AnKieu - Làng Hạ


Đặng Thành An - Nguyễn Thanh Pháp

---

"Trầu em têm từ sáng,
Anh mang tới nhà em,
Mẹ cười pha trà ấm,
Mình thương nhau thật hiền."

---

Buổi trưa làng Hạ rơi vào cơn nắng nhè nhẹ, lúa ngoài đồng mới trổ bông vàng hoe, thơm hương mật mát rượi. Dưới hiên đình làng, cậu thiếu gia Thanh Pháp đang ngồi bắt chân chữ ngũ, tay vỗ nhịp, miệng hát khe khẽ một khúc dân ca cũ, giọng ngân lên như thể có ai buộc sợi tơ mây vào gió rồi thả cho bay.

Áo lụa trắng thêu hoa cà, em đẹp đến lạ. Đẹp như một đóa hoa cau mới nở, thơm ngọt và trong trẻo.

Và đó là lần đầu tiên, Thành An gặp Pháp.

Chiếc xe Peugeot cổ lăn bánh qua đường làng phủ bụi, dừng lại nhẹ nhàng bên gốc bàng lớn đầu đình. Công tử Thành An bước xuống - áo sơ mi nhã nhặn, kính râm nhỏ, tóc vuốt gọn - một phong thái nửa Tây nửa ta, đủ khiến mấy cô bán chè bên đường nuốt luôn tiếng rao.

An đang trên đường từ nhà ông chú ruột trở về, tiện thể ghé ngang hội làng xem thử có gì vui, ai dè... bắt gặp em ngồi hát dưới bóng cau.

Cảnh đó như bước ra từ tranh.

Em không biết mình đang bị nhìn. Thành An cũng không vội lên tiếng. Anh tựa người vào mui xe, khoanh tay, nhếch môi. Một kiểu nhếch môi đặc trưng của mấy kẻ biết mình sắp thích ai đó - và sẵn sàng phá rối.

Từ phía hàng ghế đá, có tiếng gọi nhỏ:

"Ê An, coi chừng mày mê rồi nghen."

Là Minh Hiếu, bạn thân của An, vừa từ phía chợ quê chạy tới, tay ôm mấy quyển sách Tây. Hiếu liếc nhìn Pháp, rồi quay lại cười toe:

"Cậu đó hả? Cậu Pháp. Con trai ông Địa chủ Nguyễn. Đẹp nổi tiếng cả ba làng. Nhiều người đem trầu cau qua lắm, nhưng người ta cũng hổng ưng ai."

Thành An khẽ cười.

"Người ta càng khó, tao càng muốn theo."

Nói rồi, An mở cửa xe, lấy ra một chiếc kèn harmonica nhỏ. Anh thổi nhẹ vài nốt nhạc, vừa đủ để người kia phải quay đầu lại.

Pháp ngước lên. Mắt em dính phải ánh nắng, long lanh một cách bất đắc dĩ.

Ánh nhìn ấy chạm vào ánh nhìn của An - lạ lùng, chẳng có gì gấp gáp. Chỉ là một cái liếc, rồi lại cúi xuống như chưa từng có gì xảy ra.

Mà tim Thành An thì đập hai nhịp không đều.

"Ừm... Em đẹp thiệt."

---

Làng Hạ vào mùa cau trổ, hương hoa trắng phau lặng lẽ rơi xuống mái ngói cũ, mùi dịu như thể gió cũng ngần ngại bay mạnh. Pháp thường dậy sớm hơn người ta, không phải vì siêng, mà vì em thích cái yên ả lúc trời còn chưa nắng gắt.

Vườn nhà Pháp có hai hàng cau thẳng tắp, cao vút. Mỗi sáng, em bưng giỏ tre ra bẻ vài chùm cau non, đem vô nhà cho mẹ têm trầu. Tay áo vén cao, đôi dép mộc kẽo kẹt trên nền gạch rêu.

Sáng nay cũng thế.

Chỉ là... trong giỏ cau có gì đó lạ.

Một mảnh giấy nhỏ, gấp làm tư, nằm gọn dưới đáy. Mực tím còn vương dấu tay. Em mở ra, đọc thấy dòng chữ xiêu vẹo như gió thổi:

"Người hay hát ở đình
Hôm nay cau có ngọt?
Nếu có ai trồng cây,
Là để chờ em bẻ."

Pháp đứng sững một lúc, sau đó... khẽ bật cười.

"Công tử này rảnh ghê."

