trong ánh chiều nghiêng, hai đứa nhỏ ngồi gặm một cái bánh cá, nước mắt chưa kịp khô hẳn. Nhưng nụ cười thì đã trở lại, mềm mềm như bánh trôi tan ra trong nước ấm.

Tối đó, An lăn qua lăn lại trên giường nhỏ. Không biết có phải tại trưa ăn hai cái bánh cá hay vì chiều bị em khóc dỗi mà trong bụng nó cứ là lạ. Nhột nhột. Như thể có con sâu nào đang bò bên trong.

“Em là đồ mít ướt!”

An nhớ mình gào lên câu đó trước.

“Anh là đồ ăn gian!”

Em gào lại, hai má đỏ rực, cái môi trề trề, ánh mắt như muốn giáng sấm sét.

Rồi khóc. Lúc Pháp bật khóc, An giật mình. Ủa sao lại khóc thiệt vậy?
Nó hốt hoảng, loạng choạng ngồi dậy, định lau nước mắt cho Pháp mà tay run như chuột chù. Chưa kịp đụng vào thì anh Minh Hiếu, anh Khang đã lao tới bồng bế thỏ con đi như bảo vật.

An ngồi lại, cục tức đâu chẳng thấy, chỉ thấy như có ai bóp nghẹt tim.

Pháp mít ướt thiệt mà… Nhưng em mít ướt là của anh.

An lật úp người xuống gối, vùi mặt như con nhím cuộn tròn. Bàn tay nhỏ túm chặt góc mền.

Bực thiệt. Giận thiệt. Mà thương thiệt.

Em giành bánh của anh. Anh nói em mít ướt. Rồi em khóc. Anh cũng khóc.

Thành An chợt nhớ lúc hai đứa ngồi dưới gốc ổi, nước mắt nước mũi lem nhem, vậy mà vẫn ráng chìa cái bánh cá cắn dở ra:

"Pháp… ăn chung không?"

Thỏ con ngẩng lên, mắt đỏ hoe, rồi gật đầu. Như thể… dù đánh nhau, dù giành bánh, thì vẫn là “anh em”, vẫn có thể ngồi sát bên, nhón từng miếng bánh mà quên hết giận hờn.

An nhích người qua mép giường, với tay lấy hộp bút chì màu. Cậu hí hoáy gấp giấy, vẽ nguệch ngoạc hình con thỏ đội vương miện, bên dưới viết bằng nét chữ xấu như gà bới:

"Xin lỗi mít ướt. Mai anh cho em ăn trước nha."

An cẩn thận gấp tờ giấy lại, bỏ vào túi áo.

Mai gặp lại thỏ con, chắc sẽ giành đồ ăn nữa. Chắc sẽ cãi nhau nữa. Nhưng nếu em lại khóc…

Anh sẽ lau nước mắt cho em trước mọi người.

---

"Chiều tà ngập ngừng trong nắng với muôn vàn tiếng thương."

Chiều hôm ấy, trời trong veo như mắt mèo con. Mây lững thững trôi, nắng đổ xuống những hàng cau cao vút trước sân nhà Thái Sơn.

Pháp ngồi thụp xuống giữa sân, hai tay ôm một con mèo mướp gầy tong, vừa nhặt được ngoài bờ ao. Mèo run run, lông ướt sũng, nhưng khi được ôm vào lòng, nó ngoan lạ thường.

"Pháp đặt tên nó là gì?" – Quang Anh tới gần, đưa tay xoa đầu con mèo. Cậu bé dịu dàng như cái bóng mát lặng lẽ, không bao giờ lên tiếng lớn, nhưng luôn hiện diện khi Pháp cần.

"Mình đặt là… Mỡ." – Pháp đáp, mắt sáng rỡ.

"Ủa, nó gầy thấy xương mà đặt là Mỡ?" – Thành An ló ra từ cửa sổ, ôm gối ngồi trên bệ, cười khúc khích.

Pháp chu môi, dỗi:

"Thì tại em muốn nó mập lên."

Bảo Khang bước tới, trên tay là chén cơm trộn cá nhỏ, chắc vừa lén bưng ra từ bếp. Anh đặt chén xuống trước mặt Pháp, xoa nhẹ lưng em:
"Cho Mỡ ăn nha, mai mốt nó tròn như tên luôn."

Pháp gật đầu lia lịa, tiếng cười vang lên khe khẽ.

Ở góc sân bên kia, Minh Hiếu đang chống cằm nhìn cảnh tượng đó, mắt lim dim như ngủ quên giữa chiều nắng. Anh không nói gì, chỉ ngồi yên như thế – như thể bình yên với anh là khi Pháp ngồi đó, nắng phủ lên tóc em như mật ong chảy.