Em cười, má ửng hồng hiện ra rõ hơn dưới ánh nắng đầu ngày. Em biết ai để. Cả làng này ai viết thơ vụng về mà vẫn thích chơi ngôn từ như thế, ai có thể nhờ Quang Hùng - ông chủ tiệm tạp hóa - chuyển giùm "gói trà" tới vườn sau mà lại gói nhầm một tờ thơ tình?

Ừ, là Thành An chứ ai.

Từ sau hôm hội làng, công tử An cứ có lý do để ghé làng Hạ. Lúc thì bảo "đường đi xe bị hỏng, ghé vào sửa", lúc thì "Minh Hiếu quên trả sách". Thế mà lạ, cứ mỗi lần Pháp đi bẻ cau, lại có thơ. Mà thơ thì dở - nhưng được cái khiến người ta nghĩ hoài không dứt.

Pháp không trả lời. Em chỉ lấy lá cau gói cau non, lặng lẽ đặt cạnh gốc mít già gần bờ ao - đúng nơi chiếc xe Peugeot từng đỗ. Lặng lẽ mà như cố ý.

Chiều đó, An đi qua, thấy gói cau, mở ra bên trong có một mẩu giấy:

"Cau non chưa ngọt đâu. Nhưng nếu có ai chịu đợi. Biết đâu một ngày. Em sẽ gật đầu."

Lần đầu tiên, Thành An ngẩn người giữa vườn cau. Còn chiếc xe đạp của Minh Hiếu vừa đi ngang, chở theo Bảo Khang phía sau, cả hai đều nhìn An cười mỉm:

"Làm cái gì mà ngẩn người vậy, bị từ chối rồi chứ gì."

An lắc đầu, cười hạnh phúc.

"Không. Mà là... được đáp lại rồi."

---

Chiều làng Hạ xuống chậm. Trời tím như thể ai quét mực nhạt lên nền trời rồi hong khô bằng gió. Trẻ con nô đùa bên đám ruộng mới gặt, gà mẹ lạch bạch gọi con về chuồng, còn Thành An thì giả vờ "ngang lối".

Ruộng nhà ông Địa chủ Nguyễn - tức nhà của Pháp - nằm sát bên đường cái. Mỗi chiều, An đều đi bộ qua đó, tay đút túi quần, chân đá vài hòn đất, đầu không ngoảnh nhưng mắt lại lia một góc duy nhất - nơi có em thiếu gia đang lom khom gom rơm phụ người làm.

Hôm nay cũng thế. Nhưng An không ngờ...

Pháp ngẩng đầu lên.

Ánh mắt hai người chạm nhau.

Không né, không ngại, không giả vờ nhìn mây nhìn gió nữa.

Pháp đứng dậy, tay phủi sơ bụi áo, rồi chậm rãi bước tới mép đường. Nắng chiều in bóng em xuống nền đất, kéo dài mảnh mai như một nét vẽ u sầu. Gió thổi, áo lụa bay nhẹ, mái tóc mềm lòa xòa trước trán.

"Công tử còn đi qua đây hoài, người ta sắp tưởng An có ruộng ở đây á."

Thành An bật cười.

"Vậy cho tui thuê vài sào. Có người trồng rơm đẹp thế, tui muốn ra coi mỗi chiều."

Pháp lườm nhẹ, nhưng không giấu được nụ cười đang ráng trốn ở khóe môi.

"Sao mà người nhìn hoài không mỏi mắt vậy công tử?"

An nhướng mày, bước lại gần thêm chút nữa.

"Tại vì... người đó làm tui muốn cắm rễ ở đây luôn."

Tim Pháp khẽ đập.

Mấy con chim sẻ bay lên khỏi đám rơm, ríu rít, rồi biến mất sau rặng tre cuối ruộng. Cả làng như tĩnh lặng một giây, chỉ còn tiếng nắng và trái tim đang rộn ràng hơn bình thường.

Ở xa xa, Hải Đăng - người con trai làm trong trại gốm làng bên - đang đi ngang trên chiếc xe thồ, thấy hai người đứng sát nhau liền huýt sáo khe khẽ. Phía sau, Thành An giả bộ chạm nhẹ tay em, còn Pháp khẽ cười, rạng rỡ cả một góc chiều.

Chưa ai nói gì rõ ràng.

Nhưng mỗi chiều trôi qua, ánh mắt của họ lại đứng gần nhau thêm một đoạn.

---

Chiều nay có mưa. Mưa không to, chỉ lất phất như ai rắc bụi nước lên mái rơm, rơi xuống sân lát gạch nghe tí tách, khiến không gian vốn đã chậm rãi nay càng lặng hơn nữa.