Phong Hào đang buộc dây diều, lát nữa thả ở cánh đồng. Quang Hùng đọc sách. Trường Sinh vác ghế ra, ngồi cắt móng tay cho Pháp, tay cẩn thận như đang gọt vỏ táo.

"Em lớn nhanh quá rồi," – Trường Sinh khẽ bảo, giọng trầm trầm. "Ngày xưa còn bé xíu, giờ biết đặt tên mèo, biết cãi thằng An luôn."

"Biết thương mèo là sắp biết thương người rồi đó nha." – Hải Đăng chêm vào, mắt cười cong cong.

Pháp đỏ mặt, úp mặt vào Mỡ:
"Em chỉ thương Mỡ thôi."

Lũ con trai bật cười. Bùi Anh Tú từ sau bụi râm bụt bước ra, trên tay là một cái vòng hoa nhỏ cậu kết từ bông cỏ.

"Cho em nè." – Tú cúi xuống, nhẹ nhàng đặt vòng hoa lên đầu Pháp.

Cả đám ngẩn ra một nhịp.

Và rồi không ai bảo ai, mỗi người tìm lấy một điều nhỏ bé để dành cho thỏ con:

Đăng Dương dúi một viên kẹo chanh vào túi Pháp.

Quang Anh xé góc truyện tranh gấp con thỏ giấy.

Thượng Long lấy khăn tay của mình buộc thành nơ bé xíu cột vào tay áo em.

Đức Duy thấy vậy, nhóc cũng muốn tặng cho Pháp cái gì đó, nhưng loay hoay mãi vẫn chẳng tìm được gì, mặt mếu máo sắp khóc, thế là bị Thành An chọc quê. Nước mắt rơi lã chã, Pháp phải ôm dỗ mãi mới nín.

Chiều đổ dài trên sân. Mèo Mỡ ngoan ngoãn ngủ gục trong lòng Pháp. Tiếng gió xào xạc lay từng tàu cau. Bóng mấy anh trai đổ xuống đất, dài hơn mái tóc em bé, rộng hơn cả vầng mây kia.

Buổi chiều ấy trôi qua trong tiếng cười giòn giã, ánh nắng nghiêng nghiêng như mật ong, và những cái nhìn đầy dịu dàng không cần gọi tên.

---

"Diều bay, lòng cũng bay theo."

Chiều thứ bảy, trời gió lồng lộng. Cả đám hò nhau kéo ra bãi đất cuối làng, nơi rộng thênh thang, đầy cỏ may và những gò đất nhỏ như tổ mối cũ. Hôm nay là ngày thả diều.

“Pháp! Cầm diều cho chắc nha, đừng để rách đó!” – Đăng Dương vừa buộc lại dây, vừa dặn đi dặn lại, ánh mắt nghiêm túc như sắp thi học kỳ.

“Dạaaa!” – Pháp đáp rõ to, tay ôm con diều hình thỏ trắng do Quang Anh và Phong Hào cùng nhau vẽ từ giấy lịch cũ. Hai tai thỏ cong cong, đuôi dán bằng giấy hồng phấn, đậm chất ‘bé Pháp'.

Bảo Khang bế Pháp đặt nhẹ xuống:

“Chạy vừa thôi, té là anh khóc trước em đó.”

Thành An đã sẵn sàng ở đầu gió, tay nắm sợi dây dài ngoằng cuộn trong lõi tre:

“Rồi! Đếm ba tiếng nha!”

“Ba… hai… MỘT!!!”

Pháp tung con diều lên, chân nhỏ chạy hết tốc lực, tay huơ huơ trong gió. Cánh diều run rẩy vài nhịp rồi bỗng chốc vút lên cao, nhẹ tênh như tiếng cười của cậu bé.

“LÊN RỒI!! LÊN RỒI NÈ!!” – Pháp hét to, hai mắt sáng như ngọc, vừa chạy vừa ngoái nhìn con diều bay cao khỏi những mái nhà.

Minh Hiếu đứng xa, mắt không rời Pháp một giây, tay cầm chai nước và cái nón tai bèo bé xíu:

“Nắng đó, lát mà đỏ má là anh Sinh phạt anh đầu tiên luôn…”

Thái Sơn đứng che nắng cho Pháp bằng cái áo sơ mi buộc hờ lên đầu như thầy tu, chọc ghẹo:

“Thỏ nhỏ nhà mình hôm nay điều khiển gió rồi ha?”

Phong Hào thì quay sang Đức Duy anh đang cõng sau lưng, chỉ tay:

“Nhìn kìa Duy, bé Pháp thả diều giỏi ghê chưa?”

“Pháp giỏi nhất!” – Duy reo lên, hai tay vỗ vào vai anh.

Thượng Long ngồi viết vội tên “Pháp” bằng cỏ bện, lặng lẽ gài lên khung diều khác làm sẵn, không ai hay.

Bùi Anh Tú chụp lại khoảnh khắc ấy bằng chiếc máy ảnh cũ mượn của ba: Pháp đang ngước nhìn bầu trời, tóc bay loà xoà, cười đến mắt nhắm tít, mà xung quanh là cả một vòng tròn thương yêu.

Một cơn gió mạnh ào qua, làm con diều bay vụt cao hơn, dây căng như sắp đứt. Pháp sợ quá, ôm lấy tay Thành An:

“An ơi! Nó bay mất! Nó bay mất!”

An hốt hoảng kéo dây lại, mà tay nhỏ run rẩy. Các anh bu lại, người giữ dây, người giữ Pháp.

Cuối cùng, con diều bình an. Pháp thở phào, rồi quay sang ôm chầm lấy An:

“Cảm ơn An…”

An đỏ mặt, hừ nhẹ.

“Em làm anh hết hồn… Từ nay thả cùng anh thôi, không được chạy một mình nữa!”

Pháp gật đầu, ngoan ngoãn đến độ ai cũng bật cười.

Chiều xuống dần. Cánh diều vẫn chấp chới trên cao, gió mát rượi, tiếng cười vang vọng khắp bãi đất trống.

Không ai nói ra, nhưng trong lòng tất cả đều biết – có một ngày, Pháp sẽ lớn. Có thể cao hơn, mạnh hơn, rực rỡ hơn. Nhưng mãi mãi, trong khoảnh khắc này, em là thỏ nhỏ giữa vòng tay tụi anh – rạng rỡ, trong veo, và được yêu thương đến tận trời xanh.

---

"Góc ổi năm ấy."

Trời hè của nhiều năm sau, ai cũng chọn cho mình hướng đi riêng, xóm nhỏ ngày nào vắng đi tiếng cười, tiếng ríu rít quen thuộc. Gió chiều muộn lùa qua ngõ nhỏ, quẩn quanh những bờ tường rêu phong, chạm vào lòng người những ký ức xôn xao không rõ tên. Làng quê vẫn yên ả như xưa, chỉ có thời gian là trôi đi mất. Và dưới tán ổi cũ bên bãi đất trống, những người từng là “anh trai của bé Pháp” lần lượt trở về.

Minh Hiếu về đầu tiên, dáng cao lớn khoác áo sơ mi trắng giản dị, tay còn xách theo giỏ trái cây quê như thói quen ngày bé. Anh đứng nhìn lên cây ổi đã già, cành vẫn vươn về phía bầu trời, rì rào trong gió như tiếng gọi năm nào.

Rồi từng người một, chẳng hẹn mà cùng đến. Dù mỗi người nay đã lớn, có cuộc sống riêng – người nơi phố thị, kẻ ở xứ người – có người chọn ở lại đây, nhưng đều mang theo một mảnh tim khẽ rêu phong, cất riêng cho Pháp.

Họ ngồi thành vòng tròn như ngày xưa, dưới tán ổi giờ đây đã cao hơn mái nhà. Mỗi người một ly trà quê, tay chạm đất, mắt chạm trời, lòng chạm nhau bằng thinh lặng.

Anh Quân khẽ hỏi:

“Pháp cũng nói sẽ về hôm nay, đúng không?”

Gió nhẹ khẽ lay, như một cái gật đầu vô hình. Và rồi từ con đường nhỏ, tiếng bước chân vang lên quen thuộc – nhanh nhẹ, ríu rít như tiếng gió đùa trong lá.

Em đã về. Đi theo sau là Trường Sinh đang nhắc em chạy chậm lại.

Không còn là thỏ nhỏ tóc bù xù, không còn chạy líu ríu gọi “anh ơi” mỗi chiều thả diều, nhưng ánh mắt ấy – ánh mắt nhìn các anh trai như cả bầu trời thuở bé – vẫn vẹn nguyên như ngày nào.

“Em về rồi đây.” – Pháp cười, mà mắt long lanh.

Không ai nói gì. Cả nhóm chỉ đứng dậy, mở rộng vòng tay – vòng tay đã từng bảo vệ Pháp qua những ngày nắng cháy, mưa giông, giấc mơ tuổi thơ và cả những buổi tối cúp điện kể chuyện ma.