Pháp ngồi trong chái nhà, dưới tán trầu mẹ trồng từ hồi cưới ba. Trầu leo quanh cột gỗ, lá xanh mướt, bóng và thơm nhẹ mỗi lần mưa chạm vào. Em bưng một rổ trầu vừa hái, đang cẩn thận xếp cho đẹp.

Thành An đi ngang, áo sơ mi xắn tay, tóc hơi ướt mưa, tay cầm theo một tấm áo mỏng.

"Trời trở lạnh rồi, em không mặc thêm áo hả?"

Pháp ngẩng lên, chưa kịp trả lời, thì An đã bước vào hiên, nhẹ nhàng khoác áo lên vai em. Lưng Pháp hơi giật khẽ, nhưng rồi không né. Em cúi đầu, giọng nhỏ như tiếng mưa:

"Công tử hay lo xa ghê..."

An ngồi xuống bên cạnh, không đụng vào người em, chỉ dựa nhẹ lưng vào cột gỗ, mắt nhìn lá trầu trước mặt.

Một lát sau, An cất giọng, chậm rãi như thể đã ủ trong lòng từ lâu:

"Lúc nhỏ, tui nghĩ người ta chỉ trồng trầu để têm ăn, để làm sính lễ cưới vợ. Sau này, mới hiểu... có những thứ mình trồng chỉ vì muốn nó ở gần, vì nhớ ai đó từng ngồi dưới tán lá y chang vậy."

Pháp im lặng. Tay khựng lại giữa chừng.

An xoay đầu, ánh mắt chân thành:

"Pháp... Nếu tui nói, tui trồng cau, trồng trầu, trồng cả lý do để ngang lối... là vì em, thì em có tin không?"

Pháp mím môi, rồi khẽ nghiêng đầu dựa vào cột bên cạnh An. Không gật, không lắc. Nhưng không rời đi.

Ngoài sân, Minh Hiếu đi qua, tay xách bó hoa cau trắng, định gọi với vào nhưng thấy hai người ngồi im lặng cạnh nhau dưới tán trầu thì dừng lại. Anh mỉm cười, xoay lưng lặng lẽ, để lại hai người với mùi lá trầu nồng nhẹ, và một nhịp tim đang khe khẽ gọi tên nhau.

---

Trời vừa sáng sớm.

Nhà họ Đặng rộn ràng hẳn lên từ tinh mơ. Người hầu kẻ hạ chưa hiểu chuyện gì, đã thấy cậu hai mặc áo the, tóc chải mượt, tay cầm trầu têm cánh phượng mà mắt long lanh như đứa trẻ chuẩn bị được đi hội làng.

"Con muốn cưới. Cưới người đó. Cưới liền."

Ba mẹ chưa kịp hỏi "người đó là ai", thì anh đã quay xe, dẫn theo đoàn người cầm tráp đỏ, gánh trầu, cau, trầu têm chữ song hỷ, chè bánh... thẳng hướng về nhà họ Nguyễn. Ông bà Đặng chiều con, nghe nói cưới em thì cũng ưng ưng trong bụng.

Ở nhà bên kia, Pháp vừa rửa mặt xong, tóc còn ướt, đang ngồi chẻ cau phụ mẹ.

Bỗng nghe tiếng trống, tiếng nói cười, tiếng mấy bà trong xóm í ới:

"Con ông bà Hội đi hỏi cưới đó! Mà nghe đâu là... cậu út nhà Địa chủ!"

Pháp cứng tay.

Em còn chưa kịp chạy ra ngõ, thì Thành An đã bước vào sân, tay cầm một giỏ trầu nhỏ, mắt không nhìn ai ngoài Pháp.

"Em Pháp" - giọng An trầm và nghiêm, nhưng mắt lại sáng rỡ như ánh nắng xuyên qua tàu cau - "Tui tới hỏi cưới em. Trầu cau đây. Cánh phượng cũng có. Lòng tui, càng không thiếu."

Pháp đứng yên, má ửng hồng. Mẹ em nửa kinh ngạc nửa mừng rỡ, còn mấy bà cô xung quanh thì "ối zời ơi" rộn ràng như đang xem hội chèo.

An bước lại gần, khẽ nghiêng người:

"Tui không chịu được nữa đâu. Mỗi chiều ngang lối, tui đều mong một lần em đứng chờ tui. Nhưng hôm nay, tui muốn em đứng đó, mặc áo cưới, chờ tui dắt về."

Pháp cúi đầu, bàn tay nhẹ siết lấy vạt áo.

Mưa xuân bất ngờ rơi lất phất. Những chiếc lá trầu rung nhẹ trong gió, cau trên tay em rơi một quả, lăn đến đúng chân An.

Em ngẩng đầu, mím môi cười:

"Công tử... không đợi em têm trầu cho xong đã?"

An cười, nụ cười rạng cả khoảng sân:

"Trầu thì têm sau cũng được. Còn em, để lâu... tui sợ người khác hỏi mất."

Tiếng cười rộ lên khắp xóm.

Tiệc hỏi cưới dựng liền trong chiều. Mấy anh trong làng tới phụ: Quang Hùng làm nhạc, Bảo Khang bưng mâm bánh, Đức Duy chạy qua chạy lại giữ khăn cưới, còn Minh Hiếu lắc đầu cười:

"Cái thằng An này... nói cưới là cưới thật."

Pháp đứng bên cửa, tay cầm lá trầu, nhìn ra sân, mắt long lanh nhưng môi cười dịu dàng.

Từ giờ, em không còn là người được người ta theo đuổi nữa.

Em là người... được đón về.

---

Cả làng hôm đó vui như hội.

Đám cưới của công tử Thành An và cậu út nhà Địa chủ - Thanh Pháp - khiến người ta không ngớt lời xì xào, nhưng chẳng phải vì dị nghị. Mà là vì hiếm khi thấy một cặp đôi nào lại hợp đến thế.

Người thì bảo: "Công tử đẹp trai như trai thị thành, mà chịu cưới vợ ở quê."
Người lại tủm tỉm: "Cưới gì cưới lẹ vậy, hôm qua còn nghe nói cậu Pháp sắp đi coi mắt người ta mà."

Pháp mặc áo dài gấm đỏ rực, đầu đội khăn đóng, môi chỉ son nhạt thôi mà sáng bừng như ánh trăng. Em bước từng bước giữa sân, chầm chậm như sợ dẫm lên những cảm xúc vừa nở rộ trong tim.

An đứng chờ dưới mái hiên, tay cầm trầu têm cánh phượng - loại anh đã tự tay học têm suốt cả tháng nay, chỉ vì muốn ngày cưới, là chính tay mình dâng lên người thương.

"Em tới rồi" - An nói khẽ, và trời bỗng hửng nắng.

Pháp ngẩng lên, cười nhẹ, má đỏ hơn màu son. Em vươn tay nhận lá trầu, lòng rưng rưng.

"Em có chạy đâu mà anh phải đuổi gấp vậy..."

"Tại anh sợ," - An thì thầm, cúi xuống thật gần - "sợ người ta hỏi mất người đẹp nhất làng, dịu dàng nhất xóm, mà lòng thì giờ không còn chỗ cho ai ngoài anh."

Tiếng pháo cưới nổ đùng đoàng. Mấy đứa trẻ chạy nhảy vòng quanh, giẫm cả vào bụi hoa nhưng ai cũng cười. Mẹ Pháp lau nước mắt, còn ba An thì gật đầu hài lòng:

"Lấy được Pháp là phúc ba đời nhà con đó."

Tối hôm ấy, dưới tán trầu bà - nơi từng có lần hai người ngồi lặng im nghe mưa - giờ treo đèn cưới, đèn giấy đỏ hồng. Pháp ngồi têm trầu lại cho An, còn An thì ngồi ngắm Pháp, mắt không rời nửa giây.

"Mình có thể sống thế này hoài không anh?"

"Hoài chứ" - An trả lời chắc nịch. - "Nếu em không chán anh."

Pháp ngẩng đầu, tay ngừng têm, khẽ đập nhẹ vào vai An:

"Em còn chưa ăn hết mớ trầu hôm cưới, làm sao chán nổi người têm trầu cho em?"

Ngoài sân, trầu quấn quanh cây cau, trổ những lọn hoa trắng ngần. Gió thoảng qua, mùi thơm nhẹ bay đến.

Đêm đó, cả làng ngủ sớm, nhưng hai người thì thức tới khuya.

Họ nói với nhau chuyện mai này trồng thêm cau, thêm trầu. Rồi khi nào trầu quấn đầy giàn, họ sẽ ngồi têm trầu cho nhau.

Bởi từ hôm nay trở đi, người ấy đã là... người nhà.

---

"Anh anh ơi ! Người tình tôi ơi !
Anh anh ơi ! Xem người ta họ cưới nhau rồi !

Em em ơi ! Người tình tôi ơi !
Em em ơi ! Chuyện chúng mình cũng tính đi thôi !"

End.

Bạn đang đọc truyện trên: truyentop.pro