Pháp ôm từng người một. Dáng ôm có chút khựng lại ở Thành An – anh vẫn như năm nào, lặng lẽ đứng nhìn, rồi mới lúng túng siết lấy cậu thật chặt.

“Ổi chín chưa?” – Pháp ngước lên hỏi nhỏ.

Bảo Khang bước tới, gỡ nhẹ một quả ổi non giấu sau lưng, đưa vào tay Pháp:

“Ổi năm nào, năm nào cũng chín… chỉ đợi em về hái.”

Chiều rơi rất nhẹ. Gió thổi qua tán ổi, mang theo cả tiếng cười của năm tháng cũ. Không ai nói ra, nhưng tất cả đều cảm thấy – dù đi xa đến đâu, dù có trưởng thành thế nào, thì trái tim của họ vẫn cột chặt vào một điểm:  là em, em là cả mùa hè và giấc mơ của những trái tim ngày ấy.

---

"Em là mùa hè không tắt."

Hoàng hôn buông xuống nhẹ như một giấc mơ, ánh nắng cuối ngày rơi nghiêng qua những kẽ lá, in bóng dài lên mặt đất ẩm mùi quê. Dưới tán ổi, họ, những chàng trai từng lớn lên cùng nhau, từng thương một người tên Pháp theo những cách không giống nhau – lại ngồi quây quần.

Không còn là những đứa trẻ cãi nhau vì một trái ổi, cũng không còn là những thiếu niên lúng túng khi tim mình loạn nhịp bởi nụ cười ai đó. Giờ đây, họ là những người đàn ông trưởng thành, đủ từng trải để biết rằng tình cảm năm ấy – dù chẳng gọi thành tên – vẫn là điều đẹp nhất trong tim.

Hải Đăng ngồi bên Pháp, tay đưa cho em một trái ổi đã gọt sạch vỏ, cẩn thận như thể không muốn tay Pháp bị dính một vết xước. Em ăn một miếng, cười lém lỉnh nhìn anh:

“Ổi vẫn chua như vậy ha.”

Bảo Khang từ xa đưa qua một ly trà:

“Uống đi, trà ngọt bù lại. Hồi nhỏ em cũng nhăn mặt kiểu đó khi ăn ổi mà.”

Thành An cười nhẹ, nằm dài xuống bãi cỏ:

“Hồi nhỏ còn đánh nhau nữa kìa, giờ thì cấm có ai động tới Pháp… trừ anh.”

Anh quay sang, cười trêu:

“Nhưng Pháp không khóc nữa rồi, lớn ghê ha.”

Phong Hào bật một bản nhạc không lời từ loa nhỏ mang theo – giai điệu như gió mơn man, như ánh chiều rơi trên vai áo ai.

Mỗi người một góc nhỏ, trò chuyện rì rầm, ánh mắt lúc nào cũng hướng về phía Pháp. Không ai chen lấn, không ai vội vã. Họ thương Pháp bằng một tình cảm dịu dàng và tĩnh lặng – như mặt hồ lặng gió, như vệt nắng cuối ngày.

Pháp quay vòng nhìn từng người, chậm rãi nói:

“Em chưa từng nghĩ… mình sẽ có một nơi để quay về. Nhưng mỗi lần thấy nơi này, thấy các anh, em lại nghĩ: em cũng có nơi để quay về mà.”

Câu nói ấy rơi xuống, như viên sỏi nhỏ rơi vào mặt hồ yên ả. Không tạo thành sóng lớn, nhưng khiến lòng người rung lên khe khẽ.

Đăng Dương vuốt tóc em:

“Chúng ta… là nhà của em.”

Pháp mỉm cười. Một nụ cười không vướng bụi thời gian, không nhuốm mệt nhọc, chỉ có ánh sáng – như thể cả mùa hè năm ấy ùa về.

Và rồi khi trời nhá nhem, họ cùng nhau trải chiếu, thắp một vài cây đèn nhỏ, quây lại ăn bữa cơm quê như những mùa hè xa xưa.

Có tiếng cười vang vang.

Có ánh mắt trao nhau lặng lẽ.

Có những bàn tay suýt chạm, rồi thôi.

Có một người gục đầu ngủ ngon bên vai anh lớn nhất trong nhóm, và chẳng ai đánh thức.

Gió vẫn thổi. Lá vẫn rì rào.

Dưới gốc ổi ấy, chẳng ai nói thành lời.

Nhưng tất cả đều biết, họ đã có một kết thúc – không phải là kết thúc của nhớ thương, mà là sự tiếp nối vĩnh viễn của một thứ cảm xúc mang tên: "Em từng là mùa hè, giờ là mãi mãi."

End.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro